Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Nhật ký chiến tranh (kỳ 3)

Vương Trí Nhàn

14/6

3 thứ nhiều nhất ở Quảng Trị:

1. dây thép gai, dây thép rào cả trong nhà rào cả mả tổ

2. ni lông

3. mái tôn (cả đất đai Quảng Trị như một trại lính lớn)

Câu chuyện người dân và người lính rất nhạt nhẽo. Những người lính về giải phóng quê hương, nhưng người dân xem họ như kẻ ở đâu đến vậy. Trong làng chỉ còn những người già và trẻ con. Tôi hỏi một đứa trẻ: Cháu mấy tuổi - 6 tuổi - Cha mô rồi - Cha chạy- Mạ mô rồi - Mạ chạy - Giừ ở với bà hử - Dạ - Có thích đi xem chiếu bóng không, có thấy hay không - Dở. Bà không cho đi xem.

Đấy là về sau. Khi vào, người lính ngạc nhiên, tuy vẫn đồng đất nước mình, nhưng rất xa lạ. Còn nhiều ảnh Thiệu. Còn nhiều khẩu hiệu. Còn nguyên những cách nghĩ cách nói của người ở đây.

- Cháu mấy tuổi mà đã mười mấy lần chạy giặc đấy.

- Giặc là ai?

-... Giặc là... pháo đấy

Người ta vẫn ra xem máy bay Mỹ, và cho rằng máy bay Mỹ không ném vào dân.

Sau này người ta bảo: Mỹ đến đây làm gì? Nó lấy sỏi của mình ư? Đấy, bây giờ mình làm lấy đấy, nó đi rồi.

Người ta sống mệt mỏi, rời rã. Đã nghe pháo súng nhiều quá rồi, miễn sao được nghỉ. Có đánh nhau thì con em mình là nguỵ chứ ai. Không ai lo làm ăn. Chỉ nhong nhóng những chuyện gia đình, chửa đẻ, con cái. Nhưng mà người không đẹp, con người thiếu một vẻ đẹp của trí tuệ ánh lên trên nét mặt. Thiếu văn hoá. Cho nên, nếu để một tốp dân công miền Bắc đi bên cạnh những cô quần ni lông áo ni lông, thì những người miền Bắc nhìn vẫn khá hơn - ít nhất với tôi lúc này là vậy.

Bây giờ có sự gặp gỡ giữa những người lính miền Bắc với xã hội ở đây.

Đôi khi họ cũng muốn bắt chuyện bộ đội.

- Chú bố mẹ còn không?

- Dạ còn.

- Quê  đâu?

- Quê Quảng Trị.

- Không phải.

Thế là thôi. Không còn biết nói chuyện gì nữa.

Có lúc bộ đội làm dân sợ. Tập họp ở trụ sở, một người thấy còn khẩu hiệu cũ liền bắn lên trúng khẩu hiệu. Nhiều khẩu hiệu tương tự  lỗ chỗ vết đạn. Anh em đi qua vội, nhưng nhìn tức mắt khó chịu, bắn rồi đi.

Một đ/c kể chuyện tiếp quản Đông Hà

-  To hơn thị xã Hà Đông. Ba cầu: cầu vào, cầu ra, cầu sắt. Toàn là súng và sách. Sách đốt không xuể (Sợ khói lên)

- Chỉ xin được 10 lá cờ, lại phải để lại 5 mang vào Ái Tử. Phải may thêm.

- Không có dân, nhưng vẫn lấy pin của nó làm loa truyền thanh, để cho thị trấn nó sống lại. Mở loa suốt ngày. Đọc nhật lệnh UB quân quản. Cốt cho bộ đội nghe. Chỉ có một bà cụ già lên thăm con, con chạy đi, mình bà cụ nhịn đói nằm đấy, sau bà cụ lên xin ăn.

- Mang sơn đi xoá khẩu hiệu cũ. Và viết mới - hàng trăm khẩu hiệu mới, gặp đâu viết đấy.

- Ra nhà thông tin của nó.  Nửa nhà toàn phim: Đêm ái tình. Bí mật người phụ nữ. Trong nhà CLB E2 còn nhiều bàn cờ tướng, các loại bài bạc.

