Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Sinh ra để làm giám hiệu

Dạ Ngân

Trường Viết văn Nguyễn Du là một trường đặc biệt, sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt. Trong số những tên tuổi xây nền đắp móng cho trường ngay từ những ngày đầu, có một số thầy còn khỏe mạnh tuy tuổi đã cao như Nguyên Ngọc, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Huệ Chi... Nhưng nhiều thầy không còn nữa: Hoàng Ngọc Hiến, Khái Vinh, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Đăng Mạnh, Đặng Nghiêm Vạn, Phan Đình Diệu, ... Bài dưới đây là của nhà văn Dạ Ngân, học viên khóa 5, nói về thầy Phạm Vĩnh Cư nhưng rộng hơn, là về ngôi trường đặc biệt ấy, cái không khí học hành cực thoáng, hay nói chữ là “khai phóng” ấy. Sau khóa 5, trường thay đổi về nhân sự lãnh đạo, về cách tổ chức học, những người dạy làm nên tên tuổi trường bỏ đi dần; trường Viết văn Nguyễn Du “chết” tức tưởi!

Văn Việt

Có thể là hình ảnh về 1 người, sách và văn bản cho biết 'NHIỀU TÁC GIẢ Giảng đường VÀ Trang viết'

Dự định của chúng tôi là tôi sẽ học khóa 5 ấy 1993 - 1997, có cái lý đó thì tỉnh Cần Thơ mới cho tôi rời tỉnh. Dù ở Hội Văn Nghệ chức vụ quèn nhưng cán bộ kháng chiến, biên chế và ăn lương, quy định của ban Tổ chức là phải đi học chính quy mới được. Tôi đã 41 tuổi, tôi dành sự học đại học cho Viết văn Nguyễn Du nên anh Thân đã phải chạy vào trường dọn đường với thầy Cư. Từ Hà Nội, anh khái quát trong thư cho tôi: “Ông ấy là Nikolai de Vĩnh Cư, em hình dung được rồi đó. Trang trọng 24/24, có lẽ thế, tinh tế, cầu toàn và... có tố chất nghệ sĩ ở sự pha trộn này đấy. An tâm, em sẽ được đặc cách về tuổi”.

Giữa hè 1993, một đoàn gồm thầy Phạm Vĩnh Cư (phó hiệu trưởng), thầy Phạm Hậu (quản lý) và nhà văn Tạ Duy Anh (giáo vụ) xuất hiện ở Cần Thơ nói là đi chiêu sinh. Chuyến đi dông dài ra sao tôi không nhớ, chỉ thấy khóa sinh miền Tây có hai mống đã cứng tuổi là Nguyễn Trường ở Long An và tôi. Anh Thân lại suy luận: Đích thân ngài Vĩnh Cư vào để biết chắc khi đó Dạ Ngân đơn thân chưa, sống riêng chưa và trong lúc ăn uống vui chơi sẽ hỏi khéo rằng tay Nguyễn Quang Thân ấy đã có giấy tự do chưa mà tôi dám ra! Chắc chắn các thầy có sợ những màn đánh ghen kinh hoàng khiến vạ lây và tai tiếng! Thực tình tôi đâu dám thú thật với các thầy rằng anh Thân đang ở giai đoạn với tòa phúc thẩm Hải Phòng (cái thời ghê gớm như vậy đấy). Nhưng để lỡ khóa 5 Viết văn lần này, tuổi của tôi, và trường Viết văn sẽ không đợi tôi ở khóa 6. Cuối cùng, thầy Khái Vinh (hiệu trưởng) và thầy Cư vẫn viết giấy mời đi thi – thủ tục cho riêng tôi, khóa sinh đặc cách. Tháng 8 sẽ thi tuyển mà 15/7 anh Thân mới cầm được giấy ly hôn. Nói chi tiết này để thấy rằng các thầy ở Viết văn Nguyễn Du đã rất ưu ái tôi, học hành bài bản và sống ở thủ đô là nguyện vọng của chúng tôi chứ Hà Nội hay Viết văn 5 không vì thiếu tôi mà buồn tẻ. Không mợ thì chợ vẫn cứ đông.

Một ngôi trường trong mơ. Một phòng học duy nhất, mái ngói kiểu Tây, hành lang bát ngát, sân gạch và những cây liễu đều được tính toán kỹ. Nhà Giám hiệu và Thư viện, Văn phòng và các Phòng, kiêu hãnh kín đáo kiểu trường cho Văn chương. Ký túc xá hai tầng, thời ấy vậy là sang chảnh. Thầy Khái Vinh kiêm nhiệm Hiệu trưởng cả đại học Văn hóa, thầy Hoàng Ngọc Hiến thuần túy chuyên môn (lúc nào cũng chăm chăm nghĩ cái này phải đạo hay không phải đạo) nên thầy Phạm Vĩnh Cư với giám thị Phạm Hậu không chê vào đâu được đã khiến cho một nơi khó nề nếp bỗng như ẩn mình bảng lảng Tây. Gương mặt phúc hậu, nụ cười chừng mực, bước khó do một chân thương tật nhưng dáng người rất thẳng, không cần nói gì, thầy Phạm Vĩnh Cư luôn khiến chúng tôi muốn sà đến bên thầy. Hấp lực ấy là gì? Là một bóng cây êm đềm của giám hiệu với đối tượng là học trò cho dù ở độ tuổi nào. Đến phòng của Ban giám hiệu tiếp khách và phòng làm việc của thầy, mọi tiểu tiết chăm chút cho thấy chủ nhân là một tấm lòng, một phong cách mang từ những nền văn hóa lớn về. (Sau này, khi thầy Khái Vinh qua đời, khi trường Viết văn trong nguy cơ giải thể, xuất hiện một người sẽ thay thầy Hiệu trưởng, khi ấy chúng tôi càng thấy rõ, rằng dấu ấn của thầy Phạm Vĩnh Cư là hương vị của thong thả suy nghiệm, cao sang, đích thực).

