Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Hồi ức sông Ngàn Trươi

Nguyễn Minh Kính

Ai xa quê hương lâu ngày đều có những giờ phút sống dậy những kỷ niệm tuổi thơ. Con sông Ngàn Trươi quê tôi làm tôi vẫn mãi thao thức trong từng giấc ngủ.

Mỗi dòng sông dù là đại trường giang cũng đều do những con sông nhỏ hợp lại mà  thành. Những mội nước, mạch nước nhỏ rí rách âm thầm lặng lẽ trong chân núi rừng Trường Sơn tạo thành những dòng suối nhỏ. Dòng suối nhỏ hội tụ với nhau sinh ra những con hói. Hói Trí, hói Trùng, hói Bượm, hói Mân và nhiều con hói khác nữa ở quê tôi đã tạo ra dòng sông Ngàn Trươi.

Ngàn Trươi hay còn gọi là sông Nậm Trươi. Cái tên Ngàn Trươi có lẽ có từ thuở xa xưa khi những cư dân đầu tiên đặt chân đến phá núi khai sơn lập nghiệp. Không biết ai đã đặt cái tên Ngàn Trươi cho nó. Gọi tiếng “ngàn” ai cũng biết, “Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây” (Kiều), rồi ngày xưa cụ Lê Quát ra kinh thành tiễn bạn đi sứ đã ứng tác mấy câu thơ:

Đường trạm ba ngàn anh ruỗi ngựa,

Mười hai cửa bể tớ về ngàn,

Kẻ đi sứ Bắc người mây nước,

Anh được công danh tớ được nhàn

Ngàn là núi là rừng, là chỗ vực sâu rừng thẳm, còn Trươi là gì? Đại từ điển tiếng Việt không có chữ Trươi, từ điển các loài cây cũng không có chữ Trươi. Quê tôi có một loài cây cổ thụ, tiếng địa phương gọi là cây ươi hay cây trươi, quả dài giống quả bồ kết dùng gội đầu, nhưng to, tròn mọng, lúc chín có màu đỏ rất đẹp, hạt có màu đen, tròn, nằm xếp lớp giống quả bồ kết. Tôi nghĩ, hay Ngàn Trươi là vùng đại ngàn có nhiều cây ươi, nói trại đi, biến âm thành trươi. Lục tìm lại trong trí nhớ, truy cập lịch sử địa danh cũng khó mà lý giải tên gọi của nó. Thôi thì, Ngàn Trươi là Ngàn Trươi. Con người có thể trùng tên nhau, trùng cả tên cả họ. Địa danh cũng có thể trùng tên khắp mọi miền đất nước. Nhưng có lẽ Ngàn Trươi là Ngàn Trươi, có một không hai.

Ngàn Trươi đã ấp ủ trong tim tôi.

Ngàn Trươi sống chung tình, chung thủy với núi rừng trùng điệp từ ngàn đời nay. Không biết phấn son trang điểm, biết phận mình nhỏ nhoi, yếu đuối, không dám ngắm nhìn biển cả bao la, Ngàn Trươi lặng lẽ ẩn mình, chậm rãi, chảy qua nhiều chân núi và rừng rậm quanh co, qua các làng xã Hương Quang, Hương Điền, Hương Đại, Hương Minh, Hương Thọ, huyện Hương Khê, gặp sông Ngàn Sâu, xuôi dòng hợp với sông Ngàn Phố huyện Hương Sơn, tạo thành dòng sông La ở địa phận huyện Đức Thọ, rồi hợp lưu với sông Lam phía Nghệ An trước khi chảy ra cửa biển tiếp giáp hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tuy vậy sông Ngàn Trươi dài đến sáu mươi hai cây số, cũng có chút tự hào, kiêu hãnh nhưng còn vẻ e ấp rằng nó đã dài hơn cả bề ngang đất nước nơi nó sinh ra từ biên giới nước bạn Lào đến Biển Đông. Trước khi theo chân nhập với đàn chị đàn anh về với biển cả, Ngàn Trươi đã hiến dâng những gì quý giá nhất mà nó có cho dân cư sống hai bên bờ.  Mùa Xuân, mùa Hè, sông Ngàn Trươi nước trong xanh, màu xanh của lúa khoai nương rẫy, màu xanh của núi rừng, là không gian nô đùa, bơi lội, lặn hụp của lũ trẻ thơ, mùa mưa nó hờn dỗi, vùng vằng, giận dữ, hét la những cơn đau đẻ bồi đắp phù sa cho những thửa ruộng bậc thang hai bên bờ, cho lúa ngô khoai sắn tốt tươi. Ngàn Trươi biết phận mình sinh ra ở vùng đất nghèo, nên chịu thương chịu khó, sống hết mình với quê hương. Trên đường đi, trước khi nhập với đàn anh, đàn chị, nó còn dùng dằng tạo ra những vực sâu nhiều tôm cá cho dân cư sống hai bên bờ.  Sông Ngàn Trươi hiểm trở, chảy len lỏi quanh co trong núi rừng trùng điệp, vách đá cheo leo. Thượng nguồn sông Ngàn Trươi trước đây là cứ địa chống Pháp hơn mười năm của nhà chí sĩ yêu nước, cụ Phan Đình Phùng.

