Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Boók Ngọc

Trung Trung Đỉnh

Tôi có cái may mắn là đã được ở chung cùng một đơn vị với boók Núp, khi tôi được biên chế về huyện đội Khu 10, theo cách gọi thời chiến tranh, bây giờ là huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai. Và tôi lại cũng đã từng có một thời gian ở chung với nhà văn Nguyên Ngọc, khi được điều về dự trại sáng tác văn học của Quân khu 5. Tôi nhớ mãi cái đêm tôi và nhà văn Nay Nô từ Gia Lai lội bộ đường rừng cả tháng trời để về tới nước Oa, nước Ồ thuộc miền Tây tỉnh Quảng Nam thì được nhà văn Nguyên Ngọc và nhà văn Nguyễn Chí Trung đón sẵn trên bờ sông, khi hai chúng tôi vừa lội qua. Cuộc hội ngộ chân phương, giản dị, không phân biệt tuổi tác, cấp bậc, chức vụ được diễn ra bằng cái ôm riết quay tròn, không ai để ý tới chuyện người này đang khô, người kia đang ướt sũng. Tôi chưa một lần được gặp ông nhưng tất cả những gì ông viết ra đã gần như là một thứ cẩm nang cho cuộc đời lính tráng giàu lý tưởng của tôi. Hồi ấy tôi mê Đường chúng ta đi, một thiên tùy bút như lời hịch chiến sĩ, lừng danh đến nỗi, đơn vị tôi nhiều anh thuộc lòng. Tùy bút của Nguyễn Trung Thành - nhà văn Nguyên Ngọc đã khích lệ cánh lính trẻ chúng tôi say mê bước vào trận cùng nhân dân tham gia cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc. Tôi mê truyện ngắn Rừng xà nu như tôi vẫn từng say mê sống cùng với bà con các buôn làng Tây Nguyên. Hạnh phúc được gặp ông đối với tôi khi ấy là quá lớn, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tôi, khiến tôi luống cuống.

- Này – ông nói khi thấy nhà văn Nguyễn Chí Trung nhắc tới cái truyện ngắn của tôi mới được in trên Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Truyện ấy của cậu mà có sức, đẩy được nó đến tận cùng thì mới gọi là hay được.

Thú thực, được in truyện, được các bậc liền anh bàn về cái truyện của mình, đối với tôi là quá sung sướng, quá thoả mãn rồi.

- Cả Ở Ro nữa – ông quay sang Nay Nô, tác giả cái truyện ngắn có tên là Ở Ro, tiếp. Truyện ấy đặc sắc và lạ lùng lắm. Chỉ tiếc cậu không đi tới tận cùng số phận của nhân vật, thành thử nó mới dừng lại ở già ký, non truyện.

