Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 277): Bể dâu – Nam Dao (14)

MÙA RỪNG ĐỘNG (14)

*

Tiếng lộc cộc trên con đường làng khiến bụng Duyên thắt lại. Không nói không rằng, Duyên tung cửa chạy ra đồng tìm Thành, miệng reo, anh Dân về rồi. Vắng Dân cả tháng, Duyên khám phá ra là mình thấp thỏm chờ đợi một điều gì chính nàng cũng không biết chắc. Rửa hai bàn chân đầy bùn, Thành xỏ đôi dép Bình-Trị-Thiên, tất tả đi về. Xồng xộc đẩy cửa vào nhà Dân, Thành gọi thì Dân ở sau vườn bước lên.

- Chuyện làng xã có gì mới không? Dân hỏi.

- Cũng vẫn vầy vậy! Trừ một chuyện...

-???

- Từ từ, rồi tao sẽ kể! Tối nay qua nhà tao ăn cơm. Ông cụ nhà tao cứ nhắc mày. À, anh Cự xưa ở đơn vị mày đã về Nghi Dương, ghé đây hỏi thăm mày!

Dân nhớ ngày mình được kết nạp và thành Trung Ðội trưởng. Không có Cự là người đề bạt thời đó, chắc gì Dân đã thành đảng viên hôm nay. Hình ảnh Thắm chợt ập về, như một cơn giông. Giữa tiếng mưa ngày nào, tai Dân lại văng vẳng tiếng Thắm réo lên ở Vĩnh Mốc gọi mình ngày chia tay. Xua tay để trở về thực tại, Dân hỏi Thành:

- Anh ấy nguyên lành hay cũng sứt mẻ như bọn mình?

- Nguyên lành, chỉ có cái là cứ ho sù sụ. Anh ấy bảo xưa bị sức ép của bom nên bây giờ thở có chút khó khăn!

- Thế là may, Dân thở ra. Ðược, tối tao qua chào ông cụ nhà mày!

Dân vào nhà lấy quần áo rồi ra sau vườn múc nước trong chum tắm giặt. Sạch sẽ, Dân đi ra nghĩa địa tìm mộ cha. Nơi mộ phần chôn người ‘‘ngoài’’ là chỗ giáp với con đường dẫn qua làng bên. Trông đám gò đống, thật khó biết mộ ai. Dân vạch cỏ, và không biết vì sao chàng thụp xuống một nấm đất cỏ vàng mọc quanh, linh cảm là mộ cha. Rút bó nhang ra, chàng châm lửa, khấn cha có linh thiêng xin về chứng giám trước khi cắm vào lòng đất. Một cơn gió thốc từ trời thổi xuống thế nào khiến đầu những cây nhang đã tắt lửa chợt bùng lên cháy. Ngạc nhiên, Dân nhìn theo những làn khói mỏng nhuộm xanh không trung, hy vọng sẽ thêm một lần thấy hình bóng người có một cánh tay rũ xuống. Nhưng mắt chàng tối sầm lại, tai nghe một tiếng cười nhẹ như tiếng tơ vướng vào cõi người ta thật oái oăm nhưng chẳng dễ gì dứt bỏ.

Sẩm tối, Dân sang nhà Thành. Chẳng như mọi lần, Duyên ở sau bếp. Nàng dọn cơm, không lên ngồi ăn như lệ thường, thỉnh thoảng ló mặt nhưng chẳng nhìn Dân. Cơm nước xong, ông bố Thành mới đem ra một vò rượu mới cất. Ông khề khà:

- Mẻ này khá. Cầm chén rượu đưa ngang mắt, ông ngắm nghía - sủi tăm thế này, chôn xuống ao ba tháng sau thì đầm lắm, hà hà...

Thành hỏi sao Dân đi lâu thế. Không muốn kể là mình ở lại để Tín dạy cho một số khái niệm cơ bản trong văn phạm Pháp, Dân nói lảng rồi thắc mắc:

- Có gì mà sáng mày bảo tối nay mới kể?

Nhìn ông bố, Thành im lặng. Ông nốc một ngụm rượu, ề à:

- Ờ, chuyện cái Duyên ấy mà! Anh Kiên thường vụ nhờ bà cô đến đánh tiếng mối mai, nhưng nó cứ giẫy nẩy lên. Nó lại nói nó đúng chính sách, sẽ xây dựng với một anh thương binh như Ðảng vận động... Anh Kiên hận lắm, giờ chẳng đến thăm hỏi nhà này như xưa!

