Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 44)

Hoàng Hưng

441. Eclectic psychotherapy: Liệu pháp tâm lí chiết trung

Bất kì liệu pháp tâm lí nào dựa trên sự kết hợp các lí thuyết và phương pháp hay sử dụng các khái niệm và kĩ thuật từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm kinh nghiệm chuyên môn tích hợp của các nhà chữa trị. Mang tính chính thức hơn, Prescriptive eclectic psychotherapy - Liệu pháp tâm lí chiết trung định dạng sử dụng việc kết hợp các cách tiếp cận liệu pháp tâm lí một cách liên tiếp chuyên biệt về mặt định dạng, phương pháp, và diễn trình nhằm nâng cao hiệu quả.

442. Ecological perception: Tri kiến sinh thái

Việc tìm tòi phát hiện của một động vật/ con người về những cái có thể được chấp nhận và những cái không thể thay đổi (affordances and invariances) trong môi trường tự nhiên, thế giới thực của mình (sinh thái chứ không phải phòng thí nghiệm), được trung gian và hướng dẫn bởi việc đầm mình vào và vận động trong môi trường ấy. J.J. Gibson cho rằng tri kiến sinh thái có tính chỉnh thể (holistic) (động vật/ người và môi trường là một hệ thống đơn nhất không thể tách rời), rằng các thuộc tính của môi trường được tri kiến như các thực thể có nghĩa, và các mẫu tri kiến có thể là trực tiếp hơn là những khái niệm đòi hỏi sự diễn giải cao hơn bởi những trung tâm của não bộ từ thị giác hay các nguồn khác.

443. Ecological psychology: Tâm lý học sinh thái

Phân tích các khung cảnh của hành vi với mục tiêu là dự đoán những mẫu hành vi xảy ra trong những khung cảnh nhất định. Tập trung vào vai trò của những yếu tố vật lí và xã hội của khung cảnh trong việc sinh ra hành vi. Theo thuyết Behavior-setting (Khung cảnh quyết định hành vi) hành vi sẽ diễn ra trong một khung cảnh cụ thể phần lớn được định sẵn bởi những vai trò tồn tại trong khung cảnh ấy và hành động của những người đóng vai trò như thế, không phụ thuộc nhân cách, tuổi tác, giới tính và những đặc tính khác của các cá nhân hiện diện. Chẳng hạn, trong một buổi tế lễ, một hay một số cá nhân đóng vai thủ lãnh (thầy tư tế), trong khi phần lớn người tham dự làm khán giả. Những nhân tố khác định hình hành vi là kích cỡ của khung cảnh, số lượng các vai cần có để duy trì nó, độ mở của nó (cho ảnh hưởng bên ngoài hay những người không phải thành viên), và sự minh bạch của luật lệ liên quan đến hành vi được trông mong.

444. Ecosystem approach: Cách tiếp cận theo hệ sinh thái

Một cách tiếp cận về liệu pháp nhấn mạnh sự tương tác giữa cá nhân hay gia đình và những hoàn cảnh xã hội rộng lớn hơn như trường học, nơi làm việc, và các tổ chức xã hội. Nhấn mạnh sự tương liên và tương thuộc và phái sinh từ những lĩnh vực khác nhau, bao gồm Tâm lý học, xã hội học, nhân học, kinh tế học, và chính trị học. Đặc biệt là FAMILY THERAPY (LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH), đã sử dụng cách tiếp cận này để thiết kế những cách can thiệp đối với những gia đình và hệ thống phức hợp. [phát triển trong Tâm lý học bởi nhà Tâm lý học phát triển Mĩ gốc Nga Uri bronfenbrenner (1917-2005).

445. Edge theory: Thuyết mép vực

Thuyết cho rằng Nỗi lo âu chết (Death Anxiety) có một chức năng sống sót xuất hiện khi cá nhân tự tri nhận là mình đang lâm vào tình huống đe doạ sự sống. Thuyết này toan tính giải quyết những trái ngược bề ngoài giữa những tuyên bố rằng nỗi lo âu chết là một động lực quan trọng với những nghiên cứu quan nghiệm cho thấy nỗi lo âu chết trong đại chúng chỉ có ở mức từ thấp đến vừa phải. Nó gợi ý rằng nỗi lo âu chết là mặt chủ quan hay quan nghiệm của một sự chuẩn bị mang tính chỉnh thể để đối phó với nguy nan (tượng trưng là đứng ở mép khoảng trống không). Sự thức tỉnh cao độ được phát động bởi nỗi lo xuất hiện trong những tình huống khẩn cấp; những khó khăn xuất hiện khi việc đáp ứng khẩn cấp bị chìm bởi sự vận hành thường ngày của cá nhân. [nhà Tâm lý học người Mĩ Robert J. Kastenbaum].

446. Educational psychology: Tâm lý học giáo dục

Một lĩnh vực Tâm lý học ứng dụng liên quan đến giáo dục và phúc lợi của thanh thiếu niên về tình cảm và xã hội. Ở Hoa Kì, các nhà Tâm lý họcGD được đào tạo ở ngành giáo dục hơn là tâm lí học, và làm việc chủ yếu như nhà tư vấn trong trường đại học và trung học. Ở nước Anh, họ được đào tạo ở ngành phát triển trẻ em, Tâm lý học dạy và học, và những khía cạnh Tâm lý học của việc đánh giá và giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Công việc tương tự ở Hoa Kì được gọi là school psychology (Tâm lý học nhà trường).