Sau này đã trở thành khá thân thiết, mỗi lần nói tới chuyện viết lách, ông vẫn thường nhắc tôi, đừng bao giờ đặt mình ở vị trí chấp chới giữa hai thể loại, nhất là truyện và ký. Ký cho ra ký. Truyện cho ra truyện. Theo ông, thể loại truyện ký ra đời là do ba cái anh lười, hay nếu không lười thì do yêu cầu cấp bách của việc làm báo ở chiến trường mà in những ghi chép khi cuộc chiến đấu đang cần thiết. Văn học chỉ trở thành văn học theo đúng nghĩa của nó, ấy là những tác phẩm được sáng tác bởi sự bứt phá khỏi hiện thực của cuộc sống. Nó thông qua trí tưởng tượng của tấm lòng yêu cuộc sống đến tận cùng của nhà nghệ sĩ. Nghệ sĩ khi sáng tác chính là khi anh ta tự vắt kiệt sức mình hiến dâng cho cuộc sống. Theo ông, bản chất của nghệ sĩ là hy sinh. Ông không tin những người nói cái chi tiết này tôi để dành cho cái truyện này, cái chi tiết kia, tôi để dành cho tác phẩm kia. Theo ông, nhà văn không có của để dành. Anh ta sẵn sàng hiến dâng trọn vốn sống của mình cho tác phẩm mà anh ta đang viết, dù đó chỉ là một truyện ngắn. Trạng thái hụt hẫng của nghệ sĩ sau khi dồn hết tâm lực vào tác phẩm vừa hoàn thành vì vậy là có thật, rất đáng được trân trọng. Ông nói nhiều với tôi về cái sự làm gì cũng phải làm đến tận cùng, không có trung bình. Trung bình tức là kém! Ông bảo nhà văn đồng thời là nhà tư tưởng. Nhà văn chân chính là nhà tư tưởng chân chính, anh ta kiên định trước mọi sự phức tạp đến đối nghịch của tiến trình phức tạp mà cuộc sống luôn luôn đẩy lên. Ta phải có ý tưởng vững vàng, không chao đảo, kể cả trong sinh hoạt thường ngày. Ông bảo tôi, thời viết Đất nước đứng lên và cả Đường chúng ta đi, Rừng xà nu, Rẻo cao... đều là thời cái đích đến cuối cùng là lý tưởng. Ông nói thêm, lý tưởng xét cho cùng là một khái niệm ảo, nhưng nếu thiếu nó thì không có bất kỳ thành công nào. Ông là người rốt ráo, không bao giờ chịu nhượng bộ với chính mình. Khi ông đã yêu hay ghét đều chỉ một mực, không khéo léo lượn lờ. Hồi ông dồn hết tâm lực vào việc viết Bản đề dẫn cho công cuộc đổi mới nền văn học của đất nước là một một ví dụ. Tự tin vào tấm lòng chân thành của mình. Tự tin đến thật thà. Khi vấp phải sự phản ứng của cấp trên, ông là người cuối cùng bảo vệ chính kiến, trong khi một vài người bạn trước đó từng cao đàm khoát luận thì giờ đây im lặng, thậm chí rút dù, đánh bài... chuồn!

Tôi mê bản tính cực đoan của ông. Có lần được chứng kiến ông từ chối nhận phong bì của vị quan chức đầu tỉnh mà ông không ưa, nếu không nói là ghét, vì cái cách cho, biếu, tặng quà sau bữa họp báo về việc tổ chức lễ hội cồng chiêng theo phương pháp mới, đưa cồng chiêng lên biểu diễn sân khấu cộng đồng mà ông cho rằng đó là một công việc không những vô ích mà thậm chí còn xúc phạm tới luật tục của làng rừng. Ông khẳng định, khỉ rừng không còn, làng rừng không còn thì cồng chiêng chỉ là một di sản và ông xin lỗi, không thể nhận món tiền này vì khi họp báo ông đã nêu ý kiến việc làm lễ hội cồng chiêng kiểu sân khấu, kiểu quảng cáo rất phản khoa học.

Rồi ông đi thẳng, không ở lại dự lễ hội ấy nữa.

