Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Nguyễn Du – Những đóng góp bất hủ cho văn học Việt Nam

Trần Đình Sử

Nguyễn Du là nhà văn vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Việt Nam và cũng là nhà văn có tầm vóc thế giới của chúng ta. Đối với nhà văn như thế, vấn đề quan trọng nhất của giới nghiên cứu là xác định được những đóng góp lớn lao, không thể thay thế được của nhà văn đối với văn học dân tộc. Vấn đề này đã được nhiều học giả nghiên cứu đề cập đến và có rât nhiều thành tựu, nhưng còn để phân tán. Nhân dịp giỗ lần thứ hai trăm năm của Nguyễn Du, chúng tôi xin phép được nhắc lại, hệ thống hóa vào một số điểm quan trọng nhất, nổi bật nhất, để thành kính tưởng nhớ tới Người.

Văn học Việt Nam tuy khởi đầu sớm từ thế kỉ X sau khi xây nền độc lập, nhưng do nhiều lí do mà văn học Việt Nam phát triển muộn, chữ viết phát triển muộn, văn học chữ Nôm cũng xuất hiện muộn sau chứ Hán năm thế kỉ, cho nên phải đến thời Lê văn học tiếng Việt mới trỗi dậy. Văn học Lí Trần, do ảnh hưởng Phật giáo, Nho giáo, cảm hứng thu hẹp, khuynh hướng giáo huấn đậm cho nên văn học đã nảy sinh nhưng chưa phát triển. Văn học Lí Trần về cơ bản là văn học cung đình, quý tộc, chỉ tồn tại và phát huy trong phạm vi nhỏ hẹp. Thời Lê, một mặt, kế thừa văn học quý tộc yêu nước thời Lí Trần, đã phát triển rực rỡ cùng với khuynh hướng ca công tụng đức. Từ Lê Mạc trở đi đến Lê trung hưng, chiến tranh liên miên, sinh linh đồ thán, văn học từ cung đình chuyển xuống văn học văn nhân và bình dân, khuynh hướng văn học hướng đến khát vọng công bằng, hạnh phúc, thể hiện ở sự xuất hiện hàng loạt truyện Nôm vào thế kỉ XVII. Trước thế kỉ XVIII văn học tiếng Việt Việt Nam ở vào trạng thái phôi thai. Bước sang đầu thế kỉ XVIII đã xuất hiện các khúc ngâm tuyệt vời, nhưng chủ yếu vẫn ở thể loại thơ trữ tình, ngôn ngữ văn học chưa được phát triển nhiều mặt. Lúc này cũng xuất hiện truyện Nôm Hoa Tiên, nhưng ngôn ngữ kể chuyện thiên về miêu tả, khó cho người tiếp nhận sự kiện. Phải đến Nguyễn Du với Truyện Kiều văn học Việt Nam mới có cột mốc đỉnh cao mang tầm vóc nhân loại. Tất nhiên trước Nguyễn Du, vào thời Lê, Nguyễn Trãi cũng là nhà văn vĩ đại, người sáng tạo ra tập thơ Nôm đầu tiên của dân tộc, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, tiếng Việt trong Quốc âm thi tập còn ít nhiều gượng ép, chưa hoàn trở thành mẫu mực của tiếng Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là nhà văn vĩ đại, nhưng trước hết ông là lãnh tụ của dân tộc, sáng tác của ông chủ yếu là văn chính trị, cổ động, tuyên truyền, chưa thật đại diện cho ngôn ngữ văn học nghệ thuật.

Nguyễn Du là người có vị trí đặc biệt. Vốn xuất thân từ cung đình, nhưng dông tố thời cuộc đã thổi bật gốc quý tộc của ông, đẩy ông về phía những cùng dân nghèo khổ để ông thể nghiệm cuộc sống thiếu thốn, bệnh tật, anh em chia lìa, vợ con không đủ ăn, biến ông thành nhà văn của tất cả mọi người khổ nạn. Ông không chỉ am hiểu mọi cung bậc đời sống, mà còn hiểu biết thấm thía nhất ngôn ngữ của toàn dân. Địa vị ấy kết hợp với tài năng siêu quần khiến ông trở thành nhà văn vĩ đại.

