Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

LỊCH SỬ CÁI XẤU - Dẫn nhập

Umberto Eco

Hà Vũ Trọng dịch

Nội dung

Dẫn nhập

Chương I  Cái xấu trong thế giới Cổ điển

1. Một thế giới do cái đẹp làm chủ tể?

2. Thế giới Hi Lạp và sự kinh hãi

Chương II  Sự thụ nạn, cái chết, sự tuẫn đạo

1. Quan điểm ‘duy mĩ’ về thế giới

2. Sự thụ nạn của Chúa Kitô

3. Người tuẫn đạo, ẩn sĩ, người sám hối

4. Sự chiến thắng của Thần Chết

Chương III  Khải thị, địa ngục và ma quỷ

1. Một thế giới kinh hoàng

2. Địa ngục

3. Sự biến hoá của ma quỷ

Chương IV  Những quái vật và điềm gở

1. Kì quan và quái vật

2. Mĩ học về sự vô độ

3. Luân lí hoá quái vật

4. Mirabilia (kì tích)

5. Số phận của những quái vật

Chương V  Xấu xí, khôi hài và tục tĩu

1. Thần dương vật Priapus

2. Trào phúng về nông dân và hội hoá trang

3. Phục Hưng và sự phóng túng

4. Trào lộng và hí hoạ

Chương VI  Vẻ xấu xí của phụ nữ giữa thời Cổ đại và Baroque

1. Truyền thống phản nữ tính

2. Chủ nghĩa Phong cách và Baroque

Chương VII  Ma quỷ trong thế giới hiện đại

1. Từ Satan nổi loạn tới Mephistopheles khốn khổ

2. Sự ma quỷ hoá kẻ thù

Chương VIII   Pháp thuật, Satan giáo, chứng bạo dâm

1. Phù thuỷ

2. Satan giáo, chứng bạo dâm và sở thích cuồng bạo

Chương IX  Sự hiếu kì đối với thân thể

1. Mổ xẻ tử thi

2. Diện mạo

Chương X  Chủ nghĩa Lãng mạn và sự cứu chuộc cái xấu

1. Triết học về cái xấu

2. Xấu xí và đoạ địa ngục

3. Xấu xí và bất hạnh

4. Bất hạnh và bệnh tật

Chương XI  Cái lạ lẫm

Chương  XII  Tháp sắt và tháp ngà

1. Cái xấu của kĩ nghệ

2. Chủ nghĩa Suy đồi và sự phóng túng của cái xấu

Chương XIII  Avant-Garde và sự chiến thắng của cái xấu

Chương XIV Cái xấu của người khác, Kitsch và Camp

Chương XV Cái xấu ngày nay

*

Dẫn nhập

Trong mỗi thế kỉ, các triết gia và nghệ sĩ đều đề xuất những định nghĩa về cái đẹp, và nhờ tác phẩm của họ chúng ta có thể tái cấu trúc một lịch sử về những quan niệm thẩm mĩ qua các thời đại. Nhưng điều này đã không xảy ra với cái xấu. Hầu hết các thời đại, cái xấu bị xem là phản diện với cái đẹp mà hầu như chưa ai viết một chuyên luận dài dành cho cái xấu, và nó bị giảm xuống thành cái gì đó ngẫu nhiên trong các tác phẩm bên lề. Vì thế, trong khi lịch sử về cái đẹp có thể dựa vào nhiều nguồn lí thuyết (từ đó ta có thể suy ra những thị hiếu của một thời kì nhất định) thì phần lớn lịch sử về cái xấu phải tìm kiếm manh mối riêng trong những miêu tả bằng hình ảnh hoặc tài liệu viết về sự vật hoặc về con người mà theo một cách nào đó bị coi là ‘xấu xí’. Tuy vậy, lịch sử về cái xấu cũng chia sẻ một số những đặc điểm chung với lịch sử cái đẹp. Đầu tiên, chúng ta có thể giả định rằng thị hiếu của người bình thường tương đồng theo một cách nào đó với thị hiếu của các nghệ sĩ cùng thời với họ.

