Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Khi một cựu chiến binh trở thành Thiền sư

Karen Tong Meredith Lake, https://www.abc.net.au/news/2022-01-02/vietnam-war-veteran-zen-buddhist-monk/100731206

Nguyên Giác dịch

.

Lời Giới Thiệu: Bài viết “How a Vietnam War veteran became a Zen Buddhist monk” (Tiến trình một cựu chiến binh Hoa Kỳ thời Cuộc Chiến Việt Nam trở thành một Thiền sư Phật giáo) trên đài ABC Radio National là của hai tác giả Karen Tong và Meredith Lake viết cho mục Soul Search trên đài ABC Radio National. Bản dịch ra tiếng Việt do Nguyên Giác thực hiện.

Bald man wearing navy blue robes, holding stick, and walking in green outdoors.

Sau khi phục vụ quân đội Hoa Kỳ, Claude bắt đầu học Phật từ 1990. Hình do Claude AnShin Thomas cung cấp.

 

Claude AnShin Thomas đã bước từ chiến tranh tới Hòa Bình. Khi còn là một vị thành niên, thầy gia nhập quân đội Hoa Kỳ và được gửi vào tham dự Cuộc Chiến Việt Nam. Bây giờ, Claude là một nhà sư Phật Giáo và là một vị thầy nổi tiếng về Thiền tọa.

Thầy nói với chương trình Soul Search trên làn sóng phát thanh RN của Úc châu, “Một mặt, tôi là một người như tôi là, vì những gì tôi đã làm, và những nơi tôi đã tới. Cùng lúc, đời tôi bây giờ gắn bó với nỗ lực kết thúc tất cả các cuộc chiến, tất cả các bạo lực – và tôi tin điều đó có thể thực hiện.”

Từ khi bước sâu vào truyền thống Thiền Phật Giáo, Claude đã thấy gốc rễ chiến tranh, bạo lực và đau khổ là từ nội tâm, không phải từ bên ngoài. Thầy nói, “Chúng hiện hữu trong mỗi người chúng ta một cách riêng tư, và trách nhiệm chúng ta là tỉnh thức thấy như thế.”

.

Một con đường tất yếu tới chiến tranh

Thân phụ của Claude đã tham dự Thế Chiến thứ hai, và ông nội đã tham dự Thế Chiến thứ nhất, do vậy như dường tất nhiên là Claude đăng lính vào Lục quân Hoa Kỳ – và thầy làm như thế năm 17 tuổi.

Thầy nói, “Thân phụ tôi khuyên là tôi nên vào lính bởi vì quân đội sẽ làm tôi thành người tốt, giúp học kỷ luật.” Thân phụ của Claude không bao giờ nói về thời kỳ chính ông trong quân đội, chỉ trừ “vài chuyện lãng mạn, vô hại” và không bao giờ xác nhận về ảnh hưởng chiến tranh trên con người ông.

Nhưng Claude đã thấy những nỗi hỗn loạn nội tâm – và đã không biết cần đối phó thế nào – đã tác hại vào đời sống thân phụ. Claude nhớ lại, “Bố tôi phải dùng tới rượu, thuốc lá – ông hút từ 50 tới 60 điếu thuốc mỗi ngày – và ông đã có một thói quen ẩm thực kinh hoàng.”

Sau khi vào quân đội Hoa Kỳ, Claude giữ vị trí xạ thủ từ trực thăng và rồi cơ trưởng tại Việt Nam. Claude bị bắn rớt 5 lần, và được giải ngũ vì chiến thương khi mới 20 tuổi; Claude lãnh nhiều huy chương và một Huân Chương Purple Heart. Claude nói, “Tôi tình nguyện tham chiến bởi vì tôi có ấn tượng rằng đó là trách nhiệm của tôi.”

Nhưng đó không phải là động cơ duy nhất của thầy. Claude nói, “Tôi đã nghĩ là nếu tôi tham chiến, phục vụ một cách vinh dự, khi tôi về lại quê nhà, việc làm sẽ có sẵn, các thiếu nữ sẽ yêu tôi và sẽ phủ phục nơi bàn chân tôi. Mọi thứ sẽ trao cho tôi vì tôi sẽ là một anh hùng quốc gia.”

.

Một năm tại Việt Nam

Claude chưa từng bao giờ nhìn thấy một chiếc trực thăng trước ngày đầu tiên đặt chân tại Việt Nam, khi được bổ nhiệm làm xạ thủ ngồi bắn xuống từ cửa trực thăng. Thầy nhớ lại, “Tôi hoàn toàn thơ ngây, thực sự chưa chuẩn bị gì cho trách nhiệm tôi được trao cho. Tôi tìm kiếm các chiến đấu cơ sẽ tấn công chúng tôi. Nhưng quân Việt Nam phía bên kia không có chiến đấu cơ nào, và tôi trước đó đã không biết như thế.”

