Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (12)

THƯ BẠN ĐỌC: ĐỀ NGHỊ VĂN VIỆT LÊN TIẾNG

Trong đợt dịch này, chính quyền TPHCM đang khuyến khích người dân nhiễm Covid ở trạng thái F1 và FO thể nhẹ tự cách ly tại nhà. Văn Việt đã đăng một số bài báo để tham khảo kinh nghiệm tự cách ly, chẳng hạn bài báo của ông Bùi Tuấn, đăng trong mục “Sài Gòn – Những ngày phong thành” kỳ 11, ngày 18/7/2021.

Thiết bị y tế cá nhân cần tự trang bị để tự cách ly ở nhà gồm máy SPO2 để tự đo nồng độ oxy trong máu. Các hiệu thuốc đang găm hàng và nâng giá lên rất cao. Ví dụ máy đo SPO2 nhãn Microlife của Thụy Sỹ trước đây năm ngày giá 650.000 đồng, nay bị nâng giá lên tới 950.000 đồng và rất khan hiếm. Máy đo iMediCare iOM-A3 của Singapore lắp ráp tại Trung Quốc giá từ 900.000 đồng đã bị nâng lên 1.200.000 đồng.

Rất mong Văn Việt lên tiếng để người cách ly tại nhà có thể mua máy SPO2 và không bị đầu cơ, đẩy giá lên cao như hiện nay.

Thường dân Vũ Diệu, ngụ tại phường 17, quận Bình Thạnh TPHCM, ĐTDĐ để liên hệ khi cần trao đổi ý kiến 0782463625.

Xin cảm ơn tòa báo Văn Việt.

 

 

CHIA SẺ KINH NGHIỆM CHỮA TRỊ COVID-19 TỪ MỸ VỚI BS WYNN TRAN VÀ BS DONG DANG

NHẬT KÝ PHONG THÀNH (SỐ 9): A LÔ BÁC SĨ ƠI!

Tuấn Khanh’s Blog

clip_image002

18/07/2021 ~ TUẤN KHANH

Tháng 7 này, dù không phải là tháng âm, nhưng chắc cũng sẽ là một tháng đầy khó khăn với bác sĩ Phan Xuân Trung, hiện đang làm việc tại Trung tâm Medic, Quận 10, hay còn gọi là Trung tâm Hòa Hảo ở Sài Gòn.

Khó khăn, là bởi giữa dòng truyền thông về covid-19 phát đi của nhà nước với thông điệp rất rõ: phải sợ hãi và biết vâng lời, thì Bác sĩ Phan Xuân Trung đang có những ý kiến khác biệt. Ông lên tiếng thường xuyên trên trang facebook của mình khiến ngày càng nhiều người quan tâm, thậm chí các đài quốc tế cũng gọi phỏng vấn. Đơn giản, ông đòi hỏi những phân tích khoa học, và để đối phó với covid-19 là những giải pháp khoa học, chứ không thiên về mệnh lệnh chính trị.

Nỗ lực của ông, đang khiến nhiều người nhớ về bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) trong những ngày đầu bùng phát đại dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng hơn thế, có vẻ như ông Trung đang là người phát động cho một chiến dịch bất tuân dân sự trong lòng xã hội, nhân danh lời thề Hippocrates, quyết không bỏ rơi bệnh nhân.

clip_image003

Kiểu nói của ông bác sĩ này, chắc không dễ làm mấy nhà lãnh đạo xuôi tai. Viết trên facebook, ông Trung bày tỏ “Dân Nam tánh tình bộc trực, thấy trái tai gai mắt thì lên tiếng. Nói rồi thì bỏ qua, không ghim gút”. Ông không ghim. Nhưng có người khác ghim – mà ghim dữ nữa. Vì vậy mà kể từ hôm 18-7, trên mạng bắt đầu xuất hiện những đợt tấn công ồ ạt, nặc danh bởi các “chiến sĩ thông tin”. Nội dung chửi bới, cắt xén, gạch hình ảnh… của ông nhìn vô cùng quen thuộc. Thậm chí nhiều người trùng tên Phan Xuân Trung cũng bị các nhóm tấn công nhảy vào chửi loạn xạ theo lệnh, mà không phân biệt nổi nơi nào là chính chủ.

clip_image005

Rõ ràng, khó khăn phần nhiều của đợt chống dịch thứ 4 này, từ chủ trương của thủ tướng Việt Nam, là “phải bảo đảm ổn định sản xuất, và chống dịch thành công”. Nghe thì cũng có lý, nhưng khi vào thực tế, việc phải đưa người đi lao động thời dịch giã để giữ vững kinh tế chế độ, đã khiến xã hội không thể giãn cách hoàn toàn, con số người nhiễm dịch tăng vùn vụt, khiến người bị lây nhiễm rơi vào tình thế của “giặc dịch phải bị chống”. Các cuộc cách ly gắt gao, các biện pháp truy vết dai dẳng, rồi báo chí kết tội, lên án những người nhiễm bệnh… khiến xã hội trở nên vô cùng căng thẳng, kể từ sau đợt nghỉ dài 30-4 và 1-5 năm nay.

Từ đầu tháng 7,  những ý kiến của bác sĩ Trung lan dần trên mạng. Dựa vào những con số thống kê người mắc bệnh và người chết ở Việt Nam, ông liên tục nhắc phía nhà nước rằng không thể học bài học đóng cửa, dồn dân như kiểu Vũ Hán, mà nên nhìn vào các số liệu khoa học của tình hình Việt Nam. Nhất là ở Sài Gòn.

