Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 23)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Quyết định số 05 ngày 15 tháng 01 năm 1991

clip_image002

Quyết định số 05 ngày 15 tháng 01 năm 1991 ban hành

“Quy định về tổ chức bộ máy...”

Quyết định 303 cùng với chủ trương “điều chỉnh đất” đã cấp theo “bình quân nhân khẩu”, trả máy móc mà các tập đoàn sản xuất đã “hóa giá nhưng chưa trả tiền” cho nông dân là một sáng tạo của Bí thư và Tỉnh ủy An Giang nhằm lách Chỉ thị 47 của Ban Bí thư là “Bảo vệ thành quả trang trải ruộng đất và cải tạo nông nghiệp”.

Quyết định 303/QĐ-UB của tỉnh ra đời nhằm hướng dẫn thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy khá cụ thể: Đất đang nhận khoán giữ y; nhưng nếu có xảy ra tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới thì lãnh đạo cho hai bên thỏa thuận với nhau; nếu chủ mới đang trực canh muốn giữ đất, phải trả thành quả lao động cho chủ cũ hoặc ngược lại; hoặc chia hai diện tích. Nếu thống nhất trong hòa giải, Ủy ban xã công nhận, nếu không Ủy ban xã ra quyết định theo tinh thần đó. Với các tập đoàn máy nông nghiệp cũng vậy: Mua phải trả tiền; không tiền trả thì trả máy. Không có chủ trương nào chống lại “Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa” cả!

Có lẽ, đây là cơ sở pháp lý rõ ràng, tiến bộ và dễ cho cấp thừa hành cũng như cho dân. Theo dư luận gần xa đánh giá như vậy. Dân bắt đầu nổi lên, chủ cũ khiếu kiện đòi đất, chủ mới đòi thực hiện theo tinh thần Quyết định 303, làm gì có chuyện bảo vệ được cái “thành quả” tưởng tượng rồi ép dân được. Đây là lý sự mà ở Trung ương có người cho rằng: An Giang trả đất là “mất lập trường”, “không bảo vệ thành quả Xã hội Chủ nghĩa”; còn một số tỉnh như Bến Tre giữ y như cũ, là tốt!

Về phần tôi, vừa mới nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở được mấy tuần, được Thường trực Ủy ban mời lên giao nhiệm vụ Trưởng đoàn Giải quyết tranh chấp đất nông trường của Huyện đội Thoại Sơn (đã giải thể). Phần đất này Kiên Giang giao qua, sau khi có Quyết định của Trung ương điều chỉnh ranh tỉnh lần thứ nhất. Tôi hơi bất mãn, nên phát biểu khá gay gắt: “Tôi sẵn sàng đi, nhưng chỉ làm thành viên hoặc Phó đoàn mà thôi. Phải là đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy hay Thường trực Ủy ban tỉnh làm Trưởng đoàn mới đúng, vì đó là việc lớn; sửa sai cả chủ trương chung, lãnh đạo tránh né làm sao giải quyết có kết quả?”. Các đồng chí dù phiền tôi nhưng cũng phải nhượng bộ vì không thể bác bỏ lý lẽ mà tôi nêu lên. Vậy là lần ấy tôi cũng thắng lợi, tôi chỉ làm Phó đoàn thôi. Nhưng thật tình, đi mấy lần đầu có Thường trực Ủy ban cùng đi, nhưng sau đó đều giao cho tôi hết. Cô Hòa, Thơ ký Văn phòng Ủy ban nói với một người bạn của cô, rằng: “Lần đầu mới thấy một người như tôi, dám “nói không” với Ủy ban”! Tôi không thích “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”, mà xui, người đổ vỏ lại là tôi, đời nào tôi chịu một mình.

Sau đó không lâu, một buổi sáng đang ở Sở, Chủ tịch Ủy ban kêu tôi đến Thanh tra tỉnh gặp dân Tân Châu kéo xuống khiếu nại đông người, giải quyết sao cho êm để dân về. Mấy ngày trước, nghe anh Hai Minh (Chánh Thanh tra Sở) báo cáo lại là anh Năm Đoàn (Bí thư Tân Châu) bị họ ví và kéo ô-bo lên bờ không cho về, vì xử không vừa lòng dân cốt cán của Cách mạng (chủ mới). Tôi chú ý đề phòng. Đến nơi, thấy chừng vài chục người dân, có người, hình như, tôi biết mặt. Họ mang ảnh Bác Hồ, Bằng Tổ quốc ghi công... và nói năng với cán bộ tiếp dân thấy có vẻ hăng hái quá. Tôi bối rối, vì chưa thấy cảnh này bao giờ, nên tìm cách làm lành rồi tính sau, mà truyện Tàu gọi là “giục hoãn cầu mưu”. Tôi tươi cười và cất giọng thân tình chào hỏi: “Cô bác, anh chị đi đâu mà đông dữ vậy?”. Nghe tôi hỏi như gãi đúng ngứa, họ rộ lên. Tôi chận lại ngay: “Tôi được Tỉnh ủy, Ủy ban phân công cùng bà con giải quyết. Nhưng thấy bà con đi đông người, trưng ảnh Bác, bằng Liệt sĩ... làm tôi bị quê với dân hai bên phố muốn trốn luôn. Ở đây làm sao mà giải quyết được. Tôi đề nghị bà con về đi, rồi tôi hẹn ngày, sẽ lên cùng bà con giải quyết”. Bà con vui vẻ nhao nhao: “Nhớ giữ lời hứa nghe!” rồi vui vẻ ra về. Tôi thở phào mà chưa hết nặng lòng lo, bởi đây là vấn đề lớn của đường lối, mà tội là khi đưa ra thấy không được, nhất là thấy làm không được mà ai ai cũng vậy, kể cả tôi đều không dám “hy sinh” để chống lại, be bợ đưa hơi theo cấp trên nên nay mới oan khiên thế này. Tôi hứa lên thì phải lên. Xã Tân An dân theo Cách mạng nhiều nên có cái khó riêng, phải làm cho chủ cũ đồng tình cho chủ mới cũng có đất để sản xuất, nên phần lớn là áp dụng công thức chia hai, nếu gia đình chánh sách là chủ mới mà ít đất quá chừng năm ba công thì phải giữ nguyên hiện trạng. Nói chung, dân ta rất tốt, nên mọi việc trên tinh thần chân thành chân thật, ai cũng dễ chấp nhận.

