Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

Người đi hái giấc mơ (4)

Tiểu thuyết ngắn Trương Đình Phượng

image_thumb1_thumb

14.

Trưa hè, nắng như đổ lửa, khắp các ngọn đồi lổn nhổn những tấm lưng trần nhễu nhãi, chốc chốc đây đó vang lên từng tràng chửi rủa, giục giã kèm theo là một loạt tiếng vun vút phát ra từ những chiếc roi của những tay “cai mỏ”.

Nắng nóng khiến lũ chim cũng chẳng buồn hót.

Trong các quán hàng được dựng lên như những mái lều che tạm từ phên tre nứa, những tay anh chị cởi trần phơi bày những hình xăm trổ đủ hình thù đang say sưa nhậu, trên bàn bày la liệt các món chế biến từ nội tạng động vật, nào lòng luộc, phèo xào, gan sốt me… vừa nhậu bọn chúng vừa rôm rả bàn bạc về việc chiều hôm kia một gã trong giới giang hồ “xứ máu” mới phát hiện ra một ngọn đồi ẩn chứa rất nhiều đá ru by.

-Chuyến này không khéo thằng Tám Độc Nhãn tợp hết đá màu, anh em mình chỉ còn nước cạp đất mà sống. Kiểu gì cũng phải khử hắn. Gã râu quai nón biệt danh Hùng Búa vừa nghiến miếng lòng luộc vừa trừng mắt nói.

Luận Chó Săn chậm rãi nhai miếng gan sốt me, nở nụ cười đầy ẩn ý:

-Chú em không nên nóng vội, dục tốc bất đạt, thay vì thanh toán Tám Độc Nhãn gây sự chú ý cho tụi cớm chi bằng chúng ta cứ tọa sơn xem chó đánh hơi, theo ý tao ngọn đồi đó chưa chắc đã là nơi ăn nên làm ra, chúng ta cứ chờ xem nếu tay Tám kiếm chác được “nhiều huyết” chúng ta mở cuộc tấn công cũng chưa muộn.

Hùng Búa cười giả lả:

-Đại ca nói chí phải, đúng là đại ca nghĩ suy thấu đáo, chẳng hổ danh giang hồ gọi đại ca là… – gã chưa nói dứt câu đã dừng ngay lại vì phát hiện ra mình suýt chút nữa đã vuốt nhầm dái ngựa, gã giơ tay vuốt vội những giọt mồ hôi đang túa ra đầy mặt thở phào tự nhủ, may mà chưa nói hớ không thì ăn đủ với tên khốn nạn này.

Luận được giới anh chị “xứ máu” gọi bằng biệt danh Chó Săn vì hắn có tài đánh hơi nguy hiểm, từ ngày giới giang hồ hoạt động ở đây công an đã mở trên dưới mười lăm cuộc truy quét nhưng chưa một lần Luận phải đối mặt với họng súng. Hễ nghe động, Luận chuồn vào khu vực an toàn ngay lập tức. Xứ này rừng núi bạt ngàn, hang hốc nhiều, rất thuận tiện cho việc lẩn trốn của giới giang hồ đồng thời cũng gây rất nhiều khó khăn cho những người mang danh thực thi công lý.

-Không sao chú mày cứ gọi thẳng anh là Chó Săn, Luận cười đầy hào sảng, đã là anh em với nhau chớ nên quan tâm đến cách gọi tầm phào làm gì, miễn sao trong tâm chú mày không xem thường anh.

