Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Tự Do & Ðạo Lý: Hegel, Marx, Trần Ðức Thảo và Lịch sử Việt Nam

Nguyễn Hữu Liêm

I. Từ Hegel

Lịch sử thế giới bắt đầu với một chủ đích tổng quát: hiện thực hóa nội dung Ðạo Lý – vốn chỉ tiềm ẩn trong Trời Ðất, một sự tiềm ẩn bao la trong bản năng vô minh mà toàn thể tiến trình lịch sử là nhắm đến sự giác ngộ của bản năng vô minh này.(1)

Ðó là một cách đọc Hegel. Triết học Hegel là một biến thể của thần luận học (theodicy), một hệ thống biện chứng trong lý tính logic mà tinh thần lịch sử là năng lực tự ý thức được chân thực hóa vào trong thế giới. Qua quá trình này, nội dung của lịch sử, Ðạo Lý, muốn thể hiện chính mình và tìm lại chính mình trong khách thể tính.

Cơ năng của lịch sử là sự dung hóa giữa hai phạm trù thiên nhiên vật thể và tinh thần Ðạo Lý trong mỗi cá nhân. Từ đó, con người là tụ điểm và là một thời quán đồng quy, a converging moment, giữa khả thể và thực thể lịch sử. Và tinh thần lịch sử là năng thức và tiến trình chuyển động của ý chí Tự Do qua khả thể tự ý thức – Giác Ngộ. Tất cả là một quy trình vòng tròn chuyển hoá từ Chân thức tuyệt đối đến ý thức khách quan để về lại nguyên thuỷ bằng khả thể tự ý thức. Bởi thế, lịch sử thiên nhiên và lịch sử nhân loại là tiến trình vật lộn giữa khả thể tính và thực thể tính nhằm khai giải ý thức tha hóa và khách quan về với Ðạo Lý. Nói cách khác, lịch sử là chiều dài thời gian mà năng thức Tự Do muốn vươn ra khỏi sự ràng buộc của thời tại và sinh hữu thường nghiệm trên cơ sở thiên nhiên và vật chất để tìm ra được chính mình.

Tự Do, vì vậy, không phải là một thể trạng thuần tại thế mà ở đó mỗi cá nhân là một thành tố tự hữu (self-sufficient). Lịch sử sẽ không chôn chân con người vào trong một thế giới thuần nghiệm thực. Lịch sử mang logic và cứu cánh nội tại trong sứ mệnh hiện thực hóa Tự Do trong Chân Thức tuyệt đối vượt qua khỏi cơ bản cá nhân. Trên nền tảng cứu cánh huyền nhiệm đó, sử tính luận (historicism) khởi sinh. Trong biện chứng và cứu cánh của sử tính luận, mỗi cá thể sinh hiện, với bối cảnh xã hội và nhân gian liên đới, chỉ là một chặng đường trung giải (mediative stages) thiết yếu cho năng lực tự ý thức. Tóm lại, lịch sử là khách thể tính của ý thức và khát vọng Tự Do.

Thi sĩ Walt Whitman (1819-1892), sau khi đọc Hegel, đã viết lên:

Trong mục đích của Tạo Hóa và công trình sáng tạo thế giới và vũ trụ này, từ cơn bão cuồng nộ của thời tiết, những bản chất khác biệt của quặng mỏ, năng động vươn lên của thực vật, bản năng sinh tồn của động vật, khát vọng và đau khổ của con người, của chiến tranh, của chính trị, của tôn giáo, nghệ thuật, khoa học... Tất cả phải có một mục đích cao cả như là một cứu cánh tối hậu – một ẩn ý nằm trong tất cả hiện tượng xao động bất thường và đầy thảm họa tang thương. Cái gì đó phải bao gồm tất cả, chủ động tất cả, để chỉ hướng về Một – mà định hướng này chính là khát vọng mê say trong mỗi hơi thở, mỗi bước chân đi của chúng ta, ở đây, giờ phút này, mãi mãi, từ thế hệ này sang thế hệ khác...(2)

"Cái gì đó" mà Whitman nói đến chính là khát vọng Tự Do mà tinh thần Tạo Hóa muốn vươn tới để hiện thực hóa Chân Thức của mình qua thế gian và thiên nhiên. Ðó là bước đi của tinh thần Ðạo Lý trong hành trình gian nan và đầy lao khổ qua kinh nghiệm thân xác và ý thức của con người. Qua sử tính luận, mỗi chúng ta đang mang một gánh nặng Tự Do, một trách nhiệm Tự Do. Mỗi chúng ta là một thực thể có Tự Do. Và do đó, chúng ta phải hiện thực hóa khả thể Tự Do của chính mình. Nhưng tại sao tinh thần Ðạo Lý hiện thực hóa Tự Do qua lịch sử con người? Tại sao Ðạo Lý không khai mở ý thức về chính mình qua thần linh siêu hình hay qua thiên nhiên vô tình?