Đóng góp lớn nhất của Nguyễn Du là sáng tác ra một Truyện Kiều, kết tinh mọi truyền thống giá trị tư tưởng và nghệ thuật của văn hóa dân tộc. Mặc dù về câu chữ, do nguyên bản không còn cho nên vẫn còn xuất nhập, nhưng theo thống kê của Nguyễn Tài Cẩn thì nói chung trên 90% nguyên bản vẫn còn được bảo lưu, và chúng ta có cơ sở để tìm hiểu giá trị của nó[1]. Với nghệ thuật siêu việt, tác phẩm đã vươn lên tầm cỡ thế giới, làm vẻ vang cho văn học dân tộc với tư tưởng nhân đạo cảm thương sâu sắc nhất. Tác phẩm của ông đã vượt lên trên mọi sự vay mượn để trở thành một giá trị độc lập, mà nguyên tác không bao giờ có được và sánh nổi. Truyện Kiều được sáng tạo bởi một một thứ tiếng Việt nghệ thuật vừa đẹp đẽ vừa gợi cảm, vừa trong sáng vừa Việt Nam trong một truyền thống quá nhiều từ Hán Việt, một thứ tiếng mà mọi người Việt đều lấy làm tự hào, coi là quốc hồn, quốc hoa, quốc túy của dân tộc, trở thành bắng chứng cho sức sống mãnh liệt của người Việt. Bên cạnh đó ba tập thơ chữ Hán với 249 bài thơ của ông cũng là một thành quả vô giá trong thi ca Việt Nam và thế giới. Trong dịp ngày giỗ long trọng này, chúng tôi xin nêu lại lần lượt những đóng góp quan trọng nhất của Nguyễn Du cho văn học nước nhà.

Xét về nội dung Truyện Kiều từ trước tới nay đã có nhiều cách lí giải: tâm sự hoài Lê, tài mệnh tương đố, tư tưởng trung dung, tùy thời, quyền sống con người, thân mệnh tương đố… Ta phải tìm cái tư tưởng đã đưa tác phẩm lên tầm nhân loại. Tư tưởng ấy phải là chủ nghĩa nhân đạo, thương người lớn lao. Xét ra trong văn học Việt Nam thời Lí Trần chưa có bóng dáng chủ nghĩa nhân đạo. Thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi tuy có chút tình nhi nữ cũng chưa có chủ nghĩa nhân đạo. Thơ Hồng Đức Quốc âm thi tập cũng chưa có. Lĩnh Nam chích quái, Truyền kì mạn lục tuy có yếu tố dục tình, cũng chưa có chủ nghĩa nhân đạo. Tư tưởng này phải bắt đầu từ thế kỉ XVIII, mà Truyện Kiều là kết tinh sâu sắc nhất. Đặc sắc của nhân đạo Việt Nam thể hiện ở lòng thương người, mà ở Truyện Kiều đó là tư tưởng thương thân, tạo thành cái mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa cảm thương Việt Nam. Chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam là sản phẩm lịch sử của thế kỉ XVIII mới có dưới dạng thức thương người. Muốn hiểu sâu nội dung tác phẩm bắt buộc phải đi sâu thể nghiệm về cách hiểu của nhà văn về con người, một các hiểu khác hẳn với giáo lí phong kiến. Tách khỏi thể nghiệm về con người trong tác phẩm thì khó lòng mà hiểu sâu nội dung của tác phẩm.

Xét về mặt tiếng Việt thuần túy, tức là xét từ ngữ tiếng Việt được dùng trong tác phẩm, thì theo nhà nghiên cứu Đào Thản, tiếng Việt trong Truyện Kiều là 3.412 từ, trong khi đó Quốc âm thi tập là 2.215 từ, Lục Vân Tiên là 2.499 từ, có thể nói từ ngữ Truyện Kiều phong phú hơn nhiều. Từ Hán Việt trong Truyện Kiều là 1.310 từ, chiếm 35% tổng số từ được dùng[2]. Như vậy là thấp hơn số phần trăm từ Hán Việt trong tiếng Việt thường được nói đến là 60%. Theo thống kê của nhóm học giả Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam mới đây[3] qua số từ có trong từ điển Tiếng Việt của Viện thì số phần trăm từ Hán Việt là trên 30% hoặc 35,15%. Xét qua như vậy thì số phần trăm Hán Việt của Truyện Kiều tương đương với tiếng Việt hiện đại, nếu không nói là hơn một chút.

Về giá trị văn chương của Truyện Kiều, thế hệ nghiên cứu đầu thế kỉ XX như Phạm Quỳnh, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, Tản Đà, Bùi Kỷ, Lê Văn Hòe, Hoài Thanh, đã chỉ ra bao nhiêu là từ hay, từ đắt, như các từ lẻn, cậy, thoắt, ngây, tót, nhờn nhợt… mỗi từ như vẻ ra thần thái, tính cách của nhân vật. Nhưng đó là những giá trị thể hiện tài dùng chữ của nhà thơ vào từng trường hợp cụ thể. Nghiên cứu cần khái quát các biểu hiện có tính quy luật của tác phẩm.

