Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Thơ chối từ mục đích

Đinh Thanh Huyền

Bây giờ đọc thơ, người ta thường chỉ đặt câu hỏi: “Đó là cái gì? Nó có nghĩa gì?” mà ít khi đặt câu hỏi “Tôi được nếm trải như thế nào?”. Tham vọng hiểu biết vốn được xem là phẩm chất. Nhưng mấy ai để ý rằng trong khoa học, tham vọng hiểu biết khiến các nhà nghiên cứu lao vào khám phá, phát minh cả những thứ chống lại loài người. Cuộc tranh luận về tính đạo đức trong khoa học chưa có hồi kết.

Nhìn tận đáy sâu của tham vọng hiểu biết, khám phá khách thể chính là khao khát của bản ngã muốn thử thách các giới hạn. Nó muốn vẽ chân dung mình qua việc kiếm tìm những tri thức vô tận bên ngoài nó; muốn chứng tỏ sự vĩ đại của con người trước đấng sáng tạo trong khi chưa đủ tư cách để đón nhận trường thông tin toàn thể. Như thế, dù sao vẫn có thể hiểu. Nhưng tham vọng hiểu biết trong thưởng thức nghệ thuật thì khá lố bịch. Ta muốn hiểu gì ở bài thơ? Ta có cần cái nghĩa của nó không? Hình tượng nghệ thuật mà nhà thơ đem đến, nó có khác gì với hiểu biết sẵn có của ta không? Nếu khác, nó có khiến cho ta thích thú hơn hay ghét bỏ hơn không?

Xét cho cùng, điều đó là vô nghĩa. Trong “cuộc tình” của người đọc và BÀI THƠ, không có chỗ cho cái bản ngã hỗn hào lên tiếng. Nhu cầu hiểu bài thơ là một thao tác của ý thức. Nó mang tính định nghĩa nhiều hơn là thụ hưởng. Vậy thì với thơ, HIỂU nên là cái đến sau, CẢM mới là cái thứ nhất và vĩnh viễn. Chỉ có xung lực mạnh mẽ của cảm xúc mà những dòng thơ khơi lên mới là cái cuối cùng thuộc về thơ.

Đọc bốn bài ÂM HỘ của Lê Vĩnh Tài, cảm tưởng của tôi là đang nhìn ngắm bốn hình đồng dạng phối cảnh. Rồi bốn hình đó bỗng chuyển động và tạo thành một đường xoáy trôn ốc, càng lên cao càng giãn nở. Cuối cùng nó trở thành chiếc vòi rồng lướt như bay trên mặt đất, đồng cỏ, tán cây, quét qua mặt nước và những sa mạc cát, hút lấy cảm xúc của tôi cuốn vào lòng phễu không khí. Trong lòng phễu ấy, những xúc cảm bồng bột ban đầu bỗng dịu lại, chỉ còn lửng lơ một cái gì êm ái trong màn đêm mịn màng, dày đặc, ngọt ngào và tuyệt đối im lặng. Tôi nghĩ, tôi thích những bài thơ này!

Ai từng xem phim giả tưởng Hollywood ắt sẽ không quên những hình ảnh kì lạ được tạo nên bởi kỹ xảo điện ảnh hiện đại. Công nghệ số giúp cho con người hiện thực hóa những tưởng tượng bay bổng, hoang đường nhất của mình. Khi ta đờ người ra chiêm ngưỡng những hình ảnh siêu thực biến hóa liên tục tan ra rồi tụ lại, hóa thân rồi hồi quy, trong ta mở ra một vũ trụ vô hạn những ngạc nhiên. Nghệ thuật đã đi qua nhiều cách thức tạo hình ảnh, từ sự mô tả hiện thực liền lạc, logic Cổ điển đến cái nhìn mới mẻ không định kiến của Ấn tượng, từ việc cắt đứt các liên hệ nghĩa trong Lập thể, đẩy qua thế giới thị giác trong Trừu tượng, hiện hữu không còn là đối tượng nhận thức nữa, cảm xúc về nó mới là quan trọng, thậm chí những “bội âm” của cảm xúc đó mới là điểm đến. Bởi thế, cách người nghệ sĩ làm nên tác phẩm nghệ thuật cám dỗ hơn là thế giới ý nghĩa bên trong tác phẩm.

