Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 250): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (16)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 45, 46 & 47)

Kỳ 45

-Một con mọt sách đáng ghét! Uyên kêu lên.

-Uyên! Để im cho me nói chuyện với anh Thăng. Rồi quay sang tôi, bà tiếp:

-Có cháu ở đây tự nhiên tôi cảm thấy nhà cửa khác hẳn ra. Tôi có cảm tưởng như mình vừa có thêm một đứa con trai!

-Cám ơn bác! Bà Phan làm tôi cảm động thật sự.

-Này nghe tôi dặn, có đi chơi đâu nhớ trưa về ăn cơm nhé!

-Thưa bác, có lẽ cháu sẽ về muộn. Xin bác cho phép cháu tự nhiên!

-Cẩn thận nhé, ông nhà tôi trước khi đi có nhắc là đừng để cháu ra ngoài nhiều!

-Cám ơn bác, nhất định cháu sẽ không về khuya!

Tôi đứng dậy sau khi đã uống hớp cà phê cuối cùng.

-Xin phép bác!

-Kìa, anh Thăng! Anh đi đâu vậy? Uyên kêu lên, mắt nhìn tôi dò hỏi.

-Tôi có chút chuyện.

-Uyên đi theo được không? Cô hỏi tôi nhưng mặt quay về phía bà Phan.

-Uyên! Bà Phan nghiêm khắc. Nhưng khi thấy con gái xịu mặt, bà tiếp giọng dịu lại.

- Con gọi chú Tư đánh xe đưa anh Thăng ra phố, nhân tiện con ghé bác Phán trả hộ me chiếc vòng cẩm thạch nhé!

-Vâng, thưa me! Giọng Uyên vui hẳn lên.

-Đi, anh! Cô nắm tay tôi lắc lắc thúc giục. Tôi chần chừ.

-Thưa bác, xin cám ơn bác. Nhưng cháu lung tung lắm. Để cháu đi cái Lambretta của cháu cho tiện!

-Cháu ngại à? Ừ, thì tùy cháu!

Bà Phan đẩy ly nước cam qua một bên, mở trang trong của tờ báo, cúi xuống đọc chăm chú.

Uyên theo tôi xuống sân. Khi tôi vừa cho máy nổ, cô đã ngồi sau yên, tay đặt lên vai tôi:

-Sao anh hấp tấp vậy? Sợ trễ hẹn hả?

-Hẹn ai?

-Làm sao Uyên biết được. Nhưng Uyên theo được không?

-Sao không? Nhưng cô muốn đi đâu?

-Anh đi đâu Uyên theo đó.

Tôi cho xe chạy qua Phan Đình Phùng, đường mát dưới bóng cây. Một chiếc xe nhà binh vút qua bay lên những tiếng hát trầm hùng. Tôi vòng xuống Nhà Thờ Đức Bà, dừng xe trước cửa Bưu Điện mua một gói thuốc lá. Tôi phóng nhanh, Uyên ôm chặt tôi cười khúc khích nhột ở cổ.

-Cười gì vậy?

-Đừng dọa Uyên. Uyên không sợ tốc độ đâu!

Tôi cho xe chạy nhanh hơn, bỏ đường Duy Tân, phóng như bay trên những con lộ vắng. Đường Gia Long với vòm me lá xanh mướt chạy dài đến cuối là nhà thờ Saint Paul gợi ta cái cảm giác đang đi trên một hành lang. Đường Nguyễn Du có trường Quốc Gia Âm Nhạc tắm nắng dưới những hàng cây cao ngó xéo bên phải là tòa đại sứ Nam Hàn. Đường Lê Quý Đôn với những ngôi biệt thự xinh xắn, mái ngói đỏ, vườn cây xanh, sân trải sỏi.

Ở một ngã tư, đang chạy tôi chợt giật mình, đèn đỏ bất ngờ, tôi đạp chân thắng gấp. Uyên ôm chầm lấy tôi.

-Chết khiếp! Anh chạy ẩu quá trời!

-Sợ hả?

-Không bao giờ!

Uyên ôm chầm tôi, những ngón tay cô bấu trên vai tôi.