Bởi vì qua năng lực ý thức, con người là cơ năng chuyển hóa giữa vật thể và tinh thần – mà sinh hữu qua chiều dài lịch sử là điều kiện cho Ðạo Lý trong mỗi cá thể được chân thực hóa. Khả năng cao nhất và cần thiết nhất của ý thức là tự-ý-thức – khi mà tri kiến và kinh nghiệm về hiện hữu qua cuộc đời trở nên yếu tố chuyển hóa cho năng thức tinh thần. Khi năng thức cá nhân vươn ra bên ngoài để tìm biết đến thế giới khách quan là đồng lúc khả năng tự ý thức cũng được nâng cao trong chân trời tri kiến mới. Vì thế, khoa học thực nghiệm là một trong những yếu tố cần thiết để con người biết đến chính mình nhiều hơn. Khi thông hiểu được quy luật vũ trụ và thiên nhiên, con người biết đến tính tương đồng và dung hợp giữa chủ quan và khách quan, nhận ra được quy luật hợp lý của thiên nhiên và lịch sử, để điều hướng tâm thức sinh hữu về đúng với cứu cánh của sứ mạng và cứu cánh làm người: Tự Do.

Ðời sống con người là một nỗ lực không ngừng nghĩ để hiện thực hóa Ðạo Lý trong năng lực ý chí sinh hiện và tri kiến thông hiểu của trí năng. Chỉ có từ con người thì lý tính trở nên linh thiêng – cái linh được khai sáng và có cơ sở từ cái minh. Qua con người thì thần linh được thông hiểu để rồi được tôn thờ. Qua con người thì cái thực chính là cái hợp lý; và cái gì hợp lý mới là cái có thực. Lịch sử là tiến trình chuyển hóa của Ðạo Lý qua thời gian; thiên nhiên là thể trạng khách thể hóa của Ðạo Lý qua không gian. Tất cả đều vì lý tưởng Tự Do, dù con người có biết hay muốn điều đó hay là không.

Lịch sử vì thế không phải là một căn nhà nghỉ, dừng chân, mà trái lại, là một hành trình gian nan, hiểm nghèo, nhiều thử thách, qua biển, qua núi, xuyên rừng của sự thể sinh hữu. Chúng ta đừng có ngạc nhiên và than trách hay là thất vọng khi nhìn vào lịch sử để chỉ tìm thấy quá nhiều tang thương, đau khổ. Nhưng đây chính là động cơ của lịch sử khi mà con người vẫn chưa có khả năng tự ý thức. Tất cả bị guồng máy lịch sử – Hegel gọi là "sự giảo hoạt của trí năng Tạo Hóa," (the cunning of reason) – lôi cuốn và đưa đẩy mỗi cá nhân theo đuổi mục đích cho mình – nhưng tất cả đều cùng chung về một mối: cứu cánh Tự Do qua lịch sử. Mỗi chúng ta sinh ra, lớn lên, thèm khát sinh hiện, vun đắp bản ngã, cho cái Ta là nhất trong dục vọng, tình cảm riêng tư. Nhưng chúng ta chỉ là những con thí vô tình trong cái dự án lớn lao của Tạo Hóa đang đi tìm lại chính mình qua con người và lịch sử. Lịch sử là một bi hài kịch, một xa lộ bi vọng, the hiway of despair, mà mỗi chúng ta đều đang phải kinh qua.

Hãy nhìn vào trần gian trong lịch sử: cái vô lý, cái điên loạn, cái nghịch đạo lý tràn đầy. Chân lý thể hiện "như là một tiệc rượu say mèm mà chả có ma nào tỉnh thức" (Truth is thus the Bacchanalian revel where not a member is sober).(3) Chúng ta thấy con người ngu dốt, vọng động, bạo hành, si mê, vô minh như những cánh mót thiêu thân lao vào ngọn lửa của ánh đèn dầu leo lắt trong đêm tối mịt mùng không soi rõ hướng đi. Chúng ta thấy cơ chế chính trị, giáo dục, luật pháp như là những trò chơi, những mờ đê mỏng manh không ngăn nổi sóng lũ cuồng nộ của biển khơi khao khát và dục vọng của con người. Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (Nguyễn Du). Chúng ta thấy kinh đô dựng lên để rồi bị sụp đổ. Văn minh vượt thắng để rồi đi vào phai mờ và quên lãng. Biết bao dân tộc đã bị diệt vong. Biết bao nhiêu cơ đồ, tham vọng kiến tạo nay đã không còn ngay cả vết tích. Trái tim chúng ta nặng chĩu với vấn nạn Ðạo Lý đầy bi thảm của con người đang cố gắng vẫy vùng trong vô vọng với chính mình và ngoại cảnh.

II. Tới Marx

Siêu hình học Hegel là đỉnh cao của triết học tư biện/suy lý (speculative philosophy) Tây phương. Nó giải cứu sự khủng hoảng triết học phân tích của Kant bằng cách sung thực một nội dung bản thể luận và khai mở một định hướng cứu cánh – đồng lúc công nhận thực tế bi thương của lịch sử và điều kiện ý thức ấu trĩ của nhân loại. Sau Hegel, triết học Tây phương chia thành hai vế: hoặc là tiếp nối hay là chống lại Hegel. Marx là trường hợp thứ hai đó.

