Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Vị Xuyên & thế sự Việt Trung (Trích, kỳ 4)

anh

 

NHỮNG TẤM GƯƠNG HY SINH ANH HÙNG BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC TRONG NGÀY 17/2/1979

ANH HÙNG-LIỆT SĨ TRẦN NGỌC SƠN: 1 QUẢ LỰU ĐẠN + 25 VIỆN AK DIỆT 78 LÍNH TÀU NGÀY 17/2/1979

Phạm Viết Đào

Đồng chí Trần Ngọc Sơn sinh năm 1958, dân tộc Kinh, quê phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhập ngũ tháng 5-1978. Khi hy sinh đồng chí là binh nhất, tiểu đội phó C16 công binh, E12, F3, QĐ14, QK1, đoàn viên TNCS HCM.

Ngày 17-2-1979, địch được pháo binh yểm trợ bắn phá dữ dội vào trận địa ta, sau đó dùng lực lượng bộ binh tiến công chiếm trận địa chốt của đại đội. Trần Ngọc Sơn chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, biết cơ động, nghi binh lừa địch, chờ quân địch đến gần mới nổ súng, khi dùng lựu đạn, khi dùng tiểu liên bắn. Đồng chí bị thương vẫn tiếp tục ở lại chiến đấu, đến khi chỉ còn 1 quả lựu đạn, Trần Ngọc Sơn dũng cảm chờ địch đến gần mới ném vào giữa đội hình địch. Trận này đồng chí đã diệt 70[i] tên địch và anh dũng hy sinh.

Ngày 20-12-1979, liệt sĩ Trần Ngọc Sơn được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Huân chương Quân công hạng 3(http://trianlietsi.vn/new-vn/Trang-vang-liet-si/1734/anh-hung-liet-sy-tran-ngoc-son.vhtm).

Đọc những dòng viết vắn tắt trên khó có thể hình dung và tin được: làm thế nào Trần Ngọc Sơn lại có thể tiêu diệt được 78 tên lính Trung Quốc trong ngày 17/2/1979 tại Mốc 19, khu vực pháo đài Đồng Đăng, theo thông tin báo chí hồi đó đưa?

Tôi đã đến tận nhà Anh hùng liệt sĩ Trần Ngọc Sơn, nhà gia đình hiện ở số nhà 78 đường Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội; tại gia đình, tôi đã gặp bố mẹ Trần Ngọc Sơn, chú của Trần Ngọc Sơn là ông Trần Văn Xuân – Anh hùng lực lượng vũ trang với chiến công bắn hạ 8 máy bay lên thẳng bằng tên lửa A72 trong chiến tranh chống Mỹ…

Trước khi đến để tìm hiểu về kỳ tích của Anh hùng-liệt sĩ Trần Ngọc Sơn, qua một vài nguồn tin tôi được biết: trong giai đoạn đầu của cuộc chiến khi Trung Quốc bất ngờ tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc 17/2/1979, bộ đội ta lúc đó mỗi người chỉ được cấp 25 viên AK?

Có nguồn tin nói: Trần Ngọc Sơn tiêu diệt được 78 tên lính Trung Quốc là do trước đây nhà anh ở Hàng Buồm, nhà ở cạnh nhiều gia đình người Hoa nên anh biết tiếng Hoa. Do biết tiếng Hoa nên trước đó anh đã tìm cách liên lạc “mua lậu” được thêm đạn của lính Trung Quốc để chiến đấu…

Sự thật này được sáng tỏ khi tôi được nghe Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Xuân, chú của Trần Ngọc Sơn kể lại: “Đây là anh tôi, ông Trần Văn Tiệp bố Trần Ngọc Sơn. Trần Ngọc Sơn, cháu là một y tá, khi huấn luyện cháu là một xạ thủ giỏi, bắn được 30 điểm, được thưởng 10 ngày phép…

Cháu được phân công làm y tá phục vụ; khi đơn vị bị Trung Quốc tấn công ồ ạt, buộc phải rút lui nên đã để lại một kho vũ khí quan trọng. Nếu kho vũ khí này rơi vào tay quân Trung Quốc thì vô cùng nguy hiểm. Chỉ huy đã lấy ý kiến: ai xung phong trở lại khu vực quân Trung Quốc chiếm đóng để phá hủy kho vũ khí đó?

Cháu Sơn với truyền thống yêu nước của gia đình đã xung phong nhận nhiệm vụ phá hủy kho vũ khí đó, mặc dù nhiệm vụ của cháu là y tá... Trần Ngọc Sơn được cấp 25 viên đạn và một quả lựu đạn[ii] đã luồn lách quay trở lại được kho vũ khí nằm trên một quả đồi ở cột mốc 79.

Trần Ngọc Sơn đã khôn khéo dử lính Trung Quốc tập trung về phía mình. Khi lính Trung Quốc tập trung đông tiếp cận gần kho vũ khí thì Trần Ngọc Sơn cho nổ tung…

Kết quả kho vũ khí nổ, cháu bị mất xác kèm theo 78 xác tên Trung Quốc xâm lược. Số liệu này báo chí hồi đó đưa tin…”

Hiện nay, tại Hà Nội rất ít người biết về chiến tích của liệt sĩ-anh hùng Trần Ngọc Sơn; Nên chăng chính quyền Hà Nội nên chọn một tên đường đặt cho người con của thủ đô…

P.V.Đ

BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG TRẦN THỊ TÌNH CÓ 5 CON, 1 CON DÂU 2 CHÁU BỊ LÍNH TQ GIẾT NGÀY 17/2/1979

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã cho 60 vạn quân ồ ạt tấn công vào toàn tuyến biên giới 6 tỉnh, trong đó có Lào Cai; Tại Lào Cai, riêng gia đình cụ Trần Thị Tình hiện nay đang sống tại Nguyên Lý, Lý Nhân, Hà Nam đã có 5 người tham gia lực lượng dân quân tự vệ trực tiếp chiến đấu chống giặc đó là:

1. Cụ ông Trần Văn Nhu là chồng

2. Con Trần Văn Trọng

3. Con Trần Văn Khê

4. Con Trần Văn Đăng

5. Con Trần Văn Kha

Đã hy sinh trong chiến đấu trong ngày 17/2/1979…

Ngoài ra gia đình cụ Trần Thị Tình còn có 2 cháu và chị con dâu đã bị giặc Trung Quốc sát hại cũng trong ngày 17/2/1979 tại Lào Cai.