Một lần anh em lãnh đạo hội văn học nghệ thuật tỉnh mời ông đến giao lưu trao đổi về kỹ thuật viết, ông nói ông quan niệm kỹ thuật viết thì ai cũng tự học được; ông đặc biệt quan tâm tới cái cốt lõi của công việc viết văn, ấy là tấm lòng, ấy là mối tình cảm của người viết. Ông rất nhạy cảm và tỏ thái độ thẳng thắn với một số tác giả sớm thỏa mãn say sưa gặm nhấm chút thành công ban đầu. Ông bảo đấy là cái đưa anh ta tới ngõ cụt sáng tạo. Nhưng cũng cần hiểu là, người nghệ sĩ chân chính không phải ai cũng dễ dàng khiêm tốn. Bản chất của sự khiêm tốn không phải là thứ có thể làm thoả mãn sự kiêu ngạo của một số nhà hãnh tiến. Bản chất của sự khiêm tốn là chân thực. Có thể nói lai lịch cuộc đời nhà văn Nguyên Ngọc gắn liền với những chuyến đi, gắn liền với sự tham gia trực tiếp vào các công việc của người cán bộ đối với các đồng đội, đồng chí dưới cơ sở, dù đó là thời chiến hay thời bình. Dù lúc ông đang nắm giữ một vài chức vụ quan trọng hay khi đã về hưu. Nguyên Ngọc là người hiếu động. Ông không bao giờ chịu ngồi không, chịu dừng lại. Hạnh phúc của ông là làm việc. Nỗi buồn của ông cũng là nỗi buồn của công việc. Có thể nói đúng hơn, Nguyên Ngọc là con người của công việc. Ông sáng tác văn học cũng say mê như lúc ông làm các công việc khác. Công tác sáng tác văn học, đó là một khái niệm được các nhà văn thời chiến tham gia cùng các chiến dịch của mặt trận. Các nhà văn thời đó dù không ở trong quân đội nhưng vẫn vừa phải cầm súng chiến đấu vừa sáng tác. Cán bộ sáng tác văn học cũng lại là một khái niệm thời chiến tranh trong các cơ quan tuyên huấn vẫn thường gọi. Nguyên Ngọc chính là người cán bộ sáng tác văn học tận tâm, tận lực với cả hai chức danh. Không thể kiếm đâu ra một cán bộ văn nghệ thạo việc, thạo nghề, có nhiệt tình công tác và nhiệt huyết với đồng nghiệp, với cách mạng hơn Nguyên Ngọc. Ông dường như được sinh ra để nhận lãnh những nhiệm vụ như vậy, đặc biệt là trong chiến tranh. Chiến tranh là mảnh đất khiến con người ta bộc lộ tính cách rõ ràng nhất. Nó có khả năng dốc ngược tính cách một con người khi sự khốc liệt của nó bất chợt ụp xuống, mang theo tiếng gầm rú của điên loạn và chết chóc. Chiến tranh cũng khám phá ra những phẩm cách cao quý còn tiềm ẩn nơi đáy sâu tâm hồn một con người, khi con người đó phải va chạm với cái gian nan khổ cực, với sống chết chỉ trong gang tấc. Nhưng chiến tranh không phải cái mà các nhà văn chọn, cũng như Nguyên Ngọc không tự chọn cho mình, mà chính là số phận. Làm trai thời chinh chiến, lớn lên trong loạn lạc, khẩu hiệu “Tổ Quốc hay là chết” chính là cái mà chúng ta chọn. Có thể nói, Nguyên Ngọc và cả thế hệ nhà văn cùng lứa với ông đi theo cách mạng trước hết là để đi làm cách mạng chứ không phải đi theo cách mạng để viết văn. Thực tế đời sống trong kháng chiến với biết bao nghĩa tình quân dân, nghĩa tình đồng chí, đồng đội, những cam go, mất mát hy sinh, những gian truân, nhọc nhằn, đói no, vui buồn, khi thất bại, lúc chiến thắng, đã tạo nên những nguồn cảm hứng mà các chiến sĩ cách mạng ấy đã cầm thêm cây bút, trước hết là để động viên mình, thoả mãn những tình cảm của mình, sau nữa là bạn bè, đồng chí, đồng đội. Họ là những nhà văn, những người lính, họ chính là con đẻ của cách mạng. Không có cách mạng, không có họ. Hay nói một cách khác, nếu không theo cách mạng, không đi làm cách mạng thì chắc chắn họ không trở thành nhà văn của cách mạng như ngày nay ta đã có! Vâng, nhưng tôi phải nói thêm: chắc chắn họ vẫn sẽ là nhà văn của nhân dân. Những tác phẩm của Nguyên Ngọc đều được viết ra trong những thời điểm nóng nhất của đất nước và của tình thế cách mạng. Những kẻ cơ hội trong những tình thế đất nước có những xoay chuyển mới, thường nhắm vào ông và các nhà văn vì yêu đảng mà hay nói thẳng nói thật, lo cho sự nghiệp văn học nghệ thuật không phát triển kịp đời sống. Những tư tưởng của bản đề dẫn mà Nguyên Ngọc là người đề xướng và tiên phong. Những bài tiểu luận sâu sắc đầy tâm huyết của Nguyễn Minh Châu như Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa và nhà lý luận văn học, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến thì có Chủ nghĩa hiện thực phải đạo đều bị phê phán hội đồng.

Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Mạch nước ngầm. Từ Mạch nước ngầm tới Rẻo cao. Từ Rẻo cao tới Đường chúng ta đi. Rồi Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Rừng xà nu, Đất Quảng cho đến Có một con đường mòn trên biển và gần đây nhất là thiên bút ký dài Cát cháy viết về vùng cát trắng thời chiến tranh chống Mỹ ở huyện Bình Dương, đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm quê hương ông, ông viết trong im lặng nhưng luôn luôn tự “mở chiến dịch” và “ra các mũi tấn công!. Đã “tấn công là không có chuyện bàn lùi, tất nhiên làm gì có ai để mà bàn tiến với lại bàn lùi nữa? Cái sự “bàn lùi” ở đây là những ý nghĩ của chính ông. Ông tự đặt mình vào giữa điểm nóng của các sự kiện trong câu chuyện và lao vào đó, tựa hồ như có bom, có đạn, có chông thò cạm bẫy, có địch, có ta và ông là vị chỉ huy. Sáng tác văn học đối với ông là chiến đấu. Một cuộc chiến đấu quyết liệt giữa nhà văn và tư tưởng xã hội; giữa nhà văn và trách nhiệm công dân; giữa nhà văn và nhiệm vụ cách mạng... Trong chiến đấu có thắng có thua, có tiến, có lui. Trong sáng tác văn học cũng vậy. Đối với ông, không có chuyện “thua” một cách đơn giản. Mọi liên hệ trong quá trình sáng tác của ông đều có liên quan tới các cuộc chiến tranh, với cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc chống ngoại xâm. Cũng như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh, mỗi người một cách khác nhau, nhưng các ông đều là những nhà văn “con đẻ của cách mạng”... Cả sự nghiệp của các ông đều gắn liền với sự thăng trầm của cách mạng. Mỗi sáng tác của các ông đều bộc lộ phẩm chất người con trung thành của đất nước, người cán bộ mẫn cán, chịu thương, chịu khó, thật thà, trung hậu, luôn luôn mong cho sự nghiệp của cách mạng tiến triển.

*

Tôi tiếp cận Nguyên Ngọc trước hết bằng sự ngưỡng mộ những tác phẩm giàu thi hứng của ông. Sau nữa là bằng nghĩa tình “đồng hương Tây Nguyên, đồng hương khu 5”. Thực chất đây là cái tình cán binh, đồng đội, mặc dù ông chưa hề là người chỉ huy trực tiếp của tôi ngày nào. Đối với tôi, ông luôn luôn là một lực hấp dẫn.

Tôi có nhiều lần cùng ông quay lại Tây Nguyên, Việt Bắc, Tây Bắc, không nhiệm vụ, không mục đích, không cả mục tiêu cụ thể, chỉ là để “đi chơi”. Một lần trở lại Đăk Glei, một huyện cao nhất xa nhất, cách trung tâm PleiKu khoảng trên 200 ki-lô-mét, để về thăm Mường Hon. Tôi đã lên đó một lần đúng 3 ngày tết âm lịch năm 1979, khi ấy còn rừng già hoang dã. Anh Ngọc đã lên đây lâu rồi, có nhiều ký ức, nhiều kỷ niệm sâu nặng với bà con dân tộc, thời viết Rừng xà nu. Rồi sau này viết Tháng Ninh Nông.

Trở lại cái làng S’Triêng anh Ngọc trầm tính hẳn, lắm lúc như người ngẩn ngơ. Buồn vì các bạn hồi xưa mất mát, ly tán. Các nhân vật của nhà văn chỉ còn trên trang sách...

