Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Đọc “Giáo sĩ” của Trần Vũ: Lời Ngợi Ca Chữ Việt

Phan Tấn Hải

zzzz Giao si_Tran Vu

 

Có thể tóm tắt một lời về tập truyện “Giáo sĩ” của Trần Vũ hay không? Tôi do dự. Trong tuyển tập “Giáo sĩ” là 9 truyện, mỗi truyện hay một cách khác, tuy văn phong xuyên suốt vẫn rất là Trần Vũ – nghĩa là độc đáo, kỳ ảo, như mơ như thực, từng trang là những hình ảnh ngoại sử xen vào đời thực, một bút pháp rất lạ, hoàn toàn đứng ngoài tất cả các khuynh hướng văn học thế giới hay Việt Nam. Có lẽ, nói gọn thế này sẽ thích hợp: truyện của Trần Vũ là những lời rất mực kỳ ảo để ngợi ca chữ Việt.

 

Tôi đã đọc truyện của Trần Vũ từ lâu rồi, từ những năm của gần ba thập niên trước. Bây giờ là cơ duyên đọc lại, đọc kỹ hơn, khi tập truyện “Giáo sĩ” được Trần Vũ ấn hành năm 2021. Tôi đọc trong những tuần lễ cuối năm, từ từ, chậm rãi. Mỗi lần đọc, là mỗi lần nhìn ra khác hơn. Tôi đọc trong thái độ của người đứng bên thế giới này, nhìn sang bên kia thế giới, một thế giới nào đó hẳn là tôi chưa biết tận tường. Đúng như thế, ngay cả những đoạn văn, hay những trang khi tôi đọc qua, đọc lại vài lần, có vẻ như là những gì được làm mới hơn.

Tất cả truyện Trần Vũ sáng tác đều là phi truyền thống. Nói đúng, là sáng tác, không phải kể truyện. Nơi đây, chúng ta không có ý nói rằng cách viết này, hay cách viết kia là ưu thắng. Chỉ muốn nói rằng, Trần Vũ viết không giống ai, viết rất khác, viết rất phi truyền thống. Ngay cả khi chúng ta nhìn thấy những gì quyến rũ trong truyện Trần Vũ, cũng không thể kể lại các cảm xúc. Truyện Trần Vũ như hư, như thực.

Thí dụ, chúng ta đọc trong truyện ngắn “Mùa Mưa Gai Sắc” khi Trần Vũ kể về ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ… lại là qua một nhân vật xưng tôi. Truyện dựa vào lịch sử, nhưng đầy hư cấu. Nhân vật xưng tôi cũng là cái gì đánh đố suy luận, đầy những hóa thân, tạo ra nhiều lớp sương mù trong vị trí kể truyện, vì “Tôi biết Huệ đã lâu. Từ lúc Huệ còn niên thiếu…” (trang 9)

Chọn vị trí cho “tôi” như thế, cho độc giả cảm giác rằng “tôi” phải là bạn đồng song từ đất Bình Định, có thể là học cùng Thầy hay là bạn cùng đất võ. Nhưng rồi Trần Vũ lại cho “tôi” hóa thân thành một phụ nữ “Tôi chơi với Hân từ thuở bé…” (trang 37) Bạn với công chúa Ngọc Hân từ thuở bé, hẳn cũng là người của hào môn, kín cổng cao tường, có thể là hoàng thân hay là từ cửa nhà quan.

Thế rồi nhân vật “tôi” lại chứng kiến Nguyễn Huệ say rượu với hình ảnh “Huệ uống tới lúc ngủ quên trong thau. Tôi đỡ Huệ dậy…” (trang 33) và rồi nhân vật “tôi” quan sát Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm đánh cờ tướng, với lời kể “tôi đành bỏ ra xem Chỉnh và Nhậm đánh cờ.” (trang 34).