Chồng và 4 con của Cụ Trần Thị Tình đều được nhà nước phong tặng là liệt sĩ; riêng cụ được phong tặng: Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng… (Tin của Hoàng Ngọc Thành).

Số liệu thương binh-liệt sĩ qua các thời kỳ

191.505 liệt sĩ chống Pháp

849.018 liệt sĩ chống Mỹ

105.627 liệt sĩ Tây Nam, chống Trung quốc.

Hơn. 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy ở các chiến trường

Hơn 300.000 liệt sĩ quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ chưa có tên

Tỉnh nhiều liệt sĩ: Quảng Nam với 65.000 liệt sĩ, thương binh 30.000, huyện Điện Bàn 19.800 liệt sĩ

Cả nước có 4 triệu nhân dân hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

(Mậu Thân : Sau ba đợt tấn công đã có 45.000 cán bộ chiến sĩ hy sinh, gần 100.000 thương binh.

Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm, mỗi ngày một đại đội hy sinh...)

(Fb Lai Duy Bến)

17/2/1979, TẠI SÌN HỒ LAI CHÂU, MỘT TIỂU ĐOÀN BỘ ĐỘI BỊ “TỬ CHIẾN” VÌ SỬ DỤNG AK TIỆP

Theo lời kể của CCB Thuận Kiều

Ngày 17/02/1979

Vào ngày này hơn 40 năm trước, đang ngủ ngon lành trong cái lạnh tê tái của miền biên ải thì nghe thấy tiếng đì đùng đâu đó. Cứ nghĩ là tiếng sấm đầu mùa nên lại vùi đầu vào chăn ngủ tiếp. Sáng mở mắt ra thì được thông báo Tầu đã tấn công từ khoảng 4 giờ sáng và đã chiếm được toàn bộ tuyến chốt đầu do tiểu đoàn 2 Sìn Hồ chốt giữ.

Tiểu đoàn 2 Sìn Hồ là một đơn vị bộ đội địa phương của huyện Sìn Hồ. Bộ đội toàn bộ là người địa phương và gần như là người dân tộc. Toàn bộ tiểu đoàn được trang bị 100% súng AK Tiệp. Cả tiểu đoàn đã chết oan một phần là do loại AK này. Súng rất đẹp, rất nhẹ (2.8kg chưa có đạn) nhưng không thể bắn chiến đấu tại chốt được với 2 lý do: một là khi bắn bị hóc đạn rất nhiều, và hai là bắn được hơn 1 băng đạn thì nòng súng nóng, nở ra, đạn chỉ đi được vài chục mét.

Khoảng 7-8 giờ sáng lác đác có vài anh lính từ chốt đầu của tiểu đoàn 2 Sìn Hồ rút chạy qua chốt của mình thông báo tiểu đoàn của họ chết hết rồi. Đang ngủ bị tấn công bất ngờ và súng AK của mình thì không bắn được.

Thế là chính thức từ 8 giờ sáng ngày 17/02/1979 tuyến chốt của tiểu đoàn mình được coi là chốt đầu của toàn hướng Pa Tần, Sìn Hồ, Lai Châu. Trung đoàn mình là một trung đoàn bộ binh của quân khu 2, vào xây dựng chốt từ đầu tháng 01/1979. Cả trung đoàn được trang bị súng AK mới của Liên Xô và Trung Quốc (trước đây Trung Quốc viện trợ cho mình, chưa dùng hết).

Riêng tiểu đoàn mình được trang bị toàn bộ là súng AKM (là một loại súng AK mới được cải tiến của Liên Xô vào thời điểm đó) mới. AKM là một loại súng bộ binh cực kỳ tốt và đẹp. Vào đầu tháng 3/1979 mình có dịp bắn liên tục hết một thùng đạn 1.500 viên mà súng không bị sao, nòng súng không bị dãn nở. Một mình mình bắn, 3 người ngồi dưới hào lắp đạn vào băng cho mình. Đây có lẽ là một may mắn cho tiểu đoàn của mình so với tiểu đoàn 2 Sìn Hồ.

Sau khi chiếm xong tuyến chốt đầu, bọn Tầu áp sát tuyến chốt của tiểu đoàn mình nhưng không tấn công tiếp mà dàn trận đào công sự chốt lại. Khoảng 10-11 giờ đại đội mình được lệnh tấn công. Đại đội mình là đại đội vận động tấn công của tiểu đoàn, không có chức năng giữ chốt. Khi vận động lên đến chốt chính của tiểu đoàn thì toàn bộ tuyến chốt bị Tầu bắn pháo dữ dội và nhận được tin chốt đầu của tiểu đoàn mình bị xóa sổ. Tuyến chốt chính có độ cao 551 mét, chốt đầu cao 649 mét, phía trước khoảng hơn 1km. Chốt đầu do 2 trung đội chốt giữ (1 trung đội của đại đội mình, 1 trung đội của đại đội khác) bị xóa sổ, sau này mới biết chỉ sống sót được có 3 người.

Bọn mình nằm áp sát xuống hào. Có lẽ trên đời không có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ nằm dưới làn đạn pháo đang bắn vào mình. Tiếng đạn pháo xé gió rít lên khủng khiếp 5-6 giây trước khi chạm đất và phát nổ là thứ âm thanh khủng khiếp nhất trên đời. Mình rất sợ, chỉ biết áp sát người xuống đất. Nhiều anh còn sợ hơn mình rất nhiều, đái ra quần là chuyện bình thường. Có mấy anh sợ quá không đứng, không đi, không bò được nữa bị mình chửi cho. Những anh quá sợ thì sau nay gần như là chết hết. Pháo của Tầu bắn rất chính xác toàn rơi trúng chiến hào và cửa hầm vì chúng đặt pháo ở cao hơn trận địa của mình vài trăm mét. Đại đội mình và đại đội chốt đã bắt đầu có những thương vong đầu tiên.

Sau khi ngớt pháo cả đại đội mình tấn công lên, băng ra ngoài công sự. Thật là trớ trêu, bọn mình là lính mới, mới 18 tuổi, lần đầu tiên bắn súng để giết người. Mang tiếng là tấn công, nhưng không biết tấn công cái gì, nghĩa là hoàn toàn không có mục tiêu để tấn công và địa hình không thể tấn công.