Ngày đầu tiên của Claude trong đơn vị trên nguyên tắc sẽ là giới thiệu nhẹ nhàng – một chuyến bay không tác chiến để nhận và phân phối thư tín, và vận chuyển người. Nhưng khi họ trở về doanh trại, cơ trưởng của Claude chạy tới, nói, “Chúng ta phải đi.”

Claude nhớ lại, “Tôi quá sợ hãi, tôi tràn ngập nỗi sợ. Tôi nhớ hình ảnh bước ra khỏi chuyến bay và nhìn thấy người ta làm sạch máu trên trực thăng từ những người bị bắn trúng, bị thương hay đã chết.”

.

Cuộc hồi hương không anh hùng

Claude mô tả hình ảnh trở về đời thường tại Mỹ của thầy như là hỗn loạn. Nó không anh hùng tí nào như thầy từng nghĩ trước đó. Claude trải qua nhiều năm thất nghiệp, cô lập xã hội, bạo lực và nghiện. Claude nói, “Tôi cảm thấy dơ bẩn, hư hỏng. Tôi cảm thấy xương cốt tôi bị kẽm gai quấn lấy, và cứ mỗi lần tôi xoay hướng nào thì kẽm gai cứa vào người tôi.”

Claude nói rằng thầy đã mang, và vẫn còn mang, trách nhiệm về nhiều cái chết và tàn phá, và gánh nặng của vết thương đạo đức và căng thẳng hậu-chấn-thương. Claude nói, “Tôi không hoảng loạn. Quan hệ của tôi với thế giới trong đó tôi sống làm ra ý nghĩa tuyệt đối dựa vào sự thật của đời tôi và vào quá khứ chiến trường của tôi. Chúng tôi, những người đã tham chiến đều bị thương tích về mặt đạo đức, chúng tôi bị thương, bởi vì những gì chúng tôi bị yêu cầu làm là phản bội đối với tất cả những gì chúng tôi bị điều kiện hóa để tin là đúng và chính xác. Tôi không phải là một người tốt hay xấu vì những gì tôi đã làm, nhưng tôi chịu trách nhiệm.”

.

Con đường bất ngờ tới bình an

Claude dứt nghiện từ năm 1983, và bắt đầu bước vào đường Phật giáo từ năm 1990. Một nhân viên xã hội đã chỉ Claude tới một kỳ thiền thất. Ban đầu Claude nghi ngờ, nhưng khi tham dự thiền thất thì thấy có điều thích hợp.

Claude kể lại, “Họ chỉ yêu cầu tôi ngồi xuống và để thân tâm bình lặng, để rồi mang như thế vào đời tôi và để thấy những gì tự nó hiển lộ ra cho tôi. Tôi không thể nhớ chính xác những gì được nói lên [trong thiền thất], nhưng tôi có thể nhớ những gì tôi nghe là một sự thật tôi trước dó đã biết từ khi tôi 10 tuổi. Chúng ta không phải người xấu muốn tìm cách làm tốt, chúng ta là những người bị thương tích đang tìm sự chữa lành.”

Profile of a bald man wearing glasses, and purple material around neck.

Claude AnShin Thomas bây giờ dạy ngồi thiền cho thường dân và cựu chiến binh, với lời dạy bất bạo động. Hình do CAT cung cấp.

 

Sau khi gắn bó với thiền tập, Claude tu học với vị Thiền sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh, rồi sau đó với vị Thiền sư hoạt động hòa bình Bernie Glassman. Rồi năm 1995, Claude thọ giới cụ túc để trở thành một Thiền sư trong dòng tu Thiền Tào Động Nhật Bản (Japanese Soto Zen).

Ngồi thiền bây giờ là một kỷ luật chủ yếu với Claude, người hồi 40 năm trước, hễ bước đi bên ngoài nhà tù là mang theo trong người một khẩu súng. Claude nói, “Tôi đã không làm những gì đặc biệt, ngoại trừ giữ kỷ luật là khi ngồi thì chỉ ngồi thôi, là khi bước đi thì chỉ bước đi thôi, là khi ăn thì chỉ ăn thôi, là khi làm thì chỉ làm thôi.”

