Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Đàn bà xấu và chính quyền

Nguyễn Hoàng Văn

Đem đặt một phụ nữ cực xấu bên cạnh một phụ nữ cực đẹp thì dẫu vô thần hay vô tâm đến đâu đi nữa, ít hay nhiều, chúng ta cũng phải chạnh lòng trước sự bất công của tạo hóa, ông Trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Nhưng khi đó chỉ là hai thân… chữ, như hai nhân vật văn học hay sử học, cái sự bất công này sẽ bị hoán vị, thay ngôi. Gọi là một hiệu ứng mỹ học cũng được, mà gọi là một hiệu ứng tâm lý hay, thậm chí, một hiệu ứng tiếp thị cũng được nhưng, gì thì gì, người đẹp bằng chữ luôn luôn thiệt thòi so với người xấu.

Thị Nở, vợ anh Doãn hay Tú bà, những nhân vật văn học xấu xí này bao giờ cũng “ăn ảnh”, cũng gây nên một ấn tượng mạnh mẽ, dứt khoát mà lại bắt rễ sâu bền cho dù có khi chỉ đến với chúng ta bằng mấy nét chấm phá sơ sài. Ngược lại, dẫu kỳ công đến đâu đi nữa, chưa có tác giả nào xây dựng thành công một nữ nhân vật mà nhan sắc có thể hành hạ người đọc đêm đêm như một ám ảnh, một ước ao, một mơ tưởng không thành. Thúy Kiều, Thuý Vân là sản phẩm của Nguyễn Du, một thiên tài văn chương nhưng, cả hai, ai cũng mơ mơ hồ hồ, khó mà hình dung đến độ, nói theo Võ Phiến, có cho không, ai cũng phân vân không dám trả lời ngay bởi không biết “mày như núi mùa xuân, má đỏ hơn hoa, tóc xanh hơn liễu” hình dung cụ thể như thế nào.[1]

Với người đẹp thì chúng ta hoang mang ngập ngừng nhưng với một người xấu thì chúng ta sẽ biến ngay, tẩu vi thượng sách. Chỉ cần nói đến màu da “nhờn nhợt”, đến vóc dáng “đẫy đà làm sao” của Tú bà chúng ta sẽ đầu hàng, xin kiếu, không chút đắn đo. “Tòa thiên nhiên” của nàng Kiều hấp dẫn thật nhưng nó không khiến chúng ta động lòng ngay mà cũng khó mà kết thành một vương vấn lâu dài. Nhưng cái “bộ ngực xọp xẹp” gợi nhắc “những gì sắp vữa ra” của người kỹ nữ hết thời trên chuyến xe ngựa cùng Nguyễn Tuân ở Cửa Đại lại khiến chúng ta nhợn ngay lập tức.[2] Ít ai trầm trồ “đẹp như Thúy Kiều” mà, phần đông, chỉ thấy lườm nguýt “xấu như Thị Nở”. Thúy Kiều đẹp trên trang giấy nhưng ngoài đời, trong khẩu ngữ của đám đông, chưa bao giờ trở thành chuẩn mực của nhan sắc. Thị Nở thì xấu từ trang văn của Nam Cao xấu ra cuộc đời, bất tử trong khẩu ngữ bình dân như là tận cùng của cái xấu.

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua kể từ thuở còn bắn bi tôi vẫn còn nhớ như in “vợ anh Doãn”, người phụ nữ xấu xí lần đầu được giới thiệu trong đời. Nhân vật trong truyện ngắn “Lấy vợ xấu” của Vũ Trọng Phụng đến với những học trò vừa kết thúc đời tiểu học thời ấy trong một trích đoạn như là hình mẫu của lối văn tả người mà, qua bàn tay soạn giả, nhà văn Thế Uyên, đã trở thành “Chị Doãn”. Ấn tượng sâu đậm quá nên, cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ hầu như gần trọn nguyên văn, trong đoạn trích:

