Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Thảo mai trên dốc gió (kỳ 1)

Truyện Nguyễn Viện

Bước vào cơn mưa đầu mùa nhưng tầm tã bất chợt, tôi để cho nước từ máng xối dội thẳng xuống người. Trút bỏ mọi nỗi e ngại bệnh tật và những thứ vớ vẩn khác. Tôi suồng sã với đất trời và vui thú như trẻ con. Như thể lần đầu tắm mưa. Như thể lần đầu cởi truồng. Tôi muốn tìm một thứ cảm giác “không phải thường ngày”. Một việc nhỏ nhoi nhưng bỗng trở nên ngông cuồng với thể trạng của một lão già hơn bảy mươi xập xệ như tôi. Có thể tôi sẽ bị cảm lạnh hay trúng gió viêm phổi này nọ, thậm chí trụy tim và chết bất ngờ lãng nhách.

Biết thế nhưng tôi vẫn liều. Cũng chỉ để vui. Đi tìmcảm giác cho sự sống cũng thú vị như cảm giác cho sự chết.

Có điều gì đó rất khác khi cởi truồng giữa mênh mông. Lồng lộng và nhỏ bé. Tôi muốn tan vào mênh mông nhưng cái giới hạn khác biệt giữa tôi và thế giới cho dẫu trong suốt cũng không thể vượt qua.

Tắm mưa là cách tôi tưởng thưởng cho sự sống còn của mình sau một mùa nóng như trong chảo rang. Tắm mưa, tôi còn tìm thấy niềm thống khoái của kẻ bất chấp.

Tôi hò hét và múa may. Nhưng chẳng bao lâu, sân nhà ngập nước, ngoài đường ngập nước. Nước trên trời và nước dưới cống rãnh chui lên cùng với rác rưởi lềnh bềnh. Hoài niệm và dự phóng của tôi về một cõi miền thơ ngây biến mất. Dưới chân tôi, mặt đất hôi thối.

Sau cơn mưa, trời lại nóng như vẫn nóng.

Cơn nóng ngoài trời và cơn sốt trong tôi hầm tôi ra bã. Tôi uống thuốc cảm và tự nấu một nồi nước xông bằng thứ tinh dầu hỗn hợp theo truyền thống dân gian.

Trùm mền kín người, tôi như sống trong lòng “dân tộc”, mùi khuynh diệp. Và mùi dân tộc thấm vào từng lỗ chân lông. Tôi nhớ đến bà ngoại, nhớ mẹ. Tôi há miệng cho hơi nóng từ nồi nước xộc thẳng vào cổ họng. Mùi của bà ngoại, mùi của mẹ. Thằng bé con muốn đi theo bà ngoại, đi theo mẹ.

Sau khi tắm lại bằng nước ấm, tôi lên giường nằm. Cơn sốt vẫn hầm tôi. Mệt đuối. Liệu tôi có thể chết hay sẽ chết như thế nào? Tôi không biết. Nhưng ngay lúc này tôi cần ăn cháo.

Bụng cồn cào trống rỗng. Tôi cố gắng ngồi dậy định vào bếp nấu ăn, nhưng mặt mày xây xẩm đi không nổi. Tôi lại nằm vật xuống.

Thiếp đi trong cơn sốt không biết bao lâu, khi tôi tỉnh lại, đầu nặng và choáng váng.

Bà tôi chết rồi. Mẹ tôi chết rồi. Tất cả mọi người trong gia đình tôi đều chết hết rồi. Nhưng tôi chưa muốn chết. Tôi gọi mụ bạn già hàng xóm, Thúy Kiều của tôi về hưu khinh bạc tột cùng và đáng yêu vô bờ bến. Bà vẫn làm phước cho thập loại chúng sinh như mua giùm một món đồ, nấu giúp một bữa ăn, công đức không tính toán. Bà cũng không tiếc thân mình cống hiến cho cách mạng toàn cầu giải khuây nỗi buồn của con chim hiu hắt trong quần tôi. Vì thế, tôi kính yêu bà và vẫn gọi bà một cách trìu mến là “bà mẹ dân tộc vĩ đại”.

Thấy tôi nằm im trên giường, bà mẹ dân tộc sờ trán tôi, nói:

“Ông bị sốt nặng rồi”.

Tôi nói đã uống thuốc, xông hơi rồi và muốn ăn cháo.

Bà lục trong tủ lạnh một lúc rồi bảo:

“Chán mấy thằng cha đàn ông thật. Chịu khó nằm chờ tôi chút”.

Nói xong, bà vội bước ra khỏi nhà.

Tôi nằm lơ mơ. Hình ảnh bà mẹ dân tộc vĩ đại luẩn quẩn trong đầu tôi. Tôi thật sự  không biết gì về bà, ngoài việc ngày xưa từng làm gái như bà đã thú nhận với tôi. Điều ấy không làm hoen ố cuộc đời bà như bà vẫn đang sống một cách bồ tát.

Tôi chỉ có thể mường tượng về bà như một nhân vật tiểu thuyết.

Cô gái ấy được mẹ bồng bế từ làng quê tan nát vì bom đạn chạy vào thành phố. Cha vô danh trong giấy khai sinh. Có thể mẹ cô chửa hoang, cũng có thể cha cô đi làm cách mạng hay du kích, giải phóng gì đó. Cô không có cha như một phủ định.Và tôi muốn nghĩ về cô như một đứa con của sự tình cờ.

Mẹ cô và cô cũng như những người chạy loạn khác từ vùng quê vào thành phố, sống chui rúc trong mọi hang cùng ngõ hẻm như một bầy chuột.

Khi những người lính Mỹ xuất hiện ở miền Nam, họ được cứu rỗi. Công ăn việc làm dễ dàng và thu nhập ngất ngưởng. Cùng với đô la, văn hóa Mỹ và sự bất trắc của chiến tranh đã làm thay đổi xã hội. Con người trở nên vội vã, phóng khoáng và cần hưởng thụ hơn. 

Ngày ấy, cô còn bé tí. Mẹ cô đi bán bar. Phép màu của cuộc sống đã gột rửa mẹ cô từ một phụ nữ lam lũ quê mùa trở nên lộng lẫy và điệu nghệ phô trương nhục cảm. Bản thân cô cũng không kém phần sung sướng. Bơ sữa, chocolate và những trái táo thơm, những chùm nho chín mọng, những trái cam ngọt lịm như từ trên trời rơi xuống. Cô được đến trường và thỏa thuê với những con búp bê xinh đẹp dù mẹ con cô vẫn còn phải ở trọ.