- Nhưng thế thì có làm sao? Dân hỏi. Chuyện vợ chồng là chuyện hệ trọng, bó buộc nhau thế nào được!

Ông bố Thành ngắt:

- Ấy nhà này thì khác. Bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Từ ngày mẹ chúng nó đi, tôi gà trống nuôi con hai mươi năm nay mà tôi lại không có cái quyền gì à?

- Thế bác tính thế nào?

- Ờ ờ... tôi bảo anh Kiên là người trên Huyện, thế nào thăng quan tiến chức là cũng sẽ mang vợ đi. Nếu cái Duyên ưng, là tôi mất con gái! Tôi nói thế, vơ vào mình để nhà anh Kiên anh ấy có thù oán thì chỉ mình tôi. Già thế này, kề miệng lỗ thì có sợ gì... Thế là bắt đầu rách việc!

- Rách thế nào? Dân thắc mắc.

- Ấy... cái thời Cải Cách Ruộng Ðất, nhà tôi bị qui là trung nông, rồi đánh xuống nên chỉ mất vài sào ruộng nhưng yên ổn. Nay bỗng dưng Ủy Ban gọi lên, nói là có kẻ mật báo ngày xưa tôi chôn của, ‘‘lừa’’ nhân dân qui sai thành phần, phải xét lại. Thế là công an đến bắt cuốc cả mảnh vườn đằng sau lên. Không biết thế nào, họ bảo họ bắt được một cái chum, trong đó có gì thì họ không nói, chỉ lập biên bản bắt ký vào.

Thành thở dài:

- Chuyện xong đã hai mươi năm rồi, nay lôi ra sinh sự thì thật là vô lý. Ngẫm lại, có lẽ chỉ vì cái Duyên mà ra!

Quay nhìn ông bố Thành, Dân hỏi:

- Thế bác có ký không?

- Không! Ông bố Thành lắc đầu - Có tận mắt thấy gì đâu mà ký. Cái nhà anh Kiên anh ấy sừng sộ, nhưng may lúc đó có cả Duyên và Thành ở nhà. Chúng nó bảo không ký kết gì và đòi khiếu nại!

- Nói thế thôi, chứ chuyện con kiến mà kiện củ khoai, khiếu với nại gì, Thành chua chát.

- Chỉ có một cách... -ông bố Thành nốc rượu, tiếp - ...là cái Duyên lấy chồng thương binh thật. Khi ván đã đóng thuyền thì chắc chẳng ai hoạnh họe gì nữa. Nhất là lấy được một anh thương binh đảng viên thì ‘‘hết ý’’!

Dân bấy giờ hiểu ra. Chỗ chân bị cưa nhói lên. Thì ra Duyên tránh mặt là vì thế. Tội nghiệp con bé. Mình coi nó như em. Cái tình anh em không phải là tình trai gái. Vả lại, hình ảnh Thắm vẫn đó. Những đêm bị ác mộng hành hạ, Dân gọi tên Thắm và khơi lại hình ảnh nàng như một liều thuốc an thần. Nhắm mắt, Dân tưởng tượng Duyên nằm cạnh như một người vợ. Thế thì mình thoát những cơn ác mộng thế nào? Gọi Thắm là phản bội Duyên. Nằm với Duyên, là phản bội Thắm. Trừ phi Thắm cũng đã hy sinh! Nhưng lạy trời, đừng bắt Thắm phải chết. ‘‘ Sống thì về Ý Yên tìm em nhé!’’. Ðúng rồi, phải đi Ý Yên. Dân vỗ nhè nhẹ vào chiếc nạng gỗ, phải đi thôi! Tự nhiên, ý nghĩ gặp Thắm làm chàng rùng mình. Chỗ chân cụt lại nhói lên, nhắc Dân ngày xa Thắm chàng nguyên vẹn chứ không tật nguyền, nhưng nay chàng là một gánh nặng cho những người kề cận.

Dân cắn răng đứng lên. Phải đi ngay, tránh cho những người trước mặt nói thêm bất cứ một lời nào. Dân chống nạng ra cửa. Một cặp mắt long lanh nhìn theo Dân. Và kèm thêm một tiếng thở dài, rất nhẹ.

*

- Ðất nước chúng ta còn nghèo! Ai cũng phải thắt lưng buộc bụng! Nói xong, Bí Thư xã thỏa mãn như vừa tìm được chân lý.