“Chị Doãn là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phu, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Đã vậy mà lại đi ăn mặc tân thời! Răng trắng nữa, giời ạ!” [3]

Nhớ gần trọn nguyên văn, tôi còn nhớ như khắc bài học phụ thu về nhân tướng học, nhớ cách phân tích tính cách từ con mắt ti hí của loài lươn đến đôi gò má cao và cặp môi dày, trong lời của người thầy: “Trời ơi, đã ti hí mắt lươn mà còn thêm cặp gò má cao. Nhưng mà các em có biết không, đàn bà mà gò má cao là thứ đàn bà sát chồ.. ồ.. ồ ồ...ng.....”.” Tôi nhớ tư thế của thầy tôi lúc ấy, từ trên bục cao trong một lớp hè tại thị xã Hội An vào gần giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, hai chân khụy xuống cong cong, lưng cũng cong lại còn mặt thì ngửng lên theo hai cánh tay đưa lên níu Trời, hình dung như một mẫu người coi trọng thể thống gia phong lúc bàng hoàng nhận tin cô con gái rượu bỏ nhà theo trai. Âm trắc của chữ “sát” lạnh lẽo vút lên, như sắt; âm bằng của chữ “chồng” ghìm xuống và rền vang, như đồng: toàn bộ những hình ảnh ấy, từ lời cảm thán gọi Trời đến hai cánh tay níu Trời cùng ấn tượng sắt đồng về nhân tướng sát chồng đọng mãi trong tôi, cho đến bây giờ.

Sau chị Doãn là Thị Nỡ và giữa hai cái xấu này lại là một khoảng cách thực xa. Nam Cao, có thể nói, đã đẩy cái xấu của người phụ nữ đến mức tận cùng, khó mà tìm ra người nào xấu hơn. Nở “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”. Mặt Nở là một sự “mỉa mai của hóa công” bởi nó “ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài”. Hai má Nở hóp vào tệ hơn mặt lợn. Mũi Nở “vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh”. Môi Nở “nứt nở như rạn ra” với “quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách” và thêm vào đó là “những cái răng rất to lại chìa ra” để “cân đối” thêm “sự xấu.” [4]

Già tay trong việc lột tả đến mức tận cùng của nét xấu thì các nhà văn chúng ta lại rất non tay với tuyệt đỉnh của cái đẹp và dân tộc chúng ta, cơ hồ, không phải là một dân tộc mê sắc đẹp. Truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian không có nữ thần sắc đẹp. Cả một nhân vật văn học gắn liền với tín ngưỡng dân gian lẽ ra phải đẹp như Quan Âm - Thị Kính thì, theo logic, cũng khó có thể gọi là đẹp bởi, đã giả được trai để đi tu thì, dù rất đẹp trai, làm sao có thể gọi là một cô gái đẹp? Còn những nữ nhân vật lịch sử chắc chắn rất đẹp thì lại gặp hạn với những sử gia keo kiệt lời khen. Chẳng những không giúp chúng ta hình dung nên những nhân vật mà dung mạo đã thực sự đóng góp một phần nào đó trong dòng chảy của lịch sử hay trong cương vực quốc gia, những sử gia ngày ấy, thậm chí, chẳng buồn khen một tiếng rằng đó là người đẹp.

Như Huyền Trân, một công chúa nhất định phải rất, rất đẹp. Công chúa phải cực kỳ đẹp thì mới có thể khiến Chế Mân mê mẩn tâm thần mà dâng hai châu Ô - Lý nhưng cái khổ của chúng ta là không thể biết công chúa ấy đẹp như thế nào. Cho dù nhà thơ Bùi Giáng thả sức tưởng tượng, trong “Nhớ Chế Mân”:

Bây giờ tôi rất yêu ngài

Bởi vì ngài rất yêu nàng Huyền Trân

Yêu từ cổ xuống tới chân

Suốt miền thân thể như gần như xa

Quận Thành đem đổi làn da

Hỏi sao lạ rứa? - hào hoa thưa rằng

Có chi mô

Có chi mô.

