Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Thuật ngữ chính trị (76)

Phạm Nguyên Trường

241. Free trade area – Khu vực thương mại tự do (FTA). Khu vực thương mại tự do là một nhóm các quốc gia, ví dụ, Khu vực tự do thương mại Bắc Mĩ (Canada, Mexico và Hoa Kì) hứa rỡ bỏ tất cả các rào cản đối với hàng hóa của nhau, mặc dù không rỡ bỏ rào cản đối với dịch chuyển tư bản và lao động. Mỗi nước tiếp tục tự quyết định quan hệ thương mại với các nước không phải thành viên của nhóm, cho nên FTA khác với liên minh thuế quan (customs union), vì liên minh thuế quan áp đặt mức thuế nhập khẩu chung cho tất cả các nước thành viên.

242. Free vote – Bỏ phiếu tự do. Bỏ phiếu tự do hay bỏ phiếu theo lương tâm là hình thức bỏ phiếu trong cơ quan lập pháp mà các thành viên được phép bỏ phiếu theo lương tâm của mình chứ không phải theo đường lối chính thức do đảng của họ áp đặt. Thường thì, đây là những vấn đề đạo đức, ví dụ, phá thai hoặc hình phạt tử hình.

243. French Revolution – Cách mạng Pháp. Cách mạng Pháp (tiếng Pháp: Révolution française; 1789–1799) là giai đoạn biến động dữ dội về lịch sử và xã hội ở Pháp và các thuộc địa của nước này, khởi đầu vào năm 1789 và kết thúc vào năm 1799. Các mạng đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế; thiết lập chế độ cộng hòa; là tác nhân gây ra giai đoạn bạo lực chính trị kinh hoàng và đỉnh điểm là chế độ độc tài của Napoleon Bonaparte. Napoleon cũng là người đã đưa những nguyên lý của cách mạng tới những khu vực khác ở Tây Âu mà đội quân của ông ta chinh phục được, thậm chí còn đi xa hơn nữa. Được khuyến khích bởi các tư tưởng tự do và cấp tiến, như bình đẳng trước pháp luật, cuộc Cách mạng này góp phần làm cho các chế độ quân chủ chuyên chế sụp đổ và thay thế chúng bằng các chế độ cộng hòa và dân chủ tự do.

Trước năm 1789, Pháp là nước quân chủ chuyên chế, phong kiến. Tocqueville cho rằng, giới quý tộc không phải đóng thuế, để đổi lại, họ không can thiệp vào chính sách của nhà vua. Tuy nhiên, nhà vua lại bị giới quý tộc kiềm chế, ngay cả Luis XIV (cầm quyền trong giai đoạn 1643-1714) một ông vua chuyên chế nhất trong lịch sử nước Pháp, quan hệ giữa hai bên cũng không thay đổi đáng kể. Vì giới giàu có không phải đóng thuế cho nên thường xuyên xảy ra khủng hoảng tài chính và người ta phải thoát ra bằng cách tăng thuế đánh vào dân chúng còn lại và mua quan bán tước. Vì được ưu tiên ưu đãi về thuế khóa như thế cho nên giới quý tộc Pháp không cần hệ thống đại nghị như nước Anh. Cách mạng Pháp là một trong một loạt những cuộc thay đổi chế độ vào cuối thế kỷ XVII, trong đó có Cách mạng Mĩ (1765-1783), nhưng, mặc dù có chung một số tư tưởng Khai sáng như công bằng xã hội, các vấn đề cơ bản và do đó phản ứng ở những nước này là rất khác nhau.

Cách mạng Pháp bắt đầu vào năm 1789 và phải 10 năm sau mới kết thúc. Một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội đã dẫn tới tình trạng này, trong đó phải kể tới: Từ năm 1700 đến 1789, dân số Pháp tăng từ 18 triệu lên 26 triệu người, rất nhiều người thất nghiệp, giá lương thực gia tăng mạnh mẽ vì nhiều năm mất mùa liên tiếp. Nợ công cao vì chi phí cho cuộc Chiến tranh Cách mạng Mĩ, nhà nước phải tăng thuế, chủ yếu đánh vào các tầng lớp nghèo khổ. Trong khi đó, những cố gắng trong những năm 1787 và 1788 của các vị bộ trưởng dưới quyền Luis XVI (cầm quyền trong giai đoạn 1774-1792) nhằm giải quyết khủng hoảng tài chính bằng cách giảm dần những khoản ưu tiên ưu đãi cho giới quý tộc (và tăng lữ) đã làm giới này nổi loạn. Họ đòi nhà vua triệu tập hội nghị Estates General - hội nghị các đẳng cấp, một hình thức quốc hội phong kiến, không có thực quyền, vào tháng 5 năm 1789. Đây là hội nghị đầu tiên kể từ năm 1614. Estates General được chia thành ba viện riêng biệt, là Quý tộc và Tăng lữ và đẳng cấp Thứ ba (Commons), đại diện cho phần lớn dân chúng. Không có viện nào đoàn kết được vì đều bao gồm cả người giàu lẫn người nghèo và có các nhóm lợi ích khác nhau. Tháng 6 năm đó, đẳng cấp Thứ ba tách ra và tự tuyên bố là Quốc hội. Sau khi một số người thuộc hai đẳng cấp kia, đặc biệt là giới tăng lữ liên kết với đẳng cấp Thứ ba thì nhà vua ra lệnh cho họ kết hợp thành một viện duy nhất. Cơ quan này liền tuyên bố là có quyền ban hành hiến pháp mới cho nước Pháp.