Bước ra khỏi công sự là cỏ lau lá cứng và sắc như dao cạo, cao khoảng 2 mét. Thế là toàn đại đội tiến theo một con đường mòn duy nhất vừa đủ chiều ngang cho một người đi, nghĩa là đi một hàng dọc, sát nhau. Mình lúc đó là xạ thủ cối 60mm nên đi sau. Trước khi rời chốt tiểu đội mình bắn thử phần tử. Mình nhìn thấy đại đội đang tiến hàng dọc lên một con dốc phía trước, đo cự ly vào đội hình thì cự ly khoảng 1200m. Bọn mình quyết định bắn lên đầu dốc để thử phần tử và yểm trợ đội hình luôn. Mình quyết định bắn ở cự ly 1500m. Quả đạn đầu tiên trong đời, thật không may không vượt qua được đội hình (đo là 1200 mét) mà rơi và nổ ngay giữa dốc, trúng giữa đội hình tấn công của đại đội. Con đường mòn chỉ rộng có 20cm. Quả đạn này đã làm cho 2 người bị thương phải chuyển về phía sau. Phát bắn này chỉ có tiểu đội cối biết và từ đó về sau không ai nói về phát bắn này cho bất cứ ai trên đời biết.

Ngay sau đó bọn mình nhanh chóng xông lên theo đại đội. Băng lên dốc, băng qua hố đạn do chính mình bắn, vượt qua cả những người khác trong đội hình. Con dốc dài khoảng 100m. Khi lên đến gần đỉnh dốc, 10-20m nữa là lên đến đỉnh dốc, thì một khẩu trung liên của Tầu trên đỉnh dốc bắn xối xả vào đội hình của mình. Thật là khủng khiếp! Cả đội hình của đại đội đổ rạp ngay sang bên cạnh. Mình nằm ép ngay xuống cỏ, phải nghiêng đầu, ép xuống cỏ. Đạn bắn dọc đội hình, từ trên xuống, ngay sát trên đầu. Chờ mãi, chờ mãi không thấy đạn dứt. Đúng là nằm chờ chết sao thấy thời gian nó dài thế! Hóa ra cả đội hình đang nằm ở góc tả, nên tầm đạn của Tầu không thể với tới. Chỉ cần tầm đạn thấp hơn độ 20cm thi cả đại đội đi hết luôn. Bỗng phía trước một tiếng nổ lớn vang lên, tiếng trung liên im bặt. Mình và mấy người nhoi ngay lên thì ra anh bạn mình bắn 1 phát B41 diệt ngay khẩu trung liên với 2 thằng cháy đen, cứu cả đại đội. Sau này phát B41 đầu tiên của cả tiểu đoàn này được tặng huân chương.

Lên đến đỉnh dốc là một bãi yên ngựa, cỏ lúp xúp 20-30cm. Ngoài 2 thằng Tàu cháy đen, không có bóng dáng một thằng nào nữa. Im ắng, không tiếng súng. Có thể bọn Tàu* núp ở bên sườn đối diện và không nổ súng. Cả đại đội dừng lại, không tiến lên tiếp nữa. Và thật sự đến tận bây giờ mình vẫn không hiểu tại sao lại tiến lên đây. Cả đại đội phơi mình trên bãi yên ngựa, nghỉ ngơi. Rất may, bọn Tàu[iii] trên Cao điểm 649 không bắn pháo xuống đội hình của bọn mình.

Bên cạnh dẫy cao điểm chốt của bọn mình và bãi yên ngựa mình đang nằm về phía tay trái là một con đường lớn xe tải tránh nhau thoải mái chạy từ Pa Tần ra thẳng biên giới, do Tàu làm vào nhưng năm 1960. Con đường thấp hơn điểm mình đang nằm cả trăm mét. Phía trước trên một đoạn cua của con đường bọn Tàu chạy ra, chạy vào rất đông, cách chỗ mình khoảng trên 500m. Anh bạn mình bắn trung liên vào đó nhiều loạt nhưng không làm chúng hoảng sợ. Chúng vẫn bình thường. Mình đinh bắn cối vào đó, rồi lại không bắn, vì sợ bắn không trúng, vì khúc cua đó nhỏ. Hình như mình có bắn nhờ khẩu trung liên của anh bạn vào đó thì phải, không nhớ chính xác chi tiết này.

Bên mình không bắn nữa. Kẻ đứng, người ngồi đùa nghịch như không có chuyện gì xẩy ra. Khi bắn thì như là bắn đùa. Cả mình cũng vậy. Sau này nghĩ lại mới thấy lạnh người. Tất cả đều 18 tuổi, lần đầu tiên bắn súng, chưa biết thế nào là cái chết, là máu chảy...

Trời nắng chang chang. Đêm thì có thể lạnh 5-10 độ, nhưng ngày trời nắng trên 30 độ. Bắt đầu thấy khát nước. Lính mới, mới lên rừng nên lại càng khát. Cuộc tấn công của Tàu bất ngờ và lệnh tấn công của đại đội cũng bất ngờ, lần đầu tiên tham chiến, sỹ quan không ai nhắc nên 100% không ai mang theo nước uống. Không thể chịu nổi, mình cắt cỏ tranh ngậm vào miệng. Trong cỏ không có nước. Mình đào tiếp rễ cỏ tranh ngậm vào miệng cho đỡ cơn khát.

Nằm mãi, nằm mãi rồi đại đội ra lệnh rút. Anh em ai cũng mừng. Nhưng thật là khốn nạn, đại đội trưởng không cho rút về theo đường cũ, vì nếu bị chặn thì sẽ chết cả đại đội, khó có ai có thế sống sót. Đường mòn rộng 20cm, hai bên là cỏ lau cứng, sắc, cao trên 2m. Thế là tất cả trượt xuống mé đồi bên tay trái vào mép rừng phía trên, không dám xuống sâu vào rừng vì sợ đụng nhau với Tàu. Mạnh ai nấy đi, thành từng nhóm nhỏ. Mình bám theo đại đội trưởng. Đại đội trưởng là một trung úy già, trước đây là đại đội trưởng đặc công, dạn dày trận mạc. Trong mắt mình, ông là người đáng tin cậy. Khi về đến sát chốt của tiểu đoàn chắc khoảng 4-5 giờ chiều. Vào gần đến chốt thì đạn AK trong chốt bắn ra chùm lên phía trên đầu. Thế là tất cả nhóm hô to: Đại đội 2 đây! Trong chốt nghe thấy ngừng bắn đón bọn mình vào.

