Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Sự kiện nhìn từ nhiều hướng

Hồ Anh Thái

Toàn bộ cuốn tiểu thuyết Nắng Thổ Tang giống như lời khẳng định đây không phải là lịch sử. Lịch sử được nhìn từ một phía rất khác mà không một quyển sách sử nào ghi lại. Chỉ có tác giả là người kể lại cho ta nghe một câu chuyện kỳ bí và độc quyền. Một câu chuyện độc quyền, vì đây là sáng tạo riêng của tác giả.

Mượn sự kiện mười ba chí sĩ của Việt Nam Quốc dân Đảng bị thực dân Pháp xử tử. Mượn tiếp truyền thuyết ly kỳ về Ám sát đoàn của họ. Nhưng câu chuyện không đi theo hướng khai thác cái lạ. Khước từ cách khai thác vấn đề sao cho hấp dẫn, thì mặt khác cuốn sách lại không thuộc loại có thể dễ dàng lôi cuốn được người đọc.

Độc đáo là cách chọn đề tài. Mấy dòng giới thiệu ở bìa sau nhắc đến Việt Nam Quốc dân Đảng có thể khiến người đọc nhầm tưởng đây là tiểu thuyết lịch sử – mấy dòng ấy là không nên và không cần. Tác giả chỉ mượn một vài sự kiện lịch sử để khai thác những khúc quanh và khuất lấp của nhiều số phận xung quanh đó. Đấy là đao phủ đã chém đầu mười ba chí sĩ, và những hệ lụy với vợ con của hắn. Đấy là hai cô gái phản bội bị Ám sát đoàn tiêu diệt để báo thù, rồi lại dẫn đến một vòng trả thù mới của em trai hai cô. Chuyến di cư theo Chúa vào Nam cùng những phận người di cư trên khắp đất nước. Một hiện thực xáo trộn hỗn loạn, đầy rẫy lời đồn đại và truyền thuyết, đến mức khó phân biệt đâu là thật đâu là giả. Mà cách dẫn giải câu chuyện cũng cho người đọc cái ý nghĩ rằng không cần phân biệt. Chuyện như khó tin mà lại như thật.

Tiểu thuyết gần như một phóng sự điều tra. Các sự kiện được lật qua lật lại, được xem xét ở nhiều chiều, nhiều góc cạnh. Cách xử lý sự kiện và tình huống cũng như dẫn chuyện chứng tỏ một tay nghề bài bản. Nếu gia tăng sức lôi cuốn để dắt người đọc đi theo mình, Đinh Phương sẽ có những cuốn sách được đón nhận nhiệt tình hơn.

Cũng cần nói thêm, suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết là một nỗ lực chứng tỏ sự già dặn chững chạc. Nhưng thỉnh thoảng tác giả không kiềm chế nổi mà bật ra những câu “làm văn”:

“…đày đọa thân mình nhưng người thân được mát mặt, vênh vang. Vênh vang như nắng tháng chín, nắng đổ ừng ực xuống đầu xuống cổ” (trang 17).

“Mắt Ân mở trừng trừng ngỡ ngàng. Nắng không ngỡ ngàng, nắng biết tôi sẽ làm thế, nắng cổ vũ, nắng muốn tôi cắt đầu Ân giơ lên trước nắng” (trang 21).

“Mặc tôi, sông vẫn mải miết trôi” (trang 31).

“Tiếng khóc rộ lên, gió đổ tiếng khóc lan cả sang chiều” (trang 59).

“Tôi uống cho thời gian nuốt chẵn hình hài, uống cho không còn gì để uống” (trang 92)

“Nắng lắc đầu di chuyển ra khỏi thị trấn, một vở kịch có quá nhiều vai chính là một vở kịch nhạt” (trang 129).

“Con sông Hồng chảy dạt phía dưới, gió bay buốt qua vùng trời tuổi trẻ” (trang 137).

“Tôi hỏi những ngọn núi vây quanh núi không trả lời… nắng theo cánh chim vỗ cánh đổ xuống tức tưởi vàng hoe” (trang 285).

Cuốn sách hơn ba trăm trang đầy ắp những dấu chấm phẩy (;) như một sự lạm phát. Và tác giả cũng tỏ ra lúng túng khi sử dụng dấu phẩy. Chẳng hạn dấu phẩy đã làm ngắt mạch ở những câu này:

“giá nắng to,

gió nổi tôi đi oai oách hơn” (trang 11).

“chỉ không nói,

cử động được mà thôi” (trang 67)

“Sau đấy bố,

mẹ sẽ sống với hàng xóm láng giềng thế nào” (trang 75)

Còn đây là những câu văn hơi vô ý:

“Giá mà người chết đều nằm thẳng đuột ra như hồi ông nội chết thì tốt” (trang 51) – liên tưởng việc “ông nội chết” mà lại “thì tốt”.

“Hương được cắm thành bó to chứ không còn là một que, ba que như mọi lần” (trang 164) – những thứ thành kính như hương phải gọi là nén hương, không gọi là “que” mà lại là “ba que”.

Thêm vài hạt sạn, nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng đến sự theo dõi của người đọc:

Đang gọi nhân vật là ả, lại chuyển sang xưng là tôi (trang 295)

“Những phụ nữ cao xêm xêm nhau” (trang 296) – chèn một từ tiếng Anh mới được Việt hóa gần đây, làm tan loãng không khí của năm 1929, thời thuộc Pháp.

“Ẩn sau mỗi tên địa danh” (trang 304) – thừa chữ tên.

Những hạt sạn này có thể khắc phục một khi tác giả lưu ý và chọn được cách diễn đạt giản dị hơn hoặc gặp được một nhà biên tập lành nghề. Và quá trình thao tác “giả điều tra” từ nhiều hướng của Đinh Phương cho thấy khả năng tư duy này sẽ mở ra cho anh một hành trình tiểu thuyết dài lâu.

__________

* Nắng Thổ Tang, tiểu thuyết của Đinh Phương, Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn 2021