Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (15)

NHẬT KÝ PHONG THÀNH (SỐ 12): CƯỜI ƠI, CHÀO MI!

Tuấn Khanh’s Blog

clip_image002

21/07/2021 ~ TUẤN KHANH

Lại một ngày nữa trôi qua. Thời gian trở nên quá nhanh, và quá chậm trong thời phong tỏa. Nhanh là bởi thời gian trôi vùn vụt, mới đây đã quá nửa năm 2021, người dân chỉ còn biết đóng cửa, và khoanh tay nhìn cột mốc đời mình trôi qua thêm trong bế tắc. Chậm quá, bởi thế giới đang bước vào giai đoạn hồi phục và nhìn về phía dịch covid-19 như một thứ không còn quá sức đáng sợ như trước đây. Nhưng ở Việt Nam, thì chỉ mới có hơn 300.000 dân được chích 2 mũi. Chính quyền vẫn đang loay hoay bàn cách đóng chợ, mở chợ, rượt đuổi các ca mới nhiễm… Ai cũng nhìn thấy việc chậm mua, chậm nhập vacccine, chậm chích đến sốt cả ruột, so với  ngay cả Campuchia. Báo chí trong nước cho biết đến tháng 7-2021, chính quyền Hunsen đã chích ngừa xong cho 98% dân của mình (dân số lúc này của Campuchia là 17 triệu người).

Từng ngày mệt mỏi trôi qua. Mọi giao tiếp ở Sài Gòn, hay ở Việt Nam, lúc này chủ yếu thông qua mạng xã hội thôi. Thỉnh thoảng nghĩ về ngày xưa, những lúc dịch bệnh, đói kém… không có internet, chẳng biết người ta đã sống và làm gì, như ở trong một cái nồi đóng nắp vậy. Thời nay, may mà còn có internet. Người ta không những có thể thông tin cho nhau, mà còn có thể kiểm chứng được mọi thứ – ngoại trừ những người chỉ thích và nghe tin giả tô hồng, như kiểu quen xài các loại ma túy tinh thần.

Stress hay trầm cảm trong giai đoạn đại dịch mệt mỏi này, là điều có thật. Đám đông có thể dễ dàng hút theo các câu chuyện gây bất bình – chửi rủa không tiếc lời, rồi lại chạy theo các sự kiện nào đó làm cảm động, cùng nhau khóc và ngợi ca tưng bừng. Nếu nhìn vào các chủ đề có nhiều người chia sẻ và theo dõi mỗi ngày trên mạng xã hội, có thể thấy sự căng thẳng và thất thường của con người Việt Nam hiện rõ.

Một người bạn kể rằng khi vào facebook, đọc được một status về chuyện khác biệt Bắc Nam, đã nổi giận và phản ứng gay gắt tức thì. Người viết kia cũng trả treo trở lại. Điều đáng nói là cả hai người đều quen nhau lâu rồi. Mất một ngày sau, cả hai đều giật mình như thoát ma ám, nhắn và xin lỗi nhau. “Xin lỗi chị, em chợt nhận ra mình stress quá”, một người gửi tin đi như vậy.

Một cô bạn khác, vô tình lọt vào một group của những người khá giả và tin tuyệt đối vào mọi chính sách của nhà nước. Trải qua vài lời tranh cãi về số phận người nghèo trong phong tỏa, cô bật khóc hu hu và nói rằng không nghĩ giữa một cuộc sống hiện thực phơi bày như vầy, lại có những người vô cảm và chấp nhận hy sinh người khác để mình được tồn tại. Câu chuyện đó, khiến cô bạn bị trầm cảm nặng dài ngày.

Các tổ chức y khoa thế giới vẫn liên tục cho ra các nghiên cứu về trầm cảm trong và sau đại dịch. Theo thăm dò của APA (American Psychological Association – Hiệp Hội Tâm lý Hoa Kỳ), nhiều người cho biết họ đã tăng hoặc giảm cân không mong muốn, uống nhiều rượu hơn để đối phó với căng thẳng và mất ngủ thường xuyên. Người trưởng thành có thể căng thẳng, đau buồn và chấn thương tâm lý dễ dàng, thậm chí phản ứng dữ dội bất ngờ. Các hội chứng này, có lúc được tìm thấy ở hơn 60% người được hỏi.

Nếu nhìn theo cách này, có thể hiểu được vì sao nhiều người bị chận ở chốt kiểm soát, đã chửi bới hay chống cự bất thường lại các lực lượng kiểm tra. Mệt mỏi, thiếu hy vọng vào tương lai, bất mãn với các chính sách ràng buộc chưa thể thích nghi, được tìm thấy không ít trong các video mà dân chúng quay, tự đưa lên internet trong thời phong tỏa. Ngay cả tiếng gào thét, cự cãi của dân chúng, cũng làm người coi bị trầm cảm nặng hơn về các hoàn cảnh, cũng như các kết cục của nó.