Xét về quy luật nghệ thuật thì Truyện Kiều giàu có hơn các thành phần ngôn ngữ nghệ thuật. Nếu trong các tập thơ, bao gồm cả khúc ngâm, chỉ có ngôn từ trữ tình, thì trong Truyện Kiều có người kể chuyện với ngôn ngữ người kể chuyện, lời văn tả cảnh, tả tình, lời bình luận cảm xúc, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, ngôn ngữ độc thoại nội tâm, gồm lời nửa trực tiếp, lời trực tiếp tự do, lời gián tiếp. Không có một truyện Nôm nào giàu có hơn về các thành phần như vậy. Về nghệ thuật tự sự thì Nguyễn Du đã biết sử dụng thành thạo và đạt nghệ thuật cao mô hình tự sự ngôi thứ ba hạn tri với điểm nhìn của nhân vật, biến tác phẩm thành một tiểu thuyết tâm lí hiện đại, tạo cửa sổ cho người đọc nhìn trực tiếp vào thế giới nội tâm của nhân vật. Đó là nghệ thuật tự sự hiện đại nhất mà truyện Nôm Việt Nam có được từ đầu thế kỉ XIX. Mặc dù thời đó Việt Nam chưa có văn xuôi nghệ thuật, nhưng nghệ thuật kể chuyện bằng thơ đã đạt đến tính hiện đại.

Về nhân vật, qua nhân vật Thúy Kiều là chính Nguyễn Du đã sáng tạo ra con người tâm lí, không còn là nhân vật nghĩa lí. Nói như Phan Ngọc là đã kết thúc kiểu con người nguyên phiến của văn học cổ để hình thành con người tâm trạng. Theo tôi, nhân vật Truyện Kiều có 5 đặc điểm: bao giờ cũng mang một phức hợp tâm lí phức tạp; mang tình cảm đối nghịch; tâm lí có một giới hạn rộng rãi nhất, từ cao cả đến mức tầm thường nhất; con người bị tha hóa; trải nghiệm nhiều cung bậc nhân sinh nhất. Chính vì vậy mà người ta cảm thấy Kiều không phải là kẻ nêu gương, mà là người cùng số phận gần gũi.

Về cú pháp (syntax) câu thơ Truyện Kiều, tức là phép đặt câu, kết hợp từ của câu thơ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc trong sách Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều[4] (1985) đã thống kê cho thấy câu thơ Truyện Kiều không chỉ đạt được quy phạm gieo vần và nhịp điệu bằng trắc mẫu mực, mà còn đã vượt lên câu thơ sáu tám thông thường chuẩn mực để tạo nên câu lục bát đối xứng, nó làm cho câu thơ sáu tám thoát khỏi hình thức của vè để trở thành câu thơ cổ điển. Bởi vì cấu trúc đối xứng, tức là đối trong câu dưới mọi hình thức, đã tạo nên cú pháp độc lập, câu thơ danh ngữ, hạn chế câu thơ phân tích, tạo khả năng sản sinh ý ở ngoài lời, tạo nên chất thơ. Về mặt tự sự, câu thơ đối ngẫu cũng tạo nên những câu thơ cô đúc, kể về sự vật, sự việc. Phan Ngọc thống kê có 312 câu 3/3, 80 câu 4/4. Ngoài ra còn có nhiều hình thức đối khác, nhất là đối chọi và đối cân, mà Nguyễn Du có lẽ không thích đối chọi, vì nó cứng nhắc, kiểu cách. Ông thích nhất là đối cân, vì nó vừa có đối, vừa không chặt chẽ, chan chát, có độ lỏng lẻo cho sự biểu đạt uyển chuyển, mềm mại, vừa đảm bảo nhịp điệu. Về các kiểu đối này dã được Phan Ngọc thống kê cụ thể, xác thực. Theo tôi, phép đối ngẫu này, như Jakobson cho thấy, là sự vi phạm trật tự cú pháp thông thường, nhưng là vi phạm nhằm để kiến tạo cấu trúc thơ. Trong Thi pháp Truyện Kiều[5] tôi chỉ ra 12 kiểu đối ngẫu, với 862 câu trên 3254 câu chiếm 27%. Trong đó có kiểu đối ngẫu hai đầu câu, mở ra như đôi cánh bướm rất đẹp, ví như Ba sinh đã phỉ mười nguyền, Tình sâu mong trả nghĩa dày, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, Tình nhân lại gặp tình nhân… Kiểu đối này không vi phạm cú pháp. Mặt khác câu thơ Truyện Kiều là câu thơ tự sự, nó sử dụng thành thạo rất nhiều hư từ như thì,,, lại, đã, đâu, càng, … khiến câu thơ nhịp nhàng, uyển chuyển, thanh thoát, thể hiện được ngữ điệu nói của các nhân vật và lời kể chuyện. Do nhu cầu đối mà khá nhiều trường hợp Nguyễn Du đã tách từ đôi là hai nửa để tạo thảnh một cụm đối mới, chưa từng có. Ví dụ: bướm lả ong lơi, ăn gió nằm sương, bướm chán ong chường, cười phấn cợt son, dày gió dạn sương, gìn vàng giữ ngọc, gió gác trăng sân, gió thảm mưa sầu, gió trúc mưa mai, hoa thải hương thừa, hồn rụng phách rời, lá gió cành chim, tô lục chuốt hồng, liễu ép hoa nài, liễu chán hoa chê, ngày gió đêm trăng, nắng giữ mưa gìn… Đó là sự phá vỡ cấu trúc cũ để tạo ra cấu trúc ngữ mới, chưa từng có trong tiếng Việt, làm cho chữ nghĩa như nhảy múa khiến cho ngôn từ thơ thêm đẹp đẽ và nhịp nhàng.

