Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Bán gì đây?

Dạ Ngân

Khu dân cư mở, nhà và cây không vượt lên nhau, thậm chí cành nhánh nào hỗn hào với lưới điện, cánh Cây xanh và Môi trường đánh xe thang tới triệt ngay. Để nói rằng, mọi thứ vẫn giao thoa như bao nhiêu năm nay, không như ở các khu cao cấp ngất ngất hãnh hỗ không thèm đặt tên bằng tiếng Việt.

Tiếng rao dưới đường dày hơn, chắc chắn, một đứa trẻ tiểu học cũng biết là do đâu. Mua phế liệu, lần đầu tiên nghe thấy rao mua bàn mua ghế, mua tất tật. Mài dao đi, eo ơi, mọi năm Tết nhất mới có cảnh nhà nhà ới thợ dao lại rồi chạy xuống với một đống dao đủ cỡ, “nghịch mùa” nên ế sưng, tiếng rao nhói từ xa, rất gần rồi lại xa, mất hút. Rao bánh mì nóng, sáng sớm đã đành, tối mịt, sát giờ cơm hoặc vừa sau giờ cơm, vẫn nghe rao. Lại thêm bánh bèo, cũng bán dạo, bánh bèo thì được bao nhiêu tiền mỗi khi bán dạo mà lại bán rao, người Sài Gòn ít ăn dạo những thứ bánh thủ công khiến khả nghi về chất lượng. Nghe và nghe, lòng bần thần, đoán biết đội quân bị cuốn vào đô thị hóa đang gào lên “Tôi đang cùng đường, tôi đang đói!”.

Hầu như tuần nào cũng có thêm ai đó vừa xông ra vỉa hè. Đối diện với hàng bún bò giò heo ổn định dưới tán bàng hàng chục năm nay, bỗng mọc lên hàng Mì Quảng! Lẽ nào kinh tế đang xuống mà người đi làm, hay người đưa con đi học, hay người về hưu không ăn sáng ở nhà? Không, hình như quán Mì Quảng này đang chia khách một cách không tuyên bố với gánh bún bò đối diện? Ăn mãi bún bò, sao không sang kia đổi món Mì Quảng? Thầm vái trời, mong sao giữa hai hàng ăn ấy không đụng độ nhau, thời đói kém, phận kiếm sống vỉa hè với nhau, nhớ nhường nhịn nhau nghen các bà!

Đi vài bước chân, sực thấy sao xe bánh mì ngày thường lại có thêm bàn bánh hỏi thịt quay kề bên. Cô bánh mì cười nịnh với khách, bảo má con mới về đây sống với tụi con, sẵn thịt quay cho bánh mì, má con bán bánh hỏi luôn, đổi bữa, bánh hỏi thịt quay đi cô. Thì vẫn cứ là kiếm sống “ký sinh” vỉa hè. Kia nữa, một cô nàng mới ra cái món nướng trên chiếc xe đẩy không khung kính gì, xe trần, vỉa sắt to để trên bếp than củi, nướng cà tím phết mỡ hành, nướng đậu bắp, nướng khoai, nướng ngô… Và kia nữa, một người đàn ông trung niên ngồi chiên quẩy và bánh tiêu. Cô hàng ngô khoai nướng hất hàm bảo ông ấy sống nhà trọ, trước đây ổng làm cho vợ bán dạo, bà ấy vừa bị tai nạn nằm chỗ, ổng đưa bếp ra vỉa hè vừa làm vừa bán.

Bên kia đèn xanh đèn đỏ, lối vào chợ, eo ơi, một dãy dài ken khít các loại xe hàng rao kề vai thích cánh. Trước kia, trật tự đô thị dẹp hết, cho người ra vô chợ rộng đường. Giờ đuổi chỗ này, dân chạy chỗ kia, lòng vòng mà những gương mặt mới xuất hiện quá đông, lơ mơ dồn đuổi quá dân sẽ chống trả, sẽ làm loạn. Thanh long đỏ Ninh Thuận đây, dừa Bến Tre đây, khóm Cầu Đúc đây, cam sành Chợ Lách đây, bơ Đăk Nông đây… Và cả giọng những gã trung niên người miền ngoài “bánh ướt chả nụa đây”, “bìa đậu Văn Thánh bán kèm mắm tôm Thanh Hóa đây”. Xe cộ gầm rú, người nhập cư gầm gào, hỗn độn và tra tấn. Dù có thế nào vẫn nghe ra sự tuyệt vọng “Tôi hết đường lùi, tôi đang vật vã, tôi sắp đói đây”.

Biết rằng ở đâu đó trên khắp các nơi đô hội nhiều và đô hội ít đều có một thứ bán mà không báo chí nào đề cập. Không, không phải bán những quả thận như một xã nào đó ở Cần Thơ. Không, phạm vi bài này không đề cập đến chuyện bán trẻ con, bán bụng, bán người, thậm chí có cả chuyện bán lương tâm của một giới chuyên chạy chức chạy quyền. Ở đây nói chuyện bán nhỏ, bán âm thầm, bán của dân đen, đều đặn, mỗi tháng mà không ít người đã câm lặng làm việc đó để mưu sinh.

Nhớ cảnh bán ấy cách nay đã hơn bốn mươi năm ở một bệnh viện tỉnh lớn. Tình cờ đến sớm xếp hàng và ngồi chung phòng chờ với họ mà biết. Đàn ông, thanh niên và đàn bà. Nhìn qua đã biết giai tầng và sự kiệt đường của họ. Nghe hai người phụ nữ đứng tuổi đi dép xỏ, quần áo bạc màu ngồi cạnh nhau thì thầm “Lần trước tiếc tiền, bán gồi (rồi) không dám ăn gì muốn xỉu!”, “Lần nầy cơm tấm đi cho lợi sức!”. Những người này sống bám vỉa hè, chắc vậy, họ có một đống con và có thể, có một ông chồng như hũ chìm. Nhưng những người đàn ông ngồi dãy ghế trước thì sao? Ai cũng lam lũ và chắc chắn, ai cũng có một việc gì đó rất cần để họ tìm đến đây. Và bán.

Nay, đã bốn mươi lăm năm kể từ Tháng Tư năm 1975. Vẫn còn cảnh người lao động bấp bênh đi bán máu. Tin tôi đi, vẫn còn, vẫn bán, vì các bệnh viện vẫn cần nhiều máu để dùng và để trữ. Không ai thú nhận mình vừa bán máu, đó là cái bán dễ nhất nhưng có lẽ, là đau nhất vì số ấy vẫn đông, rất đông.