Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Đi tìm sự yên tĩnh với “Mặt trận ở Sài Gòn”

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

Trong những ngày đang phải cố thủ tại gia một cách tuyệt vọng trước “kẻ thù vô hình” Corona virus giăng mắc, phong tỏa nơi nơi, “Mặt Trận Ở Sài Gòn” là một nguồn quên lãng lớn cơn đại dịch này. Trước hiện tại đang thêm phần đen tối không chỉ vì đại dịch Cô-Vy và nạn suy thoái/ lạm phát mà chủ yếu vì một chính tình thối nát, có khi người ta phải đi vay mượn một vài tia sáng từ quá khứ để có thể ngày qua ngày. Những câu chuyện cách đây cả 50 năm ở một nơi nay quá xa xôi bỗng dưng sống lại một cách da diết trong trí nhớ, trong con tim của mỗi chúng ta khi có “Mặt Trận Ở Sài Gòn” đặt đầu bàn ngủ (không phải gối đầu giường).

Tác phẩm này là một tuyển tập truyện ngắn, ấn bản 2020 là song ngữ Việt Anh, nhưng tôi vẫn xem đó cũng là một tuyển tập tạp bút, tạp ghi từ những đau nhức của một thời của thế hệ chúng tôi – thời đó chúng ta chỉ mới hăm mấy, ba mấy, nhưng nay đã bước qua tuổi cổ lai hi rồi. Thời gian có thể qua nhanh như vậy sao? Truyện ngắn ít nhiều vẫn có tính hư cấu (“truyện”), đặt chuyện từ mục đích của người viết muốn chuyển tải. Bởi vậy, có khi “truyện” có vẻ không thật và người xem sau khi gấp sách lại có thể nhún vai coi như xong.

Tạp bút thì nói lên những ghi nhận, suy tư, tâm trạng buồn vui, hoan hỉ, phẫn nộ của người viết từ những kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống. Đối với một tác giả như Ngô Thế Vinh, cuộc sống từ thời thơ ấu đã từng trải từ Bắc vô Trung và vào Nam; trường học đã đi từ Khải Định Huế đến Chu Văn An Sài Gòn, rồi trường Y Khoa; và những năm làm y sĩ tiền tuyến tại những chiến trường xa xôi, heo hút đẫm máu vùng Tam Biên (Việt-Miên-Lào) cho đến ngày mất nước... cuộc đời của ông đã thừa sự phong phú mà không cần vay mượn sự tưởng tượng.

Tạp ghi có lẽ là một thể loại thích hợp nhất cho Ngô Thế Vinh. Ông có đủ sự tự hào và tự tin về mình để nói lên và tìm cách diễn đạt những gì mình quan sát, nhận định, suy tư mà người nghe, người đọc có thể đón nhận. Mặt khác, ông cũng có đủ sự khiêm tốn cần thiết của một người hiểu được sự nhỏ bé, bất lực của con người trước “bể khổ mênh mông” mà “Nước mắt của Đức Phật” chỉ làm cho cái “nghiệp” của con người thêm đáng thương, đau buồn rõ ràng.

Rất nhiều người Sài Gòn trong những năm sau của thập kỷ 60 đã đọc tạp chí Tình Thương của sinh viên trường Y Khoa Sài Gòn, bởi vì trên mặt trận hỗn tạp của báo chí thời đó, Tình Thương không phải là một “sản phẩm thương mại”, nhưng lại có sức thu hút với người đọc đang tìm kiếm một tạp chí thể hiện những giá trị nhân bản tưởng như đang thất lạc trong cuộc sống đầy bất trắc. Ngô Thế Vinh từng ở trong ban biên tập, tổng thơ ký và chủ bút của tạp chí này, một nhịp cầu cho những bác sĩ tương lai đến với một xã hội thực sự tin “lương y như từ mẫu”. Chắc chắn Ngô Thế Vinh đã có những niềm tin, những đam mê lớn lắm mới cống hiến sức mình góp phần làm nên Tình Thương, và chính Tình Thương đổi lại đã góp phần định hướng cho anh suốt cả cuộc đời – đến với những người dân lành bị bỏ quên trong xã hội, hay những người lính ngoài trận địa chẳng mấy khi được những người hậu phương nhớ đến.

