Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Những mảnh đời sau song sắt (kỳ 10)

Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên

06 — 

Ba Sao chi mộ

Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm hương trước tấm bia không mộ của 626 người tù chính trị đã chết trong nhà tù Ba Sao, Nam Hà giai đoạn 1975-1988.

Và rất nhiều những người tù chính trị khác đã chết oan khiên trong ngục tù cộng sản.

Lẽ ra, câu chuyện này phải được kể trọn vẹn cho nhau nghe. Tiếc rằng, vì một số lý do ngoài ý muốn, “người trong cuộc” đã ngừng sự giúp đỡ tôi nên việc thu thập, tìm hiểu thông tin đã bị gián đoạn. Hơn nữa, khởi từ nhu cầu an toàn của nhân chứng, nỗi lo về sự can thiệp phá vỡ sự bình yên, tôn nghiêm của ngôi Chùa — nơi đặt tấm bia thờ 626 người tù chính trị nên người viết đã phải rất cân nhắc khi chuyển tải thông tin đến bạn đọc.

Nhưng tôi tin, câu chuyện dù không được kể trọn vẹn như mong muốn cũng sẽ khiến chúng ta thấy xót xa cho thân phận quê hương. Một thân phận quê hương được phản chiếu từ thân phận của những người con Việt bị bức tử bằng cách này hay cách khác trong một giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất của lịch sử.

Chuyến tàu vét

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, hành động đầu tiên mà chế độ cộng sản thực hiện là trả thù những người từng phục vụ chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Hầu hết cựu quân nhân cán chính, viên chức từng làm việc trong chính quyền VNCH, hoặc nghi ngờ thuộc thành phần này đều bị đưa đi “cải tạo”, thực chất là chịu lưu đày tại các nhà tù trên khắp nước. Một trong những nơi khét tiếng tàn bạo ở miền Bắc, từng giam cầm hàng ngàn cựu quân nhân cán chính VNCH là nhà tù Ba Sao, Nam Hà.

Con tàu cuối cùng chở tù từ Nam ra Bắc có cái tên rất thơ mộng: Sông Hương. Rời Sài Gòn ngày 18/4/1977, sau hai ngày ba đêm, tàu cập bến Hải Phòng, tiếp tục hành trình lưu đày tù ngục của 1200 người thuộc “bên thua cuộc.”

Chúng tôi, cứ hai người bị chung một chiếc còng. Vừa lên đất liền, hai bên đường đã có người dân miền Bắc đợi sẵn. Họ ném gạch đá vào chúng tôi. Vừa ném, vừa chửi rủa, mạ lỵ rất thậm tệ. Nhiều người trong chúng tôi bị ném trúng, vỡ đầu, chảy máu và thương tích.

Đấy là lời kể của ông Nam, một người tù bị đẩy ra Bắc trên tàu Sông Hương. Khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, ông Nam đang là thiếu úy quân đội VNCH. Chi tiết này cũng được linh mục Nguyễn Hữu Lễ thuật lại trong hồi ký Tôi Phải Sống. Từ Hải Phòng, số tù nhân này bị tách ra để chia rải rác cho các trại giam. Bài này chỉ đề cập tới những người tù ở Ba Sao, Nam Hà. Không riêng những người tù Ba Sao, hầu hết những người từng phục vụ trong chính quyền VNCH đều bị bắt sau biến cố 30/4/1975. Một số bị đưa ra Bắc ngay thời kỳ đầu. Nhiều người bị giam ở miền Nam sau vài năm mới bị chuyển ra Bắc, rồi lại trở ngược vào Nam để tiếp tục cuộc đời lao tù cho đến ngày chết, hoặc trở về khi sức cùng lực cạn.

Nhà tù Ba Sao “rộng cửa” đón thêm vài trăm người từ chuyến tàu vét Sông Hương, nơi đang đọa đày hơn 600 tù VNCH  bị chuyển đến từ các chuyến tàu trước đó.

Tôi có dịp hỏi chuyện linh mục Nguyễn Hữu Lễ hiện đang sống tại New Zealand và một nhân chứng khác đang sống tại Sài Gòn, được biết nhà tù Ba Sao thời ấy chia làm 4 khu giam giữ.

– Khu A: Giam thành phần viên chức chính phủ, dân biểu, nghị sĩ, sĩ quan cao cấp như nghị sĩ Huỳnh Văn Cao, bộ trưởng Đàm Sỹ Hiến, bộ trưởng Trần Ngọc Oành, tướng Lê Minh Đảo, tướng Văn Thành Cao, tướng Nhu, tướng Trần Văn Chơn, ông Nguyễn Văn Lộc.., hay lãnh tụ Quốc Dân Đảng là ông Vũ Hồng Khanh.

