Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Khi nhà thơ làm hề kiếm sống

(Tưởng nhớ Hoàng Nhuận Cầm)

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Có lần, tại nhà đạo diễn Tự Huy - khu nhà thờ danh nhân Nguyễn Văn Siêu, sau khi đọc và “xi-nê-mồm” một kịch bản của mình, Hoàng Nhuận Cầm bất chợt đọc một bài thơ mới, trong đó có câu: “Ta đi như mèo trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi những thiên thần”. Hai câu thơ đó đã neo lại trong tôi suốt một thời gian dài; cho tới khi nghe tin anh mất, nó lại chợt hiển hiện, để tôi cảm nhận một cách trực giác toàn bộ cuộc đời làm thơ và viết kịch bản điện ảnh của anh, cuộc đời mà có lần anh bộc bạch với báo chí: “Mê thơ đến muốn chết và say điện ảnh đến phát mệt, cả hai tạo thành tình yêu cuộc sống…”.

Nhưng điều mà anh đã không nói với giới truyền thông chuyên săn tin về những “nhân vật của công chúng” – mà có nói cũng sẽ bị kiểm duyệt cắt phăng đi – là những nỗi đau khổ, trăn trở âm thầm đến ứa máu của một người cầm bút “mê- say” mà hai câu thơ dẫn trên đã hé lộ phần nào, may mắn được lọt qua bàn biên tập.

Có buổi, ngồi uống bia với nhau, tôi bảo: “Nói thật nhé, thơ ông trước kia khiến ông được coi là “vua thơ học trò, sinh viên”, phần lớn là thứ thơ “trang kim”, cải tiến từ Pautovski, và phát triển từ nguồn cảm hứng thời đại “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”… Nhưng thứ thơ để mọi người sẽ nói đến Hoàng Nhuận Cầm thật lâu chính là thứ thơ này:

Tất cả chúng ta thật lòng nói dối

Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi

Tất cả chúng ta căn nhà chật chội

Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi.

Tất cả chúng ta đều bị theo dõi

Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi

Tất cả chúng ta như bầy chó đói

Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng soi.

Lũ chúng ta đồng thanh sám hối

Lũ chúng ta chẳng thốt lên lời

Lũ chúng ta nhìn ra bóng tối

Tất cả chúng ta đều không vô tội

Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi…

Hoàng Nhuận Cầm tím mặt lại, nốc cạn cốc bia, rít thật sâu một hơi thuốc lào, rồi chợt cười toe toét như một kịch sĩ tài ba: “Ông nói chí phải. Cũng may là ông nhớ được mấy câu trong bài “Vô cùng” của tôi, không thì…”. Tôi đọc lại hai câu thơ “Ta đi như mèo hen trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi những thiên thần”, anh bực mình sửa lại: “Không có chữ “hen” đâu nhé!”. Tôi nói thêm: “Hai câu này của ông mới đáng cho bọn sinh viên văn thế hệ sau chúng ta chép vào sổ tay, kiểu như thơ của thi sĩ Phạm Đình Ân: Tôi đi giữa hè đường nát vá/ nghĩ thương thân, thương cả phố phường nghèo… Thấy tôi nói tới thơ người khác, điều mà anh không thích, anh lảng sang chuyện điện ảnh.

Anh vào ngành điện ảnh trước tôi cả 10 năm, với chức danh biên kịch, rồi còn có lúc thi vào học đạo diễn điện ảnh mà không đỗ... Gia tài kịch bản được làm phim của anh không phải là ít – so với nhiều nhà biên kịch điện ảnh Việt Nam: Đằng sau cánh cửa, Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông năm 1946, Pháp trường trắng, Nhà tiên tri, Mùi cỏ cháy… Nhưng theo tôi, và anh cũng đồng tình với tôi, gia tài thơ ca của anh mới đáng kể đến. Một số kịch bản và bài báo mà anh phải thức trắng đêm viết theo “đơn đặt hàng” để kiếm chút nhuận bút “còm” mua sữa cho con, trong đó có vài kịch bản dành cho “phim Cúng Cụ” – theo cách nói của dân trong nghề. Riêng kịch bản Mùi cỏ cháy là kịch bản như trả món nợ lòng của anh về một thời “ra trận giữa mùa ve đang kêu”, mà anh cùng các sinh viên văn khoa gác bút nghiên đi theo tiếng gọi “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”, đã hồn nhiên ra mặt trận, tình nguyện ném tuổi thanh xuân của mình vào những "Đồi thịt băm" (tên một bộ phim phản chiến làm về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Mỹ Oliver Stone) và vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa… Còn kịch bản đầu tay của anh là Đằng sau cánh cửa, khi vào sản xuất, tôi mới về xưởng phim được giao làm phó đạo diễn. Khi tôi chọn được diễn viên Hồng Sơn vào vai chính, anh rất mừng, bảo: “Tay Sơn này ra dáng kỹ sư Hà Nội lắm, cũng phù hợp với suy nghĩ của tôi khi tạo ra nhân vật, đóng với con gái tôi làm hai bố con rất “ăn” đấy!”… Vào đầu những năm 90, cả nền điện ảnh Việt Nam tan tác, các rạp chiếu phim biến thành quán bia, vũ trường, và Liên hiệp Điện ảnh Việt Nam là một trong những cơ quan Nhà nước góp phần vào sự tan rã đó. Nhiều người làm phim đã phải tìm vào Sài Gòn – nơi đang sôi động với phim “mỳ ăn liền” để giữ nghề, và để kiếm sống; Hoàng Nhuận Cầm cũng lao vào viết kịch bản, làm cả đạo diễn loại phim như thế, có tên: Người giàu cũng cười (theo motif phim “truyền hình xà-phòng” nước ngoài Người giàu cũng khóc xáo động màn ảnh nhỏ một thời!). Bế tắc vẫn hoàn bế tắc, bởi khó có thể “Khóc - Cười” lâu với với loại phim thị trường hạ cấp này, Hoàng Nhuận Cầm cùng một số anh chị em điện ảnh tạm gọi là “trẻ” đứng ra thành lập “Trung tâm Điện ảnh Trẻ” mong cứu vớt điện ảnh nước nhà, cuộc họp ra mắt đông đảo tại Hội Điện ảnh Việt Nam, và đã bầu ra năm “thủ lĩnh đáng ghét”. gồm Lưu Trọng Ninh, Phi Tiến Sơn, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Quang Vinh, và người viết mấy dòng này (được sự ủng hộ ngầm của một số đạo diễn đàn anh, như Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Tự Huy…) đối với những người lãnh đạo Văn hóa - Điện ảnh lúc đó. Song một số ý tưởng kịch bản của Hoàng Nhuận Cầm và của nhóm chúng tôi, theo thói quen “cầm đèn chạy trước ô tô”, tự kiểm duyệt trước, chúng tôi thấy ngay một điều là: nếu có ai đầu tư cho quay thành phim thì sẽ không thể lọt qua Hội đồng duyệt phim Quốc gia, bởi chúng xoáy sâu vào số phận và những dằn vặt của kiếp người, là sự trăn trở trí thức kiểu A. Kron, B. Pasternak, M. Bulgakov, A. Solzhenitsyn, v.v., mà tới hôm nay vẫn bị coi là vùng “cấm kỵ”!