Khoảng giữa năm 1988, sau khi ông Đỗ Mười mới lên chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng), Chánh phủ mời họp tại Dinh Thống Nhất để bàn về sản xuất nông ngiệp - lương thực, triển khai Chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên, đóng góp luật đất đai dự thảo do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt chủ trì; nửa buổi sau, ông Đỗ Mười mới đến... Tôi tuy là Tỉnh ủy viên mới làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo khai thác Tứ giác Long xuyên, nhưng được Tỉnh ủy và Ủy ban cử tôi làm Trưởng đoàn đi dự hội nghị có các thành viên: Anh Út Đường, Giám đốc Sở Kế hoạch, anh Ba Tỷ, Giám đốc Sở Lương thực... Tôi bức xúc với Trung ương nhiều vấn đề lâu rồi, nhân ông Sáu Dân lên phát biểu khai mạc có nói: “Anh em miền Tây uống rượu quá trời, tốn kém.”, v.v. khi tôi được mời phát biểu, tôi bắt đầu từ đó bung ra: “Tôi có uống rượu, nhưng tôi cũng không chịu một số anh em miền Tây uống rượu lè nhè làm ảnh hưởng công việc, uy tín và hạnh phúc gia đình. Nhưng nếu tính tốn kém thì… một năm nhiều lắm cũng chừng mấy tỷ mà thôi, vì cũng chỉ rượu đế là nhiều. Còn ở Trung ương, tôi thấy có nhiều chủ trương mất hàng ngàn tỷ, sao không thấy ai nhận trách nhiệm? Ngay như cứu trợ thiên tai, ai cứu chớ các cơ quan Đảng tôi không thấy ai xuất tiền cứu trợ cho dân...”. Tôi thấy sắc mặt ông Sáu Dân giận tôi rất rõ, ông ngước lên chận hỏi: “Đảng lấy tiền đâu?”. Tôi bí, nói đại: “Thì lấy từ Đảng phí!”. Rồi tôi tiếp tục nói về sản xuất lưu thông, trong đó, tôi nói đại: “Làm Thủ tướng mà không nuôi nổi bộ đội, công an thì nên từ chức; vì cho họ (có súng) làm kinh tế - đi buôn, ai dám cạnh tranh và cạnh tranh sao lại?”. Khi góp ý dự thảo Luật Đất đai (năm 1993 ban hành), tôi nói: “Đất mà không có người khai phá và canh tác, làm sao gọi là đất nông nghiệp được. Đó là chưa nói, ngày xưa ta rủ dân theo Đảng để Cách mạng thành công thì người cày sẽ được cấp đất; nay sao ta làm khác đi? Tôi có đọc “Luật Người cày có ruộng” của Nguyễn Văn Thiệu hai lần rồi; chúng ta có gan, lấy luật đó xài là tiện nhất, rõ ràng dễ hiểu và rất dễ làm; chớ không như dự thảo của ta, tôi đọc mà còn không hiểu”. Còn về Chương trình Tứ giác Long Xuyên, tôi ủng hộ Chánh phủ, vì tôi được tỉnh phân công trong Ban chỉ đạo và nói rằng: “Tôi uống nước phèn mà lớn nên tôi trị được phèn...”. Khi ra giải lao, anh Ba Tỷ nói với tôi: “Tay này – chỉ một người nói là Phó Văn phòng Trung ương Đảng – hỏi tôi: Thằng nào mà phát biểu ngang tàng vậy? Tôi nói: Đó là Bảy Nhị, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh, “tay” này hồi nào tới giờ nói vậy không, không sợ ai hết!”. Tôi để ý, khi vào, tôi quay lại nhìn anh ta cười khiêu khích; lát sau quay lại, anh ta chuồn đâu không biết. Sau này, anh Út Đường khai ra: “Ông Sáu Hơn dặn tôi, nếu Bảy Nhị có phát biểu, tôi (Sở Kế hoạch) gạch đầu dòng những ý chính cho phát biểu. Không dè, khi lên bục, ổng tương ra tuồng bụng một lèo, làm tụi tôi hết hồn!”. Riêng tôi, lần đầu diện kiến ông Sáu Dân và cũng lần đầu ông biết tôi và có thể ông cho tôi là trịch thượng, với vẻ không hài lòng; còn chuyện sau này, tôi và ông có sự tin cậy và cảm thông, do tôi nói thật, làm thật, không màu mè, hợp với tính ông.