“Thương dân mình quá, làm sao để có thể giúp đỡ được vậy anh?”, một chị lớn từ Pháp nhắn về. Chị coi các video trên facebook, youtube và nói hãi hùng, muốn kêu lên mà không được. Rõ ràng, càng thương xót thì càng stress nặng. Có đoạn audio được chia sẻ nhiều nơi, của một cô gái gọi ra từ trại cách ly, van nài nhân viên y tế giúp người nhà của cô bị nhiễm covid và trở nặng, nhưng chính người nhân viên cũng nói như muốn khóc rằng anh ta bất lực, vì chung quanh còn đến 8 người như vậy, nhưng không bệnh viện nào chịu nhận. “Chị ơi, thông cảm cho em đi chị”, anh nhân viên y tế nghẹn ngào năn nỉ. Ai nghe cũng phải lặng người. Ngày mai, có thể là chính mình thì sao?

Bất chấp các hệ thống tuyên truyền vẫn nói chắc nịch về chuyện đại chiến covid, nhưng hiện thực thì khác: Các bệnh viện ở Thành Hồ đã quá tải. Đến Chủ tịch quận 7 còn phải nhắn tin riêng, kêu cứu với Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong rằng có người quen bị F0, hấp hối, mà không nơi nào chịu nhận. Ông Phong phải điện cho Giám đốc Sở Y tế thì mới có được một bệnh viện nhận. Nghe không stress sao được – vì đâu phải ai cũng quen được đến chủ tịch thành phố. Đặc biệt stress hơn như nghe Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh hướng dẫn là dân “phải biết bịt kín, không cho covid chui qua” (*), hoặc tới ông Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, thì “covid lây nhiễm nhanh do chúng ta chống dịch đi đúng hướng” (**). Giữa cái sống và chết, đày đọa và vô vọng, nghe những kiểu tuyên bố của lãnh đạo như vậy, không stress, thì ắt dân Sài Gòn đã được trui rèn qua luyện ngục.

Đã nói là không có internet, không biết dân Việt sống sao. Thời phong tỏa, người dân chỉ nhìn qua mạng, thấy chuyện gì bất công, chuyện gì khốn nạn… thì cùng hô lên. Áp lực dân chúng cũng khiến một số ít chuyện phải thay đổi.

clip_image004

Tìm thấy trên mạng facebook, khi dân ở hẻm 7, đường Hưng Hoá, phường 6, quận Tân Bình đưa lên video cho thấy một gia đình phải chịu cách ly do có người nhiễm covid. Chính quyền ở đây thiếu người canh giữ, nên đã cho hàn kín lối ra vào của gia đình này, trong một con hẻm chật hẹp. Ai nấy coi mà hết hồn, nếu chẳng may hỏa hoạn, hay sập tường… cả gia đình này chắc chết hết. Ngày thứ Hai họ hàn chặn, thứ Ba đã phải tháo bỏ vì dân chúng trên facebook kêu la quá. Một trường hợp khác ở hẻm 391, Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Để cách ly toàn bộ dân cư trong hẻm, chính quyền địa phương đổ chồng các dây kẽm gai bịt kín lối ra. Đến khi mọi người phản ứng nhiều quá thì chính quyền mới cho thay bằng barie. Ai cũng kinh hoảng vì lối suy nghĩ phong tỏa tùy tiện như vậy. Chưa nói chết vì tai ương, cũng không ai có thể tiếp tế thực phẩm cho người dân ở đó suốt trong 14 hay 21 ngày.

Hồi năm 2020, nhiều video đăng tải các gia đình ở Vũ Hán, Trung Quốc, bị đóng đinh bít cửa, bị chận bắt dã man… đến nay, có vẻ như nhiều thứ đang tái hiện ở Việt Nam, với những phiên bản khác. Thật dễ stress, khi thuốc men, vaccine… thì chính quyền trung ương biết chọn, và chỉ chọn của phương Tây, nhưng cách hành xử thì làm giống như là đã học thuộc bài từ Trung Quốc.

clip_image006

Tôi mất cả ngày sau mới hồi đáp được với chị lớn ở Pháp, khi nghe hỏi thăm về Việt Nam. Thật ra cũng không phải biết phải trả lời như thế nào cho đúng. Không chỉ ở xa, mà ở ngay trong nước, ngay trong tâm điểm của phong tỏa và dịch. Mỗi ngày khi chứng kiến quá nhiều điều cần phải nói, phải viết, phải ghi lại… cũng đủ khiến mình không còn cuộc sống bình thường nữa. Chúng ta bất lực. Tình thương của chúng ta cũng bất lực, khi nhìn thấy quá nhiều thứ  cần phải thay đổi, nhưng lại vượt quá tầm tay.

