Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

Vài thông tin chưa chính xác về khu vực Mũi Đại Lãnh

Nguyễn Văn Nghệ

NGHE 5

    Mũi Đại Lãnh được người dân địa phương gọi là Mũi Nạy (Đầu ghềnh Mũi Nạy gie ra/ Qua hai mũi ấy đó là Ô Rô), Mũi Chùa, Mũi Diều, Mũi Kê Gà. Sau khi ngọn hải đăng được xây dựng ở mũi Đại Lãnh thì mũi Đại Lãnh có thêm tên gọi mới, đó là Mũi Điện. Trên bản đồ phương Tây ghi là Cap Varella hoặc Varela hoặc Avarella.   Một vài bản đồ phân biệt mũi Đại Lãnh và Mũi Nạy là hai mũi khác nhau. Mũi Nạy và mũi Đại Lãnh cách nhau bởi Bãi Môn và Mũi Nạy nằm phía bắc của mũi Đại Lãnh.

 

     Varella nghĩa là gì?

Vào trang Wikipedia tiếng Việt tìm “Mũi Đại Lãnh” ta sẽ thấy: “Mũi Đại Lãnh do một tướng người Pháp tên Varella phát hiện, nên có tên gọi trước đây là Cap Varella trên các bản đồ cũ”. Tất cả các bài viết liên quan đến mũi Đại Lãnh đều khẳng định xuất xứ địa danh Varella y như vậy.

   Các bản đồ trong tài liệu của Linh mục Alexandre de Rhodes (năm 1651 và năm 1653 đã xuất hiện địa danh Ponto da Varella (Mũi Varella). Varella nghĩa là gì?

   Dựa vào tự điển tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh (1773): “Varella hay Varela chỉ chùa hay đền thờ thần của người Ấn Độ hay tu viện của họ”.

  Năm 1637, nhà buôn người Anh là Peter Mundy (1597-1667) trong bản tường trình “The travels of Peter Mundy in Europe and Asia” có nhắc đến Varella: “Ngày 18/6/1637 (tàu) chúng tôi đi ngang qua La Varella, một tảng đá lớn thẳng đứng giống như một cái tháp tọa lạc gần đỉnh của một dãy núi cao gần biển… Tảng đá Varella này phân chia nước Champa và Đàng Trong (Cauchin-China) mà cả hai vương quốc này luôn tìm cách thâu địa danh này cho riêng mình. Tảng đá này cao khoảng 10 đến 12 yeards (khoảng 9 đến 11 mét bây giờ) và là một trong những kỳ quan của thế giới”

   Truyện nước Anam Đàng Trong quyển nhị (1822) của Philipphe Bỉnh ghi Varella là Varela và ông gọi Varela là Đá Dựng :“ cho đến Varela hay là Đá Dựng”.

    Bản đồ năm 1823 cho thấy mũi Varella còn gọi là Pagoda Cape (Mũi Chùa). Như vậy từ “Chùa” phù hợp với nghĩa của từ “Varella” trong tiếng Bồ Đào Nha[1].

  Chú ý trên bản đồ xưa ở hai địa đầu bờ biển Khánh Hòa có hai địa danh Avarella hoặc Varella: một tại mũi Đại Lãnh được ghi là Avarella hoặc Cap Varella hoặc Pr. Varella verum (Mũi Varella “thật”); một tại bờ biển phía nam cách cửa biển Cam Ranh khoảng 6 km, gọi là mũi Đá Vách ghi: Pr.Varella falsum (mũi Varella “giả”)hoặc Faux cap Varella (mũi Varella “giả”) hoặc Avarellafalsa (Avarella “giả”)[2]

   Như vậy địa danh Varella đã có từ trước và không phải do sĩ quan người Pháp tên là Varella phát hiện!

   Năm khai sinh ngọn hải đăng Đại Lãnh

  Hiện nay, khi vào Google tìm kiếm lý lịch ngọn hải đăng Đại Lãnh, ta sẽ thấy tất cả đều ghi năm khai sinh ngọn hải đăng Đại Lãnh là 1890.

   Tháng 1 năm 1892 đến tháng 3 năm 1892 ông J. Brien, Phó Thanh tra Trạm& Bưu điện (Sous-Inspecteur des Postes et des Télégraphes) được Toàn quyền De Lanessan ủy nhiệm một chuyến đi khảo sát thực địa từ Qui Nhơn vào đến ranh giới giữa Bình Thuận và Biên Hòa. Ông đã ghi chép tỉ mỉ hành trình của ông qua các trạm thông tin trong tác phẩm “De Qui Nhon en Cochinchine Explorations dans le Binh Thuan (Sud-Annam)”, xuất bản năm 1893. Khi qua Đèo Cả, ông mô tả kỹ lưỡng về Vũng Rô, mũi Varella, nhưng không hề thấy nhắc đến ngọn hải đăng (Sau đó khi đi qua Mũi Dinh ông J.Brien lại tường thuật về ngọn hải đăng Mũi Dinh ở Ninh Thuận). Vậy ngọn hải đăng Đại Lãnh được xây dựng năm nào?