Sau khi tôi làm Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo khai thác Tứ giác Long Xuyên của tỉnh (1990) không lâu, nhưng trước Đại hội V Đảng bộ Tỉnh tháng 10.1991, nội tình có vấn đề đấu nhau. Anh Tư Đào là đối tượng, tôi và cả dòng họ đều bị ảnh hưởng. Một hôm, bên Thường trực Tỉnh ủy điện kêu tôi vào xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn giải quyết điểm nóng tại Tập đoàn sản xuất số 18 ấp Vĩnh Lợi mà mới chiều ngày hôm trước, số quá khích họp lại tự tổ chức bầu tổ trưởng mới và tỏ thái độ thách thức chánh quyền. Tôi biết đây là thử thách nặng nề đối với tôi nên âm thầm đi giải quyết một mình. Nhưng trước khi đi, tôi kêu Thanh tra Sở và Ủy ban huyện, xã gặp nhau, nắm tình hình báo cáo lại tôi. Đúng 7 giờ sáng, tôi đến Ủy ban xã, chỉ có Chi ủy và Ủy ban, không có đoàn thể, còn chủ mới có mặt cả trăm. Cậu Thiện, tài xế, nói nhỏ với tôi: “Em thấy… họ có thủ dao búa”. Anh em Công an huyện đề nghị tôi điện cho Công an tỉnh vào chi viện. Tôi nói: “Không cần, chỉ cần các đồng chí cho người giữ giùm mấy cây cầu gỗ cũ mà khi vào xe tôi chạy nó run lên ghê lắm, đừng cho họ xô sập, là được rồi”. Tôi biết mình đang bị “thất thế” không ai dám lại nhà, mà vụ này nếu có “Sập cầu, Bảy Nhị bị dân vây” là một sự hạ nhục uy thế lớn lắm. Tôi cho hẹn lại 13 giờ sẽ họp và chỉ đạo xã phải mời cho được ba đoàn thể. Buồn! Ba đoàn thể cũng sợ mà không đến, nên từ đó, tôi không hy vọng các đoàn thể này nếu có biến động gì, họ sẽ đứng lên bảo vệ chế độ này. Bài học Liên Xô và thực tế này làm tôi khẳng định vậy. Số chủ mới ở lại nấu cơm ăn, đợi đến chiều. Tôi dặn xã bố trí chỗ ngồi: Bên phải là chủ mới, bên trái là chủ cũ, còn tôi và Chủ tịch xã, Chánh Thanh tra ngồi ghế chủ trì đối diện. Tôi cho Công an đọc danh sách hai mươi ba người chủ mới và bốn người đại diện cho chủ cũ, do con cháu được chia đất của ông bà nhưng chưa tách bộ, ai không có tên ở ngoài. Vậy là số đông muốn gây áp lực bị gạn lại vòng ngoài. Vào họp, tôi nói mấy lời mở đầu kêu gọi đoàn kết, chia sẻ lợi ích và phải trật tự theo tinh thần và hướng dẫn của Quyết định 303. Tôi mời chủ cũ nói trước. Đất họ làm lúa mùa nổi từ xưa, chiếm phần lớn đất trong các tập đoàn nhưng vì cắt xâm canh nên họ trắng tay. Bà con chủ mới hầu hết là ngươi miền Bắc mới vào sau Giải phóng, được chia người ít nhất là mười tám công, người nhiều là ba héc-ta, có người còn nhiều hơn. Họ có công cải tạo đất chuyển vụ làm lúa Thần nông. Cơ sở để tính toán bồi hoàn cho nhau giá trị 1.000 m2 đất lúa mùa là 5 giạ lúa. Nếu chia hai đất thì huề, không ai bồi thêm cho ai, nếu không chia hai thì ai giữ đất nhiều phải trả thêm số diện tích chênh lệch bằng 5giạ/công. Người chủ mới đầu tiên nói với thái độ rất quyết liệt và xưng là “đại diện...”. Tôi cắt ngay: “Ở đây tôi mời dự đủ và mời phát biểu từng người, nên không ai có tư cách đại diện và không được quyền xưng chúng tôi”. Họ thấy cụt hứng. Đây là kinh nghiệm làm chủ tình hình từ khi gạn danh sách, còn bây giờ là chủ động lái câu chuyện vào trọng tâm do mình đặt ra. Người thứ hai, thứ ba tiếp theo, chuyển qua nói kiểu đường lối: “Tin tưởng Đảng, thực hiện người cày có ruộng, ra sức khôi phục sản xuất, xây dựng Xã hội Chủ nghĩa...”. Tôi liền chấn chỉnh: “Bà con tin Đảng và làm theo Đảng là tốt, nhưng Đảng chủ trương “cắt xâm canh”, lấy hết đất người này để chia cho người khác, bao cấp tràn lan, bình quân chủ nghĩa và thực hiện cải tạo nông nghiệp, cấm chợ ngăn sông... mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại hội VI của Đảng tự phê là sai, sai nên phải sửa. Bà con chủ cũ ngồi đây không ai còn đất sản xuất, trong khi bà con chủ mới ai cũng có vài chục công trở lên thì tình nghĩa nông dân với nhau ở đâu. Hôm nay, chúng ta ngồi đây để sửa cái sai chớ không sửa cái đúng. Tôi đề nghị không nói chung chung mà nói thẳng: Chịu giải quyết theo Quyết định 303 không? Nếu chịu, tỷ lệ chia giữa chủ cũ, chủ mới thế nào thôi”. Vậy là, theo cái sườn gợi ý ấy, bà con phát biểu, hầu hết là chia hai, có người giận lẫy nói trả hết. Tôi mời từng người ký tên và lăn tay vào từng trường hợp mà họ đề xuất, còn quyết định thế nào, Ủy ban xã sẽ tiếp tục gọt giũa thêm một số trường hợp cho êm đôi đường, như trường hợp người nói “trả hết” cũng đâu phải là tốt và sẽ xem xét nếu họ rút lại lời nói lẫy. Xong rồi, tôi nói cho có hậu: “Mấy bữa trước, bà con làm sai nghiêm trọng: Dám tự tiện truất phế tổ trưởng không thông qua Ấp, Xã. Nếu qui tội, đó là “làm phản”, là “đảo chánh”. Nhưng xét thấy, bà con vì sốc nổi nhất thời do bức xúc quyền lợi nên chúng tôi bỏ qua, chỉ yêu cầu bà con trả lại quyền cho tổ trưởng cũ là được, vì anh ta đâu có tội gì”. Tôi ra về, nghe nhẹ tưng trong mình và có cảm giác hai cây cầu gỗ xộc xệch hồi sáng oằn mình cho chiếc xe tôi qua, còn bây giờ hình như nó vững chãi lắm.

