Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

“Lễ”, như một “khoảng cách điều hòa”

Nguyễn Hoàng Văn

Chữ “lễ” đang gây ồn ào làm tôi nhớ đến bầy nhím của Lỗ Tấn.

“Lễ”, tùy theo cách dùng, và tùy ngữ cảnh, có thể có những ý nghĩa khác nhau nhưng, trước tiên, nó luôn làm chúng ta nghĩ đến một phần trong năm đức tính mà Khổng Giáo đòi hỏi ở bậc “chính nhân quân tử”: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Nhưng để bắt đầu cho câu chuyện khô khan này, tôi sẽ kể lại câu chuyện vui vui về màn đối đáp giữa Khổng Tử và Đạo Chích, nhân vật hư cấu nhưng lại được nhắc tên trong Mạnh Tử, Lã thị Xuân Thu, Hán thư.

Đạo Chích hành nghề ăn trộm và ai đó bịa ra chuyện ông Chích đối đáp với ông Tử, quả quyết rằng nghề ăn trộm của mình cũng là nghề của bậc chính nhân quân tử như ai. Ông trùm của cái nghề không vốn cho rằng ăn trộm mà không hội đủ năm phẩm tính của bậc chính nhân kể trên thì không thể nào… tồn tại với nghề. Nếu trộm cắp là một cái nghề đầy may rủi thì kẻ hành nghề cần phải biết “trí”, “nghĩa” và “tín” để vượt qua những thách thức, để tạo sự tin tưởng không chỉ giữa người trong nghề với nhau mà với cả những “quần chúng” của nghề, có vậy mới có thể đồng lòng bảo vệ và hỗ trợ nhau, mới tạo nên một “an toàn khu” cho nhau. Mà làm cái nghề này thì phải biết “nhân”, chỉ nhắm vào nhà giàu, không kẻ trộm nào lại… nỡ lòng đi ăn trộm của nhà nghèo và, cuối cùng, những khi nhập nha hành nghề thì tuyệt đối giữ “lễ”, luôn ý tứ, nhẹ nhàng, tuyệt đối không làm xáo trộn, phá phách giấc ngủ yên bình của những kẻ đang bị mình ăn trộm!

Dĩ nhiên đây chỉ là chuyện kể để cười chơi bởi nhà nghèo thì có gì để mà trộm? Mà có kẻ ngớ ngẩn nào vừa đi ăn trộm lại vừa đánh trống la làng? Tuy nhiên, ít ra, câu chuyện cười chơi này cũng cho chúng ta thấy thêm rằng ý niệm tốt đẹp nào, như “nhân” và “lễ”, cũng có thể bị lạm dụng, bị khai thác một cách méo mó để biện hộ cho những hành vi bất hảo.

Trở lại với bầy nhím của Lỗ Tấn. Là người căm ghét Khổng giáo, cho rằng Khổng giáo đã biến văn hóa Trung Quốc thành thứ “văn hóa ăn thịt người”, nhà văn này đưa ra một kiến giải rất thú vị về “lễ”. Theo ông thì vào mùa đông lạnh giá, loài nhím phải xích lại gần nhau để giữ hơi ấm cho nhau, nhưng nếu gần quá thì bộ lông cứng nhọn lại đâm nhau đau nên phải giữ một “khoảng cách điều hòa”, đủ gần để giữ hơi ấm cho nhau, nhưng phải đủ xa để giữ an toàn, khỏi đâm nhau. Con người, trong mối quan hệ cộng sinh, luôn cần đến nhau nhưng lúc nào cũng có thể va chạm quyền lợi hay cá tính, rất dễ “đâm nhau”, do đó cũng cần đến có một “khoảng cách điều hòa” như thế, đó chính là “lễ”. [1]

Nếu “lễ” là một “khoảng cách” để giữ gìn thì, trong tấm hình dưới đây, cái khoảng cách giữ gìn đã thật sự đi quá mức cần thiết. Người ngồi, rất quan cách, dửng dưng, là người đứng đầu đảng, ông Đỗ Mười; người đứng, rất rụt rè, rụt rè đến mức đáng thương, là học sinh đạt giải trong một kỳ thi toán quốc, sau này là nhà toán học nổi tiếng, ông Ngô Bảo Châu.clip_image001

Nó quá “giữ gìn” so với “khoảng cách điều hòa” giữa ông Tổng thống nước Mỹ với cậu học trò mà mấy chục năm sau cũng trở thành Tổng thống, ông John Kennedy và cậu học trò Bill Clinton:

clip_image003

Sự khác nhau này, về nghĩa rộng, có thể hiểu như là sản phẩm của một xã hội dân sự với một xã hội không là như thế và, về mặt cá nhân, có thể hiểu như là sự tử tế và không tử tế của người trên với người dưới.