Một trong những lời nhắc nhở của ông với chính quyền Thành Hồ, được các “chiến sĩ thông tin” trích dẫn và rủa sả ghê gớm, là ông phản đối việc đưa trẻ em 3 tuổi, 5 tuổi… đi vào khu cách ly mà không có cha mẹ. Phía báo chí một chiều thì lại còn đưa những hình ảnh và sự kiện như một kiểu cảm động vì các em bé này “ý thức chấp nhận hy sinh, khó khăn vì đại cuộc từ tuổi nhỏ”. Không thể nào hiểu nổi.

Trước đó ít ngày, bác sĩ Trung có bày tỏ rằng nếu cứ nói thẳng như vậy, chắc không ai nghe, mà đời ông lại còn gặp khó khăn về sau nữa, nhưng biết làm sao bây giờ nếu thấy chướng mắt mà im lặng. Kiểu nói đó không chạy đâu được. Dân miền Nam, y chang!

Và cũng với cái giọng miền Nam thẳng thừng không gạt bà con, lời kêu gọi của ông đã chọc giận các “lực lượng yêu nước bằng mồm và bàn phím” trên mạng. Nguyên văn là “Tôi yêu cầu chính quyền trả các cháu bé F1, F0 về với gia đình ngay lập tức. Không nhân danh bất cứ điều gì để bắt các cháu bé vô trại cách ly. Không giường nằm, không bác sĩ, sốt không có thuốc, đói không có cơm! Một sự vô cảm đáng kinh tởm!”

Ngay lập tức, trang Chính trị Việt Nam trên facebook bắn phát đạn lớn, kêu gọi công an thu thập chứng cứ và khởi tố bác sĩ Phan Xuân Trung ngay lập tức. Hàng trăm lời bình được điều động vào hưởng ứng, reo hò như đêm giữa ban ngày. Quái. Đất nước gì mà lúc nào cũng có giai cấp đấu tranh ngồi chồm hổm chờ sẵn, reo hò đòi đưa người vào tù. Cái gì cũng réo tên công an vào cuộc!

Ngoài các phân tích liên tục cập nhật, và đưa ra giải pháp kêu gọi chính quyền Thành Hồ không nên sa lầy vào phương pháp chống dịch tốn kém và ít hiệu quả như hiện nay, bác sĩ Phạm Xuân Trung vài lần dấy động tâm can giới y bác sĩ, khi nhắc rằng bối cảnh Sài Gòn hiện nay, nhà cầm quyền đang vận động toàn bộ nguồn lực y tế chỉ để chống dịch, đang bỏ rơi quá nhiều các bệnh nhân khác, vốn cũng trong tình cảnh ngặt nghèo. Hơn nữa, việc giãn cách bất chấp mọi vận hành tự nhiên của xã hội như đi khám bệnh, đưa người đi cấp cứu, điều trị… sẽ khiến xã hội bị bịt mắt trước toàn cảnh thực tế, chỉ biết chạy với tình trạng mệnh lệnh duy ý chí.

clip_image007

Lời kêu gọi thứ nhất, hôm 10-7, ông viết “Hiện nay do lockdown toàn thành phố, nhiều cơ sở y tế đóng cửa khiến cho người bệnh bị bỏ rơi. Tôi kêu gọi quý đồng nghiệp vì danh dự và trách nhiệm của Thầy Thuốc hãy sẵn sàng đến nhà giúp bệnh nhân. Quý đồng nghiệp hãy ghi số phone, chuyên khoa và khu vực mình ở lên facebook, zalo để dân chúng gọi khi hữu sự… Đây là lời kêu gọi khẩn thiết đến quý thầy thuốc. Hãy giúp dân bằng cả trái tim”.

Lời kêu gọi này không chỉ đánh động tình cảm giới y bác sĩ, mà còn của cả người đọc quan tâm. Trang Fanpage có tên Giúp nhau mùa dịch, với hơn 70.000 người tham gia đã trở thành nơi các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế ghi danh tình nguyện cho kết nối, liên lạc, nhận đi đến nhà người bệnh.

Một người đưa lại tin này, nói mẹ của anh phải chạy thận 2 lần/tuần trước phong tỏa, gần như tuyệt vọng vì không được đến bệnh viện nữa, khi có các bác sĩ nhận đến nhà giúp, không khác gì như chết đi sống lại. Một người khác nói họ cũng không khác gì, người nhà của họ đang ngoi ngóp lâu nay vì không sao lấy máu để đem đi bệnh viện xét nghiệm INR (chỉ số đông máu), do người nhà bị tai biến liệt nửa người.

Chuyện cứu người thôi, nhưng cũng đâu dễ qua các kiểu kiểm soát, chận phạt ở Sài Gòn. Dù nói rõ tính cần thiết và chính đáng. nhưng nhiều y, bác sĩ bị phạt tiền, hoặc bị đuổi về. Lên tiếng, cũng lại là bác sĩ Phan Xuân Trung. Ông viết “Dân thì bị hạn chế ra khỏi nhà! Ai bệnh thì cứ nằm chờ chết thôi! Chính quyền đang làm gì vậy?”

Thật ra, khi chép lại câu chuyện này, mục đích chính của tôi là nói về một người dám lên tiếng. Sống trong lòng một nhà nước độc tài, việc lên tiếng thẳng thắn và khác biệt, đồng nghĩa sẽ đánh mất nhiều thứ về sau. Nhưng nếu thiếu những tiếng nói như vậy, Việt Nam hay Sài Gòn sẽ lộng lẫy nhạt nhẽo. Và thiếu những con người như vậy, người Việt cũng sẽ hèn mọn trong bình đẳng ngu muội.

