Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (675): Xuân Vũ (kỳ 19)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

19

Tôi bị cuốn hút vào cậu thanh niên kỳ dị này. Và cứ theo chiều hướng của Năm Cà Dom thảo luận với Cường thì tôi và Hồng đi để Năm Cà Dom ở lại bệnh xá. Thu đang ngồi nắn nắn bắp chân trên võng. Thấy Hồng tới, Thu vội vàng bỏ chân xuống dép và ngó lom lom vào cái con người kỳ quái kia.

Hồng vẫn cứ thói quen, quắc mắt nhìn lại và quát: 
- Nhìn gì? Đào ngũ đấy. Muốn làm gì không? 
Tôi bảo: 
- Bạn của tôi đấy cậu! Đừng nói thế! Cậu ngồi võng tôi đây này, rồi tôi sẽ lấy sách cho. 
Tôi định soạn ba lô nhưng tôi dừng tay lại vì tôi thấy Thu và Hồng nhìn nhau bằng cái nhìn kỳ lạ làm cho tôi rất ngạc nhiên. Cái nhìn như xoi mói mà lại như thân thuộc với nhau từ lâu, cái nhìn vừa như những tia sáng chọc thẳng vào mắt nhau vừa như êm dịu trao đổi với nhau những tình cảm mến thương. 
Nhưng tôi nghĩ ngay rằng Thu đang sửng sốt trước một loại người chưa từng thấy bất cứ ở đâu, còn Hồng thì lấy làm lạ có một người con gái xinh đẹp như một nàng công chúa giữa một bộ lạc mọi dã man này. 
Tôi lục ba lô nhưng không thấy quyển sách. Tôi hỏi Thu: 
- Em có lấy quyển sách trong ba lô anh không? 
- Anh đã cho chị Ngân mượn anh còn hỏi gì nữa? 
- Thế à, Ngân chưa trả à? 
- Anh còn muốn tặng cho người ta mà còn đòi người ta trả là sao? 
- Sao em nói thế! 
- Em nói không đúng hả anh? Vậy em xin lỗi nhé! 
- Em nói thế chẳng hóa ra anh đối em không có nghĩa gì sao? 
- Không phải thế. 
- Vậy thế nào? Em cứ nói ra đi. 
- Em cũng không rõ nữa, nhưng em cảm thấy là quyển sách ấy không bao giờ trở lại tay em. 
- Để anh đi đòi lại ngay bây giờ. 
Tôi quay sang nhìn Hồng. Hồng vẫn ngồi lặng thinh nhìn Thu không nháy mắt. Cậu ta như bị Thu thu mất hồn. Tôi hơi khó chịu, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh. 
Tôi bảo: 
- Cậu ngồi đây chơi, để tôi đi lấy quyển sách tặng cậu. 
- Thôi anh ạ, em làm phiền anh quá! 
- Không sao, tôi đã hứa với cậu mà. 
Tôi bước ra đi được vài bước thì Hồng cũng chạy vút theo. 
- Sao cậu không chờ tôi? 
- Thôi anh ạ, để anh mang nó về quê hương. 
Hồng nói với tôi với vẻ mặt không vui làm cho tôi ái ngại. Có lẽ vì lời qua tiếng lại giữa Thu và tôi làm cho cậu ta buồn lòng. Nếu quả thật vậy thì tôi cũng đi lấy quyển sách về để chứng minh rằng tôi không có tình cảm gì với Ngân, mặc dù những tình cảm đó đã nảy nở rất tinh vi, tuy không lộ ra ngoài nhưng sự khôn ngoan của Thu cũng là của bất cứ người đàn bà nào, đã linh đoán được. 
Hồng hỏi tôi: 
- Chị ấy là người yêu của anh à? 
- Ừ. 
- Hai anh chị yêu nhau lâu chưa? Em xin lỗi nhé. Em xem anh như bậc đàn anh của em. Hồng dè dặt, lễ phép. 
- Lâu rồi. 
- Chị ấy cũng đi Nam với anh à? 
