Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Điếm đỏ

Truyện Nguyễn Thanh Văn

Dạo đó, như nhiều người ở quê tôi vẫn còn nhớ, đĩ thì gọi là đĩ, điếm thì gọi là điếm. Đơn giản rứa thôi. Không có vụ điếm vàng, điếm đỏ hay đĩ trắng, đĩ xanh gì ráo. Nhưng chuyện tôi đang kể có chút màu sắc đặc biệt – không thì ghi lại làm chi. Phải sau sự kiện tháng tư năm bảy lăm, mới có sự lạ là nhạc được nhuộm thành nhạc đỏ, nhạc vàng – chính tai tôi có nghe một cán bộ văn hoá cấp thành còn tỉ mỉ xếp thêm các loại nhạc vàng vàng, nhạc đo đỏ nữa kia. Nói hơi có mùi thiếu văn hoá, cứ ngờ ngợ như đang nghe tham vấn của các thầy thuốc về các món lỉnh kỉnh liên quan chứng rối loạn tiêu hoá.

Cần nói sơ qua với bạn đọc rằng xóm tôi ở không xa trung tâm phố, dọc một nhánh sông nhỏ. Ngôi làng khá cổ mang một loạt tên – tên chữ Hán, tên tạm gọi là tiếng Việt thuần tuý hay có cụ giải thích là do đọc trại cái âm Hán (còn cái tên Xóm Cau bình dân rõ, là do món đặc sản địa phương mà thành). Riêng cái “nickname” hơi láo toét không ít người hạ giọng khi gọi và hiển nhiên xúc phạm sâu sắc uy tín những công dân tử tế ở làng, tên “Xóm đĩ”, hỗn danh này giải thích để các bạn thông cảm vì sao tôi không tiện nói rõ tên làng như tất cả dân Việt nhà mình khi có dịp nhắc tới cố hương.

Chỗ kẹt là như dân gian ta nói, không có lửa sao có khói. Ấm ức thì chỉ ráng giải thích, dịch vụ độc đáo này vốn tụ hội ngay dọc bờ một con phố ngay trung tâm, mà do vài lý do không cần thiết dẫn chứng, đã lan ra và hệ quả phát sinh ngoài ý chí của thần hoàng làng tôi là sự khai trương chi nhánh “Xóm đĩ” mà tôi vừa đề cập.

Đầu những năm 1970, khi chiến tranh tăng cường độ, chi nhánh phát triển có mùa ngang ngửa với trung tâm. Một phần do phản ứng của bà con trong phường và thấy chướng mắt, cảnh sát và quân cảnh địa phương lâu lâu lại bố ráp vạn đò chính, giữ khách hàng một thời gian chiếu lệ, càng ngắn càng tốt rồi thả cho đồng đội ra chiến trường trở lại (nếu là lính), học trò thì doạ báo phụ huynh và dấm dúi nhận số tiền dù nhỏ, nhưng thường thì to hơn món tiền trả cho điếm. Bản thân “chị em ta” – cách gọi giới ca kỹ không hát hò chi ngày đó – thì phạt phí đại khái; có khi miễn phạt nếu tình cờ người phạt là khách quen của người bị phạt. Đấy là thời điểm một số đò tản qua các làng bên tránh nạn, không loại trừ chuyện đang lúc phóng thuyền chạy loạn, mang theo một số khách hàng đang lỡ tác nghiệp nửa chừng.

Phần khác, một người quen có vài phóng sự về vạn đò đăng trên báo tận Sài Gòn, được nhiều người ưa thích, bảo tôi khách thầy, khách cậu – ở xứ này, người bán hàng liếc qua, thấy khách áo bỏ thùng, mang giày thì nịnh là cậu, là thầy dù cả đời chẳng có học trò học bè gì ráo – không ưa phơi mặt lồ lộ giữa phố lắm người, nhất là trước mắt các tín đồ lễ Phật về từ một ngôi chùa nổi tiếng gần đó.

Xóm đĩ” – bạn đọc tưởng ra nỗi buồn rười rượi của người viết khi nói cái tên khó nghe chỉ xóm cũ yêu dấu của mỉnh – còn là nơi “mở mắt” không rõ bao nhiêu trinh nam, thư sinh nhiều thế hệ gốc liên tỉnh miền Trung, chưa tính đội ngũ đông hơn tại chỗ. Ngôn ngữ người viết cầm chắc còn thô thiển cho một đề tài được xem là tế nhị này, vậy thử nhờ tới danh tiếng văn hào G. Marquez thôi.

Trong tiểu thuyết của mình, nhà văn Colombia đã để những trang hồi ức đầy “cảm động” về một ả điếm chuyên nghiệp hành nghề mấy chục năm liền ở thị trấn quê nhà của ông. Trong cao trào của cảm xúc và lòng tri ân, tác giả Trăm năm cô đơn đã thốt lên rằng, biết bao nhiêu thế hê thiếu niên, thanh niên thị trấn của ông đã mất trinh, hoá thành đàn ông ngay trên cái bụng tròn lẳng của nàng! Đúng sắc giọng của Napoléon trước khi gắn Bắc Đẩu Bội Tinh cho tướng lĩnh, và hơi hướm hùng hồn của các lãnh đạo đảng tuyên dương các liệt sĩ đảng viên!

