Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Thế lực thù địch (kỳ 9)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

10

Y và Quỳnh có một đứa con? Niềm hạnh phúc quá lớn. Như lộc trời bỗng đổ ào xuống, đúng cái lúc bất ngờ nhất. Thậm chí y còn cám ơn Loan đã “khám phá” ra chuyện “thâm cung bí sử” của đời y. Mười bảy năm nay y là một thằng cha chẳng ra gì. Để mặc Quỳnh nuôi con. Và lừa dối Duy nuôi con cho y nữa. Duy có biết Liên là con y không? Không biết. Nếu biết sao Quỳnh có thể sống yên ổn và hạnh phúc như vậy? Hóa ra y ăn ốc mà Duy thì đổ vỏ. Quỳnh biết rõ Liên là con cuả y không? Mà có khi chính Quỳnh cũng không biết đã có con với y. Nếu biết, hóa ra Quỳnh lừa dối Duy suốt mười bảy năm qua? Chao ơi, thật hay mơ đây? Y sẽ gặp Quỳnh Thy. Sẽ gặp Quỳnh Liên. Con bé như thế nào nhỉ? Nó hơn con Nga mấy ngày? Theo Loan thì tám ngày. Chúng có giống nhau không nhỉ? Có xinh như nhau không? Giống Quỳnh thì không thể xấu. Mà rất có thể Quỳnh Liên giống nàng Malyutka trong phim Người thứ 41, nhân vật đã xen vào cuộc ân ái cuối cùng của y và Quỳnh.

Tâm trạng bồn chồn xao xuyến của một người cha, của tình máu mủ huyết thống làm y nhiều đêm không ngủ. Nhưng rồi y lại sợ hãi khi nghĩ tới phút gặp mặt hai mẹ con Quỳnh. Y sẽ phải làm gì? Sẽ đến với hai mẹ con như thế nào?

Đang loay hoay tìm cách, thì Lê Trang rủ y đi trại giam An Điềm để viết bài cho số kỷ niệm những ngày lễ lớn.

-Ông đi An Điềm với tôi nhé. Các nhân vật cộm cán đang tụ nghĩa ở đó. Vũ Duy, Tương Giang, cả Ba Sàm nữa… Chỉ cần gặp tình địch Vũ Duy là ông đã nứng bút rồi…

Nứng bút. Trang dùng từ cực hay. Tức là y sẵn sàng viết vài bài báo để sỉ vả tên biến thái chống phá chế độ, chỉ vì hắn từng là tình địch của y. Nhầm rồi. Y không tầm thường đến mức ấy. Thật tình, sau khi phụ tình Quỳnh để chạy theo Loan, khi biết Duy dang tay đón Quỳnh và họ làm lễ cưới cũng vào dịp y cưới Loan, y thầm biết ơn Duy vô cùng. Bởi vì y trút bỏ được tội lỗi, rũ bỏ được trách nhiệm, thoát khỏi mặc cảm vô lương. Nhưng sâu xa hơn, trong tận đáy lòng, y vẫn rất yêu Quỳnh. Duy đã làm cho Quỳnh hạnh phúc, sao lại coi Duy là tình địch. Về điều này thì Trang nghĩ lầm về y.

Từ ngày nhạc sĩ Tương Giang đi tù và Lê Trang đơn phương ly hôn, thỉnh thoảng Trang vẫn đi thăm và gửi tiếp tế cho Tương Giang, như một hành động nhân đạo, như muốn che mắt thế gian, vì dù sao Tương Giang vẫn là cha danh nghĩa của hai đứa nhỏ Đặng Hải và Đặng Hải Yến. Y rất biết điều này. Lê Trang không giấu y: Ông phải cảm thông và giữ kín cho tôi. Cho đến bây giờ hai đứa nhỏ vẫn không biết ông ấy là người cha hờ.

Dăng dện với Chín K, Lê Trang không thể thân thiết ai hơn y. Y mặc định là đại sứ, là giao liên của cả hai người. Hồi này, cô nàng còn tỏ ra thân tình hơn, bỗ bã hơn, như hai thằng đồng giới. Việc y trượt xuất biệt phái đi Mỹ, Trang đau như chính y đau vậy. Trang bảo, báo Việt Tourist lập văn phòng đại diện ở Quận Cam rồi. Đây là tầm nhìn của anh Chín. Đợi con Hải Yến lớn chút nữa, tôi sẽ sang bên đó. Bây giờ đang dồn tiền để mua nhà mua đất. Ở Garden Grove, trung tâm quận Cam, chỉ năm trăm ngàn đô là có một ngôi nhà với 500 mét vuông sân vườn. Tháng trước tôi vừa sang đặt cọc. Ông cũng tính sớm đi… Chính vì muốn vợ chồng con cái ông sang để có láng giềng mà tôi chỉ còn thiếu nước quỳ sụp trước anh Chín tế sống ổng để xin tha cho ông, tạo điều kiện cho vợ chồng con cái ông lên đời. Vậy mà anh Chín vặc tôi, nói cô thì biết cái gì, bỏ cái thói duy cảm đi. Cô có biết Bộ trưởng còn không muốn nhìn mặt cái thằng tôi khi biết tôi dung túng cho Hoàng Y không? Đó là biểu hiện biến chất, phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, cô hiểu không? Nói trắng ra, đó là Rận chủ, chẳng khác gì bọn Hoàng Minh Chính, Nguyên Ngọc, Ba Sàm, Trần Huỳnh Duy Thức… Loại như nó phải đuổi ra khỏi ngành mới đúng. Nhưng tôi nể bà Vân, thương cô Loan nên đã tìm mọi cách nói để Bộ trưởng ngơ đi… Đó, tình hình của ông nghiêm trọng như vậy đó. Giờ nghe nói ông lại có chuyện với vợ Vũ Duy phải không?

