Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

Phức cảm “cuội” trong nhân cách văn hóa xã hội

Nguyễn Văn Sơn

(Báo cáo khoa học đã đọc tại Hội thảo Khoa học Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, tại Hà Nội, 2016).

Mở đầu

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, từ sau Đổi mới (1986) đến nay, chúng ta nhận thấy, văn hóa nhân cách người Việt Nam ngày càng biến dạng và có nguy cơ tha hóa thành phản văn hóa. Hiện nay việc đi sâu nghiên cứu về nhân cách văn hóa người Việt Nam trong xã hội công nghiệp (xã hội tiền tri thức) ở Việt Nam còn là vùng trống, vùng lõm, chưa cắt nghĩa, lí giải được đúng bản chất của những hiện tượng văn hóa nhân cách “lệch chuẩn” tiêu cực làm xói mòn đạo đức, làm băng hoại những hệ giá trị nền tảng cốt lõi, nhân văn của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

Vấn đề nghiên cứu nhân cách văn hóa là quá trình nghiên cứu cá nhân suy nghĩ, hành động, cảm xúc; nhân cách trong văn hóa, văn hóa trong nhân cách, mối quan hệ giữa cá nhân với môi trường văn hóa; quá trình tái sản xuất văn hóa; quá trình thích ứng văn hóa và phản ứng văn hóa.

Xuất phát từ những ý tưởng trên tôi quan niệm cần thiết phải nghiên cứu nhân cách văn hóa theo hệ chuẩn văn hóa nhân cách, nhằm thám sát và giải mã các quá trình bộc lộ hành vi tâm lí, hành vi văn hóa trong nhân cách của cá nhân (cộng đồng) người Việt Nam. Thông qua đó tìm ra bản chất của sự kìm hãm sự lớn lên về văn hóa, tìm ra mãnh lực tăm tối, hung tính trong cá nhân (chủ thể của văn hóa) để từ đó đề xuất phương pháp hạn chế và làm chủ, chiến thắng những hành vi tâm lí, hành vi phản văn hóa. Nhằm xây dựng văn hóa lối sống lành mạnh trong sáng cho con người Việt Nam.

Đầu thế kỷ XX, văn hóa Việt Nam tiếp xúc với hệ tư tưởng Mác - Lênin, thông qua sự truyền bá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Người. Năm 1945, những người cộng sản Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu giành được chính quyền và xây dựng một xã mới theo tinh thần của học thuyết Mác - Lênin kiên định mục tiêu lý tưởng “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.” Quá trình xây dựng mô hình xã hội mới tốt đẹp văn minh đã đặt ra cho các nhà khoa học xã hội Việt Nam những thử thách nghiệt ngã của lịch sử.

Khoa học xã hội Việt Nam dưới sự định hướng của những người Mác-xít đã tiến hành nghiên cứu chủ đề Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và có những thành tựu hết sức quan trọng. Tuy nhiên ở đây xuất hiện tính mất cân đối trong nghiên cứu khoa học xã hội. Các nhà nghiên cứu Mác-xít đã quá ưu tiên và nhấn mạnh cho câu hỏi nghiên cứu “Việt Nam cần làm gì?” để tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội?. Do đó câu hỏi nghiên cứu “Việt Nam anh là ai?” thường bị xem nhẹ và lãng quên.

Sau những biến cố, thăng trầm của lịch sử Việt Nam, nhất là xu thế “toàn cầu hóa” về văn hóa và khi yếu tố “internet” xuất hiện, vấn đề đặt ra cho chủ đề nghiên cứu Việt Nam từ câu hỏi nghiên cứu “Việt Nam anh là ai?” càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, khi xã hội Việt Nam vận động từ nền văn hóa/văn minh nông nghiệp sang nền văn hóa/văn minh công nghiệp đến nay, chúng ta nhận thấy, nhân cách văn hóa của người Việt Nam ngày càng biến dạng và có nguy cơ tha hóa thành phản văn hóa. Hiện nay việc đi sâu nghiên cứu về nhân cách văn hóa người Việt Nam trong xã hội công nghiệp ở Việt Nam còn là vùng trống, vùng lõm chưa cắt nghĩa, lý giải được đúng bản chất của những hiện tượng văn hóa “lệch chuẩn” tiêu cực làm xói mòn đạo đức, làm băng hoại những hệ giá trị nền tảng cốt lõi, nhân văn của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt là giới nghiên cứu văn hóa học ở nước ta có rất nhiều công trình, bài báo khoa học đề cập đến thuật ngữ, khái niệm nhân cách, đến lĩnh vực nhân cách học văn hóa, tuy nhiên phần lớn chỉ tập trung nghiên cứu theo hệ chuẩn phân tích ý thức văn hóa hệ chuẩn chức năng luận.

Nghiên cứu phức cảm cuội trong nhân cách văn hóa Việt Nam chính là một cách nhìn khoa học, góp phần trả lời câu hỏi nghiên cứu “Việt Nam anh là ai?”.