Cư dân dọc sông Ngàn Trươi quê tôi đều từ miền xuôi đến lập nghiệp có lẽ đã bao nhiêu đời rồi do nhiều hoàn cảnh khác nhau, loạn lạc, chiến tranh hoặc di dân lập nghiệp. Thời buổi đầu, cư dân đến lập nghiệp chưa có kinh nghiệm. Họ dựng nhà ở, canh tác dọc bờ sông nên đã phải hứng chịu nhiều tai ương lũ lụt. Dòng sông chảy quanh co khúc khuỷu dưới chân những ngọn núi. Nghe cha tôi kể trận lụt Giáp Tuất 1934 thật khủng khiếp.

Mưa to, mưa như trút. Nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh vào ban đêm  làm dân hai bên bờ ở những vùng thấp trở tay không kịp. Năm đó cha tôi mười chín tuổi, đã suýt chết. Gia đình ông bà nội tôi ở vùng thấp gần bờ sông. Lợn gà, gia súc, lương thực, vật dụng đã di chuyển từng đợt đến vùng cao. Cha tôi và dượng Cầm, người giúp việc trong gia đình trở lại nhà dọn dẹp để đi chuyến sau cùng. Ban đêm nước dâng lên rất nhanh không xoay xở kịp mà nước lại chảy xiết, hai người phải trèo lên cây dầu để tránh và chịu mưa lũ qua một đêm. Sáng hôm sau, một con thuyền từ thượng nguồn về xuôi thấy hai người đang ngồi trên cây dầu mới ghé lại đưa vào bờ. Nghe cha kể lại, ngồi trên cây dầu thấy những căn nhà trôi trong đêm tối còn ánh lửa sáng chập chờn, bỗng chốc mất hút trong vực xoáy dưới chân núi. Sau những trận mưa to, mưa như trút, hạ nguồn còn đói nước nên dòng nước là thác lũ, chảy xiết, khi qua mỗi khúc quanh chân núi nghe tiếng ầm ào, gầm réo, hung dữ như muốn xé toang cả chân núi. Khi hạ nguồn không còn đói nước nữa thì dòng sông bớt phần hung dữ, thuyền bè xuôi dòng có phần dễ dàng và an toàn hơn.

Trận lụt năm đó có nhiều người chết. Bác tôi, ông Nguyễn Đình Giá, tục gọi là ông Kiểm Đậu do có một thời làm Hương Kiểm, huy động thanh niên trai tráng trong làng đi dọc bờ sông lượm xác người chết để chôn cất. Những ngôi mộ vô danh của những người bị chết đuối trong trận lụt Giáp Tuất thời đó vẫn được dân làng quê tôi chăm sóc trong những ngày tảo mộ cuối năm đón tết Âm Lịch. Ở đâu có dòng sông trôi chảy, sông đi qua thì ở đó có cư dân hội tụ làm ăn, sinh sống. Sông nước và con người như hình với bóng. Lũ lụt tai ương là quy luật của Trời Đất, của tạo hóa. Chỉ vì con người chưa hiểu hết quy luật của Trời Đất nên mới phải hứng chịu tai ương mà thôi.

Quê tôi là miền núi, một vùng thung lũng lọt thỏm giữa các chân núi của rừng Trường Sơn, ngoài những con đường đi bộ quanh co chật hẹp, vách đá cheo leo thì sông Ngàn Trươi là huyết mạch giao thông để về miền xuôi. Muốn đi bộ về miền xuôi ở huyện Đức Thọ phải đi qua những con truông. Ở thượng nguồn có truông Cau, hạ nguồn tại xã Hương Thọ có truông Cai, muốn ra đường xe lửa phải đi qua một đoạn đường khá dài dưới chân núi toàn đá tai mèo mà phía dưới là vực sâu của sông Ngàn Trươi.