– Khu B: Giam những quân nhân cán chính, những người bị buộc tội “phản động” như linh mục Nguyễn Hữu Lễ, linh mục Nguyễn Bình Tỉnh...

–  Khu C: Giam tù hình sự miền Bắc.

– Khu Mễ: Giam người bệnh tật, đau yếu. Trong khu Mễ có một khu “kiên giam” dành cho các tù nhân bị kỷ luật với điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt. Đã có rất nhiều tù nhân chết khi bị “kiên giam.”

Tác giả hồi ký Tôi Phải Sống bùi ngùi kể lại:

Chúng tôi bị chuyển từ nhà tù miền Nam tới nhà tù Ba Sao miền Bắc trong chuyến tàu Sông Hương vào tháng 4/1977. Lúc ấy nhóm của tôi có 350 người ra đi từ trại Gia Ray tỉnh Xuân Lộc. Ở Ba Sao được 9 tháng, tôi bị chuyển lên trại Quyết Tiến còn gọi là “Cổng Trời” thuộc tỉnh Hà Giang, nằm sát ranh giới Trung Quốc. Một năm sau đó tôi về trại Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hoá. Mười năm sau, tức tháng 1/1987, tất cả tù chính trị miền Nam còn sót lại rải rác trong các trại miền Bắc được dồn hết về trại Ba Sao, Nam Hà, trong đó có tôi. Nhưng đội của tôi trước khi tôi rời Ba Sao ra đi nay đã chết quá phân nửa. Tết năm đó có một đợt tha tù, được tổ chức rất ồn ào. Tháng 5/1987, tất cả số tù nhân từ miền Nam còn sót lại, được chuyển hết về Nam để ở tù tiếp. Chỉ còn “sót lại” 3 người ở miền Bắc, đó là linh mục Nguyễn Bình Tỉnh, anh Nguyễn Đức Khuân và tôi. Hầu hết họ đã chết. Chết vì tuyệt vọng, đói rét, suy kiệt, tiêu chảy, kiết lỵ và nhiều bệnh khác.”

Tôi rùng mình tự hỏi, có bao nhiêu tù nhân chính trị đã chết trong suốt thời kỳ từ 1975 về sau? Bao nhiêu ở nhà tù Ba Sao? Bao nhiêu ở Cổng Trời, Thanh Hóa, Phú Yên, Xuân Lộc, Xuyên Mộc, Hàm Tân, Bố Lá...? Bao nhiêu người đã bị bách hại bởi chính đồng bào ruột thịt mang tên “cộng sản”, và chết lặng câm ở khắp các nhà tù từ Bắc – Trung – Nam trên dải đất đau thương này?

Không ai biết chính xác, nhưng số người bỏ xác ở các nhà tù không phải con số ít. Một ngày nào đó, chế độ cộng sản sẽ phải trả lời câu hỏi này trước quốc dân đồng bào. Cũng như trả lại sự thật lịch sử cho dân tộc này.

Tấm bia thờ 626 người tù chính trị

Có một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà. Nghe nói tấm bia được đặt trong một ngôi chùa ở miền Bắc. Ngoài tấm bia ra còn có một ngôi am thờ những người tù này được dựng ngay khu đất thuộc trại giam. Người làm tấm bia này là một cựu giám thị nhà tù Ba Sao. Em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé!”.

Một người anh, cũng là cựu tù chính trị hiện sống tại Pháp đã nhắn tôi như thế. Tôi chưa bao giờ trải qua cảm xúc đặc biệt và đầy ám ảnh như lần này. Chuyện thật khó tin: Một trùm cai tù cộng sản dựng một tấm bia và am thờ những người tù Việt Nam Cộng Hòa!

Câu dặn dò ”em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé” làm tôi xót xa. Hình như tôi sắp làm một công việc rất khó khăn và cũng rất thiêng liêng. Hai chữ “các anh” không còn là cách xưng hô nữa mà là tiếng gọi gần gũi, thân thương của những người chung khát vọng. Theo tuổi tác, họ là bậc cha chú của tôi — đứa nhóc Bắc kỳ sinh sau biến cố 1975.  Mãn án tù nhà, tôi lên đường.

Địa chỉ ngôi Chùa không chính xác nên tôi phải đi tìm hơn hai ngày mới đến nơi. Đó là một ngôi Chùa nhỏ, nằm khiêm tốn bên một con phố khá đông đúc.

Sư trụ trì đi vắng, tôi lang thang cho hết thời gian rồi trở lại vào buổi chiều.

