Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (17)

VIDEO: LÀM GÌ KHI BẠN BỊ NHIỄM COVID-19

[Lời giới thiệu của bác sĩ Hoàng Minh Tú Vân]

Sẽ có nhiều F0 điều trị ở nhà, nên nhóm đồng nghiệp tụi mình kiếm các clip trên mạng, dịch ra tiếng Việt và chèn phụ đề/ tiếng để các anh chị em có thể xem. Đây là những nội dung cơ bản, nhưng được làm dưới dạng dễ xem dễ hiểu. Nội dung được thẩm định qua và thấy là ok, clip từ nước ngoài nên có vài cái không phù hợp mấy với VN (vd như BN f0 ở nhà thì hạn chế khách tới chơi, ở VN thì rào mấy lớp lấy đâu ra khách, nhưng về cơ bản thì các lời khuyên này đều đúng). Mong sẽ giúp được ai đó đang khủng hoảng.

PS: clip up lên tài khoản 1 bạn nhỏ 13 tuổi, nên tên acc nó cũng hơi lạ lùng, nhưng nội dung thì đã thẩm định. Bạn này là con chị đồng nghiệp Quyen Nguyen, và là người giúp các cô chú già nua kém công nghệ chèn chữ và tiếng Việt vô clip.

Clip số 1: làm gì khi nhà bạn có F0, gồm việc theo dõi chăm sóc F0, và làm sao để hạn chế lây lan ra những người cùng nhà.

#hỗtrợbncovid

TÂM TƯ NGƯỜI SÀI GÒN TRONG ĐẠI DỊCH

Vũ Tuấn – VNEXPRESS 23/7/2021

Hơn 20 năm sống với tiếng còi xe và sự náo nhiệt, chị Tường Vui chưa bao giờ biết đến tiếng chuông đồng hồ ở chợ Bến Thành cho đến những ngày thành phố vắng lặng.

 

CHỦ TỊCH KIÊN GIANG CHỈ ĐẠO LƯU THÔNG HÀNG HÓA KHÔNG CẦN ĐÚNG DANH MỤC

K. Nam, Tuổi trẻ 23/7/2021

TTO - “Đi chợ mua đồ ăn, thức uống, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân. Một bó rau, một mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán”, ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của tỉnh.

Chủ tịch Kiên Giang chỉ đạo lưu thông hàng hóa không cần đúng danh mục - Ảnh 1.

Tài xế xe tải chở hàng từ tỉnh khác làm thủ tục vào địa phận tỉnh Kiên Giang - Ảnh: K.NAM

Ngày 23-7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang họp giao ban trực tuyến toàn tỉnh thường kỳ (2 ngày 1 lần). Tại cuộc họp, nhiều ý kiến băn khoăn về danh mục hàng hóa thiết yếu, hàng hóa dễ hư hỏng, cần sớm ban hành chi tiết, thống nhất để dễ áp dụng.

Đại diện lãnh đạo các địa phương nuôi tôm đang tới kỳ thu hoạch ở vùng U Minh Thượng (gồm 4 huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận) đề nghị bổ sung tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và một số loại hải sản khác vào danh mục hàng hóa dễ hư hỏng để ưu tiên qua chốt.

Bởi hiện tại, có trường hợp phương tiện của thương lái không tới được hộ dân, rồi hộ dân cũng không chở được tôm tới chỗ thu mua vì… chưa có trong danh mục.

Đại diện ngành công thương Kiên Giang thì phản ánh hiện nay danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông không tỉnh nào giống tỉnh nào, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang góp ý để các bộ, ngành bổ sung kịp thời, thống nhất thực hiện cho đúng.

Trước nhiều ý kiến như vậy, ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhận định nếu các ngành, các địa phương cứ ngồi cân nhắc xem mặt hàng nào thiết yếu, mặt hàng nào không để đưa vô danh mục thì biết tới khi nào mới đủ.

Chưa kể, khi ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu, hàng hóa dễ hư hỏng rồi áp dụng làm sao, các chốt không lẽ cứ phải dò từng món trong mấy chục, mấy trăm món hàng lưu thông ngoài thị trường.

Ông Thành đề nghị, cứ xe chở hàng hóa là được qua chốt (kiểm soát phòng chống dịch). Theo ông Thành, các bộ, ngành đã quy định hết rồi, đi nội tỉnh làm sao, đi liên tỉnh làm sao, cứ như vậy mà áp dụng.

"Tôi đề nghị không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ nên tham khảo thôi. Chốt ở đây là để kiểm soát, ngăn chặn những người cố tình đi lại không cần thiết, còn người ta lưu thông hàng hóa thì ngăn cản làm gì", ông Thành nói.

Cũng liên quan tới việc áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16, ông Thành cho hay hiện tại có nơi phát phiếu đi chợ cho các hộ dân, ghi luôn phải đi chợ này, chợ nọ, thậm chí có nơi tới giờ này chưa phát phiếu.

"Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân.

Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít, trồng ít được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua. Mình chống dịch chặt chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ", ông Thành nói thêm.