Ngày 14 tháng 7, pháo đài Bastille ở Paris, được sử dụng làm nhà tù, một biểu tượng của chế độ độc đoán bị tấn công và phá hủy. Trên thực tế, mặc dù ngày 14 thánh 7 vẫn được coi là ngày quốc khánh, nhưng nhà tù này lúc đó chỉ có 7 tù nhân và có khả năng là chính chế độ đang cầm quyền đã ra lệnh phá bỏ.

Ngày 4 tháng 8, chế độ phong kiến ở Pháp bị xóa bỏ. Cuộc cách mạng ngày càng trở nên cực đoan hơn vì các nhóm khác nhau thay nhau giành được quyền lãnh đạo cách mạng. Tài sản của giới tăng lữ được chuyển vào tay nhà nước, các giáo sĩ bị buộc phải chấp nhận địa vị của các quan chức ngành dân chính.

Cuối cùng, năm 1791 nhà vua tìm cách chạy trốn, nhưng đã bị bắt. Năm 1792 chế độ quân chủ bị xóa sổ, nước Cộng hòa Pháp được tuyên bố thành lập, nhà vua bị đưa ra tòa. Áp dụng lịch mới, bắt đầu từ Năm thứ Nhất, có 10 tháng, được gọi theo tên các mùa. Vua Louis XVI bị hành quyết vào tháng 1 năm 1793 và Robespiere, lãnh đạo câu lạc bộ Jacobin, trở thành lãnh đạo Ủy ban An toàn Công cộng (Committee of Public Safety), từ đó, ông ta và những người theo mình đã tiến hành chiến dịch Khủng bố, hành quyết hàng ngàn người bị nghi là chống lại Cách mạng. Một năm sau, Robespiere bị lật đổ và cũng bị đưa lên đoạn đầu đài. Nhiều kế hoạch cải tổ chính quyền đã được đep ra áp dụng, nhưng tất cả đều không kéo dài được lâu. Cuối cùng, năm 1799, Napoleon đảo chính và năm 1804 được bầu làm hoàng đế.

Mặc dù, Cách mạng là do giới được hưởng đặc quyền đặc lợi phát động, nhưng các tầng lớp trung lưu đã nhanh chóng nắm được quyền kiểm soát, rồi chuyển vào tay những người gọi là san-sculottes, tức là những người dân thường thuộc tầng lớp thấp hơn, phần lớn trong số họ đã trở thành những người theo đảng phái cực đoan và chủ chiến. Robespiere và phái Jacobin đã thắng phái Girondins và giành được quyền lực là do họ chấp nhận đòi hỏi của san-sculottes về việc kiểm soát nghiêm ngặt giá lương thực, thực phẩm, đặc biệt là giá lúa mì. Phái Jacobin không thể thực hiện được toàn bộ chính sách đã đề ra là nguyên nhân để những người san-sculottes không can thiệp khi Robespiere bị tấn công. Giá lúa mì đặc biệt quan trọng, vì ngay trong thời bình, bánh mì đã ngốn hết một nửa ngân sách của gia đình bình thường. Thời kì khó khăn chắc chắn khoản chi này sẽ nhiều hơn hẳn.

Sau khi Robespiere bị lật đổ, quyền kiểm soát lại rơi vào tay giới trung lưu. Thành công của Napoleon thể hiện ước muốn ổn định trật tự ở trong nước và giành chiến thắng ở nước ngoài, mặc dù được cho là biện pháp duy nhất nhằm bảo vệ thành quả của cách mạng.

Cuộc cách mạng đã làm sụp đổ chế độ phong kiến ở Pháp, đồng thời giải phóng nhân dân, phân chia ruộng đất công bằng, bãi bỏ các đặc quyền của giới tinh hoa và thiết lập quyền bình đẳng giữa tất cả các công dân. Trên phạm vi toàn cầu, Cách mạng Pháp đã dẫn tới sự bùng nổ của các cuộc cách mạng dân chủ và sự ra đời của các chế độ cộng hòa, báo hiệu sự cáo chung của chế độ phong kiến trên toàn thế giới.

Cách mạng Pháp đem lại nguồn cảm hứng cho giới trí thức châu Âu, khiến họ tin rằng mọi người đều có thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Nó trở thành điểm khởi đầu cho sự phát triển của tất cả các hệ tư tưởng chính trị hiện đại, dẫn đến sự ra đời và phổ biến của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và nhiều tư tưởng khác. Những giá trị của cuộc Cách mạng vẫn có sức ảnh hưởng to lớn đến nền chính trị Pháp và châu Âu cho đến ngày nay. Khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” cũng như bài hát quốc ca của Pháp La Marseillaise đều ra đời trong cuộc Cách mạng này. Nhiều nhà sử học coi Cách mạng Pháp là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, sự quá khích của một số lãnh đạo cách mạng và quần chúng đã dẫn đến một thời kỳ đầy bạo lực, được tiếp nối bằng nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc trên toàn châu Âu. Các cuộc chiến này đem tinh thần của cách mạng Pháp phổ biến ra toàn châu Âu và làm đảo lộn trật tự cũng như thay đổi sâu sắc cơ cấu xã hội tại các nước châu Âu.