- Thưa thầy, con được người quen giới thiệu đến đây. Nghe nói nhà Chùa có đặt một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà?

Nghe tôi nhắc đến tấm bia, nét mặt thầy tái đi, không giấu được vẻ bối rối.

- Bác Thanh giới thiệu con đến đây.

Nhận ra người quen, sư thầy trở nên cởi mở hẳn.

Sư thầy kể vài năm trước, cô Thu Hương, một Phật tử, đưa viên cựu giám thị đến gặp sư thầy.

Viên giám thị trao cho sư thầy một danh sách 626 người tù đã chết trong trại Ba Sao từ năm 1975 đến 1988. Vị này ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong Chùa để thờ cúng các hương linh.

Đây không phải ngôi Chùa đầu tiên họ gõ cửa. Những ngôi Chùa trước đều từ chối vì sợ. Các vị sư trụ trì không muốn giữ một danh sách toàn “sĩ quan ngụy” và công khai đặt tấm bia thờ người tù ngay trong Chùa.

- Có cách nào liên lạc được với hai người ấy không, thưa thầy?

- Khó lắm. Người giám thị sau khi làm xong tấm bia thì không trở lại. Chỉ cô Thu Hương thời gian đầu vẫn tới Chùa tụng kinh và thắp hương cho 626 vị ấy. Nhưng kể từ khi đứa con trai 15 tuổi của Thu Hương bị tai nạn giao thông chết hai năm trước, cô ấy không tiếp xúc với ai nữa.

- Thầy có nghe nói về ngôi am thờ 626 vị này không?

Tôi hỏi, không giấu nổi vẻ hồi hộp khi chờ trả lời.

- Đúng là có cái am thờ. Nhưng tôi chưa tới thăm bao giờ. Nghe nói nằm trong vùng đất trại giam thì phải.

- Vậy ai có thể đưa con tới đó?

- Chỉ có người giám thị và cô Thu Hương thôi. Nhưng Thu Hương thì như tôi vừa nói, cô ấy buồn chán, tuyệt vọng từ ngày mất con nên không thiết chuyện gì.

Còn người giám thị thì từ đó không trở lại nữa. Số điện thoại cũng đổi rồi.

Tôi bắt đầu thấy mịt mù phía trước.

Người giữ sổ sách đi vắng. Sư thầy hẹn tôi dịp khác trở lại, sẽ cho tôi xem danh sách 626 người tù. Thầy dẫn tôi xuống nhà linh, nơi đặt tấm bia. Tôi thấy rợn rợn khi bước chân vào nhà linh, nơi đặt di ảnh những người quá cố. Có mấy người đội khăn tang đang ngồi tụng kinh cho người thân mới qua đời. Tìm mãi không thấy tấm bia đâu. Tôi bắt đầu lo. Sư thầy quả quyết tấm bia đặt ở phòng này nhưng lâu ngày không nhìn lại nên ngài không nhớ chính xác vị trí nào.

- Ôi đây rồi!

Sư thầy reo lên. Tôi sững người lại.

Vừa thấy tấm bia, nước mắt tôi ứa ra. Tôi không xác định được cảm xúc mình lúc đó. Vui vì đã “tìm thấy các anh”, như lời người anh đồng tù nhắn nhủ, hay buồn vì lại chứng kiến thêm một nỗi đau đớn của quê hương?

Tôi lập cập lục tìm trong túi xách chiếc máy ảnh. Tôi hay bị lúng túng mỗi khi cảm xúc “quá độ.” Sư thầy dặn chỉ chụp tấm bia thôi, đừng để những di ảnh xung quanh lọt vào ống kính. Cảm giác tủi thân và xót xa khiến tôi không nói nổi tiếng “vâng” một cách rõ ràng.

Trước khi về, tôi gửi một ít tiền để sư thầy giúp việc nhang khói cho “các anh.” Tôi cầm theo nải chuối, mấy quả cam thầy vừa cho, chậm rãi cuốc bộ trên con phố. Tôi không khóc, nhưng cổ họng nghèn nghẹn và bước chân nặng nề.

Một tuần sau tôi trở lại Chùa. Sư thầy đi vắng.Vừa nghe tiếng tôi trong điện thoại, sư thầy nhận ra ngay:

- Chị Nghiên hả? Tiếc quá! Thầy đã hỏi người trông coi sổ sách của Chùa rồi. Nhưng chị ấy nói là danh sách đã được hóa đi từ hôm Rằm tháng bảy.

Tôi chết đứng người. Cố gắng lắm tôi mới thốt lên được một câu nghe như không phải giọng của mình.