Chú thích của Văn Việt: Ông Chủ tịch Kiên Giang nói chuyện Kiên Giang, vậy tại sao lại đưa vào mục này, vốn dành riêng để nói chuyện Sài Gòn? Là vì trong khi Sài Gòn còn áp dụng chặt chẽ quy định dân được mua bán cái gì, không được mua bán cái gì, thì Chủ tịch Kiên Giang khẳng định: “Đi chợ mua đồ ăn, thức uống, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân.” Thiết nghĩ đó cũng là một gợi ý hữu ích cho chính quyền Sài Gòn cân nhắc.

 

 

NHẬT KÝ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN 5

FB Nguyễn Đình Tuấn

Truyện rất ngắn thời Covid:

- Em gái  Chú bộ đội ơi. Chị vào đây từ tối qua. Người nhà chị tận quận 11 gửi cái quạt máy vào cho chị từ lúc 9h sáng mà bây giờ 1h trưa sao vẫn chưa nhận vậy chú?

- Chị gái cùng phòng: Em dùng tạm cái quạt này là của bác gái ở giường bên kia kìa. Mới sáng qua, bác khó thở đã chuyển lên BV hồi sức không kịp mang theo gì cả, mà nghe đâu tối qua bác mất rồi nên chắc cũng không ai dùng nè em.

……

——///——

SG ngày không đếm số?

LIST ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN KHI ĐI CÁCH LY *

Long Nguyễn – Group “Giúp nhau mùa dịch”

Xin chào ad

Chào các bạn, mình là nhân viên y tế hiện đang công tác tại bệnh viện dã chiến ở Tp.HCM. Hiện tại có một vấn đề rất cấp thiết cho các nhân viên y tế và cả bệnh nhân, đó là những nhu yếu phẩm mang theo khi đi công tác, hoặc đi cách ly. Vì mỗi điểm cách ly đều có cơ sở vật chất khác nhau, có thể là bệnh viện đang hoạt động rồi, hoặc như khu của mình là bv dã chiến mới hoàn toàn, kể cả y bác sĩ hoặc người dân đều rất bị động trong việc chuẩn bị đồ, nên theo quan điểm của mình, là trang bị đồ dùng cá nhân càng đầy đủ càng tốt. Cần phải xác định rằng, đã vào bv dã chiến thì vận chuyển đồ đạc hết sức khó khăn, thậm chí người tiếp tế cũng không có, nên việc chuẩn bị đầy đủ đồ dùng là cần thiết hơn bao giờ hết. Với kinh nghiệm của mình, soạn đồ cho bản thân, cho đồng nghiệp (và cả cho gia đình của mình đang phải đi cách ly ở quê ..), mình xin gửi các anh chị đồng nghiệp sắp tham gia bv dã chiến, hoặc những người dân có nguy cơ cao F0, F1 list danh sách cách ly theo mình là thiết yếu để có thể duy trì sức khỏe, tinh thần và an tâm trong công tác chăm sóc/ hoặc nghỉ ngơi. List này dành cho 1 người, soạn gọn được trong một vali 18-24 inch, thời gian 1 tháng, nhận lệnh công tác hoặc nhận lệnh cách ly có thể mang đi ngay. Phần thuốc nếu là F1,F0 có thể tự trang bị, và nhờ y bác sĩ hỗ trợ giúp khi có triệu chứng bệnh.

Ưu tiên cao nhất là thuốc. Các vật dụng như xà bông, sữa tắm có sẵn trong nhà chiết ra chai nước suối nhỏ. Tất cả những vật dụng trên nên tận dụng hàng giá rẻ hoặc đang sử dụng ở nhà. Khi đi chống dịch mình dc bệnh viện hỗ trợ 500k có thể mua đủ số vật dụng này để dùng trong 1 tháng. Tuỳ NHU CẦU CÁ NHÂN mà mỗi người cân nhắc.

Mình tin là list này có ích, bài học được rút ra từ những bệnh nhân đi vào khu cách ly, và cả người nhà của chính mình, đến khi CDC đến thông báo 1-2 h nữa phải đi cách ly thì rất rối. F1,F0 cần tuân thủ 5K, giữ tinh thần thoải mái, ăn uống thuốc men đầy đủ. Đó là phương thuốc tốt nhất cho đến hiện giờ. Chúc mọi người sức khoẻ.

Bs Long Ng – BVCR. Viết từ bv dã chiến 4000 giường với ~ 150 NVYT.

clip_image002

*Tiêu đề do Văn Việt đặt

NHẬT KÝ PHONG THÀNH (SỐ 14): ĐƯỜNG TÌNH HAI LỐI

Tuấn Khanh’s Blog

clip_image004

23/07/2021 ~ TUẤN KHANH

Thấm thoát đã đến ngày cuối của thời gian 2 tuần phong tỏa. Nhưng lạ thay, không có ai ở Sài Gòn mang dáng vẻ lạc quan cả. Những lời than thở vẫn hiện ra ở mọi diễn đàn. Số người nhiễm covid ngày càng nhiều theo thông báo của cơ quan y tế như đang dập tắt mọi hy vọng. Ngày 22-7, Việt Nam đã có đến 74.371 ca nhiễm covid mới, Sài Gòn vẫn đứng đầu cả nước, với 1785 ca. Chỉ có một điều duy nhất an ủi: số bệnh nhân nguy kịch chỉ có 18 ca.