Tôi dám chắc có không ít chị em quốc tịch An Nam trên vạn đò lênh đênh qua tháng năm ở thị trấn quê xưa đáng nhận một tiếng khen của một bậc danh sĩ tầm cỡ G. Marquez. E có khi bị các đồng bào giàu đạo đức hơn người hiểu lầm – nên xin xem chỉ là một kiểu đùa cợt –, liệu có một góc độ nào đó, vào cái thời chưa có chương trình “giáo dục giới tính” chính thức, thì chính các trà hoa nữ lẫn các em đĩ rạc một thời đã bí mật hỗ trợ cho mục tiêu – xin lỗi lần nữa – “giáo dục” này hay không! Thật khó nói! Nói có thì mang tội tuyên truyền công nghiệp mại dâm, nói không e thiếu cận tình. Mà thiếu cận tình, nhân tình với hạng người mà xã hội kết án cay độc cả nghìn năm, quyết không phải là điều vẻ vang chi lắm.

Chỉ một chuyện “chị em ta” không làm carte-visite công khai thiên chức, nghề ngỗng của mình như đồng sự ở trời tây là rõ giới làm đĩ xứ ta có truyền thống khinh bỉ nghề nghiệp của mình tới chừng nào.

Chuyện tới đoạn ba người bạn của tôi – chúng tôi dạo này đã vào cao đẳng –, hai đứa người Quy Nhơn, một đứa người Đà Nẵng, thuê chung mọt căn nhà có hậu viên và cái gác nhỏ hẳn hoi. Thằng bạn Đà Nẵng là người trả tiền thuê chính, chọn căn gác, hẹp nhưng có cửa sổ nhìn ra vườn sau và luôn tiện quan sát được các hoạt động bên tê con kênh đào nhỏ. Hai công dân Quy Nhơn chia nhau phần nhà trệt. Tất nhiên phân biệt chiếu lệ, sau giờ ôn bài, soạn bài, tất cả – bao gồm cả tôi, nhà cách non cây số – rút lên gác trà đàm và cà phê đàm.

Cuộc vui về sau có hào hứng thêm khi chủ nhân căn gác khiêng đâu từ chợ trời về một ống nhòm cực rõ của quân đội Mỹ, có khả năng nhận dạng VC đang di động sau tre pheo, lau lách tận bên kia một con sông rộng cỡ sông Tiền, sông Hậu.

Đêm bên này con sông nhỏ im ắng rất sớm, chỉ còn nghe tiếng gió lửng lơ trên vòm cây cao và dàn dế rỉ rên điệu ca bất tử đâu đó quanh các gốc cây và góc rào gạch. Các “tư liệu” thu qua ống nhòm – thực ra chỉ là trò vui thời học trò, không có ý hại ai, thậm chí cả đám không có quan tâm chi quá đặc biệt– còn có một nguồn thú vị khác.

Một số nửa ngư dân, nửa dân vạn đò chạy giặc tấp đại, cắm sào sát bến chúng tôi thình thoảng tắm giặt. Qua con kiệt (tức con hẻm) hẹp từ đường lớn dọc lố nhà, trong đó có khu nhà chúng tôi thuê, dẫn tới bến, có khách làng chơi thuê ghe băng ngang sông tới các chi nhánh “hạm đội” (từ dân chơi chỉ các đò có hoạt động bán dâm) – có lẽ tránh tai mắt người quen chăng. Khi về họ cũng dùng cách khi đi.

Các chủ ghe bỏ quê, bỏ bến xưa không phương tiện sống, sẵn sàng đưa người qua sông kiếm ít tiền lẻ thời chiến. Tìm lối đào nguyên lén lút đến mức đó, nhưng chính đám này lại hứng chí bình loạn ốn ào đệ nhất về các chuyện ăn chơi, chất lượng gái gẩm, đặc biệt ở tua về. Đêm tĩnh lặng, nội dung bình luận vẳng lên tận căn gác đối tác Đà Nẵng của chúng tôi cứ mồn một như kề tận tai – cường độ có khi ngang ngửa với loa đài truyền thanh thành phố sau bảy lăm.

Nghe riết quen, ngỡ không để ý nữa, thế mà rộ lên thông tin một thành viên “hạm đội” sắc đẹp, phong độ hơn người, lại chỉ chịu đi khách là học sinh, sinh viên – đại khái là giới “trí thức”! Có lẽ nhiều người còn bán tín bán nghi, nhưng có lần, sau khi đã vào miền Nam, nhóm thầy giáo chúng tôi ngày chấm thi, đêm lang thang qua phố xép vắng tanh, túi lép kẹp. Khi dừng lại mua thuốc lúa lẻ, chị bán thuốc đột ngột thì thào giới thiệu một “em” đang lấp ló sau bụi cây cảnh sát công viên thảnh phố. Chi tiết đáng gọi là độc đáo là chị bán thuốc lá vẻ mặt ra dáng nội trợ đoan chính, lí nhí bổ sung “em” này người tươm tất, vệ sinh mà chịu hạ giá với đối tượng trí thức. Kinh nghiệm này cho thấy ai dám nói trong số đĩ điếm không có người có lòng quý trọng giới trí thức xã hội chủ nghĩa – xin lỗi thói quen hay nhét thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa, lắm khi vô duyên tệ! – và tiện bình luận rằng ả điếm miền Nam này cũng như người đồng nghiệp miền Trung xứ tôi quả có một phẩm chất – tôn trọng trí thức – mà đa số lãnh đạo nhà ta hiện nay thiếu hẳn. Còn chuyện chúng tôi vì không một xu teng hay vì ngại ngùng chi mà từ chối qua đêm với bậc tri âm thì thú thiệt tôi không còn nhớ rõ. Thật đáng tiếc, lỡ một dịp tìm hiểu thêm chỗ tương đồng giữa chị em hành nghề bán thân và giới trí thức xã hội chủ nghĩa vốn thuộc kênh “lao tâm”, chuyên bán rẻ chất xám cho bọn ép giá vô lương tâm!