- Chứ còn đi đâu nữa. 
- Thích nhỉ. 
Tôi và Hồng cùng đi đến lều Ngân để lấy sách. Khi tôi rẽ vào lều của Ngân được một quãng thì tôi thấy Hồng đã chạy vọt tới phía trước. Tôi gọi to. Tiếng gọi vang to giữa hai vách suối, nhưng Hồng không quay lại. Hắn nhảy nhanh qua các đầu mõm đá xa dần với mớ tóc dài xụ xộp xõa xuống quá vai. 
Tôi trở về lều với quyển sách trong tay. 
- Đây em ạ! Quyển sách đã trở về tay em. 
- Em không đồng ý anh làm như thế. 
- Tại sao? 
- Ngân sẽ buồn. 
- Ơ hay, sao em cứ nói loanh quanh mãi thế. 
- Ừ nhỉ, em nói loanh quanh luẩn quẩn quá nhỉ? Em sẽ chấm dứt ngay bây giờ. 
Tôi bèn kể lại câu chuyện giữa tôi và cậu thanh niên quái gở kia cho Thu nghe và kết luận: 
- Cậu ta ở Hàng Bột đấy, em ở Hàng gì? 
- Em ở Hàng gì đến anh mà cũng không nhớ nữa sao? 
- Nhiều hàng quá, anh không nhớ hết. 
- Nhưng anh phải nhớ Hàng em ở chứ. Hàng nào em ở thì anh không được quên. 
- Tội nghiệp cậu ta quá. Tôi đánh trống lảng. Cậu ta giống chàng King Kong quá em nhỉ? 
- Vâng thoạt tiên, trông thấy anh ta em cũng nghĩ như vậy. 
Tôi lên võng nằm với trăm ý nghĩ trong đầu. Toàn những chuyện kỳ lạ, không chép lại hết. 
Còn Thu thì cứ kêu là khó chịu. Thu nằm một chốc lại ngồi, ngồi rồi lại bước đi ra khỏi lều, xong lại lên võng nằm và lại cứ kêu “Eo ôi! khó chịu quá!” 
Cứ mỗi lần tôi nghe Thu kêu thì tôi lại sợ hết vía ra. Không biết cái tiếng kêu đó báo hiệu trước cho tôi, cho nàng một cái tai hoạ gì đây. 
Tôi lại bắt đầu sợ cái con kỳ đà xui xẻo. Nhưng mình đã nuốt thịt nó vào bụng rồi, nó đã tan vào máu mình rồi, làm sao bóc nó ra cho được. 
Cuộc sống dài dằng dặc lê thê buồn nản thối chí đơn điệu ở đây làm cho một con người trở nên tai nạn cho chính mình. Mình cảm thấy sống là khổ ải, vô bổ, nhưng lại rất sợ chết. Đau ốm thì lo chạy chữa cho khỏe lại, nhưng khi khỏe rồi thì cũng chẳng làm gì ngoài cái sự nấu cơm, ngồi trong lều nhìn mưa và tán gẫu. 
Giữa tôi và Thu có sự không hài hòa với nhau rồi. Tôi biết vậy. Nếu ở một nơi nào khác thì tình yêu sẽ vọt lên đỉnh cao hơn và sẽ kéo dài hơn. Còn ở đây, nó không có đất sống, nó không thể thọ được hơn nữa. Huống chi trong cuộc sống của hai đứa lại có một kẻ khác chen vào, mà kẻ ấy Thu lại tiên đoán là tình địch của nàng. 
Tôi cố chứng minh ngược lại. Tôi làm, tôi nói tất cả những gì có thể bảo đảm với nàng rằng tôi không yêu ai ngoài Thu. Nhưng sự đời lại rất oái oăm, càng thanh minh, càng đính chánh thì đó chính là mình tự thú nhận. 
Chiều hôm đó thì Năm Cà Dom về. 