Nếu để ý các diễn biến từ đợt bùng phát lây nhiễm covid lần thứ tư, tính từ ngày 27-4-2021 cho đến nay, người ta dễ dàng nhìn thấy đời sống của Sài Gòn hiện rõ hai dòng chảy về truyền thông, về cách ứng xử giữa con người và nhà cầm quyền, rồi cả về phương pháp chống dịch. Chính quyền với cách làm của mình ở một hướng, còn phía nhân dân thì ở một hướng khác, luôn hiện ra những sự khác biệt, tranh cãi từng ngày, và thậm chí là bất bình không thôi.

Trên báo chí nhà nước, con số tổng kết hơn một tuần phạt những người dân vi phạm chỉ thị 16, đã vượt hơn 35 tỷ đồng. Thật khủng khiếp. Từ khi đại dịch xuất hiện đến nay, cả thế giới, không có một quốc gia nào lại tự đắc để khoe con số tiền phạt người dân tràn lan như vậy.

Không phải khi nào cũng có đại dịch trên địa cầu. Đối mặt với nó, những chính phủ đủ văn minh sẽ tìm được cách để giúp người dân tuân thủ những sự khó khăn đầy mới mẻ trong đời mình, chứ không phải là nhân cơ hội để thu tiền. Ngay cả Trung Quốc, được đánh giá là ứng xử man rợ trong lúc Vũ Hán bùng phát dịch bệnh, cũng không làm như vậy.

Nhân danh chỉ thị 16, một lực lượng cường hào – kiêu binh đã xuất hiện ở nhiều nơi, quát nạt, bắt bớ và kể cả không ngại dùng tay chân với người dân. Bản video mới nhất lan truyền trên mạng cho thấy một dân phòng ở khu Miếu Nổi, quận Bình Thạnh thẳng tay đánh vào mặt một người chạy xe grab, vì nói anh này đậu xe không đúng nơi. Ở Tân Thuận Đông, quận 7, người mang quà từ thiện cho dân trong khu đó, bị thành viên của tổ chống dịch địa phương quát mắng, xô đẩy và đuổi đi, thậm chí xé cả áo bảo hộ của người đi tặng quà, khi thấy nhóm quà đó không có phần nào cho ông ta. Trong sự nghiêm ngặt của lệnh phong tỏa, dường như đang có một cái gì đó hỗn loạn, cứ lớn dần.

Những người buôn bán nhỏ và nghèo khổ ở Sài Gòn, với số vốn ít ỏi đang thâm hụt dần, cố tìm cách kiếm thêm ít đồng trước những tháng mù mịt chưa có lối ra. Hình ảnh 2 ông bà cụ ở quận Bình Tân, đưa xe rau ra hẻm cho dân chọn mua, bị cả chục dân phòng, công an bao vây, xô ngã và tịch thu thật bất nhẫn. Rồi cả chuyện đôi vợ chồng ở quận Bình Thạnh để thùng rau trước cửa nhà bị một lực lượng hùng hậu xông vào bắt, trói dẫn đi. Thậm chí có nhân viên dùng cả hơi gaz để tấn công khiến mọi người nhìn thấy mà ngao ngán.

Giữa lúc các siêu thị, tập đoàn thương buôn được sự cho phép khó hiểu của nhà cầm quyền, tự do độc quyền buôn bán và nâng giá vô tội vạ, thì những hình ảnh đau lòng đó diễn ra, không thể nào thuyết minh nổi tính hợp lý và nhân văn của một chính quyền trong phong tỏa.

Viết trên facebook của mình, nhà văn Châu Đoàn từ Hà Nội bình luận rằng “Chính quyền rất nên cẩn thận khi sử dụng lực lượng dân phòng, toàn dân ít học, hung hăng, khi được trao tí quyền là nghĩ mình bố đời, sẵn sàng đánh dân lành. Thời nào rồi mà vi phạm nhân quyền một cách ngang nhiên như vậy?”

Sài Gòn có một truyền thống tự nhiên phát biểu và tự làm điều thấy phải làm. Từ hai đợt phong tỏa, khi dân chúng lo lắng về số người nhiễm ngày càng nhiều, các bác sĩ, y sĩ, chuyên gia y tế… liên tục viết những lời hướng dẫn người dân phòng bệnh ra sao, làm trực tuyến giải thích nguồn cơn… Nói như vậy, không có nghĩa là phía nhà nước không tổ chức những điều tương tự, nhưng cuộc sống thật, lời thật và thậm chí là khó nghe, là thứ được dân chúng đón nghe, chia sẻ cho nhau và luôn tin tưởng hơn lời của một quan chức cả quyết.

Hôm qua đến nay, nhiều nơi đưa tin về chuyện các bác sĩ, y tá, bệnh viện tại Sài Gòn đang tự phát kêu gọi dân chúng nên mau chóng góp sức yểm trợ máy thở, oxy, trang phục bảo hộ y tế… Không ai bảo ai, nhưng đồng loạt nhiều nơi lên tiếng như kêu cứu về sự thiếu thốn thiết bị, và khẩn thiết dự báo về số lượng bệnh nhân covid bệnh nặng ngày càng nhiều hơn.

