Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 252): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (18)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 51, 52 & 53)

Kỳ 51

Và Quỳnh nằm xuống, úp cả thân thể cô lên tôi. Người cô mát nhưng hơi thở nóng. Tiếng cô cười rất nhỏ trong miệng.
“Đùa anh chơi tí. Em gọi đấy!”
“Tại sao?”
“Thì em muốn gọi. Vậy thôi! Cô ta đâu là gì anh. Và nếu cô ta là gì của anh thì cũng là điều hay!”

“Tại sao hay?”
“Để anh có dịp làm một cuộc trắc nghiệm!”
“Trắc nghiệm?”
“Chứ sao! Đôi khi anh cũng nên xem lại chúng ta còn cần nhau tới chừng nào. Phải không?”
“Lúc nào mà tôi chẳng cần em?”
“Còn cô Uyên?” Quỳnh hỏi ngược bất ngờ...
“Uyên là con gái của ông Phan...” Tôi lúng túng trả lời lẩn quẩn.
“Em biết cô ta học Văn Khoa, nhưng thân đám trường Luật. Em biết cô ta là một người kiêu ngạo. Thứ gì cô cũng đều nhất nước. Em biết cô ta thích anh. Nhưng em còn biết, hơn một điều nữa: Cô ta không hề yêu anh, mà cô ta cũng chả yêu ai...”
“Tôi còn biết nhiều hơn em nữa kìa. Chưa hề có một người trên đời này yêu tôi.”
“Thôi, không nói nữa, lẻo mép ạ!”
Quỳnh rúc đầu vào ngực tôi.
“Có khi nào em ghen không?”
“Còn lâu!”
Những ngón tay Quỳnh bấm sâu trên lưng tôi.
“Em chỉ muốn có một đứa con với anh. Một đứa thôi, rất giống anh và em sẽ không cần anh nữa!”
Gió thổi lộng vào phòng, trong cái mát lạnh tôi nghe như có những giọt nước mưa rất nhỏ bắn vào, dội lên những song sắt và rơi xuống mặt tôi.
“Em ghét anh...” Quỳnh nằm ngửa, dang rộng hai tay, đẩy tôi ra sát mép giường...
“Hôn tôi đi, nhỏ...”
Quỳnh rướn người lên, áp mặt cô lên mặt tôi, trán cô vào trán tôi. Chương trình nhạc đã dứt tự hồi nào. Người xướng ngôn đang đọc bản tin thời sự tóm tắt trong ngày.
Chúng tôi ôm chặt nhau, thở giùm nhau trong tiếng còi báo động giờ giới nghiêm.
Làm thế nào được, cuộc chiến tranh không lối thoát bao giờ cũng chen vào giữa hai làn môi chúng tôi?

Khi tôi về đến nhà ông Phan trời đã tối hẳn. Tuy vậy đèn phòng khách vẫn sáng và tiếng cười nói bay ra mãi tận con đường lót sỏi. Tôi đi vòng ngã sau, dựng xe sát cửa sổ. Phòng khá tối, cửa để mở, tôi thấy Uyên ngồi ở bàn viết đang dán mắt trên trang sách. Âm nhạc bay ra từ chiếc máy thu thanh đặt ở một ô trong kệ gỗ. Tôi nhận ra đó là một khúc giao hưởng của Beethoven. Uyên rất thích nhạc cổ điển, khi nào cô ngồi một mình.
Tôi vào phòng, đi nhẹ trên những mũi giầy. Chẳng hiểu là Uyên không nghe thấy tôi trở về thật vì cô bị câu chuyện âm nhạc lôi cuốn hay vì tôi đi quá nhẹ chân, hoặc cô biết tôi đang về nhưng vẫn giả mù sa mưa. Tôi ngả lưng trên nệm, hai tay chắp sau ót, nhắm mắt. Dư vị tình ái vừa trải qua với Quỳnh còn đọng lại trong thần trí tôi. Sự hờn giận của cô làm tôi khó nghĩ. Tôi tự thấy mình không thể ở lâu trong nhà ông Phan, nhưng ra đi ngay trong lúc này thì tôi không thể làm được. Tôi bị kẹt cứng trong một thứ tình cảm không tên. Giương mắt ngó lên trần nhà, tôi không thấy gì ngoài cái mờ mịt của một thứ đêm ba mươi. Nhìn sang bàn học, dưới ánh sáng của ngọn đèn đọc sách, tôi thấy khuôn mặt Uyên xanh như tàu lá. Mái tóc cô đen nhánh trên một đôi vai trần trắng như bông. Hôm qua, cũng ngay ở bàn viết này, 
Uyên nói với tôi là cô đang nghiên cứu khoa chiêm tinh học.
“Anh ở tuổi Bắc giải phải không? Uyên cũng vậy. Chúng ta đều là con của Mặt Trăng. Mà mặt trăng thì thay đổi bốn lần trong một tháng. Tuổi Bắc Giải cũng giống như vậy. Nghĩa là cũng rất hay thay đổi.”