Đôi khi stress quá, người ta phải chuyển qua hài hước và cười để tự cứu mình. Chẳng hạn khi đọc bản tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, Hà Nội, không có gì là nguy cấp, được tận dụng 5, 1 triệu liều vaccine được viện trợ để chích cho quan chức và người được tuyển chọn trong hệ thống trước. Còn Sài Gòn, là tâm dịch, và là nơi phải nhất định “bảo đảm sản xuất và chống dịch thành công”, thì được phát 1, 1 triệu liều, để chích cho đợt bùng phát lây nhiễm này. Vậy đó. Nghe thôi, cố đừng stress, vì chẳng ai trong chúng ta có thể làm gì được đâu, mà chỉ nên cười sằng sặc.

Chú thích của Văn Việt:

(*) Nguyên văn của Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng (chứ không phải Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh): “Bịt chặt kẽ hở không cho Covid-19 xuyên qua”.

clip_image008Nguồn: https://vnexpress.net/bi-thu-ha-noi-bit-chat-ke-ho-khong-cho-covid-19-xuyen-qua-4326091.html

(**) Nguyên văn của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: “Số ca mắc COVID-19 tăng lên trong thời gian qua tại TPHCM cho thấy giải pháp khoanh vùng, xử lý dịch đang triển khai hiệu quả, đi đúng hướng.”

clip_image010

Nguồn: https://tienphong.vn/thu-truong-nguyen-truong-son-ca-covid-19-tang-cho-thay-cong-tac-khoanh-vung-hieu-qua-post1355575.tpo

MỖI SỚM MAI GIÃN CÁCH Ở SÀI GÒN

Trần Nhã Thuỵ, VNExpress 18/7/2011

Tôi dậy rất sớm vì thấy không thể ngủ vùi những ngày này. Tôi dậy sớm bởi biết nhiều người không có một giấc yên vì Covid-19.

Nghĩ cũng lạ, lúc này tôi có thể ngủ nướng thả ga, ngủ bù cho những ngày tháng dài thức khuya làm việc và dậy sớm đưa con đến trường. Nhưng giờ đây, khi Sài Gòn và cả nước đang căng mình chống Covid-19, chỉ quanh quẩn ở nhà, tôi thấy "ước mơ ngủ bù" chợt trở nên xa xỉ. Mà, thực tế thì nhu cầu đó đã tự nhiên tan biến mất.

Mỗi ngày, tôi dậy sớm, làm vài động tác thể dục rồi xuống bếp tự pha một ly cà phê đen nóng. Đứng trong gian bếp mờ tối, tôi cảm nhận một không khí mà 30 năm sống ở Sài Gòn mới thấy. Ngoài kia, cửa vẫn đóng, hẻm phố vắng lặng không một tiếng người. Ngay cả những công trình xây dựng cách đây một tuần còn khua khoắng đục đẽo, hàn cưa, giờ cũng đều im vắng.

clip_image012

Tranh của họa sĩ Trần Trung Lĩnh về cuộc sống người lao động ở Sài Gòn thời giãn cách xã hội.

Tôi biết, trong khi mình thức dậy, đang uống cà phê, có biết bao nhân viên y tế rời nhà đến bệnh viện, rồi từ đó, tùy tình hình dịch bệnh hàng ngày, họ sẽ được điều chuyển lên những chiếc xe để đến các khu cách ly. Trên xe, họ tiếp tục chợp mắt, tranh thủ ngủ, dự trữ năng lượng cho một ngày dài vất vả đến hụt hơi. Những nhân viên y tế này thường rời nhà lúc 5 giờ sáng, 22 giờ mới về tới nhà.

Đó là chưa nói tới những người phải bám trụ tại các khu cách ly hàng tuần, hàng tháng trời, không biết một giấc ngủ sâu, một bữa cơm gia đình, một ly cà phê đúng nghĩa là như thế nào.

Tôi dậy sớm bởi biết có những chuyến xe chạy xuyên đêm đưa những chuyến hàng cứu trợ hàng hóa từ các vùng quê về Sài Gòn. Rồi tại các địa điểm tiếp nhận ở Sài Gòn, cũng có biết bao nhiêu con người phải dậy sớm để đi nhận hàng rồi lao vào một ngày thiện nguyện miệt mài. Thậm chí có những anh chị thức trắng đêm không ngủ.

Và, giờ đây, khi các tỉnh miền Trung có kế hoạch đưa bà con lao động nghèo từ Sài Gòn về quê thì có biết bao con người thao thức.