“Mặt Trận Ở Sài Gòn” là một tuyển tập gồm 12 “truyện bút ký”. Một nửa nói lên những trăn trở của một bác sĩ quân y ngoài tiền tuyến, đứng giữa làn tên mũi đạn, một nửa là những trăn trở của một người đã dấn thân vào việc tạo dựng một cuộc đời mới trên chốn “tạm dung” đất khách quê người, nhưng lại không đành để quá khứ lại đàng sau. Ít ra chỉ để nêu lên những câu hỏi cho dù câu trả lời càng ngày người ta càng không màng! Ít ra để có thể mơ mộng hão huyền – dù không xua tan được những ám ảnh như ác mộng – “Sẽ rực rỡ mùa thu này” với “Giấc mộng con năm 2000”.

Mười hai “truyện bút ký” (Mặt trận ở Sài Gòn, Nước mắt của Đức Phật, Dấu ngoặc lịch sử, Hòa bình không sớm hơn, Giấc mơ Kim Đồng, Chiến trường tạm yên tĩnh, Cựu Kim Sơn – chưa hề giã biệt, Một bức tường khác, In Retrospect – nhìn lại, Người y tá cũ, Sẽ rực rỡ mùa thu này, Giấc mộng con năm 2000) mang cùng văn phong (le style, c’est l’homme), kể chuyện nghe như những lời tâm tình, lúc cao giọng như phẫn nộ, lúc trầm tĩnh như buồn bã, thể hiện những trăn trở mà tác giả, một người trong cuộc, muốn chia sẻ và muốn được tin cậy đón nhận, cám cảnh, đồng tình.

Có thể Ngô Thế Vinh, với thói quen nghề nghiệp, ưa xem xét cặn kẽ mọi dấu hiệu, triệu chứng, và tìm cách giải thích hết mức khi chẩn bệnh. Nhưng cũng rõ ràng, là một quân nhân tiền tuyến, ông mang những tình cảm sâu đậm có tính cách ruột thịt với đồng đội, những người cùng vào sinh, ra tử, và là một lương y, ông đau đớn vô kể khi thấy đồng đội ngã xuống không kịp nhắm mắt tại những nơi hoang địa rừng núi sâu thẳm. Ngô Thế Vinh là y sĩ trưởng của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. “Mặt trận ở Sài Gòn” đã thể hiện nơi anh con người của đồng đội, do đồng đội, vì đồng đội. Một tình đồng đội như chúng ta có thể thấy qua bức ảnh của Tình Thương, bốn sinh viên y khoa cùng các bạn đồng môn đảm trách tờ báo này mà thời đó tên tuổi chẳng phải xa lạ với dân Sài Gòn [Hình 1].

clip_image004

Hình 1: Toà báo SVYK Tình Thương 113 Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài Gòn (1965), từ trái: Bùi Thế Hoành, Trang Châu, Ngô Thế Vinh, Phạm Đình Vy [tư liệu Ngô Thế Vinh]

Hay bức ảnh của những sĩ quan trong đơn vị Biệt Cách: Trung úy Nguyễn Sơn (liên toán trưởng các toán thám sát), Trung úy Nguyễn Ích Đoan (đại đội trưởng Đại đội 1 Xung kích), Y sĩ Trung úy Ngô Thế Vinh, Trung úy Nguyễn Hiền, sĩ quan Ban 2 [Hình 2].

clip_image006

Hình 2: Hành quân Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Dakto tháng 5, 1971, từ trái: Trung uý Nguyễn Sơn, Liên Toán Trưởng các toán Thám Sát, Trung uý Nguyễn Ích Đoan, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 Xung Kích, Y sĩ Trung uý Ngô Thế Vinh, Trung uý Nguyễn Hiền, sĩ quan Ban 2 [tư liệu Nguyễn Hiền]