Kỳ 52

Tôi cười:
-Chiêm tinh học không phải là một khoa học. Nó gần với dị đoan và mang màu sắc huyền bí.

-Huyền bí? Dị đoan? Sao? Uyên thế này mà huyền bí dị đoan sao?
Cô cãi, nếu chiêm tinh học không phải là một khoa học thì khoa học thực sự là một cái gì kém hơn chiêm tinh học. Chiêm tinh học biết những bí ẩn về con người mà khoa học hoàn toàn bó tay.
Lý luận của Uyên làm tôi ngớ ra. Tôi hỏi cô vậy thì tại sao mình không thể nói rằng những ai ở tuổi Bắc Giải sẽ gặp nhiều hạnh phúc trong mùa hè, vì lẽ, họ ra đời vào một tháng giữa năm?
Uyên kêu lên, giọng mừng rỡ:
-Đúng rồi, chiêm tinh học đã luận giải như thế! Mà sao anh biết?
Tôi bật cười lớn. Có lẽ tiếng cười của tôi làm Uyên giật mình, hay nàng giả bộ giật mình?
-Trời! Anh về hồi nào vậy? Anh làm Uyên hết hồn!
-Tôi mới về. Cô không làm bộ chớ?
-Anh đừng nói oan cho Uyên. Anh có đói không? Uyên làm cơm cho anh nhé?
-Cám ơn cô! Tôi vừa đói, vừa buồn ngủ!
-Hai anh em nói chuyện gì đó?
Bà Phan hiện ra ở cửa từ lúc nào. Sự có mặt đột ngột của bà làm cả hai chúng tôi giật mình. Tôi chống hai tay ở mép giường ngồi dậy. Bà đến chỗ con gái, cầm cuốn sách lên coi lơ đãng cái bìa.
-Sao con không mở đèn?
Bà hỏi nhưng không đợi Uyên trả lời, tự động đến sau cửa buồng, bật công tắc.
Ánh sáng tràn ngập căn phòng. Tôi ngồi vụt dậy.
-Thưa bác!
Bà nhìn tôi, rồi nhìn Uyên:
-Cháu mới về?
-Thưa bác, cháu mới về.
-Cháu ăn cơm chưa?
-Thưa bác...
-Tôi cũng chưa ăn. Cả Uyên nữa. Ngày hôm nay sao mà lắm khách thế không biết!
-Thưa me, con chỉ thấy có mỗi bà Lãm thôi mà!
-Thì bà Lãm, rồi kế đó là bà Liên, bà Ngọc. Bà Lãm nhờ me bán giúp chiếc nhẫn hột xoàn, gửi tiền cho cậu con học bên Pháp. Bà Liên mời chơi một bát họ. Bà Ngọc rủ me đi Hồng Kông một chuyến!
-Đến ba cơ à! Vậy mà con cứ tưởng có mỗi một mình bà Lãm.
-Đã xong đâu, bà Lãm vừa về thì bà tổng Hưng lại đến. Bà muốn mua lại chiếc lọ cổ nhà mình. Thôi, đi ăn cơm đi cô cậu, tôi đói lắm rồi!
Uyên rời bàn ăn sớm nhất. Cô ngồi bên tôi, đối diện với mẹ. Trước khi đứng dậy, cô nghiêng đầu nói nhỏ:
-Uyên chờ anh ở phòng đọc sách nhé!
Bà Phan đang ăn, ngừng đũa hỏi:
-Con nói gì?
Uyên tỉnh bơ.
-Con nói anh Thăng ăn nhanh lên, con sẽ cho anh ấy biết vận mệnh Cancer của anh theo Horoscope.
-Đừng nói nhảm. Con đã đưa cái carte postale của bố gửi cho anh ấy chưa?
-Chúa ơi! Con quên mất. Con đi lấy ngay bây giờ!
Uyên bước ra cửa, bà Phan ngó tôi:
-Uyên có làm rộn cháu không?
-Thưa bác...
-Trông lớn con như vậy chứ còn dại lắm. Ông nhà tôi cứ mắng hoài...
Tôi nhớ Quỳnh. Tôi thấy mình vô lý nếu cứ chôn chân ở đây. Cái lý do an ninh không đủ sức thuyết phục Quỳnh bởi vì chính tôi cũng không tin lắm vào lý do này. Tôi là người sợ rắc rối. Tôi đang tự mình đi tìm rắc rối.
-Thưa bác, cháu muốn xin phép bác...
-Cháu cứ nói...
Bà Phan bỏ đũa xuống.
-Cháu thấy ở đây cháu làm phiền bác quá. Cháu muốn xin phép bác cho cháu dọn ra ngoài...
-Sao, cháu nói cái gì vậy?
Bà Phan trố mắt ngó tôi:
-Cháu cảm thấy tù túng phải không? Cháu quên những lời dặn của bác trai rồi sao?
-Thưa bác, cháu vẫn nhớ, nhưng cháu cảm thấy xấu hổ, nếu...
-Đây, tấm carte postale bố gửi cho anh đây!