Về đến căn cứ thì trời bắt đầu tối. Ngoài 2 anh bị thương lúc đầu thì đại đội không bị thương vong gì thêm, không có ai đi lạc. Trung đội ở chốt tiền tiêu bị xóa sổ, chưa có tin tức gì thêm. Kết thúc ngày đầu tiên của chiến tranh, ngày 17/02/1979.

38 năm sau mình quay lại thăm chiến trường xưa. Lên thăm thị trấn huyện Sìn Hồ. Từ thị trấn huyện ra tới tuyến chốt mình từng tham chiến là 29km đường chim bay. Mình rất bất ngờ khi ghé thăm nghĩa trang liệt sỹ của huyện. Nghĩa trang nằm tại một vị trí trang trọng và đẹp nhất huyện, được đầu tư xây dựng rất lớn và có lẽ đã từng rất đẹp. Tuy nhiên những gì mình chụp được về nghĩa trang này làm mình phẫn nộ về sự vô ơn của những người đang sống, sự vô ơn của chính quyền. Nghĩa trang bây giờ là một nơi hoang phế, chữ nghĩa tổ quốc ghi công bị long lở, rơi vãi. Đã từ rất lâu rồi không ai chăm sóc và đến viếng tại nghĩa trang này. Nó là một phế tích chưa bị phá bỏ mà thôi.

Có một người trước đây mình gọi là bạn. Cùng quê, học cùng phổ thông, tham gia đánh Tàu từ đầu đến cuối trong cùng tiểu đoàn và cùng yêu một người con gái. Như vậy có thể nói là rất thân với nhau được rồi. Năm 1982 mình xuất ngũ về học đại học. Còn anh ta ở lại Lai Châu làm cán bộ của tỉnh. Năm 2012 mình nghe tin anh ta là bí thư huyện Sìn Hồ. Mình yêu cầu nơi làm việc của mình bố trí cho mình lên làm việc với Lai Châu và đặc biệt là UBND huyện Sìn Hồ. Mục đích là để được gặp lại anh ta và ra biên giới thăm lại chiến trường xưa, nơi mà mình thuộc từng gốc cây trong rừng, trong cả một vùng biên giới rộng mênh mông và viếng nghĩa trang biên giới, nơi nằm lại của rất nhiều đồng đội của mình.

Tháng 12/2012 hăm hở lên làm việc với UBND Sìn Hồ. Gặp Phó chủ tịch, mình khoe ngay bạn mình đang làm bí thư huyện ủy của huyện. Ông phó chủ tịnh và cả phái đoàn đón tiếp mình trả lời rằng: trước đây ông ấy là bí thư của huyện, còn giờ đây ông ấy về Lai Châu làm Giám đốc sở rồi, không ở huyện nữa. Thế là mình nhanh chóng kết thúc công việc với huyện trở về Lai Châu. Mình cố tình không lấy số điện thoại của anh ta.

Ngày hôm sau mình làm việc với Sở Tư pháp Lai Châu. Mình cũng khoe có bạn làm Giám đốc sở tại tỉnh và đề nghị Sở Tư pháp thông báo cho anh ta biết, và thông báo luôn mình đang ở khách sạn Mường Thanh. Có một thành viên trong đoàn làm việc của Sở Tư pháp ở ngay bên cạnh nhà anh ta. Ngày hôm sau nhân viên Sở tư pháp nói với mình là anh ta mời mình nếu rảnh thì tới nhà anh ta chơi. Và chỉ có thế thôi. Mình tìm hiểu thêm thì được biết vợ anh ta làm việc tại Ban kinh tế trung ương.

Sau khi nhận được lời nhắn mời mình tới nhà chơi, mình cảm thấy có gì đó không ổn trong các giá trị của xã hội nên mình đã không tới và không liên hệ với anh ta. Mình quên anh ta luôn. Ngay lập tức mình không coi anh ta là bạn nữa và sự tồn tại của anh ta ở trên đời không có giá trị gì với mình. Sau đó mình nhanh chóng kết thúc công việc với các cơ quan hành chính của tỉnh và quay về Hà Nội. Chuyến đi này làm mình mất vui. Mình chỉ vui trở lại khi chụp được mấy tấm ảnh đẹp về mấy em bé tại trường tiểu học Than Uyên và mấy em bé Mèo ở Cam Đường.

Giữa tháng 3/2017 mình trở lại Sìn Hồ với tư cách là một du khách, có thời gian đi tham quan và thăm thú Sìn Hồ. Mình chụp rất nhiều ảnh về Sìn Hồ. Sìn Hồ đang mùa đẹp nhất trong năm, mùa hoa lê. Mấy tấm ảnh về đài liệt sỹ Sìn Hồ tạo cho mình cảm xúc mạnh nhất, quá khứ ùa về như mới ngày hôm qua.

Thật khủng khiếp, thật bạc bẽo khi sự vô ơn thống trị!

NGƯỜI NỔ SÚNG ĐẦU TIÊN NGÀY 17/2/1979 TẠI LẠNG SƠN

Nhật Nguyệt Minh

“Cậu có biết cái đáng sợ nhất của chiến tranh là gì không? Đó là sự im lặng đáng sợ trước mỗi trận đánh. Nó là một thứ im lặng của sự chết chóc, của ma quỷ. Cái cảm giác đó nó rõ ràng lắm, càng gần đến thời điểm nổ súng lại càng thấy rõ, nó là cái sắc lạnh của chết chóc...”

“Đơn vị tôi lúc đó chốt giữ một điểm ngoại vi của đồn Hữu Nghị, nhiệm vụ là vừa làm công tác cảnh giới vòng ngoài, vừa là chia lửa với đồn chính trong trường hợp xảy ra đánh nhau. Ý đồ chiến thuật từ ban đầu đã được cấp trên giao cho rất rõ ràng, nên những người lính như chúng tôi khi được cơ động lên đấy toàn là lính được chọn kỹ cả, đều là những người vững vàng về tâm lí và có bề dày kinh nghiệm chiến đấu với kẻ thù”.

Đó là câu chuyện mở đầu của ông Hưng, một chiến sĩ Công an vũ trang tại đồn Hữu Nghị (Lạng Sơn), người đã trực tiếp nổ phát súng đầu tiên, báo hiệu cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại quân xâm lược Trung Quốc nổ ra vào ngày 17/2/1979 tại mặt trận lạng Sơn.