Nàng tuy nhỏ bé mà to bằng trời

Ô Ri tuy rứa mà rồi

Gẫm ra cũng thể như tôi đó mà

Trăm năm trong cõi người ta

Thân còn chẳng tiếc lọ là Ô Ri

Riêng công chúa nọ Ly Kỳ

Là tôi tiếc suốt li bì càn khôn

thì cái nhan sắc mở mang bờ cõi này cũng rất là đại khái, chung chung.

Bùi Giáng chung chung, đại khái như thế nhưng các sử gia từ Lê Văn Hưu đến Ngô Sĩ Liên cũng chẳng buồn khen là đẹp, chỉ gọn lỏn một câu “Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân”, chấm hết. [5]

Nhưng kể ra thì Huyền Trân cũng còn có hậu, còn sống với hậu thế khi đi vào tín ngưỡng dân gian, đi vào ca dao, vào thơ, vào nhạc, được đặt cả tên đường, may mắn hơn cô bà của mình là Công chúa An Tư rất nhiều. [6] Sử sách viết cực kỳ ít về An Tư. Cũng Lê Văn Hưu rồi Ngô Sĩ Liên, cũng chỉ mấy lời gọn lỏn, “Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy”.[7]

Ghi chép cực kỳ súc tích này thừa sức cho chúng ta biết là An Tư rất đẹp. Phải đẹp lắm thì mới được chọn làm mỹ nhân kế. Phải đẹp lắm thì mới có thể làm tên tướng viễn chinh sừng sỏ Thoát Hoan rung động mà chậm đường binh bị để quân ta mua thêm chút thì giờ trong tình thế khẩn cấp nhằm bảo toàn lực lượng mà tính kế lâu dài.

Chúng ta không thể hình dung An Tư đẹp như thế nào đã đành nhưng bất công hơn, sau đó công chúa cực kỳ xinh đẹp này hoàn toàn tuyệt tích, gần như tuyệt đối đi vào quên lãng. Sử sách thời trước không nhắc nhở gì thêm mà hậu thế cũng chẳng mấy bận tâm. Tín ngưỡng dân gian không. Ca dao tục ngữ cũng không. Chỉ lác đác một vài nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng mà cũng chẳng mấy tiếng vang.[8]

Thì đó là chính sử, thứ sử viết để dâng vua. Những trang sử chính thức viết cho triều đình, mà lại viết ra trong một thời đại ngun ngút khí phách người hùng với bóng dáng những “chí trai” lồng lộng trên hình thể đất nước như Phạm Ngũ Lão với ngọn giáo ngang tay Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu thì những phận liễu kia đành phải khép nép một bên. Phải hơn nửa thiên niên kỷ sau, đến cái thời suy tàn của nền quân chủ trong cảnh xuống giá của Nho giáo với sự phân chia của đất nước và sự rối ren của triều đình, nào Lê, nào Mạc, nào Trịnh, nào Đàng Trong – Đàng Ngoài, người “đẹp” mới dần dà xuất hiện.

Đầu tiên, có lẽ, là Đặng Thị Huệ, người đàn bà làm điên đảo chính sự nhà Trịnh và rối loạn xã hội Đàng Ngoài. Qua diễn tả của các ngòi bút của Ngô gia văn phái trong Hoàng Lê nhất thống chí, Thị Huệ “mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp”.[9] Cùng xuất hiện trong pho tiểu thuyết lịch sử ấy còn có Ngọc Hân nhưng công chúa này chỉ đơn giản là người “có sắc đẹp và nết na hơn cả” trong số con gái của Lê Hiển Tông và, trong chính lời của Lê Hiển Tông, chỉ là “có chút nhan sắc”. [10]