Marxism là một thời quán ý thức mới trong tiến trình biện chứng Hegel mà mỗi góc độ của bóng tối cần phải được phơi bày. Với duy vật biện chứng, thay vì Marx lật ngược duy tâm luận của Hegel, như chúng ta vẫn thường nghe đến, trong thực chất, triết học Marx chỉ là một sự nối tiếp trên cơ sở logic mà triết học trí năng của Hegel đã vạch ra. Mỗi thời quán của trí năng là một hiện tượng của Ðạo Lý, đang cố gắng vùng vẫy minh xác chính mình vào khách thể tính bằng cách nâng cao cường độ ý thức chủ quan bởi ý chí tự-ngã. Khi giai cấp vô sản bắt đầu có ý thức về đại thể tính, năng lực Ðạo Lý của họ vươn lên bằng khát vọng đấu tranh cho quyền lợi và giá trị của mình bằng một bình diện giá trị mang tính chất đảo ngược tất cả những giá trị vốn không đại diện cho người cùng khổ và bị áp bức. Marxism nhân danh chân lý cho một tầng lớp nhân loại bị bỏ quên trên tiến trình lịch sử. Và chân lý này phải được hiện thực hóa vào lịch sử khách quan. Thế kỷ 20 là một thời quán lịch sử cho ý thức duy vật, trong đó có Marx.

Duy vật biện chứng minh xác triết học trí năng của Hegel bằng cách phủ định nó. Trên phương diện siêu hình học, Marx đã không cống hiến gì mới hay khác biệt đối với Hegel. Từ đó, tự bản sắc, Marxism chỉ là một sự áp dụng của biện chứng Hegel vào lịch sử thực nghiệm. Khi đến hồi mà năng lực chủ quan của Marxism đã đi hết cái khao khát nội tại của nó – bởi kinh nghiệm lịch sử đã không hoàn tất và đạt đến cái Ý Niệm lý tưởng mà Marx đã nghĩ đến – thì Marxism mất đi giá trị chính nghĩa đối với đại thể tính khi ý thức con người đã trải qua được thời quán duy vật biện chứng. Tức là sự thành công và sự tàn lụi của Marxism là một thời quán trong biện chứng Ðạo Lý bởi ý thức mà lịch sử thế giới phải kinh qua.

Marxism và hiện tượng chủ nghĩa Cộng Sản liên hệ trong suốt thế kỷ vừa qua là những biến thể từ trong cùng một giai thời thiếu niên trong năng lực tự ý thức của nhân loại về với Ðạo Lý. Khi ý thức con người đánh mất chính mình vào trong lý thuyết và hiện tượng khách thể để tìm lại chính mình từ trong kinh nghiệm từng trải thì chính Ðạo Lý đã được nhận thức và khai sáng từ trong ý chí Tự Do của năng động sử tính. Ðứa con khi lớn lên sắp bước vào tuổi trưởng thành phải có ý chí nổi loạn, phủ định giá trị truyền thống, bỏ nhà ra đi vào thế gian, để rồi hắn cũng sẽ trưởng thành để tìm về lại căn nhà cũ với một ý thức tròn đầy và từng trải hơn. Gia đình nhờ đó mà được phát huy và cập nhật hóa. Giá trị cổ truyền được thử thách và thăng hoa. Cái mới sẽ bao gồm cả cái sai lẫn cái đúng khi nấc thang mới của ý thức đã được bước lên cao. Trong hoàn cảnh đó, mỗi cá nhân là một đứa con của tinh thần thời đại, và mỗi bước chân của hắn, hoặc đi xa, hay trở về, hoặc phủ định hay xác định, đều mang giá trị Ðạo Lý trên từng thời quán kinh qua. Thực tế sử kiện (historical facts) chính là thời tại tính của ý thức (the temporal necessity of consciousness) được khách thể hóa.

Triết học Marx là một ý chí phủ định cấu trúc xã hội và giá trị truyền thống trên cơ sở bản thể luận của ý thức. Marx tố cáo siêu hình học Hegel là một huyền bí luận (mysticism) – một thể loại thần học nhân danh logic của trí năng. Chúng ta phải hiểu là Marx đứng từ góc độ nào khi từ chối Hegel. Marx phủ định "huyền bí luận" của Hegel vì Marx muốn rằng triết học phải tác động thay đổi lịch sử. Không đâu nói rõ hơn về tinh thần và chủ đích triết học của Marx hơn là khi Marx phê bình cuốn "Triết học về pháp quyền" của Hegel. Marx dựa trên sử tính luận của Hegel để viết,

Cái chế độ chính trị lỗi thời (ancient regime) đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do thành ảo vọng. Sở dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng. Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẻ mới của thời đại thì tự bản chất của chính nó là một lỗi lầm của lịch sử. Chế độ này là vở bi hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là một vở bi hài kịch khủng khiếp. Cái hình thái cuối cùng của lịch sử thế giới chính là bản chất trò hề của nó.(4)