- Chuyện gì?- Y chột dạ - Anh Chín nói hay bà dọa tôi?

- Cái kim của ông cắm vào người ta ngần ấy năm, giờ nó đã thành cọc inox rồi… Ông làm sao che nổi mắt tôi.

- Thằng Tuẫn Chiết da nói với Trang?

- Tôi còn biết Thu Loan đợt này làm căng lắm. Đòi ly dị, đúng không? Hôn nhân điền thổ, vạn cổ chi thù. Tốt nhất là ông đầu hàng toàn tập. Đừng đùa với họ Cao làng Phí. Nghe chưa?

Chẳng điều gì giấu được Kền Kền, ngay cả những xác chết đã bốc mùi. Không biết từ bao giờ, giữa y và Lê Trang đã mặc định với nhau là hai kẻ đồng lõa, trong mọi vấn đề, nhưng quan trọng nhất là những gì liên quan đến trục ba người: Chín K, Lê Trang và Hoàng Y. Có những việc Chín K phải nhờ y mới giải quyết nổi, ví như để hạ nhiệt những cơn ghen, hoặc đánh lạc hướng bác sỹ Cao Thu Vân, khiến người đàn bà luôn coi tế bào gia đình là tối thượng, dần dần phó mặc, rồi tha thứ, buông bỏ, thậm chí thả rông cho ông chồng quyền biến, thủ đoạn và đa tình. Ví như cần thuyết phục Lê Trang đừng có tham lam vô đáy, hãy bằng lòng với thân phận phòng nhì trong im lặng… Lại có những việc y phải nhờ Lê Trang tác động với Chín K, như chuyện công việc, các mối quan hệ, quyền lợi… Anh hùng làm sao qua nổi ải mỹ nhân. Lê Trang mệnh Thủy, lúc ào ạt như thác, lúc cuồn cuộn như suối, lúc róc rách như mạch ngầm, lúc rả rích như mưa dầm… khiến tướng quân tứ bề thọ…tình, cưỡng sao được.

Cho nên, chuyến đi An Điềm sẽ rất quan trọng. Y sẽ đối mặt với Vũ Duy. Sẽ khai thác về Quỳnh Liên… Càng thú vị hơn, khi giám đốc cụm trại giam Miền Trung lại là đại tá Cao Thiện Nghệ, người đã bán ngôi nhà giữa làng Phí cho bố Ngô Viễn.

Cao Thiện Nghệ là một người xởi lởi và hay chuyện. Ông người làng Phí, y làng Động, lại hơn y mười mấy tuổi, nên trước đây hầu như không quen biết. Hồi y học cấp hai thì Nghệ đã đi công an vũ trang, rồi chuyển sang công tác ở trại giam Bắc Mê, Hà Giang. Nghệ không có dáng vẻ gì của một trùm đao phủ, trái lại, lịch lãm, hào hoa như một trí thức. Không biết Nghệ học hành lúc nào mà cũng có bằng thạc sĩ xây dựng Đảng và tỏ ra khá hiểu biết. Sự học có nhiều con đường, Gorky, Nguyên Hồng đều học từ dưới đáy xã hội. Hai cuốn tự truyện Thời thơ ấu của các ông đã dạy cho người ta cách học trường đời. Cứ nhìn giá sách trong phòng Cao Thiện Nghệ, đủ thấy sức đọc của ông không thể xem thường. Và có thể ông còn học trong các cuộc rượu. Tửu lượng của đại tá Nghệ chứng tỏ ông đã học được cách uống rượu để khai thác đối tượng diệu nghệ như thế nào. Uống mãi mà không say, càng uống mặt càng trắng bệch, như chưa uống gì. Một bậc thầy trong giới tửu đồ.

-Nếu tớ biết viết văn thì mỗi năm sẽ có một cuốn tiểu thuyết dày dặn và rất hay ho - Buổi gặp đầu tiên với hai nhà báo, Nghệ đã lôi hết gan ruột - Trong nhà tù, chứa bao nhiêu cảnh đời, bao nhiêu số phận ngang trái, phiêu lưu, dữ dằn, thương tâm các vị có biết không? Biết bao Tấn trò đời của Balzac ở nơi đây. Ngày trước tớ thích đọc truyện ngắn của Nam Cao, tiểu thuyết của Nguyên Hồng. Mà này, các bạn đánh giá thế nào về nhà văn Ngô Thời Bá quê ta? Chỉ riêng cuốn Tốt sang sông của hắn đã xứng giải Nobel rồi. Mạc Ngôn còn dài dòng, dây cà dây muống lắm. Tớ chỉ phục Đàn hương hình thôi. Đàn hương hình của Mạc Ngôn quả là kiệt tác. Côn Sơn bi tráng của Ngô Thời Bá cũng đáng sánh ngang với Đàn hương hình. Đọc Báu vật của đời, Rừng xanh lá đỏ, Cây tỏi nổi giận…, nhiều đoạn muốn lướt bỏ. Tốt sang sông của Ngô Thời Bá hay hơn hẳn. Đó là một đại tự sự, một saga vĩ đại. Bọn nhà văn nước mình vốn ghen ăn ghét ở, đếch dám viết, đếch viết được lại hay ủ mưu dìm hàng. Theo tớ, nếu Nam Cao được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp từ ngày ông còn sống thì ăn đứt Nobel, kém gì Chekhov, Maupassant. Ngô Thời Bá cũng vậy. Cửa mở ra thế giới của các nhà văn ta còn hẹp quá. Các nhà dịch thuật của ta chỉ quen sùng ngoại, mà chưa hiểu tầm vóc giá trị nội. Gần đây đọc “Chuyện kể năm 2000” thấy kính nể đầu óc nhà văn ta quá. Quyển này cũng xứng tầm Nobel. Tác giả đã từng ở trại giam Bắc Mê của tớ đấy. Để tớ nghĩ, tên ông là…