Pablo Picasso, Người đàn bà khóc, 1937, Tate Gallery, London

Giả sử có một vị khách từ ngoài vũ trụ bước vào một phòng trưng bày nghệ thuật đương đại, nhìn thấy những khuôn mặt phụ nữ do Picasso vẽ và cảm thấy người thưởng lãm đánh giá là đẹp, vị khách có thể nhầm tưởng rằng trong thực tế hàng ngày, đàn ông ở thời đại chúng ta xem những sinh vật nữ với khuôn mặt như được Picasso vẽ là đẹp và đáng mơ ước. Thế nhưng vị khách đến từ vũ trụ ấy có lẽ thay đổi quan điểm khi đến xem một buổi trình diễn thời trang hoặc cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, trong đó vị khách được chứng kiến những người mẫu sắc đẹp khác được tán dương. Thật không may, đây là điều chúng ta không thể làm được khi muốn nhìn lại những thời đại đã qua lâu đời – dù liên quan đến cái đẹp hay cái xấu – bởi tất cả những gì còn để lại về những thời kì đó chỉ là những tác phẩm nghệ thuật.

Một đặc điểm khác chung cho cả lịch sử của cái xấu lẫn cái đẹp đó là chúng ta bị hạn chế thảo luận về câu chuyện của hai giá trị này trong các nền văn minh phương Tây. Đối với những dân tộc được gọi là nguyên thủy chúng ta có những phát hiện về nghệ thuật nhưng chúng ta không có các văn bản lí thuyết nào để cho biết liệu những giá trị này có dụng ý gây ra niềm vui thẩm mĩ, nỗi sợ hãi thiêng liêng, hay sự vui nhộn hay không.

Mặt nạ vũ đạo, Ekoi (Đông Nigeria), Tishman Collection, New York

Đối với người phương Tây, một chiếc mặt nạ nghi lễ châu Phi trông rất kinh hoàng – trong khi đối với người thổ dân nó có thể tượng trưng cho một vị thần nhân từ. Ngược lại, những tín đồ theo một số tôn giáo ngoài châu Âu có thể ghê tởm trước hình ảnh của Chúa Kitô thụ nạn, chảy máu và bị sỉ nhục, trong khi sự xấu xí về nhục thể thể này rõ ràng có thể khơi dậy sự cảm thông và xúc động của một tín đồ Kitô.

Trong trường hợp của các nền văn hoá khác, giàu văn bản thơ ca và triết học (như văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Nhật Bản), chúng ta thấy các hình ảnh và hình thức, nhưng khi dịch các tác phẩm văn học và triết học của họ, hầu như luôn luôn khó xác lập mức độ sao cho các khái niệm ấy có thể được đồng nhất với của chúng ta, ngay cả khi truyền thống đã khiến chúng ta phải dịch chúng sang các thuật ngữ phương Tây thành beautiful hay ugly. Và ngay cả khi các bản dịch đáng tin cậy, cũng không đủ để biết chắc rằng trong một nền văn hoá nhất định, một thứ được hiểu là đẹp sẽ thể hiện ra sao, ví dụ, tỉ lệ và sự hài hoà được coi là đẹp. Tỉ lệ và hài hoà. Chúng ta muốn nói điều gì bằng những thuật ngữ này? Ngay cả trong quá trình lịch sử phương Tây, ý nghĩa của chúng đã thay đổi. Chỉ bằng cách so sánh các tuyên bố lí thuyết với một bức tranh hoặc một công trình kiến ​​trúc vào thờ đó, chúng ta mới nhận ra rằng những gì được coi là tương xứng trong thế kỉ này đã không còn được nhìn nhận như vậy trong một thế kỉ khác; về chủ đề tỉ lệ, chẳng hạn, một triết gia thời trung cổ sẽ nghĩ tới các kích thước và hình dạng của một nhà thờ kiểu gothic, trong khi một nhà lí thuyết thời Phục hưng sẽ nghĩ tới một đền thờ thế kỷ XVI, có các bộ phận được quy định bởi tỉ lệ vàng – và cho đến thời Phục hưng, thì những tỉ lệ của các đại giáo đường ấy là man rợ, như thuật ngữ ‘Gothic’ gợi ý rõ rệt.