Năm Cà Dom đưa cho tôi một cái phong bì dán kín khá nặng. Tôi vừa cầm lên tay thì Thu cũng trông thấy ngay. Tôi nghi là của Ngân gửi, nhưng cũng may, Năm Cà Dom nói to lên: 
- Của thằng Úm Ba La gởi cho cậu đấy! 
Rồi Năm Cà Dom lại tiếp ngay: 
- Cái thằng người vượn đó kỳ cục quá. Không biết nó đi đâu mà lúc trở về ôm đầu khóc rưng rức. Cường và tớ gạn hỏi hết sức nó cũng không nói. Xong nó biến đi đâu mất. Đến lúc tớ ra về thì lại thấy nó chạy theo và đưa cho tớ cái thư này nhờ gởi cho cậu. Đọc xem nó nói cái gì trong đó. 
Rồi Năm Cà Dom vừa đi vừa càu nhàu: 
- Mệt bỏ mẹ! Từ đó về đây mà đi muốn rụng hai đầu gối. 
- Muỗi đòn xóc phải không? 
- Hì hì! Năm Cà Dom cười rồi đi thẳng về lều. 
Tôi bóc thư ra đọc ngay. 
Những dòng chữ đen nghịt chạy dưới mắt tôi. 
Chị Bích thân yêu,
Thật là một niềm đau khổ kinh hoàng đối với em và cả đối với chị nữa khi em viết và khi chị đọc những dòng chữ này. Chị không nhận ra em thực ư? Chị đã không nhận ra em thực rồi. Đó là sự thực mà em cứ ngỡ trong chiêm bao. Hồng đây. Hồng ngồi trước mặt chị mà chị không biết.
Một năm rưỡi ở Trường Sơn sống với loài dã thú, sống một đời sống ăn mày, ăn cắp, ăn cướp, giật giọc, lường gạt bất lương. Hồng giờ đây đã không còn là Hồng em trai ngoan ngoãn của chị như ngày xưa, mà có gì xưa cho lắm. Chỉ mới hơn một năm thôi.
Em không ngờ gặp chị ở đây. Nhưng em đã gặp chị. Em đã gặp chị, nhưng em không muốn cho chị biết em là em của chị. Nỗi đau khổ, em muốn chỉ riêng mình em chịu thôi. Em không bao giờ còn hi vọng sống yên ấm trong gia đình để quấy phá chị, để chị mách thầy mẹ quở đánh em, nhưng rồi chính chị lại bênh vực em, hoặc lấy thân chị đỡ roi đòn cho em. Hạnh phúc của em đã lùi xa….
Tôi không đọc được nữa. Tôi chạy vọt sang Thu và chìa ngay bức thư cho Thu. 
- Em đọc đi, Bích. 
- Thôi, em không đọc. Thu ngúng nguẩy. 
- Nếu em là Bích thì em phải đọc, đọc ngay. 
Thu miễn cường cầm lấy bức thư và đưa lên mắt. 
Sự ngạc nhiên lộ hẳn lên khung mặt của Thu. Thu đọc một quãng thì mặt mũi tái ngắt, tay Thu run rẩy. Thu ngước lên hỏi tôi: 
- Sao lại thế này anh? 
- Anh cũng không rõ nữa. 
- Thế nó đâu rồi? 
- Anh cũng không biết. 
- Trời ơi, sao thằng Hồng lại ra thân thể ấy hỡi trời! 
- Có đúng nó không? Sao không bao giờ anh nghe em nhắc đến nó nhất là nó đã vào Nam trước em. 
- Em không muốn nhắc vì em nghĩ rằng nó không sống nữa. 
Tôi cầm lấy bức thư từ hai bàn tay run rẩy của Thu và đọc tiếp: 
Em muốn nhảy tới ôm quàng lấy chị mà oà lên khóc như một đứa trẻ con, nhưng không biết cái gì đã giữ em lại. Chị Bích thân yêu, chị tha thứ cho em. Em biết em hành động như thế là điên cuồng, nhưng có lẽ em thích làm như thế (dù sau này em biết chắc chắn rằng em sẽ ân hận) còn hơn để cho chị gặp đứa em chị với một hình thù kỳ quái như em.
