Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Một hệ thống giáo dục bạo lực

Thái Hạo

Có lẽ hai chữ "bạo lực" thường chỉ gợi ra trong chúng ta hình ảnh của những vụ bắt nạt, đánh nhau, lột đồ rồi quay clip tung lên mạng. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, tôi nghĩ khái niệm này cần được mở rộng cả nội hàm lẫn ngoại diên để phản ánh đầy đủ hơn cái thực tế đau lòng trong nền giáo dục của ta.

Những vụ bạo hành, sỉ nhục mà các em học sinh đã gây ra cho nhau là điều khiến chúng ta đau đớn và nổi giận. Bản thân tôi thường phải lướt qua những hình ảnh ấy mỗi khi nhìn thấy chúng trên mạng, vì nó vượt quá sức chịu đựng của mình. Nhưng tôi biết, có một loại bạo lực khác đang diễn ra trong nền giáo dục, nó im ắng khi nhìn từ bên ngoài nhưng bên trong thì khốc liệt và tàn phá gớm ghê. Và nhất là sự tàn phá ấy không phải chỉ là những trường hợp cá biệt riêng lẻ như loại bạo lực thứ nhất; nó diễn ra trong toàn bộ nền giáo dục trên cả trục dọc các cấp học lẫn trục ngang địa lý.

Kiểm tra và thi thử liên tục, thông báo điểm công khai, “tuyên dương” học sinh “điểm to”, “phê bình” học sinh điểm thấp trước lớp và trước toàn trường. Gọi điện và mời phụ huynh bất cứ lúc nào mỗi khi các em bị điểm kém. Đẩy các em vào đủ các kỳ thi và dùng các kết quả ấy để hăm dọa và sỉ nhục. Dùng các hình thức thi đua vô lý và phản giáo dục để biến môi trường sư phạm thành một trại tập trung hà khắc và ngột ngạt.

Bạn có tưởng tượng được không khi sau giờ tan học buổi chiều, có khi cả một lớp học bị bắt ở lại để “dò bài” cho đến 7-8g tối? Bạn có tin được không khi ở nhiều trường nội trú, kể cả dân lập nội trú, người ta thuê nguyên một đội quân giáo viên chỉ để đi đến từng phòng “dò bài” học sinh. Thuộc và phải thuộc, không có lựa chọn nào khác, bất cần em có thích hay không. Khi mà thời gian học chính khóa và cả thời gian học thêm (bắt buộc) vẫn chưa thể khiến những đứa trẻ thuộc bài thì người ta nghĩ ra muôn phương nghìn kế, để miễn là đạt được mục đích “thuộc bài”.

Tình trạng khủng bố tinh thần diễn ra mỗi ngày, và ở khắp nơi. Người ta huy động tất cả các lực lượng để làm công việc này: dùng học sinh trị học sinh bằng các đội cờ đỏ, sao đỏ…; biến giáo viên thành những con ngáo ộp đáng sợ; biến cha mẹ thành những kẻ tiếp tay; biến xã hội (làng xóm, họ tộc…) thành những nơi không dám trở về.

Chưa bao giờ tôi thấy học sinh cô độc đến thế trong cuộc chiến này. Các em không biết tìm ai, không biết nương tựa vào ai khi tất cả xung quanh đều đã trở thành những cảnh sát dữ đòn. Chúng tìm đến bạn bè thì bạn bè “đang học”, chúng tìm đến thầy cô thì thầy cô xua chúng về “góc học tập”, chúng tìm đến cha mẹ thì cha mẹ mang giấc mơ dang dở của họ ra… Và thế là chúng buồn bã quay về, hoặc tìm đến những nơi “đồi trụy”, chúng có thể ném mình vào sự nổi loạn khốn khổ hoặc rơi vào tình trạng căng thẳng mệt mỏi. Nhất là trầm cảm, nhiều học sinh bị trầm cảm nghiêm trọng. Thi thoảng chúng ta đã thấy những em tìm đến cái chết vì sự mệt mỏi và tình trạng cô độc khi sống giữa con người.

Nếu chúng ta không nhìn nền giáo dục từ bên trong – bên trong con người – mà chỉ quan tâm đến những con số trong các bản báo cáo thành tích vô hồn, chúng ta sẽ không bao giờ biết được cái gì đang diễn ra. Những đứa trẻ như những con hải sâm không có lớp áo bảo vệ, chúng sống giữa biết bao con người mà không tìm thấy ai để sẻ chia và cầu cứu. Chúng ta đang làm cái gì vậy trên thân thể và linh hồn trẻ thơ?

Sự độc ác này không có clip nào có thể ghi lại được. Nó chỉ có thể được nhìn thấy bằng trái tim và tình yêu đối với con người.

Hãy cởi trói cho giáo dục, cởi trói khỏi cái bệnh hoạn thành tích và những giáo điều xa rời thực tế. Hãy hủy bỏ các kỳ thi vô bổ mà khốn khổ kia. Hãy trả lại cho học sinh sân trường và những tàn cây xanh, trả lại tiếng cười và cuộc sống hồn nhiên cho các em. Con người không đáng bị đối xử như thế. Đó là tội ác.

Giáo dục phải lột xác; tự do phải trở lại; hạnh phúc phải hiện hình. Không thể tiếp tục hủy hoại những “mầm non tương lai” của đất nước nữa. Mọi thứ “tầm nhìn” phải được y cứ trên con người và từ con người. Tôn trọng con người và vì con người (chứ không phải thành tích) – đó phải là tôn chỉ của một nền giáo dục, nếu nó muốn tiến bộ và muốn xây dựng đất nước này phồn vinh hạnh phúc.