Tin phát ra từ nhiều nguồn, kể cả từ các nhóm đi ngang về tắt, qua con kiệt khu chúng tôi ở. Do nhiều lý do, bạn đọc dễ hiểu chuyện chúng tôi từ hững hờ chuyển sang quan tâm, rồi quan tâm đặc biệt. Nói cho cùng, cái thiện cảm dành cho một người đánh cao giá trị giai cấp mình – đa số học sinh sinh viên một thời quyết thuộc tầng lớp trung lưu và nhà nghèo cả thôi – dù tình huống biểu hiện trật tự ưu tiên của đương sự quả là tế nhị và kỳ… dị là đàng khác, thì có gì là khó hiểu!

Đêm đêm, chúng tôi lê dọc đường phố chính dọc bờ sông tìm quán cà phê đã uống mấy năm liền, có nơi tận mắt chứng kiến mấy o con gái chủ quán mới hôm nào đít bụ (vú) như bánh xe xẹp lốp chỉ lò nửa mặt quá quầy cà phê, nay cao hẳn và đẫy người ra, góp phần giúp khách trau chuốt ngôn ngữ, gọi thuốc lá liên tục và vuốt ria mép đều đặn hơn.

Sáng sớm, hẹn nhau tận quán nhỏ cạnh cổ thành – từ cổ thành nghe sang cả, có người cho tường thành nơi dinh trấn của một viên tướng thời chúa Nguyễn, nhưng có vị lại cho là một phần thành Chàm còn sót lại – nhưng quán nhỏ, mái tôn, bếp xập xệ. Những tàn trứng cá chiếm một nửa không gian bày bàn trà và tiếng muỗng khua đá lanh canh, tiếng áo mưa sột soạt, tiếng mưa trên mái tôn có gì buồn bã, huyền hoặc, vận với bờ thành cổ lở lói bên kia hồ sen.

Không rõ sao tôi có thể tóm tắt ba, bốn thập niên đời mình sau 1975 trong vài dòng ngắn gọn, lại có thể miêu tả, kể lể chương này qua chương khác một buổi chiều như không bao giờ chấm dứt bên ly cà phê đang nhỏ giọt, khi phía bên kia hồ sen úa tàn chờn vờn cảnh một cặp trai gái tâm thần đang hồn nhiên cử hành nghi thức mà Eva và Adam đã từng thực hiện trong vườn Eden thuở nọ.

Không có lời cuối cùng, nhưng các nguồn tin rất đa dạng – vùng đất văn hoá có khác. Chuyện bảo đĩ ni là nữ sinh trường huyện, cả nhà tan tác sau mấy vụ hai, ba phe đấu pháo, lưu lạc vào bước đường cùng.

Sau vụ tiếp khách lính, kinh hoàng o xin giải nghệ. Chủ thoả thuận cho tiếp khách học trò, o đồng ý. Hay khách tuổi này nhắc nhở kỷ niệm lưu bút ngày xanh của o hồi còn học trường huyện thì không dám chắc. Tin khác cho biết o ni là cháu ruột bà bảo kê nên hưởng ngoại lệ. Khách có tí “cậu” mới cho cháu ruột đi. Nguồn tin khác nữa cho rằng một số cán bộ du kích và cán bộ nội thành – xin phép được giải thích từ “cán bộ”, thậm chí cán bộ “điệp báo” không có nghĩa là không một thời trai trẻ playboy và cả danh xưng một nhà cách mạng (bônsơvích), không có nghĩa là không có vụ giải quyết sinh lý tự nhiên, bình thường như các tầng lớp kulak, mugic, đảng viên hay cảm tình viên Cộng sản, Quốc dân đảng, Đại Việt, hay các thành phần phía “nguỵ” khác (điều này giải thích vì sao ngay trong chiến tranh có ngài làm đến một tư lệnh bưng biền, oai phong lẫm lẫm vẫn còn nổi tiếng cả vụ tòm tèm chị nuôi, hộ lý hay các thủ lĩnh nằm vùng, có vị tìm hiểu nữ đồng chí có phần sâu và sát hơn quy định cách mạng và mức độ nữ đồng chí cho phép) – có mối quen biết trước hoặc sau thời o ni hành nghề, nên biết đâu có chuyện nhờ cậy chuyển thư từ, thông tin cho ai đó – chọn địa điểm kiểu này thì đến khách hàng là cảnh sát, thám báo loại cừ khôi đang tác nghiệp ở đò bên cạnh cũng chào thua!

