Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Phố vẫn gió (kỳ 4)

Lê Minh Hà

…Trong khi bao nhiêu người chẳng gốc gác gì phương ấy lại mau mắn chuyển vùng. Chẳng mấy người dại như ông Tốt bố thằng Xuân về đâu không về lại về làng bắt vợ đã quen chân dép giờ lại chân đất đi nhặt phân trâu phân bò. Cháu gọi cụ Phán tôi bằng bác nhà ở Hàng Gai, con tư sản khôn ngoan lấy ngay một ông cán bộ về tiếp quản Thủ đô làm cũng to to nhưng hồi mới cưới nhau vẫn phải bám một căn phòng tí hin trong số nhà bên vợ còn giữ được. Ngay sau 1975 ông xin vào Sài Gòn, trấn một cái nhà đường Đồng Khởi nhìn chéo phát ra Lê Lợi. Bà họ tôi hỉ hả lắm và khi vào thăm bà ở Sài Gòn tôi cứ ngứa họng muốn nhắc cả nhà về những ngôi nhà đã mất ở Hà Nội, về người chủ cũ ngôi nhà mới của bà, về chính vị thế của bà ở đất mới. Khác chi ngày xưa đó, Hà Nội 1954 và những năm đầu mới hòa bình.

Bác Liễu mà về Nam thì chắc cũng khá lắm. Mẹ bảo thế. Chồng bác, người đàn ông lành lạnh đôi ba lần ngồi ăn cùng bác ở nhà ăn tập thể hồi chế độ bao cấp còn đang óng ánh màu sắc đại đồng làm ở bên Ban Thống Nhất trung ương đã vào Nam ngay sau trận Buôn Ma Thuột. Ông làm to và bác Liễu lẽ ra phải là một bà to. Họ yêu nhau từ thời bác còn là nữ sinh Đồng Khánh còn ông chồng dân Quốc Học. Nhưng bác không hoạt động như chồng. Ngày chồng bác đi tập kết, bà mẹ chồng ốm nặng. Đến tận lúc giữa hai miền Nam Bắc không chỉ là một cây cầu sơn hai màu không thể qua lại mà bom mà đạn ở giới tuyến rồi thì bác Liễu mới có thể ra đi. Từ Huế vào Sài Gòn, qua Phnom Penh sang Hong Kong rồi về Hà Nội. Bác kể bác biết hết tin chồng ra Bắc làm gì, đi những đâu, nhưng không hề biết chồng bác có vợ mới. Ngày gặp lại nhau, chồng bác đưa vợ tới nơi tiếp đón của Ban Thống Nhất. Bác ở đó, lặng lẽ chờ Tổ chức phân xử, biết trước phần thiệt về mình. Chồng bác sống với bà vợ hai cùng đàn con trên phố Điện Biên Phủ, bác Liễu về nhà máy này làm thợ, nhận một phòng. Một mình bác hẳn một phòng. Hẳn là bác Liễu với sự biết điều của mình đã được bù đắp. Đất nước thống nhất, bác lặng lẽ làm một chuyến về rồi trở ra Hà Nội, lặng lẽ sống những ngày nhà máy ít việc thiếu lương rồi về hưu lúc xoá bao cấp. Lúc đó mẹ tôi đã mất. Còn bác Liễu thì một mình thành bà lão. Bây giờ, già rồi, khôn rồi, tôi chỉ có thể đoán bác Liễu muốn được quên đi. Ngày đi liều mình đến thế, ngày về không chồng không con không gì cả, trụi thùi lụi một căn phòng và đồng lương mất giá phải co quắp khéo lắm mới sống được lúc về hưu, và mớ tài sản tinh thần ví dụ như tiếng Pháp không mất được đi nhưng cũng không để làm gì được cả… Chẳng cứ bác Liễu, mọi cuộc đoàn viên hội ngộ đều không dành cho người thất thế. Thất thế mà tới những nơi phớn phở ấy nó bẽ bàng.

Nhưng có những cuộc trở về khác hẳn.

Mùa hè đó tôi thi đại học. Được rồi. Thái Hằng từ lúc lập hồ sơ đã tuyên bố „thi làm đéo gì, ông bô nhờ xin cho tao vào trung cấp kế toán rồi. Học trung cấp ra làm ngay ở Hà Nội chẳng hơn mày à. Khéo lại cầm đàn lên đỉnh núi tính tình tinh…“ Nó vẹo mồm bắt chước vẻ ngây thơ của ca sĩ hay hát cái bài gì ngợi ca cô giáo Tày đi tìm em thơ chưa biết chữ, nhìn chỉ muốn đạp cho một cái. Buổi trưa nó tới nhà tôi bảo chiều qua nhà nó. Chẳng biết có chuyện gì vẫn phải đi. Chơi với đứa máu điên điên như nó không điên bằng thì phải chịu lép. Xách xong mấy xô nước, lau xong cái nhà, gội xong cái đầu, thoả thuận xong với bà chị đổi công nấu cơm chiều bằng cách để bà chị sử dụng cái xe đạp tã mà đi hò hẹn tối, tôi lên nhà Thái Hằng. Đoạn đường đó giờ đi bộ thì chịu. Và nói chung giờ đi bộ ở Hà Nội, mà lại trong thời tiết thế thì chịu. Đông quá. Nóng quá. Hơi người chen chúc bao quanh không còn chỗ cho làn da cảm nhận được chút gió trời lẽ ra phải lúc nào cũng se sẽ thoảng. Và tiếng động thúc vào cân não làm ta ù lì, không thể nghĩ được cái gì lơ mơ một chút. Như đã từng Hà Nội phố những ngày tháng ấy.