Nếu không có bác sĩ Phan Xuân Trung lên tiếng, những y, bác sĩ khác có sống với tinh thần lương y của mình không? Tôi đặt câu hỏi như vậy với bác sĩ Nguyễn Đại, một người bạn của tất cả gia đình tù nhân lương tâm và TPB-VNCH, người vẫn rong xe chạy tự nhiên khi có người đau yếu gọi tên. Ông cười hà hà và nói, rằng lương tâm thúc mình lên đường, chứ đợi ai.

Quả vậy. Không có bác sĩ Trung, chắc chắn hàng ngàn y, bác sĩ khác cũng có chọn lựa đúng của mình. Nhưng nếu có sự lên tiếng ấy, những con người đang sống với lời thề Hippocrates sẽ không thấy cô đơn. Họ được giới thiệu cho thấy rằng lương tâm, vẫn là ánh sáng soi đường giữa dòng đời chằng chịt những mệnh lệnh, thời Sài Gòn phong tỏa.

VĂN VIỆT: GROUP FACEBOOK “GIÚP NHAU MÙA DỊCH” ĐÃ CÓ WEBSITE

Từ FB Nguyễn Ngọc Thanh

clip_image009Kính mong Anh Phan Xuân Trung cho phép em đăng bài này ạ.

Em chân thành Cảm Ơn Anh đã lập nên chương trình Giúp Nhau Mùa Dịch, xin cảm ơn những Vị Y Bác Sĩ, Dược Sĩ, Điều Dưỡng và các Chuyên Gia trong ngành Y đã dành tâm huyết, thời gian để tham gia Tư Vấn Hỗ Trợ Sức Khỏe Miễn Phí cho người dân.

clip_image009[1]Em may mắn được bạn của mình mời vào Group GIÚP NHAU MÙA DỊCH, mỗi ngày thấy có ngày càng nhiều những vị Y Bác Sĩ có tấm lòng nhân ái, và cũng ngày càng nhiều bạn cần được tư vấn.

Để các bạn cần tư vấn dễ dàng tìm thấy thông tin của của những vị Y Bác Sĩ có thể hỗ trợ mình, em mạn phép tạo nên 1 website tổng hợp thông tin và dễ tra cứu là:

http://bacsinhanai.com

- Tại website này, Cô Chú Anh Chị chỉ cần vào mục TÌM Y BÁC SĨ và chọn Chuyên Khoa, sẽ hiện ra Danh Sách Y Bác Sĩ, cùng kênh liên lạc, khung giờ tư vấn.

- Các Vị Y Bác Sĩ giàu lòng nhân ái có thể đưa thông tin liên hệ của mình để Tham Gia Giúp Nhau Mùa Dịch bằng cách: vào mục TÌM Y BÁC SĨ rồi click vào THAM GIA HỖ TRỢ, nhập thông tin và click GỬI THÔNG TIN THAM GIA

Do thời gian gấp gáp mình chỉ mới nhập được 1 số thông tin, mình sẽ tiếp tục nhập thêm thông tin vào website.

clip_image009[2]Có điều gì sơ suất mong các Cô Chú Anh Chị bỏ qua, nếu sai sót thông tin, Cô Chú Anh Chị vui lòng liên hệ Thanh 0906.306.135 hoặc nhắn tin mình qua facebook.

Ngoài ra trang website này còn tổng hợp số điện thoại một số cơ quan y tế Quận Huyện Hỗ trợ thông tin Covic 19.

Mong Cả Nhà May Mắn và Nhiều Sức Khỏe. Xin cảm ơn cả nhà đã đọc bài đăng của em.

NHẬT KÝ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN 1

FB Nguyễn Đình Tuấn

Sau 2-3 ngày tiếp nhận F0 đang quá tải tại các BV Dã Chiến thì mới thấy áp lực lên đôi vai của đội ngũ quản lý vận hành các BV này là thật sự lớn mà dân tình có thấu hiểu đâu? Phần lớn 1 BV đều XD trên các chung cư đang hoàn thiện hay bỏ hoang nên mỗi việc hoàn thiện lại đàng hoàng về điện nước cũng đã vô cùng cực khổ huống chi là xử lý chất thải, rác… và bà con ta thì cứ mặc nhiên và rất vô tư:

1. Thu dung F0 tại CDC quận / huyện chưa có BV Dã Chiến nhận. Tại sao không ai chuyển tui đi: Chửi

2. Vào BV không có wifi: Chửi

3. Mỗi F0 được phát 1 SIM 4G: Các khu căn hộ mới chưa kích sóng kịp: Chửi

4. Các căn hộ đều được thông báo giữ vệ sinh chung…, có nhiều người F0 ở chung 1 phòng nhưng đi Toilet xong là ở luôn trong đó hay giấu khoá…: Chửi

5. Mỗi căn hộ chỉ được chuẩn bị 1 bình đun siêu tốc đã khó khăn lắm rồi và các hệ thống điện nhiều lúc chưa đủ tải mà bà con thì cứ mang cả bếp điện, lò nướng.. quá tải điện gây mất điện: Chửi

6. Phần lớn các chú hậu cần vẫn khuyến kích người nhà mang đồ và vật dụng tiếp tế nhưng cũng phải phân luồng sạch / bẩn và quá nhiều đồ đạc nên nhầm lẫn và chậm trễ: Chửi

7. Đến giờ ăn, bên ngoài tiếp tế mà quá đông các chú hậu cần cũng phải tuần tự phát và phải đảm bảo an toàn vì bản thân các chú cũng sợ bị lây nhiễm chứ: Chửi

8. Không có triệu chứng nhưng tại sao cứ để tui ở đây, không phát thuốc gì cả: Chửi (cái này thì xử lý dễ, cứ cho đại 1 viên Vitamine C là hết chửi)