Đã hẳn, tình đồng đội trong một đơn vị đặc biệt như Biệt Cách Dù hẳn đặc biệt hơn cả bởi vì nhiệm vụ đặc biệt của đơn vị “cách biệt” này cùng cách hành sự cũng đặc biệt của nó. Như tác giả kể lại một câu chuyện, Liên đoàn Biệt Cách Dù này đang tiến hành một cuộc hành quân vào tháng năm 1971, căn cứ xuất phát là Dakto, một vùng rừng núi thuộc tỉnh Kontum cao nguyên Trung phần. Đây chính là thời điểm quân Sài Gòn mở chiến dịch tấn công vào vùng Hạ Lào nhằm giải tỏa áp lực của Bắc quân trên vùng Trung nguyên và làm suy yếu khả năng của Miền Bắc đưa quân và khí giới xâm nhập Miền Nam. Chiến dịch này gây nhiều tranh cãi, chủ yếu là vì Mỹ muốn thử thách xem “Việt Nam hóa” là thế nào, Tổng thống Thiệu thì muốn phô trương tài lãnh đạo của mình trước cuộc bầu cử độc diễn trong năm, nhưng lại không biết “bảo mật” cho nên để lực lượng quốc gia chịu nhiều tổn thất. Các toán Biệt Cách Dù có nhiệm vụ thám sát và theo dõi sự di chuyển của Bắc quân dọc biên giới xuống tới vùng Tam Biên Việt-Miên-Lào trong mục đích khám phá đường mòn “Hồ Chí Minh” ở nơi “cùng cốc, thâm sơn”. Vùng Tam Biên này rừng núi trùng trùng điệp điệp, đi dễ khó về vì chẳng dễ tìm đường ra. Những nhóm “Biệt Cách” này chỉ biết trao sinh mạng cho nhau, và cho tử thần. Nếu không có nhau, làm sao người ta có thể sống sót được qua những điệp vụ như thế.

“Mặt trận ở Sài Gòn” là câu chuyện của một đơn vị Biệt Cách Dù đang chiến đấu gian khổ trong vùng rừng núi Tam Biên thì được đưa về thủ đô Sài Gòn. Tác giả ngậm ngùi và tự hào: “Không kể những người đã chết, chỉ riêng trong đám sống sót trở về – có thể nói họ xứng đáng mang danh anh hùng bằng chính những chiến tích lẫy lừng đi vào huyền thoại”. Lính tráng đều vui mừng vì có dịp về thành phố mừng tủi gặp lại gia đình và tha hồ vui chơi. Nhưng tác giả chẳng có gì thú vị vì hiểu rằng nhiệm vụ mới là một cuộc “chiến tranh trong thành phố”. “Chúng tôi trở về thủ đô giữa một không khí rục rịch biểu tình khởi đi từ những phong trào quần chúng đấu tranh chống chính phủ”. Tác giả đã trải qua những tháng ngày rất mệt mỏi trong cuộc nội chiến để bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Ông đã chứng kiến bao nhiêu hy sinh của đồng đội; ông cũng ngán ngẩm trước đối phương xem sinh mạng của “bộ đội” như cỏ rác. Và ông cũng đau lòng trước thống khổ của người dân trong vùng chiến, vừa sợ bom đạn chiến tranh, vừa lo khủng bố, vừa bị túng quẫn vì miếng ăn... “Người lính chỉ ao ước được cầm súng chiến đấu cho tổ quốc, hy sinh cho một lý tưởng cao cả, một chính nghĩa sáng ngời, mà khỏi cần phải bận tâm suy nghĩ điều gì. Nhưng bây giờ thì họ hiểu rằng, đã thất lạc và qua rồi sự bình an giả tạo sau những mỏi mệt trở về từ rừng rú. Rằng ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn – đó là cảnh thối nát, bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tốí tăm tủi nhục... Vậy phải lựa chọn chiến trường nào? Rằng không phải chỉ ở chốn xa xôi biên cương – mà đích thực chiến trường thách đố của họ phải là ở Sài Gòn”.