Nhưng tuổi thơ cô cũng chỉ đượcchắp vá bởi những đổi thay của thời thế và cuộc mưu sinh thất thường của mẹ. Cô sống lẫn lộn giữa nghèo hèn của ruộng đồng và sự phồn hoa mong manh của thành phố.

Cô chưa bao giờ nhìn thấy một người đàn ông nào cạnh mẹ, kể cả cha cô. Chẳng bao giờ cô thắc mắc về điều ấy. Quanh cô chỉ toàn đàn bà. Bạn mẹ và bà Hai ở chung nhà, bà ngoại của bạn cô mà cô cũng coi như ngoại của mình. Và đấy là gia đình, quê hương, tổ quốc của cô, những phụ nữ khốn khổ và tăm tối. Dưới mái nhà thuê mướn ấy, cả dân tộc cô say xỉn và chửi thề vung tí mịt.

Gần như đêm nào về nhà mẹ cô cũng say. Cô ngủ với mùi rượu trên người mẹ. Và cô lớn lên trong mùi rượu.

Thành phố không chỉ toàn mùi rượu, mà còn đầy mùi lựu đạn cay. Những cuộc xuống đường, biểu tình liên miên. Lựu đạn cay làm cho cuộc sống khó chịu. Người ta bảo những người biểu tình là Việt cộng. Cô ghét Việt cộng, nhưng mẹ cô bảo đó là những người yêu nước. Cô vẫn ghét Việt cộng. Mãi sau này, khi ba cô trở về từ cõi chết, cô mới biết Việt cộng cũng là dân tộc. Và dân tộc là vinh quang.

Nhưng cha cô đã không trở về một mình. Ông mang theo một người đàn bà khác. Cô chẳng bao giờ có dịp sống với cha. Việc duy nhất có ý nghĩa ông đã làm cho cô là thay lại giấy khai sinh để cô có một người cha. Lý lịch của cô nhờ đó được ghi là gia đình cách mạng.

Cho dù thế, cuộc sống của hai mẹ con cô cũng không có gì thay đổi.

Khi mẹ cô bị bắt vào trường phục hồi nhân phẩm, cha cô đã bảo lãnh cho mẹ cô về. Cách mạng khoan hồng.

Những khó khăn của cuộc sống sau ngày chấm dứt chiến tranh càng trở nên khốn khó. Cô cũng không hiểu bằng cách nào mẹ cô vẫn nuôi được cô.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô nghỉ học. Và không biết làm gì.

Một hôm mẹ cô bảo:

“Má cần tiền để sang quán. Con giúp má”.

Không chờ cô hỏi, mẹ cô nói tiếp:

“Má muốn con bán trinh. Chỉ có cách ấy má con mình mới mong khá được”.

Thúy Kiều bán mình chuộc cha. Cô bán trinh để giúp mẹ có vốn làm ăn. Cũng là báo hiếu thôi. Cô không nói gì, chỉ gật đầu.

Ngày cuối tuần, hai mẹ con cô đi Vũng Tàu. Nhưng không tắm biển, họ vào thẳng khách sạn và cô được giao cho một người đàn ông.

Một gã trung niên xì thẩu. Không đau đớn gì lắm như mẹ cô đã dặn dò. Vừa lạ lẫm thích thú vừa ghê sợ. Cô để mặc hắn muốn làm gì thì làm. Cũng chỉ là máu từ cái kỵ húy cô chảy ra, nhưng máu kinh thì ô uế xui xẻo, máu trinh lại thiêng liêng phúc lộc. Người đàn ông trịnh trọng gấp tấm khăn có máu của cô và bỏ vào túi xách. Một đêm trắng. Từ đó, gần như không bao giờ cô nhắm mắt.

Một tuần lễ sau, mẹ cô nói:

“Con đi làm với má”.

Đứa con ngoan của dân tộc vĩ đại vâng lời mẹ, không thắc mắc.

Đó là một quán bia ôm bình dân do mẹ cô vừa mới sang lại của người bạn. Cô phụ mẹ nấu nướng, bưng bê và cùng ngồi tiếp khách với mẹ. Tự nhiên như mùi rượu bia mà cô vẫn hít thở từ thơ ấu. Và cô đi khách khi có yêu cầu.

Đôi khi cô cũng khó chịu vì đám đàn ông hôi hám, xử dụng đồng tiền của mình một cách bần tiện. Tuy nhiên, điều ấy với cô không quá quan trọng.Miễn có tiền, cô bất chấp.

Trong sâu thẳm, cô khinh bỉ đàn ông. Mặc dù, đàn ông vẫn là niềm vui của cô.

Bà mẹ dân tộc đem cho tôi tô cháo gà với rất nhiều hành. Bà bảo ăn ngay đi cho nóng. Tôi như đứa trẻ ngoan ngoãn ngồi dậy ăn. Mồ hôi toát ra đầm đìa. Bà lấy khăn cho tôi lau mặt, rồi cầm tô đi rửa. Sống một mình tự do tuy thoải mái nhưng cũng tiềm ẩn những khốn cùng. Có thể một ngày nào đó tôi chết thối trong nhà không ai biết. Thật ra, chết tôi không sợ. Nhưng tôi cũng ớn lạnh sự đau đớn và lo ngại những lúc không tự phục vụ được cho mình. Có lẽ bà cũng như tôi, sự đơn độc giống như một ngọn tháp, lừng lững và bất trắc. Và chúng tôi cần nhau nhưng không thể thuộc về nhau. Tự do trên hết và bất khả nhân nhượng.

Bà hỏi:

“Đỡ chưa?”.

Tôi gật đầu. Nhưng bà không nhìn thấy, vặn lại:

“Tôi hỏi sao không nói?!”.

Tôi bảo:

“Cũng đỡ. Bà có thể về được rồi. Cám ơn”.

Bà hỏi lại:

“Chắc không?”.

Tôi gượng cười:

“Cùng lắm là chết thôi”.

Bà bảo:

“Không được nói thế”.

Tôi ngồi lắng nghe trong cơ thể. Rất mệt nhưng không rõ một điều gì, ngoài cảm nhận về một trái tim mong manh, nhịp đập và hơi thở hiu hắt.