Từ đầu đợt cách ly, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, Học viện Quân Y, từng viết thư ngỏ đến ông bí thư Sài Gòn Nguyễn Văn Nên rằng phải gấp rút chuẩn bị “dồn lực vào khối Điều trị để đảm bảo có hàng ngàn giường ICU tiêu chuẩn, có các Trung tâm lọc máu, các Khoa bệnh có thể làm ECMO (ứng dụng tim phổi nhân tạo)…” nhưng có lẽ những điều cảnh báo từ nhiều bác sĩ, chuyên gia… đã không được ai lắng nghe.

Vào lúc nhiều tổ chức thiện nguyện, cá nhân ở Sài Gòn ráo riết cùng nhau góp tiền, để góp sức cho các nơi đang kêu gọi cấp thiết như vậy, thì Sở Y tế ở Thành Hồ bất ngờ ra văn bản thể hiện sự không hài lòng, buộc các cơ quan y tế đang tự phát đi lời kêu gọi hỗ trợ phải chấm dứt ngay. Văn bản này, được ký tên bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, nói nơi nào muốn kêu gọi giúp đỡ thì phải được sự đồng ý của Sở.

clip_image006

Dĩ nhiên, cơ quan nhà nước có lý của mình. Nhưng nhân dân thì cũng có cái nhìn thực tế của mình. “Mấy người bên Sở Y tế sợ mất mặt, vì lo rằng mang tiếng chuẩn bị chống dịch không chu đáo”, một facebooker bình luận. Nhưng cũng có người nói là nhà nước từng nói “chung tay chống dịch”, không hiểu sao vụ này Sở Y tế lại tự ái không chịu chung tay. Bên trang facebook của đạo diễn Việt Tú, một đạo diễn tên tuổi của truyền hình VTV, đã bất bình yêu cầu Sở Y tế Thành Hồ rút lại văn bản này, cùng với một câu hỏi với Sở Y tế rằng, có hay không các thiết bị y tế chống dịch hiện đang thiếu thốn, khiến các nơi phải kêu gọi trong dân chúng như vậy? 

Mới ngày hôm qua, chuyện chích vaccine cũng là đề tài dậy sóng khắp nơi. Cô hoa khôi Vũ Phương Anh lên facebook khoe mình đi chích vaccine của tư bản, không cần ghi danh, nộp đơn, hay chờ đợi gì cả, bởi “ông ngoại” cô – bí danh của một nhân vật quyền lực bí ẩn nào đó tại Hà Nội sắp xếp – là tức thì cô được vào danh sách chích cùng với các quan chức cấp cao.

Chuyện của cái “ông ngoại” ấy, và đặc quyền về vaccine làm bật máu sự chịu đựng của dân chúng nói chung, kể từ thời chắt bóp góp tiền quỹ vaccine của chính phủ, rồi cuối cùng nghe số tiền đó được đưa đi gửi ngân hàng. Giờ đây, nguồn vaccine về Việt Nam chỉ trông chờ vào sự thương xót của các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc… và chương trình tài trợ cho các nước nghèo của Liên Hợp Quốc, có tên Covax. Nhưng trong sự khan hiếm, cam chịu và khó lòng được có tên để chích sớm, sự tùy tiện đầy quyền lực của một giai cấp khác trong xã hội Việt Nam, khiến ai nấy nghe, mà như nghẹt thở.

Chuyện giờ cuối là gì? Khi dư luận xã hội bùng lên dữ dội, nhiều bài báo được đưa ra để thanh minh cho chính quyền, nhiều lời đề nghị phải xứ lý nghiêm minh được phát trên truyền hình để xoa dịu dân chúng. Cuối cùng, tin cho biết là nhân viên y tế chích cho cô hoa khôi đó, bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác. Còn người tác động được cho những mũi tiêm – ông ngoại – mãi mãi là một bí ẩn Việt Nam, giữa hai dòng dư luận của nhà nước và nhân dân.

Đã nói mà, Nhà nước và nhân dân, luôn là đường tình hai lối.

Kính thưa quý anh chị em,

Vậy là Nhật ký phong thành đã đi qua hai tuần của phong tỏa, ghi lại, chia sẻ và cùng với mọi người sống trong tâm trạng của những người dân Sài Gòn ở các câu chuyện.

Sẽ không bao giờ chấm dứt những chuyện trái khuấy, những nỗi đau và mơ ước đổi thay, như tựa bài cuối của loạt Nhật ký phong thành – một khi suy nghĩ và hành động của chính quyền không cùng đường với người dân trong khốn khó. Nhật ký phong thành xin tạm dừng ở đây. Hẹn gặp lại các anh chị em trong các bài viết khác nối tiếp.