Phan Ngọc đã chứng minh câu thơ Truyện Kiều ngắt nhịp rất đa dạng, có thể nói trong tất cả các vị trí của câu 6/8, vị trí nào cũng có thể ngắt nhịp và nhờ đa dạng mà sự lặp lại đều đặn của câu lục bát không gây nên sự nhàm chán. Đa dạng chính là sức sống của câu thơ lục bát Nguyễn Du. Ông cũng nêu ra cách chia khổ trong Truyện Kiều, mà chúng tôi thấy còn cần nghiên cứu thêm nữa.

Về từ ngữ Truyện Kiều, Phan Ngọc chú ý đến đặc điểm nổi bật là không chạy theo lối chữ đúc của thi pháp thơ Đường, mà sành sõi trong việc dùng chữ nước, chữ tục. Chữ nước là chữ dùng tự nhiên như trong đời sống, không cố chọn tương phản cho nó “kêu” (hưởng) như thơ Tàu. Ví dụ: Triều đâu nổi sóng đùng đùng, Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường. //Ngọn triều non bạc trùng trùng, Vời trông con tưởng bóng hồng lúc gieo. Còn chữ tục là chữ của đời sống thế tục hóa khi nhắc đến bộ phận cơ thể, ví như Hở môi ra cũng thẹn thùng, Để lòng thì phụ tấm lòng với ai. Hoặc Thân lươn bao quản lấm đầu, Tấm lòng trinh bạch từ sau cũng chừa; khi gọi nhân vật bằng đứa, bằng mụ, bằng , thằng, mặt mo, dơ tuồng, nghỉ… Chính chữ nước, chữ tục làm cho ngôn ngữ Truyện Kiều gần gũi đi vào đời sống và tâm hồn người đọc. Dùng chữ tục, chữ nước Nguyễn Du rất thích dùng từ láy: vằng vặc, khấp khểnh, gập ghềnh, tà tà, thơ thẩn, hiu hiu, hờ hững, sượng sùng, tàng tàng, tầm tã, tần mần, tần ngần, tê mê, rành rành, ngậm ngùi, tìm tõi, tủm tỉm, tưng tưng, tưng bừng, thánh thót, thảnh thơi, thăm thẳm, thắm thoắt, thẫn thờ, thấp thoáng, thiêm thiếp, thỏ thẻ, thoang thoảng, thơn thớt, thổn thức, thui thủi, thủng thỉnh, khủng khỉnh, hung hiểm, sè sè, dàu dàu, đùng đùng, thanh thanh, quanh quanh, lơ thơ, rầu rầu, song song, đong đưa, long lanh, đằng đằng, hằm hằm, nhẵn nhụi, nho nhỏ, thướt tha, nhờn nhợt, nhơn nhơn, om thòm, phẳng lặng, phân phất, quằn quại, mòn mỏi, phôi pha, phơi phới, rập rình, rêu rao, rủ rỉ, bẻ bai, rụt rè, rụng rời, tan tành, héo hon, bơ thờ, thủ thỉ, trằn trọc, yểu điệu, vật vờ, xa xa, xăm xăm, thoăn thoắt, xấp xỉ, xuân xanh, xanh xanh, xập xè, xao xác, xôn xao, xơ xác, … Dùng chữ tục chữ, chữ nước nhà thơ cũng thích dùng tục ngữ, thành ngữ, ca dao vào trong câu thơ của mình, như đáy bể mò kim, yếm thắm trôn kim, tai vách mạch dừng, thân lươn bao quản lấm đầu, trốn chúa lộn chồng, mèo mả gà đồng, bưng mắt bắt chim, con nhện vương tơ, dẫu lìa ngó ý, quạt nồng ấp lạnh, gió quét mưa sa, đổ quán xiêu đình, then nhặt lưới mau, phận bạc như vôi, phận cải duyên kim, đá nát vàng phai, phách quế hồn mai, cao chạy xa bay, … Và cũng nhờ chữ nước và chữ tục mà tiếng thuần Việt được ưu tiên sử dụng, không lạm dụng từ Hán Việt.