Sài Gòn mất ngủ, cả nước thao thức không yên.

Dịch bệnh hay thiên tai là lúc xã hội và con người bộc lộ rõ nhất tình cảnh của mình.

Trong cuộc chiến chống chọi với dịch Covid này, tình cảnh của người nghèo là đáng thương và cần sự quan tâm chia sẻ nhiều nhất. Bởi trong khi chúng ta kêu gọi "5K" và ở nhà, thì ngay tại Sài Gòn này có biết bao nhiêu người vô gia cư, biết bao cảnh đời ngụ cư, sống "du mục" qua những căn nhà trọ tạm bợ.

Tôi thường gần gũi với những người lao động bình dân và cũng từng hơn mười năm sống trong những căn nhà trọ chật hẹp, nên tôi thấm thía vô cùng. Nhà trọ, với người lao động nghèo, thực chất chỉ là một chỗ ngả lưng mỗi đêm về, bởi họ rời nhà trọ từ mờ sớm, lăn lộn mưu sinh ngoài đường đến tối mịt. Đường phố mới chính là cuộc sống, ngôi nhà thực sự của họ.

Nhưng lúc này, không ai được ra đường, thì họ sống sao đây? Ngay cả không ra đường kiếm tiền, họ cũng không thể xoay trở trong những căn phòng trọ chật chội nóng bức suốt cả ngày đêm.

Cho nên, tôi nghĩ giải pháp đưa những người lao động nghèo về quê lúc này là đúng đắn và nhân đạo. Với những người này, ngôi nhà muôn đời của họ vẫn là làng quê. Hãy đưa họ về. Sau cách ly, nếu khỏe mạnh, họ lại tiếp tục với ruộng vườn. Còn nếu chẳng may họ phải chữa trị, thì đó cũng là cách mà các địa phương chia sẻ, gánh bớt gánh nặng đang trĩu vai Sài Gòn.

Sài Gòn ơi.

Những ngày này, những dòng nào, những hình ảnh nào gửi đến Sài Gòn – TP HCM cũng đầy thương cảm.

Trên facebook của bạn bè tôi, hầu hết đều chia sẻ những năng lượng tích cực cho Sài Gòn. Như họa sĩ Lê Sa Long, họa sĩ Trần Trung Lĩnh, doanh nhân - thi sĩ Đàm Hà Phú... Đó là những con người hành động.

Tôi không có thói quen khi nhật ký. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi không bao giờ quên bức ảnh ký họa đứa bé 5 tuổi ngơ ngác bước lên ôtô đi cách ly của họa sĩ Lê Sa Long. Tôi đã lưu bức ảnh Bánh mì Sài Gòn 0 đồng một ổ/ Bánh mì Sài Gòn đặc biệt yêu thương của họa sĩ Trần Trung Lĩnh vào ổ cứng, coi như "di vật" một thời không thể nào quên. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh Đàm Hà Phú cùng với nhóm Sài Gòn Chợ Lạc Xoong đi phát bánh mì cho những người nghèo trên từng con phố Sài Gòn.

Và, tôi khắc sâu vào tâm khảm, hình ảnh những nhân viên y tế đang đêm ngày vắt kiệt sức mình chống dịch Covid. Tôi sẽ nhớ và biết ơn họ trong suốt cuộc đời của mình.

Có một câu chuyện thiền đại ý thế này.

Một thiền sư hỏi các học trò của mình rằng, theo các đệ thì đời người là bao nhiêu lâu?

Các đệ tử tranh nhau đưa đáp án. Người nói đời người có khi ngoài trăm năm. Người bảo, đời người chừng 80 năm. Lại có người nói đời người 60 năm mà thôi.

Thiền sư nghe xong đều lắc đầu, rồi bảo: "Đời người, rốt cuộc chỉ trong vòng một hơi thở".

Tôi ấn tượng bởi câu chuyện đầy tính triết lý về sự vô thường. Nay trong đại dịch, lại thấy càng thêm ý nghĩa. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy quý trọng cuộc sống như thế này. Cũng chưa bao giờ chúng ta thường trực ý nghĩ "trong vòng một hơi thở" như lúc này. Chưa bao giờ chúng ta thèm được thở hơi thở của phố xá trong "trạng thái bình thường mới" như lúc này.

Nhưng để làm được những điều đó, để vượt qua nghịch cảnh, không gì khác hơn là suy nghĩ tích cực và dũng cảm hành động.

Đây không phải là lúc ngồi đổ lỗi và trách mắng. Hãy nhìn nhận vấn đề cho đúng đắn và quyết liệt hành động kịp thời.

Cầu mong cho những khó khăn này sớm qua, mọi điều may mắn tốt đẹp rồi sẽ đến.