Sách của địch anh em lấy về cũng nhiều. C26 một tổ đài quan sát 6 người, 46 quyển - hoàn toàn về văn nghệ. Cả C 180 quyển. Một trạm giữa 2 người mà 5 tiểu thuyết dày. Sau CTV phải mang quang gánh lên gánh về đốt. Các D phải cho điểm nghiệm.

E 58 đóng quân nhà dân. Trẻ con bảo các chú giải phóng không đánh, nhưng chả có gì cho cả. Các chú Cộng hoà hay đánh, nhưng các chú ấy cho nhiều thứ. Nhiều cụ già bảo lính nào cũng là lính cả.

Tranh ảnh. Ảnh quân lính địch đi gặt “say giặc anh ra chiến trường say quê anh lại về đồng giúp dân”. Sử, khen cả Quang Trung, cả Gia Long. “Công lớn nhất của Gia Long là thống nhất tổ quốc”. Khẩu hiệu sơn vàng chữ đỏ. Những chữ xấu và chữ cổ. Quân giải phóng chữ đẹp - Cả ấp này không có ai chữ đẹp như chữ các chú giải phóng.

- Anh em vào xa lạ với dân: cho là địch cả, cảm thấy bị hẫng

- Coi thường tín ngưỡng đồng bào, vứt cả gia phả của người ta.

- Lạnh nhạt ngán ngẩm

Một đồng chí ghi nhật ký. Đồng chí đó hy sinh. Một biệt kích bắt được, viết vào mấy chữ: Việt cộng bố láo (vì anh em ghi rất hay) Đến lượt tay biệt kích kia ta lại bắn chết.

Sách đủ loại. Lược sử văn học Việt Nam, Truyện Kiều, Trạng Lợn, Tây Du, Tam Quốc, Sách Toán, Các tầng địa lý, Thơ Vũ Hoàng Chương.  Mâu thuẫn Nga Xô - Trung Cộng, 10 năm xây dựng XHCN, 12 luận đề triết học.Tranh ảnh: phong cảnh, tĩnh vật.

Một đồng chí nhận xét: Truyện của nó không hay. Nhạc không hay. Ăn mặc bẩn (đồ của ta có một cái gì của con nhà lành).

Anh em mình mới vào, dễ bị kích động. Không phân biệt được thật giả, khi thấy địch giả dân thương vong, sinh ra bắn bừa bãi. Vào nhà dân viết khẩu hiệu: Đả đảo gia đình theo địch.

Mấy năm trước, dân “đến” với ta còn ít, anh em còn tò mò. Ngày nay, tiếp xúc nhiều, đâm ớn, chán. Tuyên truyền đơn giản bật hết. Chỉ còn lại những gì sâu sắc nhất, gạn lọc từ nhiều năm nay. Sau một thời gian,  một cậu bộ đội thú nhận “ Bây giờ tớ mới có thể tin được dân ở đây“. Hiện nay anh em thấy thương đồng bào hơn.

Nghĩ vào Huế: Thêm một chuyển biến chính trị. Nhưng cũng là để vào xem Huế như thế nào. Sơn Nam bảo vào xem Sinh Viên nó ra sao

Anh em trẻ bốc đồng: cho Huế thấy đạo đức của mình, tầm lớn của mình.

Đ/c Hội:

-- Địa phương lãnh đạo nổi dậy bị hạn chế. Ta nặng trên giấy tờ. Chủ trương của trên quán triệt chưa đến đảng viên cơ sở; ta đánh, đảng viên cũng đi theo đồng bào. Anh em cho là làng phản động.

--Anh em còn bí. Quân dân chưa keo sơn. Tôi không lo quan hệ nam nữ. Tôi lo anh em thiếu thốn nên không còn được mô phạm và lo cảnh giác. Nếu địch không dùng vũ trang mà dùng những thứ thuốc độc, hoặc dụ dỗ thì mình đối xử sao.

Bộ đội đối xử với cụ già cũng như với thanh niên. Vào nhà, chỉ biết chào nhân dân chứ không biết chào các bà, các cụ. Và không biết nói chuyện thêm. Anh em đi lĩnh lương khô, trẻ con đi qua, cho các cháu. Nhưng vào nhà, thấy bảo xé cờ địch, thế là xé cả cờ tôn giáo.