Ðó là động cơ triết học của Marx: phá bỏ xiềng xích của nô lệ trong thực tại khách quan bằng ý chí khai giải bản chất năng động của ý thức Tự Do. Marx cũng như Hegel đều cố gắng khai mở và thông giải cái gánh nặng ý thức về Ta. Cái khác biệt là vậy. Ở Hegel, cái Ta từ ý thức tự-ngã này là một hiện tượng vong thân (alienation) từ một tổng thể ý thức tuyệt đối, Chân Thức, dự phóng trong năng động nội tại, mà vì vô minh, nay đã thành một sự thể khách quan. Triết học, từ đó, mang chức năng cứu cánh luận, là phải cứu vớt và phục hồi lại cái Chân thức tuyệt đối này bằng nỗ lực tự giác ngộ qua sinh nghiệm trung giải (mediative lived experience) với cuộc đời. Marx chia sẻ cái diễn đàn cứu cánh luận này, tuy nhiên, trên cơ sở biện chứng duy vật thực nghiệm sau khi cắt bỏ cái nội dung huyền nhiệm của Hegel. Cái ý thức về Ta chỉ là một hệ quả của cái Ta đang bị ràng buộc bởi thực tế lịch sử. Và gánh nặng ý thức tự-ngã chỉ có thể được giải hóa bằng ý chí giải phóng thực tế chính trị khách quan. Marx tin rằng con người có thể "rút ngắn cơn chuyển bụng đầy khổ đau" của nhân loại trên cơ sở sử định luận của Hegel trừ đi cái "duy tâm huyền hoặc." Marx muốn đập phá tất cả, dẹp tan những thế lực "phản động" để rồi, "chính ta sẽ giẫm lên đống gạch vụn như là một Thượng Ðế mới."(5)

III. Ðến Trần Ðức Thảo

Khi tham dự vào triết học của Marx, với một năng lực phủ định cuồng nhiệt như thế làm cơ bản cho triết học và chính trị, không ngạc nhiên khi những con người thuộc những khối lịch sử mới thời đó đã bị cuốn trôi vào trận cuồng phong tư tưởng này. Trong đó có những con người lịch sử Việt Nam. Và trên bình diện triết học, Trần Ðức Thảo là một triết gia xứng đáng để tiếp nhận Marxism như là một chủ thuyết hành động, praxis, cho vấn nạn lịch sử dân tộc.

Khởi đi từ Hegel và Husserl, Thảo (xin phép được gọi tên) cho rằng chỉ có Marxism là có khả năng giải quyết những vấn đề mà hiện tượng luận Husserl nêu lên. "Chân lý phải được minh định trong tiến trình trở nên, vốn không phải là sự chuyển động của ý niệm, mà là của một thời tại tính sinh thực (actually lived temporarity)."(6) Ðây là điểm mà Hegel cũng đã nhấn mạnh trong suốt các công trình triết học chính trị. Nhưng Thảo, theo chân Marx, chuyển hướng ý thức sinh nghiệm, không cho cứu cánh của ý thức, mà là cho một giải pháp đối với thực trạng xã hội vốn là nguyên nhân của tất cả khổ đau. Thảo nói rõ rằng những con người lịch sử phải nhận ra rằng, "Cái thể thức áp chế chính là chiếc chìa khóa cho tính huyền bí của tiên nghiệm."(7) Nắm rõ được hành trang tư tưởng của Hegel qua cơ sở biện chứng duy vật của Marx và phương pháp luận của Husserl, Thảo tin tưởng là mình đã tìm ra được con lộ tư tưởng và hành động cho những con người lịch sử mới của Việt Nam.

Trở về Hà Nội với sinh khí cách mạng vô sản đang lên của dân tộc, Thảo bắt đầu thuyết giảng về lịch sử triết học Tây phương vào đầu năm 1955 bằng một tiền đề chủ nghĩa chắc nịch:

Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tư tưởng là phát xuất từ đời sống xã hội trong đó căn bản là quan hệ sản xuất - và sức sản xuất của xã hội. Ý thức là thuộc thượng tầng kiến trúc xây dựng trên cơ sở là chế độ kinh tế của xã hội. ... Chúng ta nghiên cứu lịch sử tư tưởng là để cụ thể hóa và chứng minh một cách có hệ thống mệnh đề căn bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trên đây, tức là chứng minh rằng tư tưởng của con người xuất phát từ thực tế và nó có một vai trò thiết thực trong đời sống thực tế. Chúng ta không chứng minh mệnh đề đó một cách hoàn toàn khách quan mà sẽ chứng minh trong phạm vi lịch sử của chủ nghĩa duy vật.(8)

Từ Marx, Thảo xác định một lập trường triết học rõ ràng, không nghi ngờ, rằng duy vật biện chứng là một chủ nghĩa, một "biểu hiện lập trường vô sản cách mạng xuất hiện trong quá trình đấu tranh giai cấp lịch sử," và nó là "một công cụ tinh thần, để chúng ta nắm vững nội dung giai cấp và xã hội của nó." Triết học không phải "vì óc tò mò" cho kiến thức, mà ngược lại, nhằm để chứng minh một tiền đề triết học nay đã trở thành một mệnh đề lịch sử vốn phát xuất từ một chọn lựa chắc mãn cho một lập trường chính trị. Thảo muốn lập lại một lần nữa tiền đề của Marx rằng triết học không phải là để hiểu lịch sử mà phải cho mục tiêu thay đổi lịch sử. Chủ quan tính qua ý chí lịch sử, biện minh bằng triết học, sẽ kiến tạo một sự thể lịch sử thực nghiệm làm bản thể luận mới cho năng động ý thức.