Cũng là người đẹp cả nhưng tại sao Đặng Thị Huệ lại được Ngô gia văn phái phiền tay bút hơn so với Ngọc Hân? Chúng ta biết Thị Huệ “mắt phượng mày ngài”. Và chúng ta biết Thị Huệ “mười phần xinh đẹp” nghĩa là một phụ nữ, nói theo Bùi Giáng, cực kỳ xứng đáng để yêu trọn vẹn “từ cổ xuống chân”. Nhưng với Ngọc Hân thì chúng ta đành chịu. Nhìn riêng trong mấy chị em thì “có sắc đẹp và nết na hơn cả”. Còn nhìn chung thì chỉ là “có chút nhan sắc” thế thôi!

Trước những bài học của Muội Hỷ, Đắt Kỷ, Bao Tự, v.v. những Nho gia bảo thủ thường vin vào tín lý “Mỹ nhân vong quốc” để ruồng rẫy người đẹp và, phải chăng, cái khác giữa hai người đẹp trong giai đoạn lịch sử đầy bất trắc này là sự “nết na”? Ngọc Hân nết na, gắn liền với Nguyễn Huệ, nhân vật mà, dẫu không nồng nhiệt ca ngợi, Ngô gia văn phái cũng phải thừa nhận là một anh hùng cái thế, đã thực sự mang lại trật tự cho cái xã hội Đàng Trong. Đặng Thị Huệ thì đầy thủ đoạn, gắn liền với một vị chúa thiếu sáng suốt, nguồn cơn của những xáo trộn. Thị Huệ khiến chính sự “mười phần rối ren”, Thị Huệ khiến xã hội “mười phần loạn lạc” và, chợt, Huệ đẹp hẳn ra, đẹp đậm đà ở con mắt và lông mày, đẹp toàn diện trên mười phần thân thể.

Cơ hồ, chính quyền càng xấu, xã hội càng bất an, người dân càng mất niềm tin thì người đẹp như là một thứ nguồn cơn tai họa càng lượn lờ nhiều hơn nên, thành ra, một Ngọc Hân nết na lại gắn bó cuộc đời với một người hùng đành phải nhún nhường ở phần dung mạo.

Mà cũng đàng tủi cho Ngọc Hân. Cả khi quyết định thành thân, Nguyễn Huệ cũng không ghi nhận là nàng đẹp mà chỉ đơn thuần là “thử”, diễn nôm từ lời nói đùa với các bộ tướng thân cận, là “thử cho biết mùi gái Bắc”. [11]

Nghĩa là gái đẹp Bắc Hà phải có cái gì đó khác với gái đẹp Nam Hà. Quan niệm về cái đẹp giữa hai miền lúc đó cách biệt ra sao chúng ta không hề biết nhưng, rõ ràng, quan niệm về cái đẹp của người phụ nữ luôn thay đổi, theo phương của địa lý và theo chiều của thời gian.

Quan niệm về cái đẹp thay đổi theo thời gian mà, trong đó, thay đổi lớn nhất, mang tính cách mạng nhất, theo các nhà nhân chủng học tiến hóa, diễn ra lúc loài linh trưởng chuyển từ tư thế bò lết sang tư thế đi đứng. Thời chỉ biết bò, biết lết, hai chi trước vẫn là hai cái chân và loài thú ấy chỉ biết làm tình từ phía sau nên chỉ chú mục vào cặp mông của bạn tình, chỉ biết dùng đến mùi để quyến rũ bạn tình. Nhưng khi đã biết đi, hai chi trước đã biến thành hai cánh tay thì tư thế làm tình đã đảo ngược về phía trước thì loài thú sắp thành người ngày đã biết nhìn nhau khi làm động tác yêu và sự quyến rũ bắt đầu tiến hóa từ khứu giác đến thị giác. Chúng có những đòi hỏi như thế nào đó ở bộ mặt, để gọi là “dễ nhìn”. Chúng cũng có những đòi hỏi như thế nào đó ở lồng ngực của con cái để gọi là “ngon mắt”, cái sự ngon mắt hình thành từ sự cộng hưởng giữa ý niệm phồn thực gợi lên cặp mông đầy tròn tròn thời còn làm tình từ phía với nhu cầu cần mơn trớn vuốt ve để ngồn ngộn một miền cong đầy đặn. Và đến phiên mình, những con cái, cũng bắt đầu có những nhu cầu “dễ nhìn” và “ngon mắt” trên bộ mặt và, nhất là, trên bộ ngực vạm vỡ và cánh tay vững chãi của con đực, như một sự che chở an toàn!