Lê Vĩnh Tài đã tạo ra một thế giới hình ảnh biến ảo như vậy trong ÂM HỘ. Một thế giới chuyển động nhanh hơn bất kì sự hình dung nào, những biến hình ảo diệu đầy cảm hứng, những chuyển dịch uyển chuyển như thể mỗi phần tử tế vi của nó luôn trong trạng thái chờ đợi được trỗi dậy, vươn ra ánh sáng, phô bày sự lộng lẫy trong tích tắc rồi lại chìm vào bóng tối xanh thẳm đợi đến lần biến hóa tiếp theo.

Khi tơ nhện mở miệng ra/Một đám mây lướt nhanh hơn nước bọt/Hai cánh của bông hoa hồng mỏng như tờ giấy/Làm buồn cười các mạch máu/Đang mịn như cao su ướt…

… Những rặng san hô của biển trắng như thiên nga/Vòi nước của anh và đôi mắt chúng ta/Nhìn vào vực thẳm/Biển cưỡi lên chúng ta/Và thuỷ triều đã phá vỡ tất cả/Những sợi tóc và những thứ màu đen/Loà xoà quanh miệng em/Đôi chân dài của em rút ra khỏi những suy nghĩ của anh/Một con cá mập lớn lao lên khỏi mặt nước/Tạo thành cơn bão của sóng/Sau đó rơi vào một độ sâu không ai biết/Con cá mập xấu hổ và tội lỗi/Chỉ còn con cá heo đang đùa chơi với quả bóng/Phồng căng như âm hộ…

Trải suốt bốn bài thơ là các chiều không gian đa dạng, trong đó các hình ảnh liên tục thay hình đổi dạng như trong một giấc mơ. Những hình ảnh kích thích giác quan, kết nối tâm thức người đọc với bài thơ một cách trực tiếp, tạo nên cơn bão xúc cảm vượt lên trên trải nghiệm thân quen ở một cấp độ dữ dội nhất có thể. Đến lúc này, nói về nội hàm của hình tượng mới thật sự có lý.

Âm hộ được gợi tả bằng thế giới ý nghĩa mà nó đi qua. Nó là cánh hồng mong manh, cao su ướt, là con cá heo đùa chơi cùng trái bóng. Những hình ảnh được liên tưởng với hiện thực, bóng bẩy, gợi cảm, quen thuộc và mỹ lệ. Nhưng đến khi Âm hộ mất đi đường nét, trở thành “hai màu trắng và đen” “tràn ngập sự huy hoàng”, nhất là lúc Âm hộ không còn hữu hình, nó là “thế giới chín cửa cửu trùng đang nứt mở” thì hình ảnh thơ đã không còn được tham chiếu với thực thể tự nhiên. Thế giới của Âm hộ đã là trừu tượng. Nhưng cũng chỉ trong khoảnh khắc, từ cõi mênh mang của trừu tượng, Âm hộ vụt trở lại với cái tồn tại đậm tính phồn thực: Em đừng cười/Tiếng cười của em thì thầm dọc theo cột sống của anh/Làm anh mất định hướng/Chỉ còn một ảo giác/Khi chúng ta muốn làm tình theo cấp số nhân/Trong giấc ngủ/Những ngôi sao đã chui vào trong/Đã dùng cơ thể của anh để điền vào cơ thể của em/Hai bầu trời/Hay là hai chiếc gương đã chìm sâu dưới đáy biển?/Bụng của em là một trận động đất/Làm vỡ chiếc gương của anh/Thành những hạt cát/Xót đau...

Cứ thế, Âm hộ là toàn bộ cái hữu thức và vô thức, vừa là nó đã trở nên xa lạ, mới trong tay thoắt đã đi vào phương nào xa xôi lắm. Âm hộ là một biểu tượng vừa có thể nhận biết được vừa phi vật thể. Bằng cách đó, ÂM HỘ kết nối ít nhất ba khả dụng.

ÂM HỘ 1: Biểu tượng của người nữ trong cuộc tình, cuộc ân ái đắm say. Dục lạc hân hoan, vô biên, tuyệt đích hấp thụ vào nó mọi cảm giác nhục thể trần trụi và thần thánh. Một cuộc ái ân trọn vẹn từ phút giây ban đầu dịu dàng thám hiểm “vòng quanh thế giới” đến cơn cuồng nhiệt của “bão”, sóng”, thủy triều”, cá mập”, động đất”, ngộp thở”, hỗn độn “Đêm là ngày, ngày là đêm” và giấc ngủ nhẹ nhàng của “những cánh chim đã bay qua biển.