Nguyễn Du đã có ý thức sử dụng từ ngữ Việt vào sáng tác thơ. Bất đắc dĩ vì phong cách kể chuyện mà ông sử dụng từ Hán. Vì thế Nguyễn Du có xu hướng thích dịch từ Hán sang Việt làm phong phú cho từ Việt. Ví dụ như cơ trời, cửa thiền, cửa không, chày sương, chín suối, duyên trời, đào non, ông còn dịch các điển tích ra tiếng Việt như chim xanh, chắp cánh liền cành, chén hà, đêm đêm Hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu, giấc hòe, duyên Đằng thuận nẻo gió đưa, chàng Tiêu,Trong tài liệu của ông Đào Thản đã nhắc trên kia đã cung cấp kết quả nghiên cứu của nhóm tư liệu Tổ Ngôn ngữ học cho biết thêm, trong Truyện Kiều có 30 câu dịch thơ Đường, 27 lần mượn ý, mượn chữ trong thơ cổ Trung Quốc, 46 lần mượn chữ Kinh Thi, 50 lần mượn chữ, ý trong sách thần tiên truyện, tình sử, 21 lần mượn chữ, điển tích trong sách Phật Lão. Hiện tượng này cho thấy khả năng Việt hóa, đồng hóa rất mạnh của nhà thơ.

Nhưng ngôn ngữ Truyện Kiều không chỉ là ngôn ngữ biểu đạt, mà còn là một ngôn ngữ đẹp, mĩ thuật. Ông học được cách phối màu, đối lập màu vốn có trong thơ Lí Bạch, Đỗ Phủ để tạo những cặp màu lung linh trong thơ mình. Ví dụ: Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia, Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng, Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây, Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, Đào vừa phai thắm, sen vừa nảy xanh, Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua, Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng, Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha, Cạn dòng lá thắm, đứt đường chim xanh, Hoa trôi dạt thắm, liễu xơ xác vàng, Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh… Các màu xanh, hồng, vàng, thắm, đen, bạc cứ đan xen nhau, đối chọi nhau tạo thành một vẻ đẹp long lanh của lời thơ. Khi miêu tả sự vật Nguyễn Du dùng phương thức định ngữ để tạo ra một không gian đẹp có tính chất hư ảo cho truyện. Nói tới nước mắt thì giọt ngọc, giọt châu, giọt tương, giọt hồng, giọt lệ, giọt tủi, giọt riêng. Nói tới giấc ngủ thì giấc xuân, giấc mai, giấc hoè, giấc tiên. Nói tới mái tóc, không chỉ là tóc mây, tóc sương, tóc rối, tóc thề, mà còn là mái sầu. Nói tới đường xa ông nói tới dặm hồng, dặm xanh, dặm băng, dặm khách, dặm phần. Nói đến chén rượu ông gọi là chén xuân, chén hà, chén mồi, chén quỳnh, chén thề, chén đưa, chén mời, chén khuyên, chén đồng, chén mừng, chén vàng, chén cúc, mang đầy sắc thái khác nhau của tình huống. Nói tới cửa sổ ông cũng nói bằng những từ của riêng ông: song sa, song mai, song hồ, song mây, song trăng, song đào, song phi, song thu; nói tới sân thì sân hoa, sân rêu, sân hoè, sân thu, sân ngô, sân Lai, sân mai, sân mây…; nói tới tường thì tường gấm, tường hoa, tường đông, tường vôi…; bóng trăng thì là bóng nga, bóng nguyệt, gương nga; mây thì mây trắng, mây bạc, mây Tần, mây vàng, gắn với cảm xúc khi nhìn thấy. Nói tới tấm lòng thì ông gọi là tấm riêng, tấm yêu, tấm son, tấm thành, tấm thương, tấm lòng, tấm trăng, hoặc nói theo cách Trung Hoa đã dịch ra Việt: tấc cỏ, tấc riêng, tấc son, tấc thành, tấc lòng… Bảo rằng nhà thơ dùng nhiều từ đồng nghĩa thì đúng rồi, nhưng hoàn toàn không phải là từ đồng nghĩa hàng ngày, thông thường, mà những từ đồng nghĩa được tạo ra lâm thời theo cảm xúc cụ thế sáng tạo của nhà thơ, mà là sáng tạo theo quy tắc mĩ học, chứ không theo cách phối ghép thông thường. Những ý tượng như thế thuần túy chỉ có ý nghĩa thẩm mĩ, nó làm cho lời văn thêm đẹp và chỉ có trong ngôn ngữ Truyện Kiều.