Những quan niệm về đẹp và xấu đều liên quan đến các giai đoạn lịch sử khác nhau hoặc với các nền văn hóa khác nhau và, để trích dẫn Xenophanes Colophon (dựa theo Clementa Alexandria, Stromata, V, 110), ‘Giả sử bò hoặc sư tử có bàn tay và chúng có thể miêu tả một tác phẩm giống như loài người, và giả sử những cầm thú này muốn vẽ hình ảnh thần linh, thì bầy ngựa tất sẽ vẽ thần giống ngựa, bò vẽ thần giống bò, và hình mạo cơ thể cũng giống y như của chúng.'

Vào thời Trung cổ, James Vitry, khi ca ngợi cái Đẹp của mọi kì công thần thánh, đã thừa nhận rằng có lẽ Cyclops, vốn chỉ có một mắt sẽ kinh ngạc trước những người có hai mắt, hệt như chúng ta ngạc nhiên về họ và với những sinh vật có ba mắt… chúng ta coi người Ethiopia da đen là xấu xí, nhưng trong số họ, người đen nhất được coi là người đẹp nhất. Nhiều thế kỉ sau, điều này đã được Voltaire (trong Từ điển triết học) nhắc lại: Hãy hỏi một con cóc vẻ đẹp là gì, vẻ đẹp thực sự. Nó sẽ trả lời rằng bạn tình của nó là đẹp, nàng có hai con mắt tròn xinh xinh lồi ra khỏi cái đầu nho nhỏ, cổ họng rộng và bằng, bụng màu vàng và lưng màu nâu. Hãy hỏi một người da đen ở Guinea: với anh ta cái đẹp là nước da đen bóng, đôi mắt trũng sâu và cái mũi tẹt. ‘Hãy hỏi ma quỷ: nó sẽ nói cái đẹp là một cặp sừng, bốn móng vuốt và một cái đuôi.’

Trong tác phẩm Mĩ học, Hegel lưu ý: ‘Có thể thấy không phải người chồng nào cũng xem vợ mình là đẹp, thế nhưng ít ra thì mọi chàng trai trẻ đều xem người yêu của mình là đẹp, đẹp độc quyền trong số mọi người nữ khác; và nếu sở thích chủ quan về cái Đẹp này không có những quy tắc cố định, thì chúng ta có thể coi đây là điều tốt cho cả hai bên… chúng ta thường nghe người ta nói rằng một mĩ nữ châu Âu sẽ không làm hài lòng một người Trung Quốc, hoặc ngay với một người bộ tộc Hottentot (Nam Phi) cũng vậy, bởi người Trung Quốc quan niệm về cái Đẹp hoàn toàn khác với người Da Đen… Trên thực tế, nếu chúng ta ngắm tác phẩm nghệ thuật của những dân tộc ngoài châu Âu này, chẳng hạn như hình ảnh các vị thần của họ, vốn nảy sinh ra từ trí tưởng tượng được họ xem như là siêu phàm và đáng tôn kính, nhưng chúng có thể gây ấn tượng với chúng ta là vô cùng gớm guốc trong số những ngẫu tượng. Cũng vậy, âm nhạc của những dân tộc ấy có thể khiến chúng ta thấy ồn ào đáng ghét, và đến lượt họ, họ sẽ coi các tác phẩm điêu khắc, hội hoạ và âm nhạc của chúng ta là vô nghĩa hoặc xấu xí.’