Bà Chủ tịch trách nhiệm Hợp Tác xã gắp mời ông Bí Thư, miệng trơn như lớp mỡ bóng nhoáng trên môi, xởi lởi:

- Ðúng! Chưa thống nhất đất nước là còn cứ hy sinh. Bây giờ nghèo cả, có ăn hơn người bên cạnh một miếng cũng chẳng no được! Có phải không chú Dân?

Không biết từ lúc nào bà thân mật xưng chị và gọi Dân bằng chú. Bà suỵt soạt ‘‘Lãnh đạo xã đặt chú vào làm cán bộ quản lý Hợp Tác xã là sáng suốt tài tình lắm. Có việc gì cứ hỏi chị, chị ‘‘báo cáo’’ cho chú để chú làm việc tốt. Úi dào, cứ người tốt việc ắt tốt. Ai chứ chị thì chị tin chú!’’. Nói thế, nhưng ở cương vị chủ nhiệm, bà khéo léo lèo lái để Dân ‘‘báo cáo’’ chuyện phân bố công điểm thế nào cho đúng ‘‘truyền thống’’. Mùa gặt vừa xong, nhiều vấn đề lộ diện. Người ta đếm những lần Dân xuất hiện có bà Chủ tịch xã bên cạnh, và đoán cái phần công điểm của mình. Ông Chủ tịch sợ vợ, chuyện gì cũng giả cười hềnh hệch. Ông Bí Thư chân trước chân sau chỉ chực về Huyện. Ðồng chí Kiên thường vụ không khác mấy, nhưng vì ôm mối hận với cái Duyên, tuyên bố nhất định lấy vợ ở đâu thì lấy chứ không lấy gái ‘‘nhà quê’’. Không lấy, nhưng lại lăng nhăng. Những cô gái đi thanh niên xung phong trở về xã chẳng được như bộ đội phục viên. Không chỉ tay không, họ oằn lưng đèo gánh nặng của thứ thành kiến làng xã hẹp hòi, cho họ là những kẻ đã chung chạ ăn nằm với lính tráng. Trả công cho những phụ nữ đi xẻ đường, lấp hố, tải thương và hàng trăm thứ việc linh tinh đếm không hết là sự khinh miệt xa lánh của đồng hương. Một chị uất lên, treo cổ cạnh miếu thổ thần, để một mảnh giấy tuyệt mệnh trên viết ‘‘ Nguyền cho dân chúng mày ở xã này ăn không nên, làm không ra, chẳng bao giờ ngước mặt lên được’’. Ít lâu sau, một số bỏ lên Hòa Bình vào trại trồng cam của thanh niên xung phong. Số ở lại làng cắn răng nhẫn nhục, vì họ đều có cha mẹ già không có ai là người nương tựa. Làm như thông cảm, Kiên đưa các chị này vào đội dân quân tự vệ, điều kiện là chính mình có được sự thông cảm tương xứng, chân tình, và kín đáo của các chị.

Bà Chủ tịch rót rượu cho Dân, giọng hể hả:

- Thật chịu chú! Ðịnh theo gương Bác nhất định không lấy vợ phải không? Ấy, đứa con gái nào xã mình cuỗm được chú làm chồng là hồng phúc cho nó. Không trai gái điều tiếng, chú lúc nào cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Chí công vô tư như chú thì quả là Ðảng viên cán bộ điển hình... Dạo này cái Duyên thế nào?

Kiên giả vờ quay mặt đi không nghe. Phần Dân, chàng biết bà đang dùng một phát súng bắn hai con chim. Không trai gái là bắn Kiên. Còn chí công vô tư, bà nhắm đến việc Dân đi hỏi từng hộ trong xã về những khúc mắc và nguyện vọng của xã viên, bỏ ngoài tai lời khuyên của bà là chuyện chia công điểm cứ việc lật sổ năm ngoái ra xem, trước sao sau vậy. Dân biết bà muốn đưa mình và Kiên vào thế kình địch, nhẹ nhàng đáp:

- Lâu nay tôi bận công tác, rất ít qua nhà anh Thành, chẳng biết gia đình anh ấy thế nào! Nhìn Bí Thư xã, Dân khẩn khoản nhắc - với lại, lãnh đạo xã biết là tôi đã xin đi học lại. Công tác ở xã với tôi chỉ tạm thời, lúc nào tham gia được là tích cực góp tay vào việc tập thể, trong khi chờ quyết định ở trên Huyện!

Kiên bĩu môi. Ông Bí Thư chưa đáp thì bà Quyên hớt ngay:

- Chú có trình độ, đi học là đúng quá, phải công tác ở cấp tỉnh, cấp huyện mới xứng đáng. Tạm thời, bà cười cợt, ở xã thì cứ được lòng mọi người là ‘‘tối ưu’’ đấy.