2. Khái niệm phức cảm cuội

Phức cảm cuội là một phạm trù văn hóa được hình thành trong lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam, nó khái quát hóa những tập hợp hành vi tâm lí của con người bộc lộ ở sự nói dối, và ác đồng thời được sử dụng như một khái niệm thao tác khoa học cho việc nghiên cứu nhân cách văn hóa.

Thuật ngữ “nhân cách” (personality) xuất phát từ tiếng La tinh cổ đại là persona (mặt nạ) và tiếng La tinh trung cổ là personalitas. Nghĩa gốc của từ này là mặt nạ, chỉ vẻ bên ngoài của một cá nhân. Hiện nay có gần một trăm định nghĩa về nhân cách. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Nhân cách là bộ mặt tâm lý, tổ hợp thái độ riêng biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của cá nhân với tư cách là chủ thể của hoạt động, giao tiếp. Người ta sinh ra là người, nhưng nhân cách chỉ hình thành trong hoạt động và giao tiếp, tiếp thụ các giá trị văn hóa của gia đình, của cộng đồng, xã hội và tăng dần (hay ngược lại) mức phù hợp giữa thang giá trị, thước đo giá trị, định hướng giá trị của bản thân và cộng đồng, xã hội. Nhân cách có tính chất xã hội đồng thời cũng mang tính cá biệt, với những kinh nghiệm, nếp suy nghĩ, tình cảm hoài bão, niềm tin, định hướng giá trị, tính cách riêng, tạo ra tính đa dạng của các cá nhân. Hoàn cảnh kinh tế - xã hội và hoạt động, giao tiếp giữ vai trò quyết định đối với diện mạo của nhân cách. Lịch sử đã từng có những kiểu nhân cách khác nhau, đại diện cho kiểu văn hóa và lối sống khác nhau.”. Tuy nhiên dưới góc độ loại hình học, có thể phân biệt những định nghĩa khác nhau thành ba loại: ấn tượng bên ngoài; cấu trúc nội tại; và quan điểm thực chứng. Nhân cách đã được các truyền thống triết học từ thời cổ đại Hy Lạp xem xét dưới góc độ đạo đức học và coi nhân cách là phẩm chất “tính người” nhất.

Cơ sở của khái niệm/phạm trù phức cảm cuội được lấy từ cảm hứng truyện cổ tích thế sự Nói dối như Cuội trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Truyện về Cuội có nhiều phiên bản, nhưng khái niệm phức cảm cuội được xem xét từ phiên bản số một nhằm nghiên cứu hệ thống đặc tính, thuộc tính gian dối và ác của nhân vật Cuội. Về nội dung văn bản truyện nói dối như Cuội được xây dựng theo sơ đồ các quan hệ sau:

1. Ngôn ngữ dữ liệu

- Cuội vô danh về nguồn gốc.

- Cuội vô học, vô thần.

2. Hệ quả.

- Gian dối với người thân (giết chú, thím).

- Gian dối với tầng lớp bình dân, cho đến tầng lớp đáy nghèo khổ nhất của xã hội (giết lão hủi; ông sẩm).

- Gian dối với tầng lớp trên - người giàu có.

- Gian dối với giới thống trị xã hội (quan, tướng).

- Gian dối với thủ lĩnh chính trị (giết vua).

3. Nội dung nghiên cứu

Trở lại với vấn đề cơ sở hình thành phức cảm cuội trong hiện thực của lịch sử văn hóa. Quá trình dựng nước và giữ nước, người Việt luôn luôn phải đấu tranh chống xâm lược từ phương Bắc. Về nguyên tắc của dụng binh là phải “trí trá” miễn là đạt được mục đích chiến thắng kẻ thù. Sự nói dối ban đầu được các thủ lĩnh chính trị vận dụng trong nghệ thuật quân sự, trong chỉ đạo chiến tranh nhân dân. Sau đó do yêu cầu quản lý lãnh thổ, xây dựng quyền lực (tập quyền/tản quyền) giới lãnh đạo chính trị dùng ngay thủ đoạn “trí trá” - nói dối trong chiến tranh để áp dụng vào sự thống trị thời bình. Thủ đoạn nói dối đã trở thành bản chất của tầng lớp thống trị, đã trở thành tập quán ứng xử của giới thống trị đối với thần dân. Một sự thật là giới thống trị cũng là một bộ phận của cộng đồng dân tộc, trải qua nghìn năm lịch sử nó đã hòa vào cộng đồng và mang theo lối sống, tập quán ứng xử nói dối trong cộng đồng dân tộc. Khi ý thức xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, tầng lớp nhân dân lao động bị thống trị đã tìm đến sự nói dối như một phương tiện hữu ích để chống lại kẻ thống trị. Do đó trong xã hội trung đại Việt Nam đã xuất hiện thành ngữ có tính hài hước và tổng kết “quan tham dân gian.” Theo các nhà nghiên cứu hiện đại quan niệm - đây là lý thuyết tự vệ của kẻ yếu. Mặt khác khi ý thức xã hội phát triển, dẫn đến văn hóa dân gian cũng biểu hiện thành một hình thái ý thức xã hội phản ánh đầy đủ, phong tục, tập quán, lối sống, khuôn mẫu ứng xử, tâm lý tộc người vào văn hóa dân gian mà tiêu biểu là phản ánh vào truyện kể dân gian. Truyện nói dối như Cuội được ra đời theo lo gic đó. Với tư cách là một truyện cổ tích thế sự, nó đã khái quát cái vô thức của lịch sử - những hiện tượng phản ánh bản chất tâm lí học tộc người của người Việt, đó cũng là cá tính, là nhân cách xã hội của người Việt trong xã hội cổ truyền.