Đèn xanh. Tôi lượn lại một vòng Nhà Thờ Đức Bà. Nắng lóa mặt đồng hồ trên cao. Đường Tự Do mát, hẹp và nắng. Đến quán Cái Chùa, tôi chậm chậm, Uyên thúc hông kêu chạy tiếp. Tới Givral tôi rề rề.

-Thôi anh, Uyên không vào đâu, bạn anh ông nào ông nấy dễ sợ thấy mồ!

-Vậy muốn đi đâu?

-Hoàng Gia!

-Cô ghiền trà Hoàng Cúc à? Không sợ lựu đạn cay sao?

-Sao? Chứ anh không thích trà Hoàng Cúc sao?

-Thôi. Hay là mình đi về đi?

-Về làm chi?

Uyên nhổm người lên nói sát vào tai tôi.

-Ông mát rồi, ông ơi!

Đến đầu đường Nguyễn Huệ, tôi tấp vào một quán bán hoa.

-Một chục bông hồng cho người tên Uyên!

-Cho Uyên? Cô ngạc nhiên.

-Chưa bao giờ nhận hoa của đàn ông tặng à?

-Chưa bao giờ!

-Thật không?

-Thật một trăm phần trăm!

-Vậy tập nhận một lần cho quen!

-Cám ơn anh. Rồi sao nữa anh?

Uyên hỏi khi tôi đã cho xe chạy.

-Về nhà!

Kỳ 46

Tôi nhớ Quỳnh. Tôi hình dung cô đang ngồi trong sở giữa những giấy tờ và lịch chuyến bay của hãng. Phía sau lưng Quỳnh, chiếm trọn tấm vách là tấm bản đồ lớn với chi chít những đường bay của hãng CAL đến các thủ đô trên thế giới.

Bàn đối diện Quỳnh là Châu Khả Tú. Cô bé người Hoa này là một đồng nghiệp rất gần gũi Quỳnh. Cô hiểu mối liên hệ giữa Quỳnh và tôi. Và chúng tôi cũng biết đôi điều về cô Tú. Cô xinh đẹp, nói tiếng Anh giỏi, tế nhị và khả ái. Tôi thường gọi cô là Miêu Khả Tú, tên một diễn viên điện ảnh Tàu đang ăn khách. Cô yêu Trí, một thanh niên Việt Nam, nhưng ba cô, một thương gia có máu mặt ở Chợ Lớn, cực lực phản đối. Ông kéo cả gia đình đứng về phía ông. Anh chị của Tú và các đứa em cô đều phản đối mối tình Hoa-Việt kia. Trí nhà nghèo, tính bộc trực, học giỏi. Anh không chịu được phong cách chủng tộc của ông cụ nhà Tú, nên không bao giờ anh đến thăm gia đình người yêu. Cả hai chỉ gặp nhau ở các quán nước và đôi khi đi ăn cơm với chúng tôi.

Chính sáng hôm qua khi nghe tôi nói chuyện đổi chỗ ở, Tú tỏ vẻ không đồng ý. Cô nói với Quỳnh, chị coi chừng anh ấy sẽ vào bẫy bà Uyên. Quỳnh đã cười nói, “Em biết anh Thăng đa cảm, nhưng em tin, rất tin anh ấy!” Khi Quỳnh hỏi tôi cần gì để cô lo, tôi đã trả lời, “Cần em! Rất cần em!” thì Quỳnh ngó chăm xuống tấm bản đồ đường bay trên mặt bàn. Mãi một lúc sau cô ngửa mặt lên “Nhưng anh đâu để em lo cho anh!” Quỳnh cười, chiếc răng khểnh làm tôi bối rối. Tôi nhớ Quỳnh. Tôi nhớ mái tóc cơ thơm mùi cỏ của dầu gội đầu, nhớ mùi da thịt lôi cuốn, nhớ mắt long lanh tình ái khi hai chúng tôi gần nhau, nhớ giọng bướng bỉnh, nhớ tiếng kêu ư ư trong cổ họng...