VIẾT CHO EM, SẢN PHỤ 28 TUỔI TỬ VONG VÌ COVID

FB Nguyễn Văn Tịch

Mới 28 tuổi với 3 con trai và mang thai con gái, niềm vui ngập tràn cả nhà, cả họ hàng. Vợ chồng quyết chí yêu thương đến cùng và cầu khẩn cùng Thiên Chúa. Người to khoẻ, tốt lành, quảng đại và mau mắn. Tôi cũng chung lời tạ ơn cầu nguyện cho gia đình khi em đến chia sẻ niềm vui : đây là ước mong người mẹ có được đứa con gái có thể hiểu và chăm sóc cha mẹ.

Những ngày cao điểm covid, giáo xứ kêu gọi lòng hảo tâm với các gia đình, gia đình em cũng đóng góp 5 tấn rau củ từ Đà Lạt về, em là đứa con gái đẹp người đẹp nết của họ Nam Am, giáo xứ Bắc Hải. Mọi việc tốt lành, thuận lợi, nhưng đâu ngờ con covid chết chóc kia đang âm thầm gặm nhấm lá phổi mà em không hay biết. Không dám uống những thuốc sợ ảnh hưởng đến con, đến khi có kết quả dương tính covid thì đã quá trễ, nguy ngập. Chồng con và gia đình phải đi cách ly, một mình giữa bao sóng gió cuộc đời, em đã có một quyết định tuyệt vời : con phải sống!

Không còn thời gian, hơi đã muốn hụt, em quyết định cho con được sống cho dù mình có phải trả giá. Ca mổ lấy con lập tức được thực hiện, thành công, đứa con gái bé bỏng chưa đủ ngày đỏ hỏn chào đời với tiếng khóc vui mừng, đứa bé mạnh khoẻ đến lạ. Nghe tiếng khóc của con gái, thật vui sướng cũng là lúc hơi đã hụt. Ngàn cân treo sợi tóc, em đã ra đi, vĩnh biệt chồng, 3 đứa con trai và đứa con gái đỏ hỏn mới chào đời chưa biết mẹ là ai!

Tôi thực sự choáng với hung tin này và trong lòng cuộn lên nỗi đau thương, tôi tự hỏi: Chúa ơi chuyện gì đang xảy đến cho họ vậy, sao việc này có thể lại xảy ra, tại sao, tại sao? Tôi không có câu trả lời, chỉ biết ngước mắt lên trời nhìn các vì sao và hỏi tại sao?

Nhìn lại nhà Tạm Lánh Mai Tiến với hơn 1000 thai phụ đã từng đến đây tạm lánh và sanh bình an, mạnh khoẻ dù họ chẳng có ai bên cạnh, dù họ thiếu thốn nhiều mặt. Còn em nhiều điều kiện và đây là đứa con cầu con khẩn thì Chúa lại để sự dữ quá lớn đến với em và gia đinh em. Vừa tạ ơn Chúa trong Nhà Tạm Lánh có 2 em vừa mới sinh, một em sinh mổ và một em sinh thường, tất cả đều mạnh khoẻ và bình an. Vừa cầu khẩn cùng Chúa cho linh hồn Maria và xin Người an ủi, gìn giữ gia đình này.

Không biết những ngày tới, khi cách ly trở về, người bố trẻ với 3 đứa con trai và một đứa con gái đỏ hỏn mới sinh sẽ đối diện làm sao, sẽ sống thế nào đây khi người thân nhất của họ đã ra đi mãi mãi. Thánh lễ hôm nay tôi cầu nguyện đặc biệt cho gia đình này như trước đây tôi đã cầu nguyện cho họ. Xin Chúa cho họ vững tin và ban những ơn cần thiết cho họ. Chỉ Chúa có câu trả lời, chỉ Chúa biết và chỉ có Người thương họ hơn chúng ta thương. Kiên trì ngước mặt lên Người cầu xin : Xin Chúa thương xót chúng con! Lạy Chúa xin cho linh hồn Maria được nghỉ yên muôn đời và an ủi gia đình nhỏ bé này. Tôi lại âm thầm làm những tràng chuỗi Mân Côi Áo Đức Mẹ, xin Mẹ làm Mẹ gia đình em.

Lm Giuse Nguyễn Văn Tịch

Ghi chú của Văn Việt: Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch làm Trưởng ban Bảo vệ sự sống thuộc giáo phận Xuân Lộc. Ông đã thành lập Nghĩa trang thai nhi và Nhà tạm lánh Mai Tiến (Đồng Nai) – nơi cưu mang những thai phụ cơ nhỡ không nơi nương tựa.

HÔM NAY, TÔI LÀ MỘT ĐỨA CON HƯ...

FB Tạ Danh Tín Phong

Con xin lỗi bố, xin lỗi mẹ vì đã giấu gia đình. Những ngày qua con đã quyết định đi tình nguyện, bỏ lại sau lưng những lo lắng, can ngăn của bạn bè và còn ai đau đáu trong lòng nhiều hơn là bố và mẹ.

