Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Những mảnh đời sau song sắt (kỳ 7)

Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên

10 —

Bạn Tù

Hôm đầu tiên lên trại, tôi đã thấy Bim-bô, khi ấy chưa có tên gọi, quanh quẩn ở khu căng tin. Tôi bế nó lên, vuốt ve bộ lông vàng đã ngả sang màu xám vì bụi bẩn. Nó lăn lộn suốt ngày ngoài sân, khu bếp, trong căng tin thì bộ lông chuyển sang màu cháo lòng là đúng rồi.

- Bim-bô! Bim-bô! Từ giờ mày sẽ có tên là Bim-bô, nghe chưa thằng mèo.

Tôi nựng nịu nó. Thằng Bim-bô phơi bụng trên tay tôi, tròn xoe đôi mắt màu nâu nhìn người tù mới gặp. Hình như nó chưa bao giờ được ai bế, tôi nghĩ thế. Cũng chưa bao giờ tôi đặt tên cho con vật nào nhanh như đặt tên cho Bim-bô. Cái chữ Bim-bô — rất tây — như có sẵn trong đầu, chỉ cần thốt ra miệng là thành tên gọi.

Trước khi gặp thằng mèo tù, tôi chẳng thể nghĩ ra cái tên Bim-bô đáng yêu ấy. Thế là tôi có bạn. Đứa bạn duy nhất bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo, đe dọa, mọi sự cấm đoán của cai tù. Thằng mèo ấy không bao giờ cần đếm xỉa đến thân phận những con người khổ hạnh ở chung trại tù với nó. Càng không thèm quan tâm lũ người mặc sắc phục có sao có gạch trên cầu vai là ai.

Việc của Bim-bô là ăn, ngủ, chơi và bắt chuột. Mãi tới khi tôi xuất hiện, Bim-bô mới biết một thằng mèo như nó cũng cần được vuốt ve, âu yếm và yêu thương.

Tôi biết Bim-bô yêu tôi hơn chủ nó, đôi vợ chồng cai tù phụ trách khu căng tin. Họ cũng chẳng ghen. Ghen gì cái chuyện dở hơi. Cứ bán được nhiều hàng, thu được nhiều tiền là vợ chồng họ sướng rồi. Vân, mụ chủ của Bim-bô, cũng thích cái tên tôi đặt cho nó. Có hôm vừa thấy tôi xuống mua hàng, mụ đã dài giọng réo con mèo “Bim-bô! Chị mày đến kìa”, rồi toét miệng cười với tôi.

Nó khôn. Phải thừa nhận thằng mèo tù ấy khôn. Giữa một đám tù nhốn nháo, đứng trước cửa căng tin chờ mua hàng, Bim-bô vẫn nhận ra tôi. Nó cọ cọ cái đầu tròn xoe vào chân tôi, nịnh nọt chờ được bế, được vuốt ve.

Nghe tiếng gọi, dù đang chơi ở đâu nó cũng phi thật nhanh đến bên tôi. Sau một tiếng gọi chưa thấy Bim-bô xuất hiện, có nghĩa là nó không ở căng tin mà đã đi chơi xa hơn một chút. Có thể lúc ấy Bim-bô đang thơ thẩn kiếm ăn ở khu bếp, hoặc lang thang tán tỉnh cô mèo nào gần khu nhà kỷ luật. Những lúc như thế, trông thằng mèo tù đến tội. Bế Bim-bô trên tay mà tôi còn rờ thấy trống ngực nó đập thình thịch. Thằng mèo sợ không chạy đến kịp, tôi sẽ giận dỗi, nghỉ chơi với nó.

Khi tôi chưa lên trại, không mấy người tù để ý đến Bim-bô. Thằng mèo vàng ấy bây giờ nổi tiếng. Thi thoảng, tôi bị gọi ngõ luôn. Người ta tố cáo Bim-bô thó miếng thịt, hoặc chôm khúc cá trên đĩa khi chủ nhân chưa kịp cất. Thực ra Bim-bô không phải thủ phạm duy nhất ăn cắp thức ăn của tù, nhiều vụ nó bị oan. Người ta đổ vạ cho nó vì Bim-bô không biết cãi, và vì không dám nêu đích danh bạn tù. Thằng mèo cũng không quan tâm nó bị oan hay không. Chẳng chị tù nào dám đánh nó, vì sợ vợ chồng nhà Vân – Tá, người chủ thực sự của Bim-bô. Nhiều khi người ta mách tôi không phải Bim-bô gây chuyện, mà vì nó khôn.