Pháp này cũng giúp Claude hóa giải những tác động của chiến tranh trên thân. Claude nói rằng không hề ngủ được hơn 2 giờ đồng hồ liền kể từ năm 1967. Claude không còn xem việc “chữa lành” như là có thể ngủ ngon, ngủ không ác mộng, nhưng là học cách chấp nhận rằng “cách tôi ngủ thế nào thì chỉ là cách tôi ngủ. Chữa lành không phải là vắng mặt của đau khổ. Đó là học để sống trong một quan hệ tích cực và tỉnh thức với đau khổ đó.”

.

Giúp người khác bình an

Xuyên qua tổ chức Zaltho Foundation, Claude dạy zazen (ngồi thiền) cho thường dân và các cựu chiến binh, và phổ biến thông điệp của bất bạo động tích cực, chuyển hóa và thay đổi.

Claude nói, “Tôi khuyến khích người ta rằng khi ngồi thì chỉ là ngồi thôi. Nếu chúng ta muốn kiếm gì từ đó, thì điều thực sự hiển lộ cho chúng ta qua tiến trình đó, chúng ta sẽ không thấy nó, chúng ta sẽ lạc mất nó. Tiến trình này không phải là tìm kiếm những gì tốt đẹp, mà chỉ là tỉnh thức.”

Và chính là qua thiền tập này, người cựu chiến binh từ chiến trường Việt Nam này đã hiểu thêm về hòa bình. Claude nói, “Với thân tâm lặng lẽ, tập trung vào nền tảng của đời sống – tức là, một hơi thở này theo sau một hơi thở khác – bình an có cơ hội để tự hiển lộ chính nó ra với tôi, khi nó sẽ hiển lộ trong từng khoảnh khắc tiếp theo. Bình an không phải là một thực tại cố định.”

.

Hướng dẫn ngồi thiền cho người mới tập

Claude khuyên rằng bất kỳ ai muốn tập ngồi thiền hãy nên tìm một nhóm, để có sự hỗ trợ, và một vị thầy từ một truyền thống lâu dài đưa ra lời hướng dẫn.

Dưới đây là một vài hướng dẫn căn bản Claude đưa ra bất cứ khi nào hướng dẫn một buổi ngồi thiền.

Ngồi

Claude nói, “Chẳng hề gì về nơi bạn ngồi trên đó. Dù là bạn ngồi trên ghế, hay trên giường, hay trên sàn nhà, trên tọa cụ hay một băng ghế, điều quan trọng là ‘hãy có bệ đỡ vững vàng – tức là ba điểm tiếp cận. Nếu bạn ngồi trên mép một chiếc ghế hay giường [thõng chân xuống], thì ba điểm tiếp cận [vững vàng] này là mông và hai bàn chân. Nếu bạn ngồi trên sàn nhà, hay trên tọa cụ hay một băng ghế, thì ba điểm tiếp cận [vững vàng] sẽ là mông và hai đầu gối.”

Nhận biết về không gian và thân

Hãy giữ hông của bạn nghiêng về phía trước, và cằm thu vào trong. Hai tai nên thẳng với hai vai, mũi thẳng với rốn. Đầu chớ nghiêng về trái hay phải, chớ nghiêng trước hay sau.

Giữ hai mắt gần như khép lại

Claude nói, “Nếu bạn muốn ngồi với mắt nhắm lại, coi chừng đừng ngủ gục.”

Claude nói về hai tay: “Lấy lưng bàn tay trái đặt trong lòng bàn tay phải, và chúng ta an nghỉ như thế trên hai đùi với hai đầu ngón cái gần chạm nhau. Nói gần chạm nhau bởi vì, khi chúng ta bị phân tâm ra khỏi điểm cốt tủy là ý thức về hơi thở, hai ngón cái sẽ chạm nhau. Đó là một nhắc nhở vi tế… để tỉnh thức trở lại với ý thức về hơi thở.”

Hơi thở

Hãy thở vào xuyên qua mũi và hãy thở ra xuyên qau miệng, và hãy thở sâu vào bụng. Khi thờ vào, Claude nói, “Chúng ta không theo hơi thở vào thân. Chúng ta nên chú tâm vào điểm chính xác nơi hơi thở vào thân.” Khi thở ra, “Chúng ta không theo hơi thở ra ngoài thân, nhưng chúng ta chú tâm vào điểm chính xác nơi hơi thở rời thân.”

Lặng lẽ

Chớ nên chuyển động. Claude nói, “Chớ cử động nhúc nhích, đừng dễ dàng nuông ý định là gãi đầu hay vuốt má hay làm gì.” Tuy nhiên, khi thấy cảm thọ bất an cứ tiếp tục hay tăng mạnh hơn, thì hãy cử động thân “với ý thức rằng nó ảnh hưởng tới không gian nơi bạn đang ngồi.”