Nhưng bố mẹ ơi, nếu con thực sự hạnh phúc với lựa chọn của mình thì chắc bố mẹ cũng sẽ vui cho con chứ đúng không ạ? Nếu đợt dịch này qua đi, con sẽ tự hào là mình cũng đã đóng góp một ít công sức dù là nhỏ nhoi thôi để cùng chống lại cuộc chiến này. Con may mắn được sinh ra trong thời bình là nhờ bố mẹ, nhưng bố mẹ ơi, nếu không được may mắn như vậy, con vẫn sẽ xung phong cầm súng để ra chiến trường. Và nếu sau này có suy nghĩ lại, con cũng sẽ không bao giờ hối hận vì ngày đó đã có quyết định như thế này.

Ngày trước dịch bùng, xem những tấm hình về các y bác sĩ, những người quân nhân trên mạng nằm la liệt, tranh thủ từng hớp nước, miếng ăn mà trong lòng con nghẹn lại, mắt cứ nhòe đi, chỉ mong sao cho tất cả mọi người đều ý thức để cùng nhau vượt qua khó khăn. Rồi bình yên cũng đến nhưng chưa được bao lâu, nay khó khăn quay trở lại, tình cờ sao con lại ở trong chính tâm dịch, bố mẹ ở nhà chỉ mong: "Biết vậy để thằng Phong về nhà sớm cho rồi!". Vốn là 1 đứa hay đau ốm, lại xa nhà từ nhỏ, nên bố mẹ rất lo cho tôi, vì nếu bị sao cũng sẽ không tự tay chăm sóc được. Hầu hết tất cả các hoạt động, đa số bố mẹ đều có xu hướng ngăn cản, đá bóng thì sợ gãy chân gãy tay, lái xe thì sợ té sợ tai nạn, đi chơi thì sợ tệ nạn sợ hư... "Tao mà có 3 thằng con trai là gì tao cũng cho làm hết, nhưng giờ có 1 à, nên cứ ở nhà cho lành." Nên việc đi tình nguyện này, đặc biệt là nguy cơ dính dịch trong khi nó đang có xu hướng biến thể cực kỳ nguy hiểm, chắc chắn là sẽ bị phản đối kịch liệt rồi. Bố tôi nghe thấy tôi đang nói với mẹ qua điện thoại cũng la cả hai mẹ con vì lo. Lần trước đi mùa hè xanh (trùng hợp sao khi mà cùng giai đoạn này 3 năm trước), bố coi tấm ảnh thấy tôi đẩy xe rùa mà đã la mẹ, để tôi đi này đi kia cực, nhỏ giờ có phải đụng tay đụng chân cái gì đâu. Nhưng bố mẹ ơi, nay con gần 22 tuổi vẫn chưa lo được gì cho bố mẹ, mà cứ để bố mẹ cứ lo lắng vì con hoài. Dù có hơi dễ ốm đau nhưng con cũng béo tốt, cũng sức dài vai rộng mà, ở nhà cũng là cách tốt để đóng góp cho xã hội, nhưng giờ con cảm thấy là thành phố đang cần chúng con, đất nước đang cần mỗi người 1 chút công sức, để cuộc chiến này có thể đi đến thành công một cách nhanh nhất. Những ngày qua, đi qua những con phố, những cánh đường, gặp cảnh sát, cảnh sát chào, gặp người dân, người thì hú hét cảm ơn, người thì reo lên chúc sức khỏe, ngay cả khi gặp những đứa nhỏ, chúng nó cũng ngoái đầu lại nhìn cho đến khi đi khuất mới thôi. Rồi sau ngày đầu tiên, trên thời sự báo là Thành phố ghi nhận điều tích cực, con thực sự tự hào là mình đã và đang làm 1 điều gì đó cho đất nước, cho những người dân đáng yêu này. Con kỹ tính nên mặc đồ rồi bịt kín lắm, rồi cứ 1 lúc là lại sát khuẩn toàn thân 1 lần, nên nguy cơ nhiễm bệnh sẽ không cao đâu, mong bố mẹ đừng lo quá nhiều, nha bố mẹ nha.

Và hôm nay, mong bố mẹ cho phép con được làm đứa con hư của bố mẹ, để thành người con ngoan của đất nước.

clip_image008

NGÀY THỨ 15

FB Hậu Kc Nguyễn

#vunvatdoithuong

@ Lại một ngày siêu thị xếp hàng đông như kiến, người nào cũng đẩy một xe hàng đầy ắp, rồi tay xách nách mang. Tiếp tục dự trữ thức ăn cho những ngày cách ly “theo CT 16 một cách chặt chẽ hơn”. Sáng sớm đi ra siêu thị đã thấy nhà hàng xóm cả vợ cả chồng ra xếp hàng sớm hơn, mua xong gọi con trai phi xe máy ra chất hàng lên xe chở về nhà 4 chuyến mới hết những gì họ mua!

Gần 2 tiếng mới mua được 2 bó rau muống (nhỏ bằng ½ mọi lần), một mớ dền cơm không còn tươi. Miếng thịt giò rút và chục gói mì, mấy thứ linh tinh... Từ tối qua đã thấy nhiều người mua đến 4,5 thùng mì. Khu vực đồ nguội, đồ hộp lèo tèo vài món, mọi khi mấy dãy đồ đông lạnh lúc nào cũng đầy ắp, nay vợi hẳn, tôm mực không còn gói nào.