Thay đổi, hoán vị cậu học trò rụt rè bằng một nhân vật bằng vai bằng lứa mà, trên danh nghĩa, còn cao hơn như là người đứng đầu cơ quan làm chủ đất nước, ông Chủ tịch Quốc hội, thứ “lễ” ấy vẫn không thể hiện một chút xíu nào tính chất xã hội dân sự. Như nhà báo Huy Đức đã kể lại trong cuốn Bên thắng cuộc II – Quyền bính, Chương 18, “Tam nhân phân quyền”:

… với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thì ông lại thường thể hiện cách “lãnh đạo” rất khác thường. Khi Quốc hội không phê chuẩn ông Đào Đình Bình, một ứng cử viên trẻ vào chức Bộ trưởng Bộ Giao thông, từ hàng ghế đầu, ông Đỗ Mười đã nhấp nha nhấp nhổm. Đến giờ giải lao, ông bước ngay lên bục Chủ tịch Đoàn, đuổi theo ông Nông Đức Mạnh ra tận hậu phòng của Hội trường Ba Đình. Ông Đỗ Mười dí tay sát cổ áo Chủ tịch Quốc hội và nói: “Anh lãnh đạo Quốc hội thi hành nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như thế à?”. [2]

Rõ ràng, thứ “lễ” của ông đảng trưởng không hề là thứ mà một xã hội văn minh ao ước, từ “lễ với cậu học trò như là tương lai và rường cột của nước nhà đến “lễ” với nhân vật mà, danh chính ngôn thuận cầm đầu cơ quan làm chủ nước nhà. Nó không có sự sự tử tế với người dưới, Và nó thiếu cả sự tôn kính với người trên.

Ôi “lễ” của những người bề trên và giữa những người bề trên, nó không thể không khiến chúng ta nghĩ đến câu “Thượng bất chính, hạ tất loạn”.

Mà đất nước đang loạn vì “lễ” thật trong đó, rõ ràng nhất, lại là thứ “lễ” trần trụi mà Hồ Tôn Hiến mang ra đối đãi với Thúy Kiều:

Biết Từ là đấng anh hùng,

Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn.

Đóng quân làm chước chiêu an,

Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng.

Lại riêng một lễ với nàng,

Hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân..

“Lễ” này, nói thẳng ra, là khoản hối lộ để mua chuộc Thúy Kiều để cô ta, nói theo ngôn ngữ chính thống thời nay, “tác động” đến Từ Hải, thuyết phục Hải đầu hàng, sa vào cái bẫy của họ Hồ. Nó không còn là “khoảng cách điều hòa” nữa mà là tấm thảm lót đường, là thứ dầu bôi trơn hay cái cầu bắc ngang để rút ngắn khoảng cách ấy lại. Và đó chính là thứ “lễ” đang được xem là “quốc nạn”, vừa cản trở sự phát triển của đất nước, vừa làm khốn khổ nhân dân.

Cũng làm khốn khổ nhân dân, còn có một thứ lễ tương tự nhưng không bị xem là quốc nạn mà là… quốc sách, nhân danh đạo nghĩa, đạo lý. Nó gần với ý niệm đang gây ồn ào hiện tại và, nhất là, đã được thực hành chỉ hơn tuần qua, vào ngày 20 tháng 11.