Thường thì việc gán cho là đẹp hay cái xấu không phải do tiêu chuẩn thẩm mĩ mà là do các tiêu chuẩn chính trị và xã hội. Có một đoạn văn của Marx (Bản thảo kinh tế và triết học, 1884), trong đó ông vạch ra việc sở hữu tiền có thể bù đắp cho sự xấu xí ra sao: ‘Vì đặc tính của tiền là có thể mua được tất cả, có thể chiếm hữu mọi vật, do đó nó là vật có giá trị ưu việt… Quyền lực của tiền lớn bao nhiêu thì quyền lực của tôi cũng lớn bấy nhiêu… Tôi là gì và tôi làm gì hoàn toàn không phải do cá tính của tôi quyết định. Tôi xấu xí nhưng tôi có thể mua cho mình người đàn bà đẹp nhất. Do đó tôi không phải xấu xí, vì tác động của cái xấu xí, sức mạnh gây cản trở của nó, đã bị tiền làm cho vô hiệu. Xét về cá nhân, tôi là người què, nhưng đồng tiền mang lại cho tôi hai mươi bốn chân: vì thế tôi không què… Vậy chẳng phải tiền của tôi đã biến mọi khiếm khuyết của tôi thành ngược lại hay sao?'

Từ trái sang phải:

Thất danh, John Vô uý, Công tước xứ Burgundy, khoảng đầu Tk. 19, Paris, Louvre

Diego Valázquez, Chân dung Vua Philip IV của Tây Ban Nha, 1655, Madrid, Prado Museum

Trường phái Pháp, Chân dung Vua Louis XI, Tk. 17, Paris

Luca Giordano, Chân dung Vua Charles II của Tây Ban Nha, 1692, Madrid, Prado Museum

Chân dung Vua Henry IV, Vua nước Pháp và xứ Navarre, Tk. 19, Versailles et de Triannon

Bây giờ, nếu chúng ta mở rộng những quan sát này từ tiền bạc sang tới quyền lực nói chung, chúng ta có thể hiểu một số bức chân dung của các nhà quân chủ trong nhiều thế kỉ trước, được các họa sĩ cúc cung tận tụy làm nên bất tử, và nhất định là hoạ sĩ không có ý quá cường điệu những khiếm khuyết của họ, thậm chí ráng hết sức trau chuốt những nét nổi bật của họ. Không nghi ngờ rằng những nhân vật này gây cho ta ấn tượng trông rất xấu xí (và có lẽ đương thời họ cũng bị cho là vậy) nhưng do quyền lực vô hạn đã phú cho họ sức thu hút và mị lực đến nỗi các thần dân nhìn họ bằng ánh mắt ngưỡng mộ.

Agnolo Bronzino, Chú lùn Morgante nhìn sau lưng với con cú đậu trên vai, Tk 16,

Florence, Galleria Palatina

Cuối cùng, hãy đọc một trong những truyện ngắn hay nhất của thể loại viễn tưởng đương đại, ‘Lính canh’ (Sentinel) của Fredric Brown, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ giữa bình thường và quái dị, chấp nhận được và khủng khiếp, có thể đảo ngược như thế nào tùy thuộc vào mắt nhìn: chúng ta đang nhìn vào quái vật vũ trụ hay quái vật đó đang nhìn chúng ta: ‘Tôi ngâm mình trong bùn ngập tới mắt, tôi đói và rét, và cách xa quê nhà năm vạn năm ánh sáng. Một mặt trời lạ toả ra ánh sáng xanh băng giá. Lực hấp dẫn ở đây gấp đôi trọng lực mà tôi đã quen, ngay cả một cử động nhỏ nhất cũng khiến tôi mệt mỏi và đau đớn... Rất dễ cho lực lượng không quân với phi thuyền và siêu vũ khí, nhưng khi đã đến đó, thì bộ binh phải chiếm lĩnh cứ điểm và bằng máu, tiến từng li từng tí. Trước khi hạ cánh xuống hành tinh này, chúng tôi chưa từng nghe nói về máu me như vậy. Nơi này bây giờ là thánh địa vì kẻ thù đã đến. Kẻ thù này, loài thông minh duy nhất bên ngoài chúng ta trong thiên hà… sinh vật độc ác, đáng ghét, gớm guốc, những quái vật đáng sợ.’