Tất cả các lời kể truyện đan xen vào nhau, cho thấy một thế giới chúng ta khó hình dung, hệt như thế giới nhiều tầng, làm mọi chuyện như là mơ, không phải truyện kể theo thứ tự thời gian. Truyện cũng rất là Tây phương – hoàn toàn không theo kiểu truyền thống. Như kiểu làm tình giữa Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân. Dữ dội. Huệ dùng roi đánh vào Ngọc Hân. Rồi Hân cào mãnh liệt vào lưng Huệ y hệt như sư tử cái. Chớ hề có kiểu như Nguyễn Đình Chiểu khi cho Lục Vân Tiên nói với nàng Nguyệt Nga rằng, “Khoan khoan ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái, ta là phận trai.” Hình như trong truyện viết bằng Việt ngữ của tất cả các tác giả tôi từng đọc chưa từng có ai kể cảnh làm tình mà “chàng” lấy roi đánh túi bụi vào “nàng” để cả hai tìm cảm giác. Vậy mà, Nguyễn Huệ làm như thế với nàng Ngọc Hân.

Hiển nhiên, trong truyện, công chúa Ngọc Hân lộ ra tham vọng muốn gây dựng lại nhà Lê. Nhân vật xưng “tôi” rất mực tâm ý tương thông với công chúa Ngọc Hân: “Đêm đêm chứng kiến cảnh Hân chịu đòn, tâm thần tôi tan nát. Tôi thân thiết với Hân như hai chị em song sinh, cùng cha, cùng mẹ, cùng một nỗi lòng con gái mới lớn, kê vai lãnh trọng trách trung hưng nhà Lê chẳng khác đội đá vá trời…” (trang 40)

Truyện Trần Vũ cho chúng ta một cách nhìn vào sử khác hơn. Lịch sử không còn được kể theo kiểu thời gian diễn tiến, với những trận đánh và với các văn thư triều đình. Lịch sử nơi truyện Trần Vũ là thế giới sâu thẳm của tâm ý nhân vật. Nơi đây hình ảnh như mơ, như thực. Cho độc giả thấy lịch sử là kính vạn hoa, là những con người với đầy đủ vui, buồn, giận, hờn, thương, ghét… Lịch sử nơi Trần Vũ không còn là các văn bản của sử gia triều đình, nhưng là những gì rất mực đau đớn, rất mực riêng tư. Trong truyện Trần Vũ, có nhiều chi tiết hiểu là bí mật cung đình được kể lại, hay được suy luận trong bối cảnh khác, do tác giả ghi lại với nhiều hình ảnh được đẩy xa tới mức có thể tin là hư cấu. Tuy nhiên, chớ nên nghĩ rằng văn phong huyền thoại là cái gì không thích nghi, bởi vì ông bà chúng ta từ cả ngàn năm đã kể rằng dân tộc Việt là từ trăm trứng sinh ra, và phân nửa được mẹ là nàng tiên Âu Cơ dẫn lên núi, và phân nửa còn lại được cha là vua rồng Kinh Dương Dương đưa về biển. Phải chăng Trần Vũ viết theo văn phong huyền thoại cũng là liên kết từ sử tính Tiên-Rồng đã có từ nhiều ngàn năm?

Truyện “Vĩnh Yên 1973” lại cho thấy một văn phong khác, khi Trần Vũ kể chuyện nội chiến Việt Nam với năm 1973 (thời điểm của hòa ước Paris) kéo dài từ trận Vĩnh Yên với quân Pháp do de Lattre chỉ huy trong khi Võ Nguyên Giáp đưa quân bao vây. Các thời gian như thế cứ xen kẽ nhau trong suy nghĩ của nhân vật có tên là “bà Vạn Xuân”… Và giữa các chi tiết truyện giữa Vĩnh Yên, Điện Biên Phủ, Sài Gòn, Tân Định… là hai đồ hình lượng giác (trời ạ, toán học, lại làm cho chới với những người kém toán, kém hình học, kém lượng giác như tôi). Cuối truyện “Vĩnh Yên 1973” là hai trang “Ghi chú quân sự”… với các chi tiết về binh lực hai bên ở trận Vĩnh Yên trong tháng 1/1951.

.