Đ/c Chúc:

  Chuẩn bị vào tiếp quản Đông Hà, nghĩ ra một số khẩu hiệu, cho anh em đọc. Chuẩn bị cờ, băng vải đỏ, đeo loa, giấy vàng giấy đỏ. Ra Cam Lộ tìm không có, lại cắt giấy trắng, giấy in.

Hình dung Đông Hà sẽ có dân, sẽ gặp UBND cách mạng (Ngoài Vĩnh Linh đã gặp o Lan. Lan đã ghi địa chỉ số nhà). Trông như một phố huyện. Lên đường 9 rộng, nhẵn bóng, xe tăng quay trên mặt đường không việc gì. Thấy nhà tôn ở Cam Lộ đây to, phố huyện quê nhà nhỏ hơn.

5h chiều, tới Cam Lộ Thấy một gác cao, nghĩ giá kể thời bình vào chè lá, chụp ảnh.

Đoàn đi hơn 20 người (vệ binh- hậu cần...). Dọc đường xe tăng mình, xe địch nằm ngổn ngang. Gặp một xác chết nằm dang tay dang chân, đầu quay ra đường. Một đồng chí ta được bó cẩn thận,  rồi đi gọi người cáng.

Một bà già quẩy đôi thúng chạy loạn. Trăng lờ mờ, thấy cả khuyên vàng.

10 h đến thôn Tây. Phía sau thôn là sông. Nhà cửa tan nát. Những giao thông hào chằng chịt, vào một hầm rộng đủ cho 3 anh em. Bật đèn pin trong hầm,  lấy lương khô ra ăn, nghĩ việc của mình. Sáng sớm dậy, có mấy người đi... Một đồng chí Trinh Sát xách về kẹo, mì, miến khô cho vào một bị, cả một cái đàn.

Tôi đi xin cơm bên E36. Ăn cơm xong, đi dọc bờ sông. Phía sau là cầu đường sắt một bãi trồng ngô lạc rất tốt. Sông gợn sóng. Vớ được một xuồng, chèo quanh.Thị trấn rất đẹp. Nhà sĩ quan lính ở ngay bờ sông. Nhà đầy sách vở.  Có lần Ngưu + Đình vào hầm sĩ quan  cũng thấy một đống sách cao.

Đường sỏi. Nhà rời ra từng nhà. Nhà nào cũng có mìn định hướng. Lợn gà chết thối inh lên. Không có ai. Đào hầm cả buổi chiều. Nền nhà xi măng, dưới là cát. Gỗ - bao cát nhiều. Xong ra sông Đông Hà,  nhìn nhớ sông  Ninh Cơ, giữa sông cũng có cồn cát. Trên trời có máy bay, sao nhiều. Đêm đầu tiên chưa có trà thuốc.

Sáng hôm sau, đi gỡ mìn (10 quả). Tháo bột dẻo mìn cơ lây mo. Chuẩn bị cán cờ, lấy gỗ tre... đẽo. Bắc bếp lên, một hộp ca cao. Tranh sơn mài, sa lông, áo trắng dài, màn tuyn. Đồ đạc tanh bành. Ảnh gia đình. Chỉ có mấy gia đình mà đi hết (Ngưu: tớ sẽ xin về đây làm huyện  đội  lấy một cô du kích).

Chỉ thị: phụ trách vệ binh, treo cờ, truyền thanh. Vải nhiều,  đồng chí Đình biết máy - máy băng. Sáng hôm sau đi. Đường không có cây. Một khu gia binh. Nhà cao - một đồng chí trèo  lên theo dây thu lôi. Khẩu hiệu ở một trường học

Vĩnh biệt Đông Hà nhường lại cho Bắc Việt

Đả đảo Cộng sản đánh vào không cho chúng ta học

Cột cờ, dây dù, cờ vàng ba sọc đỏ. Ta giật cờ nó xuống, cắm cờ mình lên. Đứng ở xa nhìn thấy cờ. Khát nước vào tiệm giải khát, còn bàn ghế... nhưng không có bia, cà phê gì.