Cú pháp thơ của Nguyễn Du còn nhiều điều đặc sắc quan trọng nữa như hiện tượng thiếu vắng chủ thể trực tiếp và tính chất đảo trang, tính tự do nội tại trong kết hợp, khiến cho câu thơ linh hoạt, nhẹ nhàng, giàu tính thẩm mĩ. Nguyễn Du cũng là người sử dụng các phép tu từ của văn học trung đại như phép đối ngẫu, ẩn dụ, phép sóng đôi, điển cố, … rất thành công và có bản sắc. Chúng ta còn phải nghiên cứu kĩ về ngôn ngữ nghệ thuật trong Văn tế thập loại chúng sinh, một áng thơ song thất lục bát bất hủ. Tuy nhiên không thể nói quá nhiều về ngôn ngữ trong bài chỉ thiên về khái quát. Chỉ với những điều đã nói cũng đủ để chứng tỏ đóng góp hoàn toàn mới mẻ làm thay đổi hẳn trạng thái và chất lượng của ngôn từ nghệ thuật tiếng Việt trong văn học.

Nguyễn Du còn là một nhà thơ chữ Hán kiệt xuất của dân tộc. Với các tập thơ Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, và đặc biệt là Bắc hành tạp lục, tập thơ làm vào lúc đi sứ Trung Hoa theo lệnh của vua Gia Long, là nơi mà Nguyễn Du thể hiện một cái nhìn vượt lên những cảm ngộ thông thường để biểu hiện một tầm vóc tư duy hiếm có của một đại gia thời trung đại. Nếu trong Thanh Hiên thi tậpNam trung tạp ngâm ông chủ yếu thể hiện những niềm cảm xúc thế sự như thất vọng về cuộc đời, lí tưởng, về cuộc sống khó khăn, bệnh tật, anh em chia lìa, thì trong Bắc hành tạp lục ông có cái nhìn toàn cục đối với nho học, với kiểu chế độ mà ông phục vụ, về toàn bộ các giá trị văn hóa của chốn thần kinh mà ông ngưỡng mộ. Nếu trong hai tập trước làm trong 27 năm làm được 118 bài, trung bình mỗi năm chỉ làm hơn 4 bài, thì riêng trong 13 tháng đi sứ (từ tháng 2/1813 đến 2/1814) Nguyễn Du đã làm đến 132 bài[6], trung bình mỗi tháng hơn 10 bài, mỗi tuần hơn hai bài. Ông làm thơ như ghi nhật kí hành trình ghi lại những điều trông thấy và cảm xúc của một người lần đầu tiên hành hương đến Tổ quốc của những điều ông đã học với biết bao điều mới lạ và những điều tưởng quen mà rất lạ. Có thể nói ông bị hút hồn vào những cảnh sắc và di vật lần đầu nhìn thấy và tứ thơ dào dạt tuôn chảy.Trước hết ông nhìn thấy cảnh giàu nghèo đối nghịch phổ biến, dâu đâu cũng có bất công, oan khuất, người dân đói kém chẳng ai quan tâm (Thái Bình mại ca giả, Sở kiến hành), đồng thời ông thương xót những kẻ tài hoa bạc mệnh, như Dương Quý phi, Tiểu Thanh, hai bà phi của vua Thuấn, Trác Văn Quân. Ông trách bọn quan lại vô cảm đẩy nàng Quý Phi vào chỗ chết. Thứ hai ông nhìn thấy văn hóa nho gia đã suy đồi, chữ hiếu chữ trung chỉ là là những lời rỗng tuếch. Qua mộ ông họ Cù ở Quế Lâm, mộ tam liệt miếu, mộ vua Nghiêu, đều không ai quét tước, không hương khói, ông đã chất vấn: “Nghe nói Trung Hoa chuộng lễ nghĩa, mà sao hương khói ở đây lạnh lùng vậy?”. Một số bia mộ, dấu tích văn hóa trở thành hiện vật mỉa mai, giả dối. Nguyễn Du đã thể hiện một tư duy phản biện sâu sắc, mạnh mẽ, sắc bén. Đúng như lời ông đã nói trong bài Giữa đường Lạng Sơn: “Trong giỏ có bút sắc như dao[7], đó là cây bút của nhà làm sử cùng loại với Đỗ Phủ. Qua Mộ Kì Lân, di tích dùng để mĩ hóa cho Minh Thành Tổ, tên vua đã xâm lược Việt Nam, ông kêu lên: “Ôi kì lân, nếu mày vì kẻ ấy mà hiện ra, Thì mày chỉ là đồ yêu quái, có gì đáng quý?”