Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Hội hoạ truyền thống Trung Quốc thế kỉ 20 (Phần 5 - hết)

Lang Shaojun (Lương Thiệu Quân)

Hà Vũ Trọng dịch

THỜI KÌ MỚI

Với sự kết thúc cuộc Cách mạng Văn hoá vào năm 1976, Trung Quốc bắt đầu tiến hành chính sách cải cách và mở cửa ra thế giới bên ngoài. Trong thời kì này, một số hoạ gia lão thành vốn đã chín muồi qua nhiều năm lại xuất hiện ở hàng tiên phong, trong khi một số nghệ sĩ và hoạ gia thanh niên và trung niên mới bắt đầu thay đổi tư duy cũ và lại ưu tư về những vấn đề như truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây. Giữa thập niên 1980, một nhóm hoạ gia trẻ đã khởi xướng một cuộc vận động nghệ thuật hiện đại có tầm ảnh hưởng đáng kể.

Một số hoạ gia đã tự làm cho mình nổi trội vào thời điểm khá trễ trong sự nghiệp và họ thường được ví là “những độc bình lớn mất nhiều năm để un đúc”. Ngô Xương Thạc, Tề Bạch Thạch, và Hoàng Tân Hồng đều không nổi tiếng cho đến khi vào tuổi thất thập, và điều này cũng đúng chủ yếu đối với Chu Khởi Chiêm, Lí Khổ Thiền, và Lục Nghiêm Thiếu 陆严少 (sinh 1909), một hoạ sư của những bút pháp sơn thuỷ truyền thống. Trong bức Đồn canh ở Châu Sa Trung (hình 40) Lục Nghiêm Thiếu miêu tả một khu vực dọc biên giới Quảng Đông và Quảng Tây bằng một phương thức khác thường, với những hình người nhỏ xíu ở đồn canh đặt giữa bố cục và gần như bị che khuất bởi những quả núi dốc lởm chởm và không khí ngập sương mù do hiệu quả thuỷ mặc.

40. Lục Nghiêm Thiếu, Đồn canh Châu Sa Trung, tranh cuốn dọc, mực và màu trên giấy, 1979. 109 x 68cm

Châu Dĩ Chiêm 朱屺瞻 (1892-1995), hiệu Khởi Tai, người huyện Thái Cang, tỉnh Giang Tô. Sau một thời gian ngắn năm 1917 du học Nhật Bản trở về Trung Quốc, ông dạy học tại Cao đẳng Mĩ thuật Thượng Hải, Thượng Hải Tân Hoa Cao đẳng Mĩ thuật, và Hoạ viện Thượng Hải. Thời kì đầu của ông chủ yếu quan tâm đến Tây hoạ, học vẽ tranh sơn dầu, và theo phong cách của các bậc thầy Pháp như Cézanne và Matisse. Khoảng tuổi 50, Châu vẽ thêm thuỷ mặc, nhưng chỉ trong những năm cuối đời ông mới thực sự tập trung vào Quốc Hoạ. Trong số hoạ gia bậc thầy mà ông yêu thích là Thạch Đào, Ngô Xương Thạc, và Tề Bạch Thạch, và ông cũng đặc biệt chú trọng đến lối khắc ấn và sưu tập ấn của Tề Bạch Thạch. Tinh thần và tính cách của Châu được thâu tóm bằng những lời mà Tề đã đề tặng cho Châu trên những con ấn khắc: “Điềm đạm tự thích” (điềm đạm tự vừa ý), “Trúc sư mai hữu” (lấy trúc làm thầy, mai làm bạn), “Ốc như tiểu chu” (nhà như thuyền nhỏ), “Tâm du đại hoang” (tâm lãng du nơi hoang vu bát ngát). Những câu này miêu tả cung cách sống của Châu giữa thị thành náo nhiệt, tinh thần theo bóng mây cánh hạc, không màng danh lợi, và ông trở thành hoạ gia lớn sau nhiều năm dài làm việc miệt mài.