447. Ego: Cái Tôi (Cái Ngã)

[trong Phân tâm học): Một trong ba thành tố của bộ máy tâm trí con người, trong văn bản thứ hai của lí thuyết Sigmund Freud (1856-1939) sau khi ông thay thế bản mô tả cái vô thức- cái tiền ý thức- cái ý thức (conscious-preconscious-conscious) bằng hình mẫu cấu trúc cái ấy – cái tôi – cái siêu tôi (id-ego-superego) vào năm 1920. Đó là cái phần lớn có ý thức của tâm trí, chủ yếu được chỉ huy (dù không đặc biệt) bởi nguyên lí thực tế, trung gian giữa thực tại bên ngoài, Cái Ấy và cái Siêu Tôi. Trong cuốn sách Cái tôi và cái ấy (tiếng Anh là The Ego and the Id) năm 1923, Freud mô tả vài trò của Cái Tôi như sau: “nó phải phục vụ 3 ông chủ và do đó bị đe doạ bởi 3 mối nguy: từ thế giới bên ngoài, từ libido (tính dục năng) của cái ấy và từ sự nghiêm khắc của cái siêu tôi”. Cái Tôi không đơn giản là tâm trí có ý thức như thường được giải thích một cách phổ thông về lí thuyết Freud: ở một người bệnh thần kinh, cái tôi sinh ra cơ chế phòng vệ, và sự vận hành của cái tôi này mang tính vô thức rất lớn. Freud giới thiệu khái niệm Cái Tôi trong những bài viết ban đầu của ông, dùng từ tiếng Đức Ich (được chế từ đại từ thông thường hàng ngày ich, và dịch giả James Stratchey (1867-1967) chuyển thành ego, thêm cho nó sự khó hiểu và điều mà từ gốc tiếng Đức thiếu về mặt kĩ thuật. Trong ngôn ngữ nói, từ này được dùng để chỉ tinh thần tự thị, tự coi trọng của cá nhân.

448. Egocentrism: (tâm thức) Ngã qui (lấy mình làm trung tâm)

Một thuật ngữ được mang nghĩa kĩ thuật vào năm 1926 do nhà Tâm lý học Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980) để chỉ tình trạng nhận thức trong đó đứa trẻ ở giai đoạn phát triển tiền thao tác chỉ hiểu thế giới từ quan điểm của chính mình và không nhận biết rằng quan điểm của những người khác là khác biệt. Điều ấy bao hàm việc không phân biệt được những khía cạnh chủ quan khỏi những khía cạnh khách quan trong trải nghiệm, và từ đó đặt định một thiên kiến vô thức cho nhận thức. Chứng minh kinh điển cho điều này là “nhiệm vụ ba quả núi” của Piaget, trong đó một đứa trẻ ngồi trước một hình mẫu ba quả núi đặt trên bàn và được hỏi nếu một con búp bê nhìn từ một góc nhìn khác thì sẽ thấy thế nào. Phần lớn trẻ ở giai đoạn tiền thao tác (khoảng 5 tuổi) nhất định mô tả cách nhìn của con búp bê giống hệt cách nhìn của mình.

449. Ego-dystonic sexual orientation: Định hướng tính dục do rối loạn cái tôi

Một thuật ngữ gây tranh cãi về định hướng tính dục. Từ đó có các thuật ngữ ego-dystonic bisexuality (tính dục lưỡng tính do rối loạn cái tôi), ego-dystonic homosexuality (đồng tính nam do rối loạn cái tôi). Năm 1973, Hội Tâm thần học Hoa Kì bỏ mục “Mental disorder of homosexuality - Loạn tâm đồng tính nam” khỏi sách Diagnosis and Statistical Manual of Mental Disorders (Sổ tay Chẩn đoán và thống kê các chứng Loạn tâm) và bị phản ứng dữ dội vì những hội viên bất đồng cho là lãnh đạo Hội đầu hàng phe cổ vũ tự do đồng tính nam. Sau các tranh cãi và trưng cầu ý kiến tất cả thành viên của Hội, lần xuất bản thứ ba chỉ đưa vào thuật ngữ ego-dystonic homosexuality. Cũng gọi là sexual orientation disturbance (SOLD) – rối loạn định hướng tính dục.

450. Ego identity: Căn tính (của) Cái Tôi

[trong Ego Psychology - Tâm lý học Cái Tôi]: Một thuật ngữ được giới thiệu bởi nhà Phân tâm học Mĩ gốc Đức Erik H. Erikson (1902-1994) vào năm 1946, để chỉ một trạng thái Tâm lý học mà một cá nhân đạt được vào cuối tuổi thiếu niên nếu như sự khủng hoảng về phát triển trước đó đã được thương lượng thành công. Nó bao hàm một tinh thần nhận thức về căn tính cá nhân (mình là ai) và về việc những người khác nhìn mình ra sao. Một thiếu niên không đạt được căn tính Cái Tôi dễ trải nghiệm sự thất vọng, thiếu tinh thần bằng hữu với các nhóm đồng đẳng, và khó giữ tình thân mật và hình thành các quan hệ thương yêu.