*

Mỗi lần được trò chuyện với ông về bất kỳ vấn đề gì tôi cũng cảm thấy như mình vừa được học thêm một bài học mới, tươi roi rói. Vốn tri thức của ông giàu có nhờ lúc nào ông cũng miệt mài đọc, miệt mài trau dồi qua khả năng tiếp nhận từ mọi nguồn thông tin, đặc biệt là sách tiếng Pháp. Ông có một trí nhớ rất đặc biệt. Nhất là nhớ tên những người bạn thuở trong rừng. Ông là người luôn có khả năng tổng kết, có lẽ do ông được sinh ra để làm cán bộ, để làm chỉ huy, dù ở cấp nhỏ (hay cả lúc ở cương vị tương đối quan trọng) – ấy là theo cách nhìn nhận của tôi. Thì các ý kiến của ông vẫn luôn có vai trò chỉ đạo. Sự sắc sảo trong lập luận, sự nhạy bén trong nhận định tình hình và khả năng diễn giải sáng láng các vấn đề, đặc biệt là những vấn đề thuộc về lĩnh vực văn nghệ và mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị, mà nhiều người cho là gai góc, tế nhị, nên tránh, thì ông không những không tránh mà còn xông thẳng vào, như chính ông đã từng xông thẳng vào những điểm nóng nhất của phong trào cách mạng để công tác, để chiến đấu như tiễu phỉ, đánh giặc lấn chiếm ở Quảng Đà và sau đó mới là để sáng tác. Ông vốn là con người hiếu động, thẳng thắn, thật thà, ham làm việc, mà làm việc gì dù nhỏ, ông cũng làm một cách toàn tâm toàn lực, dốc hết tâm huyết để tiến hành một cách căng thẳng, quyết liệt, tới cùng, đầy tự tin. Ông tin ở tấm lòng yêu nghề chân thành của mình. Ông tin ở bạn bè đồng nghiệp. Ông tin ở cấp trên, và cả tin ở cấp dưới cũng giống suy nghĩ như ông, đều có cùng một khát khao xây dựng một nền văn học cách mạng không phải chỉ có một màu hồng, không phải chỉ có một giọng ngợi ca mà còn cần phải có những tác phẩm chân thực hơn, sâu sắc hơn, xứng đáng với những hy sinh mất mát của đồng chí, đồng bào. Đó là những điều khi còn chiến tranh, các nhà văn vì mục tiêu trước mắt, vì yêu cầu của cuộc chiến đấu cần phải động viên nhân dân và chiến sĩ chưa thể nói được, viết được, thì bây giờ, sau chiến tranh, có một độ lùi về thời gian, đất nước có một thế đứng vững chắc trên trường quốc tế, ta cần phải có cái nhìn đổi mới.

*

Nguyên Ngọc là người lúc nào cũng có công việc quan trọng. Đối với ông, dù viết một mẩu tin hay một cuốn tiểu thuyết thì tinh thần trách nhiệm của tác giả đều phải ngang nhau. Sự quan trọng đối với công việc của ông tạo nên một luồng không khí sôi động, đặc biệt là công việc tổ chức một số báo. Tờ báo Văn Nghệ dưới sự điều khiển của ông giống như một pháo đài nhiều năm bị bỏ quên nay được khởi động lại, những phóng viên lờ đờ nhất, được ông đánh thức bỗng trở thành nhà phóng sự. Những nhà văn, nhà thơ vốn đã quen với tác phong dược chăng hay chớ về thời gian, với kiểu cách lâu ngày chỉ “sáng cắp ô đi tối cắp về” của một công chức văn nghệ được ông đánh thức bỗng thấy mình năng động và hữu ích hơn bao giờ hết. Các cộng sự gần gũi nhất cũng như các cộng tác viên ở xa nhất đều thấy mình có vai trò trách nhiệm đối với tờ báo, tức là có vai trò trách nhiệm đối với hàng triệu độc giả. Và tờ báo ngay lập tức trở thành một điểm nóng của đời sống tinh thần toàn xã hội. Chưa bao giờ báo Văn Nghệ lại tự chọn được cho mình một thế đứng đẹp đến thế trong lòng người đọc. Tư tưởng đổi mới của Đảng được cụ thể hoá trên từng con chữ, trên từng bài báo, trên từng số báo. Lịch sử báo Văn Nghệ thời Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập có thể nói là rất ngắn, nhưng đó là thời chớp sáng, nó đánh thức các nhà văn và các học giả, nhắc họ cần phải tham gia trực tiếp vào đời sống của nhân dân, nhóm lên các phong trào yêu nước mới phù hợp với yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng. Những cây bút của thế hệ mới như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... nhanh chóng xuất hiện và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm cuả độc giả. Có thể nói họ là những gương mặt sáng giá, với những giọng điệu khác nhau, họ không phải là các tác giả hoàn toàn mới, nhưng sự nở rộ của họ tạo nên một không gian mới trong đời sống văn học.