Nay 14 âm lịch, siêu thị vẫn có hoa tươi của Dalat farm, giá không đắt hơn trước. Trái cây thì cả mười ngày nay vắng hẳn chuối sứ, thanh long hay xoài, bưởi. Dưa hấu có trái nào hết trái ấy. Chỉ có táo, lê, nho nhưng cũng không phải hàng mới. Nhớ hôm trước mùng một đầu tháng, ông xã đi bệnh viện khám định kỳ, mua về một túi táo, kêu là “táo mèo”. Mèo cáo gì không biết nhưng thắp hương đến nay là nửa tháng rồi mà vẫn tươi nguyên!

Con gái nói “à nó là táo Miêu”. - Thì miêu hay mèo cũng thế. – Nhưng Miêu là ở TQ còn mèo là ở VN, hehe. Hoàng a mã biết bị công chúa nói lỡm, đành cười trừ! Con gái nghiêm giọng: ông già không mua linh tinh ngoài đường nha, toàn đồ bơm thuốc đấy! ăn vào có chuyện gì bây giờ là không có bệnh viện mà vào cấp cứu đâu!

@ Sáng nay SG lại hơn 3000 người nhiễm covid, chưa biết bao giờ mới lên đến đỉnh dịch. Việc xét nghiệm đại trà đã dừng vì không có hiệu quả, chuẩn bị chích vắc xin trên diện rộng. Tuy nhiên thứ tự ưu tiên vẫn không thay đổi, trong khi những người bán hàng, vận chuyển và shipper cần được chích trước để đảm bảo lưu thông hàng hóa, hạn chế tình trạng thiếu đói.

Nhà hàng xóm xây nhà mới, ngôi nhà nhỏ thôi nhưng đã phải ngừng thi công. Tuần trước còn có một số công nhân đến làm nhưng tuần này thì phải cho nghỉ hẳn vì không thể lo ăn ở tại chỗ cho họ. Bác chủ nhà nói: sốt ruột vì phải kéo dài thi công trong mùa mưa 1 phần, lo cho mấy ông công nhân 4,5 phần. Hoàn cảnh của họ khó khăn lắm. Công ty của họ ngừng việc làm họ còn bấu víu làm ở đây. Nay cho họ nghỉ làm không biết gia đình họ sẽ ra sao?

@ Phật giáo và Công giáo đã có các nữ tu tham gia vào lực lượng cứu chữa cho bệnh nhân tại các bệnh viện ở TPHCM. Thật sự rất biết ơn và cảm động! Từ trái tim ấm áp, tấm lòng vị tha và kỹ năng cần thiết, những nữ tu có thể xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần cho người bệnh, mang lại bầu không khí dịu dàng hơn trong những nơi đang căng thẳng đối phó với dịch bệnh.

Nhân đây mình thấy là nên cho em nữ sinh trường Y HD về quê để tang cha, NẾU EM ĐÃ ĐƯỢC CHÍCH NGỪA VÀ XÉT NGHIỆM AN TOÀN – mình nhấn mạnh! Các trường hợp nhân viên y tế có cha, mẹ, người thân mất khi đang làm nhiệm vụ cũng vậy. Tất nhiên, muốn vậy thì tất cả những ai trực tiếp làm nhiệm vụ phải được ưu tiên thực hiện chích ngừa trước và xét nghiệm thường xuyên. Đừng để vì một nhiệm vụ lâu dài và vẫn có thể có người thay thế, cũng đừng vì “biểu tượng” mang tính “quyết tâm chính trị” mà họ không thể về chia tay vĩnh viễn với người thân. Sau này đó sẽ là nỗi day dứt rất lâu, khó có thể xóa nhòa.

@ Hôm trước vừa hoan nghênh HN xử lý việc được chích ngừa “nhờ ông ngoại”, thì sau đó lại có thêm những trường hợp khác, từ anh cựu quan chức đến cô ca sĩ, cô người mẫu... Rồi bệnh viện kỷ luật chuyển công tác nhân viên chích ngừa nhưng người nào đưa danh sách có thêm 2 người vào số thuốc “dư 2 mũi” thì không thấy bị làm sao. “Lỗi của thằng đánh máy” giờ thành bệnh truyền nhiễm lây cho những nhân viện cấp thấp, trờ thành bung xung để đổ/nhận lỗi thay người khác. “Nhưng không trúng thằng cha bán phở mà trúng người em gái bưng tô” – như lời hát trên bàn nhậu!

Chỉ lạ một điều, hay ho gì cái chuyện nhờ vả chạy chọt để được chích trước, chích thuốc “xịn” mà còn khoe ra như mới sắm được hàng hiệu. Toàn những người trông sáng sủa mà không thấy rằng, thật tội nghiệp cho món hàng hiệu nào đeo lên người quý vị, vì người và đồ vật không ăn nhập gì với nhau!