Dân cười, cố giấu vẻ bực dọc. Ðến từng hộ về việc chia công điểm đã gây ra tiếng xì xào rằng Dân đang vận động quần chúng ‘‘chống’’ lại lãnh đạo, thậm chí đi ‘‘ngược’’ lại đường lối của Ðảng. Ông Chủ Tịch nhắc khéo Dân, ý bảo muốn chuyện đi học suôn sẻ, hãy tránh mọi việc có thể gây ra ‘‘ngộ nhận’’. Và khi Dân phân trần với ông Bí Thư, ông ta giả lả ‘‘Chuyện gì thì cũng từ từ giải quyết trong tinh thần đoàn kết và liên đới trách nhiệm’’. Không thấy Dân uống, bà Chủ tịch giục, nâng ly lên nào. Dân gượng gạo nốc một hơi, hy vọng chặn cơn buồn nôn đang trào lên cổ họng.

*

Về đến nhà, Dân vừa đẩy cửa thì nghe thấy tiếng thút thít. Trong bóng đêm, ai đó ngồi cuối thềm, tay bưng lấy mặt. Dân nhận ra Duyên. Ðến cạnh, Dân bỏ cây nạng, lẳng lặng ngồi xuống.

- Có chuyện gì thế Duyên? Dân nhẹ giọng.

- ...

Trăng lưỡi liềm lên gần đỉnh ngọn tre phất phơ gió. Xung quanh, tiếng côn trùng rỉ rả. Ếch trong ao sau vườn thỉnh thoảng ồm ộp kêu. Ðom đóm hàng đàn bay trên mặt ao, ánh sáng lấp lóe chiếu hàng cây ven bờ nghiêng như chực ngã xuống nước. Dân lại nhắc:

- Làm sao lại khóc hở Duyên?

Không nhịn được, tiếng thút thít vỡ òa nức nở. Lát sau, Duyên ậm ực:

- Nhục lắm rồi... từ đầu thôn đến cuối thôn, người ta bảo...

- Bảo gì?

- ...bảo em phải lòng trai, nhưng có quì xuống mà xin ‘‘người ta’’ cũng chẳng đoái hoài!

Dân im lặng, lòng đau thắt. Ðịnh nói về Thắm, nhưng Dân ghìm lại, chỉ thì thào:

- Duyên ạ! Người lấy được em là người có phúc....Anh nói thật, em xinh đẹp, lại tốt bụng, thẳng thắn. Cả xã mới có được một như thế!

- Vậy, tại sao ‘‘người ta’’ hắt hủi em?

- Hắt hủi thì không! Dân nghẹn giọng - Liệu anh có được quí mến em bằng cái tình anh em như xưa không? Chắc em hiểu tình vợ chồng khác! Vả lại, què cụt như anh, làm sao em hạnh phúc được!

Duyên khóc nức lên, tay cào vào mặt. Giằng tay Duyên lại, Dân cắn răng thì thào:

- Với lại, từ ngày bị thương anh chẳng chắc anh có làm được một người đàn ông không! Em hiểu chứ!

Nghe đến đó, Duyên rú khẽ rồi ôm choàng lấy Dân, mặt áp vào vai, cứ thế khóc.

- Giời ơi! Duyên thầm kêu, thì ra thế ư?

Cắn răng, Duyên thì thào: ‘‘ Dẫu gì thì em cũng chịu được mà!’’ nhưng Dân im lặng thở dài. Không biết bao lâu sau, Duyên đứng lên, tức tưởi:

- Thôi, em đi!

Dân nhìn theo bóng Duyên khuất vào bóng đêm xanh mướt ánh trăng ma quái, thẫn thờ chống tay nhổm dậy.

Rạng sáng hôm sau, Thành hớt hải gọi Dân. Ra cửa, Dân nghe Thành nói:

- Cái Duyên nó đi mất từ tối hôm qua rồi!