-Bùi Ngọc Tấn - Y nhắc.

-Đúng rồi, nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Các vị nên đọc “Chuyện kể năm 2000”. Tớ phải mua sách lậu để đọc. Vừa đọc vừa ứa nước mắt. Chẳng làm gì nên tội và cũng chẳng biết người ta ghép ông vào tội gì? Xét lại xét đi cái khỉ gì khi chỉ là anh nhà báo nghiệp dư ở một xí nghiệp đánh cá? Cũng chẳng biết Liên Xô, Trung Quốc họ tranh giành quyền bính ra sao. Thế mà bỗng dưng bị bắt. Không lệnh. Không án. Vào tù trở thành người chăn kiến. Ra tù không biết sống tiếp như thế nào? Viết như thế mới đáng nhà văn chứ. Tịnh không hằn thù, chửi bới gì chế độ đã gây oan ức suốt sáu năm trời cho mình. Nhân văn lắm. Đọc mà thấy đau cho chính những người giám thị chúng ta…

Lê Trang liếc xéo sang y, tủm tỉm:

-Anh Năm giám thị mà duy cảm thế này, có khi cũng bị tù nhân Vũ Duy cảm hóa…

-Chứ sao nữa? Tớ thấy khoái cái tay luật sư này. Rất có kiến văn, rất có nhân cách. Lần đầu tiên trong đời làm quản giáo, tớ phải thỏa hiệp và nhượng bộ trước một tù nhân. Ba Sàm thì lạnh lùng, trầm tĩnh và có vẻ không muốn hạ cố đối thoại với tớ. Vũ Duy trực tính và chân thành. Hắn thuộc Mác Lê Mao làu làu. Nói tiếng Anh như gió. Tớ bỏ hẳn mấy buổi tranh luận với hắn về triết học Mác Lê. Hắn lần lượt bẻ mình từng luận điểm. Ví dụ, chuyên chính vô sản và xã hội dân sự; tế kinh nhà nước và kinh tế tư nhân; thị trường tự do và thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hắn bảo chúng ta toàn làm ngược. Thế giới họ đi trước ta hàng trăm năm. Những gì họ bỏ đi thì ta nhặt lại. Nghĩ đúng quá. Mấy chục năm qua ta toàn đi sửa sai. Cấm đoán kỷ luật ông Kim Ngọc hồi cuối những năm 60, hơn mười năm sau lại phong cho ông anh hùng. Hiến pháp cấm kinh tế tư nhân thì nay kinh tế tư nhân chiếm hơn năm mươi phần trăm tỷ trọng và hơn sáu mươi phần trăm nguồn nhân lực. Cứ tư nhân thì lãi mà quốc doanh thì lỗ và tham nhũng. Lạ thế...

-Nếu bọn em viết điều này lên báo, anh Năm có đồng ý không? – Y cười hóm hỉnh.

-Ấy chết. Để tớ mất cái cần kiếm cơm à? Tớ chỉ còn ba năm nữa là nghỉ hưu, cũng chả sợ khi mình dám nói thẳng nói thật. Nhưng chỉ lo liên lụy đến con cháu. Khổ thế - Đại tá Nghệ thừ người, rồi chặc lưỡi – Uống rượu mà không rút hết gan ruột thì uống nước lã còn hơn. Vì người đẹp Lê Trang còn thân tình hơn người nhà. Còn mày, người làng Động, Y ạ, cùng quê, tao mới cởi lòng cởi dạ. Có anh Chín ở đây, tao cũng nói thẳng như vậy. Ồ, tao nhớ ra rồi. Có lần anh Chín giảng bài ở hội trường đại học Thanh Xuân, chúng mày có dự không nhỉ? Hôm ấy nói chuyện nội bộ, cấm không ai được ghi âm, quay clip. Anh Chín nói, tao nhớ nguyên văn thế này: “Các đồng chí ạ, động cơ tranh đấu của bọn gọi là “rận chủ”, bọn xã hội dân chủ, về cơ bản giống với các chiến sỹ cách mạng tiền bối của Đảng ta, khác hẳn động cơ chạy chức chạy quyền của một số cán bộ biến chất, thoái hóa bây giờ. Tức là họ không ham muốn quyền lực, tiền bạc, địa vị, gái đẹp, nhà to, mà họ chỉ muốn thỏa mãn lý tưởng cao đẹp: phấn đấu cho một nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai các cường quốc năm châu. Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm… thuộc lớp dân chủ đó…”

- Em và nhiều người rất thích buổi nói chuyện hôm đó – Lê Trang thừa nhận.