Đi qua truông, qua những vùng hiểm trở đá tai mèo, ít khi người ta đi một mình mà phải có bạn. Dân quê tôi hiền hòa, không có chuyện cướp bóc giết người khi qua những con truông, nhưng lại có thú dữ. Ban đêm cọp trong rừng về làng bắt gia súc, bắt cả người nữa. Năm 1955, sau khi hết chiến tranh chống Pháp, quê tôi thiếu lương thực, đói kém, dân chúng khổ sở, phải ăn rau má rau lang thay cơm. Rau lang cũng không đủ để ăn. Khoai lang, củ chỉ mới bằng ngón tay, dân đã phải đào lên rửa sạch, luộc chín rồi xéo nát, đơm vào từng chén chia nhau. Dân quê tôi gọi đó là ăn khoai xéo. Tháng Ba giáp hạt, những quả cà còn non trên nương rẫy dọc bờ sông Ngàn Trươi cũng bị hái trộm. Có một người vì đói quá, hái trộm cà trong đêm bị cọp bắt, sáng ra dân làng phải theo vết đi tìm xác. Dân quê tôi gọi con cọp là con khái. Những lúc cọp về làng bắt gia súc trong đêm một nơi nào đó, người ta thường đánh cồng, đánh mõ vang lên để báo động chỗ này truyền sang chỗ kia. Cọp hung dữ, khỏe, tấn công trực diện gia súc, nhưng với người chúng lại sợ, chỉ rình rập để vồ mà thôi. Có lần chuồng trâu bò nhà tôi phát ra tiếng động bất thường lúc nửa đêm, cha tôi vội vàng cầm cây mác nhọn cùng một con chó chay ra. Sáng ngủ dậy ra xem thấy dấu chân cọp mới biết cọp đã về làng trong đêm để bắt gia súc. Thung lũng, địa hình hiểm trở xa đồng bằng, xa nơi đô hội, quê tôi lại chính là An Toàn Khu trong kháng chiến chống Pháp mà ngưới ta thường gọi tắt là A-tê-ca (ATK). Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Hói Trùng thuộc xã hương Thọ, huyện Hương Khê, nay là huyện Vũ Quang là một trong những An Toàn Khu kháng chiến.

Dân quê tôi sống bằng hai nghề chính, trồng trọt trên nương rẫy, trên những thửa ruộng bậc thang và khai thác lâm sản vào những lúc rảnh rỗi xong mùa màng. Những năm của thập niên 1950 trở về trước, vùng Ngàn Trươi chỉ có một ngôi chợ miền núi đơn sơ gọi là Chợ Quánh, mà dân quê tôi lại phát âm thành chợ Quánh. Tục ngữ có câu, “tháng bảy lụt ta, tháng ba lụt Lào”. Rừng Trường Sơn chắn gió Tây-Nam nên tháng Ba Âm lịch quê tôi nắng nóng, đất khô cằn, không có lấy một ngọn gió mang hơi nước  thổi qua. Có lẽ vì vùng đất khô cằn nên người xưa mới đặt cái tên chợ là “Quánh” chăng?