9. Ở căn hộ nên bỏ hết tất cả những gì gọi là chất thải vào Toilet cho dễ, cầu nghẹt muốn kỹ thuật xử lý thì phải chuyển b/n F0 đi nới khác, khử khuẩn phòng thì kỹ thuật mới dám vào phòng - Sao lâu vậy: Chửi

10. Người ở chung ngủ ngáy to quá, không ngủ được… suy giảm sức khoẻ: Chửi

Vui nhất là CHỬI trên mạng không ai nghe thì cứ đến các khu vực bấm vào nút báo cháy và cả toà nhà náo loạn…

Nói chung thả F0 về nhà thì ai cũng muốn nhưng tuỳ bối cảnh và thời điểm, cũng đừng nên dạy nhà nước cách chống dịch vì F0 VN thời điểm này mà lơi nhơi thì SG lên con số 10.000 ca / ngày chắc chỉ trong vài bữa

Nên F0 muốn về nhà cũng phải theo dõi tập trung có thời gian theo dõi 1 số XN nồng độ virus thấp không lây nhiễm mới dám thả về vì chủng Delta này lây ghê quá mà ở chung F0 với nhau thiếu ý thức kiểu này cũng chỉ làm khổ thêm cho NVYT và lực lượng phục vụ mà thôi

1 khu BV. Dã Chiến 2.000 giường thì phải cần ít nhất 200 người phục vụ và đương nhiên vừa phục vụ chỉ ăn ngủ đã khó huống chi là sinh hoạt và còn phải phòng tránh lây nhiễm cho nhân viên hậu cần… thì áp lực quả là rất lớn

Bà con chửi quá Ai cũng mệt mỏi hết. Vì F0 còn khoẻ nên ở mấy BV này chứ F0 trở nặng chuyển vào hồi sức thì lấy sức đâu mà chửi nhỉ?

Thôi thì bệnh thì có quyền chửi vậy!

clip_image011

NHẬT KÝ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN 2

FB Nguyễn Đình Tuấn

Như vậy là BV. Dã Chiến số 5 (Thuận Kiều Plaza) 1.000 giường sáng hôm nay đã được bàn giao cho Sở XD để giao cho SYT sắp xếp việc quản lý điều hành và sớm chính thức nhận bệnh

Chiều nay BV. Dã Chiến số 10 (03 lô căn hộ D07 - Bình Khánh, Q2) 3.500 giường cũng đã được bàn giao cho Sở y tế và BS. Nguyễn Thanh Vinh - 090 3609888 (Phó giám đốc BV. TMH - Tp. HCM) đã được SYT phân công làm Giám đốc BV. Dã Chiến số 10

Thật sự, chỉ trong 5 ngày để đưa 03 blocks chung cư 506 căn hộ vào vận hành đảm bảo các tiêu chuẩn y tế là điều hoàn toàn không dễ dàng nên chắc chắn không thể đạt chuẩn 5* cho bà con được - Mong bà con lượng thứ!

Trước tình hình quá tải tại các BV. Dã Chiến và số lượng F0 đang còn tồn đọng tại các quận / huyện là khá lớn nên việc SYT mong muốn đưa ngay 3.500 giường này vào nhận bệnh ngay trong tối nay nhưng khó mà khả thi khi mà các công tác hậu cần và an ninh cũng cần phải động bộ với công tác chuyên môn

- Việc phân luồng sạch / bẩn để phòng chống nhiễm khuẩn và đường đi của thức ăn… phòng lây nhiễm chéo: Done

- Điện / nước / thang máy / Xử lý chất thải/ nước thải / Wifi / Trạm kích sóng 4G… Done

- Cần điều động trên 150 chiến sĩ hậu cần từ quân đội hỗ trợ: Done

- Đội ngũ chuyên môn y tế 150 người: BV. TMH sẽ làm đầu mối và hổ trợ từ các BV bạn

- Mỗi căn hộ đều có 1 bình đun siêu tốc: Đã có nhà tài trợ

Việc quan trọng nhất bây giờ là 3.500 cái giường xếp hay ghế bố… thì SYT vẫn chưa có nguồn để mua… nên khi nào có sẽ nhận bệnh được ngay

Bà con ai có ủng hộ giường xếp hay ghế bố… thì có thể liên hệ trực tiếp BS. Anh Thư (TP. KHTH - BV. TMH) - 090 8900369 để được tiếp nhận.

Mọi đóng góp thời điểm này là rất thiết thực để mau chóng giải toà F0 tại các quận / huyện

Trân trọng tấm lòng của bà con

NHẬT KÝ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN 3

FB Nguyễn Đình Tuấn

Do sự quá tải tại các quận / huyện cũng như XD và trang bị quá gấp không đầy đủ của các BV. Dã Chiến nên chắc chắn kg đủ tiện nghi cho người bệnh đã mệt lại càng mệt thêm đâm ra cáu gắt là điều khó tránh khỏi.

Hiện tại có rất nhiều ca F0 mới phát hiện vẫn đang được ở tại nhà và chờ đợi địa phương xử lý tiếp, chưa biết khi nào sẽ vào BV. Dã Chiến nên cần nhất lúc này là các F0 nên tự chuẩn bị 1 số vật dụng cá nhân cần thiết như bên dưới.

Ngoài ra kinh nghiệm cho thấy có 1 số người cũng sốt nhẹ, ho… nên có thể tự mang theo Paracetamol và thuốc ho để có thể tự sử dụng khi có triệu chứng vì nhiều b/n quá đôi lúc NVYT phát thuốc cũng không kịp lại càng cáu gắt hơn.

clip_image013

NGHỊCH LÝ CHỐNG DỊCH

FB Tran Phi Tuan

Dân Sài Gòn hơn 10 triệu người, mỗi ngày bình thường xơi hết 12.000 con heo, nếu tính trung bình mỗi con 100 kí.