Theo ý riêng, phân tích cuối vẫn có khả năng là sự thực và thiệt khó biết và khó nhớ từ “điếm đỏ” xuất hiện trước hay sau sự kiện bảy lăm. Theo logic có thể sát 30 tháng 4, khi sự hưng phấn của cán bộ bí mật lên cao và vụ “giao liên” – lưu ý đây chỉ là một giả thuyết trong phạm vi một thể loại hư cấu, mà quy mô “điệp vụ” nếu có mang tầm thủ công, đồng hương, đồng xã và nghiêng về ngẫu nhiên hơn chăng – cũng bớt chất hội kín. Cái hỗn danh “điếm đỏ” có khả năng đến từ lòng ganh tị của chư vị đồng nghiệp của “điếm đỏ”, những người có thể ngây thơ tới mức đồng hoá đối tượng học sinh, sinh viên tự do chủ nghĩa, cánh biểu tình và Việt cộng thành một và hình ảnh sơ mi bỏ thùng, mang giày đương nhiên là trí thức! – ít nhất là khi ở cao trào ganh tị hay có ai có trình độ cao hơn chút đỉnh mỉa mai, xúi bẩy. Nói thêm, người viết không tin thuyết cho cán bộ Việt Cộng gài đồng chí của họ vào nghề chị em ta trên vạn đò để lấy thông tin. Cuối cùng là phát hiện của playboy Đà Nẵng, biệt danh của căn gác gọi là tàng kinh các của nhóm – một biệt danh có tính đùa cợt giữa bạn bè, nhưng không giấu lòng hâm mộ.

Giữa đêm, hắn đạp cửa, dựng đầu chúng tôi dậy. Tin mới làm cả bọn tỉnh ngủ hẳn. “Tau vừa mới ngủ với con đĩ đỏ!”. Đúng giọng kiêu hãnh của César (Ta đến… Ta chiến thắng!). Nghễu nghện giữa năm thằng bạn liên tỉnh đang trong tư thế ngồi bệt trên sàn gỗ, César Tourane tuôn ra ký sự người thật việc thật, và tựa như hiểu rõ nguyện vọng thầm kín của từng thường dân La Mã đang chiêm ngưỡng mình, hắn mô tả một cách chi tiết đến mức sống sượng với cả đám thanh niên xuất thân nhà lành, “con trai của mạ” cả, nhưng đã quen thói chửi thề, tếu táo và tò mò các màn gái gẩm của tuổi đôi mươi – với đủ ngôn ngữ sống động mà tôi ngờ không chỉ quý ni cô, ma-xơ mà các tiểu thư khuê các xứ tôi thà bị tra tấn, quyết không chịu nghe… tiếp và tôi cũng không tiện lặp lại cụ thể.

Tướng tá bặm trợn, khá ngầu, nên hắn còn công khai cả thẻ sinh viên cho bà chủ đò yên tâm. Theo người kể, thì tú bà sau khi lẩm nhẩm đánh vần, nhận xét “Ngành sư phạm thì tin cậy được đó” – thật ra đấy là thói quen bịa chuyện có duyên của hắn thôi, mà ngày đó chúng tôi gọi là “khôi hài đen” (humour noire).

Tôi còn nhớ rất rõ câu nói cuối cùng của hắn với vẻ chán chường cùng cực, đúng điệu một playboy già bên trời Tây. Đấy là lúc cả đám bạn đã say ngủ – có lẽ với giấc mơ đang làm tình với nàng điếm đỏ – khi tôi và hắn có thói quen nán lại, thốt thêm vài ba câu triết lý vụn.

- Dối trá cả thôi… Chỉ là một con ghẹ tầm thường!… Làm bộ làm tịch, e ấp như hẹn với trai lần đầu, nhưng mỗi đêm đi phải hai tá khách!

Tôi định mở miệng, nhưng khi liếc nhìn bộ mặt mỏi mệt, bỗng già chát như một lão năm mươi, liền ngậm lại.

- Khi hắn tụt quần, liếc thấy cái vỏ hến dính mấy sợi lơ thơ, cứ y như mới gắn vội, tao suýt nhào xuống sông bơi ngược vào bờ…

Tôi thiếp đi, không nghe hết mấy lời lảm nhảm của bạn. Cái nội dung cuối mà hắn nói với giọng khinh bỉ có vẻ không công bằng cho lắm, và hình như không ăn nhập chi với câu chuyện đang bàn. Nhưng ấn tượng sâu sắc về nhận xét có âm hao cay đắng bất ngờ, không ngăn được tôi trong giấc mơ trai tráng chập chờn với cái image lơ thơ tơ liễu buông mành của nàng điếm đỏ danh tiếng đang nổi như cồn.

***

Đôi khi không phải chỉ chuyện lớn mà cả chuyện nhỏ cũng chỉ hé lộ qua một biến cố to tát hoặc một độ lùi đủ xa. Cuộc thay đổi sau đó làm mọi sự như biến dạng.