Truyện nào cũng có văn phong kỳ ảo kiểu riêng. Trong đó, Trần Vũ đều ghi rõ các chi tiết để thấy những tầng lịch sử bồng bềnh, chỉ có thể trong trí tưởng, hay trong giấc mơ. Như trong truyện “Di Sản Triều Lý,” tác giả Trần Vũ ghi đầu truyện là “Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long” và ngay trong đoạn văn đầu truyện đã cho biết khung cảnh hiện ra trước mắt nhân vật xưng tôi là “Kinh sư đầu triều Lý mang sắc đẹp bán khai dữ dội của những cánh rừng bàng chưa phát quang. Kiệt hay đứng ở bờ nước…” (trang 81) Kiệt đây là Lý Thường Kiệt, một danh tướng thời Lý sinh năm 1019 và từ trần năm 1105.

Trần Vũ đưa bối cảnh truyện về thế kỷ 11, truyện kể “Chỉ về đến Thăng Long, chúng tôi ngỡ ngàng khám phá ra đang ở triều Lý.” (trang 83-84) Lý Thường Kiệt nhìn dò xét về nhóm nhân vật được Trần Vũ gọi là “chúng tôi” (một nhóm 4 người của thế kỷ 21 đi lạc về lịch sử thời Lý). Truyện cho chúng ta cảm giác như dường Lý Thường Kiệt không thật, ngay cả một bóng hình xưa.

Tác giả nhận định về Lý Thường Kiệt: “Kiệt nổi tiếng qua sách vở. Hắn nổi danh như cồn một thời với một bài thơ Tân Hình thức mà toàn quốc ngâm i ỉ Nam quốc sơn hà nam đế cư…” (trang 84)

Nhưng, chớ nên vội vàng nghĩ rằng nhóm “chúng tôi” đi ngược chiều về lịch sử, bời vì tự thân nhân vật Lý Thường Kiệt cũng có vẻ như “xuyên không” – nghĩa là như dường cũng phóng mình về tương lai của sử Việt. Bởi vì, tác giả Trần Vũ cũng kể về Lý Thường Kiệt:

Lý Thường Kiệt có khả năng thích ứng phi thường. Trong chiến tranh sống sót qua bao trận lao mác, đến thời bình đi buôn lò chạy sóng vi ba ở cửa khẩu Lạng Sơn, bị bắt vì nhập hàng lậu, hắn thản nhiên thi hành án rồi ra khám đỗ đầu vào Trường Việt Văn Đinh Tiên Hoàng. Chúng tôi biết đang gặp Đối tượng Nhân dân của xứ này.” (trang 85)

Kiệt kể cho nhóm “chúng tôi” rằng Kiệt cũng có thói quen nhìn xuyên qua biên giới: “Hắn nói bên Trung Quốc có Lý Liên Kiệt thì Đại Việt sẽ có Lý Thường Kiệt…” (trang 86)

Truyện “Di Sản Triều Lý” ghi thêm nhiều chuyển biến và phân cảnh nữa, nhưng cuối truyện mới là nhức nhối: “…Kinh sư đang rầm rộ đón Tống Khiết Trì. Những tấm đoạn đỏ thêu sáu vì sao phất cao như sức hãnh tiến của một triều đại man trá.” (trang 98) Tác giả chỉ viết như thế, còn độc giả muốn suy diễn sao thì tùy vậy.

.

Nhìn lại, tôi thích nhất trong tập là truyện “Giáo Sĩ” – truyện có độ dài khoảng 80 trang sách, khổ chữ 13, nghĩa là dài hơn tất cả những truyện mà chúng ta quen gọi là truyện ngắn. Mở đầu truyện là trích khoảng 2 trang rưỡi từ “Đời Mưa Gió” của Khái Hưng và Nhất Linh, ấn bản 1934, nơi trang 35. Phần trích đoạn là hình ảnh cô Tuyết đến tận nhà Chương để thăm và cảm ơn, một diễn biến rất bất ngờ đối với Chương. Chúng ta có thể nhớ rằng, “Đời Mưa Gió” ấn hành năm 1934, thời kỳ phụ nữ còn kín cổng cao tường tại Việt Nam. Cô Tuyết lại đi một mình tới nhà Chương, không hề rủ ai đi theo để chứng kiến hay để cho đỡ mắc cỡ.