Từ ngoài nắng bước qua cửa vào nhà Thái Hằng, chưa nhìn ra ai với ai, chỉ nghe tiếng người nói chuyện có vẻ đông đông, quen miệng tôi chào bà nó trước. Mắt quen dần với ánh sáng dịu hẳn trong phòng. Bà Thái Hằng và một người đàn ông khuôn mặt xương xương ngồi ở sập với bà trong bộ dạng chẳng khác gì mấy ông nông dân ngồi chõng sắp châm điếu cày. Bố Bảo, bố Thái Hằng, chú Khôi, cả thằng Bảo và đôi ba người nữa tôi không quen mặt ngồi ở tràng kỉ kê bên cái bàn chân qùy gần cửa sổ. Bà Thái Hằng gật đầu với tôi, và người đàn ông cũng gật đầu, không có chút vồn vã hay tò mò nào trong cái nhìn. Cung cách đó thì trăm phần trăm của người quen xã giao lối thành phố. Còn lâu mới đến cái ngày bà Thái Hằng hay giữ tôi lại lúc tôi đến chơi với cháu gái bà, nên tôi ngài ngại khi bà bảo tôi chờ dưới con mắt của ngần ấy người. Bà quài tay ra đằng sau rồi đẩy tới trước tôi một đống guốc bảo chọn. Trời ơi đẹp. Con gái Hà Nội lúc đó đang điên đảo lên vì mốt dép lưới guốc gỗ đưa từ Sài Gòn ra. Guốc sơn mài long lanh nhưng đi chóng bị mất nước. Tôi thì không hợp những gì long lanh cho lắm, đúng hơn là không đủ tự tin để mình nhóng nhánh lóng lánh như Thái Hằng. Bàn tay tôi dừng ở một đôi guốc mộc chạm lửa vừa thô vừa thanh, giản dị. Mắt người đàn ông lạ sáng lên một nét cười. Ông cúi người, rút trong một cái túi lẫn giữa đống guốc một đôi quai guốc bằng nhựa trong đưa cho tôi, bảo: „Cái này hợp với đôi guốc này cháu ạ. Hợp với cháu.“

Hợp với tôi? Chú ấy là ai mà chỉ một thoáng nhìn đã biết về tôi như thế. Chú ấy là ai mà nói năng thoải mái ý nhị thế, không có vẻ gì phải giữ mình giữa bao nhiêu người. Có một người cũng theo dõi sự lựa chọn của tôi, là chú Khôi. Sự thân tình ít bộc lộ của bà Thái Hằng, nét cười trong mắt người đàn ông lạ và vẻ tò mò trong mắt chú Khôi làm tôi lúng túng. Bà Thái Hằng chặn trước: „Cháu cầm lấy. Quà chú Thái Hằng mang từ Sài Gòn ra đấy cháu.“ Một thoáng ngừng, và bà Thái Hằng nói tiếp, trong cái im lặng vừa đột nhiên dấy lên khắp phòng, giọng bà nhỏ hẳn xuống, nhưng thật rõ: „Con bà đấy cháu ạ. Chú áp út nhà bà đấy.“

Lóng ngóng đi lên gác, đôi guốc cầm tay, tôi gặp Thái Hằng ngay đầu hành lang. Nó nhìn tôi cười cười. „Bà tao cho mày quà rồi à? Bà tao bảo gọi mày tới vì thế chắc? Ăn guốc của bà tao là cẩn thận đấy.“ Hai đứa ngồi nhâm nhi cóc chấm muối ớt. Thứ quả này bảo ngon thì chẳng, nhưng công nhận ngồi bù khú với nhau thì hợp hiếm thấy, là thức quà vặt duy nhất của miền Nam địch được với một thức duy nhất Hà Nội có là sấu chín. Thái Hằng mân mê đôi guốc chạm lửa:

„Mày nhìn này. Hoa văn này không hàng guốc nào ở đây bán đâu nhé.“

Rồi nó nhìn tôi, không hiểu sao giọng lại lo âu:

Mày biết ai chạm đôi guốc này không? Chú tao đấy!“
Chú Kiên nó. Người đàn ông ngồi trên sập là chú Kiên nó. Anh đốt trên chú Khôi. Người mới đi học tập về. Người bà nội nó ngóng chờ suốt hai mốt năm ròng. Sau này già hơn nữa, tính mềm đi và có thói quen rủ rỉ với tôi, bà Thái Hằng kể cứ lần nào còi báo động hú là bà nó nhớ. Rất lạ, với con cháu đang theo cơ quan sơ tán rải khắp mấy vùng quanh quanh Hà Nội bà chỉ thấy lo, những nỗi lo cụ thể: thuê may hàng gia công, toàn quần đùi xu chiêng đưa người mang về các chợ quê bán cho kịp phiên, mua bằng hết tiêu chuẩn gạo mì trong sổ của nhà các con, rán mỡ đổ chai chia đều, kho thịt làm ruốc chờ con trai con dâu con gái về lấy mang đi. Cả cái lúc Hà Nội triệt để sơ tán người già con trẻ, bà vẫn bám giữ số nhà ấy, báo động bà nhảy xuống cái hố tăng xê ngay gốc cây bàng già trước cửa, lần vội vàng nhảy ngay lên đầu một anh chàng đã ngồi sẵn trong đó không đậy nắp để còn ngơ ngáo ngó trời, lần thì nhảy thẳng vào cái hố nước sau đêm mưa ngập tới miệng. Bố Bảo vận động bà đi sơ tán cùng đám cháu, lần nào bà cũng chỉ một câu: „Con các anh chị đẻ thì các anh chị lo. Mợ lo được thân mợ“. Nhà Thái Hằng lúc đó còn đang trên miền Tây Bắc. Không biết làm thế nào bố Bảo phải gọi chú Khôi đang ở nơi trường sơ tán về xoay trần lật đá hoa lát sàn đào cho bà một cái hầm ngay dưới sập bà hay ngồi. Đài truyền thanh Hà Nội chỉ vừa „Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội sáu mươi cây số“ là bà đã yên vị trong hầm chờ nghe còi báo động hú. Lo cho con cháu có lẽ cũng đang ngồi trong hầm tránh bom, nhưng ngay và luôn bà Thái Hằng nhớ hai đứa con không gặp được từ hòa bình lập lại.

Đấy là chú Kiên và bác Trâm, con gái cả của bà.

