Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Nỗi lòng người đi

Nguyễn Văn Tuấn

Tôi và có lẽ các bạn đang thắc mắc tại sao có làn sóng công nhân từ Bình Dương và Sài Gòn tìm cách về quê sau ngày tạm gọi là hết phong toả. Đọc báo 'chánh thống' thấy khó tin với loại ngôn từ uốn éo và đổ thừa ('tự phát rời TPHCM', 'tự ý về quê gây ùn tắc'). Nhưng người trong cuộc (qua các youtuber) cho thấy họ ra đi là do sự thất bại về chánh sách của chánh phủ.

Mấy ngày qua, có lẽ đa số chúng ta đều thấy cảnh người lao động lũ lượt kéo nhau rởi bỏ Sài Gòn và Bình Dương. Người thì đi bằng xe gắn máy, người đi xe đạp, thậm chí có không ít người đi bộ (vì xe của họ bị giam giữ?) Nhìn cảnh hai vợ chồng đạp xe về Sóc Trăng tôi đã sốc. Nhưng càng khó tưởng tượng nổi trong thế kỉ 21, mà người dân Việt phải lội bộ đến 250 km để về quê (Sóc Trăng, Cần Thơ, Dak Lak, và còn nơi nào nữa). Phải có lí do chánh đáng làm cho người ta ra đi như thế. Người ra đi chắc chắn phải có nỗi lòng.

Nhưng nỗi lòng của họ không được giới báo chí 'chánh thống' quan tâm. Các bạn thử mở báo mạng ra xem, sẽ thấy mấy người gọi là 'nhà báo' dùng những câu chữ như "Nghìn người tự ý về quê gây ùn tắc" hay "Tự phát rời TP.HCM, cả nghìn người mắc kẹt ở cửa ngõ về miền Tây lúc nửa đêm". Đọc những bài báo như thế chúng ta không biết nỗi lòng của người dân, mà chỉ thấy kiểu phụ hoạ với nhà cầm quyền để đổ thừa người ra đi. Gọi là 'fake news' thì nặng nề quá, nhưng gọi là báo chí phụ hoạ thì có lẽ chính xác hơn. Báo chí kiểu đó thì thà không có không chừng còn hay hơn, và tại sao chúng ta cần những ... youtuber.

Thật vậy, hôm qua tôi xem chương trình của một youtuber bên Mĩ, trong đó anh ta trích một đoạn tương đối dài mà ai đó 'phỏng vấn' những người dân bị kẹt ở những cái 'chốt'. Những người đang mòn mỏi chờ 'thông chốt' cho biết những lí do tại sao họ phải rời Sài Gòn, Bình Dương. Họ nói rất mộc mạc, chân thành. Tôi gọi đó là những 'nỗi lòng người đi' (mượn chữ của Nhạc sĩ Anh Bằng).

Trong video clip, có một cô gái tuổi chừng 20-30, từng ở chợ Quận 7, bị kẹt từ tháng 4 cho đến nay (tức 5 tháng rồi). Cô cho biết trong thời gian đó, cô không nhận được hỗ trợ bằng tiền gì cả. Thoạt đầu cô còn tin tưởng và chờ đợi, nhưng chờ hoài chẳng thấy gì nên cô đã mất niềm tin vào Nhà nước. Giọng cô ấy nói đều đều, bình tĩnh, đĩnh đạc:

"Dạ, em rất là vui. Em vui nhưng mà em không tin tưởng, em cảm thấy như em bị lừa nhiều rồi. Nhưng mà tụi em khổ quá nên phải về. [...] Em nghĩ chính quyền sẽ kiểm soát dịch và sẽ cho người dân về. Nhưng em hết tin tưởng rồi. Tại vì nhiều lần quá, người dân không còn tin tưởng nữa. [...] Hồi đợt trợ cấp đó, lâu lâu em có được vài kí gạo. Vậy thôi. Còn tiền thì người ta lại ghi danh sách và người ta nói đợt này đợt này có, nhưng thật ra mấy tháng nay không có [...] Người ta muốn về quê. Ai cũng cực khổ như ai thôi. Người ta muốn về quê với gia đình người ta."

Đoạn cô ấy nói về hàng rào kẽm gai chắc sẽ làm cho những người cầm quyền phải suy nghĩ về câu khẩu hiệu 'độc lập - tự do - hạnh phúc':

"Người ta gài kẽm gai như vậy nè. Mình cảm thấy như sống ở đất nước tự do, độc lập tự do hạnh phúc. Mà tại sao con người với con người như vầy, mà rào như vầy?"