Luận nói rất nhẹ nhàng nhưng như thiên hạ thường nói, hổ rống không đáng sợ bằng hổ nín thở, khi hổ gầm lên khiến muông thú biết nguy hiểm đến gần mà bỏ chạy nhưng khi hổ nín lặng rình mồi thì cái chết chắc chắn đã ấn định lên số phận con mồi, Luận càng tỏ ra mềm mỏng càng khiến những tay ngồi cùng mười phần kiêng dè, Hùng Búa từ lâu nổi danh trong giới giang hồ “xứ máu” là tay ngang tàng khát máu nhưng đối với Luận Chó Săn hắn vẫn luôn phải tỏ ra “ngoan ngoãn như cừu”. Thiên hạ đồn rằng trước khi lên xứ máu và trở thành đại ca của bang Hắc Cẩu, Luận từng là tên cửu vạn tại cảng Hải Phòng. Dạo ấy tại cảng Hải Phòng có một tay đại ca lừng danh tên Lương Văn Long, dưới trướng hắn là năm tên đàn em máu lạnh mà giới giang hồ thường gọi bằng biệt danh năm con linh cẩu xám, chỉ cần Long ho một tiếng ngay tức khắc năm tên đó sẽ xách vũ khí tìm đến tận nơi thanh lý kẻ mà Long muốn khử, năm con linh cẩu xám sẽ chặt bằm kẻ đối đầu với Long thành một đống bầy nhầy như tương, không dừng lại đó, chúng còn đuổi tận giết tuyệt bọn lâu la của kẻ đó. Một lần nọ ông chủ của Luận và Lương Văn Long xảy ra mâu thuẫn vì một thương vụ buôn lậu năm tấn trà Tân Cương, thực ra là trong số chè trà ấy có giấu lẫn năm tạ cần sa, Long cay cú phái năm con linh cẩu xám đến địa bàn ông chủ của Luận quấy phá. Suốt thời gian dài Luận luôn sắm vai là một kẻ chất phác hiền lành, có phần ù lì, thế nhưng hôm ấy một mình Luận đã quật ngã năm con linh cẩu xám, từ đó Luận nổi danh khắp xứ cảng Hải Phòng, bọn du côn hễ nghe nhắc đến tên hắn đều mười phần nể phục. Với “thành tích” vang dội ấy nên từ lâu trong giới giang hồ xứ máu hầu như không có kẻ nào dám ho he đòi giở trò với Luận. Thắng Cần Câu là một trường hợp hi hữu.

Thắng vóc người đậm, làn da ngăm đen, hàng lông mày rậm, hai mắt lúc nào cũng ánh lên vẻ bất cần đời. Giang hồ gọi gã là Thằng Cần Câu bởi gã có cú đòn móc họng đối thủ nhanh, chuẩn tàn độc y như kẻ đi câu lão luyện giật cần chuẩn xác khi cá cẳn câu khiến con cá bị móc lưỡi vào hàm không làm cách nào thoát ra được. Cú đấm móc hàm của Thắng khiến đối thủ gục ngã ngay tại trận, cuống họng bị toác ra, máu theo vết thương tuôn òng ọc cho đến khi hai mắt trợn ngược và chết trong đau đớn. Mọi người chỉ biết về Thắng từng đó, còn những chuyện khác về đời sống của hắn thì hoàn toàn bí mật. Nhưng xét về uy danh của hắn ở xứ máu này chẳng hề thua Luận. Bởi thế Luận và Thắng chia nhau làm bá chủ xứ máu.

Luận cai quản khu vực phía nam, Thắng bảo kê những ngọn đồi phía bắc, lần Trí gặp và “cứu sống” Luận tại bến sông ấy là lần Luận và Thắng xảy ra xích mích vì một ngọn đồi nằm giữa hai “lãnh địa”. Hôm ấy đàn em của Luận đào được một viên Hồng Ngọc bằng hạt ngô tại ngọn đồi đó, Thắng cho người ra đòi với lý do ngọn đồi thuộc khu vực của Thắng, hai bên đôi co một hồi xảy ra ẩu đả, tụi đàn em chạy về báo cáo trong lúc rượu ngà ngà Luận tức khí xách kiếm lao ra, bên kia Thắng cũng xách đao phóng đến, hai gã lao vào nhau như hai con sói. Bên Thắng người đông thế mạnh, bên Luận lực lượng mỏng, hôm ấy Luận lại vừa trải qua một trận sốt rét rừng chưa bình phục, sau một giờ quần đảo, Luận bị chém hai nhát vào bả vai, máu tuôn thành dòng ướt đẫm cả áo, Luận ra lệnh cho đàn em lui binh, còn bản thân thì đành muối mặt chơi bài “kỵ tẩu thượng sách”. Thắng nhất quyết không bỏ qua, xách súng cùng động bọn truy đuổi, đường cùng Luận chơi kế “Cáo già giả chết”, may mắn thoát nạn. Chuyến đó sau khi an dưỡng xong Luận tìm đến thương hòa với Thắng, sau khi suy tính hơn thiệt Thắng đồng ý cùng Luận chia đôi ngọn đồi ấy. Từ đó ngọn đồi có tên là đổi Tỷ. Vì theo lời đồn trong giới đào đá quý thì ngọn đồi ấy là nơi chứa rất nhiều những viên đá hiếm có giá trị cao. Nhưng các tay cu ly đào đá thuê lại gọi ngọn đồi ấy là đồi Quỷ, vì không ít kẻ đã phải chôn vùi thân xác do những tai nạn sập hầm hay tranh chấp “thành quả”.