Câu chuyện sau đó, “Nước mắt của Đức Phật”, cũng có thể làm cho người đọc đã từng sống những ngày tháng tao loạn thời đó rơi nước mắt. Bối cảnh những truyện kể đều là thời “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon, hay đúng hơn là “giải Mỹ hóa”, (de-Americanization), tức lính Mỹ tháo chạy, bỏ rơi đồng minh, cho dù Nixon nói, “peace with honor”. Quan điểm của tác giả ngay từ thời đó đã rõ ràng: Mỹ đã quyết rút khỏi “tiền đồn”, vì Nixon đã có kế hoạch đi Nga, đi Tàu. Lúc đó là vào năm 1971, theo chỉ đạo của cố vấn Mỹ, quân Miền Nam đánh qua biên giới Campuchia để truy tầm “Cục R”, tức bộ chỉ huy của địch lập trên đất Miên để điều khiển cuộc chiến. Cuộc hành quân này như là bước đầu thử nghiệm “Việt Nam hóa”. Đơn vị Biệt Cách Dù được thả xuống đất Miên như lạc vào trong một khu rừng hoang không biết lối ra. Toán thám sát này vừa truy tầm vừa nhằm phá hoại địch, tác giả gọi đó là “một chiến tích lẫy lừng của các anh hùng vô danh”. Nhưng kết cuộc là thế nào. Tác giả viết: “Và suốt trong đêm hôm đó tại một ngôi chùa Miên bỏ hoang, có một người lính Công giáo Việt Nam kiệt quệ và đau khổ, quỳ gối bên xác một đồng bạn, mắt đẫm lệ hướng lên vẻ mặt an tĩnh của Phật thành tâm cầu nguyện cho linh hồn người bạn xấu số sớm được giải thoát...” Đây là câu chuyện ở Thị trấn Krek, Campuchia, sát biên giới Miền Nam ở Tây Ninh.

Những truyện được viết trong thời chiến của Ngô Thế Vinh mà chúng ta đọc được qua tuyển tập “Mặt Trận Ở Sài Gòn” đều mang âm hưởng tương tự: như một tiểu thuyết chiến tranh với sự căng thẳng, chết chóc, mệt mỏi, tang thương, bi đát, anh hùng, và ai điếu... Rất rõ rệt Ngô Thế Vinh mang nặng nghiệp cầm bút (thời đó chưa có computer), ông không thể không viết trước những bức bách của thực tế cuộc sống, xã hội, đất nước, nhưng nếu không là y sĩ ở tuyến đầu, sẵn sàng dấn thân trong chốn trận mạc, đương nhiên ông không thể có những kinh nghiệm phong phú như thế để ghi lại – không chỉ những gì đã xảy ra mà cả những suy nghĩ, biến động trong nội tâm của ông. Diễn biến nội tâm đúng là phức tạp, khủng hoảng mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi: ông vừa thấy cuộc chiến là sống còn cho Miền Nam vừa thấy cuộc chiến là phi nhân vì lãnh đạo Hà Nội thì bất nhân (đã thí mạng đến cả nửa triệu thanh niên) và lãnh đạo Sài Gòn thì “vô tâm” (quân đội, chính khách, lãnh đạo tôn giáo mãi lo quyền lực, quyền lợi của mình hơn quyền sống của người dân).

Truyện ngắn “Mặt Trận Ở Sài Gòn”, khoảng 5,000 chữ, xuất hiện đơn độc lần đầu tiên trên tạp chí Trình Bầy ngày 18-12-1971 và sau đó tác giả bị đưa ra tòa – chẳng bao lâu sau khi “Vòng Đai Xanh” của ông được trao giải thưởng. “Mặt Trận Ở Sài Gòn” bị khép vào tội có “luận điệu phương hại trật tự công cộng, và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội”. Tờ báo bị tịch thu, bị “phạt vạ” và đình bản mấy tháng sau đó. Nhưng năm 1972 là năm Mùa Hè Đỏ Lửa, và vụ án đã nhanh chóng chìm vào quên lãng. Mãi đến sau này, vào năm 1996 khi tác giả tập họp một số truyện ngắn để có tuyển tập “Mặt Trận Ở Sài Gòn” xuất bản ở California, nhiều tác giả hữu danh như Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Tỵ, Phan Nhật Nam... lên tiếng, chia sẻ những trăn trở của tác giả vì đất nước, vì xã hội trong thời chiến. Nguyễn Xuân Hoàng cho rằng giữa “con người và tác phẩm” không có khoảng cách. Và Ngô Thế Vinh là một tác giả của xã hội. Ngô Thế Vinh cũng có dịp bộc bạch tâm sự của mình trong một số bàí phỏng vấn dài của tạp chí Bách Khoa và của nhà báo Nguyễn Mạnh Trinh.