Không ngờ, các quan hệ không nói mà từ từ trôi xa. Những giềng mối, giá trị thay đổi, và dần dà bộ mặt người cũng không còn như cũ. Hoặc nhiều người đã bỏ mặt thực đeo mặt nạ, hoặc đi xa hơn hay cái mặt người trước đây cũng là một dạng mặt nạ.

Tập quán mà tôi tự giễu là triết lý vụn giằng xé tôi nhiều năm. Tóm lại hàng loạt vụ và sự chứng kiến và nếm trải đáng để bùi ngùi và ngậm ngùi mà tôi đành nén lại, không nhắc, để dành cho câu chuyện đang kể cho các bạn nghe… chơi.

Theo tôi hiểu, về nguyên tắc chính quyền cách mạng xem gái mại dâm là nạn nhân của chế độ người bóc lột người – bọn phong kiến tư sản không chừa cái gì mà không bóc và lột, kể cả “cái đó” – và căn cứ trên chủ trương, chính sách xã hội thì chị em ta một thời thuộc đối tượng được lãnh tụ kiêm thi hào Tố Hữu vỗ về và hứa hẹn sẽ được một cuộc tổng vệ sinh xã hội chủ nghĩa toàn diện, tới độ các bộ phận lỉnh kỉnh “từ trong ra ngoài” sẽ “thơm như hương nhụy hoa nhài” – không dám liên tưởng hàng hiệu Parisien thì cũng nhớ tới nước hoa Thanh Hương của tên đại bịp Nguyễn Văn Mười Hai. Tôi không ngăn được ý tưởng rằng nếu chuyện xảy ra đúng như lời tác giả Từ ấy hứa hẹn, thì ngành hay cán bộ nào thầu được thương vụ rửa ráy, bơm xịt cho vài vạn chị em ta sau chiến tranh ắt đã “kiếm ăn to”.

Kế hoạch tắm táp đầy tính nhân văn của Tố Hữu thất bại, không rõ ngoài chất không tưởng có dính vào vụ “giá-lương-tiền” đã vùi dập tên tuổi ông ta không. Kể cũng may cho người xưa, các vua nhà Nguyễn mà giao cho Tố Như – xin dừng nhầm với Tố Hữu – làm trưởng ban văn hoá văn nghệ phong kiến xã hội chủ nghĩa kiêm thầu vụ tổng vệ sinh cho Thuý Kiều và các nữ đồng nghiệp của nàng thì không rõ sự nghiệp trước tác của ngài đi về đâu!

Trong thực tế, thành công và thất bại của một kế hoạch không hẳn quá rạch ròi. Không thể quy cho chính quyền địa phương về khâu tái định cư quá muộn hay bố trí công việc – đặc biệt khi phải tham chiếu chuyên môn chính, còn gọi là quá trình công tác hay quá trình tham gia cách mạng – của các đối tượng đặc thù này. Trong khi đó, khó phủ nhận một số nỗ lực bố trí công việc thành công rất cụ thể.

Giữa lúc số phận chị em ta đang long đong, mất phương hướng, phần lớn loanh quanh làm bán thời gian chờ hồng ân cách mạng thì râm ran tin Khế Lùn – tôi tránh lặp lại danh xưng “điếm đỏ” nhiều lần để tránh hiểu lầm và khách quan hơn – biến mất hẳn và tiếp theo là tin nàng đã trở thành cán bộ cửa hàng lương thực ở một huyện lớn ven biển. Sẽ là thiên kiến và đạo đức giả nếu biện chứng ra rằng phàm đã có lý lịch mại dâm ắt không thể bán hàng thành công được. Nói giỡn hớt với bạn đọc nhất định thất lễ, nhưng trong nhận định có phần lạnh lùng và thực dụng của chuyên gia quản lý và lao động thế giới, kinh nghiệm chiêu hàng một món hàng thành công nhất định có phần bài học kinh nghiệm cho ngành bán những món hàng khác. Thêm nữa, việc dè bỉu, ngăn trở chuyện hoàn lương của một người đồng bào lỡ đường lỡ sá cũng không hợp nhân tình cho lắm.

Chỗ phức tạp là vào thời đó, vị trí của một nhân viên cửa hàng to lắm. Hàng thiếu, bán nhỏ giọt, lúc nào hàng về là một bí mật, có thứ hàng phải có giấy giới thiệu – đại khái có lúc khăn mặt, giấy chùi đít cũng tham khảo lý lịch, tợ như dân quèn thì mặt dơ miễn lau và ỉa khỏi chùi đít –, đặc biệt không mua cửa hàng phường mình, khu phố mình thì chịu, tìm đố ra chỗ bán. Hệ quả là đám nhân viên cửa hàng quốc doanh – cái từ nhân dân ngao ngán (hàng quốc doanh, rượu quốc doanh, sư quốc doanh…) – nhanh chóng phát hiện vai trò quan trọng của mình.

Tất cả hạ giọng khi hỏi thăm hàng, ngừng nói khi thấy nữ nhân viên đang cắm cúi đọc báo Nhân Dân hoặc cố ý không nghe. Chính cái thứ bậc nâng cấp bất ngờ trong một cái xã hội tồn tại bằng triết lý thứ bậc thật và giả, lại phù hợp slogan truyền thống “thủ kho to hơn thủ trưởng”, hẳn đã làm cho Khế Lùn trở thành đối tượng đáng ghét với nhiều người. Có thể đoán ra, nói riêng cả sự bất bằng của những người từng bỏ ít tiền để cưỡi cửa hàng phó – thời gian này Khế Lùn đã là cửa hàng phó, tiếp tục thăng tiến – y như cưỡi ngựa hàng giờ liền!