-Xin mời đại ca một chén, chúc đại ca luôn mạnh khỏe cường tráng. Hùng Búa vừa nói vừa nâng chén.

-Chủ quán đâu. Luận lớn giọng.

-Dạ vâng, em nghe.

Một giọng nói nhả nhớt như nhưng êm ái, rồi từ phía trong một người đàn bà tầm gần bốn mươi bước ra, ả ta mặc một bộ đồ tám phần hở hai phần kín, để lộ hai bầu vú căng nẩy.

Đến gần Luận, ả thõng thượt:

-Đại ca cho gọi em?

Luận đưa tay vuốt cặp mông đẫy đà của ả cười ngất:

-Cô em càng ngày trông càng nôm nái, để hôm nào rảnh rỗi, mát trời anh đến xin tý dinh dưỡng nhé.

- Nói là phải đến đấy nhé, em chờ.

Cô ả ưỡn ẽo làm dáng, hai bầu ngực như kê hẳn lên mặt Luận, Luận nuốt nước miếng cái ực, khẽ nói:

-Cô em vào bê hũ rượu “Anh Túc” ra đây để anh cùng chú em đây tửu khoái một phen.

Dứt lời Luận vỗ vào mông ả đánh đét một cái. Ả lườm có đuôi rồi như con rắn trườn vào trong.

Trời dần chiều, không khí vẫn còn nồng nực, khắp các ngọn đồi dần thưa bớt những tấm lưng trần, những âm thanh quát nạt và tiếng roi vun vút đã lặng hẳn. Luận Chó Săn và Hùng Búa đã say mèm, bọn đàn em vội vã khiêng hai gã về lán.

Trên trời chao chác tiếng chim muông về tổ. Theo làn gió văng vẳng tiếng đàn guitar cùng tiếng hát não nề của lão già hát xẩm.

Lão tên là Quang, người Phú Yên, lần mò lên đây tìm đứa con trai. Tiếng ca của lão được giới giang hồ xứ máu gọi bằng cái tên khá hoa mỹ “thần sầu chốn sơn lâm”. Những bài hát của lão dựa theo giai điệu những bài hát bolero nổi tiếng, lão chế lời tạo thành những khúc ca than oán cho kiếp người bỏ quê hương tìm tương lai nơi miền đất “đá ru by”, tương lai đâu chẳng thấy, chỉ thấy cái chết và đớn đau chồng chất.

15.

Mấy ngày nay công an liên tục mở cuộc càn quét vào Xứ Máu.

Hôm kia bang Hùm Xám bên kia Đồi Triệu đã bị tiêu diệt, tên đại ca là Tuấn Cá Sấu cùng năm mươi gã đàn em đều bị tóm gọn.

Ngay lập tức Luận Chó Săn ra lệnh cho bọn tôi phá lán trại và di chuyển sâu vào trong rừng rậm, dĩ nhiên chúng tôi chỉ tìm đến nơi an toàn để tránh bọn cớm, còn công việc làm ăn và địa bàn khai thác ru by của bang chúng tôi vẫn nắm giữ. Các bang nhóm khác cũng hoạt động cẩn trọng hơn, nhờ thế mà những cuộc đấu đá của dân anh chị ở Xứ Máu giảm hẳn. Vì sợ công an đột ngột đánh úp nên các bang nhóm cho người đào mỏ đãi đất về đêm. Trời vừa vào đêm Xứ Máu, ánh đèn măng xông đã rập rờn như hoa đăng, lũ thú hoang mọi hôm tự do tung hoành đây đó thì mấy hôm nay cũng vắng hình bặt tiếng, thi thoảng mới nghe một con cáo hay một con báo gầm hú.

Lão Quang Mù vẫn như thường lệ, ôm chiếc đàn ghi ta lang thang khắp nơi hát những bài ca đầy sắc thê lương.