Chợ đầu mối Hóc Môn cung cấp khoảng 80% số thịt heo cho dân Sài Gòn, và dân các tỉnh xung quanh cũng lên chợ này mà mua thịt.

2 chợ đầu mối có chức năng tương tự: Bình Điền ở quận 8, nông sản Tam Bình ở Thủ Đức lâm vào cảnh tương tự.

Vậy mà, 3 chợ này bị đóng.

Câu hỏi đặt ra: Vậy thì lúc này đưa hàng về các chợ truyền thống như thế nào?

Như để tiếp lời, các chợ cứ lần lượt “ngưng hoạt động”. Tính cả 3 chợ đầu mối thì tổng cộng có 191 chợ truyền thống đã ngưng (không kể chợ tạm đã đóng trước đó), và chỉ còn 46 chợ còn bán hàng.

Hệ thống chợ và các tiệm tạp hóa, tức kênh bán hàng truyền thống (GT), cung cấp đến 70% hàng hóa bán lẻ cho TP.HCM. 30% còn lại được phân phối qua kênh bán hàng hiện đại (MT), gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại.

Thành phố đã chặt đứt đi 70% năng lực cung ứng hàng hóa để dồn vào 30% còn lại, không quá tải mới là điều lạ, không hết hàng mới là bất thường, giá không tăng mới là hi hữu.

Sự tự tin của không ít người trong đêm trước phong tỏa ngồi ở nhà chê trách dân tình đổ xô đi mua hàng, rằng mai mình đi sẽ “một mình 10 chợ”, một người bao cả siêu thị thịt cá ê hề, rau xanh ngập lối… đã chẳng mấy chốc biến mất.

Chuỗi cung ứng đã bị “dương tính”! Hàng thiếu! Dân xếp hàng, càng ngày càng dài… Ở Bà Rịa, nông dân khóc đỏ mắt tìm người để bán hành chỉ 10k. Ở Sài Gòn, dân đỏ mắt đi tìm 100k không có mà mua!

Các mẹ, các chị tiểu thương người hé cửa lén lút, kẻ ôm rổ rau, mẹt tôm vừa bán vừa canh. Người đi mua cũng ngó nghiêng sợ bị phạt 2 triệu!

Nhìn các chợ bị giăng dây, rào chắn im lìm… mà thấy xót thương!

Đóng chợ đã là điều sai lầm. Đóng luôn quán ăn, vốn dĩ có thể chia lửa cho bao nhiêu gia đình, lại là quyết định khó hiểu. Đóng luôn các lò bánh mì, bánh bao thì không thể hiểu nổi.

Ai đời, dân chuyên thì ngồi ở nhà, dân không chuyên như bưu điện, nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm… này nọ thì lại đi bán rau.

Tiểu thương rành sáu câu về bán chợ, vỉa hè, lề đường thì bị cấm, lôi xềnh xệch về phường như tội đồ, còn mấy anh máy lạnh bày rau củ quả ra vỉa hè bán thì lại được phong anh hùng giải cứu.

Chuyện bao tử của hơn 10 triệu dân Sài Gòn phồn vinh bị thách thức, chưa nói đến những sang chấn tinh thần của biết bao người đang trong khu cách li, phong tỏa…

Nó rối như vừa ăn canh hẹ vừa học triết học kiểu “tư bản ko thể xuất hiện từ lưu thông và cũng ko thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời ko phải trong lưu thông” vậy.

Có rất nhiều sự khó hiểu như vậy trong thời gian qua, như những cuộc đổ xô đi tiêm vắc xin, đổ xô đi xét nghiệm, đổ xô đi mua hàng, đổ xô trình giấy thông hành, đổ xô đi tỉnh đón đưa về… đụng đâu cũng thấy rối, đổ chỗ này, xô chỗ kia…

Những lúc như thế này lại càng nhớ giai thoại ông Sáu Dân hôm triệu tập ông Lữ Minh Châu, bà Ba Thi, ông Năm Ẩn họp, rồi tuyên bố: “Hôm nay, tất cả các anh, chị ngồi đây phải nghĩ kế để làm cho dân thoát đói. Ai không có kế thì tôi không cho về. Tôi sẽ nhốt ở đây...”

Cùng tắc biến, biến tắc thông, một “tổ buôn lậu gạo” do chính quyền thành lập đã ra đời, và dân Sài Gòn thoát được cơn đói vào năm 1979.

Đổi Mới từ 1986 đến nay… cũng đã quá lâu rồi!

Phép thử nhà nước phân phối hàng hóa, lương thực thực phẩm đã là bài học thương đau thời bao cấp, và công cuộc đổi mới đã đưa nền kinh tế “hướng đến” thị trường trong mấy chục năm qua. Ai có thể mua hàng tận gốc, phân phối đến tận ngọn một cách nhanh chóng, thuận tiện như bấy lâu này giỏi hơn các thương nhân, doanh nghiệp?

Giờ thật khó mà trông chờ vào Sở Công thương và Quản lý thị trường.

Thôi đành khen ai văn hay chữ tốt đã nghĩ ra 3 tại chỗ, 2 địa điểm, 1 cung đường nghe rất chi là văn, rất chi là thơ vậy!

Đã lâu rồi, người ta ít nhắc tới từ technocracy - kỹ trị quá.

clip_image015

ÔNG BÁCH HOÁ XANH!

FB Nguyễn Tiến Tường

Một người phụ nữ chân chất một ngày đẹp trời lai chym nghiến răng nói: Cả đời tui chưa bao giờ lai chym nhưng phải làm. Dứt lời, chị đưa lên một nhúm rau răm kiểu “rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” của BHX kèm cái bill, giá: 14k!