Đến chợ... vác một vác sách về. Chọn một nhà cao to làm trụ sở UB quân quản. Trong đó lấy một buồng làm kho tuyên huấn. Anh em chỉ cho những hộp bia. Say, mát. Thế mà trước không biết. Về hầm nghỉ. Kiếm vải làm cờ, nhưng máy hỏng gẫy kim

Tôi chỉ thị cho mấy cậu mang ăm pơ li, 1 loa của nó, 1 loa của ta.

Ngày hôm sau ra khu doanh trại, vào nhà Câu lạc bộ sĩ quan. Nhà rộng 7-8 bàn bóng bàn. Chi khu quân sự. Mũ của trung sĩ vứt rải rác. Một phù hiệu Nguyễn Thị Hoa tiếp liệu --thấy vứt trên  đất.

Vào viện cô nhi, một bộ phông màn văn công điện chùm. Ta đóng hòm các thứ mang về kho. Gì cũng lạ không đủ mắt để mà nhìn. Chè đùm ni lông: Hoa sen, Con vịt, An Thành... Mỗi thứ một, uống thử. Nó xa xỉ nhiều, sẵn của. Sổ tay một sĩ quan còn dòng chữ “Thằng nghèo rớt mồng tơi, thuốc lá không có mà hút mà còn định đánh nhau với chúng tao.”

Trường học, bàn ghế đẹp, khẩu hiệu... Trường 2 tầng, mười mấy gian. Trường tư thục. Anh em mang xe đi lại, hăng. Thỉnh thoảng có tiếng nổ, mìn tự huỷ. Bom thả. Đường đi đã lạc hướng. Bom lộng óc. Hôm sau, địch đánh sập nhà UB quân quản. Bom đánh vào chỗ thông tin. Bom nổ gần, anh em bỏ ra gần nhà tám mái. Đi dọc đường một ven sông. Trẻ con hát. Lạc, lúa tốt.

8h đêm vào nhà một ông cụ. Ông cụ có con trai tập kết nhưng cháu nội đi lính nguỵ, mẹ nó chạy theo con. Một người thiếu phụ 28 tuổi có con, đến ở đấy. Đêm họ ngủ một hầm. Những cảnh sống lang chạ. Những sự phiêu bạt. Như súng đạn giặc vứt dọc đường. Lấy gạo, gà... chúng tôi cho ông cụ.

Vào một nhà ở Quất Xá. Nhà đang có giỗ. Những đứa con trai theo học ở Đông Hà dã chạy vào trong, đứa con gái thì bị chết. Bữa giỗ chỉ có ông cụ bà cụ và mấy anh bộ đội. Thịt một con gà. Ông cụ bảo tôi cho là chính phủ nào cũng cần dân, nên tôi cứ ở lại, dù thấy hàng xóm ở đây đi cả. Ở đây trước các anh Việt cộng vẫn về hoạt động, đêm đi ở ngoài, nhưng tôi không báo cho nó. Báo cho nó, nó về lục soát, lại cũng chỉ tổ khổ mình.

Những sinh hoạt bình thường trong chiến tranh: người ta vẫn giỗ chạp, vẫn tết nhất. Tay lính nguỵ năn nỉ nhờ một người dân cắt tóc.

16/6

Tôi ngồi dưới một bóng tre, gió thổi đến không thể ngủ được. Dưới chân tre là con suối. Những con bò đủng đỉnh xuống uống nước, một lũ trẻ lấy sỏi dưới lòng suối ném vào lũ bò, đuổi chúng lên. Chỉ nghe lũ trẻ nói chuyện, mới nhớ ra rằng chúng là người Quảng Trị. Một ông cụ mặc cái áo rằn ri, nhưng lại đội mũ giải phóng - ở đây, người ta là thế, mỗi người đều mang trong mình hình ảnh của đất nước.

Một người bạn tôi nói bọn trẻ con này cũng mang chất Việt Nam hóa. Tôi nghĩ hình như không phải là như thế. Nhưng nên nói thế nào thì tôi không biết.