Phải nói rằng Tỉnh ủy An Giang nhờ có ông Sáu Hơn làm Bí thư mà ra được QĐ 303 – giải quyết được tồn kho của “Cải cách ruộng đất và Cải tạo nông nghiệp”, đi trước các tỉnh mà không bị bắt giò và đi đúng đường lối ban đầu của Đảng và Tư tưởng Bác Hồ: “Nước là của dân và Đất là của dân, Đảng không có quyền lợi nào khác”! Và tôi, nhờ ông cho tôi thực quyền mà ngành Nông nghiệp An Giang phất lên, như ta thấy.

Khuyến nông và nông dân giỏi

Năm 1972, các cơ quan của tỉnh An Giang đóng ở núi Tượng Lăn. Tôi nghe Đài Hà Nội nói Mỹ viện trợ cho Thái Lan 2 triệu rưỡi USD (?) để xây dựng 2.000 Phòng Thông tin Nông nghiệp xã; tôi hình dung chắc để làm khuyến nông như hồi dưới chế độ Sài Gòn. Nghiên cứu, thấy “Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp” mà Bộ chủ trương, Sở đang thực hiện không phù hợp, vì nó có vẻ “hàn lâm”, thủ tục rườm rà, lẩm cẩm, quan liêu – mạng lịnh và khó đến với nông dân một cách nhẹ nhàng.

Tôi từng đọc hướng dẫn chăn nuôi của “Chương trình Nông thôn” thời trước 1960 ở miền Nam, áp dụng nuôi gà ta thả vườn mau lớn, không mắc dịch bệnh mà không cần cán bộ nào chuyển giao. Tôi thầm nghĩ: Khuyến nông, có lẽ, đơn giản vậy thôi. Nó là công tác tuyên truyền, quảng bá của một tổ chức uy tín hay cơ quan nhà nước cụ thể, có nội dung khoa học kỹ thuật chuyên ngành nhằm hướng dẫn hành động cho quảng đại quần chúng vì mục đích kinh tế tự họ. Hồi chống Mỹ, từng nghe cán bộ kể chuyện Nhật lợi dụng uy tín Giáo chủ Hòa Hảo đi “Khuyến nông” cho họ để dân làm lúa “cung cấp chất đốt” cho xe, tàu chạy máy hơi nước (?). Tôi nghĩ: Khuyến nông rất quan trọng.

Một hôm, tôi hỏi đồng chí Lê Minh Tùng, đang là Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp thuộc Sở, gợi ý về khuyến nông. Tuy Trung tâm thuộc Sở, nhưng vì là quan trọng, nên Giám đốc Trung tâm là anh Huỳnh Văn Cầu, kỹ sư hồi kết, được cơ cấu tỉnh ủy viên (dự khuyết). Tôi cũng gặp Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu phó trường Đại học Cần Thơ tham khảo. Anh Võ Tòng Xuân và Lê Minh Tùng đều là dân khuyến nông trước Giải phóng nên rất ủng hộ. Đồng chí Tùng còn khuyên tôi báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy rồi hãy ra quyết định. Tôi nói: “Việc này, Bí thư Tỉnh ủy, ông Sáu Hơn (Nguyễn Văn Hơn) ở Bộ mới về; có lần, tôi gợi ra, ông nói: “Vũ Tuyên Hoàng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp chống ghê lắm”, nên đời nào ông dám cho, sẽ bảo chờ nghiên cứu. Chờ biết bao giờ. Và, nếu chưa trả lời mà ta làm thì vô kỷ luật. Không hỏi mà làm, nếu bị quở thì không sao”. Cách làm này tôi đã hiểu. Tôi nói với đồng chí Tùng: “Tôi không muốn để Tỉnh ủy khó xử. Tôi sẽ quyết định một mình. Nếu có sai tôi chịu, không để ai, kể cả Tỉnh ủy liên lụy vì tôi”. Tôi lý luận rằng: Chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là của thời bao cấp theo Liên Xô, có “chuyển giao” ắt phải có “thu hồi”, cách đó chỉ làm với các đơn vị sản xuất là nông trường hoặc hợp tác xã, chớ từng hộ thì làm sao?

Tôi làm “Khuyến nông”, không ra văn bản, như để thăm dò dư luận. Qua vụ Đông-Xuân, nói nhiều về “Khuyến nông” mà không thấy ai phản ứng gì. Với tư cách Giám đốc Sở, ngày 1.6.1989, tôi ký Quyết định số 40 QĐ-NN v/v Thành lập “Chương trình Khuyến nông” do Lê Minh Tùng làm chủ nhiệm. Tôi phân công đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Phòng Hành chánh – Tổ chức đóng cho mỗi xã một tấm bảng đen, có mái che để dán tin - bài - hình ảnh khuyến nông, bên ngoài có khuôn lợp lưới mắc cáo nhìn chữ đọc được, có khóa không sợ bị phá rách hoặc bị vỡ như lắp kính thủy tinh. Hàng tháng, Sở xuất bản “Bản tin Nông nghiệp” cung cấp cho Trạm Khuyến nông để ra dân và cho cán bộ ngành ở xã. Hai kỹ thuật viên nông nghiệp xã được ghép lại cùng một số nông dân tiên tiến thành lập Tổ Khuyến nông hoặc Câu lạc bộ Khuyến nông. Khuyến nông ra đời được báo giới và dư luận, nhất là nông dân, ủng hộ và hưởng ứng. Có phóng viên hỏi tôi, sao dám xài chữ “Khuyến nông”, không sợ bị cho là làm giống “Ngụy”? Tôi trả lời: “Cả Hoàng đế Quang Trung và Vua Gia Long đều dùng thì… có gì là sai? Mà thực tế, việc này có lợi cho nông dân, nông dân đang hưởng ứng”.