Rồi cô ấy so sánh với những người lao động từ nước ngoài được đón về trong đợt dịch trước:

"... trong khi những đợt dịch trước thì người dân từ nước ngoài về, bệnh dịch, thì người ta kêu gọi ... ớ là ... để rước nguời nước ngoài về, rước con em người ta trở về. Tại sao khi mà bây giờ dịch trong nước của mình đây mà tỉnh lại không rước con em mình về? Vậy là quá bất công với người dân mình."

Quá bất công! Đúng quá.

Một thanh niên khác có vợ con dưới quê cũng mong được về. Anh ta nói:

"Ba tháng nay cũng thất nghiệp, cũng hổng có xoay xở được cuộc sống. Được về với vợ con dưới quê thì rất mừng vui. Bao nhiêu tháng nay cực khổ quá, dầm mưa dãi nắng như vầy. Vợ dưới quê mới sanh, con mới được mấy tháng, không được chăm sóc [...] Ở đây việc làm thì ngày có ngày hông, mà dịch thế này thì chưa chắc [sẽ] có việc làm ổn định để mình đủ khả năng nuôi vợ con. Nên muốn về quê, [...] mình cũng không phải đóng tiền nhà trọ và bất cứ phí nào khác nữa. Chỉ muốn về quê thôi. Dịch hết thì mình lên Sài Gòn làm tiếp."

Có người nhận được tiền trợ cấp nhưng chẳng thấm vào đâu. Hai vợ chồng cũng đang chờ về quê cho biết 4 tháng qua chỉ nhận đúng 1.5 triệu, và họ hỏi vậy 'thì sao sống được.' Bà vợ nói: "Nhà nước không có hỗ trợ được gì hết trơn. Chỉ ăn rau muống với nước tương."

Đó là tiếng nói của người trong cuộc.

Đợt dịch này cho chúng ta thấy rất nhiều vấn đề từ quản lí vĩ mô đến vi mô. Ở cấp vĩ mô, giới cầm quyền thoạt đầu lúng túng, đề ra những chánh sách sai lầm, dẫn đến hàng vạn cái chết. Rất có thể nhiều người đã chết oan vì sai lầm. Nhà nước thú nhận sai lầm và xin lỗi, nhưng với người quá cố thì lời xin lỗi đâu có ý nghĩa gì. Còn người sống, thì như cô gái trên nói, đã mất niềm tin vào Nhà nước rồi.

Bốn tháng qua, chúng ta nghe qua những gói hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng, rất 'hoành tráng' và nghĩ rằng Nhà nước nói thì phải làm. Nhưng hoá ra không hẳn vậy. Đúng là có người nhận được hỗ trợ, nhưng có vẻ con số đó không nhiều vì còn nhiều người khác không được trợ cấp gì cả. Ngay cả được hỗ trợ, thì như vợ chồng đề cập trên cho biết chỉ 1.5 triệu đồng trong 4 tháng trời thì làm sao sống nổi ở thành phố. Thành ra, lời nói của chánh phủ không đi đôi với việc làm.

Tôi nghĩ chánh phủ chắc chắn không có ý gạt dân, nhưng họ có thể lúng túng trong việc cung cấp tài trợ (*) đến từng cá nhân (chưa nói đến vấn đề ăn chận đã xảy ra). Nhưng người dân chẳng cần biết sai lầm đến từ đâu (vì đó là vấn đề của chánh phủ); họ chỉ biết đồng tiền hỗ trợ không đến tay họ. Lỗi là ở hệ thống nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Dù nhìn ở góc cạnh nào thì sự ra đi ồ ạt của những người công nhân nghèo trong mấy ngày qua nói lên sự thất bại trong chánh sách của chánh phủ. Thất bại không chỉ chánh sách phong toả, mà còn thất bại trong chánh sách hỗ trợ người nghèo – thành phần mà đáng lí ra phong toả giúp họ. Không thể đổ thừa rằng người ra đi là 'thiếu ý thức' (một cụm từ rất xấc xược và trịch thượng) hay 'tự ý' (có nghĩa gì?).

Ai cũng muốn sống sót và tồn tại. Nhà nước không làm được gì giúp dân, thì dân phải tự xoay xở. Họ phải ra đi thôi. Ra đi bằng mọi giá. Chẳng còn gì để mất. Về quê với đồng ruộng, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, còn hơn là phải sống lây lất ở thành phố. Họ là những người vô sản thứ thiệt. Còn người vô sản giả hiệu thì đang bàn cách kiểm soát dân: thấp hơn là rào kẽm gai, cao hơn là dùng 'app' hay thẻ xanh đỏ. Trận dịch này tô đậm lằn ranh giữa hai giai cấp (vô sản thật và vô sản giả) trong xã hội.

___

(*) Thật ra, "tài trợ" là không đúng. Đó là tiền do dân đóng thuế, Nhà nước chỉ thay mặt họ quản lí thôi. Vấn đề là Nhà nước quản lí không tốt.

Nguồn: FB Nguyễn Văn Tuấn