Mấy hôm nay và mấy hôm tới chúng tôi đi lại trên đất Quảng Trị. Có mặt trên những con đường miền Tây, cả những nơi chưa có ai đặt chân tới. Một người lính bảo cứ theo bản đồ mà đi. Vừa đi vừa mở đường. Đến cả quê hương tôi, có lẽ tôi cũng không phải nghiên cứu phải thuộc như đất Quảng Trị đây, nhưng vẫn là phải đi thôi -- cậu lính đó kết luận.

Vượt quá lên những ngọn đồi miền Tây, đã có thể nhìn thấy núi. Dưới chân chúng tôi là con đường mòn. Hai bên đường, những vạt cỏ gianh lì lợm và cần mẫn sống. Cúi thấp xuống, cả vạt đồi, như oằn lưng chịu đựng, những ngọn đồi như chết đi không còn sức sống nữa, nhưng từng cây vẫn rạt rào lên trong gió, rướn lên, quẫy lên, như không chịu lẫn đi mòn mỏi trong rừng.

Giữa một vùng đồi cứ thấy rơi rụng hai bên đường những mẩu giấy lương khô lẫn đạn. Bộ đội đã đi qua đây. Còn bên ngoài là đường tăng, bất cứ ngọn đồi nào cũng là đường tăng. Hai bên đã cùng quần nhau trên mảnh đất này... Tôi đang đọc bản tiếng Nga cuốn Ngài đại sứ trong đó một nhân vật phụ nữ Mỹ cũng biết rằng mấy chục năm nay, Tổ quốc VN của tôi liên miên chiến tranh - những thế hệ liên tiếp đã kế tiếp nhau cầm súng. Không thể chỉ nói những người phụ nữ mới chịu đựng cảnh đau khổ này như những nhà văn tình cảm chủ nghĩa thường nói. Những người đàn ông chịu đựng những điều này đầu tiên, nặng nề nhất. Kinh khủng nhất là cái ý tưởng chiến tranh quá độc ác, nó biến tốt thành xấu, và người lương thiện cũng có thể gây tội ác. Tôi nghĩ đến những người Đức, người Trung Quốc - dẫu sao đánh nhau một hồi nay họ cũng đã được nghỉ. Chỉ mình là còn đánh nhau. Phương Tây hay nói đến "bí mật châu Á"  có lẽ để chỉ có một cái gì đó khủng khiếp ở đây chăng. Chỉ biết đó là một số phận. Những lãnh tụ của đôi bên đều không hình dung hết mọi chuyện. Nhưng rút cục, như tác giả Ngài đại sứ nói,  sự giết người, cái tiếng đó ở đây đã phổ biến quá.

Buổi chiều, lũ trẻ ra suối tắm, chơi trò hai bên đánh nhau. Bọn phản động, tấn công. Không cho chúng nó xâm lược. Quyết tâm chống Mỹ cứu nước. Chống cộng cứu nước - hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi.

Những chữ nghĩa chính trị vào đời với chúng nó, ngây ngô lạc lõng mà lại tự nhiên, và cứ thế, cứ thế rất có thể, chúng nó chia làm hai phe đánh nhau tiếp tục cho tới khi rất nhiều đứa chết.

Nhưng như thế thì bi quan quá! Có lẽ không nên nghĩ thế. Nhớ một hôm, bên một dòng suối, một đồng chí nói:

- Đời con mình mà còn đánh nhau, thì đất nước này tan hoang chứ còn gì nữa?

... Nhưng mà thôi, đừng nói đến những chuyện trên, đến những người chết và phần chết trong tâm hồn những người sống - hãy nói đến một cái gì gần gặn hơn, những người đang quằn quại vì bom đạn.

Người lính là gì? Những mẩu cao su dưới đất cũng nhặt. Nhưng có khi cả quần, cả áo, cả nửa cái khăn mặt cũng vứt. Những người lính miền Bắc vào một thành phố miền Nam, dí mũi vào mọi thứ, chả hiểu cái gì, cuối cùng đành tặc lưỡi mình có cần gì mà phải hiểu.

Cứ thế, những người lính sống vạ vật và tha thẩn khắp rừng núi, khắp những làng xóm và phố xá đang tanh bành. Nhà cửa hoang vắng. Tất cả lộn nhào cả lên, người ta vứt ngổn ngang ni lông, giấy, đạn ra rừng ra suối rồi người ta rẽ lối mà đi.