Mấy lần cùng cán bộ Sở xuống cơ sở, gặp nông dân ở Thoại Sơn, Tri Tôn... trực tiếp trao đổi với bà con, thấy có kết quả khi lồng ghép với “sinh đẻ có kế hoạch” và “vay vốn ngân hàng”, ngày 2.11.1989, tôi ký tiếp Quyết định số 147/QĐ-NN bổ sung thành phần và mở rộng nội dung khuyến nông, có mời đại diện Sở Y tế, Ngân hàng Nông nghiệp, Hội Phụ nữ... tỉnh tham gia. Thỉnh thoảng, các cán bộ kỹ thuật tỉnh, cán bộ các viện, trường đại học xuống tổ chức họp nông dân bàn kỹ thuật sản xuất, hội nghị đầu bờ… theo nội dung đã được định hướng cho từng tháng, phù hợp với lịch thời vụ hoặc thời tiết có đột biến, đề phòng dịch bệnh và các kỹ thuật hoặc các giống mới mà Sở chủ trương chuyển giao cho nông dân. Nội dung hoạt động dần dần được bổ sung thêm: Phổ biến cách làm để vay vốn sản xuất từ ngân hàng nông nghiệp, Kế hoạch hóa gia đình… nghĩa là lấy khuyến nông làm cơ sở để tập hợp nông dân, còn tùy thực tế mà có thêm các nội dung thiết thực khác, bởi chỉ có mời nông dân đi nghe khuyến nông, nông dân mới tích cực đi. Ngân hàng Nông nghiệp, Hội Phụ nữ và ngành Y tế cũng vui vẻ phối hợp với Khuyến nông, vì làm có hiệu quả mà không phải tốn kém chi phí ngành mình.

Tại Hội thảo về công tác khuyến nông, các diễn giả: PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia; ThS. Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ; ThS. Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang nhận định: “Trong hơn 20 năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển thần kỳ mà nhiều nước trên thế giới phải khâm phục. Sự tăng trưởng ngoạn mục đấy có sự đóng góp quan trọng của công tác khuyến nông. An Giang có thể gọi là thủ phủ của công tác khuyến nông. Các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng phổ biến cả nước hiện nay như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “Cánh đồng mẫu lớn” đều xuất phát từ đây. Mãi đến 1993, mới có Nghị định của Chính phủ về việc thành lập hệ thống khuyến nông nhưng từ năm 1988 An Giang đã dần hình thành bộ máy này, đến năm 2002 thì hệ thống Khuyến nông An Giang đã hoàn chỉnh từ tỉnh đến tận xã với con số 280 người...”.

Sau này, khi làm Chủ tịch có mấy phóng viên hỏi tôi học chưa hết Tiểu học sao làm được vậy? Tôi nói: Đối với công tác chuyên môn, hay mọi việc nói chung, tôi chỉ biết cán bộ nào thông thạo và làm có kết quả cao nhất thì tôi giao cho họ mà thôi. Ta quản lý “cỗ máy” chớ không phải làm thay “cỗ máy”. Tất nhiên nếu tôi học hết Tú tài toàn phần hồi đó thì có lẽ tôi giỏi hơn tôi như vầy. Sau này, khi đã về hưu, có lần phóng viên báo Nhân dân - cô Hồ Cúc Phương từ Hà Nội vào hỏi tôi chuyện hồi còn làm việc, có câu sau cùng: “Làm lãnh đạo theo ông khó hay dễ?”. Tôi nói dễ thôi, chỉ cần biết bốn phép toán. Nghĩa là biết cộng (+) ân tình, biết trừ (-) thù oán, biết nhân (x) của cải và đặc biệt là phải biết chia (:) sẻ hạnh phúc, của cải cho cộng đồng. Sau này có người viết trên báo gọi đó là “Bốn phép toán làm quan của ông Bảy Nhị”. Ngoài hệ thống tổ chức bộ máy, chính nông dân là người cuối cùng và quyết định thắng lợi. Từ đó, tôi dựa vào lực lượng nông dân tiên tiến làm nòng cốt cho phong trào. Tôi tổ chức Đại hội Nông dân giỏi là xuất phát từ suy nghĩ đó; trong đồng bào Khơ-me, dựa vào sư sãi và à-cha, vì họ là người được dân tin và nghe lời.

Sư sãi Khơ-me ở An Giang có Đại lão Hòa thượng Võ Văn Bi trụ trì chùa Văn Râu, Phật tử thường tôn xưng “Lục Cả Bi”, Ông là người Việt nhưng tu theo Tiểu Thừa, rất có uy tín với đồng bào và sư sãi Khơ-me ở cả Nam Bộ. Tôi đến gặp ông vận động, vì nói tiếng Việt với nhau rất dễ so với các sư khác, ông rất ủng hộ chương trình khai hoang chuyển vụ của Sở Nông nghiệp. Ông dẫn tôi ra ruộng của chùa được chuyển qua làm lúa Thần Nông đang rất tốt, như chứng tỏ ông đã làm gương vận động bà con. Nhân Công ty ANTESCO tặng tôi chiếc máy xới tay mini do Pháp sản xuất để làm vườn ở nhà, tôi tặng lại cho ông như là phần thưởng của Sở. Ông kêu các sư trong chùa và một số bà con đến chụp hình bên cái máy và ghi dòng chữ trên phong bì “Máy của đồng chí Nguyễn Minh Nhị tặng” và gởi cho tôi như thay cho báo cáo vậy.