    Paul Doumer làm Toàn quyền xứ Đông Dương từ năm 1897-1902, trong hồi ký của mình, ông có nhắc đến ngọn hải đăng Đại Lãnh: “ Vào ban ngày, người ta dễ dàng thấy mũi này. Ngón tay đó[3]là dấu hiệu không thể nhầm lẫn . Thật may mắn là nó không thường xuyên bị mây che. Đương nhiên là không có hải đăng chiếu sáng ban đêm. Sau đó tôi đã cho khảo sát và xây dựng hải đăng này. Công việc đó chưa hoàn tất khi tôi rời Đông Dương năm 1902. Việc nghiên cứu và xây dựng không thể diễn ra nhanh chóng tại một vùng cách biệt, với vùng rừng núi khó khai phá như ở mũi Đại Lãnh”[4].

  Như vậy hải đăng Đại Lãnh được khởi công vào tháng đầu thế kỷ XX và có thể hoàn tất vào năm 1903 hoặc 1904. Không biết các nhà nghiên cứu dựa vào đâu mà lại khẳng định hải đăng Đại Lãnh được xây dựng vào năm 1890?

    Nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền ở Việt Nam

    Trước đây tại mũi Đại Lãnh có tấm bia đá hoa cương ghi toàn chữ Quốc ngữ, hiện nay đã thay bằng tấm bia khác và được ghi bằng hai thứ chữ: Việt ngữ và Anh ngữ. Nội dung xác định Mũi Điện (mũi Đại Lãnh) là “ Điểm cực đông, nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Mũi Điện ở Kinh độ 109 độ 27’06”E. và Vĩ độ 12 độ 52’08”N. thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

  Trong Bài 2: “Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ”, trang 13 sách Địa lý lớp 12 (tái bản lần thứ 12) do Lê Thông (Tổng Chủ biên), Nguyễn Viết Thịnh (Chủ biên)dạy tất cả học sinh Việt Nam: “…và điểm cực Đông nằm ở kinh độ 109 độ 24’ Đ. Tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa”

   Hiện nay tại Mũi Đôi, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có một khối hình chóp bằng kim loại, đánh dấu điểm cực Đông trên đất liền ở Việt Nam. Trên khối hình chóp ghi vĩ độ, kinh độ điểm cực Đông trên đất liền ở Việt Nam: 12 độ 38’39,78”- 109 độ 27’50,03”.

   Như vậy không thể có hai điểm cực Đông trên đất liền ở Việt Nam được. Theo tôi thì tỉnh Phú Yên nên sửa lại nội dung tấm bia như sau: “ Địa điểm thuận tiện được nhiều người đến đón bình minh sớm trên đất liền ở Việt Nam”. Nếu tỉnh Phú Yên tiếp tục duy trì tấm bia ấy thì hóa ra cùng một sự kiện, ở trường học sinh Phú Yên được dạy một nơi, nhưng khi ra khỏi trường thì chính quyền tỉnh Phú Yên giải thích một nẻo!

  Ngoài ra những nhà soạn sách giáo khoa Địa lý lớp 12 cũng cần xem lại con số kinh độ 109 độ 24’Đ có phải là con số chính xác chưa? Bởi vì ở mũi Đại Lãnh (Phú Yên) và Mũi Đôi (Khánh Hòa) đều ghi Kinh độ là 109 độ 27’.

Mũi Đại Lãnh là ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa trước đây.

  Tác phẩm “Phú Yên đất và người” của Nhà nghiên cứu Trần Huiền Ân ghi về ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa: “Trước kia ranh giới Phú Yên- Khánh Hòa tại đèo Cổ Mã. Bản đồ đời Duy Tân cũng vẽ ranh giới tại đây”[5]. Nhưng rất tiếc là ở cuối tác phẩm có phần “Bản đồ và hình ảnh minh họa” lại không có bản đồ đời Duy Tân, mà chỉ có Phú Yên đạo đồ mà thôi!

   Trong các sách xưa, đều lấy núi Đại Lãnh (Đèo Cả) và Thạch Bi sơn (núi Đá Bia) làm giới hạn phía nam của vùng đất Phú Yên. Phú Yên đạo đồ được vẽ sau năm 1832 ghi tại mũi Đại Lãnh, phía đông Thạch Bi sơn ba chữ Hán: “Khánh Hòa giới” (ranh giới Khánh Hòa).

   Năm 1885 Công sứ Aymonier cùng Trần Bá Lộc kéo quân ra dẹp phong trào Cần vương ở Khánh Hòa, ông đã ghi chép tỉ mỉ về những nơi ông đã hành quân. Vũng Rô và mũi Varella (Mũi Đại Lãnh): “En fin, la province est borne au nord par la grande chaine qui va plonger son dernier contrefort au cap dit de Varella”[6] (Và cuối cùng tỉnh Khánh Hòa được giới hạn về phía bắc bởi dãy núi lớn đâm ra bờ biển như pháo đài gọi là Varella).