- Làm việc với những người hiểu biết như anh Chín, mình cũng lớn lên. Tao thích đại tá Hoắc ngày trước làm giám thị ở Hỏa Lò. Ông ấy không phải là cai ngục mà là người bạn của tù nhân. Có đúng là Mác từng viết: Sẽ đến ngày thế giới đại đồng, không có nhà nước, không có nhà tù…

- Khi ấy An Điềm sẽ trở thành một đại resort, một nông lâm trường kiểu mẫu – Lê Trang nâng ly lên – Và trong phòng truyền thống của An Điềm sẽ lưu giữ hình ảnh của giám thị Cao Thiện Nghệ với dòng ghi nhớ rằng, vào những năm ấy, An Điềm đã trở thành trại giam mẫu mực toàn ngành, trong đó những tù chính trị cộm cán như Vũ Duy, Tương Giang, Ba Sàm đã trở thành bạn tâm giao của đại tá giám thị …

- Ha ha ha ha… Chúng mày đểu. Loại nhà báo như Lê Trang, Hoàng Y là bọn giết người không dao - Cao Thiện Nghệ cười phá lên, cụng ly và ôm lấy hai người bạn nhậu - Thôi, dẹp, dẹp…chuyến này đừng viết gì nhé. Viết là giết tao. Nhưng ngày mai nhất định phải gặp những nhân vật cộm cán này, để thấy họ là một loại tù khó giáo dục thế nào, họ đẳng cấp hơn bọn tù thường phạm và hình sự ra sao. Hơ hơ, không thể ngờ, chính họ là tấm gương, là “đại ca” của các tù hình sự ở đây. Họ đã góp phần làm nên bộ mặt văn hóa của An Điềm hôm nay. Các vị phải gặp họ, để thấy họ Việt Tân và “phản động” như thế nào…

***

Nửa đêm, khi đang lơ mơ vì bữa rượu buổi tối, thì Cao Thiện Nghệ bấm chuông dựng y dậy, dúi cho y cuốn sổ ghi chép của ông, và bảo: “Nếu chưa ngủ thì cậu tranh thủ đọc cái này, để mai gặp Vũ Duy cho khách quan. Đọc những trang tớ đánh dấu ấy”.

Nhật ký của một quản giáo. Ông này nếu không làm nghề đao phủ thì cũng sẽ làm nhà văn đây. Mở vài trang, y thấy tò mò và hứng thú, vì không ngờ một viên cai ngục lại có tâm hồn của một văn sỹ. Những trang Nghệ đánh dấu, tựa như những trang ghi chép hoàn chỉnh, phác họa nét chân dung về tù nhân Vũ Duy.

…“ Những buổi sáng mình thường có thói quen của Giave, dậy từ năm giờ, vệ sinh nhanh rồi chạy một vòng. Mấy sáng nay, nảy ra ý định xuống khu giam của bọn Vũ Duy… Hóa ra, bọn chúng còn dậy trước cả mình. Sáng nào chúng cũng dậy từ trước năm giờ. Và việc đầu tiên là bọn chúng ngồi quỳ, hướng mặt lên khoảng không trên trời, thành kính. Tiếng rì rầm cầu kinh bắt đầu từ Vũ Duy, sau đó cả bọn Công án Bia sơn nhắc theo. Thì ra đây là Mười điều răn của Chúa. Trong các gia đình giáo dân, buổi sáng sớm, từ già đến con nít, mở mắt ra là đọc những điều răn này. “ Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự. Thứ hai: Chớ kêu tên đức Chúa Trời vô cớ. Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật. Thứ tư: Thảo kính cha mẹ. Thứ năm: Chớ giết người. Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục. Thứ bảy: Chớ lấy của người. Thứ tám: Chớ làm chứng dối. Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người. Thứ mười: Chớ tham của người”.

Tiếp đó là mười bốn mối Chúa răn dạy người công giáo, trong đó bẫy mối cho phần xác, bẩy mối cho phần hồn”. Thương xác bẩy mối: Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn. Thứ hai: Cho kẻ khát uống. Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ tư: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết. Thương linh hồn bảy mối: Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người. Thứ hai, Mở dạy kẻ mê muội. Thứ ba: An ủi kẻ âu lo. Thứ tư: Răn bảo kẻ có tội. Thứ năm: Tha kẻ khinh rẻ ta. Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta. Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết…”

Thoạt đầu, y nghĩ ông giám thị này lẩm cẩm, ghi chép tủn mủn. Nhưng đọc kỹ, y thấy bàng hoàng . Cả viên giám thị và các tù nhân đều gặp nhau ở sâu thẳm cõi người. Tôn giáo, cả đạo Thiên chúa, đạo Phật, đạo Hồi… tồn tại hằng nghìn năm, có hàng tỷ tín đồ là vì đều có điểm chung ở tính bác ái, vị tha, lòng hướng thiện và sự bao dung vô bờ.

Những trang nhật ký của Cao Thiện Nghệ, gợi mở cho y niềm hứng thú và sự tò mò. Trong vai cán bộ thanh tra Tổng cục, Y và Trang xuống tận các phòng giam của các phạm nhân.