Dưới mắt độc giả Việt trong gần một thế kỷ qua, cô Tuyết rất hiện đại này là sản phẩm của Khái Hưng và Nhất Linh. Nhưng dưới ngòi bút của tác giả Trần Vũ, cô Tuyết cũng là sản phẩm của Giáo sĩ Alexandre Lucien Abel de Rhodes, một người có công góp sức hình thành chữ quốc ngữ.

Nơi đây, chúng ta cần thanh minh thanh nga rằng, tác giả Trần Vũ chỉ sáng tác văn học, chỉ viết truyện, không có ý vướng vào tranh cãi chuyện có phải Giáo sĩ de Rhodes đã mời gọi quân Pháp vào thống trị Việt Nam hay không. Không, Trần Vũ không bàn chuyện chính trị. Cũng không bàn chuyện tranh cãi về tôn giáo, rằng có phải Giáo sĩ de Rhodes chỉ muốn Đấng Blời đẩy toàn bộ Phật tử xuống địa ngục như trong sách Phép Giảng Tám Ngày. Trần Vũ cũng không bàn chuyện công/tội, cũng không bàn chi tiết về cội nguồn chữ quốc ngữ. Trần Vũ chỉ viết truyện, và truyện này có thể xem như là lời ngợi ca văn học chữ quốc ngữ mà nhiều người đã góp sức hình thành, trong đó có Khái Hưng và Nhất Linh.

Hình ảnh Giáo sĩ trong truyện Trần Vũ là một “Alexandre Lucien Abel de Rhodes mang gương mặt thống khổ và si mê của oan hồn chưa hề biết đến tình yêu. Những ai bắt gặp giáo sĩ những năm thánh chiến, thảng thốt nhận ra bóng ma mang nỗi buồn chín thối ruột gan của một người đàn ông chưa toại nguyện thân xác. Hôi thối đến nỗi những người lính Marốc của tiểu đoàn 10 Tabor tăng cường cho trung đoàn 3 Lê Dương phải bịt mũi trước xú uế nồng nặc bốc tỏa từ nhà thờ chính tòa Cao Bằng.” (trang 283-284)

Giáo sĩ được Trần Vũ mô tả là kinh khủng tới mức “Mỗi khi Alexander de Rhodes thăm các họ đạo, các ruộng mạ mới xanh mơn mởn bỗng dưng héo úa hóa ra cần cỗi rồi đổ rạp xuống thành đống rạ cũ mốc như đã cháy khô từ bao kiếp nào.” (trang 284)

Giáo dân được mô tả cuồng nhiệt tới mức “Mỗi sáng chúa nhật rước lễ, trông thấy De Rhodes hiện hình trên bục giảng, các con chiên giáo xứ òa khóc vật vã tức tưởi như vừa trông thấy chính đấng Christ đang chịu thương khó trên thập tự giá.” (trang 284)

Giáo sĩ đang chờ chung kết của lịch sử, theo tác giả kể trong truyện, “…ai cũng biết giáo sĩ De Rhodes chết từ lâu lắm, vong hồn chưa siêu thoát, còn đợi Ngày Phán xét Cuối cùng chưa xảy đến, hãy còn quyến luyến Đông Dương vùng đất ông đã đến truyền giáo và lập chữ viết bản xứ.” (trang 285)

Giáo sĩ được Trần Vũ mô tả rằng tuy là một oan hồn nhưng vẫn “mặc cảm với tất cả mọi đàn bà” bởi vì ông đã “bị thượng đế tước mất chức năng đàn ông…” Và đó là lý do “De Rhodes chỉ còn một nỗi đam mê cuối cùng duy nhất. Nỗi đam mê tiểu thuyết.” (trang 286)