‘…Tôi ngâm mình trong bùn ngập tới mắt, tôi đói và rét; ngày nắng gắt, gió thổi mạnh làm rát mắt tôi. Nhưng kẻ thù đang cố gắng xâm nhập và tất cả các cứ điểm đều đang bị đe doạ. Tôi cảnh giác, sẵn sàng nổ súng… sau đó, tôi thấy một trong số họ trườn về phía tôi. Tôi nhắm và bắn. Kẻ thù phát ra tiếng kêu kì lạ ớn lạnh, cảnh tượng xác chết khiến tôi rùng mình. Theo thời gian, nhiều người trong chúng tôi đã quen, không còn để ý đến nó nữa; nhưng không phải tôi. Họ là những sinh vật ghê tởm khủng khiếp, chỉ có hai chân, hai tay, hai mắt, làn da trắng bệch và không có vảy…’

Khi nói rằng đẹp và xấu đều tuỳ vào các thời đại và các nền văn hóa khác nhau (thậm chí với những hành tinh khác nhau) không có nghĩa là con người không phải lúc nào cũng cố gắng coi đẹp xấu như đã được định nghĩa theo một mô hình ổn định.

Người ta thậm chí có thể nêu lên, như Nietzsche đã nói trong Hoàng hôn của các thần tượng, rằng ‘khi nói đến cái đẹp, con người tự coi mình là chuẩn mực hoàn hảo’ và ‘ở mặt này, y sùng bái bản thân... Về cơ bản, con người dùng sự vật như tấm gương soi mà mọi thứ đẹp phản ánh hình ảnh của y… Xấu xí bị coi là một dấu hiệu và triệu chứng của sự thoái hóa… mọi triệu chứng về sự kiệt sức, nặng nề, già nua, mệt mỏi, hoặc bất kì sự thiếu tự do nào, chẳng hạn như cơn co giật hoặc tê liệt, đặc biệt là mùi, màu sắc, sự thối rữa của hình thể… khi tất cả những điều này gây ra một phản ứng giống nhau, thì sự phán đoán giá trị là xấu’… Vậy con người ghét điều gì? Không nghi ngờ gì nữa: y ghét buổi hoàng hôn của chính mình.’

Luận điểm này của Nietzsche là về tính ái kỉ của nhân loại, nhưng nó cho chúng ta biết rằng cái đẹp và cái xấu được định nghĩa dựa trên một mô hình ‘đặc định’ và khái niệm về loài có thể được mở rộng từ con người sang vạn vật, như Plato đã nói trong Cộng hòa: nếu một cái chậu được làm đúng theo các quy tắc của nghệ thuật thì được coi là đẹp, hoặc như Thomas Aquinas (Summa Theologica/Tổng luận thần học, I, 39, 8) đã nói rằng cái đẹp không chỉ là kết quả của tỉ lệ phù hợp, độ sáng hoặc độ trong mà còn của tính toàn vẹn (integrity) – vì vậy, một vật thể (dù là cơ thể người, cây cối hoặc cái bình) phải có tất cả các đặc tính mà hình thức của nó đã áp đặt lên vật liệu. Theo nghĩa này, thuật ngữ xấu không chỉ được áp dụng cho bất cứ thứ gì không cân đối, chẳng hạn như một người có cái đầu to bất thường và đôi chân ngắn tịt, nó còn được áp` dụng để mô tả những sinh vật mà Aquinas định nghĩa là ‘đáng xấu hổ’ vì chúng bị ‘suy giảm’, hoặc - như cách nói của William Auvergne (trong Luận về thiện và ác) – người thiếu một chi hoặc chỉ có một mắt (hoặc thậm chí ba mắt, thì cũng có thể thiếu tính toàn vẹn nếu bị thừa). Do đó, cái nhãn hiệu ‘xấu’ đã được áp dụng một cách tàn nhẫn cho những hình ảnh dị dạng của tự nhiên, thường được các nghệ sĩ khắc họa một cách tàn nhẫn. Cũng đúng như vậy trong thế giới động vật với những con nào có vẻ bên ngoài là sự lai tạo vô tội vạ giữa hai loài kết hợp với nhau.

Do đó, liệu cái xấu có thể nào tiếp tục được định nghĩa đơn giản là đối lập với cái đẹp, mặc dù điều này cũng trái ngược với sự thay đổi quan niệm về cái đẹp? Lịch sử của cái xấu liệu có thể được xem như cái nền đối xứng với lịch sử về cái đẹp hay không?