- Sao lại đốt hả thầy, sao thế được?

- Thì nhà Chùa nghĩ là không cần dùng đến danh sách ấy nữa nên tiện dịp lễ Vu Lan thì hóa luôn cùng với áo mũ, vàng mã chị ạ.

- Thầy ơi! Thầy làm ơn kiểm tra lại giúp con với. Cái danh sách ấy... 626 người tù... thầy ơi, thầy làm ơn!

Tôi cố gắng trấn tĩnh để van lơn.

- Thầy không thể làm gì hơn, chị Nghiên ạ. Chúng tôi sẽ hương khói đầy đủ cho các vị ấy.

Nói xong, sư thầy cúp máy.

Một cảm giác còn tệ hơn sự tuyệt vọng. Tôi ôm mặt ngồi thụp xuống giữa đường. Một đứa bé từ đâu chạy lại, trân trân nhìn tôi. Hình như bộ dạng tôi làm đứa bé sợ. Nó co chân chạy, không ngoái lại nhìn.

Bấy giờ tôi nhận thấy, có một thứ cảm xúc rất giống với nỗi buồn, rất giống với niềm tuyệt vọng. Nhưng không hoàn toàn như thế.

Thứ cảm xúc thật khó gọi tên.

Tôi về nhà, lầm lỳ đến vài hôm. Không thể dễ dàng bỏ cuộc được, tôi quyết định đi Nam Hà để tìm đến ngôi am thờ. Người anh đồng tù buồn rầu bảo:

- Không có cô Thu Hương hay vị giám thị dẫn đường, em không tìm được đâu.

Lần này tôi thật sự tuyệt vọng. Tấm bia, danh sách và am thờ, tôi chỉ hoàn thành một phần ba công việc.

Tôi nghĩ đến người giám thị. Không biết vì lý do gì viên giám thị lại làm một việc cấm kỵ và mạo hiểm như thế. Hơn ai hết, người này phải ý thức mức độ nguy hiểm của việc mình làm, nhất là nếu thông tin bị lộ. Chắc chắn phải có lý do sâu xa và rất đặc biệt để người này làm thế. Vì lợi nhuận ư? Không ai dại dột vì chút giá trị vật chất mà đánh đổi cuộc sống bình yên. Vả lại, bản thân nghề cai tù đã là cơ hội để làm giàu một cách rất an toàn.

Người anh đồng tù và bác Thanh lý giải rằng, niềm tin tâm linh đã thúc đẩy người giám thị và cô Thu Hương làm như thế. Có thể người giám thị sợ bị vong hồn của những người tù tìm đến hỏi tội chăng?

Lý giải này không hẳn là vô lý. Tôi từng nghe và biết những chuyện tương tự khi còn trong nhà tù Thanh Hóa. Đã là cai tù, không ít thì nhiều, không chủ ý cũng buộc phải dính vào tội ác. Song dù với lý do gì, hy vọng cũng có phần trăm nào đó của sự ăn năn, của chút lương tâm bị hối thúc. Tôi vốn không mê tín, không tin dị đoan nhưng tin luôn có một thế giới tâm linh đang nhìn ngó thế giới con người. Ước gì một ngày nào đó, duyên cớ run rủi để chúng ta được biết trọn vẹn câu chuyện về 626 người tù chính trị Ba Sao, Nam Hà.

Chúng ta cần được biết về số phận của những người từng bị cộng sản bách hại để hiểu về một giai đoạn lịch sử đã tạo nên thân phận đau thương của dân tộc này.

                                           —  Viết xong ngày 29.03.2016

07 —

Chúng ta cần thủ lĩnh?

Xin trả lời ngay: ”Đúng, chúng ta cần thủ lĩnh.”

Có thể là một thủ lĩnh hay một nhóm thủ lĩnh.

Cụm từ “thủ lĩnh” hay nhu cầu đòi hỏi cần có một thủ lĩnh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhất là giai đoạn hiện nay. Khi mà công cuộc tháo gỡ độc tài và xây dựng dân chủ đang ở vào giai đoạn cam go và cấp bách nhất.

Nhiều người đã không ngần ngại liệt kê một số gương mặt “sáng giá” để làm ví dụ điển hình và kỳ vọng những người này sẽ dẫn dắt cuộc cách mạng chống độc tài đi đến chiến thắng cuối cùng.

Những người được kỳ vọng sẽ trở thành “thủ lĩnh tương lai” thường là những cựu tù nhân lương tâm, người đang còn ở trong tù hay có thể là một gương mặt đấu tranh nổi trội được công luận quan tâm. Tức là những người đã kinh qua thử thách trong môi trường khắc nghiệt nhất, đòi hỏi lòng dũng cảm, sức chiu đựng và sự hy sinh không nhỏ.