Khu biệt giam tù chính trị, tách ra một góc, tỏ ra ngăn nắp và vệ sinh hơn hẳn các khu thường phạm. Phòng Vũ Duy chung với năm phạm nhân khác, trong đó có bốn người thuộc cái gọi là Công án Bia Sơn, một tổ chức tôn giáo ở Phú Yên bị coi là phản động. Phòng có sàn xi măng thoáng rộng, bàn đọc sách báo, ngoài hiên có chỗ ngồi uống trà, chơi cờ tướng, trước tường bao ngăn với khu thường phạm là một sân nhỏ tập thể dục và một dẻo đất trồng hoa, rau xanh.

Đập vào mắt y và Trang là một giá sách nhỏ treo tường. Một tủ sách “độc và lạ” với những tác phẩm rất khó tìm, ngay ở những thư viện tỉnh và huyện: Suy tưởng của Marcus Aurelius, Thăm dò tiềm thức của Carl Gustav Jung, Bàn về tự do của John Stuart Mill, Nền dân trị Mỹ của Alexis De Tocqueville, Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon, Tâm thức –bản ngã và xã hội của George Herbert Mead, Ngẫu nhiên và tất yếu của Jacques Monod… Trời, hầu như cả tủ sách Tinh hoa của nhà xuất bản Tri Thức ở đây. Lại có cả nguyên bản tiếng Anh The Road to Serfdom của Friedrich August von Hayek nữa.

Lê Trang hỏi Vũ Duy:

-Làm cách nào ông có những quyển sách này?

-Thưa cán bộ, vợ tôi và con gái tôi đến nhà xuất bản tìm mua…

Tim y như bị bóp nghẹt. Y mường tượng ra hai mẹ con Quỳnh Thy, Quỳnh Liên đang thấp thoáng sau Duy.

-Ông thật hạnh phúc – Trang nói – Tôi chưa gặp một tù nhân nào có một môi trường như ông…

Vũ Duy chữa lại:

-Da, môi trường tù…

Mọi người cùng phá lên cười vì một câu nói hóm hỉnh.

Rồi tiếp những bất ngờ nữa. Trang phát hiện ra những bức tranh vẽ bằng bút chì, bằng phấn màu trên vỏ bao thuốc lá, trên giấy vỏ hộp, chân dung các thành viên trong phòng và phong cảnh khu trại giam, cảnh thành phố cửa biển.

- Đẹp quá. Một họa sĩ đích thực. Ai là tác giả những bức vễ này thế?

Vũ Duy chỉ người đàn ông râu quai nón rậm rì, tóc dài búi tó trên đỉnh:

-Dạ, thưa cán bộ, họa sĩ Doãn Kiên người bị khép tội chống phá nhà nước chỉ vì vẽ đường lưỡi bò mang đi biểu tình.

Một nhân vật cộm cán của Hải Phòng - Ánh mắt của Trang khiến y nhận ra ngay con người từng gây xôn xao trên mạng vì dám treo cờ vàng ba sọc đỏ trong phòng ở. Doãn Kiên từng được giới sưu tầm tranh biết tới như một phát hiện về nghệ thuật màu dầu trên giấy dó truyền thống. Kiên có người anh trai khác mẹ sống ở Toronto, Canada, từng là bạn đồng ngũ của thiếu tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng hộ tống hạm Nhật Tảo trong trận hải chiến với Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974. Khi sang thăm anh ở Toronto, Kiên chụp khá nhiều ảnh có cờ vàng ba sọc đỏ và nài nỉ người anh xin lá cờ trong phòng anh về nước làm kỷ niệm. Lá cờ ấy, theo anh trai nói, chính là lá cờ cắm trong phòng thủy thủ trên hộ tống hạm Nhật Tảo, mà người anh giữ như một báu vật. Kiên đã hai lần bị bắt giam về tội vẽ tranh đường lưỡi bò và đi biểu tình chống Trung Quốc, tội “âm mưu lật đổ nhà nước”, một lần hai năm tù và lần này sáu năm tù.

-Trong tù, tôi vẫn được vẽ là nhờ luật sư Vũ Duy đấy ạ - Kiên được dịp khoe - Báo cáo cán bộ, tù nhân lương tâm Vũ Duy là một hiện tượng của trại An Điềm. Trước đó, tù nhân chỉ ngồi… chăn kiến. Chúng tôi không được đọc sách báo, không được học tiếng Anh, không được hát đồng ca, không được tập thể dục, không được trồng rau trồng hoa trước nhà, khẩu phần ăn hàng ngày bị cắt xén, quà tiếp tế của gia đình bị kiểm soát… Tất cả đã được cải thiện như hôm nay nhờ có luật sư Vũ Duy. Mấy anh nông dân Phú Yên này là học trò xuất sắc của thầy giáo Duy cả về tiếng Anh, cả về kiến thức tôn giáo.Tôi có giấy, bút, phấn màu để vẽ, nhạc sĩ Tương Giang được sáng tác nhạc, là nhờ Vũ Duy. Anh không chỉ là luật sư am hiểu pháp luật, mà còn có dũng khí dám đấu tranh, nhiều lần viết đơn gửi Bộ, gửi Chính phủ, gửi cả Liên Hợp quốc để phạm nhân được hưởng quyền con người…

Lần đầu tiên y gặp Vũ Duy. Quá gầy yếu, nhưng đôi mắt rực sáng luôn nhìn thẳng, cương nghị và tự tin. Có lẽ Duy chưa thực sự hồi phục vì đợt tuyệt thực hai tháng trước để phản đối bản án sáu năm tù vô cớ. Dường như Vũ Duy cũng chưa hề gặp y. Dĩ nhiên, nếu nói tên y, Duy sẽ biết. Thậm chí sẽ rất ngạc nhiên khi y vào tận nhà tù để gặp tình địch của mình.