Cuốn sách đầu tiên và hoàn chỉnh nhất được Karl Rosenkranz viết vào năm 1853, Mĩ học về cái xấu, vẽ nên một sự tương đồng giữa cái xấu xí với cái xấu xa về đạo đức. Cũng như cái ác và tội lỗi là những mặt đối lập của cái thiện, và chúng thể hiện cho địa ngục, vì thế cái xấu cũng là ‘địa ngục của cái đẹp’. Rosenkranz trở lại quan niệm truyền thống cho rằng cái xấu là đối lập với cái đẹp, và là một loại lỗi lầm có thể mắc phải bên trong tự thân cái đẹp, do đó bất kì mĩ học hay khoa học về cái đẹp nào cũng buộc phải xử lí quan niệm cái xấu. Nhưng chính khi ông đi từ các định nghĩa trừu tượng sang hiện tượng học về các hiện thân khác nhau của cái xấu, ông cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về một loại ‘quyền tự trị của cái xấu’, và điều này khiến nó trở nên phong phú và phức hợp hơn nhiều so với một loạt các phủ định đơn giản về nhiều hình thức khác nhau của cái đẹp.

Rosenkranz phân tích tỉ mỉ cái xấu trong tự nhiên, cái xấu về tinh thần, cái xấu trong nghệ thuật (và các dạng nghệ thuật khác nhau không được diễn đạt chính xác), sự thiếu hình thức, không đối xứng, không hòa hợp, sự biến dạng và dị dạng (khốn khổ, thấp hèn, vô vị, ngẫu nhiên và tuỳ tiện, thô thiển), các hình thức ghê tởm khác nhau (vô duyên, chết chóc và trống rỗng, kinh khủng, rỗng tuếch, bệnh hoạn, trọng tội, ma quái, quỷ dữ, phù thủy và satan). Có rất nhiều thứ để chúng ta không còn có thể nói rằng cái xấu chỉ đơn thuần là đối lập với cái đẹp được hiểu là sự hài hòa, cân đối hoặc toàn vẹn.

Nếu chúng ta xem xét các từ đồng nghĩa với đẹpxấu, chúng ta sẽ thấy những gì được coi là đẹp: xinh, dễ thương, dễ chịu, hấp dẫn, vừa ý, đáng yêu, thú vị, lôi cuốn, hài hòa, tuyệt diệu, tinh tế, duyên dáng, mê hoặc, tráng lệ, lạ thường, trác tuyệt, xuất sắc, lộng lẫy, thần kì, tuyệt vời, huyền diệu, đáng ngưỡng mộ, thanh tú, ngoạn mục, rực rỡ và siêu phàm; những gì bị coi là xấu: tởm, khiếp, khủng khiếp, ghê, khó chịu, kì cục, dễ ghét, gớm guốc, kinh tởm, khó ưa, hôi hám, bẩn thỉu, tục tĩu, tởm lợm, đáng sợ, đáng khinh, quái dị, dễ sợ, kinh hoàng, đáng ghét, kinh khủng, rung rợn, hoảng sợ, ác mộng, làm chán ghét, bệnh hoạn, ghê sợ, ti tiện, vô duyên, bất mãn, chán, phản cảm, dị dạng và biến dạng (chưa kể đến mức độ kinh dị cũng có thể tự thể hiện trong các lãnh vực thường được gán cho cái đẹp, như các thứ hoang đường, kì quái, ma thuật và siêu phàm).

Sự nhạy cảm của người đánh giá bình thường cho thấy, trong khi tất cả các từ đồng nghĩa với đẹp có thể được coi là phản ứng của sự tán thưởng vô tư lợi, thì hầu hết các từ đồng nghĩa với xấu đều chứa đựng phản ứng ghê tởm, nếu không nói là sự cự tuyệt dữ dội, kinh hoàng hoặc sợ hãi.