Hết ngồi rồi lại nằm. Tôi vẫn nghe tôi. Sự sống và cái chết cùng hiện hữu. Cùng lúc tôi mất đi và cùng lúc tôi phục sinh. Điêu tàn và phong nhiêu. Tuổi già không phải là kết thúc.

Tôi nhớ bà. Hồi tưởng những đêm bà ngủ lại, lòng tôi vui. Ân sủng của từ tâm mặt đất. Bà không cuồng nhiệt nhưng đằm thắm đủ để không phí những ngày dài tưởng như thừa thãi của tôi. Và tôi nhận ra, sự tận hưởng cuộc sống là không lệ thuộc vào bất cứ điều gì. Nhận lãnh tất cả và từ bỏ tất cả.

Tôi lại lên cơn sốt.

Người đàn ông của cô gái là một người làm thơ. Vì làm thơ, anh ta không có tiền nhưng thừa hào sảng. Người đưa anh đến với cô là khách hàng thân thiết của mẹ cô, một người vô danh nhưng thích chơi với những người có danh. Ông này lắm tiền nhiều của. Ổng bảo anh thi sĩ:

“Bạn cứ thoải mái”.

Anh thi sĩ tất nhiên vô tư thoải mái như cô đã là người yêu của anh từ muôn kiếp, một cách sành điệu. Chưa kịp uống gì, anh đã ôm lấy cô và nói:

“Em như một bài thơ”.

Cô bảo:

“Anh đọc thơ cho em nghe đi. Em thích thơ lắm”.

Anh nói:

“Rượu vào thì thơ mới ra được”.

Thế là cụng ly. Hết một thùng bia cũng là lúc nàng thơ bị bóc hết vỏ. Cô trở thành mồi của thơ. Và thơ hùng hổ đâm vào hángcô. Chết đi sống lại.

Cô bảo, thơ quả có khác. Vừa được tôn thờ như vật linh, vừa bị dập vùi trong thú tính man rợ của kẻ cuồng dâm, cô mê đắm hiến dâng không điều kiện cho thi sĩ chơi chùa. Những buổi ăn nhậu tụ bạ với bạn bè văn nghệ của chàng cũng do cô trả tiền. Cô trở thành nhà tài trợ của thơ, góp phần tạo nên một cuồng quốc thơ ngạo nghễ cho dân tộc Việt.

Và cô coi đó là một mối tình.

Mối tình ấy kéo dài được mấy tháng. Khi tình cờ phát hiện thi sĩ lén ôm mẹ cô, cô rút giày đập vào mặt hắn.

“Đồ khốn”.

Thi sĩ chỉ lấy tay xoa mặt coi như không có chuyện gì. Chàng lạnh lùng bảo:

“Cứ làm như cô là người chung tình, chung thủy lắm vậy”.

Cô gào lên:

“Đúng rồi, tôi làm đĩ để nuôi anh đó. Anh có biết nhục không?”.

Thế là thi sĩ cuốn xéo.

Cô buồn nghỉ làm, bỏ nhà lang thang hơn tuần lễ mới về. Cô cũng không thật sự biết khi nào cô là đĩ, khi nào cô là người tình. Xúc cảm vốn hồn nhiên và là sự chân thành tối hậu của con người.

Mẹ cô bình thản nói:

“Tất cả mọi đàn ông đến đây đều là khách của chúng ta”.

Cô không nói gì. Cuộc sống trở lại bình thường. Thật ra, cô và mẹ cô xưa nay, vẫn đôi khi cùng phục vụ chung một vị khách.

Tôi nằm dán xuống giường, hơi thở nặng nhọc. Chết đi, có phải là điều tốt lành không? Điều gì làm chúng ta sợ hãi? Tôi không muốn níu kéo điều gì. Một kết thúc tất yếu, nhưng không phải lúc này. Chúng ta bao giờ cũngtìm cách triển hạn cho cái chết, mặc dù chẳng để làm gì.

Dường như dòng máu trong đầu tôi mắc kẹt đâu đó. Tôi đã uống thêm một viên Aspirin 81mg, ngoài một viên mỗi buổi sáng. Tôi lấy tay xoa đầu. Và vẫn rất bình tĩnh, tôi không nghĩ mình sắp chết, mặc dù tôi biết cái chết thật dễ dàng. Tôi không biết nếu sẽ chết thật, tôi có sẵn sàng và bình thản đón nhận được không.

Bà mẹ dân tộc quay trở lại. Tôi vẫn nằm im. Bà sờ trán tôi, rồi nằm xuống bên cạnh. Bà ôm tôi như đứa con bé bỏng.

“Không được bỏ em”.

Tôi thiếp đi.

Giữa khuya tôi tỉnh lại. Thế giới yên ắng. Gió tràn qua cửa sổ dịu dàng. Tôi vẫn nằm trong lòng bà mẹ dân tộc. Mùi dân tộc nồng đượm rơm rạ. Mùi quê hương bốc cháy khen khét. Tôi ngồi dậy uống cạn ly nước. Rồi đi đái. Làm vài động tác hít thở sâu, tôi biết mình chưa thể chết.

Tôi nằm xuống đêm xanh ngắt và vùi mặt vào giữa cặp vú mềm nhão của bà. Ngủ tiếp.

Cô gái của dân tộc càng ngày càng hấp dẫn hơn. Không chỉ mông vú nẩy nở khiêu khích, sự khéo léo duyên dáng của cô bất khả tư nghị, bất khả chối từ. Nhà hàng của mẹ cô càng ngày càng đông khách. Các tiếp viên trẻ trung xinh đẹp ríu rít trong nhà hàng ngày càng nhiều. Cô phụ mẹ làm quản lý. Mẹ cô được tôn kính gọi là Má Hai. Cô cũng lên chức được gọi một cách thân yêu là Chị Hai. Chị Hai cũng trở nên kiêu kỳ hơn. Đặc biệt lắm, Chị Hai mới đích thân tiếp khách. Đó là các quan chức địa phương, hoặc các tay chơi mới nổi. Tất nhiên tiền bo dành cho cô phải khác. Nghề nào cũng có đẳng cấp.

Thỉnh thoảng cô được mời đi chơi xa. Cô được chiều chuộng. Và cô tận hưởng cuộc sống của mình. Thân xác cô mở toang và tâm hồn cô đón nhận không chỉ cuộc đời mà tất cả trời đất, ngọt ngào và bao la. Đĩ, một cách sâu thẳm.