Trên cơ sở xem xét khái niệm/phạm trù phức cảm cuội và cơ sở thực tiễn lịch sử văn hóa Việt Nam, về mặt phương pháp luận đến đây có thể kết luận phức cảm cuội trong nhân cách văn hóa người Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khoa học khách quan.

Trong xã hội nông nghiệp, phức cảm cuội hiển thị ở mô hình con người làng xã (thuật ngữ để chỉ mẫu người văn hóa - Đỗ Lai Thúy). Trong giao tiếp ứng xử hằng ngày con người làng xã có thói quen mời nhau ăn cơm, nhưng sự thật đằng sau đó chỉ là lời chào giao đãi (đãi môi), cho nên trong dân gian xuất hiện thành ngữ “đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm” thật bi hài. Và người được cho là lịch sự phải biết từ chối khéo, hoặc trước khi sang nhà hàng xóm con người làng xã đã chủ động ngậm một chiếc tăm để tỏ ra bản thân đã ăn cơm (hành vi này còn ánh xạ sang xã hội công nghiệp). Mặc dù hành vi nói dối ở đây là vô hại, có người còn cho là đáng yêu, là bình thường. Song nó đã tạo ra một thói quen nói dối và sẽ được lặp đi lặp lại ở các tình huống khác nhau, ở các sự việc khác nhau kết quả sẽ khác nhau, dẫn đến tác hại trong hoạt động, giao tiếp.

Trong học giới nói chung và nhất là trong giới nghiên cứu dân tộc học, văn hóa học ở nước ta thường thống nhất quan điểm cho rằng làng xã - là một đơn vị hành chính chỉ địa bàn địa lý tự nhiên cộng cư/quần cư của các tập hợp cấu trúc nhân khẩu xã hội. Và làng được kết nối với nhau theo địa hình, địa lý tự nhiên thành hệ thống trên một địa bàn lãnh thổ rộng lớn gọi là liên làng. Hiểu theo nghĩa này nước chỉ là một liên làng mở rộng - siêu làng. Đặc điểm của làng xã Việt Nam vừa mang tính cộng đồng, vừa mang tính tự trị rất cao. Do đó suốt nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc làng xã Việt Nam đã kiên cường như những pháo đài văn hóa bảo vệ, lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính nhờ tính tự trị của làng xã cao như vậy cho nên ảnh hưởng của văn hóa từ bên ngoài ít có khả năng thâm nhập, mà có vào được cũng bị bản địa hóa sâu sắc. Nếu có tiếp thu văn hóa bên ngoài vào cũng không tiếp thu được cái tinh túy uyên nguyên bác học mà tiếp thu văn hóa đã được khúc xạ qua các lớp văn hóa bản địa và thời gian làm mờ nhòe. Yếu tố con người làng xã là mẫu hình con người chức năng - hoạt động, giao tiếp, cộng sinh, phát triển hoàn toàn theo tập quán tâm lí tộc người đã định hình ngàn đời sau những bóng mát của lũy tre xanh. Hoạt động kinh tế xã hội của làng xã mang tính tự túc, tự cấp khá biệt lập. Xuất phát từ lợi ích tự nhiên chính đáng cần phải bảo vệ bí quyết gia truyền của dòng họ/làng nghề, sự phản ứng văn hóa thường trực của con người làng xãnói dối để giữ bí mật phương thức/kỹ nghệ sản xuất. Ở điểm này đã hình thành nên các làng nghề nắm giữ các bí quyết trong gia đình dòng tộc mà không truyền dạy ra bên ngoài. Trong các nghề dạy võ, nghề thầy thuốc, nghề thầy cúng... bao giờ cũng thấy gắn liền với hậu tố gia truyền. Khi nói dối đã trở thành nhân cách xã hội và nhân cách cá nhân của con người làng xã mặc nhiên coi đó đó là hệ chuẩn ứng xử của cộng đồng. Sự nói dối tích tụ qua hằng nghìn năm của con người làng xã nó đã trở thành tâm lí tộc người khá ổn định và vững chắc trong nhân cách. Mặt khác, khi phải đối phó với những thiết chế xã hội chuyên chế của giai cấp thống trị, vốn mang sẵn trong nhân cách văn hóa của mình phản ứng văn hóa của phức cảm cuội, con người làng xã đã thích ứng văn hóa với các thiết chế xã hội chuyên chế bằng phương thức nói dối, để bảo vệ lợi ích chính đáng của văn hóa, kinh tế làng xã.