Họ được xem là thành phần tinh hoa, có trình độ học vấn, có nhiều đóng góp và có uy tín, ảnh hưởng đối với giới đấu tranh trong nước cũng như hải ngoại.

Song, người viết cho rằng các phẩm chất và yếu tố trên mới chỉ làm nên chân dung đẹp của một nhà tranh đấu chứ chưa đủ yếu tố để trở thành thủ lĩnh.

Những người tranh đấu này là những cá nhân nhỏ bé, với tiếng nói đối kháng đơn độc đã thách thức chế độ độc tài. Họ là những người đã chủ động mở ra và theo đuổi một cuộc chiến không cân sức, kéo dài nhiều năm và đương nhiên luôn đón nhận những mất mát, hy sinh và nguy hiểm.

Đó là câu chuyện cảm động nhất mà lịch sử của một dân tộc cần ghi dấu. Tuy nhiên, điểm kết thúc phải là cuộc xuống đường ầm ầm như thác lũ của số đông quần chúng, nhân tố chính góp phần khai tử và kết thúc một chế độ độc tài tàn bạo. Để đạt kết quả ấy, hay nói khác đi, khi chúng ta nhìn thấy “hình ảnh sau cùng” của một cuộc cách mạng, đó là lúc chúng ta thấy kết quả của một nỗ lực Quy Tụ, Thu Hút và Dẫn Dắt được quần chúng.

Đấy là dấu ấn của thủ lĩnh, của một thủ lĩnh hay một nhóm thủ lĩnh.

Thủ lĩnh phải được hiểu là người có khả năng Quy Tụ, Thu Hút và Dẫn Dắt được quần chúng.

Họ có thể nằm trong số những gương mặt đã được điểm tên, kỳ vọng. Cũng có thể là một người chưa... xuất hiện và anh ta chưa chắc là một nhân vật tiếng tăm hoặc được truyền thông chú ý.

Điều cần phân biệt rạch ròi khi đánh giá một nhân vật là khả năng quy tụ, thu hútdẫn dắt quần chúng với một cá nhân có uy tín, ảnh hưởng đối với những người tranh đấu — tức là có sự thu hẹp trong phạm vi đối tượng.

Nhân vật A, B, hay C có thể rất nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ, song anh ta sẽ không bao giờ đảm nhận được vai trò thủ lĩnh khi không thu hút được quần chúng. Cùng lắm, anh ta trở thành chất keo gắn kết giữa những người tranh đấu với nhau nhằm ngăn chặn yếu tố tan rã vốn luôn tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, hay hội, nhóm trong môi trường tranh đấu.

Ngược lại, một người hoặc một nhóm người không tên tuổi hoàn toàn có thể trở thành nhân tố dẫn dắt một phong trào và đóng vai trò quyết định thành công cho cuộc cách mạng. Điều này đã được chứng minh trong Mùa Xuân Ai Cập với những người lãnh đạo Phong Trào 6 tháng 4, cuộc cách mạng tại Serbia với Phong Trào Optor, hay các cuộc cách mạng ở Miến Điện, Zimbabwe ... Đơn giản vì họ biết cách huy động quần chúng và vượt qua sợ hãi.

Không thế có một cuộc cách mạng sau cùng nếu không có sự ủng hộ của nhiều người dân.

Không thể có sự xuống đường của người dân nếu họ chưa vượt qua sợ hãi.

Và không thể vận động người dân vượt qua sợ hãi khi bản thân còn sợ hãi và không chịu tiếp cận với quần chúng.

Đấu tranh không tiếp cận quần chúng là kiểu đấu tranh què quặt, ảo tưởng và đi đến thất bại.

Số lượng quần chúng thật sự nằm rất ít trong số quần chúng ảo — rất lớn — ở trên mạng Internet. Khó mà đạt kết quả chỉ với những hiệu triệu trên mạng mà bản thân những người tranh đấu không bước xuống đời thật để tiếp cận người dân. Tương tự như một lời tuyên bố, một lời kêu gọi của một hay nhiều hội nhóm nhưng chỉ tồn tại trên văn bản mà không kèm theo hành động cụ thể. Giống như việc giậm chân tại chỗ xong vẫn nhận lấy những phiền hà, sách nhiễu không đáng có từ phía nhà cầm quyền chỉ vì gây ra lo lắng ảo cho chúng.

Với khả năng hạn chế, người viết không chủ trương đưa ra giải pháp “Chúng ta phải làm gì?”