Trong tiểu luận Biểu lộ cảm xúc ở con người và động vật, Darwin chỉ ra rằng những gì gây ra cảm giác ghê tởm ở một nền văn hoà này thì không gây ra ghê tởm ở một nền văn hoá khác, và ngược lại, nhưng ông kết luận rằng ‘những động tác hiện nay được mô tả là biểu lộ sự khinh bỉ và ghê tởm dường như giống nhau trong phần lớn các nơi trên thế giới.’

Mathias Grunewald, Sự cám dỗ Thánh Anthony, chi tiết trang thờ tại Isenheim, 1515,

Colmar. Musée Unterlinden

Chúng ta chắc chắn đã thấy những cách khen trắng trợn điều gì đó khiến có vẻ là đẹp với chúng ta vì nó mang sự thèm muốn về nhục thể, hãy nghĩ đến những lời nhận xét tục tĩu thốt ra khi một phụ nữ xinh đẹp vừa đi ngang qua hoặc biểu hiện khó coi của kẻ háu ăn khi nhìn thấy món yêu thích. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta không xét tới những biểu hiện của khoái cảm thẩm mĩ như một thứ gì đó tương tự như những tiếng rên rỉ hài lòng hoặc thậm chí là những tiếng ợ hơi phát ra trong một số nền văn hóa nhất định để thể hiện sự thưởng thức đối với một món ăn (ngay cả trong những trường hợp đó, nó là một dạng trong phép xã giao). Nói chung, trong mọi trường hợp, có vẻ như kinh nghiệm về cái đẹp khơi dậy điều mà Kant (trong Phê phán sự phán đoán) đã định nghĩa là khoái cảm vô tư: khi chúng ta muốn có tất cả những gì có vẻ dễ chịu với mình hoặc tham dự vào tất cả những gì có vẻ tốt, thì sự phán đoán về sở thích khi nhìn thấy một bông hoa mang lại khoái cảm mà không có bất kì mong muốn sở hữu hoặc sự tiêu thụ nào.

Do đó, một số triết gia đã tự hỏi liệu có thể đưa ra phán đoán thẩm mĩ về cái xấu hay không, khi nó khơi dậy những phản ứng cảm xúc chẳng hạn như sự ghê tởm mà Darwin đã mô tả.

Thật ra, trong quá trình lịch sử của chúng ta, chúng ta nên phân biệt giữa những biểu hiện của cái xấu tự thân (chẳng hạn như phân, xác thối rữa hoặc những vết lở loét bốc mùi buồn nôn) với cái xấu hình thức, được hiểu là sự thiếu cân bằng trong mối quan hệ hữu cơ giữa các bộ phận trong một tổng thể.

Hãy tưởng tượng chúng ta nhìn thấy một người trên phố mà cái miệng hầu như không có răng: điều làm chúng ta khó chịu không phải là hình dạng của đôi môi hay một vài chiếc răng còn lại, mà thực tế là vài chiếc răng sót lại đó không đi kèm với những chiếc răng khác đáng lẽ ở trên cái miệng đó. Chúng ta không biết người này, và sự xấu đó xí không liên quan đến cảm xúc, tuy nhiên khi đối mặt với sự không nhất quán hoặc không hoàn thiện của tổng thể - chúng ta cảm thấy có quyền nói một cách khinh bỉ rằng khuôn mặt đó thật xấu xí.

Domenico Ghirlandaio, Chân dung ông cụ với cháu trai, kh. 1490, Paris, Louvre

Đây là lí do tại sao phản ứng ghê tởm khơi dậy cảm xúc trong chúng ta chỉ đơn giản là vì một con côn trùng nhầy nhụa hoặc một trái cây thối rữa, trong khi đó lại là một vần đề khác khi mô tả một người không cân đối hoặc nói rằng một bức chân dung xấu theo nghĩa nó được vẽ rất tồi (đây là cái xấu về nghệ thuật và cái xấu về hình thức).