Đúng là chị đây rồi. Chị đã thay đổi rất nhiều nhưng dù sao em cũng còn nhận ra chị với hai hàm răng trắng và đều như hạt ngô như thầy mẹ thường khen như thế, với cái chót mũi thanh tú đã từng thưởng cho em những cái hôn nồng ấm tình thương mỗi khi em làm bài được điểm cao.
Chị Bích thân yêu,
Bây giờ thì em đã trở thành một con người không phải là con người nữa, với bao nhiêu thú tính, với vô số tội lỗi và vô số ý nghĩ điên cuồng nung nấu trong đầu.
Thôi nhé, chúc chị thành công, chúc anh chị hạnh phúc. Vĩnh biệt
Em trai của chị,
Hồng
Tôi đọc suốt bức thư không sót một chữ nào. 
Thu ngồi trên võng chết điếng, không một cử động, như một bức tượng đá. Hai hàng nước mắt bị kềm chế từ lâu, từ trong khóe mắt tuôn chảy thành hàng xuống má, xuống môi rồi rơi xuống ngực nàng, tưởng chừng gây thành những tiếng động vang tận đáy tim tôi. 
Tôi cũng sững sờ. Không biết nói gì với nàng. 
Bất giác tôi nâng những trang giấy soi lên ánh sáng rừng chiều đã mờ nhạt hẳn đi, như để tìm xem còn có một sự thật nào ít chua xót đớn đau hơn không? 
Ghê gớm thay những dòng chữ đã làm cho tôi tưởng mình đang xem một vở kịch nhân tạo, chứ không phải một sự thực có thật ngoài cuộc đời. 
Chuyện gì mà éo le đau xót quá thế như vậy. 
Thu gạt nước mắt: 
- Anh gặp nó ở đâu? 
- Ở trong bệnh xá. 
- Nó làm gì trong đó? 
- Làm đầy tớ cho ông Cường bác sĩ trưởng bệnh xá. 
- Làm sao đi tìm nó bây giờ hở anh? 
- Bây giờ tối rồi, để mai. 
Không! Anh dắt em đi am nó ngay bây giờ. 
- Tối quá rồi em ạ, đi không được đâu. 
Thu lặng thinh. Mắt ngó mong ra xa. 
Bóng tối đã rây rắc xuống tàng cây ngọn cỏ. Mắt Thu đẫm lệ ngó mong theo lối đi đầy vết chân xuôi ngược ven bờ suối cát, mong tìm lại hình ảnh thằng em. 
Rồi trời tối mịt. 
Thu vẫn ngồi như thế như tượng đá, chốc chốc lại thở dài áo não. Còn tôi thì không dám đi đâu, cứ ngồi ở đầu võng đó để hầu hạ đối đáp từng cử chỉ, từng câu nói của nàng. Không biết đó có phải là cái tai họa mà con kỳ đà mang đến hay không. Ngẫm cũng thật khó hiểu. 
Tôi hỏi Thu: 
- Thế em không nhận ra em Hồng à? 
- Làm sao mà nhận ra được anh? Nó không còn một nét nào của Hồng năm xưa nữa. Da dẻ, khung mặt, tóc tai. Nhất là bộ tóc bồm xồm hoe hoe của nó làm cho gương mặt của nó tối sầm lại. 
Tôi nói: 
- Em dở quá. Nếu anh như em thì anh nhận ra ngay. 
- Thú thật em cũng thấy ngờ ngợ. Em định hỏi thăm nó vài câu, nhưng chưa kịp hỏi thì nó đã vụt chạy đi rồi. 
Tôi chắc lưỡi: 
- Cái thằng kỳ thật, gặp chị như thế mà lại trốn đi đâu. 
- Tính tình nó kỳ cục lắm anh ạ. Nó có cô người yêu hoa khôi trường Trưng Vương, nhưng nó chẳng bao giờ tìm đến cô ta cả, chỉ cô ta tìm đến nó thôi. Thế mà cô ta không rời nó được. 