Châu Dĩ Chiêm chuyên vừa Quốc Hoạ vừa Tây hoạ. Trong nghề nghiệp nghệ thuật lâu dài của mình, Châu vẽ sơn dầu cũng như thuỷ mặc, tuy ông không chủ ý dung hợp cả hai chất liệu này nhưng tự chúng dung hợp vào nhau. Tranh sơn dầu của Chu có hứng vị của thuỷ mặc, trong khi bút pháp sơn dầu cũng hiển hiện trong sáng tác thuỷ mặc. Những tác phẩm cuối đời của ông, bất luận sơn dầu hay thuỷ mặc, sơn thuỷ, hoa, hay nhân vật, đều được vẽ bằng một phong cách tự do phóng khoáng, lão luyện nhưng lại non nớt vụng về, thể hiện rõ rệt cá tính mạnh của ông. Bức Hoa lan trong gió thơm (hình 41) phản ánh những phẩm chất gan dạ và kiên trì. Hoa lan được diễn tả bằng bút mặc lưu loát với chút gam màu hoa nâu vàng bám chặt vào tảng đá đồ sộ treo lơ lửng. Cũng vậy, một phiến đá xám lớn ở dưới cho thấy lối vận dụng mực điêu luyện của một hoạ gia tài hoa, đầy khí lực.

Châu Dĩ Chiêm thích dùng bút thô dày, cùn hơn là bút sắc nhọn, trơn tru. Do nét bút của ông thường được vẽ bằng bút cọ cùn và mực khô cho nên chúng có những đường sọc trắng; hiếm khi chúng có những nét đầu và đuôi, ngưng và nhấn. Trong tạo hình, Châu thích vụng hơn khéo và nặng hơn nhẹ. Tranh của ông có vẻ bên ngoài thô nhám và không phức tạp. Những màu đỏ, vàng, lam, lục rực rỡ đã truyền một sức mạnh ghê gớm vào tác phẩm của ông.

41. Châu Dĩ Chiêm, Hoa lan thơm trong gió, tranh cuốn dọc, mực và màu trên giấy, 1982. 96 x 178cm. Bảo tàng Mĩ thuật Trung Quốc, Bắc Kinh

 

Lí Khổ Thiền 李苦禅 (1898-1983) nguyên tên Anh, hiệu Khổ Thiền, người huyện Cao Đường, tỉnh Sơn Đông, dòng dõi nhiều đời làm nông. Đầu thập niên 1920, ông lên Bắc Kinh để học Quốc Hoạ và Tây hoạ, trước tiên học ở Hội Nghiên cứu Hoạ pháp thuộc Đại học Bắc Kinh và sau đó tại Cao đẳng Mĩ thuật Bắc Kinh. Lí Khổ Thiền nghèo, phải làm phu xe kéo để trả học phí và tự nuôi sống, dù có khi chỉ đủ ăn một bữa nhưng nhiệt tâm đối với hội hoạ của Lí vẫn duy trì mạnh mẽ. Vào những năm đó, ông bái Tề Bạch Thạch làm thầy, chuyên tâm học vẽ tả ý hoa điểu. Những chủ đề yêu thích của ông là mãnh cầm, hoa sen, tùng thạch, đặc trưng bằng bút lực gây ấn tượng sâu sắc, khí thế sung túc. Lí Khổ Thiền đạt được thanh danh lớn vào lúc tuổi già.

Bức Chim ưng (hình 42) vẽ vào mùa thu 1979, mô tả một con hùng ưng đang đậu trên tảng sơn thạch, sửa soạn bay vào bầu trời. Lông cánh dùng bút pháp bát mặc phối hợp với một vài nét cong nhạt, trong khi mỏ, móng vuốt, mắt được vẽ bằng đường nét đậm mạnh. Cách tạo hình và bút thế theo hình vuông, cho thấy tính hung hãn và sức mạnh của chim ưng. Khi vẽ chim ưng, thầy của Lí Khổ Thiền là Tề Bạch Thạch chú trọng đến bút pháp diễn đạt cả hai, vừa giống hình thể vừa tinh thần; còn Lí Khổ Thiền vẽ chim ưng coi trọng mặc pháp, đòi hỏi khí chất tình tự thay vì giống hình dạng. Như hoạ gia Vương Sâm Nhiên từng nói: “xem tranh của Lí, người ta cảm thấy như mình đang nếm vị quả trám, rồi súc miệng bằng nước suối lạnh, chống gươm lên núi tuyết, hoặc phi ngựa trên thảo nguyên mênh mông”.