clip_image004

Lục Cả Bi – Bìa trái và các Sư chùa Văn Râu tháng 4/1992

Ở An Giang, nông dân có thói quen xài phân u-rê bón lúa. Chỉ có trồng màu mới xài phân ba màu (NPK). Nhưng sau Giải phóng, chỉ có phân u-rê và phân lân Văn Điển. Rất hiếm phân ba màu, vì không có ngoại tệ để nhập. Vụ Hè - Thu năm 1988, tôi và đồng chí Tùng đi kiểm tra đồng ruộng xã Vĩnh Nhuận, thấy lúa Thần Nông trên đất lúa mùa mới chuyển vụ có từng bụi lúa to bằng cái dĩa lớn, cao trội hơn, xanh thẫm hơn và cách nhau 1m/bụi, thẳng hàng. Tôi hỏi, các đồng chí ở xã nói: Đất lúa mùa, vụ rồi trồng dưa hấu vạch rạ (vạch rạ để hột), bón phân ba màu nên mỗi gốc dưa nay là một bụi lúa vượt trội ấy. Đồng chí Tùng giải thích thêm: Đó là nhờ có lân còn lưu tồn, trong khi u-rê hòa tan rất nhanh, dễ mất đi. Tôi mê quá, kêu đồng chí Tùng chụp một tấm ảnh để phục vụ khuyến nông, không gì bằng tuyên truyền trực quan. Nhưng phim hết. Tiếc thật! Tôi mạnh dạn chủ trương đưa nội dung sử dụng phân lân vào Chương trình Khuyến nông từ năm 1989 cho sản xuất và nhất là cải tạo đất phèn. Năng suất lúa ở An Giang cải thiện dần qua mỗi vụ, luôn luôn dẫn đầu năng suất và đến nay vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước, bình quân 12 đến 13 tấn/2 vụ/năm (toàn tỉnh). Sang đầu thế kỷ 21, Chương trình Khuyến nông của tỉnh chuyển sang bón phân qua bảng “so màu lá lúa”, kỹ thuật sạ hàng, “3 giảm 3 tăng”, tưới nước AWD, v.v. càng làm giảm giá thành, lợi tức của người nông dân tăng theo năng suất lúa. Sự cần cù của người nông dân ở đâu cũng vậy, có thừa! Nhưng cần cù đúng kỹ thuật sẽ đỡ vất vả mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nông dân An Giang đã làm rất giỏi điều này.

Ngày đầu về Sở, tuy nhiều nỗi lo, nhưng cái ám ảnh tôi nhất là dịch rầy nâu trên giống Thần Nông 8 trước Giải phóng (1968) và trên giống IR 73-2, năm 1978, gần như mất trắng. Dân, có nhà đói! Nạn thiếu lương thực quốc gia càng thêm trầm trọng. Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Tùng chuyên lo về giống, đưa công tác quản lý giống vào máy tính để theo dõi dịch bịnh trên từng giống lúa. Cái gì đến thì nó đến. Đùng một cái, Đông-Xuân 1990-1991, dịch rầy nâu bùng phát toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. An Giang chịu gió mùa Đông Bắc nên rầy từ Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… theo gió bay về đông đặc. Tôi thành lập ban chỉ đạo chống rầy, tự nhận nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp. Huy động toàn bộ lực lượng cán bộ kỹ thuật toàn tỉnh, mời các cán bộ khoa học Viện Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Lúa Ô Môn, trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm, Cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật và Trung tâm Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp) đến chi viện. Cách làm, ở đâu lo ở đó, tài liệu bướm tán phát khắp nơi. Tôi bảo đồng chí Nguyễn Bình, Chi cục phó Bảo vệ thực vật tỉnh soạn nội dung tờ bướm khuyến cáo phòng trừ rầy đem tôi xem trước khi in. Thấy đồng chí khuyến cáo “có thể” sử dụng mấy thứ thuốc, nhưng tôi hỏi: vậy, chớ mình và cả thị trường hiện có mấy loại trừ rầy? Đồng chí nói: Chỉ có Bassa. Tôi nói: Vậy, chỉ nói Bassa thôi, nói chi lung tung cho dân thêm rối trí? Nó như ra trận, phải ra lịnh, mà lịnh phải ngắn, rõ, hiểu và làm được ngay. Những nơi bị nặng, tập trung lực lượng chi viện đánh dứt điểm. Đồng bào Khơ-me ra ruộng cúng lạy, có người lấy mắm kho pha nước, lấy chà tre nhúng nước mắm rải trên lúa. Tôi chỉ đạo hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên huy động lực lượng dân quân, Công an xã cùng đoàn thanh niên, dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên xã, tỉnh chi viện bình và máy phun thuốc, ra ruộng của bà con dân tộc, hễ có rầy là phun thuốc, không đợi hỏi đất lúa của ai. Tỉnh cấp kinh phí, chi tiền cơm nước cho anh em và tiền thuốc trừ rầy cho đồng bào. Thiệt hại không đáng kể, đồng bào có ăn thật, mừng vô kể!

Chi cục Bảo vệ thực vật được Bộ giao về cho Tỉnh. Đồng chí Thòn đang là Trợ lý Kế hoạch, được tôi cử qua làm Chi cục trưởng. Chi cục làm cả hai nhiệm vụ: Dịch vụ kỹ thuật và kinh doanh. Nhờ mối quan hệ tốt đẹp với Bộ và Công ty Thuốc Sát trùng miền Nam mà An Giang được ưu tiên mua thuốc Bassa. Đây là loại thuốc chủ lực và gần như duy nhất trong nước đang có, trừ rầy hiệu quả nhất. Anh Nguyễn Luật, Giám đốc Xí nghiệp có nhiều thiện cảm với Sở Nông nghiệp An Giang, vì tôi được Ủy ban giao nhiệm vụ huy động ngoại tệ, chủ yếu là chỗ Công ty AFIEX do Ba Thơ làm Giám đốc, trả nợ cho anh trên hai triệu USD tiền thuốc mà anh nhập ủy thác cho An Giang mấy năm trước. Anh nói với tôi: Vét kho Bassa rồi. Vậy mà làm kế hoạch cân đối, thấy quá thiếu. Tôi hỏi đồng chí Thòn và đồng chí Bình: Vậy, nhập về bằng đường hàng không được không? Mấy ngày? Các đồng chí cho biết: Được và chỉ 7 ngày thôi! Anh em tôi làm kế hoạch nhập Trê-bon bằng con đường hàng không khẩn cấp. Nhưng có thuốc là một chuyện, bán ra là một chuyện, hai cái khó bằng như nhau, vì tổ chức bán mà lôi thôi thì toi công, mang tiếng, mất cán bộ, mất lòng dân. Ghê lắm! Nhưng nhờ hồi cuối năm 1989, trước dự báo phân bón bị “sốt”, tôi chủ trương cho in sổ vật tư, mỗi hộ nông dân một sổ. Khi in, không ít người cười tôi là “trở bệnh bao cấp”. Nhưng Đông-Xuân 89-90, sốt phân thật tình. Chỉ có Thường trực Sở là anh Ba Thu có quyền ký bán phân cho từng sổ (do xã gom mang đến). Đồng chí Trần Công Khích, chuyên viên về kế hoạch được tôi giao nhiệm vụ: “Chú giúp Sở việc này, có xảy ra tiêu cực chú phải chịu trách nhiệm với tôi”. Phải nói là nhờ có quyển sổ này mà không chỉ sốt phân mà sốt thuốc trừ rầy, An Giang vẫn ổn định được tình hình giá cả, cung cấp đủ cho nông dân đúng yêu cầu, có thất thoát không đáng kể. Thật đắc nhân tâm! Tôi tuyên bố: Sổ mua vật tư qua hai lần “sốt” đã đủ vốn! Sau này, khi thị trường phát triển, không còn ai nhớ đến cái sổ ấy nữa.