   Aymonier lại xác định : “A ce cap Varella ou cap de la Pagode, le Mũi Nại des Annamites finit la côte de la province du Khánh Hòa qui”[7](Từ cái mũi Varella này hay là Mũi Chùa, Mũi Nại[8] của người An Nam là chấm dứt đường bờ biển của tỉnh Khánh Hòa). Một vài bản đồ chú thích Mũi Nại khác với mũi Đại Lãnh. Mũi Nại nằm phía bắc của mũi Đại Lãnh cách nhau bởi Bãi Môn.

   Annuaire Général de l’Indochine năm 1910 ghi: “C’est au Varella que se termine la province du Phu yen et que commence celle du Khánh Hòa”[9] (Chính ở Varella mà kết thúc tỉnh Phú Yên rồi bắt đầu tỉnh Khánh Hòa).

   Tác phẩm “Non nước Phú Yên” của Nguyễn Đình Tư cũng xác định ranh giới bờ biển Phú Yên và Khánh Hòa: “… từ cửa Đà Nông vào đến Vũng Rô giáp Khánh Hòa, vì có dãy núi Đá Bia nằm sát biển, Nạy có thắp hải đăng nên bờ biển cao và dốc, ghềnh đá ngổn ngang rất nguy hiểm cho việc thủy vận, nên ở Mũi. Bờ biển Phú Yên chấm dứt tại đây”[10].

   Từ ngày 18.4.1994 phạm vi Vũng Rô và Mũi Đại Lãnh thuộc về tỉnh Phú Yên[11]

  Thời đại thông tin toàn cầu, cho nên những thông tin sai lệch cần phải đính chính, không nên để những thông tin sai lệch kéo dài mãi!

1 (1)

Bản đồ phân biệt Mũi Nạy và Mũi Đại Lãnh

6 (1)

Bản đồ ghi địa danh Avarella. Xuất bản 1630

8

Bản đồ trong tài liệu của Lm Alexandre de Rhodes năm 1651 và 1653 ghi Ponto da Varella (Mũi Varella)

9

Bản đồ năm 1823 ghi Pagoda Cape

10

Bản đồ trong tài liệu năm 1651 và 1653 của Lm Alexandre de Rhodes đã có ghi địa danh Varella

(raremaps.com/gallery/detail/55700/cartes-des-indes-orientalis-dessinee-suivant-les-observations-homann-heirs)

khanh hoa

Phú Yên toàn đồ vẽ sau năm 1832. Ba chữ Hán Khánh Hòa giới (Ranh giới Khánh Hòa) ngay mũi Đại Lãnh (Phía đông Thạch Bi Sơn)

  Chú thích

[1] Xem bài viết “Tiếng Việt thời LM de Rhodes- Phổ Kiến( Phúc Kiến), Chincheo và Varella…(phần 23)” của tác giả Nguyễn Cung Thông

https://conggiao.info/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes—pho-kien-phuc-phuc-kien-chincheo-va-varella-phan-23-d-55699

[2] Pr. là chữ Promumturium trong tiếng Latin được viết tắt có nghĩa là mũi, mỏm đá nhô ra biển; Verum là đúng, thật; falsum, falsa là sai, giả. Faux trong tiếng Pháp là sai, giả.

     https:// nghiencuulichsu.com/2017/08/02/cap-vartlla-that-va-cap-varella-gia/

[3]  Ngón tay đó:  chính là khối đá đứng sừng sững trên Thạch Bi sơn (núi Đá Bia). Người Pháp gọi khối đá ấy là “Le doigt de Dieu” (Ngón tay của Thượng Đế).

[4] Paul Doumer, Xứ Đông Dương, Nxb Thế Giới, tr. 351.

[5]  Trần Huiền Ân, Phú Yên đất và người, Nxb Văn hóa-Văn nghệ, tr. 92

[6][7]  Étienne Aymonier, Notes sur l’Annam II le Khanh hoa, Saigon Imprimerie Coloniale, 1886, p.6; 14.

[8]  Mũi Nại: các tài liệu tiếng Pháp ghi là “Nai”. Người Việt không đọc “Nại” nhưng đọc “Nạy”.

[9]  Annuaire de l’Indochine 1910, IDEO, Hanoi-Haiphong, Imprimerie d’Extrême-Orient, p. 530

[10]  Nguyễn Đình Tư, Non nước Phú Yên, Nxb Thanh niên, tr. 30

[11]  https://baophuyen.com.vn/413/212861/thay-doi-dia-danh-hanh-chinh-thoi-nhap-tinh-va-tai-lap-tinh.html

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2020/08/03/vai-thong-tin-chua-chinh-xac-ve-khu-vuc-mui-dai-lanh/