42. Lí Khổ Thiền, Chim ưng, tranh cuốn dọc, mực trên giấy, 1979. 65 x 44cm. Bảo tàng Mĩ thuật Trung Quốc, Bắc Kinh

Trương Đại Thiên 张大千 (1899-1983), tên Ái, hiệu Đại Thiên [lấy câu “đại thiên thế giới” trong kinh Phật, tức một ngàn cõi đại vũ trụ], người huyện Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên. Lúc trẻ, cùng với anh qua Nhật Bản học nghề nhuộm và dệt. Sau khi trở về Trung Quốc, bắt đầu học thư hoạ từ những thư pháp gia trứ danh là Lí Thuỵ Thanh và Tăng Hi. Sau khi đạt được kinh nghiệm, Trương bắt đầu mô phỏng nhiều danh tác cổ đại, và ông nổi tiếng với phong cách này trong thập niên 1930. Đầu những năm 1940, ông dẫn đệ tử đến hang động Đôn Hoàng để sao chép lại những bích hoạ Phật giáo và nghiên cứu nguồn gốc của chúng. Sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, ông di cư hải ngoại, sống ở Argentina, Brazil (lập sơn trang mênh mông, có muôi cọp beo) và Hoa Kì, cuối cùng định cư ở Đài Bắc.

Trương Đại Thiên được công nhận là người mô phỏng nghệ thuật cổ đại xuất sắc và kiệt xuất nhất. Theo hoạ gia Tạ Trĩ Liễu nói. “Ngoại trừ phái Tứ Vương, ông có thể mô phỏng bất cứ hoạ phái nào tới độ người ta không thể nhận ra thật giả”. Trương cũng đặc sắc trong nhiều lĩnh vực, ông làm thơ, vẽ nhân vật, sơn thuỷ, hoa điểu, vừa theo bút pháp công bút vừa tả ý. Tuy nhiên, vào tuổi 70, ông khởi sáng một bút pháp dựa trên truyền thống bát mặc (vảy mực) và kĩ pháp tự động của trường phái Trừu tượng Biểu hiện (Abstract Expressionism) trên bề mặt lớn rộng. Tác phẩm của Trương dùng phương pháp vảy mực và vảy màu thành những khoảng lớn không có hình tượng cụ thể, chỉ là những mảng màu. Thế nhưng do bảo tồn một bộ phận hình tượng vẽ nét cho nên trừu tượng được hoán chuyển thành cụ tượng. Trong mắt liên tưởng của người xem, những mảng vảy màu mang hình dạng của núi rừng xanh biếc, hay nham bích, khí mây, sương mù, v.v… Đây là một bước đột phá đối với truyền thống Quốc Hoạ. Nó cũng thay đổi hình ảnh về Trương Đại Thiên: từ một người mô phỏng điêu luyện cổ hoạ giờ được xem như người sáng tạo ra một phong cách hiện đại cho Quốc Hoạ.

Kiệt tác dang dở cuối cùng của Trương Đại Thiên Toàn cảnh Lư Sơn (hình 43), được vẽ ba năm trước khi ông qua đời. Ông đã đi nhiều nơi, đã xem nhiều thắng cảnh núi sông, nhưng chưa hề thấy Lư Sơn (“Lư Sơn chân diện mục” tức cảnh giới giác ngộ) ở Giang Tây. Do rời lục địa đến Đài Bắc sau cuộc cách mạng, nên ông không thể trở về quê nhà mà ông hằng nhớ nhung. Bức tranh là sự kết tinh nỗi nhớ và vẻ đẹp kì vĩ của quê hương. Nhưng nó không mô tả cụ thể về Lư Sơn: trên một bố cục rất lớn, 2m x 10m, ông đã sử dụng đa dạng các bút pháp, những nét thuân sắc độ kết cấu khác nhau, cùng những lối điểm và tô, vảy mực và vảy màu khác nhau. Điều này đã sinh ra một hiệu quả độc đáo biểu hiện một phong cách tuyệt vời nhất trong nhiều phong cách của Trương Đại Thiên.