Con người luôn phức tạp nên quan niệm về cái đẹp không hề đơn giản. Lịch sử Trung Hoa ghi lại hình ảnh những người đẹp đầy đặn sự phồn thực như Dương Quý Phi, ái phi của Đường Minh Hoàng. Lịch sử đó cũng cho thấy những người đẹp vóc hạc xương mai trên đôi gót “sen vàng” thoăn thắt những vũ điệu bởi đã bị bó chặt từ nhỏ theo nhu cầu hưởng lạc của những thành phần tinh hoa lúc xã hội đã giàu lên nhưng chuẩn mực đạo đức – chính trị bắt đầu sa xuống. Khoa nhân chủng học nói về cái đẹp phồn thực với những đường cong đầy đặn hình thành từ quan niệm sống khát khao sự sinh sôi nảy nở nhằm lưu truyền nòi giống. Thẩm mỹ học hiện đại cho chúng ta biết quan điệm về cái đẹp nghịch hướng với thể trọng hình thành theo sự ra đời của điện ảnh bởi cái đẹp lúc này phải gắn liền với những dáng đi thanh thoát.

Chính cái đẹp thanh thoát này đã trở thành hình mẫu của các nữ nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn một thời rồi đi vào thơ, vào nhạc, vào họa của nhiều thập niên sau đó trong văn nghệ miền Nam. Nhưng rồi cái đẹp mảnh mai ấy lại bị đảo chính, hay đúng hơn, là bị “chỉnh lý” theo ám ảnh thiếu ăn. Thời tôi chớm lớn, vào cuối thập nhiên 70 của thế kỷ trước, cái thời hầu như cả nước thèm cơm, sự hấp dẫn của nữ tính lại nghiêng dần về độ “múp”. “Múp”, hình dung như Dương Quý Phi của Đường Minh Hoàng, là cái đẹp phồn thực với những đường cong đầy đặn sự no đủ, sự sinh sôi nẩy nở. Rồi thì ám ảnh thiếu ăn ấy cũng lùi vào hoài niệm để cái đẹp no tròn bị sự thanh mảnh đẩy lùi theo sự thống trị của kỹ nghệ thời trang. Theo mức độ phổ biến của cái máy truyền hình, của smartphone, của Ipad, sức lôi cuối của nữ phái bây giờ tỷ lệ thuận theo chiều dài của cặp giò và, thế là, độ cao của đôi chân đàn bà chợt trở thành thời thượng. Nhan sắc và độ thanh mảnh trong thân thể nữ giới đã trở thành một thứ tài nguyên kỹ nghệ và tiếng Việt, cơ hồ, không đủ để diễn tả nên cũng bùng nổ theo. Nào là “chân dài”, nào là “siêu mẫu”, nào là “hot girl” và hàng loạt những mũ miện hoa hậu - hoa khôi: khi người đẹp lượn lờ nhiều như thế, khi ngôn ngữ về nhan sắc đàn bà lạm phát như thế thì, như cái thời của Thị Huệ và Ngọc Hân, có lẽ chúng ta cũng nên xét lại dung mạo của... chính quyền.