Cách đây hai tuần lão đã biết tin về thằng con trai, hắn bị giết một cách dã man vào hồi tháng giêng, cái xác của hắn hiện nay ở nơi nào cũng chẳng ai biết. Sau khi nghe được tình hình của con mất gần chục hôm lão không xuất hiện, mọi người đều nghĩ lão đã tìm đường trở về quê.

Đùng một cái, năm hôm trước tiếng đàn tê tái của lão lại vang trên những “công trường máu lệ”. Trưa hôm kia lão ngồi hát trước quán Mộc Tồn của ả Kim Tuyết, tôi mang một cốc bia lại mời lão uống cho đỡ khát nhân tiện tôi hỏi, bố ơi thế bố chưa về quê ạ, mắt lão ầng ậc nước, thở dài đáp, vợ lão đã chết chỉ còn mỗi thằng con cũng bị người ta cướp mạng, lão còn về quê để làm gì cơ chứ, thôi thì lão ở lại đây mượn lời ca tiếng hát chia sẻ kiếp sống lầm than cùng mọi người vậy. Tôi nghe lão nói, bất giác cảm thấy lòng đầy cay đắng, vội quay đi giấu dòng nước mắt ràn rụa. Lão mù dĩ nhiên tôi có biểu hiện gì lão cũng không thể biết, thế nhưng tôi sợ đối diện lão tôi khó cầm lòng mà khóc òa lên.

Hình ảnh lão lầm lũi khua chiếc gậy trên con đường ngập nghèn bụi đỏ cứ ám theo tâm tư tôi mãi, đến nỗi đêm đó tôi đã khóc luôn trong khi ngủ. Rồi tôi mơ, tôi thấy dáng mẹ tôi còm cõi vượt qua những cánh đồng mùa đông tím tái mưa phùn để ra đường cái bắt xe lên trại giam thăm tôi. Tôi thấy mẹ tôi ngồi bệt xuống lề đường, đôi mắt nhìn về phía chân trời xa xăm, ngân ngấn lệ. Chiếc làn rách đựng nải chuối mẹ ôm chặt vào lòng như sợ nó đột nhiên biến mất, tôi không có mà ăn.

Tôi vật vã trở mình. Tôi nghe thấy một loạt tiếng ầm ào, rồi những chuỗi tiếng kêu la gào thét, bà con ơi lũ mạnh quá mau chạy đi, tiếng người xa dần, bốn bề chỉ còn lại tiếng mưa rơi và sấm giật. Tôi thấy trên mái nhà tôi con chó Tô tru lên từng hồi thê thiết, hình như nó đang cố dõi mắt tìm kiếm bóng mẹ tôi trong điệp trùng màn nước, nhưng trời tăm tối quá nó không nhìn thấy gì rõ rệt, nó càng tru lớn thêm, tiếng tru của nó khản dần, rồi tắt lịm.

Một trận gió thật lớn theo cơn mưa như trút từ trời lật tung mái tranh, con Tô chới với kêu lên một tiếng ẳng rồi chìm lịm vào dòng lũ tàn ác.

Tôi thấy cái xác của mẹ tôi đã bị trương lên, vắt ngang hàng rào khi lũ rút.

Đằng xa, một người đội mê nón rách đang tấp tểnh lê từng bước chân, dưới cái nắng như thiêu đốt dần hiện rõ một khuôn mặt đầy khắc khổ, là lão Hoán què sống tạm bợ ngoài dòng sông Nghẹn. Lão Hoán hạ xác mẹ tôi xuống, vác lên vai, lầm lũi vượt qua đoạn đường nhão nhược bùn để vào làng nhờ người chôn cất.

Tôi giật mình ngồi dậy, bên ngoài ánh trăng miên man, giun dế ỹ ầm khắp chốn. Tôi chạy ra ngoài vục mặt vào vại nước, rấm rứt khóc. Từ một nơi nào đó vang tới hàng loạt tiếng súng tưởng chừng rạch nát cả màn khuya. Tôi rút đầu khỏi vại nước lắng tai nghe, tiếng súng đã lặng, chỉ còn tiếng gió đùa lá và tiếng côn trùng đay nghiến những giọt sương.

***

Hôm nay mới sáng sớm nắng đã dữ dằn, không khí cuối tháng bảy tự dưng vô cùng ngột ngạt, cây cối khắp rừng cũng trở nên ủ rũ.