Kỳ 53

Uyên đưa tôi tấm bưu ảnh. HÌnh chụp cảnh bên ngoài tòa Bạch ốc ở Washington D.C. Ở lưng tấm bưu ảnh, ông Phan viết:
“Cháu Thăng,
Vài hàng thăm cháu, cháu còn nhớ hôm cuối bác cháu ta gặp nhau không? Bác chép gửi tặng cháu hai câu thơ trong bài Thục Đạo Nan của Lý Bạch. Mong cháu bình an.
Thục đạo nan chi, nan vụ thượng thanh thiên
Trắc thân tây vọng trường tư ta...”

Bà Phan nhìn tôi hỏi:
-Cháu có hiểu bác trai muốn nói gì không?
-Thưa bác, cháu không rõ lắm. Cháu chỉ đoán thôi!
-Ừ! Thì cháu đoán xem nhà tôi viết gì mà khó hiểu vậy?
Tôi kể cho bà Phan và Uyên những điều mà tôi biết về Lý Bạch, một trong những tác giả nổi tiếng đời Đường, và Thục Đạo Nan là một trong những bài nổi tiếng nhất của ông. Nhà thơ cảm xúc trước cảnh hiểm trở của xứ Thục, nơi mà Đường Minh Hoàng phải chạy vào. Đại ý ông nói đường đi vào đất Thục còn khó hơn đường lên trời xanh. Trên trời thì có núi cao đến nỗi mặt trời phải vướng mà quay trở lại, dưới thì khe suối quanh co nước chảy lộn ngược rất ghê sợ. Cho nên bay cao như con hạc vàng cũng không thể qua, leo giỏi như loài khỉ vượn cũng phải e ngại. Ngày thì cọp dữ, đêm thì rắn dài. Cái xứ ấy tuy có vui thú cũng không bằng sớm sớm về nhà. “Đường vào xứ Thục khó hơn đường lên trời xanh. Đành phải nghiêng mình đứng trông về tây mà thở dài.”
-Phải chăng ông nhà tôi đang gặp khó khăn?
-Thưa bác, cháu cũng nghĩ là như vậy!
-Tại sao bố không viết ra là tao đang rắc rối bên này có phải dễ cho cả nhà không?
-Uyên! Bà Phan lên tiếng giận dữ
-Hồi này sao con ăn nói luông tuồng thế?
-Con xin lỗi me!
Uyên vịn hai tay lên thành ghế, đầu cúi xuống. Tôi đứng dậy chào bà Phan trở về phòng.
Tôi rửa mặt thật lâu. Tôi nhìn tôi trong gương. Tại sao Uyên hẹn tôi trong phòng đọc sách? Sao nàng không đến thẳng phòng tôi như nàng đã từng đến? Có phải phòng đọc sách là nơi không ai được lui tới, trừ ông Phan, nay ông đã đi xa và Uyên nghĩ rằng chúng tôi có thể nói chuyện với nhau giữa những cuốn sách trang nghiêm như một người lớn nói chuyện với một người lớn? Nếu đúng là như vậy phải chăng vấn đề đã trở nên trầm trọng? Dù sao, sau cùng tôi quyết định đến thẳng phòng đọc sách. Cửa mở, đèn thắp sáng. Trên bàn giấy ông Phan là cuốn Horoscope in thật đẹp với hàng chữ lớn: Tất Cả Những Gì Bạn Cần Biết Về Tuổi Bắc Giải. Uyên không có ở đó. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành. Trước mặt tôi là bức Tự Họa của Van Gogh. Tôi thấy nhớ ông Phan. Con người phức tạp, thích thơ Lý bạch, ưa tranh Van Gogh, say mê chính trị...
Tôi không hiểu ông và thực tình mà nói, trong thâm tâm tôi, tôi chưa hề có ý muốn tìm hiểu ông hay bất cứ một ai. Tôi là người thụ động, nhưng tôi có một quan niệm về quyền sở hữu tuyệt đối đặc biệt là trong tình yêu. Khi tôi yêu ai và biết người kia cũng yêu tôi thì tôi cho rằng họ đã là của tôi rồi. Tôi biết là tôi sẽ phản ứng mạnh nếu người đó không thuộc về tôi. Nói cách khác tôi có thể bỏ rơi họ, chứ họ không thể bỏ rơi tôi. Trước tình yêu tôi do dự không phải vì tính toán mà vì sợ bị từ chối. Điều ám ảnh tôi chính là tôi luôn luôn có trong đầu cái ý nghĩ một ngày nào đó sẽ hết được yêu. Một ngày đó Quỳnh sẽ bỏ tôi, cả Uyên nữa, nếu yêu tôi, rồi cô cũng sẽ bỏ tôi. Tôi đốt một điếu thuốc. Tôi đi rảo khắp các kệ sách.

(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a4945/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-51-52-53