Chị Nga “đít cong” tốn nhiều mồi để dụ dỗ, làm quen với Bim-bô mà con mèo ấy không chịu. Nó đứng dạng bốn chân, gầm gừ như muốn đánh nhau với chị. Mỗi lần như thế, chị Nga “đít cong” khoái lắm, lại chửi: “mẹ cái thằng Bim-bô, khôn như ranh. Rồi mày sẽ biết tay tao”. Kể cũng lạ, nhiều lúc thấy Bim-bô đang chơi ngoài sân, hết người này đến người kia giả giọng tôi gọi nó, thằng Bim-bô lờ đi, không thèm thưa. Tù lại bắt tôi gọi nó, để chứng minh cái khôn của Bim-bô. Trí khôn của một con vật chỉ được nhận ra khi nó làm bạn với một con người. Trước đấy, người ta chỉ cho Bim-bô ăn, mặc kệ nó lang thang bắt chuột, không gần gũi, không chơi với nó thì làm sao thấy nó khôn được. Tù khen Bim-bô khôn bằng cách chửi rủa, trêu trọc nó.

Tôi chơi với Bim-bô mỗi ngày. Có nó, tôi bớt cô đơn, bớt cảm giác mình là tù. Thi thoảng, tôi tự lừa mình rằng tôi đang chuyện trò với Salem, chú mèo đen tuyền của tôi ở nhà. Hồi hai bố con tôi đón Salem về nuôi, nó chỉ bé bằng bàn tay thôi. Yêu lắm! Con mèo gắn bó với gia đình tôi suốt chín năm trời, chứng kiến bao chuyện buồn vui của chủ. Ngày bố tôi qua đời, nó buồn thiu, bỏ ăn mất vài bữa.

Từ lúc bị bắt đến khi ra tòa là mười sáu tháng, tôi đã kìm nén bao nhiêu cảm xúc, gạt bỏ những phút giây yếu mềm để không khóc trong nhà tù. Nhưng trái tim tôi mềm nhũn ra khi nhìn thấy mẹ. Đấy là lần đầu tiên tôi được gặp mẹ mình kể từ ngày bị còng tay lôi đi. Tôi khóc. Càng kìm nén, nước mắt càng tuôn ra. Thương nhớ mẹ, thương nhớ mọi người trong nhà đã đành, tôi còn khóc vì xót xa cho Salem yêu quý của tôi nữa. Mẹ và các chị tôi bảo Salem nhớ chủ, thi thoảng hay bỏ ăn, suốt ngày co ro một chỗ. Tuổi già và sự buồn bã khiến Salem không còn thiết sống nữa. Salem bé bỏng, tội nghiệp của tôi đã chết sau khi tôi bị bắt được vài tuần.

Tôi tâm sự với Bim-bô đủ thứ chuyện. Và an tâm chẳng bao giờ nó đem chuyện của tôi đi mách lẻo.

Buổi chiều hôm ấy như thường lệ, cơm nước tắm giặt xong tôi xuống căng tin tìm Bim-bô. Gọi mãi không thấy con mèo thưa. Lạ thật, nó chẳng bao giờ đi xa. Nếu ở ngoài, tôi sẽ nghĩ ngay đến tình huống anh chàng bị đánh bả. Nhưng đây là nhà tù, đào đâu ra bả chuột, vả lại chẳng có ai đủ gan giết mèo của cán bộ. Tôi tìm mấy chị đội căng tin hỏi thăm về Bim-bô. Thì ra mụ chủ mang nó về nhà. Tôi không biết vì sao thằng Bim-bô đang sống vui trong tù lại bị chuyển về nhà xa đến ba cây số như thế. Hay là thấy tôi với nó thân nhau nên mụ Vân ghét ?