Một vở kịch chỉ cần một cao trào, nhưng đời “điếm đỏ” có tới vài ba cao trào, vượt cả quy phạm kịch nghệ cổ điển – có lẽ Trà hoa nữ của A. Dumas con cũng phải ganh tị.

Tiếng đồn Khế Lùn có quan hệ tình ái với chủ tịch xã địa phương, là con trai của chủ tịch huyện (người được cho là dám giả mạo chiến công thời kháng Pháp để lĩnh danh hiệu anh hùng, nhưng vẫn có tin đồn chuẩn bị bàn giao, về nhận vị trí đầu tỉnh sau đại hội) lan ra như lửa.

À, như rứa đó, rất biện chứng. Từ chỗ hôi tanh lôi ra dưới ánh sáng thời quá độ thuộc phạm trù “tốt thôi” phải có quý nhân phù trợ – dù quá trình tắm táp, bơm xịt bằng nước hoa tinh chế bằng hương nhụy hoa nhài quả thiếu tinh thần công khai đi nữa. Nên có người nghe chuyện có ý khen chàng cán bộ trẻ đang thăng tiến (nhờ lý lịch) không hẳn vô lý.

Trước đại hội đảng các cấp, lại rò rỉ tin (giả hay thật?) do có quan hệ tình cờ răng đó, chính chủ tịch cha mới là người đưa Khế Lùn về ngành thương nghiệp và xảy ra xung đột không lường trước với con trai. Người quê tôi, dù là bình dân hay có học, có óc tưởng tượng cao nên có thêm giả thuyết “điếm đỏ” có xu hướng bẩm sinh ái mộ trí thức xã hội chủ nghĩa (bây giờ thì dùng cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” OK quá rồi, vì chủ tịch bố do có bằng trung cấp chính trị bưng biền đã lấy tiếp bằng cao cấp Nguyễn Ái Quốc chính khóa, và chủ tịch con chưa tốt nghiệp chương trình đệ nhất cấp (cấp hai), loay hoay sao không rõ, nhận bằng cử nhân luật tại chức!), nàng đã phải lòng cả hai. Con thắng cha trên sân khấu ái tình là chuyện không khó hiểu, nhất là khi con có giữ cái văn bằng cha nằm mơ cũng không có: bằng độc thân (ngẫu nhiên cái bachelor’s degree – bằng cử nhân trong tiếng Anh còn có nghĩa độc thân).

Nếu tin vào miệng lưỡi thế gian rằng vụ viêc liên quan cha con nhà Karamazov xã hội chủ nghĩa đã suýt được giải quyết bằng súng, ngay trước mặt bà chủ tịch huyện “câm” – hệ quả sự câm này liên quan một bi kịch lớn khác mà tôi kể thêm sau. Thông tin không rõ ai tung ra – người vô can mà sáng tác ra e vô duyên – rằng Khế Lùn đóng vai giao liên tài tử khi lần đầu gặp chủ tịch con, và chàng học trò trung học đệ nhất cấp không bao giờ tốt nghiệp hoạt động nội thành, không hề rõ gốc gác của nàng trong một xen lãng mạn cách mạng ngoài kịch bản – vâng, chi tiết quả thêm cho phía chủ tịch con một điểm, nếu nó có thật. Riêng tin gán vụ tình tang giữa Khế Lùn và chủ tịch cha hơi ác khẩu, có lẽ do thói quen chào cán bộ gái và động viên ca sĩ gái trên sân khấu bằng cách hôn má kết hợp với môi của lão bônsơvích – tập quán nghe nói đã có lịch sử đâu từ thời Mao chủ tịch, bên kia biên giới Việt-Trung!

Trái đất cũng khá tròn và dù mấy chục năm xưa chưa có iPhone và mạng, nhưng các dấu hiệu một ngôi nhà toàn cầu đã hé dần. Ít ra cũng gần với cách nói trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay trong dân gian. Tin chủ tịch con sắp cưới một em đĩ rạc thỉnh thoảng bùng lên, dù lại leo lét dần. Có người không nhớ được tên bộ trưởng Bộ Giáo dục, không dám chắc thủ tướng đương nhiệm là ông Võ Văn Kiệt hay ngài Đỗ Mười lại biết vụ Khế Lùn sắp qua phòng thương nghiệp, bảo đảm đà thăng tiến.

Cũng chuyện trái đất tròn tròn mà nhắc chuyện ngẫu nhiên một bà dì tôi hoá ra làm dâu trong họ tộc khét tiếng có tới hai chủ tịch này. Con gái dì, gọi tôi bằng anh, và là bạn lò cò nhảy dây với nhau hồi nhỏ, có dịp kể các chi tiết bí mật qua mẹ mình. Hay nói đúng hơn, chính tôi có dịp giải mã, nối kết đống tin tức bản thân không thể không tò mò.