Không là các thầy sẽ không vời được những học giả, những giáo sư đầu ngành mà các nơi khác luôn thèm muốn. Khai thông món Sử thầy Trần Quốc Vượng ngang phè phủ đầu ngay “Việt Nam mình chưa có khoa học lịch sử nhé các anh các chị”. Thầy Đặng Nghiêm Vạn với món Dân tộc học khiến chúng tôi yêu cua giảng ấy biết bao. Thầy Nguyễn Đăng Mạnh với những câu nhát gừng giật thót “Chúng ta sẽ tiếp tục ai điếu nền văn học minh họa này”. Thầy Nguyễn Huệ Chi với Bách gia mà còn hay nháy mắt: “Ngoài biết kỹ về các thứ là gánh nặng hàng ngàn năm của chúng ta, các em nên cảm ơn là không phải Chống Duyrinh hay Kinh tế học như các trường khác, nhé”. Thầy Hoàng Ngọc Hiến thật nhiều năng lượng khi thôi thúc bằng giọng khàn đục đặc trưng: “Nhà văn Nguyễn Thành Long có một câu theo tôi là chí lý, rằng các bạn trẻ hãy chôn lớp già của chúng tôi đi”. Thầy Vũ Nhật Thăng với món âm nhạc hàn lâm mênh mông, luôn chốt hạ rằng “Các anh chị nhớ cho, đã học ở đây, đã nghe chúng tôi thì đừng bao giờ khoe với ai rằng tôi mê Richard Clayderman nhé, chết chết, anh chàng ấy chỉ là thợ đàn thôi nhé”. Thầy Phan Đình Diệu (tương đồng với sự sáng tươi như thầy Nguyễn Huệ Chi) khi nói về tương lai công nghệ điện tử, về thế giới phẳng và về sự tụt hậu thê thảm của chúng ta nếu chúng ta không cởi trói triệt để. Thầy Nguyên Ngọc ân cần với từng bản thảo của khóa sinh và chúng tôi đã cùng ông miên man với Kundera, theo ông đây là con người bi kịch rất gần với chúng ta nhưng ông ấy đã thoát ra bằng tài năng và trí tuệ tuyệt vời.

Thú thực tôi dân văn xuôi, tôi thích nghe các thầy về Kiến trúc, về Điện ảnh, về Sân khấu, về Đông Nam Á học... nên tôi hay trốn các cua của thầy Cư. Đơn giản vì thầy rỉ rả mưa dầm thấm lâu về thơ Nga, những nhà thơ Nga mà chúng tôi có nghĩa vụ phải biết và phải thuộc dù nhiều hay ít, thú vị nhất có lẽ là phần giao thoa giữa văn hóa Nga – Pháp mà dấu ấn ở xã hội đương đại của chúng ta rất rõ. Ngoài uy tín cá nhân của thầy Khái Vinh và thầy Cư trong thiết kế đội hình các giáo sư đầu ngành để khai phá chúng tôi, công lao và tâm huyết của các thầy còn nằm ở những chuyến đi. Hội Lim, Côn Sơn – Kiếp Bạc, Hoa Lư, Lam Sơn...và cuối cùng, nơi gắn bó của đại thi hào Nguyễn Du bên cạnh cuộc đời kỳ lạ của con người kỳ lạ Nguyễn Công Trứ. Hồi ấy mọi thứ đều phải tùng tiệm gói ghém, nhà trường có chật vật nhưng không để lộ, chúng tôi như những đứa con được chăm chút, cứ thế vô lo và tận hưởng.

Đã gần 30 năm từ khi ấy. Vật cứ đổi sao cứ dời nhưng hàng năm, một số trong chúng tôi vẫn đến với thầy Cư ngày lễ ngày Tết. Để được thầy tặng sách mới, để nhìn thấy thầy trang trọng bước ra, chân đau nhưng dáng cực thẳng, nụ cười thơm hoa trong phòng thơm và rượu vang thơm. Vẫn Nikolai de Vĩnh Cư bất chấp thời gian và thời thế. Hình như tất cả các thầy đã đi xa hoặc đi ẩn (như thầy Nguyên Ngọc), cả Hà Nội thời Viết văn Nguyễn Du thu lại một chút này, nơi thầy Phạm Vĩnh Cư của chúng tôi.

Vậy đó. Nhưng rồi sự vô thường đã khiến chúng tôi hoang mang: Không còn người phụ nữ không thể thiếu trong đời mình, thầy sẽ xoay xở sao đây? Vậy đó. Vẫn là xã hội biển dâu, chỉ dám mong thầy gắng gỏi và chậm rãi như đã, để vượt qua, như đã.

Thanh Đa – Sài Gòn 17/5/2021

* Đã in trong Nhiều tác giả, Phạm Vĩnh Cư – Giảng đường và trang viết, NXB Hội Nhà văn, quý IV/2021.