Đêm hôm ấy tôi mất ngủ, hết hình ảnh thằng Bim-bô rồi đến Salem cứ lởn vởn trong đầu. Người ta là chủ nó, người ta có quyền đem đi đâu thì đem. Tôi tự vỗ về mình như thế, nhưng vẫn thấy tủi trong lòng. Sáng hôm sau tôi ra căng tin gặp Vân để hỏi về thằng Bim-bô.

- Chị Nghiên thông cảm, nhà tôi nhiều chuột quá, cho nó về để nó bắt chuột.

Tôi không muốn suy đoán gì nữa, coi như đấy là lời nói thật của người cai tù.

- Đừng giết nó đấy nhé!

Tôi chỉ nói được mỗi câu ấy, rồi bỏ ra sân chung.

Tôi chấp nhận phải xa Bim-bô, không bao giờ được gặp lại nó nữa. Suốt mấy hôm liền tôi không bén mảng tới khu căng tin, sợ phải buồn thêm.

Cửa buồng giam vừa khóa, việc đầu tiên của mỗi người tù là lôi chăn chiếu ra trải, ngồi chơi hoặc ngả lưng. Tôi cầm cuốn sách úp vào mặt, thở dài thườn thượt. Trong bụng chửi thầm thằng Bim-bô. Nó chỉ là con mèo, lại là mèo của cai tù mà làm cho tôi buồn đến thế.

Bim-bô về nhà được bốn ngày rồi.

- Thế đã gặp Bim-bô chưa?

Hường Cà Pháo, chị bạn tù nằm bên cạnh với tay lật cuốn sách khỏi gương mặt tôi, hỏi bằng giọng tỉnh bơ.

Tôi tưởng chị đùa, gắt lại:

- Đã buồn thối ruột, cứ trêu ngươi.

- Ơ hay nhỉ! Anh trêu chú làm gì. Chú không tin à, anh vừa thấy thằng Bim-bô ở căng tin nhà ông Tá kia kìa.

- Điên!

Tôi đáp cộc lốc. Chúng tôi vẫn đùa nhau thân mật như thế, mà không sợ tự ái.

- Được rồi, thế nếu mai chú ra thấy thằng Bim-bô, chú mất cho anh cái gì?

- Lau nhà cho ông năm ngày, bo thêm ba cuốc đấm lưng, được chưa ?

Tôi đáp, mặt vẫn xị ra.

- Ờ, chú nhớ nhá. Lúc ấy mà nuốt lời thì chết với anh.

- Thế nếu ông nói dối em thì sao?

Tôi mặc cả lại.

- Anh thề. Nếu anh nói dối thì anh làm con cho chú.

Tôi phì cười cái kiểu thề thốt rất trẻ con của Hường Cà Pháo. Tôi và chị hay xưng hô “chú chú, anh anh” như thế, thấy nó ngồ ngộ và vui tai.

Trót cá cược với chị Hường Cà Pháo nên sáng hôm sau, tôi xuống căng tin dò la tin tức về Bim-bô, dù tôi không dám tin là Bim-bô trở lại. Vừa ra khỏi cổng khu, tôi đã thấy thấp thoáng bóng thằng mèo ngồi lù lù bên chậu hoa, lối đi xuống khu trạm xá. Tôi cuống quýt như một đứa trẻ, chạy tới, dồn dập gọi “Bim-bô, Bim-bô ơi!”

Rất nhanh, con mèo lao tới, nhảy phốc lên người tôi. Nó liếm mặt, ngoạm tay, móng vuốt thằng Bim-bô cào rách cả cái áo kẻ sọc tôi đang mặc. Thằng mèo gầy nhom, bẩn thỉu hơn khi ở trong tù. Trời ơi, cuộc hội ngộ mèo – người trong chốn tù đày này, cảm động đến thế ư?

- Hôm mang nó về, tôi đã cho nó vào bao buộc lại. Rồi bọc thêm một lần vỏ thùng bìa mì tôm nữa, để nó khỏi trông thấy đường đi. Chẳng hiểu sao chiều hôm qua, mình vừa đi làm đã nghe tiếng nó ngheo ngheo ở đây rồi.

Vân tru mỏ kể chuyện thằng Bim-bô. Mụ ấy thường thế, khi nào kể chuyện “ly kỳ” cái mỏ mụ cứ tru lại. Nhưng mụ xinh, gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, trông không ác như nhiều đồng nghiệp cai tù khác.