Hình dung cảnh một người rừng như Tarzan về phố hay một “người” từ một hành tinh nào khác lạc trần và họ, đã đại khái hiểu thế nào là đời, là thế giới, là nhân loại. Hình dung cảnh họ đối mặt trước những chọn lựa công dân và sự thể, có lẽ, cũng giống như chúng ta phải quyết định trước một danh sách với những cái tên Thuý Kiều, Thuý Vân, Thị Nở, vợ anh Doãn, Tú bà. Với những chính quyền tốt, giỏi giang, anh ta sẽ mất thì giờ vì phân vân, vì hoang mang, không biết đâu là chọn lựa tối hảo. Nhưng với một chính quyền tồi anh ta sẽ nhợn ngay lập tức, sẽ tức khắc chối từ, như chúng ta sẽ nhợn ngay trước bộ ngực “xọp xẹp - sắp vữa ra” của “người đàn bà tồi - với cái lối phục sức rẻ tiền” mà “cứ gắng làm lộng lẫy ra kỳ được” của Nguyễn Tuân.

Thì họ sẽ chạy ngay lập tức nhưng thế nào là dung mạo của một chính quyền tồi?

Chính quyền, hiểu một cách chung chung, là một hệ thống quyền lực. Nhưng một đảng cướp hay một tổ chức mafia cũng chẳng phải là một hệ thống quyền lực hay sao? Nếu chính quyền hình thành để, bằng luật pháp mà toàn dân thừa nhận, bảo đảm trật tự từ sinh hoạt xã hội đến trật tự trong việc sở hữu cùng khai thác tài nguyên thì các tổ chức mafia cũng thiết lập cái trật tự ấy bằng cách giẫm lên trên pháp luật và, thay vào đó, là những lề luật của riêng mình. Và nếu chính quyền là nơi tập trung ý chí của nhân dân để hướng về một tiền đồ chung thì một thế lực mafia, nếu muốn tồn tại lâu dài, cũng phải vạch ra một con đường đi trước mặt theo những biến đổi thời cuộc chứ không thể loay hoay với những hoạt động ăn xổi ở thì và khư khư với mô thức đã cũ.

Nhưng để có một tiền đồ như thế thì hệ thống nào cũng phải hoàn thiện một cơ chế phản vệ để chặn đứng tiến trình tự huỷ hoại. Nghĩa là phải ấn định những giới hạn thấp nhất mà nó không thể hạ mình thấp hơn, như những thế lực mafia với những nguyên tắc bất thành văn, chẳng hạn. Mafia thì phải dám chơi dám chịu. Mafia thì không thể cắm sừng anh em, không thể sát hại đối thủ truớc mặt vợ con, không thể cam tâm làm một thứ tay sai chỉ điểm. Những luật bất thành văn như thế chính là một thứ “đạo nghĩa” hay “phẩm tiết” đặc biệt của thế giới tội ác: không phản bội, không khai báo, dù là khai báo để triệt hạ kẻ thù bởi, công lý phải nằm trong tay của mình, phải do chính mình thực hiện, thà phải đổ máu với kẻ thù chứ không thể để kẻ thù khinh mình. Triết lý căn bản của thứ “phẩm giá” này là sự tôn trọng của cả đối thủ lẫn đồng minh: đã ngửng mặt trong thế giới mafia mà để cho cả thế giới ấy coi khinh thì sẽ không còn có một chút xíu tiền đồ!

Một chính quyền tồi, khiến thiên hạ phát nhợn, khước từ tư cách công dân của nó ngay tức khắc là một thứ chính quyền như thế. Thứ chính quyền không thể bảo chứng với nhân dân về một tiền đồ. Thứ chính quyền thà để nhân dân hay nhân loại khinh mình chứ nhất định không chịu đổ máu của mình. Thứ chính quyền lúc nào cũng có thể hành động như mafia nhưng không bao giờ dám thể hiện thái độ dám chơi dám chịu của mafia.