 

VỚI ANH EM, SÀI GÒN LÀ GÌ?

FB Trần Trung Lĩnh

Với mình, chỉ thấy sự chia sẻ, tình thương yêu, đùm bọc, cảm thông.

Mảnh đất nuôi dưỡng mình hai mấy năm trời đầy hỉ nộ ái ố và đương nhiên, tình yêu.

Dịch giã rồi cũng đến ngày hết chứ, nothing last forever, rồi Sài Gòn sẽ trở lại bình yên như mấy bình trà đá miễn phí cho bất kỳ ai dọc đường nắng nôi tấp vào làm ly xua mệt mỏi, như cậu bé vô danh hì hụi bên tủ sửa giày bác ba gác xích lô cho bất cứ ai hổng còn tiền, như anh thanh niên trên chiếc wave cà tàng sẵn sàng ứng phó cho bà con bị cơn mưa dai nhách và "công chiện ngập nước tới", như anh bán rau ngầu ơi ngầu có hình xăm giống mình hay là giống bạn, với khí chất ngời ngời ngang dọc của mảnh đất phương Nam, như những thói quen chiều đi làm về là bạn bè anh em hú nhau làm một tí cũng được không cần nhiều, ly bia con khô mực đặng xả hết một ngày lo toan vất vả với nhau rồi dọt lẹ về nhà vì vợ kiu, với... nhiều điều dễ cưng của Sài Gòn.

Mình tạm dùng graphic để vẽ lại, muốn ôm hết yêu thương Sài Gòn quá mà chưa đủ lực, thôi thì có gì chơi đó.

Mai mốt bộ tranh đồ hoạ này sẽ xuất hiện theo một cách cũng khá bất ngờ, ráng đợi clip_image016

Giữa dịch bệnh, ai cũng cần vaccine. Nhưng ở Sài Gòn, có thêm 1 thứ vaccine là TÌNH NGƯỜI

#SGOT

clip_image018

clip_image020

TRẺ EM TRONG ĐẠI DỊCH

FB Bich Duyen Vo Nguyen

Tôi nhìn đôi dép lê của con gái nhỏ để trên bậc tam cấp đã bám bụi từ khi nào. Hơn ba tuần không bước chân ra khỏi ngôi nhà bé nhỏ, quẩn quanh với mấy con búp bê, vài bộ xếp hình, ít quyển tô màu, dăm ba quyển sách và những chương trình thiếu nhi phát đi phát lại những nội dung đã quá quen thuộc, con bé cũng đã bắt đầu kêu nhớ trường nhớ bạn - điều mà từ khi đi học đến giờ là 4 năm trời, nó chưa bao giờ cảm thấy. Mấy đứa trẻ trong xóm trước đây hay tụ tập, chơi đùa cùng nhau nay cũng chỉ nhìn và nói chuyện với nhau qua màng kính nhựa mờ mờ vì hơi thở, trong lớp khẩu trang kín mít và phải đứng cách nhau rất xa. Con gái tôi ngồi trong nhà, bạn kia đứng ngoài cửa, hai đứa trẻ gào to lên mới nghe rõ. Đồ chơi không thể chơi cùng, nên đành chơi giả đò: giả đò bạn đang cầm con búp bê tóc vàng này nha, mặc cái đầm dạ hội này nha, rồi, bạn nói với mình là công chúa muốn đi dạ hội đi. Nói được dăm ba câu, cả hai đã nhanh chóng cảm nhận rõ sự buồn tẻ của kiểu chơi như thế, nên bạn nhỏ cũng đi vào nhà luôn. Còn lại một mình, con gái tôi đành lẩm bẩm chơi, một mình đóng hai ba vai, ngay cả vai mà nó ghét cay ghét đắng: mụ phù thuỷ độc ác. Nhưng câu chuyện cổ tích không thể thiếu cái vai hay “sinh sự” ấy, nên vẫn phải đóng để trọn chuyện tròn tích. Và con tôi đi qua những ngày giãn cách, phong toả như vậy đấy.