Cuộc “hỏi cung” tù nhân Vũ Duy đã diễn ra ngay chiều hôm đó, trên phòng khách của trại, do Tổng biên tập Viettourist Lê Trang chủ trì, có y cùng tham dự. Lúc này hai người đã trở lại đúng vai của mình. Lê Trang và y đưa thẻ nhà báo cho Duy xem và yêu cầu hắn cộng tác trong việc tác nghiệp.

Duy tròn xoe mắt nhìn tấm thẻ nhà báo, rồi nhìn y hồi lâu. Những tia mắt như muốn reo lên: A, thì ra ông là Hoàng Y, người đã từng gây bao đau khổ cho mẹ con Quỳnh Thy? Tôi đã đi tìm ông mười bảy năm nay. Không ngờ ông lại chủ động đến gặp tôi trong hoàn cảnh trớ trêu thế này. Ông giễu tôi, hay muốn hành hạ, trả thù? Ấy là y đoán thế. Nhưng liền sau đó y lại thấy Duy đứng dậy, nhoài người trên bàn, đưa hai tay ra, như muốn chộp tay y.

Vừa lúc đó người cảnh vệ kịp ngăn lại.

- Xin lỗi - Duy ngượng ngùng vì hành động suồng sã và có vẻ nguy hại của mình - Thực tình tôi rất hân hạnh được gặp cán bộ... Tiếc rằng cuộc gặp giữa chúng ta trong hoàn cảnh thật éo le.

- Việc đầu tiên tôi muốn báo cho ông biết là mẹ con Quỳnh vẫn khỏe mạnh và gửi lời thăm ông.

Sao y lại nói câu ấy, mặc dù y chẳng hề định nói như vậy. Nhưng y cảm thấy mắt Duy rơm rớm sau câu nói đó.

-Thưa cán bộ, giám thị nói tôi lên đây để trả lời câu hỏi phỏng vấn của nhà báo. Trước khi trả lời các câu hỏi, xin phép cán bộ cho tôi làm dấu trước Chúa…- Duy nói và nhắm mắt, đưa tay làm dấu.

Đợi Duy làm dấu thánh xong, y bỗng nảy ra câu hỏi:

- Này ông, xin lỗi, ông vừa nghe thấy điều gì ở Chúa?

- Thưa cán bộ, tôi nhớ Thánh kinh, đoạn Mathiơ 26:47-50, Chúa Giêsu bị bắt. Khi ấy Giuda cùng đi với bọn người mang gươm giáo và gậy gộc đến bắt ngài. “Giuda ra dấu trước cho chúng: “Ai mà tôi hôn thì chính là người ấy. Hãy bắt đi”. Giuda lập tức bước thẳng đến Chúa Giêsu và nói: “Chào thầy!” và hôn ngài. Chúa Giêsu bảo: “Bạn ơi, bạn định làm gì thì làm đi”…

Cao Thiện Nghệ nói, trong thời gian ở An Điềm, Vũ Duy đã học thuộc Kinh Thánh, có thể đọc làu làu bất cứ một trang Cựu Ước hay Tân Ước nào. Y biết đoạn Thánh kinh này. Duy đúng là một con chiên ngoan đạo. Có trí nhớ và cực kỳ thông minh khi mượn Thánh kinh để nói với y điều muốn nói. Trong những tôn giáo ở Việt Nam, có lẽ duy nhất Kitô giáo còn giữ được cốt lõi của tín ngưỡng. Người ta tin Chúa thành tâm và không vụ lợi. Người ta tin nhau và nương cậy, vị tha với nhau. Trong vùng công giáo, rất ít tệ nạn. Những người yêu nhau thường bền chặt và chung tình. Y tin, Vũ Duy đã mang lại cho Quỳnh Thy hạnh phúc, đã yêu thương Quỳnh Liên như con ruột của mình…

Trang đưa ra một câu hỏi bất ngờ:

-Nghe nói, hồi bị giải từ Ba Sao vào đây, giữa đường, ông định trốn chạy?

Duy ngớ ra, rồi bỗng bật cười.

-Cán bộ hiểu sai rồi. Không phải trốn chạy, mà tôi muốn tạo ra sự cố scandal. Là vì hôm ấy tôi bị còng hai tay tống lên chiếc xe bịt bùng từ lúc còn mờ đất. Tôi không biết từ trại Ba Sao sẽ bị giải đi đâu? Nhỡ bị giải đi thủ tiêu thì sao? Bỗng lo lắng và thương vợ và hai con vô cùng. Tôi căng óc nghĩ cách nào đó để báo với người thân. Rất may, quá trưa, đoàn xe dừng lại nghỉ ở trạm xăng. Vừa nhảy từ thùng xe xuống, tôi thấy một tốp khách, trong đó có nhiều bạn trẻ, hình như một đoàn sinh viên đi du lịch. Hoàn toàn vô thức, tôi giơ hai tay lên trời và hét to: “Các bạn ơi, tôi là luật sư Vũ Duy, người bất đồng chính kiến bị chính quyền cộng sản bắt. Nay họ giải tôi không biết đến nơi nào. Nhờ các bạn có máy ảnh, có iphone hãy chụp và quay clip hình ảnh của tôi và gửi cho con gái tôi là Vũ Quỳnh Liên – Facebook Hoa Sen Trắng. Xin cám ơn”. Vừa kịp nói hết câu thì tôi bị người áp tải bịt miệng, tống lên xe.