Tình yêu biến tất cả thành Âm hộ. Âm hộ là “Em”, Âm hộ là toàn bộ những gì có thể giúp hình dung về một tình yêu lắng sâu: Các tờ giấy trắng dường như quá đẹp để chúng ta có thể làm ô uế/Nó mỏng như cánh hoa/Nó dễ rách với những ngón tay lật vụng về/Sự dịu dàng của trái tim âm ỉ/Nơi giấc mơ đan quyện vào nhau/Mơ ước của ánh sáng/Tầm nhìn của bóng tối, của các lỗ đen/Cái tử cung kỳ diệu đã hóa hai chúng ta/Thành loài chim biển. Trong cuộc biến hình không ngừng nghỉ đó là bao nhiêu hạnh phúc và đau khổ. Ngọn lửa yêu đương bùng cháy và sự sợ hãi nuốt vào trong đôi mắt. Âm hộ là những tinh thể tình yêu bay suốt bài thơ. ÂM HỘ là LỬA.

ÂM HỘ 2: Biểu tượng của người mẹ. Thân thể người nữ khác người nam ở chỗ nó biến mình thành cái “tổ” của sự sống. Toàn bộ quá trình chuẩn bị cho một sinh linh ra đời diễn ra trong cái “tổ” đó. Sự sống sinh học tượng hình trong thân thể mẹ, linh hồn bí ẩn non nớt trú ngụ trong năng lượng mẹ. Khi người con gái làm mẹ, thân thể nữ trở thành Thượng đế. Âm hộ khi ấy trở nên xa lạ với người đàn ông của nàng. Một đứa trẻ đã hỏi, âm hộ là gì? Mang nó lại cho con/Tôi có thể trả lời với nó như thế nào? Tôi cũng không biết gì hơn nó. Cũng như ở ÂM HỘ 1, không có biểu đạt nào nhất định cho Âm hộ. Nó biến hóa khôn lường trong bản thể thứ hai thiêng liêng: Nó có thể là mái tóc dài thật đẹp chưa cắt của mẹ/Hay là chiếc lá trong đêm/Dịu dàng hứng giọt sương/Bóng tối đến dưới bờ môi như màu đỏ mờ mờ trên miệng con còn đang thèm sữa. Không còn sự mê dụ, đắm đuối, bất an và cuồng nhiệt đến kiệt sức, ÂM HỘ 2 được biểu đạt bằng những hình dung dịu ngọt, bình yên, ấm áp nhất. Người đàn ông nào cũng thoát thai từ lòng mẹ. Nên lòng tôn kính đối với Âm hộ dường như là vô thức. Tôi ước mình có thể diễn ngôn các gợi ý về âm hộ/Và các gợi ý về cuộc sống từ những người già/Và những đứa con được sinh ra từ lòng mẹ/Bao la.... ÂM HỘ là NƯỚC.

ÂM HỘ 3: Biểu tượng của quyền năng sáng tạo. Các nhà thơ đừng ngạc nhiên, bởi âm hộ sẽ làm những việc sáng tạo nhân danh Thiên Chúa/Đó là sinh ra nhà thơ. Thật tuyệt khi đọc những câu thơ này: Làm sao ai có thể học được bài Hình Học này của Chúa/Cái tam giác ba chiều như biển như sông/Nơi mà cỏ hai bên bờ rạp xuống/Nơi giấc mơ phủ kín cánh đồng/Nơi cơn mưa ngâm tẩm suốt đêm bằng mười đầu ngón tay bơ phờ nhảy múa/Cái tam giác thiên thần của Chúa/Cái vầng trăng khi rằm thường khóc và khuyết đi một nửa/Một nửa để sinh ra đời tất cả những linh thiêng. Cái cách mà Lê Vĩnh Tài thiết lập Hình học của Chúa trong thơ vừa hiển nhiên vừa bất ngờ. Đôi khi, người ta không thể mượn bất cứ cách ngôn nào để biểu thị một thực thể tự nhiên, một vật chất ròng nguyên thủy. Chỉ có thể nói đến nó bằng những ngôn từ đã triệt tiêu mọi trang sức. Cái tam giác thần thánh, tam giác u sầu vạn thủa hiện ra trong một cảm giác vừa toàn vẹn vừa trống vắng. Nó gửi đi giai điệu của tự do bất tận, của sự thật thuần khiết. Được trao ủy nhiệm thiêng từ Âm hộ, Thơ đã có quyền năng: Sự hiến dâng của nhà thơ làm ngôn ngữ luôn luôn mở ra, như âm hộ/Làm Thơ/Vỡ bờ/Cỏ rạp… ÂM HỘ là ÁNH SÁNG.