Cách đây một tháng, khi đón con gái ở trường mầm non, tôi được cô giáo thông báo con bắt đầu phải nghỉ học từ ngày mai. Không biết sẽ nghỉ đến bao giờ, có khi nghỉ và lên lớp một luôn! Chúng tôi vốn dĩ đã chuẩn bị tinh thần cho việc trường học phải đóng cửa, xã hội phải giãn cách, ... song vẫn không khỏi ngỡ ngàng và thấy lòng mình chùng xuống khi nghe cô nói. Như vậy là con sẽ rời khỏi ngôi trường đầu tiên trong đời mà không có sự chuẩn bị, không có buổi chia tay và cũng không có cả ngày tổng kết, “tốt nghiệp”. Hơn hai tháng qua mỗi ngày đi học con đều háo hức vì được tập múa, tập nhảy, tập hát để chuẩn bị cho buổi lễ thường niên của trường. Ngày nào về nhà con cũng mở tivi để tập đi tập lại bài hát theo lời dặn của các cô. Nhưng cuối cùng, cơ hội để con và các bạn mặc đồ tốt nghiệp, đứng trên sân khấu, lên giọng bất chấp tông nốt ca khúc You raise me up cũng không có. Những ngày ở nhà, con gái vẫn cứ hay múa, hát, nhảy cho cả nhà xem, và vẫn hồn nhiên bảo: con phải tập để còn lên sân khấu biểu diễn văn nghệ!

Có lẽ, những ai đi qua đại dịch Covid này cũng sẽ không bao giờ quên những mất mát, tổn thương mà nó gây ra cho nhân loại. Đối với người lớn, mất mát được cân đo bằng kinh tế, bằng sức khoẻ và bằng cả sinh mệnh. Nhưng với trẻ em, khi những âu lo của người lớn còn quá xa lạ với chúng, mất mát lớn nhất có lẽ là cơ hội được có những kí ức đẹp mà đáng lẽ ra chúng phải có. Thật ra, tôi biết con gái mình vẫn còn rất may mắn vì được ở nhà, đang khoẻ mạnh mà có ba mẹ bên cạnh. Bạn tôi, bác sĩ, buổi sáng đi làm thì buổi trưa đã không được về nhà vì bệnh viện đột ngột phong toả do có ca nhiễm Covid đang điều trị ở tại khoa. Hai đứa con của bạn đã không được ôm mẹ gần 20 ngày, mỗi ngày đều viết thư gửi mẹ và chỉ nhìn mẹ qua màn hình điện thoại, máy tính. Trên tivi đưa tin một em bé mới 7 tháng tuổi đã phải theo ba mẹ vào bệnh viện vì ba mẹ đều là bệnh nhân Covid. Mẹ diễn biến nặng, ba đang thở máy, những cô y tá, những nữ bác sĩ trở thành người mẹ thứ hai của em. Có cô dùng sữa của mình cho em ti để em đỡ nhớ hơi mẹ, được ăn sữa mẹ khi còn quá bé (và đỡ quấy khóc hơn chăng?) Tôi chợt nghĩ đến đứa con bé nhỏ của cô y tá, bác sĩ đó có thể đang ở nhà, cũng nhớ hơi mẹ và sữa mẹ biết bao. Và tôi tin là cô ấy cũng nhớ con đến thắt lòng. Tôi tự hỏi, trong lúc cho em bé đang ở trong bệnh viện ti, nhìn gương mặt bé bỏng ấy, cô cảm thấy được ủi an hay lại càng nhớ con của mình hơn? Những cảm xúc thật ngổn ngang, khó nói cho rành rẽ. Chỉ biết rằng, nghĩ thôi, là đã thấy buồn vô cùng, mà thương cũng vô cùng.

Trẻ em được xem vốn là đối tượng dễ bị thương tổn trong xã hội. Đại dịch lẩn này đe doạ các em trên nhiều phương diện: sức khoẻ, tinh thần, trí tuệ. Các em cần được vui chơi cùng bè bạn, cần được bước ra bên ngoài để khám phá thiên nhiên và thế giới rộng lớn, cần được ở cạnh những người thân yêu nhất. Nhưng dịch bệnh đang lây lan quá nhanh, con người nơi đâu cũng đang gồng mình chống cự. Và các em cũng phải “chung tay” theo cách của riêng mình. Chơi với những người bạn tưởng tượng hoặc chơi với bạn thực qua các thiết bị công nghệ; học tại nhà qua các ứng dụng hội họp trực tuyến; chấp nhận cách xa vòng tay của ba mẹ để giữ cho bản thân và mọi người bình an. Các em tự dưng phải trở nên lớn hơn, trưởng thành hơn cái tuổi của mình. Một sự lớn lên khiến chúng ta không khỏi xót xa. Nhiều năm sau nữa, khi dịch bênh qua đi, có lẽ vẫn không ai có thể quên hình ảnh những em bé trong bộ dồ bảo hộ quá khổ, lùng bùng, bức bí, tay cầm thú bông, đồ chơi lẽo đẽo theo ba mẹ, người lớn vào khu cách ly. Cũng không thể nào quên những em bé mầm non, tiểu học phải cách ly tại trường cùng các cô vì trong lớp, trong trường có ca nghi nhiễm. Và cũng làm sao quên được hình ảnh một em bé nhìn thấy mẹ trên tivi mà khóc nức nở, đòi mẹ ẵm, mẹ bồng. Mỗi người sẽ lưu giữ kí ức về những năm tháng này theo một cách khác nhau, với những cảm nhận khác nhau. Song hình ảnh những đứa trẻ trong đại dịch, sẽ luôn là mảnh ghép ám ảnh và day dứt trong bức tranh kí ức ấy. Khi lớn lên, kí ức của các em về những ngày tháng này sẽ như thế nào? Các em có thể nhớ, có thể quên. Nhưng mong người lớn hãy bù đắp cho các em, vì những thiệt thòi mà các em cũng phải chịu cùng chúng ta khi dịch bệnh càn qua một cách quá khó lường và quá nguy hiểm như lần này.