Quán Mộc Tồn của ả Kim Tuyết hai ba ngày nay ế chỏng trơ, từ sáng tới tối mịt chỉ lác đác vài tốp giang hồ đến nhậu, mà cũng chỉ nhậu mấy món chế biến từ cá và thịt lợn được chuyển từ miền xuôi lên, với cái thời tiết đĩ điếm này họa chăng chỉ có thằng điên mới xơi cái món cầy tơ.

Luận Chó Săn cầm chai rượu ngọc dương rót một chén đầy, nói lớn:

-Nào nâng ly lên anh em, cho dù bọn cớm có ghê gớm đến thế nào thì việc mình mình cứ làm.

Chúng tôi cùng lúc nâng chén. Thằng Hải Híp phụ họa:

-Dạ đúng thế đại ca, chẳng có lý do gì chúng ta phải e dè sợ hãi bọn cớm cả.

Luận cười khà khà:

-Thằng Híp này vậy mà khá, để lát nữa anh uống với chú mày mười lăm chén.

Chúng tôi càng uống càng hăng, chẳng mấy chốc hũ rượu ngọc dương của quán ả Kim Tuyết đã trơ đáy.

Có mấy thằng đã say bí tỉ, gục mặt xuống bàn ngáy như lợn no cám.

Luận lè nhè nói:

-Quái nhỉ, sao hôm nay mãi giờ này tao chưa thấy mặt thằng Hùng Búa là cớ gì nhỉ?

Tôi cũng ngật ngưỡng đáp:

-Hay là hắn bận việc gì quan trọng hả đại ca?

Luận lảm nhảm:

-Việc gì là việc gì, thằng Hùng Búa thì có việc quan trọng nước mẹ gì ngoài chuyện tợp rượu và phệt gái chứ!

Tôi cười văng cả nước dãi:

-Đại ca nói gì cũng chân lý.

Luận vỗ vai tôi cười:

-Chú em cứ trung thành với anh, nhất định anh không để chú em thiệt thòi đâu.

Tôi dạ luôn mồm.

Ả Kim Tuyết tất tưởi bước vào quán, đặt chiếc làn nhựa lên quầy, rồi bước tới trước mặt Luận Chó Săn run run nói:

-Này anh đã biết tin gì chưa?

Luận cố nâng mi mắt, hỏi:

-Vụ gì?

-Thằng Hùng Búa chết rồi.

Lời của ả Kim Tuyết chẳng khác gì quả bom, Luận ngay lập tức tỉnh hẳn rượu, hỏi gấp:

-Sao chết, chết khi nào, ai giết?

Ả Kim Tuyết ngồi xuống, chậm rãi nói:

-Nãy em đi chợ nghe người ta bàn tán đêm qua xảy ra một trận đấu súng dữ dội lắm.

-Là Hùng Búa và bọn nào?

Luận nôn nóng.

Ả Kim Tuyết đáp:

-Dĩ nhiên là tụi cớm rồi, nghe nói bên phía tụi cớm cũng tiêu tùng hai tên.

Luận ngồi thẳng dậy, tay vò trán lẩm bẩm:

-Đang yên đang lành thằng Hùng Búa lại gây sự với bọn cớm làm gì nhỉ?

Ả Kim Tuyết đáp:

-Hình như bang của bọn Hùng Búa bị đánh úp bất ngờ.

-Ái chà, bọn cớm dạo này kinh thật, chúng tính chơi bài tỉa dần từng bang nhóm Xứ Máu đây mà. Luận vừa nói vừa gõ gõ xuống mặt bàn. Hắn hạ giọng hỏi nhân tình, thế vụ này đám giang hồ Xứ Máu nhiều kẻ hay biết chưa?

-Ôí xời, em nghĩ là chuyện động trời như thế đã ầm ỹ ở tất cả các bang rồi, chắc chỉ trừ có bang Hắc Cẩu là mù tín hiệu thôi đó.

-Ờ thì cảm ơn bà xã được chưa, Luận vỗ vào mông Kim Tuyết một phát, có gì anh sẽ đền bù cho cưng sau.

Đoạn gã đứng dậy ra lệnh:

-Anh em về lán chuẩn bị đi viếng Hùng Búa.

Chúng tôi thằng tỉnh dìu thằng say nối bước theo Luận.