Và, khi nói về cái xấu trong nghệ thuật, chúng ta hãy nhớ rằng trong hầu hết các lí thuyết mĩ học, ít nhất từ thời Hi Lạp cổ đại cho đến nay, người ta đã thừa nhận rằng bất kì hình thức xấu nào cũng có thể được cứu chuộc bằng cách thể hiện nghệ thuật cho trung thực và hiệu quả. Aristotle (Thi pháp) nói rằng việc mô phỏng thuần thục những gì coi là đáng tởm có khả năng tạo ra cái đẹp. Còn Plutarch nói (trong De audiendis poetis/ Nghiên cứu thơ ca), trong việc miêu tả nghệ thuật, cái xấu được mô phỏng vẫn cứ xấu nhưng nhận được sự vang dội của cái đẹp nhờ tài nghệ của người nghệ sĩ.

Như vậy, chúng ta đã xác định được ba hiện tượng khác nhau: xấu tự thân, xấu hình thức và miêu tả nghệ thuật của cả hai hiện tượng. Điều cần ghi nhớ khi đọc cuốn sách này là trong một nền văn hóa nhất định, chúng ta hầu như luôn luôn suy ra hai loại hình xấu đầu tiên như thế nào chỉ căn cứ trên loại hình thứ ba.

Nhưng khi làm điều này, chúng ta có nhiều nguy cơ bị hiểu lầm. Vào thời Trung Cổ, Bonaventura Bagnoregio đã nói rằng hình ảnh của con quỷ sẽ trở nên đẹp nếu đó là một miêu tả tốt sự xấu xí của nó: nhưng liệu các tín đồ có nghĩ như vậy hay không khi họ nhìn thấy những cảnh tượng cực hình tàn khốc dưới địa ngục thấy trên cửa hoặc trên tranh tường của nhà thờ? Chẳng phải họ phản ứng bằng sự kinh hoàng và thống khổ, như thể họ đã nhìn thấy cái xấu của loại hình đầu tiên, sự hung hãn và ghê tởm như cảnh một loài bò sát đe dọa dành cho chúng ta hay sao?

Các nhà lí thuyết thường không tính đến vô vàn các biến số riêng, tính cách cá nhân và hành vi lệch lạc. Mặc dù đúng là trải nghiệm cái đẹp ngụ ý sự chiêm ngưỡng vô tư lợi, tuy nhiên một thiếu niên gặp rối loạn có thể có phản ứng cuồng nhiệt ngay cả khi ngắm pho tượng Venus de Milo. Cái xấu cũng tương tự: một em bé có thể gặp ác mộng về mụ phù thủy thấy trong cuốn truyện cổ tích, trong khi với những đứa bé khác đó chỉ là một hình ảnh hài hước. Có lẽ nhiều người cùng thời với Rembrandt, thay vì đánh giá cao tài nghệ mà ông mô tả một tử thi bị mổ xẻ trên bàn giải phẫu, có thể đã có những phản ứng kinh hoàng như thể là xác chết có thật - cũng giống như một số người từng sống qua trận oanh tạc bom có thể không thể xem được bức tranh Guernica của Picasso theo cách vô tư về mặt thẩm mĩ, mà có thể chỉ sống lại nỗi kinh hoàng của trải nghiệm trong quá khứ của mình.

Do đó, chúng ta nên thận trọng khi theo dõi lịch sử cái xấu, cái xấu trong mọi hình thức và đa dạng của nó, những phản ứng trái ngược mà những hình thức khác nhau đó khơi dậy, và những sắc thái hành vi mà chúng ta phản ứng với chúng. Chúng ta cũng nên xem coi, cứ mỗi lần, các phù thuỷ có đúng hay không và nếu quả họ đúng, khi mà trong hồi đầu tiên của Macbeth, họ kêu lên: ‘Đẹp là xấu và xấu là đẹp ...’ (‘Fair is foul and foul is fair.’)

Heinrich Fusuli, Macbeth đang hỏi ý kiến bóng ma hiện hình đầu đội nón sắt, 1783,

Washington DC, Folger Shakespeare Library

______________________

*Dịch theo bản tiếng Anh:

On Ugliness, do Alastair McEwen dịch, Harvill Secker, London 2007

Nguyên tác:

Storia della bruttezza, Umberto Eco biên tập, Bompiani 2007