Ngày này, gốc từ Đông Âu - Liên Xô nhưng đã chính thức trở thành “Ngày Nhà Giáo Việt Nam” vào năm 1982, cái thời mà “khoảng cách điều hòa” Việt –Xô rất gần khi khẩu hiệu của ông Lê Duẩn giăng đầy đường: “Đoàn kết với Liên Xô là nguyên tắc, là chiến lược, là tình cảm cách mạng”. Trở thành một thứ “đạo lý Việt Nam” đầy trớ trêu như thế nên, hàng năm, nó lại đẩy hàng chục triệu phụ huynh – học sinh nghèo vào cảnh… trớ trêu: cha mẹ nghèo thì toát mồ hôi để con cái… đủ “lễ”, học sinh nghèo thì gằm mặt tủi thân khi cảm thấy mình “thất lễ”.

Nhưng có thứ “lễ” đáng quý khác, riêng cho học trò, đã khiến Đạo diễn Đặng Nhật Minh giật mình.

Cuối tháng Tư và đầu tháng Năm năm 1975, khi theo chân đoàn quân chiến thắng vào Sài Gòn để quay phim, đạo diễn này đã lấy làm ngạc nhiên khi những gia đình mà ông tiếp xúc vẫn còn giữ “lễ”:

“Tuy sống trong vùng kiểm soát của chế độ thực dân kiểu mới, nhưng (sic) trong nhiều gia đình mà tôi được tiếp xúc vẫn giữ được những nề nếp truyền thống của một gia đình Việt Nam. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy các em nhỏ khoanh tay lễ phép chào hỏi những người lớn tuổi, một điều mà ở miền Bắc từ lâu đã không còn thấy.” [3]

Đó chính là thứ “lễ” mà tôi, một học trò tiểu học, từng nghiêm cẩn thực hành một cách tự giác theo phương châm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn”. Với tôi, vào tuổi ấy, việc “học lễ” chỉ đơn giản là phải kính trên nhường dưới, là đi thưa về trình, là giúp đỡ những ông già bà cả những khi họ lập cập băng đường, là tỏ lòng nhân ái, không được khinh khi những người ăn xin v.v. Và nó – hoàn toàn tự nguyện từ cha mẹ tôi, không có sự ràng buộc nào – là hộp bánh hay hộp trà gói ghém đẹp đẽ cùng cánh thiệp mang đến nhà thầy cô trong ngày Tết, gọi là cám ơn công lao dạy dỗ năm qua. Ngày Tết của chúng ta, như thế, cũng chính là một ngày Tạ Ơn, một ngày Thanksgiving mang hồn cốt dân tộc ở đó từng tộc họ, từng gia đình, từng cá nhân bày tỏ sự tri ân với đất trời, với tổ tiên, với cha mẹ. Và với thầy cô. 

Đó thực sự là một thứ “đạo lý ” mang hồn cốt dân tộc, không phải là thứ “đạo nghĩa” biến thái như một ngành công nghiệp không khói vào ngày 20 tháng 11 hàng năm. Nếu gọi đó là “đạo nghĩa” thì Đạo Chích cũng có thể gọi những ngón nghề trộm cắp của mình là đạo nghĩa đó thôi, với “nhân”, với “lễ”.

Như thế, trước khi bàn đến chuyện bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, hãy xác định rõ “lễ” gì, có bao nhiêu loại “lễ”, thứ nào nên giữ, thứ nào nên bỏ. Hãy khoan nói chuyện xa xôi, hãy nói chuyện cụ thể, ngay trong nhà trường. Những kẻ đang mang những lý luận cao vời ra đòi xóa bỏ chữ câu “học lễ” hãy nghĩ đến thứ “lễ” đầy biến thái đã và đang được thực hành, đã và đang đẩy hàng chục triệu phụ huynh và học trò nghèo vào những tình cảnh cay đắng và tủi nhục. Một cái lễ gọi là “Việt Nam” nhưng lại hình thành theo “tình cảm cách mạng” rất là nhất thời, bắt nguồn từ Liên Xô, cái hiện thời chỉ là một bóng ma!

Chú thích:

[1] Trong một bài tạp văn của Lỗ Tấn, tôi đọc đã lâu, nay thuật lại theo trí nhớ!

[2] https://www.vinadia.org/ben-thang-cuoc-huy-duc-quyen-ii-quyen-binh/chuong-18-tam-nhan-phan-quyen/

[3] Đặng Nhật Minh (2005), Hồi ký điện ảnh, NXB Văn Nghệ, trang 69.