Tôi nằm yên trên giường trong căn phòng sáng sủa tiện nghi. Tôi nhìn bức tranh của Quỳnh trên vách. Tôi ngó ra cửa sổ, cành mận len qua chấn song. Có phải tôi là người tù sung sướng trong một chiếc pháo đài mà không viên đạn nào có thể xuyên qua? Hay tôi là người tự do đi tìm quyền lực? Liệu có phải vì Uyên mà tôi đến đây? Hay chỉ là cái cớ để tìm lại dấu vết của cha tôi.

Ngày đầu tiên của một người đi trên mây trong căn nhà quyền thế sao mà thừa mứa thời gian và trống rỗng đầu óc đến thế!

Suốt một tuần lễ, tôi tự nhốt mình trong ngôi biệt thự ông Phan, không gặp ai cũng chẳng liên lạc với ai, ngoài một lần gọi dây nói cho Quỳnh.

Tôi nằm khềnh trên giường đọc sách, xem Tivi, nghe nhạc. Báo mới thì Uyên mang cho tôi mỗi ngày, không thiếu một tờ nào. Những biến động chính trị và quân sự trong nước vẫn chiếm hàng đầu trên các trang nhất. Chuyến đi của ông Phan có vẻ như bị chìm trong những tin thời sự nóng bỏng khác. Thế nhưng, sáng hôm nay, tờ Chính Luận chạy ở trang nhất một bài phân tích về chuyến đi Hoa Kỳ của ông Phan. Dưới tựa đề “Rạn Nứt Trong Hội Đồng Nội Các”, tay bỉnh bút của Chính Luận cho rằng sự sắp xếp để ông Phan ra đi như là cách tống khứ một nhân vật mà các phe đang gầm ghè nhau để giành quyền chiếm chiếc ghế cao nhất trong chính phủ.

Tôi vốn không mấy chú tâm đến những bài lập trường thời sự, nhưng lần này sự hiện diện của ông Phan những dòng chữ đó khiến tôi không thể không suy nghĩ. Bài viết cũng cho biết những tay “lobbyist” của Việt Nam đã không tranh thủ được các nghị sĩ và dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ. Tôi không nắm bắt được ý nghĩa của những tiếng lóng thời sự chính trị. Hậu trường của những bang giao quốc tế đối với tôi lại càng mù mịt hơn. Tôi chỉ là kẻ đứng bên lề thời cuộc, luôn bị dị ứng với những tin tức loại này. Tôi lớn lên trong chiến tranh, lạc gia đình lúc năm tuổi. Khi quả lựu đạn nội hóa nổ trước sân nhà, mẹ đi chợ xa chưa về, còn cha tôi thì vẫn còn biệt tích mù khơi theo chuyến phiêu lưu của đời ông. Một người đàn bà thấy tôi hoảng hốt đã lôi tôi đi để che chở. Tôi mất liên lạc với mẹ tôi từ ấy. Những gia đình lạ hoắc chia nhau nuôi tôi. Tôi sống từ nhà này sang nhà nọ, từ làng quê này sang làng quê khác. Tôi có nhiều cha nhiều mẹ nhiều anh em.

Kỳ 47

Nhưng cha mẹ thật của tôi thì hoàn toàn không ở cùng tôi. Những người lính Nam Tiến của bộ đội Nam Long nuôi tôi trong rừng. Tôi được các cô các chú sinh viên Hà Nội dạy những bài hát Phạm Duy, Văn Cao, Phan Huỳnh Điểu... Tôi được nghe ngâm thơ Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Yên Thao, Hữu Loan...

Rồi sau một trận đụng độ giữa Pháp và Việt Minh, tôi bị một tiểu đoàn Lê Dương bắt. Một người Lê Dương già, chuyên viên vũ khí trong tiểu đoàn Commando, nhận tôi làm con nuôi. Tuy cấp bậc thượng sĩ, nhưng với huy chương Sông Rhin, ông được cả tiểu đoàn kính nể và vẫn gọi là “papa Chopin,” có lẽ vì ông là người ưa thích nhạc Chopin, mặc dù tên thật của ông là Max Kaltenmark, gốc Áo. Vào Lê Dương ông là người không gia đình, không tổ quốc. Ông lo cho tôi như một người cha ruột lo cho con. Cái hình ảnh một đứa bé Á Châu chân tay đầy những nốt đỏ ghẻ chốc ngồi trên vai một người Âu Châu cao lớn râu tóc rậm rạp trắng xóa đi giữa đường phố Catinat của Sài Gòn không bao giờ phai mờ trong trí tôi.