Với nỗi đam mê tiểu thuyết, Giáo sĩ “lùng sục những chợ sách, nhưng rất nhanh De Rhodes ngạc nhiên thấy tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh in hệt tiểu thuyết Pháp, tiểu thuyết Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Trọng Quản không khác mấy thời ông viết Phép Giảng Tám Ngày và tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng châm biếm nhức nhối ông không sao hiểu hết. Giáo sĩ bắt đầu tuyệt vọng, ông ợ hơi thum thủm và nỗi buồn chín thối ruột gan càng lúc càng nồng nặc thối hoăng khắp vùng. Các họ đạo xa lánh dần nhà thờ…” (trang 287-288)

Thế rồi Giáo sĩ khám phá ra các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Trần Vũ kể: “Giáo sĩ không ra khỏi hầm đá, ăn uống tiêu tiểu ngay bên cạnh giá sách Tự Lực. Thậm chí ông không có thì giờ vén áo chùng mỗi khi đại tiện…” (trang 288)

Nhưng tới cuốn “Đời Mưa Gió” (có trích 2 trang rưỡi nơi đầu truyện “Giáo sĩ”) thì Giáo sĩ say mê nhận ra một thế giới tuyệt vời, theo ngòi bút Trần Vũ: “Lần đầu tiên giáo sĩ khám phá trong tiểu thuyết ghi chép những điều mà kinh thánh không hề nhắc đến. Đời Mưa Gió ghi chép tất cả tâm trạng con người khi yêu mà De Rhodes chưa hề thấy trong Tân Ước, Cựu Ước. Ông si mê Đời Mưa Gió đến quên đại tiện, quên lễ Misa, quên cả làm phép Sức Dầu ở nhà xác thị xã cho toán lính Marốc vừa tử trận.” (trang 290)

Có những đoạn văn Trần Vũ viết đẹp như thơ, khi kể về “De Rhodes viết đêm ngày, trăng lên trăng xuống ông không hay, mưa bão ông không hề biết, viết đến rách giấy, viết đến thủng bàn gỗ cẩm lai khiến ý văn tung tóe, chảy lai láng trên mặt đất. Thậm chí bình mực đã cạn, giáo sĩ vẫnt iếp tục chấm, tiếp tục viết đến lúc ngòi bút cùn vẹt, cán bút lụn dần rồi biến mất mà mực vẫn cứu tiếp tục trào ra chảy ở đầu ngón tay ông sưng đỏ như quả ớt.” (trang 290)

Giáo sĩ tắt thở đã hơn ba trăm năm nhưng nhớ tới hình ảnh cô thiếu nữ trong đêm kiệu Maria ở thành Goa, và Giáo sĩ đi tìm hình ảnh cô… thế rồi tác giả Trần Vũ cho cô hiện ra với Giáo sĩ. Hình ảnh này kể như sau.

Thiếu nữ cũng nhìn anh trừng trừng trăn trối, cho đến khi cô gái chắp hai tay vái:

--- Vâng em là Tuyết của Đời Mưa Gió, của Nhất Linh và Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn, người chịu ơn của anh!

Alexander Lucien Abel de Rhodes chỉ kêu lên được hai chữ thảng thốt Blời ơi rồi ngất đi.” (trang 295)

Đúng vậy, cô Tuyết chịu ơn Giáo sĩ. Vì có chữ quốc ngữ, nên có cô Tuyết. Tới đây, truyện có diễn biến mới, kể về Trung úy Bernard de Lattre de Tassigny của trung đoàn 3 Lê Dương trong các trận đánh ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn. Một hôm, “Bernard hối tiếc anh chưa bao giờ xuống xóm thổ, chưa bao giờ ân ái với phụ nữ. Viên trung úy đi ngay xuống xóm yên hoa ven sông Hiểm, bất chấp những ổ phục kích đêm của Việt Minh, nhưng Bernard de Lattre khám phá thêm một điều kinh khủng, anh hoàn toàn bất lực, không có khả năng sinh lý, dù nhỏ nhoi, hiếm muộn.” (trang 298)

Trong một lần càn quét, Bernard tông cửa vào một giáo đường, nhìn thấy dưới tượng Đức Mẹ là cô Tuyết chắp hai tay vái, “Ối anh đừng bắn! Em là Tuyết của Đời Mưa Gió, người chịu ơn của anh!” (trang 302) Vâng, đúng thế, nhờ có binh lực Pháp, nên các giáo sĩ làm cho chữ quốc ngữ cắm rễ nhanh hơn, sâu hơn vào văn hóa Việt. Xin anh đừng bắn, vì em đang trở thành đứa con lai xinh đẹp cho một nền văn học mới của Việt Nam.