Bác Trâm được nhà bà Trưởng Phiến cùng phố với nhà Thái Hằng xưa hỏi cho con trai cả. Từ năm năm mươi hai không biết linh cảm về thời cuộc dẫn dắt thế nào, bà Trưởng toan tính đưa cả nhà vào Sài Gòn, hối chồng bán nhà cửa ở Hà Nội, gọi người em họ chồng cho nhà cho ruộng ở quê, nhân thể giao luôn việc trông nom mồ mả giỗ chạp. Khổ cho cái ông em họ nhà ông Trưởng, tưởng Trời Phật ông bà ông vải độ trì, cải cách ruộng đất suýt chết vì cái vụ đang dưng được nhà được cửa này. Nhà bà Trưởng dồn hết vốn liếng chuyển vào Phan, nhưng cũng dùng dắng mãi sau hòa bình lập lại mới di cư. Khi đó bà Thái Hằng vừa biết lại mang thai, là chú Khôi. Có tuổi nhưng có của, đẻ, sợ gì. Nhưng lần có thai này bà nó yếu quá, thế nên ông Thái Hằng ngần ngừ không quyết được ngày đi Nam. Bà Trưởng xuống nhà chào thông gia tương lai, nhân tiện xin đưa bác Trâm theo. Cứ như bà tiên cảm được về một chuyến đi không ngày trở lại. Cứ như cùng linh cảm, ông Thái Hằng quyết rất nhanh, gật. Nhưng ông xin bà thông gia mang theo cả con trai út. Là chú Kiên, cho có chị có em lúc gia đình chưa thu xếp xong việc ra đi. Cái lúc hai bên thông gia gật với nhau, chú Kiên còn đang đi nhởn trên phố. Cả nhà bổ đi tìm. Về. Để đi ngay.

Cùng với nỗi nhớ cha mẹ, nhớ hai người anh và người em gái, và thằng em trai chưa biết mặt ngoài Hà Nội, những ngày sống nhờ sự đùm bọc của anh rể và chị gái chú Kiên còn giữ mãi một thương nhớ khác. Không phải là một mái tóc một góc phố cụ thể nào. Tôi ngồi trên gác lửng nhà Thái Hằng, nghe chú trò chuyện với hai ông anh bên dưới. Chú bảo:
„Hồi đi em mới mười bốn biết nhung nhớ gì đâu. Em nhớ là nhớ cái xe đạp. Bố mới mua cho em hôm sinh nhật đi còn chưa tra dầu xích lần nào. Hôm bị gọi về đi Nam cùng chị Trâm, gặp anh cả lái xe đi tìm, em không được quay lại lấy cái xe khóa ở hàng rào nhà thằng Phái gần Hàng Khay. Lúc gặp nó ở Sài Gòn, hỏi, nó bảo đến nhà nhà tao còn bỏ mà đi nói gì cái xe đạp của mày khoá đâu còn đó.“

Chú Kiên cười méo cả miệng. Cũng là may. Ngôi nhà gia đình chú sinh sống bây giờ chú không kịp có một kỉ niệm nào với nó. Nên chú không phải nhớ vớ nhớ vẩn thế lần ra đi sau. Năm bảy chín tám mươi chú ra thăm nhà đến mấy lần, mũ lưỡi trai đội đầu, áo bỏ ngoài quần, ra Hà Nội mà chỉ ở tịt nhà với mẹ chẳng thăm thú phố phường và nhất quyết không nhận một sự bù trì nào của mẹ. Không ai trong nhà biết, cả bà Thái Hằng cũng không biết người con cách biệt gia đình bao nhiêu năm ấy ra thăm nhà chỉ để lặng lẽ tạ từ thành phố, tạ từ mẹ và anh em, trước lúc vượt biên. Thoát. Nỗi nhớ của chú những ngày tháng sau đó liệu có đầy thêm một Hà Nội khác xơ xác thời hậu chiến nhưng trong trẻo tuổi chúng tôi mà chú vừa gặp lại? Hay vẫn là những nỗi niềm cũ mà ở đó thù lù hình ảnh một cái xe đạp tuổi niên thiếu bị còng lại ở một hàng rào, bị bỏ rơi ở một khoảng phố ngày tháng cũ, bị thất lạc vĩnh viễn trong kí ức?

Tôi ngờ rằng sẽ là thế. Cái xe đạp bị mất của chú Khôi có khác gì cây mít trong trí nhớ ông trẻ tôi, cậu ruột mẹ tôi, con trai út của cụ Phán tôi. Theo đại gia đình đi tản cư thời kháng chiến, lúc trở về, lấy vợ, ông ra rệ đê Kim Liên, trở thành một trong những cư dân xóm Liều đầu tiên ở Hà Nội. Nhà nghèo, nhưng hàng chục năm trời ông bà vẫn sống ít nhiều theo lối cũ. Bà ở nhà lo sinh con, nuôi con, dạy con, cơm nước và đan lát kiếm thêm. Mấy dì tôi vừa mười hai mười ba ngồi đâu cũng nhoay nhoáy kim đan kim móc. Ông làm thợ sắp chữ ở nhà in Tiến Bộ. Trời cho ông cái hoa tay được rèn luyện kĩ càng từ thuở vừa đến trường, chín năm tản cư học trường làng không rơi rụng. Về Hà Nội, tài viết chữ đẹp được ông phát huy để kiếm thêm: viết bằng khen, huân chương huy chương, bằng Tổ Quốc ghi công. Cứ ăn tối xong là ông ra bàn làm việc có cái đèn neon nhỏ, mất điện thì dùng ắc quy, cặm cụi viết những tên người được nêu gương được tưởng nhớ trong khi vợ con cặm cụi làm thêm, con gái đan móc, con trai ngồi kéo dây đồng quấn mô tơ. Hồi bé tôi rất thích tới thăm nhà ông vì dì út chỉ lớn hơn chị em tôi mấy tuổi và các dì bận bịu thế nhưng rất chiều tôi. Bà lại nấu ngon chưa từng thấy. Những bữa cơm khác hoàn toàn với bữa cơm ở nhà ăn tập thể dù vẫn thịt ấy, rau ấy. Canh mồng tơi rau đay mướp hương thêm chút trứng cáy bày trên mảnh lá chuối bán ngoài chợ. Nhộng rang rắc lá chanh thái chỉ. Đậu phụ om rán non đậu phụ ăn với canh cua rán phồng già lửa dầm nước mắm hành pha nhạt. Moi khô rang khế. Cà bát muối mặn dầm đường tỏi ớt. Chút xíu lá lốt chạy ra đầu ngõ mua vội thả vào bát canh ốc chuối. Mỗi thứ một chút, đúng vị bốn mùa. Bữa ăn ở những nhà dân Hà Nội nghèo vẫn quyết giữ giá làm đỗ ngày ấy có một phong vị riêng rất lạ, từ độ đậm nhạt tới cách bày mâm, tự phân biệt với bữa ăn ở nhiều gia đình chồng vợ đều là người nhà nước và vì là người nhà nước mà thành người Hà Nội.