Đám tang của Hùng Búa diễn ra vô cùng lặng lẽ, các tay anh chị Xứ Máu lần lượt cử người đến thắp nhang, chỉ bang Hắc Cẩu là đích thân đại ca Luận Chó Săn đến viếng.

Lần đầu tiên tôi thấy Luận Chó Săn rơi lệ.

Chỉ chưa đến một tuần cái chết của Hùng Búa đã thành dĩ vãng, đời sống của giang hồ Xứ Máu dần ổn định trở lại.Tuy nhiên chúng tôi vẫn thực hiện theo mệnh lệnh của Luận Chó Săn, buổi ngày án binh ban đêm hoạt động. Các bang nhóm khác cũng học theo bang Hắc Cẩu.

Công an ngừng các cuộc truy lùng càn quét. Xứ Máu trải qua những ngày bình yên giả tạo.

16.

Sương mai dịu dàng lướt qua mặt, nắng chưa lên, con đường đầy yên tĩnh, lác đác dăm bóng người è cổ trên chiếc xe đạp cà tàng.

Con cup 81 mệt mỏi lê đi. Tôi ngồi sau Luận nín thinh.

-Mày đi cùng anh về thăm mẹ và vợ con anh.

Luận nói vậy và tôi vui vẻ gật đầu đồng ý. Tôi cũng không muốn hỏi vì sao Luận lại muốn rủ tôi về thăm gia đình hắn. Từ khi tham gia vào bang Hắc Cẩu tôi chưa từng nghe Luận nhắc đến mẹ hay vợ con, tôi còn tưởng hắn là kẻ không gia đình.

Chúng tôi đi hết con đường lớn rồi sẽ vào lối mòn dẫn qua dãy núi thoai thoải, sau đó lại qua một triền đê, những luống rau xanh dưới mép bờ sông và những dãy xoan đào hai bên chân đê tạo nên khung cảnh thật thanh bình.

Luận cho xe chạy nhanh qua thị trấn, rồi quành vào một con lộ vắng tanh, đến trước một nghĩa trang hắn dừng xe, tắt máy.

Tôi cảm thấy vô cùng quái lạ, không hiểu vì sao Luận lại đưa mình đến nghĩa trang, nhưng tôi lại tiếp tục giữ im lặng, vì nghĩ Luận làm vậy hẳn có lý do.

Luận rút bao thuốc châm một điếu, nhè nhẹ nhả khói, đôi mắt hắn mơ màng nhìn khói dần loãng tan.

-Hút không?

-Vâng, đại ca cho em xin điếu!

Luận chìa bao thuốc về phía tôi, tôi rút một điếu, mượn chiếc Zippo của Luận châm rồi lặng lẽ hút.

Thời gian nặng nề đặt từng bước chân qua tâm trạng tôi và Luận.

Hoàng hôn!

Bốn bề tĩnh mịch. Những ngôi mộ trắng lần lượt lịm màu dưới sắc trời oải nắng.

Từ trong nghĩa trang một người đàn bà tầm hơn sáu mươi tuổi bước ra, hình như bà ta là người canh khu nghĩa địa này.

Bà ta đi qua trước mặt tôi và Luận, kín đáo ném cho chúng tôi một cái nhìn vừa lạ lẫm vừa dò xét. Hẳn bà ta đang tự hỏi, hai gã đàn ông đứng trước cổng nghĩa trang với mục đích quái quỷ gì? Cũng có thể bà ta nghi ngờ chúng tôi là hai con nghiện đang chờ đêm xuống để tiêm vào cơ thể. Luận khẽ ho, người đàn bà vội vàng bước thật nhanh.

Đêm ập xuống.

-Đi thôi.

Luận trầm giọng.

-Dạ!

Luận với tay lên cột trụ và lấy xuống chiếc chìa khóa cổng nghĩa trang, hình như Luận rất quen thuộc nơi này.

Luận dẫn tôi đi qua những lối nhỏ, tôi vừa bước vừa run với ý nghĩ những ngôi mộ dưới chân sẽ bất ngờ trỗi dậy. Đâu đó tiếng quạ vọng lại nghe thật não nùng, càng gợi lên cảm giác tột cùng ma quái.