Ngồi bên rìa của một cuộc gặp mặt giữa những người cũ với nhau để ôn lại kỉ niệm về một thời chiến tranh, ông Hưng là người đã trực tiếp tham gia cả cuộc chiến đó, từ lúc bắt đầu nổ súng cho đến khi đánh đuổi tên bành trướng Bắc Kinh cuối cùng về bên kia biên giới, có lẽ không giấu nổi sự xúc động khi hoài niệm về một thời khói lửa tưởng như đã xa rồi, nay bỗng chốc ào về.

Ông kể: “Chúng tôi trước chiến tranh đều là những người lính cũng đã lăn lộn đủ trên khắp các điểm nóng của đường biên giới giữa nước mình với Trung Quốc, cũng dạn dày lắm rồi. Thật sự tình hình biên giới bắt đầu căng thẳng từ năm 1977 nên Công an đã phải chiến đấu từ lúc đó, nhưng ở hoàn cảnh khác, mang tính chất và đặc thù khác.

Cho đến năm 1979, khi quân Trung Quốc tràn sang thì các lực lượng vũ trang khác mới phải nổ súng, chứ đối với chúng tôi, những người chiến sĩ Công an tiền phương thì đã quần nhau với quân Trung Quốc từ trước đó lâu rồi, đánh nhau với chúng nó bằng mồm cũng có, bằng gậy gộc cũng có, bằng gạch đá cũng có, bằng dao găm và lưõi lê cũng có. Đủ cả!

Trước sự kiện 17/2 độ chục ngày, tôi cùng với đồng đội của mình được vũ trang đầy đủ để lên tăng cường cho đồn Hữu Nghị, tình hình cho thấy là sắp có biến cố gì ghê gớm lắm, nhưng anh em không ai dám nói ra. Càng gần đến cái ngày đó thì tình hình biên giới lại càng khẩn trương, mình khẩn trương mà nó cũng khẩn trương.

Ở bên này đường biên, chúng tôi nghe rõ tiếng chuyển động của các cánh quân bên kia, nó duyệt binh, điểm lính, duyệt đội ngũ hàng ngày... rồi tiếng động cơ của các loại phương tiện cơ giới, cứ ì à ì ầm không kể là đêm hay ngày, lúc thì rộ lên lúc thì lắng đi, thoắt ẩn thoắt hiện cứ như là ma, giờ nhớ lại vẫn thấy rõ cái cảm giác đấy.

Ở bên này, anh em chúng tôi theo dõi hết, không bỏ qua bất kì một diễn biến nào, ai cũng hiểu một điều rất đơn giản: tình hình này chắc chắn là đánh nhau rồi... nhưng không biết là lúc nào và sẽ như thế nào”…

Ngày 17/2/1979

Lúc đó trời còn tối đen như mực, anh em chúng tôi đứng gác ở các vị trí đã định, cứ thay phiên nhau đứa gác đứa nghỉ, gọi là nghỉ nhưng có ai nhắm được mắt đâu. Mà không hiểu sao hôm đấy tôi có một cảm giác rất lạ, cứ bồn chồn trong dạ, đứng ngồi không yên, chỗ này hỏi chỗ kia xem tình hình thế nào, nhưng không ai biết gì thêm cả. Còn ở bên kia biên giới lại yên lặng đến lạ thường.

Cái yên lặng đó như là sự mách bảo trước, rõ ràng lắm, ai cũng cảm nhận được, chắc chắn có một cái gì đó rất quan trọng sắp xảy ra.

Cậu có biết cái đáng sợ nhất của chiến tranh là gì không? Đó là sự im lặng đáng sợ trước mỗi trận đánh. Nó là một thứ im lặng của sự chết chóc, của ma quỷ.

Cái cảm giác đó nó rõ ràng lắm, càng gần đến thời điểm nổ súng lại càng thấy rõ, nó là cái sắc lạnh của chết chóc..., và có cả mùi của nó nữa, cái mùi tanh tanh, lạnh lạnh..., đặc biệt là lạnh, nó lạnh lắm, không thể giải thích được đâu.

Bất kể ông nào dù có dạn dày trận mạc đến đâu cũng đều sợ cái cảm giác đó, mà lạ là càng đánh trận nhiều bao nhiêu thì lại càng sợ cái đó nhiều bấy nhiêu. Chúng tôi ai cũng căng mắt cố gắng nhìn xuyên qua màn đêm hướng sang bên kia biên giới để dò xét xem có động tĩnh gì đặc biệt không, nhưng chả có gì cả, tất cả chỉ là bóng đêm và sự im lặng đến lạnh lùng. Mà cũng rất mâu thuẫn, khi đó chúng tôi ai cũng căng thẳng, mặt cứ phừng phừng, giữa mùa đông mà mồ hôi túa ra bên trong làm quần áo ướt hết cả, hai bàn tay tôi khi đó ướt nhèm mồ hôi, hết lau vào quần áo rồi lại vùi vào đất vẫn không hết được, sờ tay vào cò súng cứ trơn tuột, lạ thế chứ.

Đấy, nóng chảy mồ hôi đến như thế mà vẫn không ngăn được một cảm giác lạnh lẽo chết người kia. Rồi bất ngờ có tiếng pháo nổ, tiếng nổ đầu nòng từ bên kia biên giới, ngay sát chỗ mình nên nghe rõ lắm, cứ "pình... pình..." rồi rít trên đầu mình bay về hướng Đồng Đăng và Tân Thanh ở sau lưng.

Cả các vùng xung quanh mình nữa, tiếng nổ từ nơi đó vọng lại nghe cứ ục... ục... oàng...oàng,… cùng với đó là những ánh sáng lóe lên ở cuối đường chân trời, giống như ánh chớp của những cơn mưa mùa hè. Đường đạn nhìn rõ lắm, ban đầu chỉ là bắn phát một, sau khi lấy được cự ly chuẩn rồi nó bắt đầu bắn cấp tâp, bầu trời khi đó bị xé nát bởi đạn pháo, cũng phải kéo dài trong mấy tiếng đồng hồ.

Được một lúc sau mới phát hiện ra bình minh đã lên từ lúc nào mà không ai kịp nhận ra, bởi ánh sáng của đạn pháo cứ đan thành từng hàng trên trời, soi rõ cả mặt người ở dưới đất từ lúc trước. Chứng kiến những loạt pháo của kẻ thù bắn vào quê hương mình như vậy, một cảm giác căm hận cứ bùng lên trong lòng, mình là lính giữ biên chốt nên cảm giác đó nó mạnh mẽ lắm. Mà không phải riêng tôi đâu, đồng đội tôi bên cạnh ai cũng như vậy.