*

Đã thành lệ, như một quy ước không thành văn, hễ cứ xa Hà Nội độ chừng dăm bữa nửa tháng trở lên, trước khi đi hoặc sau khi về, thế nào tôi cũng mò tới “thăm” ông. Cái cách “đi lại” của tôi đối với ông là một nhu cầu tự thân, kể từ sau ngày tôi được định cư tại Thủ đô, bất kể lúc ông làm cán bộ – hay khi ông chẳng còn tí chức vụ gì, thì cái “lệ” mọn ấy cho tới nay vẫn được duy trì. Tôi gặp ông để kể về những chuyến đi xa về gần của mình, đặc biệt là những chuyện ở Tây Nguyên. Và sau đó là nghe. Tôi nghe ông kể về những chuyện ông mới đọc được, những tác giả mới nhất cùng những vấn đề nóng nhất của tình hình văn học trong nước và thế giới. Gặp ông, bắt chuyện được với ông, tôi luôn luôn ở trạng thái một cậu lính nghe thủ trưởng của mình truyền đạt kiến thức, truyền đạt ý tưởng, mặc dù không bao giờ ông có thái độ trịch thượng, kẻ cả. Ông thậm chí còn có ý thức “đọc hộ” cho tôi một vài loại tài liệu về dân tộc học mà tôi vì mù ngoại ngữ nên không tiếp cận được. Sức đọc của ông về các vấn đề dân tộc học không phải nhà dân tộc học nào ở ta cũng theo nổi, thêm nữa, khả năng khái quát vấn đề, truyền đạt những ý tưởng sau khi suy nghĩ về cái vấn đề mà ông đã rút ra thì quả thực, ít nhà sư phạm nào có được lối truyền đạt hiệu quả hơn ông. Ông nhập cuộc cùng vấn đề, day dứt, đau buồn, sướng vui cũng vì nó, cho đến khi giải toả được, ít nhất là một mình tôi, tên đàn em chỉ còn có biết nghe, nghe và lĩnh hội. Ông không chỉ là nhà văn sáng tác mà hơn thế, ông còn là một nhà nghiên cứu văn học với một năng lực nhạy cảm và một kiến thức uyên bác ít có. Với ông, nhà văn đồng thời phải là nhà nghiên cứu văn học. Sự nghiên cứu ấy bắt đầu bằng sự đọc. Trước hết phải là đọc, ông nhấn mạnh. Đọc và suy ngẫm. Không nhất thiết phải viết ra, nhưng nhất thiết phải suy ngẫm trên cái nền của tác phẩm và tác giả, ấy là thời đại, và tư tưởng của thời đại. Ông chăm chú theo dõi các cây bút trẻ, luôn luôn có ý thức tìm hiểu và phát hiện tài năng. Ông nghiên cứu các nhà cổ điển như một nhà thần học nghiên cứu các kinh sách và ông tiếp thu những tư tưởng mới nhất của thời đại mình trên cái nền ấy. Ông dịch Jean-Paul Sartre, trước hết là do nhu cầu nghiên cứu con người năng động đa tài kỳ lạ này, cùng những tư tưởng luôn luôn cấp tiến của ông ta. Sự ảnh hưởng của J-P.Sartre tới các nhà văn thế hệ cùng ông và sau ông ở nước Pháp và trên thế giới, cũng như sự thành kiến đối với ông cũng bởi vì tư tưởng xã hội luôn luôn đòi hỏi các nhà văn phải cách tân, nếu không cách tân không thể theo kịp sự chuyển mình vĩ đại của thời đại. Nhưng cách tân như thế nào? Đó là một câu hỏi lớn. Một câu hỏi mà theo J-P. Satre, mỗi nhà văn ở thời đại của mình phải tự trả lời lấy bằng chính tác phẩm, không phải lúc nào cũng dễ dàng được chấp nhận. Ông dịch Kundera cũng cùng một tinh thần như vậy. Nhưng với Kundera, sự tiếp cận các tác phẩm của ông dù sao cũng dễ dàng hơn khi mà chính những người đọc ông ở Việt Nam, thế hệ chúng tôi, ít nhất cũng đã không còn phải bỡ ngỡ vì những ý tưởng táo bạo và lối diễn đạt đa chiều, thường gây nên những cú sốc mạnh vì giá trị dự báo và sự phơi bày hiện thực không phải bằng lối diễn đạt trình tự kể cả về tâm lý lẫn sự vận động của các sự kiện và số phận các nhân vật. Thực ra lối diễn đạt này không hoàn toàn mới mẻ. Cái mới mẻ của Kundera là sức mạnh của tinh thần của ông đã dũng mãnh vượt qua được hàng trăm chướng ngại vật của thời đại do khoa học kỹ thuật tạo nên. Đất sống của văn học vẫn còn vô cùng màu mỡ một khi con người không thất vọng vì chính sự sáng tạo của con người. Hay nói một cách khác, Kundera là một trong những nhà văn tiên phong trong quá trình khai thác tâm tư con người hiện đại, trong thời đại công nghiệp luôn luôn mới. Sự “dễ dàng” tiếp cận một tác giả lớn như Kundera không đơn giản chút nào, nếu ta mới chỉ đọc các sáng tác của ông. Cũng như J-P.Sartre, những tác phẩm tiểu luận của Kundera là một đóng góp lớn cho sự phát triển của văn học hiện đại. Nguyên Ngọc dịch văn J-P.Sartre và Kundera cũng căng thẳng và quyết liệt như chính ông đang vật lộn với các sáng tác của mình. Sự tự nguyện dấn thân vào thế giới tư tưởng của các nhà văn lớn không làm ông mệt mỏi mà chính vì có sự dấn thân ấy, đã khiến ông vững tin hơn ở thế giới tinh thần bất diệt của con người. Ông không chịu dừng lại bởi chính niềm khao khát của ông về một tương lai tốt đẹp và đa dạng của văn học Việt Nam.