. Ông phát hiện xã hội Trung Quốc là xã hội ăn thịt người, như Lỗ Tấn nêu lên trong thời Ngũ Tứ 1919 trong Nhật kí người điên, và ông đã viết bài Phản chiêu hồn đầy bi phẫn, lời thơ thét lên: “Hồn chớ về”, bởi vì “Hậu thế đều là bọn Thượng quan, Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La. Ngư long không ăn thịt thì cũng sài lang thịt, Hồn ơi, hồn ơi về làm chi”. Ông thấy chế độ quan liêu hủ bại, quan lại vô trách nhiệm (Trở binh hành), dân gặp tai họa thì phủi tay: “Dân chết tại thiên tai, không tại ta”. Thứ ba là, qua những di tích của những danh nhân văn hóa lại nổi lên vấn đề tiêu vong và trường tồn. Bắc hành tạp lục là tập thơ viết về mộ địa nhiều nhất, mộ là không gian của tâm linh, của những gì đã mất, là nơi con người có thể suy nghĩ về thế giới bên kia của kiếp người. Có mộ địa của hai hạng người. Những danh nhân như Liễu Tông Nguyên, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Lí Bạch, Âu Dương Tu, ông đồng cảm sâu sắc với số phận bi thương của họ. Ông nhận ra các nhà thơ Trung Quốc dù vĩ đại, nhưng văn chương không cứu được cuộc đời. Trong bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu lăng mộ, ông kêu lên “Văn chương quang diễm thành hà dụng?”. Nguyễn Du rất hiểu Lí Bạch, Lí Bạch tài cao và chí lớn, nhưng vua Đường chỉ muốn biến ông thành nhà thơ ngự dụng để mua vui, và nhà thơ đã chán ngán, thích rượu, vua lại biến ông thành thi tiên suốt ngày say nhè. Một nhà thơ say không hại gì cho chế độ. Đỗ Phủ là nhà thơ được Nguyễn Du yêu thích và tôn làm thầy, đồng thời nhìn thấy số phận bi kịch bất công của những người tài giỏi. “Ai cũng khen danh ông muôn thuở, Ta đau đất lạ gửi cô phần”. Đối với mộ của những võ tướng, nhà chính trị Nguyễn Du không khỏi có thái độ kính trọng những phẩm cách cao đẹp như Khuất Nguyên, Tấn Văn Công, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Kinh Kha, nhưng ông mỉa mai chiến công của các võ tướng ham công danh như Mã Viện, Phạm Tăng. Khi qua Đồng Tước đài của Tào Tháo, ông nhìn thấy sự bất lực của quyền lực, sự vô nghĩa của phú quý, tiền tài, sự hư ảo của những niềm tin. Qua mộ địa ông chiêm nghiệm về giá trị cuộc sống. Ở đâu thơ ông cũng thấp thoáng nhiều vấn đề triết học. Trong một năm đi sứ Nguyễn Du đã đi qua 29 thành và trọng trấn, đề cập đến gần 60 nhân vật lịch sử của Trung Quốc, đối với mỗi người đều có bày tỏ thái độ và nhận định đã thể hiện một trí tuệ siêu việt. Việt Nam vốn có truyền thống đi sứ và làm thơ, gọi là thơ đi sứ, nhưng có lẽ cho đến lúc ấy chưa có tập thơ đi sứ nào có quy mô hơn của Nguyễn Du[8], chưa có sách nào thể hiện một tầm vóc tư duy sâu rộng như Nguyễn Du. Đó là chưa đi sâu vào phương diện nghệ thuật của thơ chữ Hán của ông. Về phương diên thẩm mĩ, Nguyễn Du tuy thích nhiều hình ảnh đẹp, nhưng ông thiên về biểu hiện cái buồn, cái bi, cái đau đớn. Từ xa xưa người ta đã nhận ra tiếng bi là tiếng đẹp. Trương Tửu đã có lần nói đến “cảm hứng bị thua” trong Truyện Kiều, có thể mở đầu cho một khám phá thẩm mĩ của Nguyễn Du. Nhưng ông lại xem đó là sản phẩm của sự suy đồi về cá tính cho nên vấn đề bị bỏ lỡ. Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đại lục như Lí Tu Chương chỉ viết qua loa về mấy tập thơ, nhiều học giả khác như Mạnh Chiêu Nghị, Vu Tại Chiếu chỉ nói về hai tập thơ Thanh Hiên thi tậpNam trung tạp ngâm, mà không một lời nói tới nội dung và nghệ thuật của Bắc hành tạp lục. Họ ngại ngòi bút sắc bén của nhà thơ Việt Nam chăng.