Cứ nhìn ông trẻ sống cần mẫn thế, cứ nhìn bà trẻ con một đàn, chỉ có mỗi đôi bàn tay khéo kiếm tiền thêm cặp cùng chồng nuôi dạy con ăn học, thế mà chẳng bao giờ trong nhà gắt gỏng nhau, không thể hình dung được ông trẻ từng là một cậu ấm ra ấm. Ông trẻ không bao giờ nói chuyện nhà cửa cũ với con cái, chỉ thỉnh thoảng hồi mẹ tôi còn sống hai cậu cháu mới nhắc nhỏm với nhau. Cái ngày hai cậu cháu là hai đứa trẻ duy nhất ở ngôi nhà đó, ngôi nhà mẹ tôi lúc nào cũng mơ hồ nhớ mình từng được bò toài trên sàn rất rộng và rất mát. Còn ông trẻ ở đó mười ba năm, từ lúc sinh ra cho tới ngày Hà Nội kháng chiến. Có một lần, rất lâu trước khi ngôi nhà biến thành cái bar đầu tiên tại Hà Nội và người có tiền thì tự nhiên mà vào, tôi có theo Thái Hằng qua đó thử một buổi học thêm gia chủ mời thầy lập lớp cho con. Tim tôi đập thình thình khi bước qua cổng ngôi nhà. Tôi biết: đó là nhà của nhà tôi, đó là nhà mẹ anh Phan người yêu bác Khánh đang sống. Người con gái tôi đoán là em anh Phan dẫn chúng tôi vào căn phòng nhìn ra sân trong. Phố rì rào đâu đó sau lưng. Mặt trời lúc chiều muộn nhuộm thân cây chỗ chúng tôi dựng xe thành một màu nâu đỏ lộng lẫy và trầm tĩnh. Khi tôi kể cho ông trẻ nghe tôi đã vào nhà cũ của cụ Phán, ông trẻ nhấc bút, nhìn tôi:

„Cháu vào được bên trong à? Cháu có thấy cây mít ở sân không?“

Giọt mực to tướng rơi đánh bộp từ đầu ngòi bút sắt xuống tấm huân chương ông đang viết dở. Ông trẻ không để ý, nhìn ngọn đèn neon nhỏ, giọng run run:

„Không biết nó là mít mật hay mít dai.“

„Có một cây mít giữa sân ông ạ. Sai quả lắm. Chỗ cao bằng đầu cháu quả đã to gần bằng cái xô ông ạ.“

„Trồng nó vậy là đã ba tư năm rồi“ – Ông trẻ nói như người ngủ mê. Bàn tay vẫn giữ cái bút bên trên tờ giấy – „Chú tài về nhà trên Sơn mang giống xuống cứ khăng khăng là mít dai. Cụ Phán thì bảo dai hay mật cứ có quả bổ ra thì biết. Chưa đầy một năm sau thì nhà mình tản cư…“

Hình thù nỗi nhớ của ông trẻ cụ thể thế chứ không lơ mơ như mẹ. Nhưng mà sau này già rồi loắng quắng nhiều rồi tôi sẽ hiểu ra những nỗi nhớ đó rõ hay mờ cũng là duy nhất và còn mãi. Mùa hè vừa rồi ở sân chơi trẻ con, Roland to lớn sừng sững ngồi trên ghế còn cao tới ngực tôi đứng ôm tôi khóc. Bàn tay tôi lúng túng đặt trên vai người đàn ông cùng phố, bạn chơi bóng bàn với hai bố con thằng bé nhà tôi. Một hoàng hôn mùa hạ ngày nước Đức chia hai Roland vượt biên bằng khinh khí cầu. Hú hồn thoát. Roland kể lúc khinh khí cầu đạt tới độ cao cần thiết nhưng chưa dạt được sang bên phía tây, súng bắn chiu chíu bên dưới. Lúc đó, Roland cảm thấy rỗng hết cả ngực. Vì sợ. Vì cảm giác mất chính mình, khi trên cao nhìn xuống thấy đường đạn lừ lừ đỏ, nhưng không thấy, không thấy nữa cái ba lô để lại trên triền núi nơi họ bay lên. Trong cái ba lô đó có cái bút, cuốn tạp chí, hộp đồ ăn, chai nước và dăm ba thứ linh tinh. Chẳng đáng gì, nhưng từng thứ đều gắn với giọng bà mẹ lúc hỏi lúc nhắc từng ngày bao nhiêu năm cho tới khi đó Roland mười bảy. Tôi đã tới nơi ấy. Bên phía tây của bờ tường chia đôi nước Đức hai mươi năm trước có một ngôi nhà đơn độc. Vườn tược giờ hoang phế vì không người coi sóc. Một cặp vợ chồng trẻ sống ở đó, già đi và lúc tôi tới vừa phải rời vào nhà dưỡng lão. Nhưng đôi ba phòng vẫn có người ở, thấy treo rèm mở cửa sổ. Một con mèo béo ị lù khù nhảy lên khung cửa, bình tĩnh nhìn mấy người đầu đen mũi tẹt đứng đó chỉ trỏ bàn tán ngạc nhiên vì phía tây không có vùng phi quân sự như ở quê hương hồi đất nước cũng chia đôi như cái nước Đức này. Nhưng bên phía đông bức tường, có những tháp canh trồi lên trên những đỉnh đồi nhân tạo, từ đó đèn pha đêm đêm quét sáng một vùng không. Và những hầm ngầm nửa chìm nửa nổi. Và những chướng ngại vật được thiết kế nhằm chống xe thiết giáp giả thiết từ phía tây xông tới. Và những con đường nhỏ bằng bê tông chạy dọc ngang giữa cỏ. Bây giờ nơi ấy cỏ yên. Ngày xưa nơi ấy là những ngôi làng trù phú, là nhà Roland. Roland lúng búng trong tiếng nấc. Bà vợ hiền lành dịch lời ủng trong nước mắt của ông chồng: Cả làng bị đẩy lùi vào sâu. Dân làng tứ tán. Nhà Roland cũng bạt đi. Roland mười bảy tuổi trốn được sang Tây Đức. Thư đi không thấy thư về… Sau khi thống nhất nước Đức mới... Bố chết. Mẹ chết… Hai thằng con Roland cao to như bố vừa nốc bia vừa nhìn ông bố nửa buồn cười nửa bối rối. Một thằng lè nhè khuyên bảo bố và Roland nổi khùng.