- Và ngay chiều ấy, cái tin luật sư Vũ Duy bị giải đi thủ tiêu lan truyền trên mạng - Lê Trang nói - Facebook Hoa Sen Trắng đăng tin và ảnh đầu tiên.

Vũ Duy giàn giụa nước mắt.

- Con gái tôi đó. Con bé rất giỏi về tin học. Nó yêu ba vô cùng…

Hắn bật khóc như một đứa trẻ.

Y bỗng thấy trĩu buồn. Y cũng khóc. Nhưng nước mắt chảy vào trong.

***

Lê Trang nói với y sau cuộc phỏng vấn Vũ Duy:

- Ông thấy không, Vũ Duy vẫn đinh ninh Quỳnh Liên là con gái mình.

- Tôi cũng nghĩ vậy. Có lẽ Quỳnh Thy vẫn giấu Duy - Y trầm ngâm giây lâu, rồi chợt hoang mang - Hay là kết quả ADN rỏm? Loan và Tuẫn Chiết da đã dựng lên câu chuyện này?

- Cũng có thể. Nhưng kết quả ADN thì không thể nhầm lẫn. Muốn thử lại cũng không khó gì. Nếu cần tôi sẽ giúp …

- Không cần thử lại…Sự thật chỉ có một. Và sự thật này chỉ duy nhất một người biết rõ.

- Đó là Quỳnh Thy.Và ông không thể lẩn trốn cuộc gặp này. Tôi sẽ tạo điều kiện để ông gặp Quỳnh.

Lê Trang luôn là người tận tình đến cùng.

Trang hẹn Quỳnh Thy ở nhà hàng Hoa Sữa đường Nguyễn Du, nơi ngày xưa y và Quỳnh vẫn hay ngồi. Từ lầu hai, nhìn xuống hồ Thuyền Quang, không nơi nào kín đáo và thơ mộng hơn.

Khi y tới thì hai người đàn bà đã ngồi chờ bên hai ly nước cam vàng sánh.

Lê Trang luôn chủ động trong mọi hoàn cảnh, gọi cà phê và kéo ghế cho y.

-Chào Lê Trang, chào Quỳnh Thy.

Y chào hai người, nhưng lại chỉ nhìn Quỳnh. Quỳnh tránh ánh mắt y. Nàng quá bất ngờ và có phần lúng túng.

-Tôi vừa nói với Quỳnh Thy về chuyến đi thăm Vũ Duy ở An Điềm. Một chuyến đi đầy ấn tượng. Hai người từng là bạn của nhau, đúng không?

-Dạ, lâu rồi em không gặp anh. Vẫn biết về anh qua anh Viễn và Mai…

Giọng Quỹnh vẫn trong và dịu dàng như ngày ấy. Những hình ảnh gần hai mươi năm trước khi hai đứa trú mưa dưới gốc cây hoa sữa bên hè, bỗng như những thước phim, ào về. Chiếc cặp sách của y không đủ che cho tóc Quỳnh khỏi ướt. Phải đến khi chị chủ quán nhắc, y mới dắt tay Quỳnh lên lầu. Hai đứa còn đúng năm trăm đồng, đủ gọi một ly cà phê và gói hạt hướng dương, nhưng chị chủ quán vẫn đưa ra hai ly và bảo: Chị khuyến mại hai đứa. Cứ ngồi khi nào mưa tạnh….

Trang giả vờ có cuộc điện thoại, đứng dậy.

- Hai người cứ ngồi. Tiền trả rồi. Mình có cuộc hẹn đột xuất. Đi nhé.

Y nhìn theo Trang, đầy biết ơn. Lặng một hồi lâu. Y chủ động vào chuyện:

- Có chuyện này, tôi phải nói với Quỳnh.

-Chuyện gì thế anh?

-Chuyện con Quỳnh Liên.

-Thì sao?

-Nó là con của chúng ta. Tôi... Anh là bố đẻ của nó.

- Anh bị tâm thần à? Ai bảo anh thế?

Y sững sờ nhìn Quỳnh. Bây giờ y mới dám nhìn Quỳnh. Nàng nhìn y như nhìn một người từ hành tinh khác đến. Một sự kinh ngạc đến tột độ. Một thoáng hốt hoảng và lo âu. Chính lúc này, nàng đẹp như nữ thần Venus.

- Quỳnh biết rõ điều này mà... Quỳnh Liên là con của chúng ta.

- Ở An Điềm, anh và Lê Trang đã làm gì Duy? Các người đang có âm mưu gì? - Quỳnh bỗng xoay người, nhìn xoáy vào y, đôi mắt sáng quắc của một quan tòa - Tôi sẽ kiện các người, nếu các người bức cung anh ấy.