Những người lính Châu Phi kinh ngạc khi thấy trung úy Bernard de Lattre “thở hào hển, hối hả gục mặt xuống đất hôn như mưa lên nền đá hoa cương, đôi lúc đối thoại bí mật với một người đàn bà nào đó, có lúc gần như tỏ tình đắm đuối đến kiệt sức.” (trang 304)

Thế rồi De Lattre quăng vũ khí, “cởi áo quần, nhảy xuống sông Bằng Giang, bơi đến tận nguồn, mãi đến tối mịt ông mới bơi trở về, và chuyện lạ hiếm có, lần đầu tiên ông dẫn cả đơn vị xuống xóm thổ, đãi bia và thuê bao tất cả những cô gái điếm kinh nghiệm. Suốt đêm đó, cả thị xã không ai ngủ được vì tiếng rên la thỏa mãn không đứt quãng…” (trang 304-305)

Thế rồi cô Tuyết xưng tội với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Cô Tuyết không yêu Chương (cả Tuyết và Chương là hai nhân vật trong tiểu thuyết “Đời Mưa Gió”), trong khi Tuyết căm thù Nhất Linh vì buộc cô phải yêu Chương. Nhưng căm thù của cô Tuyết với Nhất Linh thực sự là vì “nàng vẫn còn yêu, còn kính phục và vẫn hãy còn hờn giận đến phút nàyTuyết biết nàng đã yêu Nguyễn Tường Tam ngay từ những giòng chữ đầu tiên của Đời Mưa Gió.” (trang 309)

Trong khi Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tới tòa soạn trên phố Cổ Ngư, ngồi viết tiểu thuyết, tác giả Trần Vũ kể lại trong truyện: “Có những đoạn đã khiến nàng cười ngất, cười đến ngã hẳn vào lòng anh Tam, những lúc đó cánh áo pyjama bung mở phô bày thân thể nàng, Tuyết đã chờ đợi biết bao lần anh Tam áp mặt vào ngực mình, hôn lên chiếc bụng phẳng, nhưng lần nào Nhất Linh cũng gỡ tay, đỡ nàng dậy, cài lại năm cúc áo và khuyên nàng đi nghỉ.” (trang 310)

Trần Vũ lại ghi nhận rằng cô Tuyết tát vào mặt Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và mắng: “Anh đối xử với đàn bà một cách khốn nạn!” (trang 312) Lý do: tác giả Nhất Linh tới “cuối truyện bắt nàng ho lao và trở thành một con điếm.” (trang 312)

Chưa hết, “Những ngày sau Tuyết làm tình với Hoàng Đạo ở phố Cổ Ngư để trả thù Nhất Linh. Anh Tam bỏ nàng, rời Hà Nội sang Trung Hoa đi làm một cuộc cách mạng nào đó mà Tuyết không sao hiểu.” (trang 313)

Cuộc cách mạng mà Tuyết không sao hiểu? Làm sao Tuyết hiểu nổi. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm cuộc cách mạng chống Pháp, trong khi nàng Tuyết hiển lộ từ các trang sách của Nhất Linh là đứa con gái nửa dòng máu. Cô Tuyết là sản phẩm của chữ quốc ngữ, biết ơn Nhất Linh và cũng biết ơn Giáo sĩ De Rhodes. Trong cơ duyên sau đó, cô Tuyết về giúp Giáo sĩ dịch tiểu thuyết chữ Việt (truyện không nói rõ, có lẽ dịch sang tiếng Pháp). Giáo sĩ say đắm cô Tuyết và có những lúc, tác giả Trần Vũ kể: “…nàng cũng tự hỏi không biết trong xác chết cha cố còn giọt máu nào không nữa. Những lúc Alexandre de Rhodes bất tỉnh, Tuyết khám phá điều kỳ lạ, bàn tay nàng xoa nắn đến đâu da dẻ ông căng trở lại, từ vết nhăn ba trăm năm đến nếp thịt bung nhão nhoẹt cứ ngón tay nàng chạm vào vụt thẳng ra, săn chắc, cứng cáp, cả vẻ mặt cha cố cũng trẻ ra cho đến khi ông trở thành một thanh niên cao lớn không còn khòm lưng nhưng mang vẻ đẹp quyến rũ của hiệp sĩ Thập Tự thời xa xưa.” (trang 319)