Luận dừng trước ba ngôi mộ, hắn móc ra một chiếc đèn pin siêu nhỏ, chiếu lên từng mặt tấm bia, bàn tay còn lại chầm chậm vuốt những hàng chữ khắc nổi.

Tôi thầm đọc tên từng người trên bia mộ:

Bà Nguyễn Thị Doan sinh năm 1930 - mất năm 1989

Đào Thị Mận sinh năm 1960 - mất năm 1989

Trịnh Xuân Lý sinh năm 1984 - mất năm 1989

Tôi bất giác thốt lên trong lòng “Lạ nhỉ, sao ba người cùng chết một năm, phải chăng là cùng gặp một tại nạn thương tâm nào đó?”.

Luận rời tay khỏi những tấm bia, ngồi bệt xuống bãi cỏ, tắt đèn pin, nghĩa trang chìm ngập trong màn tăm tối.

-Đây là gia đình anh! Tiếng Luận vang lên trong bóng tối, nghe như tiếng nấc nhẹ.

Tôi ngồi xuống cạnh Luận, giọng cũng run đi vì xúc động:

-Làm sao họ lại cùng chết một năm vậy đại ca.

-Tai nạn. Luận đáp.

Tôi im lặng chờ nghe, nhưng Luận không hề nhắc tiếp về vụ tai nạn xảy ra với gia đình hắn, tôi cũng không tiện hỏi, Luận không kể hẳn cũng vì lý do quan trọng nào đó. Gió đêm se sẽ, thoang thoảng mùi hương hoa đại, loài hoa mà mẹ tôi từng nói nó sẽ giúp những mảnh hồn oan khiên tìm được lối về. Bất giác tôi chắp hai tay vào nhau thầm khẩn nguyện cho linh hồn những người thân của Luận và cha mẹ tôi được bình an trên thiên đàng, chẳng biết có phải họ đã nghe thấy lời tôi hay không mà bỗng nhiên từ đâu một đàn đom đóm bay tới quanh quẩn trong nghĩa trang.

-Hôm nay là ngày giỗ mẹ, vợ và con anh, năm nào đúng ngày này anh cũng đến đây, nhưng anh không muốn người ta nhìn thấy.

-Dạ. Thế sao trước khi đi đại ca không mua ít lễ và thẻ hương đến thắp cho người thân của đại ca ạ! Tôi tò mò hỏi.

Luận thở dài:

-Anh không muốn thắp hương hay làm giỗ vì trong trái tim anh, ba người chưa bao giờ chết!

Ý nghĩ lạ lùng của Luận khiến tôi bỗng cảm phục hắn vô cùng, thì ra bao lâu nay hắn luôn mang trong lòng một niềm mất mát to lớn nhưng hắn không bao giờ để lộ nỗi buồn ra ngoài mặt, để làm được như vậy phải là kẻ có bản lĩnh ghê gớm, đổi lại là tôi trong một lúc bị mất cả ba người yêu quý hẳn tôi đã gục ngã từ lâu.

-Chuyện này trong bang ngoài anh ra chỉ chú mày biết thôi đấy, đừng bao giờ kể cho ai nghe, hiểu không?

Luận vỗ lên vai tôi.

-Dạ, đại ca!

Tôi khẽ đáp, nước mắt đã chảy dài xuống má tự khi nào.

Đêm không trăng không sao, tôi và Luận lặng lẽ rời khỏi nghĩa trang, tôi bất chợt nghĩ về sự bé nhỏ của kiếp người.

17.

Tháng tám. Mưa sùi sụt cả ngày như nước mắt kẻ lưu vong. Dân đào đá tụ tập nhau trong các lán trại say sưa mở sòng sát phạt.

Luận Chó Săn những ngày này luôn chìm đắm trong men cay và tình ái tại quán rượu của ả Kim Tuyết.

Dạo gần đây Trí lấy được sự tín nhiệm của Luận nên mỗi lần đi tìm chốn mua vui Luận thường đưa Trí theo. Trong lúc Luận say sưa lạc thú với Kim Tuyết, Trí ở ngoài leo lên võng nằm, ngắm mưa rơi, những hạt mưa mùa thu rơi xuống những tán lá cây rừng, gõ lên mái fibro tạo thành mớ âm thanh hỗn tạp. Lòng Trí rờn rợn buồn. Hình ảnh ngôi nhà nhỏ bé nơi miền quê nghèo và hình bóng mẹ già mỗi đêm ngồi trên mảnh sân rêu còm cõi đan rổ hiện về rõ mồn một trong tâm hồn của Trí. Bất giác hai hàng lệ trào qua khóe mi, Trí. Trí nhìn bầu trời u ám, trút tiếng thở dài.