43. Trương Đại Thiên, Toàn cảnh Lư Sơn, 2m x 10m, 1979, Bảo tàng Cố cung, Đài Bắc

Ngô Quán Trung 呉冠中 (1919-) người huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Cao đẳng Mĩ thuật Bắc Kinh năm 1942. Sau khi Thế Chiến Hai kết thúc, ông sang Pháp học nghệ thuật hiện đại từ 1946-50, và khi trở về Trung Quốc, ông dạy tại Học viện Mĩ thuật Trung ương, Đại học Thanh Hoa, Học viện Mĩ thuật Công nghệ Trung ương. Tại Pháp, ông đã tiếp thu giáo dục nghệ thuật hiện đại, thế nhưng từ thập niên 1950 đến hết thập niên 1970 do khí hậu văn hoá đang chế ngự, nên quan điểm và tư tưởng hiện đại của ông nghịch hướng và không có cơ hội thể hiện. Sau Cách mạng Văn hoá, Ngô Quán Trung đi đầu đề xướng những quan niệm gây tranh cãi như “hình thức quyết định nội dung”, “cái đẹp trừu tượng”, đã gây chấn động lớn đối với giới mĩ thuật Trung Quốc. Trước thập niên 1970, Ngô chỉ vẽ tranh sơn dầu, sau đó, ông đã dùng thuỷ mặc vẽ phong cảnh, và thỉnh thoảng vẽ hoa và động vật. Với tư cách là học trò của Lâm Phong Miên, ông kế thừa chủ trương kết hợp nghệ thuật hiện đại phương Tây vào trong nghệ thuật Trung Quốc. Tranh sơn dầu của ông vẽ bằng bút pháp tế nhị, đơn thuần và sắc điệu thống nhất, biểu hiện cảm xúc phong phú.

Bức Hoàng Hà (hình 44) vẽ năm 1993, miêu tả dòng thác chảy của Hoàng Hà. Trong tranh, Ngô Quán Trung không đi theo ước lệ miêu tả những lớp sóng cuồn cuộn, mà nhấn mạnh và cường điệu sắc vàng của dòng sông. Màu vàng trông như đất nhưng lại như gấm. Nếu không có vài nét sóng lấp loáng và hai tảng đá đối diện nhau ở góc dưới, người ta sẽ khó hình dung đây là dòng sông đã từng được một thi nhân miêu tả dâng trào, gầm thét như thác lũ, như đã được hình dung là “Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai” (Nước Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống – thơ Lí Bạch). Nhưng trong Hoàng Hà, Ngô lại tìm kiếm sự thâm trầm trong sự bình tịnh và thuần khiết gần với tính hàm súc trong thuỷ mặc.

44. Ngô Quán Trung, Hoàng Hà, sơn dầu trên bố, 1993. 61 x 80cm. Sưu tập tư nhân

Phần lớn tranh phong cảnh thuỷ mặc của Ngô Quán Trung là những tiểu cảnh của vùng Giang Nam, những tường nhà trắng với ngói đen, liễu xanh hoa đỏ, những hình ảnh này làm nhớ những dòng thơ như “Tam thu quế tử, thập lí hà hoa” (Quế thơm ngát ba thu, sen nở khắp mười dặm) và “Thuỷ thôn ngư thị, nhất lũ cô yên” (Chợ cá xóm chài, một làn khói lẻ). Trong bức Cây đa (hình 45), vẽ năm 1992, Ngô miêu tả một loại cây nhiệt đới to lớn thường thấy trong phong cảnh phương nam. Ngoài kích thước to lớn, hình thể cây đa với rễ xoắn, cành xù xì, tàng lá xum xuê, là đề tài yêu thích của hội hoạ. Nhưng dưới ngọn bút của Ngô Quán Trung, những cành đa biến thành một kết cấu gần như trừu tượng. Tuy hình thể chung của đại thụ này có thể nhận ra nhưng khó có thể nói là cây gì. Những đường nét mực dày, mỏng nhảy múa giao thoa, những cái bóng trừu tượng và cụ tượng được vẽ bằng sắc mực đậm nhạt, và những chấm màu rảy lác đác đỏ, lục, vàng, tím, tạo nên một tiết tấu, vận luật và thi ý. Đây là điều mà Ngô gọi là “vẻ đẹp trừu tượng” – cái đẹp của hình thức. Mặc dù ông sử dụng chất liệu và công cụ truyền thống Trung Quốc, nhưng quan niệm, kĩ thuật, và kết cấu lại thuần hiện đại.