@ Đôi lúc nghĩ, cứ viết về những chuyện không hay thì thật cũng chẳng... hay ho gì! Nhưng mình cũng như mọi người, hiểu rằng trong khó khăn sai sót là khó tránh, nhưng luôn mong được viết về những gì tốt hơn ngày hôm qua, nhất là về những người quanh mình chứ không chỉ về chuyện của chính quyền. Nhưng tham gia vào vài nhóm thiện nguyện, đóng góp bằng cách của mình, mình thấy sức dân đã đuối rồi! Không ai là chuyên nghiêp trong việc từ thiện – chỉ có nhà nước có khả năng “an sinh” chuyên nghiệp nhất là trong trường hợp khẩn cấp! Chỉ cần nhà nước kích hoạt chức năng này đúng lúc, đúng nơi và kịp thời một cách có trách nhiệm, các tổ chức thiện nguyện của xã hội cùng chung tay, như vậy mới có thể đi đường dài và có hiệu quả.

P/S. Vừa nghe VTV thông báo thanh tra việc khiếu nại “trong/ngoài ranh đất quy hoạch ở Thủ Thiêm”. Kết quả là... à mà thôi, không nói cũng đã biết!

BĂN KHOĂN CHUYỆN CỨU TRỢ SÀI GÒN *

FB Vu Thi Phuong Anh

Mấy ngày nay những xe hàng từ các nơi, đặc biệt từ miền Trung - Nghệ An, Hà Tĩnh - cứ lũ lượt chở lương thực thực phẩm vào Sài Gòn để cứu trợ dân Sài Gòn đang bị phong tỏa vì Covid. Dân nghèo thành thị, sinh viên nghèo từ các tỉnh đang trọ học tại SG, người già, neo đơn... được cung cấp lương thực thực phẩm miễn phí bởi các tình nguyện viên trẻ SG, rất khẩn trương và rất nhiệt tình. Thương lắm.

Một nghĩa cử của đồng bào cả nước đối với dân SG, đúng tinh thần "máu chảy ruột mềm", một nét văn hóa thật đáng quý của người Việt.

Viết như thế, lẽ ra niềm vui của tôi phải trọn vẹn hơn. Nhưng tôi vẫn còn ít nhiều băn khoăn khi nghe ông xã nói: Có lãng phí không nhỉ? Vận chuyển từ các tỉnh xa tốn kém quá, mà lương thực thực phẩm quanh SG đâu có thiếu? Chứ miền Trung vận chuyển lương thực vào SG, trong khi mùa bão lụt đến nơi rồi, khéo ít nữa lại thiếu lương thực, coi chừng lại phải chở từ SG ra không biết chừng.

Thật ra, chỉ cần tính toán sao để việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh quanh SG hợp lý hơn (tất nhiên phải kiểm soát để bảo đảm sự an toàn), thì dân SG vừa đỡ hoang mang, mà nông dân các tỉnh lân cận cũng đỡ khổ vì sản xuất hàng hóa vẫn bình thường, cuộc sống không bị xáo trộn, không ai bị đói, hàng nông sản vừa thiếu thốn ở nơi này và bị đổ bỏ ở nơi khác....

Ừ quả có thế. Biết làm sao, người Việt có đặc tính "duy tình", thấy thương cảm thì hành động ngay lập tức mà không tính toán thiệt hơn. Nhưng giá mà người mình, mà đặc biệt là các vị hữu trách, có thể chút lý tính như phương Tây, làm gì cũng có kế hoạch, có tính toán để chọn phương án tối ưu, thì ... làm gì có chuyện người Việt cứ phải bỏ phiếu bằng chân (bằng tàu thuyền thời thập niên 80, hay bằng phi cơ như vài thập niên gần đây) như người ta thường nói, nhỉ?

Khi tôi viết bài này thì SG đang mưa xối xả. Lại nhớ miền Trung mỗi mùa bão lũ, người chết vì lũ cuốn trôi, nhà cửa hoa màu bị tàn phá, dân nghèo nheo nhóc trắng tay, cảnh thương tâm thật không kể xiết....

Haizzz.... Mọi sự sẽ thay đổi, nếu ta bắt đầu bằng giáo dục. Mà trước hết là giáo dục con người.

CHUYẾN RAU VUI VẺ *

FB Nhật Ký Chống Dịch

"Chuyến Rau Vui Vẻ" là một chương trình thiện nguyện với mong muốn hỗ trợ những người khó khăn ở khu vực Sài Gòn - Đồng Nai - Bình Dương trong thời điểm dịch này với những phần rau củ rất ý nghĩa.

Nếu bạn, nơi bạn đang ở, hoặc người các bạn biết đang cần hỗ trợ rau củ thì cùng chia sẻ nhé.

Cách để đăng ký Ad sẽ để ngay ở dưới comment nhé. Rất đơn giản luôn.

Cùng nhau vượt qua khó khăn này mọi người ơi !!!

Đây là form đăng ký ạ

https://docs.google.com/.../1FAIpQLSfNLHLLHOMFIQ.../viewform

Hoặc mọi người có thể liên hệ qua fanpage Chuyến Rau Vui Vẻ nha.

clip_image010

TRANH Thăng Fly Comics

clip_image012

TRANH Nhật Ký Chống Dịch

clip_image014

TRANH Thăng Fly Comics

"Sống chết có số mà chị, em học y dược ra là để cứu người thì sao em không đi được”

clip_image016

TRANH Trần Trung Lĩnh

clip_image018