Tiếng đàn não nề và tiếng ca sầu thảm của lão Quang mù day dứt vang lên trên con đường đất sình lầy, hòa vào tiếng mưa càng khiến tâm can người ta như có ngàn mũi kim châm. Dáng lão Quang mù xiêu xiêu dưới màn mưa, như cái cây đã quá tuổi, Trí ngơ ngẩn ngồi nhìn, cho đến khi bóng lão khuất hẳn sau làn nước xám xịt.

Mùi thịt cầy theo gió bay ra kích thích khứu giác của Trí, đưa hắn trở về thực tại. Đám anh em bắt đầu xôn xao.

Luận ngồi đầu bàn chỉ trỏ mấy món thịt chó, cười ha hả:

-Đứa nào lát nữa mà ăn trúng món “ớt cay dậu chó” xem như may mắn cả năm đấy nhé.

Cả bọn cười nghiêng ngả.

-Nào uống đi chú em, Luận vỗ vai Trí nói, trời mưa rượu với thịt cầy quả là món khoái khẩu, đến vua chúa ngày xưa cũng không sướng bằng anh em mình đâu.

-Dạ em mời đại ca. Trí chạm chén với Luận rồi ngửa cổ nốc cạn.

Nước mưa từ trên mái fibro chảy xuống những chiếc chậu thau nhôm nghe như khúc nhạc tươi vui. Bát thịt nhựa mận mới rồi còn nghi ngút khói giờ đã nguội lạnh, Luận bảo ả Kim Tuyết đem vào hâm nóng lại.

Luận lại sang sảng nói:

-Nào nào tất cả anh em ta cùng nâng ly, hôm nay anh cho các chú thả phanh, không say không về, cuộc đời ai biết đâu ngày mai hôm nay còn được vui cứ vui hết cỡ.

-Dạ, đại ca nói chí phải ạ.

Cả bọn đồng thanh, ly chạm ly chan chát, rượu cạn lại châm, rượu ngấm tinh thần Trí dần lao đao, nỗi buồn dần bay biến.

Cả bọn thi nhau dùng đũa gõ vào chén bát hát:

Em ơi em ơi

Ngày mai anh ra trường bắn

Hai vai gánh cả sơn hà

Xin em ở nhà

Cứ vui đùa bên thằng khác

Và hãy xem như anh

Là con chó chết bên đường

***

Đêm muôn đời vẫn mang vẻ mặt của nỗi buồn, và mỗi khi đêm về luôn gợi dậy trong tâm hồn loài người những cảm hoài thân phận.

Đêm đã khuya, khuya lắm. Bốn phía chỉ còn tiếng côn trùng đay nghiến. Trí ngồi tựa lưng vào vách lán. Đêm nay trời không mưa nhưng không khí lại hơi lành lạnh, cái lành lạnh dễ làm người ta thao thức.

Trí lại thả tâm hồn trôi về miền những ký ức xa xôi. Xà lim và con kiến nhỏ, giấc mơ về cánh đồng tình yêu và hạnh phúc…

Trí tự hỏi, phải chăng bao ngày qua sống ở cái Xứ Máu này ta đang dần đánh mất đi sự thiện lương? Rồi đây liệu ta có trở thành một kẻ ác ôn máu lạnh như Luận chó săn hay Thắng Cần Câu chăng? Ta có nên rời bỏ chốn này?

Trong ý nghĩ mông lung, Trí cẩn trọng bước xuống đất đi ra ngoài, trời đêm nay sao giăng mắc như ngàn vạn đôi mắt, vầng trăng khuyết ngơ ngẩn treo trên đầu núi. Xa xa tiếng thú hoang đi săn khuya vẳng lại như tiếng yêu ma cười trong gió, Trí sởn gáy.

Thoảng trong gió một thứ mùi thơm thật dễ chịu, Trí đoán đó có lẽ là mùi hương của một loài hoa dại. Trí men theo mùi hương, Trí bỗng thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, hắn ngỡ mình đang bay bồng bềnh như sương…

(Còn tiếp)