Tôi gọi ông là papa, và vì người ta quí ông, tôi cũng được hưởng lây sự chăm sóc ấy của cả tiểu đoàn. Gần năm năm sau ngày lạc gia đình, mẹ tôi mới tìm ra được tung tích con. Bà được một người làm thông ngôn dẫn đến tận tiểu đoàn, trình giấy khai sinh và xin đón tôi. Ngày chia tay, papa ôm tôi thật chặt, nước mắt trên gò má bệu đầy những nốt tàn nhang màu nâu của ông.

Tôi nhớ lại lúc đó tôi đã khóc, khóc dữ lắm. Trước hết là mừng gặp mẹ và kế đó là buồn vì phải xa người cha nuôi. Sau đó bặt đi một thời gian lâu lắm, tôi không được tin tức gì về papa. Mãi đến năm 1955, tôi mới nhận được thư của một người gửi từ Pháp, báo tin papa tôi, ông Max Kaltenmark đã qua đời trong trận Điện Biên Phủ. Người viết ký tên là Thiếu tá Henri Duval. Ông nói rằng cuộc chiến tranh Việt Nam đã cướp đi của ông một người bạn tốt mà suốt đời ông không thể nào quên.

Ông Kaltenmark là người đã cứu ông thoát chết trong một trận cận chiến dưới hào. Và cái giá của sự sống ông Duval được trả bằng cái chết của papa Chopin. Ông hỏi tôi cần thứ gì trong khả năng ông, ông sẽ thỏa mãn tôi đúng thứ đó. Bây giờ ông là người thay papa tôi và ông có trách nhiệm với tôi như lời hứa của ông với người quá cố. Tôi giữ tấm thẻ bài của papa Chopin nhưng tôi không trả lời ông Duval. Cuộc chiến đó đã đi vào quá khứ lịch sử của hai dân tộc. Đất nước chúng tôi đang làm một cuộc chiến khác, tàn bạo hơn, đẫm máu hơn, bi đát hơn. Hiện tại bao giờ cũng hơn dĩ vãng và kém thua tương lai kể cả cái tốt lẫn cái xấu. Chính trong những năm tháng sống với papa Chopin tôi đã theo chân tiểu đoàn Biệt Động di chuyển khắp nơi. Chiến tranh thật là ghê tởm. Nó làm khổ người sống đã đành, người chết cũng không được nó để yên thân. Tôi nghĩ sự rơi rụng của một chiếc lá đôi khi còn có thể hiểu được hơn là cái chết của một người dân vô tội.

Tôi là kẻ đứng bên lề thời cuộc, điều đó đâu có nghĩa tôi là người đứng bên ngoài vận mệnh của đất nước tôi. Các anh tôi, người Không quân, người Biệt động quân. Các em gái tôi đứa làm cô giáo, đứa nữ quân nhân. Nhưng gia đình tôi, tất cả mười hai anh em, đôi người chết bên kia, vài kẻ chết bên này. Tôi là người lính biệt phái chưa ra trận mạc nhưng tai đã nghe tiếng đại bác, mũi đã ngửi mùi thuốc súng, mắt đã thấy máu chảy, đã chứng kiến cái chết... khi mới vừa lên sáu. Làm sao tôi có thể đặt mình ở một cõi riêng mà không thấy được những hệ lụy ấy ngay trong chính gia đình mình.

Tôi ghê tởm chiến tranh. Tôi sợ hãi chính trị. Tôi chỉ là con đà điểu chôn đầu dưới cát trốn sự thực, nhưng sự thực không bao giờ tha tôi. Nhà ông Phan cũng đâu phải pháo đài. Nếu người ta muốn hại tôi, tôi có cánh cũng không bay thoát, hơn nữa nếu người ấy lại là ông Lý. Vậy thì muốn thoát ra ngay lúc này cũng đâu phải chuyện chơi!

(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a4915/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-45-46-47