Cuộc chiến chống Covid vẫn còn nhiều gian nan khi các biến thể của virus vẫn không ngừng xuất hiện, ngày càng nguy hiểm hơn, đe doạ đến những thành quả chống dịch của nhân loại nói chung và nước mình nói riêng. Cuộc chạy đua giữa con người và virus vẫn chưa đến hồi kết. Và các em cũng sẽ phải tiếp tục sống trong đại dịch theo cách này hay cách khác, tiếp tục chấp nhận những “tổn thất” là quan trọng với trẻ con.

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của người lớn chúng ta, các em có thể hi vọng về một tương lai cuộc sống trở lại bình thường, các em sẽ có một tuổi thơ không cần phải quá êm đềm hay quá rực rỡ, chỉ cần được chia vai để đóng kịch, chỉ cần được choàng vai bá cổ bạn bè mà cười nói hồn nhiên, chỉ cần sáng tạm biệt bố mẹ và chiều lại được bố mẹ ôm vào lòng, ... Đó có thể không phải là toàn bộ ước mong của người lớn, nhưng nó thật sự là mộng “bình thường” của đám trẻ con. Mong làm sao, và cũng dám tin vào ngày mộng ấy sẽ thành sự thực làm sao. Con người đang nỗ lực, và đang hết sức nỗ lực, chúng ta nhất định phải đồng lòng và đừng bao giờ bỏ cuộc, buông tay để niềm tin đó không phải là sản phẩm của tinh thần lạc quan lãng mạn ảo tưởng, hay của tinh thần duy ý chí mang màu sắc chủ quan.

Giờ đây nhiều kí ức đẹp đã không có cơ hội xuất hiện trong tuổi thơ của các em, nhưng đó dù sao vẫn không phải là điều đáng buồn đau nhất. Lúc này đây, chỉ mong các em được bình an đi qua đại dịch, tương lai sẽ còn nhiều điều tuyệt vời để các con khắc tạo thành kí ức của chính mình. Thương yêu dành cho tất cả chúng ta, và đặc biệt yêu thương dành cho tất cả các em!

CÁC TU SĨ DÒNG TRỢ THẾ THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA VÀO CÁC BỆNH VIỆN CHĂM BỆNH NHÂN COVID

FB Nguyễn Ngọc Nam Phong

Sáng 20.7.2021, đáp lại lời mời gọi của Sở Y tế Tỉnh Đồng Nai, và các Đức giám mục tại các Giáo phận TPHCM và Xuân lộc, anh em tu sĩ Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa đã lên đường phục vụ chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện và trung tâm cách ly.

Trong chuyến đi lần này có tất cả 17 anh em tu sĩ, với trình độ chuyên môn bác sĩ, cử nhân, điều dưỡng và kỹ thuật viên. Và đặc biệt có một linh mục của Dòng cùng đi trong đợt này, và để tiện cho việc di chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên, Nhà Dòng đã sử dụng 3 chiếc xe cứu thương.

Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa được thành lập năm 1572, với sứ mạng "hiến thánh chính mình cho Thiên Chúa và hiến mình phục vụ Hội Thánh qua việc giúp đỡ những người bệnh tật và người túng quẫn, đặc biệt dành ưu tiên cho những người nghèo khổ hơn cả”. (Hiến Pháp số 5).

Tin&ảnh: Dòng Trợ Thế Thánh Gioan

clip_image022

clip_image024

CHUYẾN XE BUÝT ĐẶC BIỆT CHỞ ĐẦY RAU CỦ GIÁ BÌNH ỔN PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN SÀI GÒN

Bút bi, blog.diadiemanuong.com 20/7/2021

Thay vì chở hành khách, hôm nay 2 xe buýt được thay đổi công năng thành các “siêu thị dã chiến” chở đầy hàng hóa, rau củ quả giá bình ổn phục vụ người dân khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

clip_image026

clip_image028

Ảnh: Dân Trí

Cụ thể hôm nay 20/7, nhiều người đã bất ngờ khi thấy tuyến xe buýt ở TPHCM chạy trên nhiều tuyến phố. Đây là lần đầu tiên, thay vì chở hành khách, xe buýt được huy động chở rau củ quả, hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá cho người dân ở thành phố.

clip_image030

clip_image032

Đại diện Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ xây dựng Bảo Yến cho biết thực hiện theo chương trình của TP.HCM, công ty được Sở Công Thương chỉ đạo hỗ trợ cung cấp nguồn rau củ cho người dân TP.