Càng không cho rằng mình đứng ngoài những yếu tố khiếm khuyết của một người đã tham gia đấu tranh và từng chịu tù đầy. Cũng như luôn ý thức được sự đóng góp của mình là vô cùng ít ỏi. 

Song mạnh dạn chia xẻ chút suy nghĩ nho nhỏ, để phân biệt giữa thủ lĩnh thực sự tức những người có khả năng thu hút và hướng dẫn quần chúng nhằm tiến hành một phong trào, một cuộc cách mạng với thủ lĩnh được hiểu theo nghĩa một người có uy tín, có ảnh hưởng nhất định bởi đóng góp trong quá khứ hơn là khả năng lôi kéo được quần chúng hay đưa ra các sáng kiến, giải pháp thực tế thúc đẩy dân chủ cho đất nước.

Trước mọi diễn biến gần đây, nhiều người khá lạc quan cho rằng, chỉ một hay hai năm nữa thôi, mọi thứ sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ hoàn tất sứ mệnh giải thể độc tài bởi... cộng sản rệu rã lắm rồi.

Tôi nghĩ khác.

Hơn lúc nào hết Phong Trào Dân Chủ đang đứng trước những khó khăn vô cùng lớn bởi đã bị cuốn vào cuộc chiến chống ngoại xâm. Dù cộng sản rệu rã đến mấy vẫn có thể hồi sinh nếu không gặp một sức ép nào đáng kể từ khối quần chúng.

Đây là thời điểm để chúng ta nghĩ đến chuyện bắt đầu hơn là chuẩn bị cho sự kết thúc.

Loai trừ yếu tố tham vọng hay điều gì đó thiếu thiện chí, mỗi người dân chúng ta hãy khám phá khả năng của mình thay vì tự giới hạn bản thân.

Hãy bắt đầu từ việc tiếp cận hoặc tìm kiếm một người bạn đồng hành.

Hãy bắt đầu bằng một công việc nhỏ nhất nhưng có tiếp cận, có bóng dáng của quần chúng, cho dù chưa được nhiều để có được hàng vạn người cho tương lai.

Mọi sự bắt đầu thường khó khăn.

Nhất là sự bắt đầu được bắt đầu ở một giai đoạn tưởng như sắp kết thúc.

                                                   — Ngày 13/6/2014

08 — 

Chuyện Của Quyên

Tiếng chó sủa inh ỏi khiến Quyên bừng tỉnh. Cô khẽ khàng trở dậy để đứa con 19 tháng tuổi không giật mình thức giấc. Cô rón rén rời khỏi chỗ nằm. Vừa bước ra cửa, lập tức Quyên bị một nhóm công an xông vào lôi đi. Chúng túm tóc, kéo lê cô trên đường. Vừa lôi kéo, vừa đánh đập và chửi rủa. Chúng tống Quyên lên xe rồi bẻ tay cô ra sau, lấy túi ni lông màu đen trùm kín đầu cô lại. Không nhìn thấy gì nhưng Quyên nghe thấy nhiều tiếng chửi rủa, nạt nộ, ra lệnh của công an, lẫn với những tiếng gào khóc, la thất thanh của những người hàng xóm. Giữa những tiếng kêu gào, thất thanh ấy có cả tiếng của chồng, của bác và người dì ruột của Quyên. Họ cũng bị những nhóm công an lôi đi. Rồi cô nghe rõ tiếng khóc đầy kinh hãi của các con mình.

Quyên bị trùm kín đầu, bịt miệng, thỉnh thoảng lại bị tên công an nào đó ngứa tay ngứa chân đánh, đá cho vài cái trong suốt chặng đường bị bắt từ nhà đến đồn công an.

Chúng tra khảo, buộc tội cô đủ điều. Nhưng Quyên không bận tâm. Nỗi đau trên thân thể không là gì so với nỗi lo lắng, xót xa cho các con. Giờ này ai chăm nom chúng khi gia đình cô cả thảy 4 người bị bắt: hai vợ chồng Quyền, ông bác và bà dì ruột.

Hôm ấy là một ngày kinh hoàng và dài lê thê.

Xong việc, chúng thả cô khỏi đồn công an. Khi ấy, trời cũng đã về khuya.  “Xong việc”, tức là chúng đã hoàn thành mục tiêu phá huỷ toàn bộ hơn 500 căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng. Nhanh gọn, sạch sẽ, và không chút ghê tay.