Pháo vừa ngưng cũng là lúc trời mờ mờ sáng, bắt đầu nghe tiếng xe cơ giới của nó chuyển động, tiếng máy nổ, tiếng xích xe nghiến xuống mặt đường nghe kin kít, mỗi lúc một to dần, nghe ghê rợn lắm. Xen kẽ với đó vẫn là tiếng pháo bắn cầm chừng ở chỗ khác vọng về.

Bọn tôi ôm súng chờ mà vẫn chưa hết nghi hoặc, vì lúc này chẳng có lệnh hay là thông tin chỉ đạo gì cả. Liên lạc không hiểu sao bị cắt đứt hoàn toàn, sau này mới biết là thám báo nó chui sang đêm hôm trước cắt hết các đường dây thông tin của mình rồi. Nó tiến công sang mình khẩn trương lắm, xe tăng đi đằng trước mở đường, trên tháp pháo có một đám ngồi vắt vẻo, còn thì chủ yếu bộ binh của nó chạy lúi húi đằng sau xe.

Cái đường từ bên kia biên giới sang đây nó như là đường mòn, hàng ngày chẳng mấy ai qua lại, hôm nay bỗng dưng thấy quân thù cứ lao sang ầm ầm, nhìn mà căm hận lắm, thật là một cảm xúc khó tả. Chúng nó đang tiến như vậy thì bỗng dưng có một nhóm tách ra, tiến thẳng về phía chúng tôi, còn xe tăng ở lại không đi nữa, hướng tháp pháo về phía mình để cảnh giới. Có nghĩa là chúng nó cũng nắm được hết các điểm trấn giữ của mình rồi.

Mấy thằng đi đầu cứ phăm phăm tiến thẳng về phía chốt của mình, nhìn lố nhố chẳng ra quy củ gì cả, chỉ được mỗi cái là đông. Lúc này ở hướng đồn chính cũng có một toán đang cơ động đến đó, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì. Bọn tôi núp sau công sự, tay ghì chặt súng mà run, chân tay cứ lập cập, nghe rõ cả tiếng thở phì phò của mấy thằng bên cạnh.

Đúng là cực kì căng thẳng. Mấy chiến sỹ trinh sát bò về vừa nãy là có vẻ bình tĩnh nhất, nghe các trinh sát nói loáng thoáng với nhau bên cạnh "Nó đang dọn cối kia kìa... có lẽ nó sẽ đánh mình trước rồi mới tấn công hướng đồn chính".

Nhìn theo hướng chúng nó chỉ, tôi thấy một tốp đang dọn bãi, kiểu như đúng là để chỉnh cối rồi. Tôi quay lại nhìn B trưởng, thấy anh ấy cũng đang ghì tay súng ngó theo hướng các trinh sát chỉ mà chẳng nói gì.

Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ phụ trách hỏa lực của chốt, khẩu RPK, đồng đội tiếp đạn bên cạnh còn ôm theo cả một thùng đầy lựu đạn, và bảo hỏa lực có tôi rồi, còn lựu đạn để đánh cận chiến hiệu quả hơn.

Toán lính dẫn đầu đang cố gắng vượt qua khoảng đất trống phía trước để tiếp cận chỗ có mấy mô đất dưới chân dốc, từ đấy chúng nó sẽ phát động tấn công lên chốt của mình. Thấy chúng nó đi zích zắc đúng theo bài tấn công, lại thấy mặc toàn quân phục mới, súng vắt chéo trước ngực, tôi đoán là lính từ nơi khác đến chứ không phải là quân ở đây.

Lúc này nghe rõ cả bước chân nó chạy lịch kịch ở dưới đấy, tôi hướng nòng súng nhắm theo để chủ động, cũng nhẩm tính, đợi nó đến đúng tầm tác xạ của mình thì quạt một phát thì có thể đi một lượt. Đột nhiên chúng nó bắt đầu khom người xuống, bước cũng chậm hơn và bắt đầu cơ động giữa các mô đất, theo phản xạ, tôi nghĩ, nó phát hiện ra mình rồi! Vừa nghĩ đến đây, tôi vội đá mắt nhìn sang B trưởng lần nữa, thấy anh ấy cau mày dữ lắm nhưng chưa có bấy kì một dấu hiệu gì để ra lệnh.

Tôi quay lại ngay vì sợ bỏ tuột mất mục tiêu, hướng nòng súng theo mấy cái đầu lô nhô ở phía dưới, chúng nó vẫn thoăn thoắt, rồi tôi nghe thấy tiếng "bụp... bụp... " ở đằng xa, liền đó là tiếng "rẹt... uỳnh, uỳnh..." mấy phát ở ngay phía sau mình, đất đá bay lên rơi xuống rào rào.

Tôi chỉ kịp nghĩ, nó bắn cối rồi, mình không nhanh là chết! Có cối yểm trợ là chúng nó bắt đầu lao lên, đúng lúc đó tôi quan sát thấy có một tên địch vừa vượt qua một mô đất đang lấy đà để lao lên, bóng của nó rất nhanh, che lấp cái khoảng trống chỗ đầu ruồi của nòng súng, theo phản xạ, lập tức tôi bóp cò, một loạt âm thanh của khẩu trung liên vang lên đầy bất ngờ "pành, pành... pành, pành, pành...,” giòn giã lắm!

Tôi nhớ là cái bóng đó ngã vật ra đằng sau, rất gọn. Ngay lập tức, tất cả các điểm hỏa lực của mình ở trên chốt cũng đồng loạt nổ theo, ngay loạt đầu tiên đó, theo như tôi đoán thì quân mình cũng phải tiêu diệt được khoảng chục tên địch.

Cũng cùng lúc đó, từ phía đồn chính, tiếng súng của anh em bên đó bỗng rộ lên dữ dội, nghe hào hùng lắm, tôi hướng ánh mắt về phía đó... vậy là chiến tranh đã thật sự xảy ra rồi! Mới chỉ nghĩ được đến đấy chẳng hiểu sao lúc đó nước mắt của tôi cứ thế trào ra”.