Một mùa hè Quảng Trị. Mặt đất đang bị mặt trời thiêu cháy, hay là con người tự hủy diệt đang tự dày vò tự thiêu cháy.

Một anh bạn tả Quảng Trị: Thành phố bây giờ là phố xá của ruồi và của lính.

Ngay từ hồi mới vào, đã nghe nói đến những đàn chó lang thang khắp làng xóm bị tàn phá. Chó không có người nuôi tập họp nhau lại, đi tìm ăn, ăn lá, ăn cỏ, ăn thịt những con vật khác, và con vật tiêu biểu cho cuộc sống thanh bình như thế, biến thành con vật hoang dại, thành một đám quái vật, đám âm binh lang thang vô định. Con nào con nấy gầy rạc đi, nhưng săn chắc lại. Không có người chỉ huy, bất cần, bám vào cuộc sống xa lạ mà phải sống. Những con chó rúc đầu vào những con lợn đang trương phềnh lên, đến nỗi không thấy đầu chó đâu nữa.

Một ý nghĩ phản nhân đạo chăng - trong thời đại này, tất cả chúng tôi, những người lính đều là những con chó hoang?

Khi tôi ngồi viết những dòng này, những người lính vận tải qua sông Ba  Lòng, một thứ lính thổ phỉ, đang ngồi thái thịt bò. Đêm qua đến, đã nghe sau một hố bom, tiếng kêu cứu ái ngại, thương tâm, tiếng kêu những con bò lang thang. Sáng ra, thỉnh thoảng thấy những tiếng súng. Lính của một đơn vị nào đó bắn bỏ. Nhiều bò quá, đến nỗi lính kén cá chọn canh, bò già chê không ăn, chỉ ăn bò non. Một con bò bị bắn, vì lý do nào đó bị chê, loại ra. Trong nắng chiều, đám lính bảo nhau ra chặt mấy đùi mang về. Một người lính quần đùi, áo dài, đầu trọc, người cao ráo, chân đi dép dọ, trông như một ác ôn. Cậu ta mài dao, ra đưa vài nhát dao là được cái đùi. Moi tim bò, xoáy mũi con dao vào tim cho hết tiết đọng. Và chiều nay, tôi sẽ được ăn thịt bò ở đây, như tất cả những người khác. ... Rồi đời sống sẽ ra như thế nào?

Trên mặt đất Quảng Trị đây, nhìn xuống bất cứ mảnh đất nào dưới chân, cũng gặp những vật phẩm của người lính, của ta hay của địch. Và tôi cũng là một vật phẩm như vậy.

Cây ổi tôi đang mắc võng đây, quả đang xanh, cành bẻ bai ngang dọc. Bao giờ không biết, quả sẽ chín, nếu không bị đốn thì chúng sẽ nẫu ra mà chín, và ai sẽ ăn những quả ổi đó, --những người lính hay những người dân đầu tiên trở về làng cũ?!

Tôi đang đi theo một tốp cán bộ Tổng cục xuống theo dõi đơn vị,  chính thức gọi là đi công tác ở chiến trường.

Cách làm việc của tôi thường là vội vã, mò mẫm nhặt nhạnh tài liệu chuyện trò với lính và cán bộ, cái gì cũng phải làm ngay. Vì sao ư? Trong thâm tâm lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ tới chuyện quay về Hà Nội.

Nhưng cùng đi với tôi, có những người khác, như S.N. Anh ta la cà với lính, nói chuyện rất dông dài, kể chuyện hậu phương. Có đám chè lá ăn uống bàn bạc nào, là anh ta len ngay vào. Anh ta hay hỏi người lính từ một khẩu súng, một trận đánh, cho đến các loại lương khô khác nhau, loại nào ăn ngon, loại nào ăn dở. Anh ta sục ăn, ăn các thứ lương khô rất giỏi, và ngủ, thế nào cũng ngủ được.

Ở khía cạnh ấy tôi rất ghét S.N. Nhưng rồi  chợt nghĩ biết đâu đó chẳng là cách nghĩ của người lính, cách sống của người lính. Phải như thế, người ta mới sống được.