Thảo là một thành tố trong giòng sống của lập trường tư tưởng cho một tập thể cách mạng và chính trị dân tộc trong một giai thời mà con người trong cuộc mang đầy nhiệt huyết của tự tin và tự mãn. Không có gì hạnh phúc cho bằng là một chiến sĩ cách mạng vô sản dân tộc thời đó. Mọi yếu tố và điệu kiện khách quan và chủ quan đồng quy về một mối. Mọi việc, mỗi ngọn lửa, từng ngọn gió, từng cơn thuỷ triều có vẻ như là theo ý chí của mình – hay là ngược lại, ý chí của mình đuợc minh xác bởi hiện tượng sử tính nghiệm thực. Ở đó, triết học không cần mệnh danh cái gọi là "khách quan tính"; tất cả là chọn lựa cho một chủ đích chính trị có tầm vóc lịch sử mà nội dung và chủ hướng của sự chọn lựa này đã được chọn lựa sẵn và dọn lên trên mâm cỗ tuyển lọc từ một thời quán chuyển mình của dân tộc. Tự do triết học, mà Thảo đang hành hoạt, là sự minh giải cho chu vi chọn lựa đó: đi tìm gốc rễ cho mệnh đề giá trị mà con người ở giai đoạn đó đã quyết định dấn thân.

Và đâu là cái Ðạo Lý lịch sử trong biện chứng sinh hữu cho dân tộc Việt Nam? Của những năm sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ít nhất là cho một nửa nước, nửa dân tộc, thì thần đế của con người lịch sử mới ở đó là ý thức hệ Marxism trên thực thể vững chắc của Ðảng Cộng sản Việt Nam – đó là khi mà cái Ðạo làm người Việt đã trở nên là làm theo ý chí của Ðảng. Sự chắc mãn của lịch sử biến thành chắc mãn của tập thể tổ chức – và sử mệnh trở nên là biến số của chủ quan duy ý chí. Ở đó, triết học của Thảo là một tiếng trống phụ thêm cho một cuộc diễn hành ngoạn mục của một thế hệ dân tộc bước đi theo tiếng gọi chắc mãn của ý thức và ý chí sử mệnh này.

Câu hỏi: Cái chắc mãn trong ý thức về Ta đối với sử mệnh dân tộc này đến từ đâu? Thảo, trong quá trình phê phán hiện tượng luận của Husserl đã có câu trả lời từ trước: Không có một cái ý thức tiên nghiệm (eidetic) về Ta thuần trừu tượng và độc lập bởi chính nó để có thể quy giảm (epoche) thành một đối tượng quán sát. Cái Ta này không có gì là huyền bí cả, vì tất cả nội dung ý nghĩa về cái ta này "không gì hơn nhưng chỉ là một sự hoán vị biểu tượng của tính vận hành vật thể của quan hệ sản xuất vào trong một hệ thống vận hành chủ ý để từ đó chủ thể tiếp nhập khách thể một cách duy ý tưởng trong sự tái sản xuất ra nó tự trong ý thức của chính mình. Ðó là lý do chân thực cho cái Ta tự-ngã này, vốn đang là trong thế gian, kiến lập thế gian trong nội tính của những hành vi sinh động của mình."(9)

Tức là sự chắc mãn về cái Ta trong lịch sử dân tộc là trong năng động giải phóng của dân tộc, trên căn bản sinh nghiệm khách quan, mà ta tiếp nhập để rồi tự tái kiến tạo cho ta qua kinh nghiệm sống bởi ý thức của ta. Và cái Ta này là cái Ta của dân tộc, và dân tộc, như là một cấu trúc liên hệ sản xuất thuần kinh tế, là nguồn gốc của cái Ta trừu tượng. Ta chỉ là một hoán thể của một thời quán cách mạng đầy chắc mãn về chính mình và về cứu cánh của sinh hữu.