Đàn ông với cô chỉ có nghĩa là giống đực. Cô ban phát như một người mẹ và cô đòi hỏi như một đứa con. Cô ngồi lên mặt cuộc đời. Cô đùa giỡn và cô kính cẩn. Tình yêu của cô không dành riêng cho một ai. Cô tràn trề hạnh phúc. Đĩ, một cách phơi phới.

Có một ông quan muốn độc quyền cô. Nhưng cô chỉ cười:

“Em là đĩ”.

Ông quan bảo:

“Em muốn gì cũng được”.

Cô lại cười:

“Anh có thể là của riêng em không?”.

Thế là hết. Nhưng đời có nhiều quan và nhiều đại gia lắm. Cô tung tẩy thanh xuân khắp mặt đất.

Gã người Hoa dẫn cô đi dọc bờ biển bảo:

“Cả đất nước này sẽ thuộc về em”.

Cô cười:

“Nhiều quá. Em chỉ muốn mấy thước vuông ở Thiên An Môn thôi”.

Gã người Hoa tát cô. Tuy đau, nhưng cô vẫn cười sằng sặc. Gã lôi cô xuống biển và dí đầu cô xuống nước. Cô cắn vào chân gã. Gã bế cô lên, quăng xuống đất. Chưa thôi, gã xông tới và đè cô xuống bú và hiếp.

Không ít lần cô bị hiếp.

Cầm roi ngựa như một lãnh chúa, gã người Ả Rập bắt cô chổng mông bò trên cát nóng giữa sa mạc. Gã quất vào người cô khi cô chần chừ. Mặc cho cô gào thét, gã hành hạ cô như thú vật. Đến khi cô gần như hoàn toàn ngã gục vì nóng và đau, gã mới bế cô vào xe hơi và hiếp, trong lúc tài xế cho xe chạy.

Xong việc, gã hỏi cô:

“Một trải nghiệm thú vị chứ?”.

Cô chửi thề:

“Thú vị cái con mẹ anh”.

Gã cười khoái trá:

“Còn nhiều trò hấp dẫn nữa. Nếu em muốn có nhiều tiền”.

Cô bảo:

“Tôi đéo cần tiền của anh”.

Tuy nói thế, cô vẫn tiếp tục đi chơi với hắn qua mọi miền hư ảo của xứ dầu hỏa Arab Saudi.

Khi thả cô về lại Việt Nam, hắn bảo:

“Việt Nam, điểm đến của những giấc mộng hoang đường”. Và hắn cám ơn cô. “Tôi sẽ tìm lại em bên đó”.

Về đến nhà, cô cho người đánh thằng ma cô dẫn mối một trận trước khi cho hắn thêm ít tiền. Cô bảo:

“Đề huề nhé.”

Mắc tiểu, tôi dậy đi đái. Bà mẹ dân tộc cũng cựa mình, thức. Bà hỏi:

“Anh khỏe hơn không?”.

Tôi đáp:

“Cũng đỡ”.

Bà ôm tôi, một tay mân mê thằng nhóc.

Quả thật, thế giới hoang đường. Tôi không biết giữa sống và chết là cái gì. Tôi lơ mơ ngủ. Lơ mơ một hiện hữu giữa hai đùi. Nếu tôi chết đi, ngay lúc này, có phải là hạnh phúc không? Tôi không chắc. Không có điều gì thuộc về tôi.

Mẹ cô chết giữa cơn say.

Dù cũng đã lăn lộn nhiều, nhưng cô vẫn bị hụt hẫng. Cái chết của mẹ dẫn đến cái chết của nhà hàng, cô không đủ khôn khéo để giữ nó. Cũng có thể, cô không coi nó là quan trọng.

Ngày xưa mẹ cô sang cái nhà hàng bằng trinh tiết của cô. Bây giờ, cô dẹp nhà hàng bởi sự tự do của cô. Cô không coi nó là gia sản, dù nó là một dấu vết khó quên.

Cô lấy một người chồng Hàn Quốc. Không như những cô gái của dân tộc cô lấy chồng ngoại để cứu vớt kinh tế cho gia đình và bản thân, cô đã từng coi phim của Kim Ki Duk, sự bạo liệt hấp dẫn cô.

Xứ Hàn vừa cổ kính vừa hiện đại. Trời chiều lòng cô, cho cô một người chồng cục cằn, hung bạo. Không khác thường như những nhân vật của Kim Ki Duk, nhưng phong kiến và kỳ thị. Đấy là điều cô không mường tượng được. Người chồng buộc cô phải phục tùng như con ở. Tất nhiên cô phải bị đánh vì sự trái tính trái nết của cô. Đây mới thật sự là một trải nghiệm đáng giá của cô, cô không phải được sinh ra để làm vợ.

Chịu đựng hơn nửa năm, cô bỏ về.

Đàn ông của dân tộc cô tuy có hèn, nhưng ngoan nhất thế giới. Ta về ta tắm ao ta, cô nhủ mình như vậy.

Ông quan huyện tuổi trẻ đẹp trai con nhà truyền thống cách mạng nói với cô:

“Em về làm trợ lý cho anh nhé”.

Cô bảo:

“Em đâu biết làm gì”.

Quan huyện nói:

“Em phụ trách cái mảng tiếp tân, tiếp khách cho anh”.

Cô hỏi lại:

“Được không?”.

Quan huyện phán:

“Được quá chứ. Chuyên môn của em mà”.

Hắn mua cho cô cái bằng đại học giả, ngành kinh tế. Cô trở thành công chức nhà nước trong một nốt nhạc.

Ngoài lương, cô còn được phụ cấp của hắn theo tinh thần cộng sản, “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

Cô có sẵn một lực lượng dự bị vô số kể, trẻ đẹp sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của công tác, không ăn lương, chỉ lãnh tiền thưởng. Cô và các đồng môn của cô trở thành đồ trang trí trong các buổi tiếp tân, lễ lạc. Là mồi trong các tiệc tùng. Là tăng hai, tăng ba cho các quan thư giãn. Là niềm vui của cả nhân loại. Nhờ thế, hoạn lộ của quan huyện lên như diều gặp gió. Hắn lên tới đâu, cô lên tới đó. Từ huyện về tỉnh, lịch lãm và sang trọng. Đối tượng phục vụ của cô cũng càng ngày càng oai vệ. Cô trở thành bông hoa của cả tỉnh.