Khi bị giam trên đồn công an, Bảo Quyên biết rằng 5 căn phòng trọ của mình và hàng trăm căn nhà khác đều bị phá huỷ. Nhưng cô vẫn bàng hoàng trước cảnh tượng mắt mình đang chứng kiến. Quyên không còn nhận ra đâu là vết tích của căn nhà mình, nơi mới chỉ hôm qua thôi vẫn rộn rã tiếng cười con trẻ. Không còn nhà, không còn ngõ, không còn những luống rau xanh mướt. Chỉ thấy đống đổ nát khổng lồ với những gương mặt rúm ró đớn đau. Tiếng ai oán, tiếng than vãn hoà lẫn với bóng đêm. Ba đứa con của Quyên ngơ ngác khi nhìn thấy mẹ, không giống với mẹ chúng hàng ngày. Ôm con vào lòng, cố nén nhưng nước mắt vẫn trào ra.

Bảo Quyên là thế hệ thứ ba trong một gia đình Công giáo “Bắc 54” gắn bó với mảnh đất Vườn rau Lộc Hưng. Nếu nhà cầm quyền không biến nơi đây thành đống đổ nát, thì các con của Bảo Quyên sẽ trở thành đời thứ tư kế tiếp, sinh sống trên mảnh đất cha ông để lại. Và tương lai của chúng cũng không bị tước đoạt đến mức “chẳng còn nhà để về” như bao gia đình khác tại Vườn rau Lộc Hưng sau ngày 4 và 8/1 kinh hoàng ấy.

Quyên không bao giờ nghĩ rằng gia đình mình và bà con chòm xóm phải trải qua cơn khổ nạn thương tâm này. Trong vòng hơn 10 tiếng đồng hồ, toàn bộ cư dân Vườn rau Lộc Hưng đã bị nhà cầm quyền hoá phép, biến thành những kẻ vô gia cư, không còn nhà để về, không có nơi nương náu.

Đêm nay, gia đình Quyên và nhiều gia đình khác phải ngủ ngoài trời. Rồi cũng từ hôm ấy, hàng trăm người dân Vườn rau Lộc Hưng lâm vào cảnh khốn cùng, điêu đứng. Không phải ai cũng mạnh mẽ, vững chãi để đối mặt với sự cướp phá, cơn tai họa quá lớn này. Nhiều người suy sụp cả sức khỏe lẫn tinh thần. Anh Tám phải điều trị ở bệnh viện tâm thần. Chị Hương luôn miệng nói nhảm, “chúng nó đến đập nhà kìa, đóng cửa lại đi” mỗi khi có người tới thăm. Còn bao nhiêu người hoảng loạn như thế. Rồi còn phải “cắt cử” người ra trông đất nữa. Ra trông đất là không thể đi làm kiếm tiền được. Phải chấp nhận dầm sương dãi nắng, đối mặt với đàn áp, đánh đập, bắt bớ của công an, côn đồ. Nhiều ngày, nhiều tháng, có khi nhiều năm, chưa biết đến bao giờ chấm dứt.

Không có khả năng thuê nhà trọ, vợ chồng Quyên cùng ba đứa con phải tá túc trong nhà kho của một người họ hàng. Đứa con trai lớn của Quyên lên 6 tuổi, đứa thứ hai lên 3, liên tục kêu nóng, kêu nhớ nhà.

Tròn 2 tháng sau khi bị đập nhà, cướp đất, Quyên lại bị bắt. Vào đúng cái ngày mà nhà nước CHXHCN Việt Nam rêu rao là “Ngày Quốc tế Phụ nữ” 8/3.

“Tội” của Quyên là dám quay phim, ghi lại hình ảnh bà con dân oan VRLH ra thăm mảnh đất của mình, tặng hoa và động viên nhau vượt qua kiếp nạn này. Bị bắt cùng với Quyên còn có một người mẹ trẻ khác là Thuý Thanh. Nhưng trong cơn vùng vẫy, Thanh bị rơi khỏi xe. Và cô chỉ bị đánh đập thôi, không bị bắt lại.

Quyên bị tống lên xe. Lần này chúng không lấy túi ni lông màu đen để trùm đầu cô nữa.

-Phản đối công an đàn áp, bắt bớ người dân! Cô la lớn.

Một trong những tên bắt cô quát:

-Chúng mày mà là người dân à?

Một tên khác đặt tay lên người cô, ý định sàm sỡ. Quyên hét lên:

-Anh mà giở trò, tôi sẽ kiện. Hắn thôi.

Quyên bị đưa đến đồn công an phường 10, quận Tân Bình. Tra khảo chán, chúng lại tống cô lên xe, chở đến đồn công an phường 1.