Sau khi tôi đăng nhẹ cái tút, bà con cô bác comment một loạt hoá đơn dưới đây. Rau củ vào BHX đều mang giá của sơn hào hải vị, sâm quế ngọc châu cả.

Nói hơi quá, trong mùa dịch người ta chưa chắc đã tăng giá mai thuý cho dân đâm kim. Ông BHX hành xử chẳng còn tí nước cặn lòng nhân nào. Trong nghịch cảnh này mà nâng giá ép thị dân thì các ông ác còn hơn giặc.

Giữa mùa dịch mà ông cắt cổ tới mức dân tình khóc thét, quản lý thị trường phải đi kiểm tra ông. Chưa nói sai hay đúng, tôi thấy hình ảnh đó chán các ông tới tận từng tế bào cảm xúc.

Ông Trần Kinh Doanh, TGĐ BHX nói do nguồn cung ít và cầu nhiều gây áp lực. Ông có thấy ngoài phố, một người dân áo trắng tay trơn bỏ qua cái nghèo tặng rau cho đồng bào không? Ông có thấy đồng bào cả nước góp từng trái bầu trái bí vì nhau không? Từng xe tải chở về thành phố nữa, họ tìm nguồn cung ở đâu? Ông có thấy hổ thẹn không?

Ông lại bảo sẽ cho kiểm tra, cửa hàng nào nâng giá thì xử lý. Thưa ông, cửa hàng bán thì cầm khẩu súng bắn lên mã, số liệu về tổng, họ tự nâng giá ăn gian được với nhà ông hay sao mà đổ thừa cho nhân viên hệ thống? Nói dối không biết mắc cỡ!

Mấy ông chơi vậy rồi thú nào chơi với mấy ông? Đồ Thạch Sùng có mã vạch!

clip_image017

clip_image019clip_image021

VẪN CHUYỆN BÁCH HOÁ XANH

FB Nguyễn Tiến Tường

Anh Minh Râu, một người đàn ông bán rau xăm mình đang truyền cảm hứng ở Sài Gòn. Anh bán rau muống với giá 5k/bó. Ai mua tự bỏ tiền vào hộc, ai xin tự lấy không trả tiền. Anh Minh Râu không liên quan đến BHX, anh sẽ trở lại cuối bài viết.

………

BHX là mảng kinh doanh chiến lược của Thế Giới Di Động. Nó là những cái chợ máy lạnh thu nhỏ tấn công vào thói quen đi chợ truyền thống của thị dân.

Chợ truyền thống bị cấm, BHX hưởng lợi đầu tiên. Thế Giới Di Động ngưng trệ do đại dịch nhưng cổ phiếu Thế Giới Di Động tăng nhờ BHX.

Ngày 14/7, Tuổi Trẻ ghi nhận giá của BHX: Rau muống hạt baby tươi bán ra đã lên tới hơn 50.000 đồng/kg; xà lách búp mỡ 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 60.000 đồng/kg...

BigC của người Thái, người Thái bán cho người Việt giá bí 17.900 đồng/kg. BHX của người Việt, người Việt bán cho người Việt 55.000 đồng/kg.

Lũ lượt người tiêu dùng khóc thét vì giá của BHX, báo chí vào cuộc giật những cái tít rất kêu: “BHX bị tố”, “BHX nâng giá”… nhưng trộm long tráo phụng, xanh vỏ đỏ lòng. Trong ruột các bài báo đăng theo thông cáo, bào chữa ngầm cho BHX với thông điệp BHX tăng giá bị động.

Quản lý thị trường chỉ kiểm tra một cửa hàng tại Thủ Đức, cờ dong trống mở báo chí đi kèm. Kiểm tra mà ông TGĐ BHX đã chầu sẵn ở đó khóc kể với đoàn và báo chí.

Kiểm tra xong thì kết luận không có dấu hiệu bán sai giá niêm yết. Một cuộc kiểm tra chóng vánh chưa tới nửa giờ đồng hồ xong nói kiểu như không nói. Vậy còn hoá đơn của hàng loạt người tiêu dùng dùng để làm gì mà phải cầm rau cầm thịt lên chằm hăm dòm?

QLTT và báo chí ghé BHX xong chuyện lớn thành chuyện nhỏ chuyện nhỏ thành chuyện không có gì. Chuyện cắt cổ dân kiếm lời thành chuyện dao chém bùn bâng quơ như chưa từng có. Thật quá lợi hại!

…………….

Anh Minh Râu, người đàn ông chất phác đầu bài viết được bạn bè rủ “áp phe” rau, ngày kiếm tiền triệu. Cá nhân áp phe rau kiếm tiền triệu thì một hệ thống được tự do làm ăn trong bối cảnh chợ bị cấm kiếm bao nhiêu chắc không tính nổi.

Nhưng anh Minh Râu lắc đầu từ chối bạn và nói: “Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này”.

Xin dành tặng câu nói này cho BHX và đồng đẳng vậy!

KIẾM TIỀN CẢ ĐỜI CHỨ ĐÂU PHẢI CHỈ MÙA DỊCH NÀY ĐÂU, BÁN GIÁ VỪA PHẢI THÔI

FB Sài Gòn Review

Gần một năm trước, mình có biên 1 note về chuyện anh Minh Râu bán rau ngầu lòi. Giờ anh vẫn bán rau, vẫn ngầu lòi. Và sự dễ thương của anh, may mắn thay, không hề dừng lại, thậm chí còn cute lạc lối hơn nhiều.