Bỗng Thu ôm mặt gục xuống và kêu lên khe khẽ: 
- Trời ơi! Nếu em khôn ngoan thì em hãy quay trở lại cho chị gặp Hồng ạ! Chị chết mất thôi! Thầy mẹ mà biết em như thế này, thì thầy mẹ cũng sẽ chết mất. 
Tôi ngồi lặng im, không dám cử động, tôi tôn trọng sự đau khổ của nàng. Tội nghiệp! Một người chị như nàng làm gì được cho thằng em trai? Tôi nói: 
- Để mai anh sẽ đi bắt nó về cho em. 
- Đêm nay em tưởng như dài vô tận. 
- Chắc chắn nó sẽ trở lại thăm em. 
Thu sụt sịt mãi. Thu nói: 
- Em càng nghĩ càng thương thầy mẹ em ghê anh ạ! Mỗi lần em đau ốm trượt ngã, đau đớn rên siết, em thương em thì ít, em thương thầy mẹ em càng nhiều. Thầy mẹ em không để cho em trầy da chân, còn thẳng Hồng, đôi lúc thầy em đánh nó, nhưng sau đó thầy em lại bảo nhỏ mẹ em dỗ dành vuốt ve nó. 
Còn có hai chị em đi cả thế này mà rồi thân thể lại ra thế này, anh nghĩ có đáng thương ông già bà già không? Giờ này ông bà ở nhà quạnh hiu, ra vào không thấy em cũng không thấy thằng Hồng, tin tức thư từ cũng không, chắc thầy mẹ em sầu muộn mà chết sớm. 
Chập sau, Thu lại nói: 
- Em không đi nữa anh ạ. Bây giờ thì dù thế nào thì thế, em cũng nhất định không đi vào! Em đánh đổi tất cả, kể cả những cái gì thiêng liêng nhất trong em, để đạt được một chuyện là trở về gặp lại thầy mẹ em ở tại nhà. 
Tình cảm này của Thu dai dẳng từ mấy trạm qua, Thu nung nấu nuôi dưỡng nó, Thu bảo vệ nó, để bây giờ cái sự việc gặp cậu Hồng ở đây là cái giọt nước làm cho cái ly nước tình cảm kia tràn trề. Tôi cũng như Thu. Trong những cơn đau ốm tôi thường nghĩ tới cha mẹ tôi. Ông bà đang ở trong Nam tựa cửa trông con. Hằng chục vạn cảnh mẹ già tóc bạc tựa cửa trông con từ phương Bắc mịt mờ trở về, ngày nay không còn là một bài học tượng trưng trong trang sách mà nó đã biến thành sự thực. 
Ở ven bờ suối ngay chỗ tôi và Thu thường lên xuống để múc nước, giặt giũ có một cái cây giống in cây trâm bầu. Ai ở miền Nam ắt không lạ gì cái giống cây trâm bầu. Những bờ trâm bầu râm mát buổi trưa hè là những chiếc giường thiên nhiên cho nhà nông ngả lưng kéo những giấc ngủ trưa tuyệt vời. Thân cây trâm bầu đầy gai nhọn, lá nó không tha thướt nhưng nhìn thấy cây trâm bầu là thấy tình cảnh đồng quê sâu đậm. 
Tôi đi ra Bắc mười hai năm, quên hẳn giống cây này, không có một bài thơ một vở kịch nào làm sống lại bóng dáng cây trâm bầu trong lòng người Nam Bộ tập kết. 
Bây giờ đây trên bước đường về quê (hay về nước cũng thế) tôi vừa gặp lại cây trâm bầu ở ven bờ suối này. Tôi đã làm đủ mọi sự kiểm tra từ vỏ cây, lá cây đến trái cây và sau cùng tôi đứng tựa hẳn vào gốc cây đầy tược non mượt mà và kêu lên khe khẽ tự đáy lòng: Trâm bầu ơi chính ta đây, bạn ngươi, người Nam Bộ hơn mười năm ly hương nay trở về xứ mình.