ÂM HỘ 4: Biểu tượng của Tổ quốc. Âm hộ bao phủ chúng ta/Mịn màng như đất mẹ khi chúng ta nằm xuống. Trong sự bao dung tuyệt đối, Âm hộ che chở con người từ sinh đến tử, chịu đựng sự tàn bạo của kẻ thù mà vẫn mênh mang tình yêu thiên thần. ÂM HỘ là ĐẤT.

Lửa, Nước, Ánh sáng, Đất, Con người – năm yếu tố làm nên sự sống hội tụ ở ÂM HỘ. Có lẽ không cần nói gì thêm. Diễn dịch, trong trường hợp này sẽ xúc phạm người đọc và thơ ca.

Những ý nghĩa đã nhắc đến trên kia có phải khám phá mới của Lê Vĩnh Tài không? Tuyệt đối không. Ngay cả việc dùng ÂM HỘ như một biểu tượng cũng không có gì đặc biệt. Nhà thơ dường như không muốn tạo ra một tác phẩm đa nghĩa thách đố trí nghĩ của độc giả. Những triết lý nhân sinh sâu xa không phải là cứu cánh của chùm thơ. Thế mà những bài thơ này có thể cuốn-hút như vòi rồng hút nước. Không thể cưỡng lại hấp lực của nó, những câu thơ vang lên rồi tan biến vào thời gian nhưng ma lực của nó ở lại.

Ma lực ấy không được tạo tác bởi ý nghĩa mà bởi cách nhà thơ viết nên nó. Hãy trở lại với ÂM HỘ 4. Bài thơ đã bám sang chính trị, sự mở rộng đó khiến cho thơ lập tức trở thành đại tự sự. Tính sử thi xuất hiện, giọng điệu khoa trương xuất hiện, hình ảnh phúng dụ sử thi xuất hiện. Mạch liên tưởng của bài thơ mở đến vùng nghĩa này thật sự độc đáo. Nhưng xét từ góc độ ý nghĩa, bài thơ không đi xa hơn được bản thân nó. Chính trị có thể tạo ra nhiệt huyết và một thái độ lương tri, một chủ nghĩa nhân văn thiết yếu. Nhưng chính trị dễ đẩy thơ ca vào trạng thái tự phá hủy. Vậy điều gì khiến bài thơ trụ vững ở phần tươi tắn nhất trong cuộc “hôn phối” nhiều bất trắc giữa thi ca và chính trị? Đọc Lê Vĩnh Tài phải chuẩn bị tinh thần trước những liên tưởng kiểu “bẻ lái, vào cua” rất “gắt”: Vào chu kỳ mỗi khi tỉnh dậy/Âm hộ đầy máu như vừa qua một cuộc chiến tranh/Như một cảnh báo/Mẹ Tổ Quốc nằm kề bên tên khổng lồ dâm đãng/Với hai mắt mù và chiếc gậy dò đường/Chỉ biết đâm và chọc/Y không thể biết được sự dịu dàng/Thiên thần/Mênh mang/Của âm hộ. Những liên tưởng tít tắp của ngôn từ đã giúp cho hàm nghĩa chính trị không lạm phát thành tiếng nói của sự nhân danh lớn lao và căng thẳng.