*

Giằng co mãi giữa một bên là đặc lợi những người được Ủy Ban xã bao che, bên kia là sự ta thán của xã viên ấm ức bất bình, cuối cùng thì Dân cũng phải làm cho xong việc chia công điểm của Hợp Tác xã. Dân lẩm nhẩm ‘‘Đúng là làm dâu trăm họ’’ khi đưa hồ sơ lên cho Bí Thư, Chủ Tịch, Thường Vụ và chủ nhiệm Hợp Tác xã duyệt xét. Ông Bí Thư cười cười: ’’ Có khó mới giao cho đồng chí chứ!’’ nhưng mặt xám ngoét lại khi Kiên vội vã chạy vào báo là đám bộ đội phục viên đòi gặp lãnh đạo. Kiên bực bội thốt: ‘‘ Lại cái máu ‘‘công thần’’ vây vo đây!’’. Ông Chủ Tịch góp lời ‘‘ Hay nhất là ta yêu cầu họ bầu ra một hay hai đại diện, sáng mai Ủy Ban mời vào để lắng nghe! ’’. Nhìn mọi người gật đầu, Kiên tất tả đi ra, môi gắn một nụ cười giả tạo. Mươi phút sau, Kiên vào báo:

- Chúng nó không chịu, đòi gặp lãnh đạo xã ngay. Ðể tôi gọi công an tự vệ đã rồi các đồng chí hẵng ra!

Rách việc! Bí Thư vừa lắc vừa nói. Nhìn Dân, ông ta hạ giọng:

- Đồng chí là cấp Úy, lại đảng viên có uy tín. Chúng tôi tin tưởng có đồng chí là ‘‘thông’’, không ngờ thế này! Hay đồng chí ra trước xem sao?

Dân bận môi, đăm chiêu. Ðúng như lời ông bố Thành, Ủy Ban hy vọng Dân là người có thể thỏa hiệp được với những gia đình đã bất bình từ vụ mùa năm ngoái. Họ có con có cháu là bộ đội phục viên mới hồi hương, nghĩ rằng ở thế có cơ giật lại quyền lợi mà đám Ủy viên xã đã giành cho những người thân thích của họ. Nhìn Bí Thư, Dân nghiêm giọng:

- Tôi ra, nhưng chẳng chắc gì cả!

Bên ngoài, lố nhố vài ba chục người, lành có, cụt có. Thấy Dân, họ nhao nhao hỏi:

- Bí Thư với Chủ Tịch đâu?

Bội đội phục viên phần đông là những kẻ đồng lứa với Dân, xưa cùng đi học, đánh đinh đánh đáo, nên quan hệ cũng có khác. Dân chống nạng đi xuống tam cấp, tiếng lộc cộc còn vang lên thì ở đâu đám công an và tự vệ đã quây lại. Xưa là trinh sát, thằng Sự vốn chẳng sợ trời sợ đất gì, hùng hổ:

- Bây giờ xã định mang lực lượng ra đàn áp dân hả?

Phanh áo vạch ngực ra, Sự quát:

- Chúng mày có giỏi thì cứ bắn vào chiến sĩ đi B để cho chúng mày yên thân nằm gí ở hậu phương đi! Cha tiên nhân quân ăn cháo đá bát. Tao hy sinh để rồi chúng mày nhảy lên đầu lên cổ tao hả?

Sự hầm hầm đi về phía Kiên. Tay này lùi ra sau trong khi Dân vội vã chống nạng xen vào giữa, giọng nghiêm nghị:

- Anh em, bình tĩnh! Chuyện đâu còn đó, không được làm bậy!

Sự lừ đừ quắc mắt nhìn Kiên, rồi quay sang Dân, gầm gừ:

-Anh cũng vào phe chúng nó à?

Lắc đầu, Dân xuống giọng:

- Cán bộ ở vị trí nào cũng là đầy tớ của nhân dân...

Không ngờ, cả đám người lố nhố nghe rồi phá lên cười. Dân ngượng, nhưng không khí đang căng lắng xuống được chút ít. Khi đó, Bí Thư và Chủ Tịch xã đều bước ra. Đồng chí Bí Thư đề nghị anh em phục viên cử đại diện, nói:

- ‘‘Trao đổi’’ như thế cho có chất lượng và đúng nguyên tắc tập trung dân chủ!

Thêm một lần, đám phục viên lại phá lên cười. Một người lớn tiếng:

- Và đúng cả nguyên tắc nói với cái đầu gối!

Lần này, có kẻ bò ra, cười lấy cười để, cười ra nước mắt. Khi ngơi tiếng, Thành bước lên một bước, giọng quyết liệt:

- Chúng tôi đưa chuyện công điểm của Hợp Tác xã lên lãnh đạo Huyện. Và đồng thời, xin trên giải quyết những oan ức khác.

Có tiếng hô:

- Nơi nào có áp bức, nơi ấy có đấu tranh. Hồ Chủ Tịch muôn năm!

*