Trước mắt, công ty bố trí 2 xe chở hàng đến các địa điểm mà Sở Công thương TP chỉ định. Nếu nhu cầu người mua lớn, công ty sẽ hỗ trợ tăng số xe cho phù hợp với tình hình thực tế.

clip_image034

Ảnh: Dân Trí

Cụ thể, điểm bán hàng vào ngày 20/7 tại:

· 35 Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh) từ 9 giờ đến 11 giờ;

· Ngã 3 An Tôn Nghĩa Phát (phường 6, quận Tân Bình) từ 9 giờ đến 11 giờ

· Đình Bình Đức tại số 528 Tô Ngọc Vân (phường Tam Phú, TP Thủ Đức) từ 15 giờ đến 17 giờ và 429/10 Lê Văn Sỹ phường 12, quận 3) từ 15 giờ đến 17 giờ.

Các điểm bán đều thực hiện giãn cách theo đúng quy định, nghiêm chỉnh quy tắc 5K.

clip_image036

Ảnh: Dân Trí

clip_image038

Ảnh: Dân Trí

Theo ghi nhận, bên ngoài các phương tiện xe buýt này có những tấm biển ghi rõ là hàng hóa bình ổn dành cho người dân. Trên phần thân xe buýt có ghi từng loại hàng, giá cả rõ ràng để người dân chọn lựa.

Các sản phẩm chủ yếu có rau xanh như cải, rau muống, ra ngót, khoai tây, hành…Ngoài các loại rau củ quả, xe buýt còn chở nhiều loại hàng khác bán với giá ưu đãi như gạo, trứng… Có thể nói, trong những diễn biến phức tạp và việc khan hiếm hàng hóa cục bộ như hiện nay, những phương tiện xe buýt được hoán đổi công năng trong ngắn hạn đã đem đến niềm vui cho nhiều người.

clip_image040

Ảnh: Dân Trí

clip_image042

Ảnh: Dân Trí

Đến mua hàng, một số người dân ở Tân Bình cho biết khá bất ngờ, nhưng việc xe buýt di động bán rau củ như thế này người dân dễ dàng tiếp cận, với lại giá cả bình ổn nên rất yên tâm, không lo thiếu rau củ trong những ngày này.

clip_image044

Ảnh: Dân Trí

Được biết, chuyến xe buýt di động được thực hiện từ ngày 19/7, các địa điểm cung cấp rau do Sở Công thương TP chỉ định và UBND phường chịu trách nhiệm thông báo với người dân thông tin các điểm bán. Đến nơi, công ty sẽ phối hợp với UBND các phường để bán cho người dân với mức giá bình ổn. Về nguồn hàng rau củ do Sở Công Thương cung cấp các nhân viên đóng gói phân loại sau đó sắp xếp lên xe buýt đưa đi bán cho người dân.

“Chúng tôi đều là tài xế, nhân viên soát vé của tuyến xe buýt số 65. Mỗi xe có 4 nhân viên gồm tài xế, 2 người bán và một người tính tiền”, tài xế Nguyễn Thanh Phong Nhã (32 tuổi) nói.

clip_image046

clip_image048

Ảnh: Dân Trí

Tại điểm xe buýt bán hàng lưu động, UBND phường 15, quận Bình Thạnh còn kết hợp thêm gian hàng bán thực phẩm chế biến sẵn cho người dân tại các quầy hàng cố định trên vỉa hè.

Nguồn tham khảo: Pháp Luật; Dân Trí

B.Á.N.H.M.Ì. - Từ khoá hot nhất mấy bữa nay.

FB Minh Hoà

Tuần trước mình dành một ngày đi chụp album ảnh các chợ truyền thống đồng loạt tạm đóng cửa (sẽ post các bạn xem sau), tình cờ thấy một bác ngồi bán bánh mì lạc lõng giữa sân trước thênh thang chợ An Đông thấy thương lắm !!! Người dân mưu sinh hằng ngày liệu có qua nổi cơn đại hoạ này ??!!!

SaiGon - July 17, 2021

clip_image050

TRANH Thăng Fly Comics

The love list.

clip_image052

[Từ câu chuyện thật:]

clip_image054