Trong văn hóa, văn học, dân gian, phức cảm cuội được chuyển hóa vào những sáng tác truyền khẩu truyện dân gian như: Nói dối như Cuội, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, thằng Bợm... Trí khôn của ta đây. Trong nghệ thuật diễn xướng dân gian được biểu hiện bằng nhân vật Mõ, mẹ Đốp, đỉnh cao là nhân vật Hề, nói dối và biện bác thông minh vặt.

Trên đây là những biểu hiện của phức cảm cuội nhìn từ loại hình văn hóa dân gian có phần vô hại đối với sự phát triển của cộng đồng. Tuy nhiên nó lại là chất xúc tác cho hành vi nói dối có hại cho nhân cách văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Khi nghiên cứu về hoạt động mở của văn hóa làng xã, các nhà khoa học thường quan sát vào hoạt động của văn hóa chợ Việt. Ở môi trường hoạt động, giao tiếp của văn hóa chợ Việt, đặc sản của phức cảm cuội được biểu hiện ở hành vi cân điêu nói dối. Vì lẽ đó có một dòng văn hóa hướng thiện trong dân gian đã xuất hiện để điều chỉnh hành vi cân điêu nói dối, mà tư tưởng đó còn vang vọng đến ngày nay, đó là: “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa,” nhằm định hướng khẳng định sự hoàn thiện nhân cách văn hóa của cá nhân.

Bước vào thế kỷ XX, văn hóa Việt Nam tiếp thu các trào lưu văn hóa phương Tây. Mô hình văn hóa của xã hội nông nghiệp từng bước chuyển sang văn hóa công nghiệp. Đặc trưng của nhân cách văn hóa cá nhân/cộng đồng đã thay đổi về chất từ mẫu người văn hóa làng xã sang mẫu người văn hóa cá nhân.

Vào những năm ba mươi của thế kỷ XX, xu hướng văn hóa phương Tây (Pháp) đã chiếm ưu thế. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam thiết lập chính quyền và xây dựng nền văn hóa vô sản theo học thuyết Mác - Lênin. Do đó xu hướng văn hóa Mác-xít ngày càng chiếm ưu thế.

4. Tiếp cận phức cảm cuội qua trường hợp

Trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 -1931) giới sử học nước ta thường nhấn mạnh và đề cao vai trò của công - nông với tinh thần cách mạng dũng cảm tiến công kẻ thù của giai cấp, kẻ thù của nhân dân lao động. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì các nhà sử học mới nhìn ở phần hữu thức của cá nhân (công - nông). Do được trang bị tư tưởng Mác-xít và ý thức về sứ mệnh giải phóng con người xây dựng xã hội mới tốt đẹp, kết hợp với tâm lí đám đông được kích thích cao độ, nên công - nông nhiệt tình chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng. Nếu nhìn từ hệ chuẩn tâm lí - nhìn từ tâm lí học chiều sâu, từ tập quán văn hóa, từ phần vô thức của cá nhân (công - nông), chúng ta nhận thấy tác động về mặt xã hội đã tạo tiền đề cho phức cảm cuội trỗi dậy một cách tự nhiên, bản năng hung tính trong con người làng xã (tiềm ẩn) - con người chức năng hành động sắt máu nhân danh chuyên chính vô sản. Những người cộng sản không ý thức và không chịu trách nhiệm về bản năng hung tính sắt máu của công - nông. Đây chính là cái vô thức tập thể, cái vô thức của lịch sử đã thúc giục công - nông hành động. Phức cảm cuội được đặc tả, khái quát hóa trong thơ ca bằng những áng thơ tràn đầy tính chiến đấu và tự hào “Gái xưa đi chợ ăn quà/Gái nay đi trận ăn gan quân thù”.

Trường hợp Cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1953 - 1956); trường hợp Chống mê tín dị đoan (1976 - 1978) cũng vậy. Phức cảm cuội được bộc lộ ở các cấp độ khác nhau. Trường hợp Cải cách ruộng đất (1953 - 1956), phức cảm cuội bộc lộ ở hành vi ẩn ức ghét người giàu, tầng lớp trên trong xã hội của cá nhân/cộng đồng. Trường hợp Chống mê tín dị đoan (1976 - 1978), phức cảm cuội bộc lộ ở hành vi ẩn ức vô học, vô thần (vô văn hóa) của cá nhân/cộng đồng. Tuy nhiên trong chiến tranh (chính nghĩa) vệ quốc giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX, phức cảm cuội đã phát huy tác dụng tích cực ở các hành vi ứng biến linh hoạt, “lai vô ảnh, khứ vô hình” trong chiến đấu. Trong xử lý tác chiến việc giải quyết mục tiêu ngắn hạn, trước mắt nhanh chóng kịp thời và thông minh “vặt” sáng tạo, độc lập trong hoàn cảnh cụ thể rất phù hợp với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh du kích. Văn hóa chiến tranh du kích đã kích hoạt được hết khả năng “trí trá” - nói dối của binh pháp truyền thống. Điều đó góp phần cắt nghĩa đầy đủ cho nghệ thuật quân sự đỉnh cao về chiến tranh du kích ở Việt Nam. Mà hạt nhân cốt lõi của nó là phức cảm cuội tràn ngập trong nhân cách văn hóa của cá nhân. Tất nhiên ở đây còn có sự giáo dục tinh thần yêu nước của tổ chức và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc kết tinh trong ý thức người chiến sĩ (cá nhân), nhưng không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết này.