Hoá ra – nếu chuyện họ tộc nhà chồng do dì tôi kể lể là đúng sự thực – chuyện hai cha con suýt đấu súng có thể tin được. Chỗ thiên hạ xào nấu là, nhân cùng lúc cả hai đều bỏ chính sự, đi đi về về cố thuyết phục bà già câm đồng ý vụ cưới… Khế Lùn (cho chính mình) mới sinh chuyện.

Nhân chuyện này cả huyện mới rõ ngay sau bảy lăm, đất nước hoà bình thì trong nội bộ vợ chồng, lão du kích già cũng đành phải buông súng vì bà vợ đùng đùng tắt tiếng, tắt kinh và tắt cả lửa lòng– đó là lời ông ta tự khai, và mục đích tiết lộ chuyện không nên khoe này xem ra không khó hiểu lắm.

Dù các pha li kì đang rất phổ biến trên phim ảnh dạng mì ăn liền hiện nay, tôi không cho việc trích dẫn các tin đồn vô tội vạ là chuyên nghiêm túc. Các chi tiết có mùi Karamazov giữa cha con nhà hai chủ tịch thực ra không hề hấp dẫn tôi. Trong cơn si dại thì dân xã hội đen hay nhân thân ba đời đảng viên ứng xử không chắc khác nhau – điều mà các nhà xã hội học đều biết. Dù gì thì đoạn kết không vấy máu, nếu không nói Karamazov cha còn sót tí máu hiệp sĩ của “mùa thu rồi, ngày hăm ba…” vào phút cuối – nuốt không được thì nhả – và Karamazov con gợi vài trang Trà hoa n của thế kỷ trước.

Nhân tiện nói với những ai hoài nghi kẻ hèn nay đang nhằm nói xấu đồng hương, hay nguy hiểm hơn, đang tìm cách nói xấu cán bộ, rằng chư vị nhầm hẳn mất rồi. Nếu khoái chuyện tình tang, xung đột lôi thôi giữa cha và con thì tới nhân vật chóp bu tận thiên đình cũng thiếu chi thông tin tư liệu rò rỉ – mấy cái chức huyện xã quê nhà là cái đách chi!

Các cao trào trước cao trào cuối cùng – sự nối nhau chừng đó sự cố mà gọi được là “cao trào” thì e sai cả mặt thuật ngữ kịch nghệ – nghe thật khó tin, nói chi tới chính cao trào thật sự. Rất may chuyện người nhà quê miêu tả, chắp nối lại rất đơn giản, đỡ công phu hư cấu.

Một tối đã khá khuya, xe chủ tịch huyện đỗ ngay cổng, ông chủ cuốc bộ vào một mình – dấu hiệu ông không ở lại đêm. Nhà chỉ có bà vợ già và một bà em họ không chồng làm “thông ngôn” cho bà chủ. Người ta gọi đùa vì bà này làm công việc diễn lớn ý bà chủ muốn nói. Nghe nói bà chủ tịch già, là một nữ du kích, đồng chí của chồng. Sau tháng tư bảy lăm ít ngày, đang quét dọn nhà cửa thì nghe tin cậu con trai út trên đường từ bưng về đạp mìn của chính phe ta, chết tại chỗ. Bà mẹ ngất xỉu, ú ớ dăm tiếng rồi câm hẳn.

Nhâm nhi tách trà Thái Nguyên cho mặn miệng, ông chủ kề tai bà vợ câm nói một tràng dài.

- Thôi, tôi nghĩ kỹ rồi. Đành cho thằng cả cưới phứt con Khế đi. Nó hoá ra gốc gác làng Chài như tui. Cưới trước đại hội càng tốt, xem thằng mô dám há miệng, tui sẽ trị cho biết… Mà chi bộ hai họ nội ngoại ta còn chiếm đa số trong chi uỷ xã… Lo mần chi hè! Chúng nó biết tỏng tui sắp lên đầu tỉnh, mần cha,  mần mạ cả họ tộc nhà chúng nó, dám mà hó hé. Đảng ta là đảng khét tiếng về chiêu tập trung dân chủ, chưa đại hội đã biết kết quả, mới sáng suốt chứ!... Mới đúng là đảng bách chiến bách thắng chứ!

Trên thực tế, hẳn nội dung dài hơn phần trích dẫn của đứa con bạn dì (qua thông ngôn và lời kể lại của bà dì e rơi rụng không ít!). Và hẳn thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi nội dung bà vợ ú a ú ớ và phần phiên dịch mới phải. Nhưng đứa em bạn dì liến thoắng kể tiếp như phóng viên truyền hình trực tiếp thu lời thoại của diễn viên (trừ mấy chữ trong ngoặc kép do thói quen nghề nghiệp, người viết thêm vào).

- Tui cũng đau lắm chứ (có thể đoán người nói quay mặt, không nhìn người nghe)… Đau lắm! Nhục lắm, người ta bôi tro, trét trấu vào mặt. Mất cái tiếng một nhà hai chủ tịch như chơi. Mà mụ mi nè… Thằng cả con mụ mi coi bộ ham gái cũng mù quáng như hồi tui bị mụ mi bỏ bùa!