clip_image006

Tôi không bao giờ quên ơn các anh chị ở các viện, trường và Cục Bảo vệ thực vật, như: anh Thông, anh Biên, anh Nguyễn Văn Luật, anh Bửu, anh Xuân, chị Cúc, anh Kim, anh Huỳnh, chị Võ Mai, anh Chiến, v.v. ở Đại học Cần Thơ, Nông-Lâm Thủ Đức, Viện Lúa Ô Môn, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, anh Nguyễn Luật, Giám đốc và Công ty Thuốc sát trùng miền Nam; tất cả đã đến với nông dân An Giang bằng tất cả tấm lòng, trí tuệ, kinh nghiệm và công sức không kể nắng mưa, đêm hôm vất vả. Hôm tổng kết chiến dịch chống rầy thắng lợi, tôi chủ trương tiền lãi nhập thuốc trừ rầy được 1 tỷ đồng, là lớn lắm lúc ấy, tôi chỉ đạo Tài vụ Sở và Chi cục trích 500 triệu đồng nộp ngân sách, còn 500 triệu cho chi phí đã tạm ứng và bồi dưỡng cho tất cả các cán bộ, kể cả ngoài tỉnh đã có công trực tiếp tham gia chiến dịch. Những phóng viên nào trực tiếp tham gia cũng được bồi dưỡng. Tại lễ tổng kết, tôi thay mặt lãnh đạo tỉnh và bà con nông dân bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi người và trao thưởng cho từng người có công. Thật là vui lớn!

Sau này đồng chí Chủ tịch tỉnh hỏi tôi sao “hào hiệp” quá, chi đến 500 triệu cho chi phí và bồi dưỡng? Tôi nói: “Đồng Tháp, theo Đài của tỉnh (Đồng Tháp) thiệt hại 80 tỷ; An Giang không bị thiệt hại mà còn lãi 1 tỷ, vậy ngân sách thu phân nửa, phân nửa cho anh em và chi phí, đâu phải là lớn. Bản thân tôi không có lãnh đồng nào từ 500 triệu ấy. Anh xem đi!”. Sau này cũng vậy, mỗi khi tôi có chủ trương gì táo bạo, sẽ phải chịu trách nhiệm một mình, bao giờ tôi cũng thủ cho mình sẵn thế đỡ, nhờ vậy mà tôi mới được yên ổn! Từ những phối hợp công tác khuyến nông đến các chiến dịch bảo vệ mùa màng, v.v. tự dưng tình cảm liên kết, gắn bó giữa An Giang với các viện, trường và cơ quan Trung ương, các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh trở nên ngày càng gắn bó cho đến tận bây giờ, phần nhiều đã quá tuổi 60 và cũng đã về hưu, nhưng vẫn còn đầy kỷ niệm mà mỗi khi gặp lại họ đều biểu lộ cùng tôi. Đây cũng là thế mạnh của An Giang để đi lên cùng cây lúa, con cá, con tôm và trên hết là sự đổi đời của người nông dân, cùng bộ mặt nông thôn An Giang ngày một đổi mới.

Khuyến nông đang có khí thế, một hôm đồng chí Bí thư Huyện ủy Phú Tân nói nhỏ “thì thào” vào tai tôi: “Hình như ông Sáu không ủng hộ anh. Hôm qua họp báo, hỏi anh sao vắng mặt, Văn phòng báo cáo là anh đang Hội nghị Khuyến nông. Không hiểu bực ai mà ông nói “lúa bán không ai mua mà khuyến cái gì”. Tôi hơi ngờ ngợ: “Không lẽ, ông đưa mình lên rồi ông hạ mình xuống sao!?”. Nhưng rồi tôi cũng vô tư. Việc ta, ta làm. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc không thể đảo ngược. Các văn bản của Tỉnh ủy, Ủy ban bắt đầu đề cập đến “Khuyến nông”. Báo chí thì hết lời ca ngợi. Có lần tình cờ tôi đọc một mẩu tin nhỏ của Thông tấn xã Việt Nam nói về nông nghiệp An Giang và bình một câu làm tôi rởn óc: “Nguyễn Minh Nhị là nhà cải cách số 1 ở An Giang”, hay như Thái Nguyễn Bạch Liên đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày nay: “An Giang là thánh địa của khuyến nông”. Những lời bình luận kiểu này chỉ có tác dụng kích thích sự ghen tỵ của những người ích kỷ mà thôi. Hại nhiều hơn lợi. Biết làm sao bây giờ? Ông Nguyễn Công Tạn (Bộ trưởng Nông nghiệp) đến làm việc, hỏi tôi rất kỹ và khen ngợi động viên. Nghe đâu sau đó, về Bộ, ông xin ý kiến Ban cán sự Bộ đề bạt tôi làm Thứ trưởng. Có đồng chí Thứ trưởng phản bác: “Thằng đó về đây, nó “phang trên đầu” cho mà biết”. Ngụ ý câu này, rõ là không ở đâu, nhất là ở cấp cao người ta thích nói thẳng hoặc đấu tranh. Đem người “thấp” về quanh mình thì mình càng “cao” chớ sao! Cho đến tận bây giờ, cho dù tôi không được Nhà nước chánh thức khen thưởng công tác khuyến nông mà tôi tự hào là người khởi xướng và đi đầu, nông dân được lợi, tôi không bị kỷ luật. Tôi thầm biết ơn anh Xuân, chú Tùng, Báo, Đài và đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật ngành Nông nghiệp An Giang và cả các viện, trường có tham gia với tôi vào sự nghiệp phục hưng và phát triển ngành Nông nghiệp An Giang; họ đã vì nông dân làm được một việc lớn, góp phần đưa nông dân An Giang và cả Đồng bằng sông Cửu Long lên một tầm cao mới. Và tôi cũng xin nói thật với lòng, trước hết tôi biết ơn Bí thư Nguyễn Văn Hơn và Tỉnh ủy An Giang đã dám giao cho tôi việc lớn và để yên cho tôi làm theo suy nghĩ của tôi cho đến ngày mỹ mãn.