Tôi nghĩ đến vợ anh Doãn, người đàn bà có cái nhan sắc của người đàn ông không đẹp trai với đôi gò má sát chồng. Và tôi nghĩ đến thứ chính quyền tàn độc không thua mafia nhưng lại thiếu hẳn những “phẩm giá” mafia; dám chơi, dám sát hại người dân ngay trước mặt vợ con của họ nhưng không bao giờ dám chịu mà, thay vào đó, loay hoay chạy tội như thứ hạng chỉ điểm hạng bét, loại đá cá lăn dưa. Tôi nghĩ đến Thị Nở và nghĩ đến những nhân vật chức quyền “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích” nhưng tàn độc không thua những hôn quân bạo chúa trong lịch sử. Tôi nghĩ đến khuôn mặt “ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài” của Nở. Và tôi nghĩ đến bộ mặt của những chính quyền mà những đóng góp trong quá khứ càng ngày càng ngắn lại so với những nguy hại mà nó đang đẩy đất nước dấn vào. Tôi nghĩ đến khuôn mặt tệ hơn mặt lợn của Nở. Và tôi nghĩ đến khuôn mặt tự mãn của những bậc chức quyền tạp ăn còn hơn lợn, “ăn không chừa thứ gì”.[12] Tôi nghĩ đến loài linh trưởng khi hãy còn làm tình từ phía sau, lúc cái “đẹp” chỉ được cảm nhận qua lỗ mũi chứ không phải là con mắt. Và tôi nghĩ đến thứ chính quyền lúc nào cũng loay hoay bịt mắt nhân dân nhằm che giấu bộ ngực hom hem và đôi cách tay khẳng khiu bất lực, không đủ sức bảo vệ nhân dân. Loài linh trưởng ấy vẫn chưa biết đi, hai chi trước vẫn là hai chân. Và thứ chính quyền có thể cấm nhân dân làm người lại là thứ chính quyền sẵn sàng bò-lết, bò và lết trước những thế lực có cùng bản chất nhưng mạnh hơn.

Như thế thì chúng ta chẳng cần phải hình dung đến cảnh người rừng Tarzan về phố hay “người” từ một hành tinh nào khác lạc trần. Nguyễn Tuân nhìn vào bộ ngực “xọp xẹp” của “người đàn bà tồi” đang “gắng làm ra vẻ lộng lẫy” với lối phục sức rẻ tiền mà nghĩ đến những thứ “sắp vữa ra”. Càng nhìn vào cái chính quyền đang vắt kiệt tài nguyên cho những công trình “khẳng định mình” cực kỳ lộng lẫy nhưng không giấu được sự ngô nghê trong tầm nhìn trọc phú và tư duy ăn xổi ở thì, chúng ta có thể thấy rõ rằng đất nước “vữa ra” bởi nhân dân đã hoàn toàn mất hết niềm tin và những chuẩn mực đạo đức đã bị phá sản. Không nhìn thấy một tiền đồ nào trên chính đất nước của mình mà bất lực, không thể chọn lựa chính quyền thì, đành, phải chọn lựa đất nước. Tẩu vi thượng sách, với một chính quyền như thế thì chẳng có gì khó hiểu khi mơ ước lớn nhất của người dân là thôi làm công dân của nước mình mà, bằng cách nào đó, được làm công dân một nước khác.

Chính quyền tồi, hạng nhất, chính là loại chính quyền như thế, loại đã đẩy nhân dân vào tình thế tuyệt vọng toàn diện, không tin vào ngày mai của mình, ngay trên đất nước của mình.

Không có ngày mai có nghĩa là vô hậu và đó là một chính quyền vô hậu. Trong ngôn ngữ chửi của một trong những địa phương nổi tiếng chửi hay, chửi có bài bản như Huế, thì “vô hậu”, như “Ăn ở chi mà vô hậu”, lại là lời chửi đau nhất, nặng nhất, và ác nghiệt nhất. Nhưng đó không chỉ là chửi, là nguyền rủa mà là lẽ đời, là quy luật. Ăn ở vô hậu với nhân dân thì kết cục tìm thấy cũng sẽ là vô hậu. Nếu những kẻ bắn súng lục vào quá khứ sẽ bị tương lai đáp trả bằng đại bác thì có cái “hậu” nào dành cho những kẻ đang dồn dập nã đại bác vào chính tương lai của đất nước mình?