Trên con đường sáng tạo của mình, Lê Vĩnh Tài đã đi qua điểm mốc của tư duy thẩm mỹ truyền thống: Một hối tiếc một long lanh/sớm ngày đã rối tung thành đêm đen/một người rách áo rồi em/một người lại giấu cuộn len đâu rồi... (Bài thơ về cuộn len). Ở ÂM HỘ, sắc thái thẩm mỹ ấy không còn chút gì. Lê Vĩnh Tài cắt đứt toàn bộ khả năng chuyển động của lời thơ tìm đến nhau theo cách của nước tan vào nước. Ngôn từ thơ lúc này không phải một nghi thức. Nó không mang vẻ đẹp hoàn hảo đầy tính chức năng như thơ cổ điển, không phải một chuỗi liên tục các yếu tố ngôn ngữ có giá trị ngang nhau trong nhiệm vụ biểu đạt một ý đồ có trước như thơ hiện đại. Ở thơ cổ điển hoặc thơ hiện đại, sự sắp xếp là cực kì quan trọng. Trong chuỗi sắp xếp đó, các từ buộc phải liên kết với nhau và không từ nào đủ tư cách để tồn tại như một vật thể độc lập. Ở ÂM HỘ, chữ không có khả năng tìm đến nhau. Chúng chỉ “tình cờ” nằm cạnh nhau do một bí ẩn nào đó. Khi em cởi áo. Mái tóc dài màu đen. Một khuôn mặt nhợt nhạt/Đôi mắt em chợt xanh hơn biển/Ngực cao, chân dài. Một cơ thể bước ra từ cổ tích/Em trượt xuống nước và bắt đầu sải vòng tay bơi đến với anh/Mỗi sải bơi như em đang vặn/Vòi nước của anh từ bên trong/Mọi thứ không ai có thể biết/Nó trống rỗng và nhẹ như hơn không khí/Phủ lên một cái hồ/Mà chúng ta đang chờ đợi/Khi em chớp mắt. Không thể tìm thấy dù chỉ là một thủ pháp quen: không từ láy – chất tạo nhạc tính, không vần – chất kết dính, không ẩn dụ /hoán dụ từ vựng – chất lạ hóa. Lời thơ rời rã với những khoảng trống không thể lấp đầy. Mối liên kết lỏng lẻo khiến mọi suy đoán phải ngập ngừng. Chất văn xuôi tràn trên mặt câu chữ, tải lượng của lời nói lớn đến mức thách thức cả trí năng và cảm xúc của người đọc. Thơ Lê Vĩnh Tài là một điển hình cho lối viết tự trị cực đoan, nghĩa là lối viết kém “niềm nở” với bạn đọc. Lạ ở chỗ nhà thơ làm cho ngôn từ của mình đơn giản nhất có thể. Sự đơn giản đặt người đọc vào thế phải buông hết những tri thức đã có về vẻ đẹp thi ca, chấp nhận cái “thế giới này” của thi sĩ. Nhưng trong cái đơn giản ấy đã ẩn tàng những kĩ xảo thi ca mà Lê Vĩnh Tài dùng đến độ tinh tế.

Như đã nhắc ở trên, ngôn từ trong ÂM HỘ không được dẫn dắt bởi các quan hệ. Nó độc lập xuất hiện, tự mình gánh vác toàn bộ trữ lượng thông tin sự vật. Hãy xem xét mấy câu thơ này: Một chiếc vỏ ốc/Như âm hộ/Và bóng tối cùng với những người làm rách nó/Giờ lặn sâu dưới đáy biển. Rất khó phát hiện quan hệ nào dẫn đường cho từ ngữ. Phép so sánh đặt “vỏ ốc” và “âm hộ” vào một liên tưởng về sự xé rách tỏ ra rất bấp bênh. Các con chữ hiện ra cạnh nhau, trống trải. Trước nó không có gì báo hiệu, sau nó không có gì tiếp nối. Xung quanh nó không có một môi sinh tổng quát. Nó đứng đó, chứa hết những nghĩa có thể xuất hiện. Từ rách trong câu thơ trên có thể là làm rách vỏ ốc, làm rách âm hộ, làm rách bóng tối… Những nghĩa đó không nhất thiết phải là mục đích của thơ. Chúng chỉ chợt hiện ra để gợi nên ấn tượng miên man về một cái gì đó đầy tiếc nuối. Một cái gì đó đã vĩnh viễn chìm sâu vào số phận của chính nó. Ở một đoạn thơ khác Sự hiến dâng của nhà thơ làm ngôn ngữ luôn luôn mở ra, như âm hộ/Làm Thơ/Vỡ bờ/Cỏ rạp… chính âm điệu mới là điều làm lên ngân vang kì lạ của thơ. Người đọc có thể không hiểu hoặc hiểu sai ý nghĩa, nhưng nghe được tiết tấu và âm giai của chữ là đủ. Ngôn từ thơ Lê Vĩnh Tài chính là ngôn ngữ “vật thể” (Jean-Paul Sartre). Kiểu ngôn từ đó chỉ cho NGHE tiếng của bài thơ vang lên trong tâm chứ không thể tìm cách yên lòng với các chủ đề.Thơ là cách để thoát khỏi sự hung hãn của lý trí, cớ sao cứ phải trở lại cái ách nặng nề đó mỗi khi đọc thơ!

Hà Nội, tháng 5/2020