- Chị Nghiên tin không, nó không ăn một hạt cơm nào. Chết dí trong gầm tủ lạnh, ai thò tay vào cũng bị cào. Gớm thế cơ chứ. Mà làm cách nào nó mò ra đây được nhỉ? Rõ ràng khi mang về, tôi đã bịt kín để nó không thấy đường Hay nó chạy theo tôi nhỉ ? Chả nhẽ nó đuổi kịp xe máy?

Mụ chủ vừa kể tội Bim-bô, vừa lấy tay gại gại cằm nó khi tôi vẫn đang bế con mèo trên tay. Lần đầu tiên tôi thấy mụ âu yếm và mắng yêu nó. Tôi không cần tìm hiểu xem Bim-bô làm cách nào mò đường trở lại nhà tù. Nó đã trở lại với tôi, thế là mãn nguyện rồi.

- Thôi, từ giờ cứ để nó ở đây. Đang yên tha nó về cho khổ thân ra.

- Còn mang về làm gì nữa, nó có chịu đâu. Đấy, từ giờ chị nuôi nó, tôi hết trách nhiệm nhá.

Vân nói xã giao cho vui thôi, chứ Vân mãi mãi là chủ thực sự của nó. Vả lại, nếu có một người chủ là tù nhân như tôi, chắc gì Bim-bô được yên thân.

Việc Bim-bô trốn nhà quay trở lại trại tù khiến tôi phải lau nhà cho Hường Cà Pháo năm ngày. Và đấm lưng cho chị ba buổi liên tiếp trước khi đi ngủ. Hường Cà Pháo hả hê lắm, giả vờ quát tháo, chỉ đạo như mụ chủ ra lệnh cho đứa ở. Lại còn hạch sách việc đấm lưng không đúng kỹ thuật. Rồi khoái trí cười hềnh hệch. Mặc kệ cho mụ vênh váo, tôi vui lắm, vì được gặp lại Bim-bô.

Nhưng tôi nhầm, dù có chủ là một cai tù, Bim-bô vẫn phải chết. Nó bị giết bởi chính tay các đồng nghiệp cai tù của chủ nó.

Nghe phong thanh vài hôm nữa sẽ có đoàn kiểm tra từ trung ương về. Từ cai tù cho đến bọn ”cán bộ kẻ sọc”— đội trưởng, ban thi đua, trực sinh — đều tất bật, vẻ mặt lo lắng như sắp có biến. Các buồng giam được lệnh dọn dẹp sạch sẽ hơn ngày thường. Xuất cơm trại, canh tù cũng được chia nhiều hơn một chút. Người ta bảo nhau phi tang các vật cấm như tiền mặt, dao kéo, dũa móng tay… Mấy thứ ấy mà bị đoàn kiểm tra phát hiện, khiến cai tù mất mặt, mất điểm thi đua thì hậu quả không biết bao nhiêu mà lường được. Tóm lại, mỗi khi có “đoàn đảng”— cách gọi các đoàn công tác — từ nơi khác đến làm việc, mọi trật tự, nếp sinh hoạt trong phân trại đảo lộn hết. Từ cai tù đến tù nhân, đều căng thẳng, lo lắng từ khi đoàn công tác xuất hiện tới lúc rời đi. Dường như cả tù nhân lẫn cai tù cho rằng mỗi người tù đều có bổn phận phải sợ sệt, khúm núm trước bọn cán bộ, nhất là các đoàn kiểm tra như một điều hiển nhiên. Cho nên, trước thái độ phớt lờ, tỉnh bơ có phần khinh khỉnh của tôi khi nhắc đến đoàn đảng, bọn họ lo lắng lắm. Thường mỗi buổi sáng ở ngoài xưởng lao động khá nhộn nhịp. Người ta nổi lửa nấu mì, nấu bún ăn sáng trước giờ làm việc. Vụng trộm thôi, vì theo quy định tù nhân không được đun nấu trong trại và ngoài xưởng lao động. Quản giáo không quan tâm lắm đến việc nấu nướng, ăn uống của tù, miễn nộp đủ mức khoán — bằng tiền hoặc sản phẩm — và không vi phạm gì để cán bộ trong trại phát hiện.