Cô vui, vì cô lại được là cô. Quyền lực của giống cái làm cô tỏa sáng. Cô sai khiến cả cuộc đời. Tuy nhiên, điều ấy đã làm cô mất cảnh giác. Những phụ nữ đoan chính ngứa mắt và những bà vợ hiền nổi giận. Cô bị đánh ghen.

Và cô bị tố cáo như kẻ lũng đoạn chính quyền.

Cũng nhanh như khi cô trở thành công chức, cô mất hết cũng chưa đầy một nốt nhạc. Quyền lực, công việc và bổng lộc. Thậm chí, cô còn có nguy cơ đi tù. May mắn cho cô, cô thoát nạn chỉ vì người ta muốn che giấu sự tha hóa quyền lực trước công luận. Nhưng ông quan của cô thì thân bại danh liệt.

Chẳng còn lợi lộc gì, cô bỏ ông quan không thương tiếc. Khi ấy, cô đã sở hữu hai căn biệt thự đẹp như mơ. Và mối quan hệ xã hội của cô đã trở nên rộng rãi.

Một hành trình khác bắt đầu. Cuộc đời có thừa lối vui và cô vẫn luôn muốn mình là kẻ chọn lựa.

Bước vào thế giới tinh hoa của những kẻ có tiền và quyền, cô hiên ngang với tư thế mới của mình.Không phải cô không biết mình là ai, mà cô quá biết người khác. Cả đàn ông và đàn bà.

Vốn liếng của cô không là cái đinh gì trong thế giới tinh hoa đương đại ấy, những kẻ vốn được gọi là vô sản trước đây. Nhưng cô biết sức mạnh của mình và cô tự tin. Tận dụng sự quyến rũ trời cho và khai thác mọi mối quan hệ, cô làm cò cho tất cả mọi giao dịch công cũng như tư. Mọi loại giấy tờ, thủ tục hành chánh cũng như mọi mong muốn, khát vọng vui chơi hay đổi đời, cơ hội làm ăn hay mua quan bán chức đều được cô kết nối giải quyết, tận tình và hiệu quả. Và cô trở nên cần thiết cho tất cả mọi người. Chợ đen hay chợ đỏ, cô góp phần làm cho guồng máy xã hội trơn tru thông suốt như nó phải thế.

“Không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều”. Cô mượn cái slogan ở đâu đó như châm ngôn cho cuộc sống của mình.

Càng gần về sáng, tôi càng cảm thấy mình khỏe hơn. Khi nằm đè lên người bà mẹ dân tộc, tôi như được tiếp sức bởi một nguồn năng lượng khác. Một cách bí ẩn, tôi chui sâu vào trong bà như tích tụ văn hiến bốn ngàn năm thủ dâm. Và bùng nổ.

Bà nói:

“Em sướng”.

Tôi để sương đêm trùm phủ. Mịt mùng. Thế giới mênh mông quá.

Tôi vẫn sống.

Bà hỏi:

“Hôm nay anh muốn ăn gì?”.

Tôi bảo:

“Gà luộc cho đơn giản”.

Bà mắng:

“Đồ Bắc kỳ”.

Bà rời khỏi nhà tôi, rất sớm. Tự nấu nước, tôi pha một ly Espresso. Nhâm nhi buổi sáng trong lành. Tôi chọn sự tối giản để tránh bớt phiền lụy. Làm vệ sinh xong các thứ, tôi phải nằm một chút trước khi ngồi vào bàn làm việc. Thật ra, đó chỉ là một thói quen, lướt xem tin tức trên mạng, viết vu vơ một điều gì đó  như ghi chú cho những khoảng trống.

Không phải lo nghĩ điều gì cho cuộc sống là một hạnh phúc.

Gần trưa, bà mang cho tôi nửa con gà luộc, tất nhiên gà ta, nước mắm tiêu ớt, một ít cơm đủ cho hai người.

Bà làm đồ ăn ngon. Nhưng đấy không phải là diễm phúc hàng ngày. Bà chỉ nấu ăn cho tôi khi bà thích, hoặc khi tôi thật cần. Tất cả những ngày còn lại, tôi cơm đường cháo chợ.

Mạng lưới làm ăn của cô vươn lên tầm quốc gia. Cô buôn bán cả chính sách và các thể loại qui hoạch từ nhân sự đến đất đai. Cô tự hào là nhà tổ chức thành công mọi ước muốn. Cô có khả năng nâng một người tầm thường vô danh lên thành một nhân vật sừng sỏ, cũng như cô có thể biến nông thôn thành thành thị. Cô là bóng tối của lòng tham con người. Cả những điều tưởng như phi lý cô cũng có thể biến nó thành hợp lý, khi cô được trả tiền sòng phẳng.

Công việc cuốn cô đi theo dòng chảy của nó. Đến lúc cô là điều không thể thiếu của cuộc sống này. Cô mạnh mẽ một cách tuyệt đối. Và cô không có khái niệm quay về.

Nhưng cô có hạnh phúc không?

Không ai trả lời thay cô được, cô trở thành bản chất của cuộc sống. Và bản chất ấy, tự nó không vui không buồn. Tuy nhiên, cô vẫn là một người cô đơn cô độc.

Một nhân vật quyền lực nói với cô:

“Tôi và cô là một cặp đôi hoàn hảo”.

Cô cười ngất:

“Không, em là người của bá tánh”.

Quả thế, cô đánh đĩ với tất cả mọi thể loại nhân gian, miễn nó mang lại niềm vui và tiền bạc. Nhưng trên hết, có một thứ lợi ích không thể giao dịch, đó là tự do của cô, dù nó bất cận nhân tình.

Một đại gia không lấy gì làm tiếng tăm, gặp cô và đề nghị:

“Tôi muốn làm một cao tốc lên đỉnh trời, nối từ Hà Nội lên Phan Xi Păng. Cô thu xếp giùm giấy phép và giải quyết các vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng với các địa phương. Phí dịch vụ sẽ do cô tùy nghi quyết định”.

Cô nhìn lại anh ta, hơi ngạc nhiên:

“Đó là một dự án khủng. Anh đùa à?”.