45. Ngô Quán Trung, Cây đa, tranh cuốn ngang, mực và màu trên giấy, 1992. 68 x 138cm

Ngô Quán Trung cũng giũ bỏ truyền thống đem thư pháp vào hội hoạ. Ông chủ trương hội hoạ nên được thực hiện bằng hội hoạ chứ không phải thư pháp. Ông đặt nặng vào sự liên kết giữa một nghệ phẩm hoàn tất với những thị hiếu thẩm mĩ của khán quan đương đại, ông giải thích “đừng cắt sợi dây lìa con diều” [từ ý tưởng của André Gide: “Đừng tưởng cắt dây thì cánh diều được tự do; cánh diều tự do chính là nhờ có sợi dây điều khiển”]. Với những suy tưởng như thế, họ Ngô nỗ lực làm cho tác phẩm nghệ thuật của ông lôi cuốn và được cảm nhận không chỉ người Trung Quốc mà cả người ngoại quốc vốn thấy hội hoạ bút mặc của Trung Quốc khó cảm thụ. Vì lí do này, nghệ thuật của Ngô Quán Trung đã được đón nhận, vừa được ca ngợi và phê bình trong giới nghệ thuật đương đại Trung Quốc.

Một số tác phẩm của Ngô Quán Trung

Việc hoà lẫn truyền thống Trung Quốc và tư tưởng hiện đại phương Tây, quả thực đã trở thành một trong những đặc trưng chính của hội hoạ Trung Quốc đương đại. Nghệ thuật phương Tây tiếp tục ảnh hưởng và khởi hứng cho những hoạ gia Trung Quốc, họ đáp ứng bằng cách chọn lọc những gì từ nghệ thuật phương Tây được cho là “tốt đẹp nhất” căn cứ theo những đề tài, bút pháp, và kĩ thuật mà không phải hoàn toàn quy phục theo tác động của nó. Trong những tác phẩm ngoạn mục chuyên chở cảm xúc, kí ức, và những biến cố quá khứ và hiện hành, thì những hoạ gia Trung Quốc tìm cách giải quyết trương độ (tension) giữa Đông và Tây, bản xứ và nước ngoài, trong những tác phẩm biểu hiện tính sáng tạo cao, độc đáo, và tự do, từ đó đóng góp một chương mới vào trong lịch sử hội hoạ Trung Quốc.

Ở tâm điểm cuộc vận động này, tuy nhiên, là truyền thống nghệ thuật Trung Quốc cổ xưa, phong phú và đa dạng. Những hoạ gia hiện đại Trung Quốc mạnh mẽ khẳng định lại những giá trị văn hoá truyền thống và nghệ thuật, đem lại sinh khí và tái tạo quá khứ bằng những cách ngoạn mục và đầy cá tính. Để đem lại đời sống mới cho những lối thực hành cổ, họ vẽ những bức phong cảnh đã được gạn lọc, diễn giải lại, và biểu đạt tự do, và chúng phản hồi lại từ xa những cách thức của giới văn nhân, chuyên nghiệp, và địa phương; những sáng tác hoa điểu gợi nhớ tới những nghệ nhân chuyên nghiệp và nghệ nhân thủ công địa phương; còn những bức nhân vật hoạ và tả chân là những viễn kiến triển vọng cho một phong cách Trung Quốc mới.

Điều thiết yếu đối với cái mới này, chính là truyền thống hội hoạ dồi dào vốn quen thuộc, là sự tin cậy vào những truyền thống hội hoạ quá khứ, kho dự trữ những phong cách và hoạ pháp được trân trọng lâu đời, cùng những kiệt tác xưa quen thuộc. Những đóng góp chính vẫn đến từ những truyền thống thịnh hành của vùng miền và giới chuyên nghiệp địa phương. Hơn nữa, nhiều hoạ gia người Hoa khắp toàn cầu đã bắt đầu tự thể hiện về mặt nghệ thuật, họ đang bổ sung một kho ngữ vựng mới vào trong những phong cách và môtíp hội hoạ Trung Quốc. Giờ đây, trong bối cảnh quốc tế, Trung Quốc đang tái xuất hiện với tư cách là một trong những nền văn hoá lớn nhất thế giới, qua truyền thống hội hoạ hiện đại, mới mẻ, hứa hẹn, vừa mang cảm xúc đương đại vừa thu hút và mang tính toàn cầu nhưng vẫn giàu tính truyền thống, thâm trầm, và đặc thù.

________

Nguyên văn: Three Thousand Years of Chinese Painting (Ba ngàn năm hội hoạ Trung Quốc). Các tác giả: Richard M. Barnhart, James Cahill, Wu Hung, Yang Xin, Nie Chongzheng, Lang Shaojun. Yale University Press, New Haven & London 1997; dịch trọn phần cuối, từ trang 299–354.