Mùa dịch, giá rau củ đẩy cao, khi bạn anh kiếm 5 -10 triệu mỗi ngày, nhắn bảo anh “mày n..gu lắm”, thì anh, vẫn với đặc sản sai chính tả có 102, bảo bạn anh là: “kiếm tiền cả đời mà trứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu” và còn dặn bạn “bán giá vừa thôi”.

Vào cái mùa bất an, cần nhiều anh Minh Râu bán rau như này lắm lắm. Không chỉ vì thiếu rau, mà vì mọi người cần thêm nhiều niềm vui, sự tích cực dễ thương, sự rộng lòng, hào hiệp, thêm những vẻ đẹp theo một phiên bản mới lạ mà dung dị đời thường.

Mà các đồng chí làm content, có khi cũng phải học tập anh nhiều đấy. Anh bán rau theo cách không giống ai, mà cũng chẳng ai giống nổi anh, sáng tạo, đáng yêu, lại còn bắt trend khủng khiếp nữa chứ.

©: Nguyễn Thủy

clip_image023

clip_image025

clip_image027

clip_image029

clip_image031

clip_image033

clip_image035

HƯỚNG VỀ SÀI GÒN

Tổng Giáo phận Sài Gòn

Ngày 18/7/2021, Giáo dân giáo xứ Hiệp Đức, Giáo phận Phan Thiết cùng Cộng đoàn các Sơ Dòng Thánh Phao-lô đã tổ chức gom một số hàng quà "Hướng về Sài Gòn", để được cùng hiệp thông và chia sẻ tình yêu thương! Tuy là những hàng quà đơn sơ cây nhà lá vườn, đặc sản thanh long Phan Thiết, gói đầy những ý nghĩa thiết tha tình liên đới.

Đoàn xe đã chuyển hàng đến Văn phòng Hội Đồng Giám mục Việt Nam và một số giáo xứ trong TGP Sài Gòn.

NGÀY GIÃN CÁCH THỨ 9

17.7.2021

FB Dona Đỗ Ngọc

* Đang ở tiệm thuốc Tây gần nhà mua vài thứ, một người đàn ông chừng 40 trông gầy gò, thiểu não lại gần ngượng ngùng nói với tôi: “Chị ơi, xin chị cho em 6 ngàn đồng để em mua 2 ổ bánh mì. Mấy ngày nay em hết tiền. Em đói.” Tôi trố mắt nhìn anh, sao lại xin đúng 6 ngàn? Anh nói “Em làm bảo vệ công trường, giờ đóng cửa em ở lại ko xong, về quê ko được. Em ko còn tiền để ăn”. Vừa dứt câu, anh đưa tay quệt nước mắt. Những giọt nước mắt buồn tủi ngượng ngùng. Tôi móc trong túi còn ít tiền dúi cho anh, rồi bảo anh đứng đợi, tôi về nhà lấy túi gạo mang đến cho anh. Anh mừng rỡ, dạ em đợi chị. 5 phút sau tôi quay lại đưa cho anh túi gạo 5kg, anh cảm ơn: “Chỗ gạo này giúp em no được 10 ngày đó chị”. Tôi đứng nhìn theo anh đi một quãng xa, bước chân dường như bớt nặng. Tôi về nhà, lòng buồn ghê gớm. Câu “ko ai bị bỏ rơi” giờ nặng trĩu.

* Ko chỉ những người lang thang cơ nhỡ, giờ những người thiếu ăn, cần sự giúp đỡ trông rất tươm tất, có khi đi xe tay ga. Họ là nhân viên văn phòng, người buôn bán vặt, gia đình công nhân, mất việc, công ty đóng cửa, ko tiền trả nhà trọ, điện nước, lấy đâu tiền ăn trong vài tháng ở ko? Tất cả họ đều ngượng ngùng khi nhận những hộp cơm từ thiện qua bữa. Nên đừng ai hạch hỏi “sơn móng tay, đi xe tay ga mà xin cơm”… Có người nói với tôi “Một phần cơm 30 ngàn đồng thì xin cho em 2kg gạo, em ăn được mấy ngày”. Từ thực tế, chúng tôi thấy: tặng bà con 5 hay 10kg gạo kèm 1 chai dầu ăn, 1 chai nước mắm hay nước tương, gói đậu phộng hay khô cá… cơ bản vậy cũng giúp, phụ người khó khăn cầm cự được một tuần.

* Thêm 200kg gạo đặt mua đã được chở đến nhà tôi chiều nay, từ tấm lòng của vài bạn bè, có người tôi chưa hề gặp, để chia sẻ với người khó khăn. Đã định là ko đi đâu nữa, vì tình hình dịch ngày càng căng thẳng, vậy mà nhìn những bàn tay, vẻ mặt mừng rỡ khi đón nhận năm, mười kg gạo của người lao động nghèo, tôi lại ko cầm lòng được. Tôi sẽ chở gạo đến góp tiếp cho chương trình Vòng Tay Việt và trao tận tay những người gom rác, người nghèo ở những con hẻm còn chưa bị giăng dây lân cận. “Cách cho/nhận” cũng lạ đời, đứng cách nhau ba, bốn mét, đặt bao gạo/thực phẩm xuống đất, người nhận bước đến cầm lên với một nụ cười và lời cảm ơn. Thế thôi.

* Cảm ơn Thanh Hương, cảm ơn Huynh Nhi và cảm ơn Ngọc Hiền.

clip_image037

TRONG TÂM DỊCH SÀI GÒN: MỖI TỐI, CÚN CON NGÓNG ÔNG CHỦ ĐI CỨU TRỢ VỀ...