Từ sau Đổi mới (1986), nhất là khi nền kinh tế nước ta có sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn quản lí xây dựng đất nước đã vấp phải nhiều hạn chế, mà hạn chế lớn nhất chính là hạn chế về nguồn nhân lực có trình độ năng lực chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế tri thức. Nội dung hạn chế nguồn nhân lực còn bộc lộ ở những hành vi “lệch chuẩn” trong nhân cách văn hóa. Phức cảm cuội là một trong những nguyên nhân sâu xa làm hạn chế sự phát triển nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Nhằm làm sáng tỏ hơn nữa những biểu hiện của phức cảm cuội trong nhân cách văn hóa của người Việt Nam, chúng tôi tiến hành khảo sát và tiếp cận thông qua cấu trúc nhóm xã hội.

Nhóm gia đình

Với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, nền văn minh tin học đã kết nối quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng. Dẫn đến sự giao lưu văn hóa, tiếp thu văn hóa của thế giới ngày càng thuận tiện. Sự nhận thức giữa các thế hệ có độ vênh về tiếp nhận các giá trị của thế giới (phương Tây). Ở cấp độ hành động thực tiễn lại càng khác nhau. Các hệ giá trị trong mô hình gia đình truyền thống Việt Nam bị phá vỡ. Và dẫn đến xung đột về văn hóa, mức độ xung đột văn hóa căng thẳng dẫn đến bạo lực ra gia đình. Ở mức độ khác kéo theo ngoại tình, các cá nhân luôn luôn sống trong tâm trạng lừa dối nhau, không trung thực trong lý tưởng sống. Trong tình yêu lứa đôi của nam nữ có độ vênh về nhận thức trong gia đình, các thành viên trẻ tuổi (con/em) thường nói dối người lớn tuổi và cha mẹ về động cơ, về nhu cầu, nhất là nhu cầu về tình dục.

Trong xã hội hiện đại những vấn đề về tài chính kinh tế trong gia đình cũng thường nổ ra mâu thuẫn bất đồng về cách chi tiêu, muốn đạt được mục tiêu không có gì tốt bằng nói dối để hợp lí hóa các khoản chi. Khi nền kinh tế thị trường phát huy tác dụng cạnh tranh tích cực, nhiều gia đình tham gia vào hoạt động dịch vụ thương mại. Do mới làm quen với thị trường hiện đại, mô hình hoạt động kinh tế hộ gia đình vẫn có thói quen cân điêu nói dối trong giao dịch với đối tác/khách hàng.

Vai trò của nhà nước trong việc quản lí xã hội hiện đại cũng đặt ra nhiều thiết chế xã hội, các văn bản luật và dưới luật để hoàn thiện công tác quản lí nhà nước. Do chưa thích nghi với xã hội hiện đại quản lí nhà nước bằng luật pháp, cho nên gia đình Việt Nam vẫn có xu hướng ngầm chống, không hợp tác thể hiện ở chỗ thường gian lận kê khai không đầy đủ một số thông tin dẫn đến nhiều bất cập trong quản lí nhà nước.

Trên đây chúng tôi chỉ tạm xét ba phương diện văn hóa, kinh tế, và thái độ chấp hành luật pháp trong gia đình Việt Nam hiện đại để làm rõ mức độ ảnh hưởng tiêu cực của phức cảm cuội trong nhân cách văn hóa người Việt Nam.