Lúc nghe ông trẻ kể sự tích cây mít, tôi không biết nói gì. Tôi nhìn vết giọt mực rơi xuống và lịm dần không nhoè trên tấm huân chương, nghĩ giấy in những thứ này tốt quá, rồi lại nhìn ông trẻ vô thức kí dưới tấm huân chương viết hỏng, chỗ dành cho chủ tịch nước. Ông trẻ ngẩng đầu: “Chữ kí của ông chủ tịch nước lần này dễ kí lại nhất, ông đã thử bao nhiêu chữ kí của các ông to rồi. Người học hành lắm kí đơn giản nhưng thế mà khó tập theo. Lạc tay chút là hỏng.”
Rồi ông trẻ quay trở lại với công việc làm thêm mỗi tối, như quên bẵng chuyện ngôi nhà, cây mít, căn phòng của chị bạn chú Khôi em gái anh Phan – ngày xưa chính là phòng cụ Phán bắt ông chuyển xuống khi ông tò te tí toét cây Trompet. Tôi nhìn tờ giấy toàn chữ kí thảo của ông trẻ, cố nhớ xem đó là chữ kí của ai vẫn thấy trên đủ thứ bằng khen, huân huy chương, bằng Tổ Quốc ghi công treo ở bao nhiêu nhà. Phải công nhận ông trẻ tôi tài. Ông có tố chất đặc biệt để trở thành một tội phạm chuyên nghiệp trong chuyện giấy tờ giả mà những thể loại tội phạm không thường khác phải cầu cạnh. Nhưng ông ngồi đây, trong căn nhà xây bằng gạch xỉ tự tay đóng, viết huân huy chương và đủ loại bằng ghi nhận thành tích công lao của người sống người chết để cho người khác kí, nhận về mấy xu cho một tờ toàn chữ hoa chữ ngọc, và âm thầm nhớ một ngôi nhà.

Ngôi nhà ấy anh Phan đã ở bao nhiêu năm qua tuổi thiếu niên. Đến lúc học ở Nga về thì người lớn hai nhà bàn bạc thế nào đó và anh chuyển đến ở với bố, thành hàng xóm nhà Béo. Tôi không biết nếu anh ở với gia đình mẹ chỗ nhà cụ Phán thì rồi ra anh có khốn khổ vì một nơi ở hay không? Và lúc nào là lúc anh khốn khổ nhất?

Bây giờ anh Phan đã là một đại gia ở Việt Nam sau khi đã là soái ở Nga mười mấy năm. Về đi nơi nọ nơi kia tôi thấy vô khối những công trình những dự án do anh đầu tư. Hiển nhiên tiền bạc chẳng tự dưng chui vào túi anh. Hiển nhiên anh Phan phải lăn lộn lắm. Giờ anh Phan nom thế nào? Tóc bạc trắng? Chứ gì nữa, phấn đấu vươn lên được thành soái ở cái đất nước đủ thứ vỡ vụn ra từ lý tưởng cho tới chính thể, tóc bạc phải là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu. Đông con lắm. Ôi thế à? Những mấy bà chính thức. Tháng trước tao còn gặp anh ấy khi xét duyệt dự án…

Mùa hè vừa rồi về, tới nhà Béo, tôi nghe Béo kể và tả. Nhưng tôi chưa bao giờ tin tưởng vào khả năng văn chương của nó. Không thể đặt một dấu nối giữa người đàn ông giàu như gì bây giờ với anh hàng xóm cũ nhà Béo. Bác Khánh ngày đó hay cười cười anh con trai là viện sĩ không lương. Đi học nước ngoài về vào được cái viện đó là oách lắm, trước tiên sẽ được tiếng là giỏi của giỏi. “Phải nói là đỉnh của đỉnh.” Con gái Béo nghe hóng câu được câu chăng cười cười giúp mẹ và bạn mẹ cập nhật ngôn ngữ đời thường. Bằng tuổi chúng tôi ngày tốt nghiệp đại học, bố và mẹ làm cũng to to gần bằng ông bà nó ngày xưa nhưng con bé nhất định không vào cơ quan nhà nước mà nhảy ra làm cho tập đoàn gì đó. “Để tránh là học sinh cấp 4 rồi lại thành học sinh mẫu giáo ở vườn trẻ cơ quan tao. Tao mặc xác.” Béo than và chúng tôi lại quay về với anh Phan, người ngày trước nó toan tính dồn vào chuồng tôi để được tự do đuổi theo một chàng khác không nằm trong kế hoạch của bố mẹ nó.

Mấy năm trời anh Phan là viện sĩ danh dự vì viện mấy năm sau khi anh về nhận công tác phải tự hạch toán chẳng ra tiền. Buổi đầu các viện sĩ loay hoay với đủ thứ kế hoạch ba tư giời ơi đất hỡi theo tinh thần lãng mạn của các sếp và dĩ nhiên là không lương. Anh Phan may mắn hơn vô khối đồng nghiệp viện sĩ xuất thân trai làng, có nhà ra nhà giữa một phố đẹp ngất ngây giữa Hà Nội, phố tây, bây giờ người ta định loại thế. Rời nhà bà mẹ và ông bố dượng về ở với bố đẻ và mẹ kế, anh có phòng riêng vẫn là trong biệt thự. Tính anh trầm, gặp chúng tôi ngày bé thì còn nói dăm ba câu, tới lúc chúng tôi thành thiếu nữ thì anh đỏ mặt lúng túng một thời gian rồi cũng bình tĩnh lại, thấy nhau thì cười cười. Anh bị đau dạ dày nặng, giữa trưa mùa hạ đứng phơi quần áo giữa sân cởi trần quần đùi nhưng vẫn cuốn quanh bụng một cái khăn phu la màu xanh mực Cửu Long. Có định tăm tia gì anh nhìn cũng chán hẳn. Nữa là tôi lại mê bác Khánh. Mê rất vui, rất cảm động, nhưng tôi không thêm một cái gì trong quan hệ tưởng tượng này. Tôi không có ý định làm mẹ kế của anh Phan. Quá kì quặc. Quá rắc rối.