Chán ngán với cơ quan Hãng phim truyện và thất vọng với tương lai nền điện ảnh dân tộc, Hoàng Nhuận Cầm chuyển sang Trung tâm nghe-nhìn (VFC) của Đài Truyền hình Việt Nam, cùng một số nhà điện ảnh khác, làm biên kịch và biên tập. Nhưng một thời gian sau, hình như Hoàng Nhuận Cầm không bắt nhịp được với lối “nửa phim nửa báo” và tiến độ thúc ép của sản xuất chạy theo định mức lao động đó, anh được/bị chuyển sang phụ trách mục “Gặp nhau cuối tuần” của chương trình “Văn nghệ Chủ Nhật”, rồi anh bắt đầu nổi danh với nhân vật Bác sĩ Hoa súng (rồi với vai nhà thơ trong phim Số đỏ). Thực xót xa khi thấy "anh hề" Hoàng Nhuận Cầm phải múa may quay cuồng vì miếng cơm manh áo – dĩ nhiên không phải là kiểu hề của “vua hài” Chaplin; suốt thời gian dài anh phải làm người ta cười trong nước mắt của anh, nước mắt của một kẻ đau nghề, sống chết với nghề, muốn làm một cái gì cho tử tế, cho ra hồn trong nghiệp điện ảnh mà phải giấu khát vọng trong cái hài bất đắc dĩ…

Cũng trong giai đoạn về Đài Truyền hình Việt Nam, sau đó trở lại cơ quan cũ là Hãng phim truyện Việt Nam, Hoàng Nhuận Cầm đã cùng vợ (người vợ thứ ba) là một diễn viên đứng ra thành lập Hãng phim tư nhân, lấy tên “Điệp Vân Phim”. Nhưng với chất thi sĩ, nghệ sĩ ngấm vào trong máu của hai vợ chồng, họ không thể trở thành nhà sản xuất đích thực được, không thể kêu gọi vốn sản xuất của ai, vì thế, cho đến nay, “Điệp Vân Phim” vẫn chỉ là một cái tên đăng ký trên Sở Kế hoạch - Đầu tư khai lỗ dài… Nhưng khát vọng “làm phim ra phim” – chưa nói tới chuyện cao siêu là phim ra chợ phim quốc tế, Liên hoan phim quốc tế mà Hoàng Nhuận Cầm mơ ước từ khi còn là sinh viên, giờ đã theo anh rời Cõi Tạm với bao nhức nhối, vẫn khắc khoải Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi…

Có điều, các bạn trong nghề Điện ảnh đã kịp mang theo những tâm sự của anh, những tâm sự được nói hộ trong một cuốn sách dịch nhỏ chứa đựng bao đúc kết, nghiền ngẫm: Ý TƯỞNG NGHỀ NGHIỆP mà anh đã mua tặng nhiều người bạn – trong đó có tôi; có những câu đã trở thành châm ngôn, bí quyết nghề nghiệp đối với nhiều nhà điện ảnh thế giới:

BỘ PHIM LÀ MỘT BÀI THƠ ĐƯỢC VIẾT BẰNG ÁNH SÁNG (René Clair, đạo diễn điện ảnh Pháp)

TÔI KHÔNG PHẢI LÀ ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH. TÔI LÀ MỘT NHÀ THƠ SỬ DỤNG MÁY QUAY NHƯ MỘT PHƯƠNG TIỆN ĐỂ ĐI ĐẾN NHỮNG ƯỚC MƠ (Jean Cocteau, đạo diễn điện ảnh Pháp)

Vĩnh biệt nhà thơ - nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Nhuận Cầm!

IMG20210421102132