Bà chủ tịch “hừ… hừ… hừ…” ba tiếng liền, mặt đỏ rần, miệng méo xệch (theo lời bà thông ngôn sau này nói lại mới biết bà không dám diễn to ý bà chủ nhà. “Ông… ông cả gan ví tôi với… với… Ông đau lắm, tôi biết lý do mà… Nhưng phần nhục là dành cho tui… Cha con ông mà biết nhục hoá ra phước cho đảng ta và họ tộc nhà mềnh)… Rồi bà già câm lả người vào thông ngôn nhà.

- Giờ mi nhớ mụ mi không còn là bà chủ tịch huyện nữa đó… bị xuống chức phó… thành bà phó chủ tịch tỉnh rồi hi (chắc muốn tự thưởng cho câu nói có phần duyên dáng, nên mới có giọng cao đàm hứng chí tiếp theo).

- Làm to, cái đầu cũng phải thoáng mụ mi ơi… Con người ta một thời bị bóc lột, đày đoạ nhân phẩm, giờ cách mạng tắm táp cho cũng nên thương… Mà đố thằng mô có bằng, có chứng. Có bằng chứng hoá ra tự tố giác mình suy đồi, hủ hoá, chui xuống đò đĩ thu tài liệu răng... Hí… hí!

Cứ như đà kể nôm na này thì cảm được sắc giọng càng lúc càng bốc hứng và sâu xa vô cùng của nhà cách mạng lão thành.

- …Mà nì, có mấy đồng chí lúc nhậu sương sương phân tích thâm thuý mà nhân văn lắm… Anh em có học vấn cao ở Liên Xô, Đông Âu về, người ta nói chỉ việc lắng tai mà nghe… Mà họ biết cả! Biết mà vẫn bênh vực cái nhân văn, phải lẽ… Có đồng chí nói, có ai gọi ai là điếm xã hội chủ nghĩa đi nữa thì vẫn có nội dung “xã hội chủ nghĩa” đàng sau… Chỉ móc thêm cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” sau “thị trường” mà giữ được thị trường, không giữ thì lấy cứt mà ăn hí… Mà có là “điếm đỏ” thì phần “đỏ” cứu được phần “điếm”, mụ mi thấm chưa, hiểu cả chưa. Vận vào chuyện con Khế cũng rứa thôi… (cười ha hả)… Cũng là biện chứng cả thôi!

Theo lời cô em có năng khiếu phóng viên của tôi thì ông cúi gập người về phía bà vợ câm, cười toe toét khi hạ giọng với hồi kết như vần “thắng” vút lên cao mà tha thiết hẳn:

- Rứa là mụ mi ngộ cả rồi hí. Gốc bần nông, nghe chủ nghĩa Mác là hiểu ngay… Rứa là đồng ý cho thằng cả cưới con Khế hí... Để tui điện cho cả hai. Tụi nó đang lúi húi lo đại hội đảng ngành và xã ta… Nì, tổ cha cái thằng cả nhà ni. Máu thằng chó ni…  Không để yên nó cả gan mần tầm bậy ngăn cản đường thăng tiến của tui như chơi. Thời thế khác rồi, lưu manh và điếm dám xoay chuyển được cả chế độ và thế giới không chừng… Phải học cách chơi mới. Tui đã nói mụ mi, hễ gốc bần nông, nghe biện chứng là hiểu liền. Các đồng chí tiến sĩ, phó tiến sĩ Đông Âu về chỉ rõ cái biện chứng giữa “điếm và đ”, nói “điếm xã hội chủ nghĩa” thực chất vẫn là biện chứng đi lên, khẳng định, mụ mi nờ…

- Xã hội chủ nghĩa hay phi xã hội chủ nghĩa… thì… thì…

Phát hiện bà thông ngôn đang đứng bên trái mình, mà tiếng rít bất ngờ vang bên tai phái, khuôn mặt chủ tịch huyện bỗng tái nhợt, ngẩn ngơ. Không thể phân biệt mình đang vui, buồn, kinh ngạc…,  ông ta gần như khụyu xuống dưới chân bà vợ già mấy giây trước còn “câm” trăm phần trăm, bập bẹ không thành tiếng:

- Mụ mi… mụ mi… thì… thì răng…, nói cho hết đi!

Mụ thông ngôn cũng từ từ khuỵu xuống y hệt chủ tịch huyện, rồi đột ngột nẩy người lên vì tiếng hét có chút man rợ của cựu nữ du kích Việt cộng kiêm mẹ liệt sĩ:

- Xã hội chủ nghĩa hay phi xã hội chủ nghĩa thì điếm vẫn là điếm, đĩ vẫn là đĩ!

Không rõ do vô tình hay quá cảm xúc, bàn tay có móng dài lâu không cắt của người vừa từ cõi câm lặng trở về đánh trúng giữa trán, khiến nhà lý luận cộng sản cơ hội chủ nghĩa đột xuất bật ngửa ra sàn nhà.

Và lời đay nghiến được tích tụ hàng chục năm của người đàn bà ghen tuông đã tự đày đoạ mình trong cõi vô ngôn, bỗng đột ngột tuôn ra, giòn giã như súng liên thanh Tiệp Khắc:

- Điếm đỏ cũng là điếm! Hiểu chưa?! Đừng hòng bịp mụ già ni, hí… hí… Thằng già ngu, thằng du kích làng Chài… thằng điếm đỏ!