Những rắc rối mà dù chỉ qua lại chơi bời với Béo tôi cũng nghe và nhìn thấy vô khối. Tất cả đều liên quan tới chỗ ở của anh.

Đầu tiên là anh vướng với chị Thiều Anh con riêng bác Thiều Như. Chị Thiều Anh phải gần bằng tuổi mẹ Béo, nhan sắc không nhẹ nhõm như nhan sắc bà mẹ, mặt thịt, nhìn hơi tăm tối, nhưng nghe nói rất gì gì và này nọ về chuyên môn. Chị là phó tiến nghiên cứu về giun, cái thể loại động vật bò sát không xương hiền lành này không hiểu sao làm tôi rất hãi, đến tận tuổi này nhìn thấy hình trong sách hay trên tivi cũng vẫn rùng mình quay mặt. Dễ hiểu vì sao chỉ nghe thế tôi đã nể trọng chị Thiều Anh, nhân tiện nể luôn cái vẻ lạnh lùng khinh khỉnh của chị. Đúng là chị Thiều Anh khinh khỉnh, chị chẳng nói chuyện với ai trong số nhà ngoài chồng con, cô em gái con chung của bác Thiều Như với bác Khánh, thi thoảng mới thấy góp lời với mẹ Béo và bác Nắng cần vụ của bác Thiều Như. Chưa bao giờ tôi thấy chị cởi mở. Còn với bác Khánh và anh Phan thì hình như chị chẳng bao giờ hỏi lấy một câu, rất lạ.

Chị Thiều Anh thế thì chồng con chị cũng y sì đúc. Anh Huấn chồng chị dân thể thao, chẳng biết môn gì nhưng bên quân đội, cao to, đầu húi cua đầy sẹo, mắt một mí lừ lừ nhìn rất ngại. Lúc tôi biết Béo đã thấy anh Huấn đeo quân hàm trung tá. Cái Thiều Hoa con anh chị học sau chúng tôi mấy lớp, mặt nặng giống mẹ nhưng được cái trắng nõn, nom ngon lành như cái bánh trôi mới nặn sắp bỏ vào nồi luộc, mỗi tội mắt giống bố, nhỏ và hơi nhiều lòng trắng. Y như chị Thiều Anh, nhan sắc của nó chẳng hé lộ một chút gì sự thông minh, nhưng cũng hệt mẹ, nó học hành như không, rất giỏi.

Hồi anh Phan mới về số nhà, Thiều Hoa cũng như bọn tôi, chíp hôi, coi anh Phan như thần tượng về trí tuệ. Nhưng việc anh có mặt trong nhà, và cùng với anh, xung đột trong chuyện chia nhà cửa trong

gia đình bác Thiều Như bùng nổ rồi leo thang thì cái Thiều Hoa thôi vồ vập ông cậu hờ. Bình thường, ba mẹ con nhà nó ăn riêng, cuối tuần mới thấy bố nó nghễu nghện cái xe đạp nam yên nâng cao hết cỡ từ đơn vị về. Bác Thiều Như với bác Khánh có chị Phương ở chung lo cơm nước. Rồi tự dưng thấy bác Khánh một mình với mấy cái xoong nhôm con con y như mấy chú độc thân ở khu tập thể của tôi. Anh Phan về ở với bác, chuyện cơm nước chợ búa hai bố con đàn ông một già một trẻ chia nhau, chẳng khéo léo gì hơn nhưng trông cũng đỡ băn khoăn. Hồi đầu anh ở cái phòng có cửa sổ sát sân, cửa ra vào đối diện phòng bà cháu bác Nắng và diện tích cũng nhỏ y như thế. Vậy mà đã có chuyện. Chẳng biết bắt đầu từ đâu. Chiều tối thứ bảy, tôi vừa dắt xe qua cổng nhà Béo đã thấy tiếng huyên náo. Tiếng to là tiếng anh Huấn bố cái Thiều Hoa. Anh Phan đứng rút quần áo khô ở ngoài sân, mặt mũi đầy vẻ kiềm chế, còn bác Khánh bê cái mâm nhôm bữa ăn của hai cha con vào phòng, bình thản. Nhưng tiếng anh Huấn cứ to dần, rồi anh ấy bắt đầu văng tục chửi đổng. Chị Thiều Như không biết có ở nhà không nhưng không thấy ra lời. Anh Huấn chửi tục đến ghê. Đúng là lời không hay chỉ khổ tai người nghe khổ gì thằng nói. Bà mẹ vợ chắc quá rõ cơ sự, nhưng coi như nghễnh ngãng được lợi. Song ông bố vợ hờ tầng dưới và ông bố Béo tầng trên thì nổi cáu. Chả gì thì bố Béo cũng đường đường là ông thủ trưởng to nhì một bộ, to nhất trong số nhà này. Anh Phan hầm hầm đẩy cửa lao ra. Không có chị Phương thì không biết sự thể tới đâu. Sau này tôi để ý chị Phương con chung hai bác Thiều Như và bác Khánh quyền uy nhất trong nhà chị. Lúc đó chị Phương vừa xong đại học, cái Thiều Hoa vừa thi đủ điểm đi nước ngoài, tôi với Béo mỗi đứa một trường sắp tốt nghiệp. Chị Phương nhíu mày, nhăn mặt, nói trống không một thôi một hồi giữa sân, thế mà anh Huấn cun cút vào nhà và hòa bình được lập lại. Nhưng cư dân trong số nhà thì vẫn đứng tụ ở sân, bàn tán. Có tí chữ tí quyền chính ra lại khổ những lúc này, vì ai cũng phải hạ giọng nói sẽ, không được thoải mái hể hả như cư dân ở khu tập thể của tôi. Có vẻ tất cả đều choáng trước khả năng hùng biện tục tằn của anh con rể bác Thiều Như. Tôi với Béo thì ngạc nhiên, nghĩ chắc chị Thiều Anh với cái Thiều Hoa xấu hổ lắm vì màn độc tấu trước đó của anh Huấn.