FB Hoàng Nguyên Vũ

Tôi thi thoảng ngồi với Văn ở một quán cafe cóc bên bờ kè đường Hoàng Sa, nhìn ra sông Nhiêu Lộc. Văn gọi dòng sông nhỏ này là "sông Seine", vì muốn bạn bè nhớ về Sài Gòn là nhớ những gì lãng mạn, nhẹ nhàng thay vì sôi động nhưng không kém phần chật chội như nó vốn có.

Tính Văn vốn tự do, thoải mái, ngồi nhà Văn không chịu nổi, nên lúc nào cũng trong tâm thế ra đường chơi. Nhất là khi Văn ở đây có một mình. Anh có một gia đình nhỏ ở Đức, vợ cùng 2 con gái và 1 cậu con trai 10 tuổi, đã lâu rồi dịch bệnh, anh không về Đức được. Trong khi ở đây, cũng có khá nhiều công việc anh phải hoàn thành.

Thế nhưng 2 tháng trước, Sài Gòn giãn cách xã hội. Những chiều tụ tập bên "sông Seine" là điều không thể, đó là những ngày rất khổ sở với một tính cách như Văn.

Lang thang trên mạng, vào group chó mèo, Văn thấy một chú cún nhỏ thó, lông trắng mũi đỏ, giống chó ta. Người ta kỵ chó trắng mũi đỏ, nên mãi không ai đón bé, người chủ định thả. Đúng lúc đó, Văn đón bé về, một phần xem như có thêm bạn khi ở nhà một mình.

Khi nhìn thấy bé cún, các con của Văn rất vui. Các cháu đặt tên cho cún là Tofu.(Đậu hũ)

Tofu khôn lắm, rất tình cảm và quấn chủ. Thế nhưng, cũng thiệt thòi cho Tofu, hơn 1 tháng qua, thường xuyên phải ở nhà một mình.

----------------

Khi Sài Gòn đi vào đợt giãn cách kéo dài sau 15 ngày đầu, Văn và một số bạn bè bắt đầu đấu giá những thứ mình đang sở hữu để ủng hộ gạo cho bà con nghèo. Một sim điện thoại số đẹp, một cái áo có chữ ký của các tuyển thủ Việt Nam (Văn hiện làm đại diện cho một số cầu thủ như Quang Hải, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh, Tiến Dụng...), tất cả được quy thành gạo cho bà con vùng dịch.

Lúc đầu chỉ là gạo, nhưng sau đó, chứng kiến nhiều gia cảnh thiếu thốn, thậm chí khốn đốn vì dịch bệnh, Văn tiếp tục quyên góp. Sau gạo là những suất cơm, là các thùng mì, là rau, và bây giờ là những chiếc máy thở cho bệnh nhân nặng..., cứ thế, một mình Văn vượt dịch bệnh lái xe đi cứu trợ.

Văn bảo rằng, đời Văn ít khi phải khóc, chắc chỉ vài lần. Là lần sinh nhật con gái tròn 18 tuổi mà anh không về được. Và lần này, chứng kiến cái nghèo khổ của bà con cơ nhỡ, những người tứ cố vô thân trong mùa dịch bệnh kéo dài ở cái thành phố hoa lệ này...

Đó cũng là lý do để anh phải tiếp tục làm, tiếp tục những chuyến cứu trợ thay vì lúc đầu chỉ là những chuyến chở gạo.

Đã hơn 1 tháng nay, cứ sáng là Văn đi, tối mịt mới về. Một mình anh lặng lẽ trong đại dịch Sài Gòn, lúc thì đi phát mì, lúc thì phát cơm, lúc thì phát rau, lúc thì đi trao máy thở. Cứ mỗi ngày mỗi ngày như thế, không ngơi nghỉ, để góp một phần cho người Sài Gòn đỡ hơn trong thời khắc khó khăn chồng khó khăn như thế.

Mỗi sáng, Văn thay nước và đồ ăn cho Tofu. Khi anh bước ra cửa, nó ngóng theo từ ô cửa kính nhìn chủ đi và khi tối mịt, nó ngồi mong ngóng. Đến mức nó hoàn toàn hiểu cái lịch trình mỗi ngày, nên cứ sáng, cu cậu nằm buồn thẫn thờ. Nhưng, cũng đành phải tạm biệt nhau hằng ngày như thế, rồi cũng thành quen.

Hơn 1 tháng trôi qua, một ngày Văn nhìn thấy Tofu đã lớn. Ông chủ lướt qua nó mỗi ngày nhanh đến mức không biết nó lớn từng ngày...Ở một góc nhìn nào đó, cũng là sự hy sinh của Tofu, bên cạnh sự thiện tâm của Văn, cho thành phố mà anh hiện đang là một khách trọ.

Sau này bạn hỏi tôi về những điều đáng nhớ về Sài Gòn trong cơn đại dịch khốc liệt và mỏi mệt này, hẳn tôi sẽ nhớ một số hình ảnh đẹp. Hình ảnh con chó trắng nhìn theo Văn mỗi sáng trước mỗi chuyến cứu trợ, hẳn sẽ là một hình ảnh khó có thể quên khi nghĩ về bạn bè, về Sài Gòn thân thương.

Chắc chắn những ngày này sẽ sớm qua, tôi sẽ lại thấy Văn dắt theo Tofu ra phố và cùng ngồi ngắm “sông Seine” bình yên chảy giữa lòng Sài Gòn sống động.

Cảm ơn Nguyễn Đắc Văn cảm ơn những gì tốt đẹp anh đã làm cho Sài Gòn của chúng ta những ngày tháng không quên này!

clip_image039

ĐẠO LÝ ĐƠN GIẢN CỦA NGƯỜI SÀI GÒN: ĐỦ THÌ NHƯỜNG VÀ BIẾT NÓI CÁM ƠN

FB Hoang Linh

clip_image041