Kết thúc năm 1988, theo Thống kê còn thiếu mấy chục tấn, sản lượng lúa An Giang lần đầu tiên đạt 1 triệu tấn. Để tăng thêm động lực cho công tác khuyến nông, tôi chủ trương tổ chức Đại hội Nông dân sản xuất giỏi lần đầu tiên năm 1989. Nông dân được bình chọn, thông qua đề cử của Tổ Khuyến nông xã, có sự tham gia của các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân bình chọn đi dự cấp huyện, cấp huyện cử lên cấp tỉnh. Mỗi nông dân giỏi cấp tỉnh được Sở tặng một giấy khen, một hiện vật khi thì bình thủy đựng nước nóng, khi thì bộ uống trà, có khi thì radio hoặc cassette, v.v. mỗi kỳ một thứ. Lần cuối cùng tôi rời Sở, không còn trực tiếp làm hoặc kiêm Giám đốc Sở là gần bảy năm (3.1988-10.1994), 6 năm tổ chức 6 lần Đại hội Nông dân giỏi. Có 5 người qua 6 lần liên tiếp là nông dân giỏi cấp tỉnh, gồm các ông: Nguyễn Kim Triêu (Long Xuyên), Dương Văn Trang và Cao Thành Pha (An Phú), Nguyễn Hữu Đức và Lê Văn Hoàng (Tân Châu), cá nhân tôi tặng một phần quà kỷ niệm cho mỗi “Nông dân giỏi” xuất sắc này, tổng trị giá bằng một tháng lương của tôi. Tài vụ Sở không cho tôi chi, nhưng tôi nói là để kỷ niệm và cũng là để tôi bày tỏ biết ơn họ, nhờ họ mà tôi làm được việc cho nông dân.

clip_image008

clip_image010clip_image012

Nhân Đại hội Nông dân sản xuất giỏi lần I - 1989, tôi cho lấy phiếu điều tra. Một kết quả làm tôi suy nghĩ: Hầu hết nông dân giỏi có trình độ văn hóa cấp III, cấp II (trước Giải phóng), trong đó có người là thầy giáo đã nghỉ dạy. Vậy phải chăng mọi tiến bộ xã hội, nhất là trong sản xuất bắt nguồn từ nền tảng giáo dục – dân trí. Tôi đem việc này bàn trong Ban Giám đốc Sở, nhất là với các giám đốc công ty, xí nghiệp để vận động xin tiền. Được mọi người ủng hộ, Sở Nông nghiệp lập ra quỹ học bổng cho học sinh khá và giỏi là con em của nông dân giỏi cấp tỉnh là hình thức Khuyến nông chiều sâu và nâng cao chớ không phải là từ thiện. Việc bình chọn do Phòng Hành chánh - Tổ chức kết hợp với sở Giáo dục An Giang. Mỗi tháng, học bổng được cấp trị giá 1 giạ gạo. Việc làm này chính là hình thức “Khuyến học” trong Khuyến nông, góp phần công cuộc vận động “Trí thức hóa nông dân” mà tôi đang hăm hở. Nhưng tiếc rằng, việc thực hiện không đúng chủ trương của tôi, được mấy năm, đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Phong Hành chánh - Tổ chức của Sở báo cáo lại với tôi rằng những người tham gia xét thưởng chỉ bình chọn cho con em họ. Tôi bực mình, tuyên bố bỏ chủ trương này. Trước khi về Ủy ban, quỹ Sở còn 10 cây vàng. Tôi tuyên bố cho Quỹ Công đoàn cơ quan Sở. Gần 10 năm sau, cả nước có phong trào tặng học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo. Ngành Nông nghiệp An Giang bỏ qua cơ hội này, tiếc thật.

Cho đến bây giờ, An Giang có đến 5 khuyến: Khuyến nông, Khuyến công, Khuyến thương, Khuyến học, Khuyến thiện. Đó cũng là nội dung của Chương trình Liên kết bốn nhà mà Đài Truyền hình và Công ty Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp thực hiện định kỳ 2 tuần/ lần “Diễn đàn gặp gỡ Bốn nhà” sau này. Từ chiến lược “Tam Nông” của Tỉnh ủy làm nền tảng, tôi chủ trương thông qua 5 Khuyến (gọi tắt là 5K), góp phần thúc đẩy ba chương trình nòng cốt, dài hạn gọi tắt là ba hóa: Trí thức hóa nông dân, hợp tác hóa sản xuất - tiêu thụ, hiện đại hóa nông thôn.

N.M.N.