Tàng cây trâm bầu xum xuê, vỏ cây mốc nhưng ửng lên đầy sinh lực, rễ cây ăn chen vào những kẹt đá, một cái rễ to luồn sâu dưới một hòn đá đã làm nứt hòn đá này ra. 
- Trâm bầu ơi! Hôm nay chắc mi thấy bớt cô đơn! 
Tại sao chỉ có một cội cây trâm bầu dọc bờ suối này? Tôi để ý thấy không còn một trâm bầu nào khác ở quanh đây. 
Tôi tự hỏi, ai đã mang hạt trâm bầu gieo xuống đây? Một chú chim giang hồ nào trong một chuyến bay phiêu lưu đã mang hạt giống cây kia nhả xuống đây để thử sức sinh tồn của giống cây ấy chăng? Hay một trận cuồng phong nào đã thổi tung hạt giống ấy từ miền qua sông Cửu Long ra tận vùng núi đá chết tiệt này? 
Thu nói: 
- Xin anh tha lỗi cho em. Em ngấy lắm rồi. Em không muốn anh nói gì về sự đau đớn của em. Tất cả lý thuyết đối với em bây giờ đây không vượt qua nổi những sự thực đã dầy dẫy trước mắt em hằng ngày. Anh xem đó, một đứa con trai hai mươi mốt tuổi đi vào “giải phóng miền Nam” một năm rưỡi nay, bây giờ tóc tai mắt mũi và tư tưởng như thế đó! 
Rất tiếc là em không nắm tay giữ nó lại kịp. Em ân hận vì trước đây em đã xui nó đi mặc dù thầy mẹ em không muốn cho nó đi. Em tưởng em đi theo dấu chân nó sẽ gặp được nhũng điều may mắn, vinh quang để xóa tan sự ân hận ngày trước, chẳng ngờ giờ đây gặp lại nó thì sự ân hận không những đã dấy lên mà còn bốc thành lửa đang thiêu cháy cả tim óc em! 
Tôi thấy không thể dùng lý luận mà đánh lạc mục tiêu cho sự đau khổ của cô gái thông minh, cho nên tôi đi vào chuyện thực tế. Tôi bảo: 
- Em nằm xuống nghỉ đí! Rồi sáng mai anh sẽ đi bắt nó về cho. 
- Có chắc không anh? 
- Nó ở trên bệnh xá mà. Rồi em muốn nó thế nào, anh xin cậu bệnh xá trưởng cho nó cũng được. 
- Có chắc không anh? 
- Chắc chứ. Theo cậu ta nói thì Hồng phục vụ cho cậu ta đến khi nào cậu ta về Hà Nội sẽ mang Hồng về theo. 
- Thế hả anh? Thế thì em yên tâm lắm. Em không xin gì thêm cho nó. Chỉ muốn gặp lại nó thôi. 
- Em ngủ đi, đừng lo nữa. 
Năm Cà Dom lên tiếng xen vào: 
- Thôi ngủ đi cô Thu. Không thể làm gì được bây giờ. Nhất định đêm rồi phải đến sáng. Sáng mới đi tìm nó được. Bây giờ cô có vất vả đau khổ thế mấy thì trái đất cũng chỉ quay theo cái nhịp độ của nó mà thôi chứ không chịu theo ý muốn của cô mà quay nhanh lên chút nào. Hãy ngủ đi. Trong giấc ngủ mọi sự sầu muộn sẽ tan biến và tâm hồn mình sẽ phơi phới… ớ… 
Năm Cà Dom nói tới đó thì hớ hớ và hắc xì lên hai ba cái rõ to. Tôi tưởng chừng cái chót mũi anh ta bay đi vì những cái hắt hơi đó. Tôi cười: 
- Làm gì hắt hơi dữ vậy? 
- Cậu tự hỏi xem cậu làm gì mà cũng hắt hơi liên miên vậy? 
Hai đứa muốn phá tan cái không khí nặng trĩu, nhưng cả hai đều cảm thấy mình không còn duyên dáng.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=19