Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 170): Phạm Thế Mỹ: Bông Hồng Cài Áo

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2021)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Bông Hồng Cài Áo – Sáng tác: Phạm Thế Mỹ

Trình bày: Miên Đức Thắng (Pre 75)

Đọc thêm:

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, Bông Hồng ấy ngày xưa

Trần Tuyết Hoa

Sài Gòn hồi đó sau biến cố 1963, người Phật tử trong và ngoài nước có dịp đi, về gặp nhau thường xuyên hơn để xây dựng đạo pháp trong lòng dân tộc.

Từ đó, có một tập quán hơi là lạ nhưng cũng khá dễ thương bỗng phát sinh trong giới Phật tử trẻ, đa số là thanh niên, học sinh, sinh viên Phật tử chúng tôi, còn gìn giữ cho đến bây giờ. Đó là cái thói quen rất đẹp “Bông hồng cài áo” nhân ngày Đại lễ Vu Lan ở chùa và các trung tâm văn hóa, xã hội Phật giáo. Ban đầu do thầy Nhất Hạnh đi du học nước ngoài, khi đến Nhật Bản thấy được hình ảnh cao quý, đẹp đẽ này của các bạn sinh viên bản xứ nên thầy đem về Việt Nam phổ biến mà Sài Gòn là rầm rộ nhất, để cho SV Phật tử chúng tôi có thêm một hình ảnh đẹp trong ngày Báo hiếu.

Xin trích dẫn một đọan lời thầy Nhất Hạnh trong tập Bông Hồng cài áo xuất bản sau 1963:

“…Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có”Ngày Mẹ”(Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách Ginza ở Đông kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật Bản, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ ra một bông hoa Cẩm Chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bở ngở, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ,anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa màu trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trên áo mà cảm thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc nào, chúng tôi không có cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ cảm thấy xót xa nhớ thương, không quên mẹ dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ,và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.”…

Thầy Thiên Ân sau đó về dạy triết học Zen ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tôi được hân hạnh học với thầy niên khóa 1964-1965. Nhóm Cử nhân Triết Đông chúng tôi còn nhớ như in, cứ đến giờ Zen của thầy, được nghe cái giọng Huế hiền lành, vô chấp của thầy đều đều trong lúc giảng bài là chúng tôi cứ có cảm giác như thầy trò đang ngồi thiền thực sự trong lớp học mà quên hết mọi sự đời ở ngoài kia…

Thế rồi, hằng năm sau đó cứ đến gần ngày Vu Lan ở Sài Gòn, đi đâu cũng nghe vang vang trên chương trình phát thanh, về sau có cả chương trình truyền hình của Phật giáo bài hát “Lòng Mẹ” của Y Vân, và nhất là bài “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được phổ thơ của thầy Nhất Hạnh với các giọng ca sinh viên truyền cảm. Trong các chương trình văn nghệ Vu Lan vào những năm ấy, tác phẩm “Bông hồng cài áo” luôn được Đoàn văn nghệ SV Đại học Vạn Hạnh chúng tôi trang trọng mở đầu với dàn hợp xướng trên 60 sinh viên Phật tử Sài Gòn và Vạn Hạnh trong bộ đồng phục áo dài và sơ mi trắng có cài chiếc bông hồng đỏ trên ngực, với những khuôn mặt trẻ trung, rạng rỡ hạnh phúc của những đứa con đang còn mẹ… Dạo đó, tôi thường xuyên có mặt trong các chương trình Văn nghệ của Tổng Hội SV Sài Gòn và cả Vạn Hạnh nữa. Hôm nào tôi không bận bịu trong các vai Múa hay Nhạc cảnh thì phải đứng vào hàng đồng ca của dàn hợp xướng dưới sự chỉ huy của người nhạc sĩ tài hoa Phạm Thế Mỹ, anh rất chịu khó và công phu hướng dẫn cho các giọng lĩnh xướng, xô lô hòa cùng toàn ban thật tuyệt vời, đã một thời làm say lòng người nghe đến ngây ngất bàng hoàng, đến sụt sùi rơi lệ. Hỡi các giọng ca xô lô thân thương một thời: Miên Đức Thắng, Nguyễn Xuân An, Mai Hoa, Phi Huệ… Bây giờ các em đang ở đâu? Sao tôi cứ nhớ mãi, nhớ hoài trong lòng những lời ca đó ngọt ngào, an ủi như lời ru xưa êm đềm của mẹ: “Một bông hồng cho anh… cho em… cho những ai đang còn mẹ. Để lòng vui sướng hơn…”