Có lẽ không ở đâu miếng ăn lại đòi hỏi sự liều lĩnh và mạo hiểm như trong nhà tù. Mỗi lần cán bộ trong trại ra sục xạo, một cuộc hỗn loạn sẽ hiện ngay tại nơi lao động. Cánh tù cuống quýt xóa dấu vết hiện trường. Kẻ bê nồi chạy, người dập lửa, cứ nườm nượp va cả vào nhau. Có chị còn bê nguyên nồi bún vẫn nóng hôi hổi, giấu vào nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh ngoài xưởng bẩn thỉu lắm, không sạch như trong trại nên giấu đồ ăn trong ấy an toàn vì không chắc cai tù xông vào kiểm tra. Nghĩ thế là lầm to. Cai tù ra lệnh cho bọn thi đua vào khám, còn mình đứng ngoài cửa giám sát. Vậy là chẳng có thứ gì thoát.

Nhưng như thế vẫn còn nhẹ. Nhiều cai tù cục súc, chỉ cần thấy đồ ăn hoặc thứ gì giống đồ ăn, chưa nấu hay đang đun trên bếp, chúng sẵn sàng dùng chân đá văng tung tóe. Rồi cầm gạch đá, gậy gộc nhằm vào mấy cái bếp tự tạo đập cho tắt, cho tan nát. Mặt chúng đỏ gay, miệng không ngừng chửi rủa, nhiếc mắng. Tù không dám cãi, chỉ ấm ức rồi chửi vụng sau lưng. Mỗi lần như thế, kiểu gì cũng có vài chị bị kỷ luật. Khéo xin xỏ chạy chọt thì thoát cảnh bị bêu trước sân chung đấu tố. Đấy cũng là một cách làm tiền của cai tù.

Có đoàn kiểm tra đến, cấm chị nào dám ho he. Cái nhà mét ngoài xưởng thường ngày bẩn thỉu, ngập ngụa, giờ được dọn sạch bong. Không nấu nướng, tù nhịn bữa sáng luôn. Xưởng lao động im phắc, chỉ có tiếng “phập phập” của mũi kim trên tay người tù đâm lên giật xuống miếng vài trắng phau căng mịn trong chiếc khung thêu. Họ chăm chú làm, không dám chuyện trò, thi thoảng liếc mắt dòm ra ngoài xem đoàn kiểm tra có vào không.

Đội trực sinh làm trong trại cũng khổ không kém. Tất bật, căng thẳng và lúc nào cũng trong tình trạng trực chiến. Việc của đội trực sinh là lau dọn sạch sẽ từ nhà mét đến buồng giam, từ sân sau đến sân trước. Dọn vệ sinh xong, xuống nhà bếp gánh cơm canh về chia sẵn từng phần để tù đi làm về ăn. Tất nhiên còn một số công việc phát sinh nữa, do cai tù sai bảo, nhưng thường thì mọi thứ đều tươm tất trước khi đội đi làm về. Cái khổ là dù hoàn thành công việc rồi cũng không dám ngồi nghỉ. Ngồi nghỉ là cái tội nếu bị cai tù bắt gặp. Cho nên, phải vẽ việc ra làm. Cách tốt nhất là tay luôn cầm sẵn cái chổi, hoặc cái khăn, thi thoảng lau chỗ nọ, quét chỗ kia vài nhát dù những chỗ ấy đã sạch rồi. Phải như thế để lỡ đoàn kiểm tra đến, sẽ chứng kiến cảnh “phạm nhân” chăm chỉ, tự giác và miệt mài lao động. Đẹp lòng các ông bà cai tù.

Nhưng thành phần cần làm đẹp lòng đoàn kiểm tra nhất chính là ban giám thị và bọn cai tù. Gọi là kiểm tra cho oai. Cơ chế ấy, guồng máy ấy, con người chế độ ấy, chẳng ai đủ tư cách đánh giá công việc của người khác. Lấy vị trí cấp trên để hành cấp dưới, rồi quà cáp, biếu xén, trao đổi lợi nhuận với nhau là chính.

Bữa tiệc khoản đãi đoàn kiểm tra lần này, cần món thịt mèo. Cấp trên ở thành phố về, thèm khoản ấy lắm.