Câu chuyện trên đây tôi ghi lại theo lời kể của một người cựu chiến binh tại đồn Hữu Nghị, thuộc đội Công an tiền phương, là những người đầu tiên giáp mặt với quân thù và cũng là những người đã nổ phát súng đầu tiên báo hiệu cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, chống lại sự xâm lược của quân bành trướng Bắc Kinh xảy ra vào ngày 17/2/1979.

Đến ngày 4/3/1979, tức là phải hơn 2 tuần sau khi bắt đầu xâm chiếm nước ta, chỉ riêng trên mặt trận Lạng Sơn, quân Trung Quốc mới tiến được trên một con đường chỉ 15 km từ cửa khẩu Hữu Nghị Quan đến bờ bắc của sông Kỳ Cùng ở Thị xã Lạng Sơn. Chỉ một chi tiết nhỏ như vậy cũng đủ để cho thấy những người lính của chúng ta trong cuộc chiến năm đó đã chiến đấu thật sự anh dũng và hy sinh đến như thế nào.

Để rồi ngày sau đó, trưa ngày 5/3/1979 Trung Quốc đã vội vàng tuyên bố rút quân sau khi cho rằng đã “hoàn thành mục tiêu của mình”(?). Trong quá trình đội quân xâm lược rút lui như vậy, cũng chính những người chiến sĩ Công an tiền phương đó đã bí mật bám theo và tiếp nhận lại đầy đủ những vùng đất đã bị chiếm đóng và tàn phá bởi quân thù.

Đúng như ông Hưng đó đã nói với tôi "Chúng tôi đã tham gia gần như là đầy đủ nhất cuộc chiến này, từ lúc bắt đầu nổ súng cho đến khi đánh đuổi tên bành trướng Bắc Kinh cuối cùng về bên kia biên giới".

Bốn mươi năm đã trôi qua, người kể lại câu truyện này cho tôi cũng không còn nữa, ông đã ra đi bất ngờ sau một cơn đau tim đột ngột ở quê nhà Bắc Giang, mà trước đó 1 tháng ông còn gọi điện cho tôi với một lời nhắn "Cậu quí và nhớ mày lắm, hôm nào lên cậu kể chuyện biên giới cho mà nghe...".

Tôi đã nói chuyện với nhiều người về những người lính quả cảm đó... của cuộc chiến năm đó, hôm nay xin được viết lại, như một lời tri ân thành kính đối với những người đã xả thân và đã nằm xuống trong một cuộc chiến, để đất nước được hòa bình như ngày hôm nay.

N.N.M

NHỮNG TẤM GƯƠNG HY SINH TRƯỚC NGÀY 17/2/1979

LÊ ĐÌNH CHINH - LIỆT SĨ ĐẦU TIÊN HY SINH TRONG CUỘC CHIẾNTRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC: 25/8/1978...

Lê Đình Chinh là con cả trong một gia đình công nhân nông trường có 6 người con, quê ở Hoằng Hóa - Thanh Hóa. Bố anh – ông Lê Đình Tùng – 16 tuổi xung phong nhập ngũ và vào Nam chiến đấu. Sau đó ông xuất ngũ và được điều về Nông trường sữa Ba Vì. Tại đây, ông đã yêu và cưới cô công nhân Khương Thị Chu, một cô gái Hà Tây quê lụa đẹp người, đẹp nết. Đầu tháng 2 năm 1960, Lê Đình Chinh ra đời. Anh có tuổi thơ nghèo khó vì nhà đông con, vừa làm vừa phải chăm các em nhưng anh vẫn cố gắng học tập và giỏi hơn các bạn trong lớp.

Khi mới 16 tuổi anh đã xung phong nhập ngũ. Khi mẹ anh hỏi rằng anh mới có 16 tuổi thôi liệu có đi được? Thì anh đáp: “Bằng tuổi con, bố cũng nhập ngũ rồi mà”.

Một tuần sau anh viết thư về cho gia đình rằng anh đang đi huấn luyện ở Triệu Sơn. Lần cuối cùng anh gặp lại gia đình là vào năm 1977, sau khi anh bị thương ở mặt trận biên giới Tây Nam, được đưa ra Xuân Mai điều trị. Gia đình đã khăn gói lên bệnh viện thăm anh và xin phép cho anh về chơi một đêm. Sau đợt điều trị đó, anh Chinh được điều động lên biên giới Lạng Sơn làm nhiệm vụ.

Giai đoạn 1977-1978, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã xấu đi một cách nghiêm trọng. Tình hình biên giới Việt - Trung, đặc biệt ở khu vực các cửa khẩu cực kỳ căng thẳng, khi mà từng dòng người Hoa từ Việt Nam kéo về Trung Quốc ngày một tăng lên qua đường biển và cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).

Ông Bế Chu Lang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, từng là Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Lạng giai đoạn 1976-1978, kể lại rằng: “Phía Trung Quốc đã lợi dụng người Hoa kích động hằn thù dân tộc để kích động người Hoa bạo loạn, một mặt phía Trung Quốc cho lực lượng vũ trang mặc thường phục trà trộn vào nhóm người này, mặt khác chúng cải trang bộ đội biên phòng Việt Nam đánh trọng thương một vài người Hoa rồi đổ vấy cho phía Việt Nam.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm là rạng sáng 12/7/1978, Trung Quốc bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới, dẫn đến việc hàng ngàn người Hoa bị dồn ứ ở Cửa khẩu Hữu Nghị. Họ dựng lều bạt ngay khu vực cấm, sinh hoạt bừa bãi làm náo loạn cả vùng biên giới, gây rất nhiều khó khăn trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở vùng biên.

Trước tình hình đó, lãnh đạo và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Lạng (Lạng Sơn và Cao Bằng hiện nay) đã triệu tập họp khẩn cấp và triển khai lực lượng nhằm bảo vệ an toàn cho số người Hoa đang ùn ứ tại cửa khẩu.

Rạng sáng 25/8/1978, Đoàn Cán bộ dân vận liên ngành tỉnh Cao Lạng, nòng cốt là tỉnh Hội Phụ nữ, đã xuất phát, hướng về phía đồi Pù Tèo Hào (giáp biên giới Việt - Trung), nơi người Hoa tập trung đông nhất”.

Chiến sĩ công an Lê Đình Chinh – người đầu tiên bị sát hại trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979.