Ngạc nhiên chẳng được bao lâu, vì sau đó, khi anh Huấn vắng mặt, người gây hấn với anh Phan thường chính là mẹ con cái Thiều Hoa. Chị Thiều Như ghê gớm ngay trong cách nói. Không gọi anh Phan là chú hay cậu dù anh trẻ hơn và dù sao thì anh cũng là con riêng của ông bố dượng, anh cùng cha khác mẹ với chính cô em cùng mẹ khác cha với mình, chị Thiều Anh chỉ gọi anh Phan là anh xưng tôi, lạnh tanh. Cái Thiều Hoa theo mẹ, nó thôi gọi anh Phan là cậu, cãi nhau tay đôi với anh vì đủ chuyện dấm dớ, từ chuyện cái bàn nấu ăn ở bếp bác Khánh hay anh chưa kịp dọn cho tới cái quần anh phơi giữa sân. Cái gì liên quan tới anh Phan cũng làm nó ngứa mắt, tìm cách đụng chân đụng mồm. Những ngày ấy bác Khánh chắc khổ lắm. Đứa con gái vẫn gọi bác là ông bác biết từ lúc sinh ra giờ đụng mặt bác ngay bậc thềm vào nhà cũng không buồn cất tiếng chào. Còn bà nó, bác Thiều Như thì chả khác gì bà vãi già trên chùa, nhìn tất cả và chẳng nói chẳng rằng mặc kệ trong nhà sự sinh sinh sự. Cái Thiều Hoa cũng can đảm, tuần nào nó cũng gây chuyện với anh Phan, góp giọng chửi bới anh cùng bố nó lúc cuối tuần, chẳng ngán gì bạn học có thể đến và nghe thấy bất cứ lúc nào. Còn chị Thiều Anh thì không khi nào cất giọng quát con khuyên chồng. Trong những lời nhà cái Thiều Hoa nói lúc to lúc bé mà mọi người vào ra nghe được, đã bắt đầu lộ ra những câu bới móc bác Khánh. Mẹ Béo, trong khi đành lòng đình chiến với bà vợ ông vụ trưởng cùng tầng, tỏ ra háo hức quan tâm đặc biệt tới xung đột nhà dưới. “Nhà chị Thiều Anh nói năng xấc xược quá”. Mẹ nó bảo bố nó. “Anh xem góp ý với chị Thiều Như, ai lại để cả nhà con mình xúc phạm chồng mình thế”. Béo bảo tôi: “Ông Huấn bà Thiều Anh sợ mất nhà vào tay anh Phan đấy. Bác Khánh mà không có chị Phương với bác Thiều Như thì chắc bị nhà cái Thiều Hoa ẩy luôn ra ngoài phố. Ông Huấn dân thể dục thể thao lừng lững thế cơ mà. Mày nhớ ông ấy văng không?”

Chúng tôi không biết, làm sao có thể biết, ba mươi mấy năm sau đứa nào cũng khốn khổ vì chuyện nhà chuyện cửa. Và Béo sẽ nghe cũng toàn những lời những giọng như anh Phan đang nghe. Anh Phan thì vì là con trai không được ưa chuộng trong nhà anh. Béo thì vì sinh ra đời là con gái theo quan điểm em dâu nó.

Một buổi chiều đạp xe tới nhà Béo, tôi thấy bác Khánh mặt mũi tối sầm đi từ phòng bác Thiều Như ra, sập cửa đánh thình. Thật là cả một sự kiện vì tôi biết hai bác là vợ chồng nhưng từ lâu đã sống sống riêng và cái hành lang rộng dài hơn phòng nhà tôi ở người nhà bác hầu như chỉ đi dọc chứ không đi ngang trừ chị Phương và bác Nắng cần vụ. Chưa bao giờ tôi thấy bác Khánh có vẻ kích động như thế. Hành lang tầng một thấy lổng chổng một đống gạch. Chỗ gạch đó buổi chiều đó biến thành một bức tường xây vòng cung đón ngay chân cầu thang ngăn đôi cái hành lang vừa cao vừa rộng theo chiều dọc cho tới tận cửa chính nhưng bao năm không dùng nhìn ra hàng rào gang ngăn với phố. Một khung cửa nhỏ mở từ bức tường đó thông thẳng vào phòng nhà chị Thiều Anh và phòng bác Thiều Như. Anh Huấn lầm lầm đứng giám sát thợ xây gấp rút. Đến lúc Béo tiễn tôi về, cả hai đứa nhìn nhau. Từ trên cầu thang tầng hai đi xuống, bức tường xây chưa kịp trát trông lởm cởm thật kì quái. Chiều muộn. Bình thường nắng từ cửa sổ chiếu nghỉ tầng hai rọi sáng bừng hành lang tầng một, bây giờ bức tường chặn ánh sáng lại bên ngoài. Nó chặn không chỉ mắt nhìn mà cả chân đi, kiểu gì đi lên đi xuống nhà Béo giờ cũng phải bước dịch về phía tay vịn. Đúng lúc đó thì chị Phương về. Chị Phương đứng sững, quăng cái xe đạp quay lơ giữa sân rồi đùng đùng lao vào kéo mẹ chui ra khỏi phòng qua khung cửa mở từ bức tường còn chưa kịp trát vữa, hét:

“Mẹ ra đây. Mẹ nghe không rõ nhưng mẹ vẫn nhìn thấy. Mẹ để con gái con rể mẹ làm như thế này à?”

Bác Thiều Như ngễnh ngãng nhưng chắc hiểu con gái hét gì. Cái Thiều Hoa lò dò chui ra qua cái lỗ hổng ở bức tường xây dở, vừa mở miệng “cô từ từ”, chị Phương chỉ mặt:

“Cút! Bà Thiều Anh ông Huấn ra đây!”

Tôi với Béo đứng như trời trồng ngay bậc dưới chiếu nghỉ, nửa không dám bước xuống chen vào giữa những con người mình quen bỗng dưng thấy lạ, nửa, nói thật, cũng tò mò. May, ai cũng lo chỉ mặt nhau nhìn ngang mà không nhìn lên. Chị Phương hét lạc cả giọng:

“Có giời đất nào như thế này không? Anh chị có là người nữa không? Chị đầy mồm chữ … Ông Huấn kia tôi không nói với ông… á à ông chỉ là chồng của vợ ông thôi không là gì với tôi nhá anh ấy mới là anh tôi nhá… Bà Thiều Anh bà lo dạy chồng bà đi nhá về cái chỗ này không giở cái thói trên dạ dưới dọa chạy nhảy vật nhau huỳnh huỵch ra được đâu nhá… Anh nói gì tôi thách anh giở võ ra đây với bố con tôi anh em tôi đấy… Con Thiều Hoa câm mồm mày muốn bố mày còn có chỗ trong cái nhà này thì câm mồm…”