Nghe nói mấy chị tù đội thi đua rất vất vả mới bắt được thằng Bim-bô nộp cho cai tù giết thịt. Tôi vừa về đến cổng trại, đã có người đón đường báo tin. Chân tay tôi bủn rủn, bước đi không vững. Không về buồng thay đồ, tôi đi thẳng xuống căng tin. Vân ngồi thừ như người mất của. Giờ này mọi hôm Vân tất bật lắm, bán hàng, ghi chép, rồi cộng sổ sách. Hôm nay chán, giao việc cho mấy chị tù làm hết.

- Sao lại để người ta giết nó?

Nước mắt lưng tròng, tôi trách mụ cai tù.

- Ban giám thị ra lệnh. Tôi có muốn thế đâu.

Vân trả lời, cố không để lộ vẻ ấm ức và bất lực.

Nhưng tôi vẫn nhận ra.

Nói xong, Vân lên xe bỏ về nhà, mặc kệ công việc.

Tôi không nhịn được, bưng mặt khóc rưng rức.

- Gớm, có con mèo làm gì mà khổ thế!

- Lêu lêu có đứa khóc nhè!

- Mạng mình nó còn chẳng tha, huống chi con mèo.

Tôi không buồn đếm xỉa đến những lời giỗ dành hay chọc ghẹo của bạn tù.

- Ấy chị Nghiên ơi, chị sao thế? Có vấn đề gì chị cứ nói, tôi sẽ giải quyết cho.

Tôi nghe rõ giọng của Tuyết, cán bộ trinh sát.

Chị ta vỗ nhẹ vào vai tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên, lo lắng.

Lần đầu tiên tôi khóc trước mặt cai tù. Kệ, thương xót một con mèo có gì là xấu.

- Ai làm gì chị? Chị cứ bình tĩnh rồi trình bày cho tôi biết. Tôi sẽ giải quyết cho chị.

Với vẻ lo lắng, Tuyết hỏi lại tôi. Lần đầu tôi thấy chị ta tỏ ra ân cần như thế với một người tù. Tôi rất muốn trả lời, nhưng cơn nức nở khiến nói không thành tiếng.

- Không có gì đâu, bà ạ. Chị ấy khóc mèo đấy.

Cô Dậu, người tù bán hàng ở căng tin chạy ra, nói với Tuyết. Cô Dậu là người hàng ngày cho Bim-bo ăn, cũng buồn thiu vì thương con mèo.

- Giời ơi! Vậy mà làm tôi hết cả hồn. Cứ tưởng chị làm sao. Có con mèo thôi làm gì mà đến mức ấy. Thôi chị nín đi, kẻo mọi người lại hiểu lầm có gì không hay.

Nói xong, Tuyết bỏ đi.

Từ hôm Bim-bô bị giết, tôi không còn thiết ra căng tin nữa, trừ khi cần mua đồ.

Ra đấy làm gì, còn ai làm bạn mà ra.

Một số người chê tôi dở hơi, bỏ công khóc một con mèo. Cũng có người đồng cảm, an ủi vài câu.

Số khác thương mụ Vân, hoặc ghét bọn lãnh đạo thì không tiếc lời chửi rủa lũ ăn thịt mèo. Đương nhiên vẫn là chửi sau lưng thôi. Nhưng lời lẽ thì cay độc, tục tĩu vô cùng. Thậm chí nguyền rủa những đứa ăn thịt mèo kiếp sau sẽ thành kiếp chuột để phải chết trong tay Bim-bô.

Tôi không hả hê gì với trò chửi rủa, trù úm ấy dù tôi cũng đang căm ghét lũ đã giết chết Bim-bô. Có người suy đoán vì ban giám thị ghét tôi, không có cớ để trừng trị nên giết Bim-bô như một cách trả thù, làm cho tôi đau đớn, tổn thương. Nếu đúng như thế, họ đã thành công. Song cũng có thể bọn người ấy chỉ vì miếng ăn, không có ý đồ gì khác.

Dù sao thì tôi vẫn phải khinh ghét bọn người ấy. Vì chúng đã ăn thịt Bim-bô, ăn thịt bạn tôi.

P.T.N.

(Còn tiếp)