Công lao đóng góp của ông đối với nền học thuật Việt Nam rất lớn. Các ấn phẩm dịch thuật của ông về dân tộc học, về triết học và văn học được ông chuyển ngữ không có bất cứ nhà nghiên cứu nào, nhà văn hóa nào quan tâm và dịch được một cách có hệ thống đầy tâm huyết như ông. Ngoài các tác phẩm lớn của các nhà văn lớn được ông chuyển ngữ, chúng ta không thể không nhắc đến tên tuổi và sức vóc vĩ đại của các nhà dân tộc học người Pháp đã cống hiến cho nền văn hóa đa dạng của Việt Nam như Jacques Dournes, Georges Condominas. TS Lê Hồng Lý và TS Andrew Hardy ở Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam và Viện Viễn Đông bác cổ Pháp từng nói: “Nguyên Ngọc với bản dịch cho lĩnh vực (dân tộc học) và những cố gắng chuyển ngữ giờ đây đã mở ra cho người Việt Nam nói chung và người Gia Rai nói riêng một cánh cửa dẫn thẳng tới kho tàng những hiểu biết của Dournes về nền văn minh Gia Rai”.

*

Trong một tiệc rượu với mấy người bạn văn, tôi có kể lại cho các bạn tôi nghe bài viết trên đây của mình, thực lòng, trong bốn năm người bạn của tôi, cũng có một hai anh không thích Nguyên Ngọc, lại càng không thích tính khí cực đoan thẳng thừng của ông. Thậm chí có người cho rằng, Nguyên Ngọc là nhà văn rất có công trong việc đóng góp với phong trào, chứ còn sáng tác thì cũng chỉ trên vừa vừa thôi. Nhưng có người kiên quyết đòi lấy các truyện ngắn của Nguyên Ngọc ra để làm mẫu cho học sinh trường viết văn Nguyễn Du, Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp học, vân vân. Hơn thế, có người cho rằng Nguyên Ngọc có đóng góp lớn cho văn hóa Việt Nam, chỉ tính riêng các tác phẩm dịch thuật của ông cũng có thể so sánh với một viện nghiên cứu văn hóa nào đó. Mới có mấy người mà đã tranh luận gay gắt với nhau về một tác giả đương đại, về những tác phẩm nổi tiếng, đến mức lên gân, lên cốt, bất phân thắng bại. Số người yêu ông, thích ông trong bữa rượu tình cờ ấy dù sao cũng đạt được ở mức trên phân nửa. Tôi không lấy cái thước đo này để làm cuộc điều tra xã hội học, càng không lấy đó làm chuẩn mực cho sự khen chê, nhưng tôi rất muốn khoe ra đây để tự thưởng cho mình rằng, ở đời, phàm đã dính dáng ít nhiều tới văn chương nghệ thuật, nếu không có lúc quá đi một tí về cái sự khen chê, xem ra nó cũng nhạt phèo, thành thử “ngồi buồn viết mà chơi” theo cách nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu mà tôi đang làm, ấy cũng là vì muốn cho nó bớt nhạt cái thân mình đi một tí, chứ cũng chẳng có cái trò gì hay hớm hơn là cái trò ấy, thế thôi.

Hà Nội, đêm tháng Chạp năm hai nghìn. Chỉnh sửa 1.7.2020.

T.T.Đ .