Anh ta bình thản:

“Tôi không dám đùa với cô. Cả cái dải đất hình chữ S này, nếu muốn, tôi cũng đủ sức mua”.

Cô bảo:

“Có những cái không phải cứ có tiền là làm được. Anh có biết một dự án như thế không những phải được phép của thủ tướng, mà có khi còn phải được quốc hội thông qua, chưa kể dư luận xã hội”.

Anh ta vẫn bình tĩnh:

“Tôi biết rất khó khăn. Vì thế mới nhờ cô”.

Đây là một thử thách. Cô nói:

“Nếu tôi thất bại thì sao?”.

Anh ta bảo:

“Tôi không tin cô thất bại”.

Cô nói:

“Nhưng vẫn có xác xuất thua chứ”.

Anh ta vẫn tự tin:

“Vâng, tôi không tin số phận. Nhưng nếu chúng ta thua, thì bày keo khác thôi”.

Anh ta rút từ trong cặp ra một bản dự án tiền khả thi và một hợp đồng với cô đã soạn sẵn đặt lên bàn. Cô được gọi là nhà tư vấn của một bên hợp đồng. Chi phí được bỏ trống để cô tự điền.

Cô bảo:

“Anh cho tôi một tuần lễ để trả lời”.

Cô thích sự ngông cuồng.

Nguồn vốn của anh ta dường như vô hạn và cô không biết nó từ đâu tới. Cô chỉ có thể đoán hắn là người của Trung Quốc. Hơn ai hết, người Trung Quốc biết cách nói chuyện dưới gầm bàn. Và cũng không ai giỏi hơn cô chuyện đút lót. Cô được cung ứng những khoản phụ phí phát sinh theo tiến độ công việc, y như có một nhà máy in tiền.

Cô nghĩ tới một lưỡi dao chém xuống xẻ dọc khuôn mặt đất nước như một thứ trấn yểm của phong thủy Tàu, nhưng cô gạt nó đi khỏi đầu mình.

Chưa tới một năm, dự án được cấp phép. Nhưng giải phóng mặt bằng mới thật sự là vấn đề nan giải. Cô không thể nói chuyện trực tiếp với người mất đất. Cô cũng không thể can thiệp với chính quyền địa phương khi họ lạm dụng quyền hạn để ép uổng người dân. Cô nhìn thấy sự oan ức và uất hận. Ở đâu, người ta cũng tìm cách ăn chặn, ăn bớt, thậm chí gần như cướp trắng nhân danh lợi ích quốc gia. Cô chỉ biết tặc lưỡi cho qua. Đó không phải là trách nhiệm của cô.

Ngoài dự án chính đường lên đỉnh trời, cô còn vẽ cho các nhà đầu tư qui hoạch các khu dân cư mới quanh những điểm dừng và các lối ra, lối vào cao tốc.

Cô ăn ngập mỏ, nhưng đấy là công sức của cô được đồng thuận. Cô không bóc lột. Cô không ăn cướp.

Và cô đi chùa cúng dường hoằng pháp. Cô cũng làm từ thiện cứu vớt những sinh linh khốn khó.

Cô phát hiện ra, đầu tư xây chùa to đẹp là cách kiếm tiền nhẹ nhàng và béo bở nhất. Cô cũng tin xây chùa là cách tích đức, giải nghiệp linh thiêng nhất.

Cô bàn với vị sư thân thiết kế hoạch của mình.

Cô nói xưa nay các chùa thường xây trên núi và nương tựa vào sự tĩnh tại của núi, tại sao không đem chùa ra biển để chúng sinh chiêm nghiệm lẽ vô thường của sắc tướng, hơn nữa nó còn tạo ra sự khác lạ hấp dẫn du lịch. Cô nghĩ đến Côn Đảo, một địa danh nổi tiếng có nhiều di tích lịch sử, đường bay thuận tiện, đường thủy dễ dàng và không quá xa Sài Gòn.

Nam Mô A Di Đà Phật. Sư ông bằng lòng ngay.

Đúng như kế hoạch, họ xin được chính quyền cấp cho một ngàn mẫu vừa núi vừa biển. Họ thuê kiến trúc sư từ Đài Loan, bảo đảm tính thẩm mỹ truyền thống và niềm tin phong thủy. Kết hợp con đường huyền ảo ven núi với các cụm công trình trên biển bằng những cây cầu bềnh bồng đã tạo nên một kỳ quan vô tiền khoáng hậu. Và đấy là ngôi chùa độc đáo nhất, to đẹp nhất châu Á.

Cô dồn hết tâm lực vào ván bài sinh tử đó. An toàn cho đời này và hạnh phúc cho đời sau.

Và cô đã nhìn thấy cả thế giới trong tầm mắt mình.

Đấy không phải cơn mơ, mà là một hiện thực có thể sờ mó. Và tiền thu vào thì đếm được. Dường như cô cũng không còn việc gì khác ngoài chuyện đếm tiền. Đến lúc này cô mới biết ông sư của cô chỉ là một kẻ giả sư. Tu là một đặc nhiệm của hắn. Cô cũng lại tặc lưỡi cho qua.

Anh chàng đại gia làm cao tốc lên đỉnh trời đến gặp cô, nói:

“Cô và tôi bây giờ môn đăng hộ đối rồi nhỉ”.

Cô cười:

“Tôi không dám ganh đua với anh”.

Hắn trầm giọng:

“Thật ra, tôi muốn nhìn mối liên hệ giữa cô và tôi ở góc độ khác”.

Cô hỏi:

“Sao ạ?”.

Hắn hỏi lại:

“Cô có tin số mệnh không?”.

Cô nói:

“Tôi vẫn nhớ anh bảo trong lần đầu gặp tôi rằng, anh không tin số phận”.

Hắn cười:

“Nhưng bây giờ thì tôi tin”.

Im lặng một chút, hắn tiếp:

“Chẳng những thế, tôi tin cô và tôi hợp số”.

Cô cười lớn tiếng:

“Anh muốn chia cho tôi cái dự án mới à?”.

Hắn cũng cười:

“Đại khái vậy. Nếu cô đồng ý, tất cả những dự án sắp tới của tôi sẽ thuộc về cô một nửa, chỉ với một điều kiện duy nhất, cô về chung sống với tôi”.

Cô giật thót người. Một đường đột ngoài sự mường tượng của cô.