- Không, không… - Y lúng túng trước ánh mắt như bốc lửa - Tôi không hề nói gì với Duy về Quỳnh Liên…, tôi chỉ cảm nhận…

- Anh cảm nhận điều gì?

- Mặc dù Duy rất yêu con bé…, nhưng nó không phải là con anh ta.

- Anh lầm rồi. Lầm to rồi. Vũ Quỳnh Liên là tất cả cuộc đời của Duy. Cũng như thằng Vũ Lân là tất cả cuộc đời anh ấy. Tôi chưa thấy một người đàn ông nào yêu con say đắm và cuồng nhiệt như anh ấy. Anh có tưởng tượng được không, hồi con bé hơn một tuổi, thì bị dịch đậu mùa, còn tôi lúc đó cũng bị cúm virus. Đúng dịp ấy, khu phố bị mất điện ba ngày. Trong nhà hầm hập bốn mươi độ. Ba đêm liền anh ấy thức quạt cho hai mẹ con. Đến khi mẹ con tôi khỏi bệnh thì anh ấy phải nhập viện… - Nước mắt Quỳnh chảy tràn trên má, Quỳnh vừa nuốt nước mắt vừa nói hối hả - Hồi tôi có một suất học bổng, cơ quan cho tôi sang Pháp tập huấn ba tháng, tôi định không đi, vì năm đó Quỳnh Liên vào lớp một, mẹ tôi phải thường xuyên ở bệnh viện chăm bố, còn dì Mai Thy lúc đó đang nghỉ sinh đứa thứ hai. Nhưng Duy tìm mọi cách thuyết phục tôi đi. Anh đưa con bé về bên ngoại, một mình vừa điều hành doanh nghiệp, vừa giúp bố mẹ tôi, vừa hằng ngày đưa đón con đi học… Ngày Duy bị bắt, anh có biết không? Lúc đó Quỳnh Liên vừa đi học về, nó gào khóc, xông vào cứu ba, rồi nhanh trí ghi lại toàn bộ clip ba nó bị khám nhà và bị còng tay lên xe, làm chứng cứ cho một cuộc đàn áp chính trị… Rồi hôm Duy bị giải từ Ba Sao vào An Điềm, khi nhận được clip do các bạn sinh viên đi du lịch gửi cho, Liên đã gửi ngay lên mạng để thông tin với mọi người… Quỳnh Liên yêu ba như thế đấy. Nó thường nói với tôi: Con thấy mình giống ba nhiều hơn mẹ…

Đắn đo mãi, rồi y cũng mở iphone cho Quỳnh xem giám định ADN mà Loan đã làm. Vừa nhìn qua, Quỳnh đã nhảy bật lên:

-Ai cho phép các người lấy mẫu thử của con gái tôi? Tôi sẽ kiện. Các người đã vi phạm đời tư…

Y đợi cho Quỳnh lắng lại.

-Tôi cũng dọa kiện Loan, khi cô ta đưa cho tôi phiếu xét nghiệm ADN… Nhưng vừa nói một thì cô ta lu loa lên mười. Cô ta trong ngành, có nhiều lợi thế. Cô ta muốn chuyện này tung tóe lên, để tôi mất mặt. Tôi đã nhận ra sự nguy hiểm, nếu chọc vào tổ kiến lửa… Và tôi đã phải xuống thang. Nhận đó là sự thật. Chỉ xin cô ta hãy giữ kín chuyện này, đừng làm ầm ĩ lên…

Dường như Quỳnh Thy cũng đã nhận ra những mối nguy đang rình rập. Nàng thu người lại, lặng lẽ khóc. Ước gì y có thể nhích tới, đưa vòng tay ôm lấy đôi vai đang rung nhẹ. Ước gì y có thể nói những lời âu yếm, an ủi nàng.

- Chúng ta không thể chối bỏ sự thật. Chúng ta cùng có Quỳnh Liên, đúng không?

Y như đang nói vào khoảng không.

- Trước mắt, không cho Quỳnh Liên biết chuyện này - Y lại nói - Hãy để cho con học lên đại học, cho đến khi nào con trưởng thành. Tôi đã cảnh cáo Loan. Nếu làm con bé tổn thương, sẽ không xong với tôi… Nhưng tôi muốn Quỳnh phải thừa nhận với tôi sự thật này. Và cho phép một ngày nào đó tôi được gặp Quỳnh Liên…

Nói được những điều này, y cảm thấy nhẹ người. Y biết, không nên dồn đuổi. Hãy như mưa dầm thấm đất. Hãy bóc lần lượt từng lớp lá, cho đến khi nhân bánh nóng hổi lộ ra.

- Không có chuyện nhận con nào hết - Đột ngột, Quỳnh Thy hét lên và cầm túi đứng lên - Liên là con gái của tôi và Duy. Anh chẳng có gì dính líu đến con bé.

- Kìa Quỳnh. Cái lần chúng ta nói chuyện về phim Người thứ 41 ở khách sạn Bông Trang trên hồ Đại Lải …

Quỳnh quay ngoắt, bước đi. Được vài bước, nàng đột ngột quay lại, nói rất nhỏ, nhưng rít lên như kim loại:

-Đừng có mơ. Tôi sẽ giết các người, nếu đụng đến con gái tôi.

H.M.T.