Nhóm trường học

Nền giáo dục cách mạng Việt Nam ra đời năm 1945, nhưng từ sau Đổi mới trở lại đây tình trạng tiêu cực, thoái hóa biến chất trong nhà trường là khá rõ nét. Hiện tượng trốn học, học thuê, gian lận trong thi cử, bằng giả, mua bằng, chạy điểm là khá phổ biến. Khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” chỉ là hình thức, nhiều học sinh, sinh viên học tập đối phó cốt có văn bằng để xin việc làm. Trong nhiều trường hợp phát phiếu điều tra xã hội học ở một số trường học, sinh viên đều khai giống nhau như đúc. Tính chất và nội dung điều tra xã hội học ở nước ta nói chung và trong trường học nói riêng không bao giờ phản ánh đúng kết quả nghiên cứu trong thực tế. Có trường hợp sinh viên nhận xét giảng viên tất cả lớp học ngầm bảo nhau nhận xét sai lệch, thô bạo, đánh giá giảng viên đó là kém, là tồi. Nhiều giảng viên dạy giỏi thường nghiêm túc trong nghề lại bị nhận xét là giảng dạy không tốt. Ở đây nó phản ánh tinh thần thái độ thiếu trung thực khách quan của sinh viên đối với giảng viên. Thái độ vô cảm, vô văn hóa, thiếu tình thương yêu kính trọng đối với giảng viên của sinh viên ở môi trường đại học, đó chính là phức cảm cuội - mãnh lực tối tăm đã thâm nhập và lấn át nhân cách văn hóa, chà đạp vùi dập con người xã hội/lí tính để con người bản năng tự nhiên trỗi dậy. Mà có học giả gọi hiện tượng đó một cách hình ảnh là “con thuyền danh dự của cá nhân đang chìm đắm vào vũng lầy tội lỗi.”

Về đội ngũ giảng dạy ở bậc đại học hiện nay cũng còn nhiều hạn chế về năng lực chuyên môn. Nhiều công trình nghiên cứu của các cá nhân và tập thể sau khi nghiệm thu là được cho vào tủ khóa kĩ, không bao giờ được in thành sách, công trình/tác phẩm để công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Câu hỏi đặt ra, tại sao lại như vậy?... Vì nó là những vấn đề chung chung vô thưởng vô phạt, không thể ứng dụng vào thực tiễn lí thuyết cơ bản hay lí thuyết ứng dụng để phát huy tác dụng của công trình khoa học đó. Và chưa kể đến nhiều công trình là “nhai” lại ý tưởng, thậm chí là copy của người đi trước để được tính điểm dùng vào mục đích phong học vị, học hàm. Tất cả những điều đó hàm chứa một thực tế háo danh, thích phô trương hình thức, muốn được xã hội tôn vinh ghi nhận. Và muốn có được điều đó không bằng tài năng, thì chỉ có con đường gian dối để tiến thân. Chính ở điểm gian dối đó mà nhân cách cá nhân méo mó, thoái hóa biến chất. Đó cũng chính là lực cản rất lớn làm hạn chế sự lớn lên về văn hóa, làm hạn chế khả năng phát triển nguồn lực nhân văn trong môi trường đại học.

Nhóm công sở

Nhóm công sở được khảo sát ở đây dùng để chỉ các cơ quan công quyền quản lí về mặt nhà nước.

Đặc trưng cơ bản của nhóm công sở là làm việc theo mệnh lệnh hành chính ít có tính sáng tạo. Phần lớn các công sở của Việt Nam chưa hình thành một văn hóa công sở, không xây dựng được bộ quy tắc ứng xử phù hợp mà chủ yếu dựa vào một số văn bản nghị quyết nặng tính hình thức giáo điều. Trong giao tiếp với nhân dân thường nảy sinh tâm lí kẻ bề trên ban phát hơn là phục vụ nhân dân - người đã đóng thuế nuôi sống bộ máy. Về quan hệ nội bộ, con người công sở luôn luôn đố kị ganh ghét nhau trên con đường thăng tiến. Đặc biệt người lãnh đạo cao nhất luôn luôn là mục tiêu chĩa mũi nhọn nói xấu của bộ phận công chức cấp dưới. Ở đây dấu vết sâu xa là phức cảm cuội - giết thủ lĩnh chính trị (vua) được khơi dậy từ vô thức tập thể. Đối với đồng nghiệp hành vi thù ghét và sợ người khác hơn mình, xuất phát tâm lí tự ti có nguồn gốc từ phức cảm cuội - thù ghét tầng lớp trên từ sâu thẳm của vô thức cá nhân/cộng đồng.

Đối với vấn đề thu nhập kinh tế của công chức vốn ít ỏi, lại hay bị áp lực từ công việc phát sinh trong giao tiếp cộng đồng và giao tiếp với cấp trên, mà nhu cầu chi tiêu sinh hoạt luôn luôn đòi hỏi. Một mặt dựa vào quyền lực, một mặt dựa vào quan hệ xã hội rộng và hiểu biết pháp luật ở một trình độ nhất định, con người công chức thường kiếm tìm nguồn thu nhập bất chính bằng hình thức tham nhũng.

Tìm hiểu khảo sát nhóm công sở để thấy rõ phức cảm cuội bộc lộ ở ba điểm: nhân cách văn hóa con người công sở thường xuất hiện tâm lí “giết thủ lĩnh chính trị”; thù ghét đồng nghiệp; tham nhũng. Ba điểm này tựu chung thuộc phạm vi của hung tính -mãnh lực tăm tốinói dối.