Đại tá Nguyễn Đức Hiệu (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) nhớ lại: “Để hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho cán bộ liên ngành, chúng tôi đã chọn ra 25 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đồn Hữu Nghị và 20 cán bộ, chiến sỹ công an vũ trang thuộc Trung đoàn 12 để tăng cường tại Km số 0 đề phòng những sự cố nguy hiểm có thể xảy ra. Trong số 20 cán bộ, chiến sỹ của lực lượng bộ độ biên phòng này có thượng sỹ Lê Đình Chinh, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang”.

Theo lời kể của ông Hiệu, sau này các cán bộ, chiến sỹ trong đoàn báo cáo lại rằng, khi đoàn cán bộ liên ngành vừa đặt chân lên đồi Pù Tèo Hào thì bất ngờ bị một toán người Hoa hùng hổ dùng gậy gộc, xà beng, cuốc, dao quắm, gạch đá lao vào hành hung.

Trước tình huống trên, lực lượng của Đồn biên phòng Hữu Nghị vừa tay không chống đỡ, vừa mở đường cho các cán bộ trong đoàn công tác xuống chân đồi.

Lúc này, hàng chục công an, biên phòng Trung Quốc mặc thường phục từ bên kia biên giới kéo sang hỗ trợ đám người Hoa đuổi theo tấn công, ném gạch, đá; dùng gậy gộc, dao quắm bổ vào đoàn người mà đa số là phụ nữ.

Một cuộc chiến không cân sức giữa những chiến sỹ biên phòng tay không chống lại kẻ thù hung hãn với gậy gộc, dao quắm diễn ra ác liệt trên sườn đồi Pù Tèo Hào. Trước tình thế hiểm nghèo, thượng sỹ Lê Đình Chinh đã cùng đồng đội xông lên giải vây.

Lê Đình Chinh vừa cứu những cán bộ bị chúng hành hung, vừa phải đánh, đỡ những đường dao, gậy gộc của chúng. Bọn côn đồ hung hãn vây lấy anh. Chúng ném dao, đá tới tấp vào Chinh. Anh bị một hòn đá to ném trúng đầu, vết thương rất nặng. Mặc dù vậy, anh vẫn tiếp tục xông lên đánh địch. Nhưng anh đã ngã xuống bởi một nhát dao lén của kẻ thù. Lúc đó là 10h30 ngày 25/8/1978. Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh trên mảnh địa đầu biên giới Tổ quốc thân yêu.

8 BỘ ĐỘI ĐẦU TIÊN ( D3-E122), HY SINH Ở VỊ XUYÊN MỒNG 3 TẾT (30/1/1979), DO BỊ TQ PHỤC KÍCH

CCB F313 Vũ Tân Long

Tiểu đoàn 3 được thành lập từ thời chiến tranh chống Mỹ, nhiệm vụ chính là huấn luyện quân tăng cường cho các chiến trường miền Nam. Trước khi trở thành Tiểu đoàn 3, tiểu đoàn này có phiên hiệu Tiểu đoàn 89, trực thuộc Sư đoàn 304B, đóng quân ở Nhã Nam (Hà Bắc). Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị sát nhập vào Trung đoàn 122 đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 3, một trong 4 tiểu đoàn của trung đoàn này.

Tháng 6 năm 1976, cùng với Trung đoàn 122, Tiểu đoàn 3 di chuyển lên huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Tuyên), đến tháng 8 năm đó nhận nhiệm vụ mới huấn luyện đợt quân tuyển từ các huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa và thị xã Tuyên Quang.

Sau thời gian huấn luyện tân binh, đơn vị nhận nhiều nhiệm vụ xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng trong khu vực.như đào kênh dẫn nước Thượng Mỹ ở Bắc Quang, chuyển thóc thuế cho ngành lương thực tỉnh Hà Tuyên từ kho thóc Linh Hồ-Phú Linh ra đường quốc lộ; Xây dựng hệ thống tưới tiêu xã vùng rau Quyết Tiến, Quản Bạ. Tới mùa thu năm 1977, đơn vị chuyển vào mở tuyến đường Thanh Thủy đi Lao Chải, đơn vị này đóng tại km 24 xã Lao Chải…

Giữa năm 1978, tình hình Việt Nam-Trung Quốc xấu đi, đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; Tiểu đoàn 3 được biên chế thành tiểu đoàn bộ binh gồm 4 đại đội, trong đó Đại đội 12 là đại đội hỏa lực hỗn hợp.

Các đơn vị của tiểu đoàn này được giao nhiệm vụ chốt giữ các cao điểm 1685, 1558A và B1427 thuộc 2 xã Lao Chải và Xín Chải. Ngày 30 tháng 1 năm 1979, tức mùng 3 tết, 3 tổ cảnh giới của các đại đội 9,10,11 gồm 8 đồng chí đã gặp địch trên các điểm quan sát. Anh em đã chiến đấu anh dũng và hy sinh. Họ là những người đầu tiên ngã xuống trên mặt trận Vị Xuyên.

Sau đó, vào ngày 17 tháng 2, quân Trung Quốc tiến đánh toàn bộ dải biên giới phía bắc. Trong đó tại Vị Xuyên, duy nhất có Tiểu đoàn 3 bị chúng tấn công. Suốt từ ngày 17 tháng 2 đến khi chúng rút vào cuối tháng 3, đơn vị bị pháo kích, tập kích liên tục. Sau hơn một tháng chiến đấu, đơn vị đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh tan rã 2 tiểu đoàn biên phòng số 40 và 42 của địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh. Tiểu đoàn 3 cũng là đơn vị nổ phát súng đầu tiên đánh quân Trung Quốc xâm lược trên mặt trận Vị Xuyên...

T.L.V


[i] “Sở dĩ có 2 con số vênh nhau là do tôi tôn trọng nhân chứng. Trong cuốn Tri ân liệt sĩ ghi Trần Ngọc Sơn diệt trên 70 tên lính TQ nhưng ông Chú Trần Ngọc Xuân gặp đồng đội và các CCB Sư đoàn Sao Vàng thì họ lại cung cấp số liệu là 78 lính TQ bị diệt” – PVĐ.

[ii] Chi tiết 25 viên đạn và một quả lựu đạn còn có sự thiếu thống nhất trong việc được chiến sĩ Trần Ngọc Sơn sử dụng để tiêu diệt quân thù.

[iii] Lúc ghi là Tầu, lúc ghi Tàu – có thể do sự thiếu thống nhất trong cách ghi của tác giả chủ biên, hoặc có thể do người kể chuyện.