Như thế, nay chúng ta có thể nói thêm gì đây?

Người đọc nay có thể nhìn lại để thấy “Mặt Trận Ở Sài Gòn” không chỉ là tiểu thuyết chiến tranh mà còn có một nội dung chính trị sôi sục của một người đối kháng vì lương tâm. Chính trị là một nội dung mà tác giả đã chất chứa trên từng trang giấy của từng truyện. Một điều chúng ta đều có thể thấy nhưng ít người viết tiện nói ra, nói thẳng, nói thật, đó chính là sự “bất túc” của lãnh đạo Miền Nam cho nên cuộc chiến đã trở thành một cuộc phiêu lưu ngày qua ngày thay vì là một Hội nghị Diên Hồng tập họp quần chúng trong một cuộc chiến sống còn của đất nước. Không chỉ là nhân chứng, Ngô Thế Vinh là người dấn thân ở chốn trận tiền. Hiểu rất rõ sinh mệnh mong manh của người cầm súng. Cho nên không sợ mang tiếng “phản chiến” ông có quyền đặt những câu hỏi chính trị. Khi không hiểu đúng và đủ nội dung và ý nghĩa của chính trị, nhiều người – nhất là giới văn nghệ sĩ – ngại ngùng và muốn tránh xa “chính trị”. Nhưng khi hiểu chính trị chụp lên đời sống của tất cả mọi người, quyết định sự sống còn của con người, của xã hội, của đất nước, là sự mưu tìm dân chủ, tự do, nhân quyền và công bằng xã hội, thì đó là điều người viết không thể tránh né. Và hẳn sai lầm khi tránh né.

Quyết định của Ngô Thế Vinh có một ấn bản song ngữ giữa năm đại dịch này bởi thế đáng hoan nghênh. Không chỉ vì đó là một nỗ lực táo bạo, phi thường mà vì ông nghĩ đến chuyện gởi gắm cho những thế hệ những đời sau một di chúc xứng đáng. Dĩ nhiên, càng ngày người ta càng ít đọc. Mong muốn những thế hệ trẻ cầm sách về lịch sử hay chính trị đất nước Việt Nam trước đây đúng là chuyện “giấc mộng con”. Cũng như muốn người Mỹ phải hiểu rõ hơn lịch sử và chính trị của Hoa Kỳ để cho nội chiến đa chủng, đa văn hóa, thực sự chấm dứt. Nhưng Ngô Thế Vinh bao giờ cũng là người sống trong giấc mộng con người phải tốt đẹp hơn để xã hội tốt đẹp hơn.

Đọc “Mặt Trận Ở Sài Gòn”, chúng ta tưởng chừng như đang nghe thổn thức “Tình khúc trên chiến trường tồi tệ”. “Mặt Trận Ở Sài Gòn” hay “Chiến trường tồi tệ” (tác giả là Ngô Đình Vận, người bạn ở Saigon Post) sẽ chẳng thế nào rời khỏi tâm trí của những người đã sống một thời đầy đau nhức đó, và nay đã là một ám ảnh đau buồn khi chợt nghĩ ra rằng chúng ta chỉ có một thời để sống.

HOÀNG NGỌC NGUYÊN *

Utah, September 5, 2020

* Tốt nghiệp Cao học Hành chánh (Sài Gòn), đã qua các trường Hertford College (Oxford) và David Eccles School (University of Utah). Theo đuổi “nghiệp báo” rất sớm, chính thức vào nghề với The Saigon Post ( với Chủ bút Trần Nhã) từ 1968 tới 1975. Tham gia nhóm nghiên cứu đổi mới kinh tế của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh trong những năm 80. Sang Mỹ, tiếp tục viết báo về các chủ đề kinh tế, cộng tác chặt chẽ với The Việt Mercury News, Việt Tribune, Saigon Nhỏ, Bút Tre và hiện định cư tại bang Utah.