Sydney 24.10.2020


[1] Võ Phiến, “Cái văn, cái vẽ”, trong Võ Phiến Tuyển Tập, Người Việt, California. 2006, trang 326.

[2] Dẫn theo tùy bút “Cửa Đại” của Nguyễn Tuân, in lại trong Nguyễn Tuân, Tác phẩm văn học được giải thưởng HCM, quyển II, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2006, trang 414.

[3] Có thể đọc truyện ngắn này trên địa chỉ:

https://www.sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-vu-trong-phung/lay-vo-xau/742

[4] Có thể đọc truyện ngắn “Chí Phèo” trên trang:

https://www.sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-nam-cao/chi-pheo/924

[5] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (bản in Nội các quan bản), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tập hai, trang 90.

[6] An Tư là con gái út của Trần Thái Tông và cô ruột của Trần Nhân Tông. Huyền Trân là con gái của Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, trang 53: "Tháng 2 (Ất Dậu)... Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy". trang 53.

[8] Nguyễn Huy Tưởng viết tiểu thuyết lịch sử An Tư năm 1944, theo thông tin trên mạng thì năm 2010 Nhà xuất bản Kim Đồng (chuyên về sách thiếu nhi) quảng cáo về việc chuẩn bị phát hành tiểu thuyết này: https://www.vinabook.com/an-tu-p41710.html

[9] Hoàng Lê Nhất Thống Chí, dẫn theo bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch, NXB Văn Học, Hà Nội, 1997, hồi I, trang 12: “Một hôm, tiệp dư Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả.

Từ đó, Thị Huệ càng ngày càng được nhà chúa yêu quí, ả nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì là chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một nơi với chúa, y như một cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của ả cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa.

Thị Huệ từ lúc được nhà chúa chiều chuộng, hơi có vẻ lộng hành. Hễ có chuyện gì không vừa ý, là ả xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa.”

[10] Hoàng Lê Nhất Thống Chí, sđd, hồi V, trang 134: “Nguyên trong số những người con gái đẻ sau của hoàng thượng, còn có đến năm, sáu nàng công chúa chưa chồng. Nhưng chỉ riêng có một nàng tên chữ gọi Ngọc Hân, là người có sắc đẹp và nết na hơn cả. Hoàng thượng rất yêu quí Ngọc Hân, thường ngày vẫn nói: “Con bé này ngày sau nên gả làm vương phi, không nên gả cho hạng phò mã tầm thường!”

Lúc ấy nghe lời Chỉnh nói, hoàng thượng trong bụng cũng ưng, bèn bảo Chỉnh:

– Con gái chưa chồng của trẫm còn nhiều, nhưng chỉ có mình Ngọc Hân là có chút nhan sắc. Tuy vậy, thói thường yêu con vẫn hay thiên lệch, chưa biết ở mắt người ngoài thì ra sao. Ngươi hãy ở đây, để trẫm đòi cả ra cho mà coi qua, rồi tuỳ người lựa xem người nào xứng đáng thì giúp cho thành việc đi!”

[11] Hoàng Lê Nhất Thống Chí, sđd, hồi V, trang 135: “Bình (Nguyễn Huệ) nói đùa rằng:

– Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về; bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?

Những người cùng ngồi với Bình đều cười ầm.”

[12]Tiền của các cháu dân tộc thiểu số còn bị biển thủ đến gần 3 tỷ đồng, liều vacxin tiêm cho một cháu, lại san ra tiêm cho hai cháu […] Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”. Lời nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Quốc hội ngày 11.9.2013. https://tuoitre.vn/an-cua-dan-khong-tu-mot-cai-gi-568432.htm