5. Kết luận

Khi lịch sử văn hóa xã hội vận động từ mẫu người văn hóa làng xã sang mẫu người văn hóa cá nhân thì tính chất, nội dung và ảnh hưởng của phức cảm cuội cũng phát triển và gây ra nhiều tác hại hơn. Vì trong xã hội nông nghiệp con người làng xã là con người chức năng gắn liền với nhân cách cộng đồng, còn trong xã hội công nghiệp là con người cá nhân (tự do), con người đa nhân cách. Và trình độ tri thức - ý thức xã hội đã phát triển cao hơn nhiều lần, đồng thời mặt tiêu cực cũng bộc lộ, dẫn đến mức độ gian dốihung tính cũng được tăng nên tinh vi hơn. Điều đáng quan tâm là trước đây trong xã hội nông nghiệp con người làng xã coi phức cảm cuội (vô thức) là vũ khí của kẻ yếu để tự vệ, là phương thức ứng xử để tồn tại của kẻ yếu. Còn trong xã hội công nghiệp phức cảm cuội trong nhiều trường hợp lại được sử dụng một cách có ý thức của kẻ mạnh, kẻ khôn, kẻ có học vấn... để thực hiện những mục đích phi nhân tính, phản văn hóa. Do đó trong chiến lược phát triển nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa ở nước ta hiện nay, một trong những điều kiện tiên quyết là phải đẩy lùi và chiến thắng được phức cảm cuội trong mỗi cá nhân. Về chiến lược để đoạn tuyệt vĩnh viễn với phức cảm cuội trong nhân cách văn hóa người Việt Nam, chúng ta cần tiến hành giải quyết tận gốc từ cơ sở vật chất, nơi sinh thành và phát triển của phức cảm cuội. Tuy nhiên đây là bài toán đa tiêu chuẩn, cần nhiều thời gian và tùy thuộc vào các cấp độ nhận thức đến hành động của mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng và vai trò của giới nghiên cứu khoa học/giáo dục; vai trò của nhà nước trong việc tìm ra nghiệm/đáp án đúng của bài toán đa tiêu chuẩn này.

Mục tiêu nghiên cứu phức cảm cuội trong nhân cách văn hóa của người Việt Nam, thông qua đó tìm ra bản chất kìm hãm sự lớn lên của văn hóa, tìm ra mãnh lực tăm tối, hung tính trong cá nhân (chủ thể của văn hóa). Và nó đã làm hạn chế những động lực phát triển văn hóa, hạn chế nền tảng tinh thần của đời sống xã hội như thế nào? Hay nói một cách khác là nghiên cứu sự nói dối đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội, đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Với những tác hại của nó đã và đang làm ảnh hưởng tiêu cực trong việc xây dựng nguồn nhân lực, nguồn lực văn hóa để phát triển đất nước ta như thế nào? Qua đó chúng ta sẽ rút ra những kết luận để xây dựng văn hóa lối sống lành mạnh trong sáng cho con người Việt Nam vì sự nghiệp phát triển đất nước, dân tộc một cách hài hòa ổn định bền vững trong một xã hội tri thức văn minh tiến bộ và nhân văn. Qua đó chúng ta sẽ rút ra những kết luận, những bài học “xương máu” cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, dân tộc Việt Nam một cách hài hòa ổn định bền vững trong một thế giới phẳng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bakhtin (2006), Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo ngôn từ, Văn học nước ngoài, (01), tr. 140-198

Belik, A.A. (2000), Văn hóa học. Những lí thuyết nhân học văn hóa, GS. TS Hoàng Vinh, TS Đỗ Lai Thúy, Huyền Giang (biên dịch), T.c Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội

Cao Xuân Huy (1995). Tư tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, Hà Nội

Carơmin (2011), Văn hóa học, Nxb St. Peteburg, Bản dịch tiếng Nga của Hoàng Vinh.

Chogyam (2012), Mặt trời Phương Đông minh triết shambhala, Nxb, Từ điển Bách khoa, Hà Nội

Chương Thâu (2007), Góp phần tìm hiểu Nho giáo - nho sĩ - Trí thức Việt Nam trước 1945, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Doãn Chính (1999), Tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

Doãn Chính (2012) Tư tưởng triết học của Tuệ Trung Tượng Sĩ, Triết học (8), tr. 40-48

Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (2006) (chú dịch), Tứ Thư, Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận (biên dịch), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội

Đào Duy Anh (1943), Khổng giáo phê bình tiểu luận, Quan hải tùng thư, Huế

Đào Duy Anh (1946), Văn hóa là gì, Quan hải tùng thư, Hà Nội

Đào Duy Anh (1950), Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Quan hải tùng thư, Hà Nội

Đào Duy Anh (1957), Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội

Đào Duy Anh (1964), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb KHXH, Hà Nội.