Quyên kể với tôi, giọng phẫn uất “chúng cho hai người phụ nữ vào lột quần áo của em. Hai chị này khoảng ngòai 30 tuổi, mặc áo dài, trang điểm đẹp đẽ, đi giày cao gót, đeo kính cận trông có vẻ trí thức lắm”.

Bảo Quyên còn kể rằng khi cô đau bụng, muốn đi vệ sinh họ cũng đi theo trong tình trạng cô không còn mảnh vải trên người. Quyên ngồi trên bồn cầu, quay mặt vào trong, nói với bọn lột đồ:

-Tôi đau bụng lắm rồi. Nếu các chị không ra ngoài, làm sao tôi đi nổi. Chả lẽ các chị đứng đây để ngửi cứt của tôi?

Hai tên công an nãy giờ vẫn thập thò ngoài cửa toilet, ra lệnh cho hai ả “trí thức”:

-Ra ngoài cho nó đi, nhưng bảo nó không được chốt cửa.

Suốt 9 tiếng đồng hồ bị giam, có lúc công an đã phải gọi bác sĩ đến thăm khám cho Quyên vì cô bị hạ đường huyết, kiệt sức. Nhưng chỉ khám thôi, không thuốc men, cũng không được ăn uống gì. Cô yêu cầu được về nhà để cho con bú, nhưng chúng phớt lờ. Chúng đe dọa, rồi dụ khị cô. Vẫn là những luận điệu quen thuộc. Đại loại “Ai là kẻ xúi giục bà con ra đất?; Ai cầm đầu?; Ai cho tiền để ra đất ngồi?; Có phải anh Chánh, anh Trực (*)xúi bẩy, cầm đầu không?; Có biết quay phim, chụp hình là chống lại chính quyền không…?

Ông Nguyễn Thành Danh, chủ tịch UBND phường 6 xuất hiện. Thì ông cũng vẫn tra hỏi những câu công an vừa hỏi thôi. Nhưng có thêm máy quay phim để trước mặt. Quyên im lặng. Cô biết rằng, chỉ cần cô mở miệng thôi, bất kể là nói gì thì sau này sẽ có hình ảnh “lãnh đạo chính quyền địa phương tiếp xúc với bà con Vườn rau Lộc Hưng”, hoặc “người dân VRLH cảm ơn lãnh đạo địa phương đã quan tâm đến đời sống bà con”, hay “người dân Lộc Hưng đã nhận hỗ trợ thỏa đáng”, để đưa lên truyền thông “lề đảng”… Tôi thầm cảm phục người phụ nữ trẻ này vì sự thông minh, kinh nghiệm của cô khi đối phó với công an, với quan chức cộng sản. Danh khuyên Bảo Quyên về thuyết phục bà con nhận tiền đền bù và trả thêm 30% cho những ai ra kê khai tiếp. Quyên thẳng thừng từ chối và khẳng định quyền sở hữu của bà con trên mảnh đất VRLH. Đồng thời tố cáo chính quyền địa phương (trong đó có Danh) đã phá nhà, cướp đất của người dân Vườn rau.

Đe dọa không được, dụ khị, vuốt ve cũng không xong. Công an yêu cầu cô ký biên bản phạm tội “tụ tập trái phép, gây rối an ninh trật tự và tự ý quay phim, chụp hình”. Tất nhiên là Bảo Quyên không ký.

Sau 9 tiếng đồng hồ bị giam giữ, tra khảo, nhục mạ và bị bỏ đói. Quyên được thả khỏi đồn công an để…tự đi về trong tình trạng căng thẳng, kiệt sức. Giống như lần bị bắt hai tháng trước, đứa con út của cô khóc cả ngày vì nhớ mẹ, khát sữa. Hai đứa lớn đã lờ mờ hiểu về thảm cảnh gia đình nó nên cũng ít vui đùa, và nhút nhát hẳn. Mẹ Quyên quá mệt mỏi và xót cháu nên đã mang bé út mới 19 tháng tuổi về quê “mày cứ căng thẳng như thế chẳng còn sữa cho con bú, thôi thì để mẹ mang cháu về quê cho nó đỡ khổ. Nay mày bị bắt, mai bị đánh đập, thằng bé hoảng sợ cũng không lớn nổi”.

Quyên tâm sự với tôi “Em biết là chị cũng có con nhỏ như em, cũng mất hết không còn gì trong đợt cưỡng chiếm vừa rồi. Nhưng chị ráng lên nhé. Chúa và Mẹ không bỏ rơi chúng ta đâu”.

Ừ thì phải ráng thôi Quyên ạ, chứ còn cách nào khác nữa. Mọi sự, chúng con xin phó thác cho Chúa.

P.T.N.

(còn tiếp)