Thời đó chợ Quánh Ngàn Trươi chỉ họp mỗi tháng sáu phiên vào buổi sáng ngày Mồng Một, Mồng Sáu, Mười Một, Mười Sáu, Hăm Mốt và Hăm Sáu Âm lịch. Chợ không có sạp để hàng hóa. Thật ra là có chứ không phải không có. Sạp là những túp lều nhỏ, mỗi túp lều có bốn cây cột bằng tre thấp lè tè, mái lợp bằng lá cọ mà dân quê tôi gọi là lá tro. Hàng hóa để trong rổ, rá, thúng, mủng bày trên mặt đất. Hàng hóa là những bó rau, quả cà, cam, chanh, mướp…  Gà, người ta không làm thịt sẵn mà chủ yếu mua về để nuôi gầy giống, cả gà con mới nhú đuôi tôm lẫn gà giò. Thời đó chưa có thịt heo công nghiệp. Dân quê tôi chỉ nuôi heo cỏ, heo mọi, nếu cân hơi, mỗi con chỉ nặng chừng ba, bốn chục ki-lô. Cả phiên chợ nhiều lắm cũng chỉ chừng vài ba con heo được giết thịt bán. Thịt heo được xẻ cắt ra từng miếng khoảng một ki-lô đổ lại để trên lá chuối, đặt trong một cái nia đan bằng tre nằm trên mặt đất. Nói đến cái nia, cái nong, lớp trẻ bây giờ chẳng biết là cái gì. Nia hay nong đều được đan bằng tre kết lại thành hình tròn dùng đựng sản phẩm của nhà nông để phơi. Cái nong to hơn cái nia. Cái nong khi đã có sản vật đặt phơi trong đó, phải có hai người mới có thể bưng được. Ca dao có câu ví, “Chồng còng mà lấy vợ còng/ nằm phản thì chật nằm nong thì vừa” là thế. Trong các phiên chợ, người ta cũng bán các sản phẩm đan lát thủ công bằng mây, tre như rổ, rá, thúng, mủng… Cái rổ, dân quê tôi lại gọi bằng cái cạu. Nghe lạ tai thật. Tôi chưa hề nghe nơi đâu lại gọi cái rổ là cái cạu như quê tôi bao giờ. Cái thúng, cái mủng, người ta biết và có thể được nghe nhiều, nhưng không chắc lớp trẻ bây giờ đã biết tường tận. Cái thúng đan bằng tre, miệng hình tròn, sâu, hình dáng thô kệch dùng đựng thóc, ngô, khoai… không mỹ thuật bằng cái mủng, tuy rằng hình dạng của chúng đều giống nhau. Ca dao lại có câu đố vui, “Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu/ bên ta thì có bên Tàu thì không”. Câu trả lời, đó là cái váy, mà dân quê tôi lại kêu bằng cái mấn.

Chợ Quánh cũng có vài ba người bán hàng xén. Hàng hóa là kim chỉ, giấy bút, mực… do những người buôn bán từ miền xuôi đem lên bằng những con đò dọc theo sông Ngàn Trươi. Những người buôn vùng huyện Đức Thọ thường dùng đò dọc chuyên chở sản vật ở quê tôi về xuôi và hàng hóa của họ từ vùng đồng bằng lên. Sông Ngàn Trươi hẹp,  quanh co, không trôi êm đềm như sông vùng đồng bằng nên người ta vừa dùng chèo vừa dùng cả sào chống để đẩy đò đi. Đò về xuôi thì dùng chèo, ngược dòng thì dùng sào. Hình ảnh người chống sào đẩy đò dọc, ngược dòng sông Ngàn Trươi đôi lúc lại hiện về trong trí nhớ của tôi. Nó không thư thả, trầm ngâm như trong câu thơ xứ Huế, “Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”, mà vất vả nặng nhọc lắm. Họ đứng hai bên mạn đò phía trước, đưa một đầu cây sào xuống tận đáy sông làm điểm tựa, lấy sức tay chân và toàn thân giữ sào thật chắc, ghì cây sào thật mạnh đang bám dưới đáy sông, xoay người bước những bước đi dài một cách nặng nhọc về phía sau đến tận cuối con đò để con đò trườn ngược chiều dòng nước, rồi lại vội vàng đi về mũi đò làm lại động tác đó. Cứ như thế liên tục, miệt mài đưa con đò ngược dòng sông.  Nếu chậm trễ, đò sẽ trôi lùi trở lại. Những người chèo đò, chống đò xuôi ngược sông Ngàn Trươi phải là những người đàn ông trai tráng “ăn no vác nặng”, khỏe mạnh lắm mới có thể làm nổi, chứ tuyệt nhiên không có đàn bà con gái. Bởi thế, những câu hò ví dặm trong lúc chèo thuyền đò trên sông như,

Ngày ấy… ơ… bên bờ sông La

Anh nghe câu hò… ví dặm

Để… một đời anh đi xa

Để… một đời anh nhớ mãi… ơ…” không bao giờ nghe được trên sông  Ngàn Trươi quê tôi.

Ngày nay đất nước đã đổi thay. Thượng nguồn sông Ngàn Trươi có Vườn Quốc Gia Vũ Quang, khu du lịch sinh thái, có đài tưởng niệm di tích lịch sử chống Pháp của cụ Phan Đình Phùng, có đập thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang ở đầu nguồn đem nước về đồng bằng huyện Đức Thọ, có đường nhựa Trường Sơn nối hai miền Nam Bắc đi qua. Vật đổi sao dời, bãi bể nương dâu, mọi sự mọi vật sẽ biến dịch theo thời gian. Dẫu biết thế mà sao hình ảnh Ngàn Trươi xưa cũ vẫn xốn xang, thổn thức mãi trong từng giấc ngủ của tôi.

06-06-2021