Thế đó, Giáo sĩ chỉ là một xác chết hôi thối, nhưng đã hồi sinh tuyệt vời mỗi lần cô Tuyết đưa tay sờ vào xác chết, mỗi lần cô Tuyết đưa môi hôn vào thi thể đã tan rã ba trăm năm. Cô Tuyết là hồn chữ Việt đã biến xác chết của Giáo sĩ De Rhodes thành một chàng trai quyến rũ, đầy sinh lực. Giáo sĩ hồi sinh trên từng trang chữ Việt.

Trong khi đó, cuộc chiến chống Pháp chuyển biến dữ dội hơn. Đại tá Antoine Marie Pierre Charton, lãnh chúa Cao Bằng, tư lệnh trung đoàn 3 Lê Dương, ngồi trong căn hầm chỉ huy chôn chìm sâu dưới lòng đất chứng kiến hiện tượng huyền bí: “… Gương mặt ông biến dạng móp méo thay đổi từng lúc trước các báo cáo tự động sang trang, lật mở từng phúc trình tối tăm mà không một ai đụng đến. Suốt đêm viên đại tá chứng kiến những hiện tượng quái dị. Vong các sĩ quan tử trận Đông Khê cứ lần lượt lê lết hiện về, trình diện cấp bậc, đưa bảng trận liệt khai báo quân số tử vong, mất tích, rồi đưa giấy khai tử chờ ký nhận tử tuất…” (trang 323)

Bí mật của chiến thuật Việt Minh? Trần Vũ ghi nhận: “Charton tin chỉ một mình ông khám phá ra chiến thuật Việt Minh. Lối đánh Phật giáo, chết đi sống lại liên tục luân hồi, khiến với quân số không tăng viện, trung đoàn Thủ Đô vẫn có thể xung phong biển người, hết lớp này đến lớp khác, mà các đại liên Bren, Browning, Hotchkiss bốn nòng không thể chận đứng. Bộ đội Việt Minh không thể tử vong.” (trang 324)

Trong truyện “Giáo sĩ” tác giả cũng cho hình ảnh đấng Christ hiện ra nơi nhà thờ Cao Bằng. Cô Tuyết khám phá ra một bất ngờ rằng cô là người bất tử: “Tuyết khám phá ra nàng không thể chết. Nàng là một nhân vật tiểu thuyết không có khả năng chết…” (trang 343)

Nhưng sự hiện hữu của Tuyết cũng là một tỉnh ngộ, một tự ý thức: “Sáng đó Tuyết đã khóc thật nhiều vì vụt hiểu ra nàng chỉ có thể hiện hữu bằng tình yêu khai hóa duy nhất của Alexandre Lucien Abel de Rhodes.” (trang 355)

Truyện “Giáo sĩ” có nhiều diễn biến phức tạp nữa. Nhìn chung, có thể nói rằng, truyện này của Trần Vũ là lời ngợi ca đẹp nhất cho chữ quốc ngữ -- nơi đó, cô Tuyết, Nhất Linh, Khái Hưng, Giáo sĩ De Rhodes đều trở thành những hình ảnh bất tử trong không gian chữ Việt.

Ngắn gọn, đây là tác phẩm cần có trong tủ sách của tất cả những người quan tâm về văn học.

Tuyển tập "Giáo Sĩ" của Trần Vũ, dày 366 trang, giá $12, có thể tìm ở trang:

https://www.barnesandnoble.com/

Xin gõ "tran vu" để tìm mua.