Xét theo con mắt của Văn học so sánh, thì Bắc hành tạp lục là tác phẩm thể hiện trọn vẹn cái nhìn của nhà thơ Việt Nam đối với con người và văn hóa Trung Quốc, là tập thơ xây dựng hình tượng người Trung Quốc theo góc độ “hình tượng học” (imagologie). Nghiên cứu ở góc độ địa lí văn hóa cũng cho thấy nhiều ý nghĩa chưa được khai thác. Cái khó của thơ chữ Hán là ở chỗ khó có những bài dịch hay và điều đó trở ngại cho người đọc thưởng thức chúng.

Nghiên cứu khẳng định các đóng góp của Nguyễn Du là khuynh hướng chủ yếu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Biết bao thế hệ nhà nghiên cứu đã dốc sức nghiền ngẫm, phiên dịch, đối chiếu để khám phá những đóng góp vĩ đại của nhà thơ. Nghiên cứu khoa học về Nguyễn Du mà không hướng tới giải đáp câu hỏi nêu trên thì nghiên cứu làm gì? Di sản của Nguyễn Du chắc chắn không đứng yên, mà phong phú và lớn lao thêm theo thời gian, cùng với sự gia tăng sức hiểu biết của chúng ta.

Vấn đề khái quát những đóng góp của Nguyễn Du cần được đúc kết càng chính xác, súc tích, càng ngắn gọn càng quý, bởi chỉ dưới hình thức như thế nó mới dễ được phổ cập, nhất là đưa vào nhà trường. Học sinh của chúng ta cần biết rõ, Nguyễn Du vĩ đại như thế nào, đã có những đóng góp thế nào cho văn học dân tộc. Đây cũng là câu hỏi nêu ra cho mỗi người yêu mến và hâm mộ Nguyễn Du, cho mỗi du khách nước ngoài khi nói về nhà văn vĩ đại của dân tộc Việt. Đấy cũng sẽ là những câu hỏi trong đề thi trung học phổ thông cần phải có sau này, chứ không thể chỉ là thi với các đề thi về tác gia hiện đại, đương đại.

Tóm tắt: Bài viết khái quát những đóng góp vĩ đại của Nguyễn Du trong sáng tác nghệ thuật, chủ yếu là nêu các thành tựu của Truyện Kiều và thơ chữ Hán của ông. Về Truyện Kiều bài viết điểm lại các giá trị nổi bật về tư tưởng và giá trị về nghệ thuật ngôn ngữ, nhấn mạnh tư tưởng nhân đạo, thương người chỉ có từ thế kỉ XVIII và Nguyễn Du đã kết tinh thành chủ nghĩa cảm thương trong Truyện Kiều. Khái quát các thành tựu về ngôn ngữ. Về thơ chữ Hán chỉ đi sâu vào Bắc hành tạp lục với những giá trị đặc săc nhất của nó, chủ yếu là tư duy phản biện, sự thức nhận văn hóa nho giáo suy đồi, lòng thương thân phận chìm nổi của cùng dân.

Từ khóa: Nguyên Du, Truyện Kiều, Bắc hành tạp lục, chủ nghĩa cảm thương, tư duy phản biện đối với văn hóa Hán.


[1] Theo lí thuyết hệ thống, ta có thể nói, Truyện Kiều như một bàn cờ còn nguyên các quan hệ, dù có mất vài con tốt, bị thay thế vài con cờ, thì bàn cờ vẫn chơi được như thường.

[2] Đao Thản. Đặc điểm ngôn ngữ Truyện Kiều. Trong sách Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, tr. 170, 171..Số liệu này hơi bị cũ, nếu có số liệu mới thì tốt hơn.

[3] Phạm Hùng Việt, Lê Xuân Thại, Lý Toàn Thắng và nhiều người khác. Từ Hán Việt, tiếp nhận vâ sáng tạo, Nxb KHXH, Hà Nội, 2018, tr. 359, 348.

[4] Phan Ngọc. Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb KHXH, Hà Nội, 1985. Trong sách này Phan Ngọc có ba chương: Câu thơ Truyện Kiều, Ngôn ngữ Truyện Kiều, Ngữ pháp của Nguyễn Du. Về mặt logic của ba chương này có nhiều điều đáng bàn. Ở đây tôi chỉ sử dụng các ý của Phan Ngọc vào quan niệm về cú pháp của tôi. Các ý kiến của Phan Ngọc đều trích ở sách này. Sau đây không chú chi tiết nữa.

[5] Trần Đình Sử. Thi pháp Truyện Kiều. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, Nxb ĐHSP Hà Nội, 2018 có bổ sung. Các ý kiến không trích dẫn cụ thể.

[6] Về số bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tổng số là 249 bài, nhưng số bài mỗi tập do nhận thức và sắp xếp mà có bài đem để ở tập này, có bài để ở tập kia cho nên có sự xô lệch. Thanh Hiên thi tập 78 bài, Nam trung tạp ngâm 40 bài, Bắc hành tạp lục 132 bài, kể cả bài Độc Tiểu Thanh kí.

[7] “Khuông trung huề hữu bút như dao” (Lạng thành đạo trung). Khuông là cái giỏ, nhiều bản dịch là tráp hay hòm, nghi là nhầm.

[8] Đó là nói từ Nguyễn Du trở về trước. Tính kĩ ra, Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) có tập Phụng sứ Yên Đài 120 bài, có một bài lục bát bằng chữ Hán 470 dòng. Sau Nguyễn Du, các ông Trịnh Hoài Đức có tập 152 bài, Nguyễn Tông Quai có tập 206 bài… Số liệu do PGS TS Nguyễn Thanh Tùng cung cấp.