“Anh tin bói toán đến thế sao?”.

Anh ta bảo:

“Một phần thôi. Phần còn lại là tôi yêu cô”.

Cô nói:

“Anh cũng biết đùa nhỉ”.

Anh ta vẫn nghiêm chỉnh:

“Không, nói thật đấy. Tôi nghĩ mình có thể làm hợp đồng. Cô vẫn tự do, cũng như tôi”.

Cô hỏi lại:

“Vậy thì điều gì ràng buộc để chúng ta có cùng chung số phận?”.

Hắn nói:

“Chỉ cần sự hiện diện của cô bên cạnh tôi”.

Cô bảo:

“Chỉ riêng điều đó đã làm tôi mất tự do. Mà như anh biết đấy, tự do của tôi là trên hết”.

Anh chàng đại gia đẹp giai con nhà truyền thống cách mạng có thể đã biết rất nhiều về cô, nhưng có một chi tiết quan trọng nhất trong tính cách cô thì hắn lại không biết, đó là mọi điều trong đời cô chỉ làm theo hứng thú. Vì thế, sự từ chối của cô làm hắn chưng hửng.

Hắn gỡ gạc:

“Nhưng cô vẫn sẵn sàng hợp tác với tôi chứ?”.

“OK”, cô nói.

Hắn chào cô:

“Thật sự tôi rất tiếc”.

Cô cũng cười:

“Thấy tiền mà không cầm được tôi cũng tiếc. Mong, mình vẫn là bạn của nhau”.

Thế rồi, một ngày trời vẫn đẹp, nắng vẫn vàng, gió vẫn lộng, dưới mái chùa yên tĩnh, nhân vật đóng vai sư nói với cô:

“Đây là cơ sở tôn giáo và nó chỉ thuộc về giáo hội. Mọi liên hệ của cô với chùa coi như đã hoàn tất”.

Cô trợn mắt:

“Ý thầy là sao? Tính ăn cướp của tôi hả?”.

Người giả làm sư nói:

“Cô bình tĩnh, tất cả mọi đóng góp của Phật tử xưa nay vẫn được coi là cúng dường”.

Không giữ được bình tĩnh, cô nhảy xổ vào cào cấu đánh đấm ông sư, gào thét:

“Quân ăn cướp”.

Cô bị tống ra khỏi chùa như một kẻ phạm thượng. Lưu tình, họ không gọi công an bắt cô.

Đúng là vô thường như cô đã nghĩ về nó. Cô bán bớt dần nhà cửa lấy tiền tiêu xài. Sự buồn chán càng khiến cô phung phí. Dẫu sao, cô cũng cảm thấy mình thong dong hơn.

Du lịch khắp nơi, cô tìm trai lạ. Và cô hoàn nguyên đĩ tính của mình một cách hoàn hảo. Có tiền cũng tốt, không tiền cũng chẳng sao. Cạo sạch lông và tóc, cô phục sinh trong ngọn lửa khởi nguồn sự sống. Tàn bạo và bất chấp.

Đàn ông điêu đứng vì cô. Đàn bà kinh khiếp cô. Cô bảo “Chỉ vui thôi mà”.

Lúc ấy, cô chưa biết ở phía bên kia dốc gió, tôi đang chờ cô.

Nhấp nhổm mà không biết làm gì, tôi chờ đợi trong mơ hồ một điều gì khác để thay đổi đời tôi. Nhưng tôi không đủ mạnh mẽ để tự đập vỡ mình, phá bỏ những ràng buộc vô hình. Bởi thế, tôi bồn chồn mà vật vờ.

Tôi không biết sống để làm gì nhưng vẫn chờ đợi.

Làm giáo viên ở một tỉnh lẻ, tôi như bị gói trong lớp lá chuối. Lên men. Nếu không có núi để tựa lưng và hướng vọng, chắc tôi chết. Ngọn núi trong tôi và ngoài tôi như một công án thiền tôi chiêm nghiệm và tôi mơ mộng. Thỉnh thoảng, tôi vẫn leo núi. Tôi leo lên cuộc đời mình và nhìn xuống vực thẳm. Và tôi khao khát nhảy xuống. Nhưng tôi chỉ là một giáo viên hèn mọn. Sự cháy bỏng của tôi được thắp lên bằng rượu và cái im lặng của núi. Tôi nằm trong nhà và tôi chết. Ngọn núi trở thành nấm mồ của tôi.

Thế nào mới là sống? Tôi không thể trả lời.

Nhiều cô giáo hỏi tôi:

“Sao anh không lập gia đình?”

Tôi nói tôi cần một cô gái hơn cần một gia đình. Đấy là một nhân sinh quan không thể chấp nhận được. Họ bảo tôi vô luân.

Nhưng đâu là cô gái của tôi?

Bà mẹ dân tộc đứng dậy bảo:

“Em về đây”.

Tôi không nói gì, ôm bà hôn nhẹ.

Những khi có bà, tôi như một đứa trẻ, kể cả lúc làm tình. Tôi mường tượng bà như tổ mẫu Âu Cơ tái giá.

Suốt thời trai trẻ, tôi đóng vai một ông cụ nghễnh ngãng. Dẫu không giáo điều nhưng tôi truyền thống cả trong các suy nghĩ. Sự nổi loạn đôi khi của tôi cũng chỉ là cái thất chí bất phùng thời. Tôi chưa bao giờ dám đi tới tận cùng những vấn nạn con người của chính tôi. Chỉ đến khi về hưu, tôi mới dần gột rửa những hệ lụy của ước lệ văn hóa và định kiến nhân cách để sống như sơ nguyên vô sở trú. Dù tôi cũng không chắc đấy là minh triết hay mông muội. Thật ra, minh triết hay mông muội cũng không phải là điều tôi quan tâm. Tôi chỉ tin chắc một điều, lịch sử con người là một lộ trình sai lầm.

Bước xuống mê lộ, tôi tìm cảm giác mình vẫn sống. Nắng làm tôi xây xẩm choáng váng. Tôi cố gắng đi bộ hết một con phố nhỏ rồi quay về. Cái tổ của tôi chìm trong nắng, nhưng âm u. Tôi nằm vật xuống giường. Thở dốc.

Khi bán đến căn nhà cuối cùng, cũng là thời điểm tiền mãn kinh của cô, cô muốn thay đổi. Trên Zalo, cô treo bảng: NHẬN ĐẺ MƯỚN. Và cô coi đây là niềm vui cuối cùng của mình.