Ðó là niềm hạnh phúc của Thảo; nhưng cũng là nỗi khổ đau cho ông và cho cả dân tộc Việt Nam. Vì thực thể khách quan trong thực chất là chỉ có một chế độ chính trị đang tự mãn, tự tin và kiêu cường, mà Thảo nhận diện chính mình, ít nhất là trên phương diện tâm lý, cho Thảo một căn bản tự mãn cho triết học của mình. Khi triết học đã trở nên chắc mãn thì nó không còn là một cuộc tìm. Tất cả các vấn nạn, nghi vấn, dằn vặt trên cơ sở tiền đề đã trở thành những mệnh đề đầy tính chất kết luận – chúng là những phán quyết về giá trị trên cơ sở chủ đích của ý chí chủ quan mà không cần quy nạp dữ kiện cho tiến trình biện chứng trong chu vi tự do của cái Ta đầy ý thức. Cái khung thức và thể cách triết luận của Thảo là một nỗ lực biện chính một chiều: bản chất sự thể khách quan lịch sử quyết định nội dung ý thức cá nhân liên hệ. Cái khung thức này càng được Thảo giải lý nó lại càng trở nên cứng ngắt. Những quy trình biện chứng duy vật vốn làm bậc thang cho ý chí chính trị nay đã trở nên một chiếc thuyền bị đắm trong cái đập nước do chính phương pháp luận này dựng lên. Khi triết học nhân danh một tiền đề giá trị như là một mệnh lệnh tối cao cho biện minh chính trị và tổ chức thì đó là khởi điểm của sự suy tàn của biện chứng – và là lúc lịch sử đã đánh mất đi nội dung Tự Do của khả thể tự ý thức để đi vào ngõ cụt của nô lệ và áp bức.

Sự chuyển hướng của Thảo, từ một triết gia thuần văn ngữ để trở nên một chiến sĩ cách mạng vô sản Việt Nam, trên bình diện khái niệm, là song song với sự hoán vị của bản thể luận Hegel qua duy vật luận của Marx. Marxism là một phương pháp luận của sự việc lấy cái thường nghiệm để giải thích cái siêu nghiệm. Còn sự dấn thân cho lý tưởng cách mạng dân tộc của Thảo là một nỗ lực lấy sinh nghiệm để minh xác cho những mệnh đề tư tưởng về ý thức.(10) Cả Marx và Thảo đều rơi vào cái sai lầm lớn của Tây Âu trong hai thế kỷ 19 và 20 là mở cửa tầng dưới thấp – đồng lúc đóng cửa tầng lầu trên – của căn nhà hữu thể để coi con người ngang hàng với thú vật và năng động lịch sử như là một hiện tượng thuần sử kiện. Marx đánh đổ cái huyền bí luận của Hegel bằng cách phủ nhận toàn triệt mọi tham chiếu của bản thể luận về với một cơ sở tinh thần cao hơn là sự thể nghiệm thực của sinh hữu. Con người từ đó có thể nhìn thấy góc cạnh đen tối cuả chính mình - nhưng đổi lại, hắn mất nhiều hơn khi tầng trên lầu của ánh sáng Ðạo Lý và những sự thể siêu hình thì hoàn toàn bị đóng kín bởi một ý chí duy chủ quan và thuần nghiệm thực.

IV. Và Ðạo Lý Lịch sử Việt Nam

Thế kỷ 20 là một thời quán nung nấu khúc mắc, một nỗi đau lòng trong sinh mệnh lịch sử Việt. Trong bối cảnh đó, một số cá nhân đứng dậy nắm lấy ngọn cờ thời đại để chuyển động lịch sử: Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh... Họ là những con người lịch sử – khi tinh thần vươn tới Tự Do của quốc gia được hiện thân qua một khối lịch sử mới, đốt lên những ngọn đuốc ý chí để đứng lên. Họ là những người bắt được năng thức của thời đại, nội dung ý nghĩa của nhu cầu hoàn cảnh, nhìn lấy được thiết yếu tính của thời thế để biến nó thành lý tưởng lịch sử cho bản thân. Họ lấy tinh thần đất nước và ước vọng của quần chúng làm khát vọng cho mình. Họ đau nỗi đau của tổ quốc, xót nỗi xót xa của con người, trăn trở trong vận mệnh bi tráng của nước nhà. Họ là những đứa con thời đại. Họ từ bỏ đời sống và khát vọng cá nhân để vươn lên với cao trào đại thể quốc dân. Họ là kết tinh của mâu thuẫn trong biện chứng đối nghịch giữa cái Ðang Là và cái Sẽ Là. Họ là ý chí hướng thượng của sự Hữu. Họ thấy được sự thật và ý nghĩa của thời đại này, cái kết tinh trong tụ điểm của thời tính. Chỉ có những người lịch sử của thế hệ đang lên mới thấy được Ðạo Lý, cái giai thời thiết yếu trước mặt để biến tất cả thành chủ tâm nhằm mang hết năng lực theo đuổi lý tưởng Tự Do cho tất cả.

Tinh thần lịch sử Việt Nam, qua năng thức của những con người như thế trong khối lịch sử giai thời muốn đứng lên chuyển hóa lịch sử quốc gia và dân tộc. Họ vươn tới, dẫn đầu và thử thách thành kiến hiện tại. Họ phóng mở con đường mới để quốc gia tìm ra sinh lộ mới. Họ đau khổ trong đời sống riêng tư, "cốt mỏi, gân nhừ, tim héo, phổi mòn – như Mạnh Tử nói – đủ điều khốn khổ, bách chiết thiên ma vì Trời giáng đại mệnh cho họ, để họ đứng dậy mà lớn lao lên." Những đứa con thời đại, theo Lý Ðông A, "thấu hiểu được cái Ðể Uẩn thiêng liêng của nòi mình, cái lý niệm tối thực tại của Tiên-Rồng từ một thế kỷ lâm ly, khổ ải để thẩm thấu vào lòng người Việt cái bộc phát của tương lai, cái đột biến của sự nghiệp."(11)