Những giọng ca cứ vút cao lên chơi vơi như muốn cuốn hút cả lòng người. Ôi! Những lời ca thân thương ấy đã cứ vương vấn mãi theo tôi, chơi vơi đến nao lòng, theo tôi đi khắp nửa vòng trái đất, đến một vùng đất lạnh xa xôi băng giá. Mùa Vu Lan năm ấy, tôi cố tìm đến chùa Huyền Không ở Montréal, Canada để được nghe bài “Bông hồng cài áo” do các em sinh viên, học sinh Việt Nam ở đây trình diễn và để được cầu nguyện cho mẹ và nhớ về mẹ…

Lần này, tôi không còn được hân hoan đón nhận chiếc bông hồng đỏ như những năm xưa ở quê nhà, mà tôi phải ngậm ngùi buồn đau đớn nhận chiếc bông hồng trắng giá băng, nó lạnh lùng hơn cả cái băng giá của xứ này. Vì trước đó một tháng, tôi nhận được tin nhà, mẹ tôi vừa qua đời! Chiếc bông hồng trắng của mùa Vu Lan năm ấy, với tôi như đã thay thế vành khăn tang “mất mẹ”. Mẹ ơi! Mùa báo hiếu này, con không thể mang bông hồng đỏ về khoe với mẹ như hồi đó được nữa, vì con đã thực sự mất mẹ rồi, mẹ ơi! Ở đây, con đang đau đớn nhận một bông hồng trắng, lòng ngậm ngùi rưng rưng… nhưng tai con vẫn nghe bản nhạc “Bông hồng cài áo” của ngày xưa đó mẹ à! Con đang nghe và đang cầu nguyện cho mẹ đây. Những giọt nước mắt lại một lần nữa lăn dài trên má con hôm nay, âu cũng là những giọt “nước đang chảy về nguồn” đó, thưa mẹ! Tôi cứ cúi đầu cầu nguyện và suy nghĩ miên man về mẹ tôi trong nước mắt… Ôi! Một hình ảnh không thể thiếu đã khắc sâu đậm nét vào tâm trí tôi tự bao giờ?!…

Tôi nghe mơ hồ như có tiếng ai đó đang gọi tôi. Buổi lễ đã kết thúc. Thầy mời đi thọ trai – Tôi giật mình ngớ ngẩn. Mùa Vu Lan đầu tiên ở Canada đã qua nhanh trong tôi như vậy à? Sao tai tôi vẫn còn nghe mãi dư âm của giọng hát ai đó… “Một bông hồng cho những ai… cho những ai đang còn mẹ…” như một hoang tưởng viễn mơ chăng?

Rồi những năm sau, lênh đênh đây đó nơi quê người, tôi vẫn cố tìm đến chùa để được tiếp tục nhớ về mẹ, cầu nguyện cho mẹ trong những ngày nao nao của mùa Báo Hiếu. Đôi khi tôi được nghe và được hát lại bài ca “Bông hồng cài áo” của năm nào trên đất khách mà lòng vẫn còn xao xuyến không nguôi – Mẹ ơi! Giờ đây lòng con đang thèm được cài lên áo một bông hồng đỏ của năm xưa mà cũng không được nữa rồi! Rất nhiều khi “lá muốn rụng về cội”, nhưng cội đã chờ lâu quá…, chết khô mất rồi! Cội không còn đợi lá được nữa lá ơi! Và lá giờ đây cũng chỉ còn biết thì thầm, xào xạt đớn đau một mình:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”!

Sài Gòn, Mùa Vu Lan 2551, năm 2007

Nguồn: https://sachhiem.net/VANHOC/TranTuyetHoa2.php