Một người Trung Quốc tìm đến cô. Anh ta nói:

“Tôi mướn cô trước sáu tháng. Giá mỗi tháng một ngàn đô. Nếu cô có thai là con trai, tôi sẽ mướn cô tiếp cho đến khi đứa bé đủ ba tuổi.”

Một phú hộ nhà quê, hiền lành. Cô bằng lòng đi theo anh ta.

Cô dạy anh ta làm tình và dường như anh ta cũng nhận ra đàn bà không chỉ là cái máy đẻ. Anh ta cày bừa cô hết công suất. Cuộc sống không đến nỗi tẻ nhạt, đôi khi cô cũng cảm nhận được sự yên ấm của gia đình, cho dù tạm bợ. Và cô học cách để làm một người vợ truyền thống.

May mắn cho cô, đến tháng thứ ba thì cô có thai một thằng cu. Cô được cung phụng hết mức để cưu mang kẻ nối dõi tông đường Hán tộc.

Nhưng phúc phần của cô chỉ đến thế, đứa bé chết trong bụng mẹ trước khi được sinh ra. Không phải vì hợp đồng hết hạn, cô mang nỗi đau khổ của người mẹ mất con về lại Việt Nam.

Trải nghiệm bất thành của một người mẹ khiến cô khác đi. Đây mới thật sự là thay đổi của cô. Bao dung hơn, dịu dàng hơn. Cô bắt đầu biết quan tâm đến người chung quanh mà không phải làm từ thiện như trước kia.

Đấy cũng là lúc tôi gặp cô khi cô chọn về sống ở tỉnh lẻ này. Và tôi gọi cô là bà mẹ dân tộc bởi trái tim biết thấu cảm của bà.

Bà hỏi tôi như nhiều người đã từng hỏi tôi:

“Sao anh không lấy vợ?”.

Tôi đùa:

“Có lẽ anh chờ em”.

Bà bảo:

“Cũng lạ nhỉ. Anh đâu phải là người không biết tán gái”.

Tôi nói:

“Lấy vợ sẽ là một thất bại của anh”.

“Đừng tự ti thế chứ”. Bà nói.

Tôi giải thích:

“Không phải vì anh sợ mình không mang lại hạnh phúc cho người khác, mà lấy vợ sẽ là sự đầu hàng của tự do trước những bất trắc của cuộc sống”.

“Vả lại, anh là một người ích kỷ”. Tôi nói thêm.

Bà bảo:

“Em nghĩ là anh chưa gặp đúng người mình cần thôi”.

Tôi thành thật:

“Có thể”.

Bà nói tiếp:

“Tình yêu đích thực thì đơn giản. Không biết yêu cũng thiệt thòi như không được yêu”.”

Tôi cười như thể nhìn nhận bà nói đúng.

Bà nhìn tôi dịu dàng:

“Anh đừng làm em lầm tưởng là trai tân đấy nhé.”

Tôi đùa:

“Ở một khía cạnh nào đó, có khi anh zin thật”.

Bà kêu lên:

“Má ơi, con sắp phá trinh trai già”.

Chúng tôi cùng cười ngặt nghẽo.

Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, cớ gì chúng ta phải nghiêm trang đạo đức giả?

Bà ấy tôn trọng sự độc thân độc lập của tôi, cũng như tôi chấp nhận cái chung chạ của bà. Thế giới đại đồng. Chúng tôi tự do và chia sẻ với nhau điều mình thích.

Khi có món gì ngon, bà mang cho tôi. Khi cần ôm ấp, tôi gọi cho bà. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng được đáp ứng. Bà vẫn có những niềm vui khác. Bà là bà mẹ dân tộc, vĩ đại và bao dung, vì thế bà sẵn sàng san sẻ cho tất cả những ai cần đến bà. Dẫu sao, bà ấy vẫn cần có tiền.

Có lẽ, bà cũng chưa thật sự biết tôi còn zin chỗ nào. Ngay cả với tôi, cái bản nguyên lành lặn ấy cũng mơ hồ. Mặc dù, tôi chắc chắn rằng nó chưa hề được khai mở. Có thể, đấy là điều sâu kín nhất khiến tôi vẫn sống trong cảm thức cô độc. Tôi không muốn phá vỡ cái bí ẩn tối thượng này nhưng đồng thời tôi cũng muốn lột truồng nó như một dấn thân đến tận cùng cõi sống.

Thì đấy, tôi vẫn nửa vời giữa sống và chết, giữa quyết liệt và trốn chạy.

Bà mẹ dân tộc nói:

“Cái của anh nó xìu xìu ểnh ểnh không ra làm sao cả”.

Tôi bảo:

“Biết sao được”.

Bà ấy nói:

“Có cách cả. Vấn đề là muốn hay không”.

Không cần chờ ý kiến tôi, hôm sau bà đến mang cho tôi một chai rượu ngâm linh tinh các dược liệu, nói:

“Anh uống cái này mỗi tối trước khi ngủ”.

Rượu ngon, ngủ tốt. Sau một tuần, bà đến. Sờ mó tôi, bà nói:

“Chất lượng được cải thiện thấy rõ”.

Quả thật, tôi đã có thể giương cờ khởi nghĩa. Lâu lắm, tôi mới lại tìm được cảm giác mạnh mẽ của giống đực. Tôi cướp chính quyền. Cách mạng vô sản muôn năm.

“Bụp là chân lý”. Bà mẹ dân tộc phát biểu.

Chân lý thì không cần bàn cãi. Và tôi tái lập chân lý từ nỗi suy tàn của tuổi già. Hưởng thụ cuộc sống một cách đơn giản.

Tôi nói:

“Em là quà tặng của thượng đế”.

Bà mẹ dân tộc bảo:

“Anh tùy nghi sử dụng”.

Nhưng tôi không đủ tự nhiên để thỏa mãn những khao khát thầm kín của mình.

Như bị treo lơ lửng, tôi chênh vênh trong mọi cảm xúc.

Bà mẹ dân tộc nói:

“Đừng ngại ngùng. Cứ để cho suối nguồn tuôn chảy”.

Chúng tôi uống chung một ly rượu. Đêm tối chìm sâu. Tôi mù mịt, ôm chặt bà. Và bà xoa đầu tôi.