Ðể Uẩn – Ðạo Lý cơ bản – của nòi giống Việt, cũng như là của cả nhân loại, là ý thức Tự Do. Tuy nhiên, trên bước đi của ý chí Tự Do, nội dung của Việt-tính mới chỉ còn ở thời quán xác định bản sắc quốc gia trên quá trình dựng nước và giữ nước. Lịch sử Việt vốn là tang thương vì dân tộc Việt đang trải qua thời niên thiếu đang cố gắng đi tìm chính mình. Lịch sử Việt suốt hai trăm năm qua là một thời quán Ðạo Lý được trải thân qua một cõi tâm thức gọi là "dân tộc Việt." Khi Việt Nam đối diện với văn minh Tây Phương vốn mang những giá trị tôn giáo, xã hội, chính trị mới đối nghịch và thử thách với niềm hãnh diện của truyền thống Ðông phương, thì cá nhân Việt mang năng lực khả thể tính của ý chí và ý thức Tự Do nhiều hơn là thực tế lịch sử và quốc gia cho phép. Dân Việt có thể đánh thắng ngoại xâm nhưng chưa có khả năng tránh được nội loạn. Người Việt vẫn chưa có đủ trưởng thành trên cơ bản luân lý công dân và đạo đức cá nhân để xây dựng quốc thể. Tâm chất Việt Nam là của giai thời niên thiếu. Sự chọn lựa chủ nghĩa Marx-Lenin là một chọn lựa sai lầm của một dân tộc trong thời niên thiếu, đầy nhiệt tình yêu nước, nhưng chưa có đủ năng lực tự ý thức cho khả thể Tự Do.

Từ đó, mệnh lệnh Ðạo Lý của Việt Nam hôm nay: Hãy vượt qua tình trạng thiếu niên của tâm thức. Và con người Việt Nam phải được phục hưng.

Chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Ý chí đầu tiên để mở lối cho lý tưởng Tự Do là phải vượt qua tâm trạng tủi thân, bi quan và sầu thảm thụ động để khởi động năng lực lý tính. Chúng ta phải tìm về những nguyên tắc trừu tượng qua thế giới khái niệm nhằm thông hiểu được cái quy tắc ngầm dung ẩn chân lý mà không hề được thể hiện một cách hiển nhiên. Trong thế giới của nguyên tắc, cứu cánh của lịch sử và hiện hữu như chỉ là những khái niệm trừu tượng và mơ hồ chưa được chân thực hóa thành đối thể của tri thức và ý chí. Khả thể Tự Do phải trở thành thực thể lịch sử.

Bước đi kế tiếp là sự dấn thân hành động trong ý thức Ðạo Lý. Khi tư tưởng được chuyển qua hành động là lúc con người Việt Nam đóng chức năng trong cơ trình Tự Do. Khi khát vọng và lý tính đồng quy thì hành động của cá nhân là hiện thân của lòng yêu nước, yêu tổ quốc, tình cảm dân tộc. Ðây là lúc mà tinh hoa của văn hóa công dân – một văn hóa đại thể bao hàm đạo đức và nhu cầu cá thể – phải được vun bồi. Trong văn hóa công dân, nền tảng quốc gia là xã hội dân sự, mà ở đó, luật pháp thể hiện ý chí tập thể của quần chúng từ sự đồng thuận chính trị qua cơ chế chính trị dân chủ. Khi ý chí chủ quan được thể hiện bằng pháp chế khách quan là lúc công dân được Tự Do.

Không có gì có thể được nằm yên trong tiến trình biện chứng này. Nếu con người Việt Nam vẫn duy trì cái ngây thơ, hồn nhiên, hay là hèn nhát, thụ động, thì tình trạng vong thân của ý thức sẽ vẫn còn tiếp tục. Tất cả các góc cạnh ý thức chủ quan và cá thể phải được đánh thức về với khả thể Tự Do mà lịch sử đang chuyển động trên đoàn tàu của tinh thần thời đại mà không ai được quyền trễ bến. Lịch sử nhân loại đang chuyển bánh vươn về chân trời mới mà sẽ không bỏ sót một ai.

***

Một cuộc cách mạng tinh thần, một năng lực ý thức mới cho Việt Nam phải được khởi sinh. Dân tộc Việt đã hoang phí quá nhiều năng lực hướng thượng vào những thử nghiệm lịch sử không lối thoát. Cái thử nghiệm của chủ nghĩa Marx-Lenin trong suốt cả thế kỷ qua là cả một bài học xứng đáng. Bài học lịch sử này đã hoàn tất và đang đi vào hồi chung cuộc. Những con người lịch sử mới phải có và đang dần xuất hiện trên cùng ngõ ngách của tâm thức Việt. Nhưng hãy cẩn trọng.