Đào Duy Anh (2002), Việt Nam Văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội

Đào Duy Anh (2005), Lịch sử cổ đại Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội

Đào Duy Anh (2009), Hán Việt từ điển, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội

Đào Phương Bình, Nguyễn Đức Vân… (1988), Thơ văn Lý - Trần, tập II (quyển thượng), Nxb KHXH, Hà Nội

Đào Phương Bình, Phạm Tú Châu, Nguyễn Huệ Chi… (1977), Thơ văn Lý - Trần, tập I Nxb KHXH, Hà Nội

Đạt Lai Lạt Ma (2009), Con đường đến tự do vô thượng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Đặng Đức Siêu (2003), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb ĐHSP, Hà Nội

Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân… (2004), Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ X đến đầu thế kỷ XVIII, Nxb Giáo Dục, Hà Nội

Đỗ Lai Thúy (2005), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội

Đỗ Ngây (2009), Bàn thêm về sự phân kỳ lịch sử Phật giáo từ khởi thủy đến giai đoạn Lý - Trần, Nghiên cứu Tôn giáo, (9), tr. 54-63

Đỗ Tùng Bách (2000), Thơ thiền Đường Tống, Nxb Đồng Nai

Đoàn Thị Thu Vân (1995), Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật của thơ thiền Việt Nam thế kỷ XI - XIV, Luận án, TP Hồ Chí Minh

Đoàn Văn An (2011), Quan niệm tính không (Sunyata) trong kinh Kim cương, Triết học (1) Tr. 71-77

Eraxốp, B.C. (2000), Văn hóa học xã hội, Nxb Mátxcơva, Bản dịch tiếng Nga của Hoàng Vinh

Fromm, Erich (2006), Trốn thoát tự do, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội

Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Viện KHXH Việt Nam (2008), Hội thảo khoa học, (Nhiều tác giả), Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, Quảng Ninh

Hiểu Đông (2009), Điển cố Phật giáo trong một số tác phẩm văn học thiền tông đời Trần, Nxb Tôn giáo, Hà Nội

Hoàng Ngọc Hiến (2011), Luận bàn minh triết và minh triết Việt, Nxb Trí Thức, Hà Nội.

Hoàng Ngọc Hiến (2009), Francois Jullien và Văn hóa Đông - Tây, Nxb Lao động, Hà Nội

Hoàng Vinh (1998), Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn văn hóa ở nước ta, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội

Hoàng Vinh (2002), Những vấn đề văn hóa trong lịch sử xã hội truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin

Hồ Liên (2008), Một hướng nghiên cứu văn hóa, Nxb Văn học, Hà Nội

Kant, Immanuel (2007), Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận), Nxb Tri thức, Hà Nội

Kim Định (1955), Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Sài Gòn

Konrat N.I (1999), Văn học Nhật Bản từ cổ điển đến cận đại, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng

Lê Mạnh Thát (2005), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, II, III, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh

Lê Thị Thanh Hương (chủ biên), (2010), Nhân cách văn hóa tri thức Việt Nam trong tiến trình mở cửa hội nhập quốc tế, Nxb KHXH, Hà Nội

Lêônchiep, N. (1989), Hoạt động ý thức nhân cách, (biên dịch), Phạm Minh Hạc, Phạm Hoàng Gia, Phạm Huy Châu, Nxb Văn học, Hà Nội

Lévi-Strauss, Claude (1996), Chủng tộc và lịch sử, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội

Lotman, Ju. M. (2012), Biểu tượng trong hệ thống, Nghiên cứu Văn học (10 -2012), tr. 18-31

Lục Tổ Huệ Năng (2009), Giảng nghĩa Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh

Murti, T.R.V. (2013), Tánh không cốt tủy triết học Phật giáo, Nxb Hồng Đức

Ngô Thế Long - Trần Thái Bình (2009), Học Viện Viễn Đông bác cổ, (Giai đoạn 1898 - 1957), Nxb KHXH, Hà Nội

Panoff, Michel và Perrin, Michel (1982), Từ điển dân tộc học, (biên dịch) PGS Từ Chi, Nxb KHXH

Radughin, A. (2002), Từ điển bách khoa văn hóa học (biên dịch), Vũ Đình Phòng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội

Radughin, A. (2004), Văn hóa học những bài giảng, Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội

Riptin, B.L. (1974), Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học trung cổ của Phương Đông theo phương pháp loại hình, Tc. Văn học (2), tr. 97-123.

Rôtenđan, M. và Iuđin, P. (1972), Từ điển triết học, Nxb Sự thật, Hà Nội

Suzuki, Fromm Erich, Martino R.De (2001), Thiền và phân tâm học, Nxb Thời đại, Hà Nội.

Suzuki, D.T. (1992), Thiền Luận, quyển hạ, (bản dịch), Nxb TP Hồ Chí Minh

Suzuki, D.T. (1992), Thiền Luận, quyển thượng, (bản dịch), Nxb TP Hồ Chí Minh

Suzuki, D.T. (1992), Thiền Luận, quyển trung, (bản dịch), Nxb TP Hồ Chí Minh

Thích Nhuận Đạt (tuyển dịch) (2010), Đạo Phật và môi trường, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh

Tylor, E.B. (2013), Lịch sử cội nguồn di sản văn hóa, Nxb Thời Đại, Hà Nội

Xôcôlốp, E.V. (1972), Văn hóa và nhân cách, bản dịch tiếng Nga của Hoàng Vinh