Muốn chuyển hóa và thay đổi lịch sử thì mỗi cá nhân, từng con người lịch sử, phải xứng đáng là một đơn vị Ðạo Lý xứng đáng với ý chí Tự Do của mình. Năng thức Ðạo Lý phải là hành trang sinh hữu cá nhân - mà trách nhiệm đầu tiên của mỗi người là phải chuyển hóa chính mình. Chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng xã hội, giải phóng con người sẽ chỉ còn là những gánh nặng thoái hóa khi nó không được đặt nền tảng trên một cơ sở Ðạo Lý có ý thức. Sự thoái chuyển của triết học từ Hegel qua Marx, từ Husserl qua Thảo, khởi đi từ năng ý chủ quan cá thể muốn từ bỏ một nội dung huyền nhiệm Ðạo Lý cho triết học. Trong chiều hướng đó, những con người cách mạng vô sản cùng lúc mang một ảo tưởng tang thương là muốn thay đổi lịch sử khách quan mà không cần phải thay đổi con người. Nó nằm trong một sai lầm cơ bản hơn của tư tưởng hiện đại khi lấy con người là thước đo cho tất cả và gốc rễ của con người là chính hắn. Ý thức thời đại có thể phủ nhận tôn giáo trên cơ sở lịch sử, cấu trúc và biểu tượng; nhưng không vì thế mà từ chối một thực tính tinh thần Ðạo Lý siêu việt hơn là thế giới hiện tượng mà chúng ta kinh nghiệm bởi giác quan. Một triết học nhân bản và một sử tính luận vì con người phải đặt một bản thể luận cao hơn là cái thể trạng con người thuần sử tính.(12)

Chúng ta đang thấy cái vũng lầy lớn sâu đang nuốt lấy con người Việt Nam khi nền tảng và ý thức Ðạo Lý đã bị đánh mất. Cái thời quán hiện nay của dân tộc – một hệ quả không tránh khỏi từ một ý thức hệ nặng về duy vật – là hiện thân của tinh thần tiêu cực và phủ định qua những hiện tượng thô lậu và hão huyền, một tâm lý hưởng thụ vật chất và vô trách nhiệm trong bi vọng và thối nát. Nhưng tất cả bóng tối lịch sử này rồi sẽ phải đi qua. Ðạo Lý và con người của dân tộc sẽ được phục hưng mà trong đó lịch sử Việt Nam tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai.

Hãy đứng dậy, lớn lao, và trưởng thành lên – hỡi những con người lịch sử mới của Việt Nam.

Chú thích

1. G. F. Hegel, Philosophy of History. Trans. by J. Sibree. The Colonial Press, 1899.

2. W. Whitman, Democratic Vistas. The Little Library of Liberal Arts, 1948.

3. G. F. Hegel, The Phenomenology of Mind. Trans. J.B. Baillie. Humanities Press, 1964. Bản dịch Việt Ngữ của Bùi Văn Nam Sơn từ nguyên bản tiếng Ðức, Phanomenologie des Geists, sẽ được xuất bản ở Việt Nam trong tương lai gần.

4. Marx, A Contribution to the Critique of Hegel's Philosophy of Right.Trans. & Edited. by J. O'Malley. Cambridge University Press, 1970.

5. Trích từ W. Cleon Skousen, The Naked Communist. Ensign Publishing, 1961.

6. Trần Ðức Thảo, Phenomenology and Dialectical Materialism. Bản Anh ngữ bởi D. Herman và D. Morano. D. Reidel Pblishing, 1986. Bản Việt ngữ, Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng, dịch giả Ðinh Chân (Nxb Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, 2004). Nội dung của tác phẩm này phản ảnh đúng cuộc đời của ông: nửa phần đầu là của trí tuệ và nhiệt tâm; nửa phần cuối nông cạn và thất vọng.

7. Sđd.

8. Trần Ðức Thảo, Lịch sử tư tưởng trước Marx. Phạm Hoàng Gia và Ðức Mộc ghi lại từ các bài giảng ở Hà Nội, 1955-1956 (Nxb Khoa Học Xã Hội, 1995). Ðể biết đến cách tiếp cận của Thảo đối với Hegel, xin đọc bản dịch "Hiện Tượng Luận và Bản Chất của Trí Năng" trong số này.

9. Trần Ðức Thảo, Phenomenology and Dialectical Materialism.

10. Theo Nguyễn Văn Trung, thì có hai Trần Ðức Thảo: một "TÐT tiếng Pháp" là một triết gia; và một "TÐT tiếng Việt" là một cán bộ Marxist thuần khẩu hiệu. (Ðối Thoại, California, 1994). TÐT sẽ còn là một đề tài ngoạn mục và hấp dẫn cho trí thức Việt, không những trên bình diện triết học, vốn thoả mãn ít nhiều tự ái dân tộc và mặc cảm trí thức đối với Tây Âu, mà là cái tính chất bi thảm của một trí thức lớn khi về lại Hà Nội. Nếu thiếu vắng một năng thức Ðạo Lý thì không ai bước vào cõi Việt Nam mà không bị thoái hóa.

11. Lý Ðông A, Huyết Hoa, Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt, California, 1986.

12. Ðể có một cái nhìn về lịch sử, chẳng hạn, trên bình diện siêu nghiệm, xin đọc Charles DeMotte, The Inner Side of History, Source Publications (1977)