“Câm mồm”… Tiếng kèn đột ngột hực lên như muốn dìm đi tiếng hét như khóc của chị Phương. Sau này, cứ nghe nhạc những năm năm mươi sáu mươi, mà ở đó tiếng kèn luôn than van da diết trào sôi những dục vọng không thể nói ra lời, tôi ít hình dung ra một tiệm rượu, những người đàn ông trắng đen mũ phớt com lê môi nhếch tự trào và tự tin trong những cảnh phim đen trắng – nơi không thể không có tiếng kèn. Tôi luôn luôn nhớ, một bức tường xây dở, những người thợ bối rối bên cạnh công trình thảm hại của mình, những người đàn bà đang tham dự và chứng kiến, và chính tôi, cùng Béo đứng trên cầu thang nhìn xuống mà lòng lại đi xuyên qua bức tường tới với bác Khánh, người đàn ông bặt thiệp đang níu lấy cây kèn, nín hơi, thổi như muốn đổ hết vào chiều những bức bối, phẫn uất không thể nói ra lời. Những bức bối đó phải có từ ngày tháng nào? Với một người đàn ông học vấn và từng trải đến thế, chắc căn nguyên không phải chỉ là mấy mét vuông nhà cho con bà con tôi con chúng ta.

Theo yêu cầu làm ngay và luôn của chị Phương, mấy người thợ nhìn ông chủ thuê mình là anh Huấn rồi hò nhau dỡ gạch còn chưa kịp cứng chỗ bức tường chắn ngay trước cửa phòng bác Thiều Như và con gái út. Giá họ dỡ nốt cái phần đầu cong cong của bức tường vòng ngay chân cầu thang dẫn lên nhà Béo và nhà ông bà vụ truởng thì bức tường sẽ hoàn toàn giống với những bức tường mà chúng tôi thấy đầy ở nhà quê ngày đi sơ tán. Một bức tường như thế hay mọc ở bìa làng, hai đầu trống cho người vào ra. Đấy là hố xí công cộng các hợp tác xã xây cho xã viên dùng, không phân biệt đàn ông đàn bà người già con trẻ và không bao giờ có cửa. Người vào đó vì thế không thể hững hờ, thấy tiếng động thì cầm cái roi bò hay cành tre hay cái que rào dài đập đập đánh tiếng. Nhưng ở đây, Hà Nội, vẫn còn xanh sạch, những năm tám mươi của thế kỉ trước, bức tường mọc lên giữa hành lang một biệt thự kiểu Pháp. Nhiều khi tôi nghĩ lý gì nó phải sập xuống khi bao thứ từ ngày đó đã mọc lên trong số nhà này. Nhưng thật may là có chị Phương. Nhờ chị thương bố, thương đến ông anh trai con riêng của bố chứ không hẳn vì tinh thần duy mỹ mà chí ít thì nửa bức tường quái gở đó đã được đập đi dỡ ra.

Sở dĩ có bức tường là vì bố mẹ cái Thiều Hoa tưởng bở, nghĩ cô em sắp đi lấy chồng thì dễ quản bà mẹ nghễnh ngãng và hình như đã chẳng còn để tâm vào chuyện thế sự tầm thường. Chị Thiều Anh bấy nay sưng sỉa với ông bố dượng – như mẹ Béo nói – vì bác Khánh chỉ hơn con riêng của vợ mười lăm mười sáu tuổi, nghĩa là hơn chồng chị Thiều Anh chừng chục tuổi là cùng. Phần ngứa mắt vì ông bố dượng trẻ, phần chị ngạo mạn coi nhà này là tiêu chuẩn nhà nước phân cho mẹ chị, bác Khánh chỉ là người ăn theo, ở nhờ ở đậu. Chị Thiều Anh đã thế thì chồng chị ngán gì bác Khánh. Anh Huấn may mới chỉ là sĩ quan hoạt động phong trào quen khua khoắng trong ngạch thể dục thể thao quân đội chứ là sĩ quan cầm quân thì cái kiểu không biết mình biết người thế nướng lính là cái chắc. Thứ nhất vì chị Phương có đi lấy chồng thì vẫn cứ là đứa con oai nhất nhà, chẳng phải vì là con út mà vì là con chung. Sẽ làm dâu một ông bộ trưởng lấy nhà tây làm nhà ta, chồng sắp cưới đi nước ngoài còn khiếp hơn chú Khôi, chị không cần tới căn phòng bố mẹ dành cho chứ không phải là không giành giật nổi với ông anh bà chị. Và nói gì thì gì, giữa một ông anh rể chồng của bà chị cùng mẹ khác cha đầy vẻ cơ bắp thô bạo với một ông anh ruột cùng cha khác mẹ kính trắng ngời ngời luôn mềm mỏng thì chuyện chị đứng về phía anh Phan là chuyện tất nhiên. Ngoài ra, anh Huấn sai lầm khi đánh giá thực lực của bác Thiều Như trong gia đình. Có phải bác Thiều Như là bà già nhà quê giác ngộ vén quần chân què trèo lên được chức thứ trưởng một bộ đâu. Có phải bác u mê đâu khi dám đánh đổi cái ghế oai như thế cho nỗi đam mê đột ngột cháy bùng bùng lúc gặp bác Khánh trong một lần đi khám bệnh. Cuối cùng thì bác vẫn yên vị, có một ông chồng từng dinh tê, và bác Khánh thì từ một bác sĩ lưu dung trở thành một bác sĩ nhà nước, nổi tiếng vì chân tài và nhiều tấm chân tình. Chỉ có điều là tình yêu của bác Thiều Như kéo dài không được bao lâu. Chị Phương lên cấp hai thì bác Thiều Như về hưu và nhanh chóng tự biến mình thành một bà lão gầy mòn, lặng lẽ lạnh lùng với tất cả, cả với ông chồng trẻ vẫn trong độ tuổi làm việc. Cái lần bác Khánh đứng giữa sân vừa phơi quần áo vừa kể về đám tang của ông bạn chuyên khoa tim mạch rồi tự trào ông ấy chết thì ảnh lồng trong khung hình trái tim chứ tôi chết thì… làm tất cả đám đàn bà con gái đang bận bịu rau cỏ cơm nước cười sằng sặc, đến bố Béo đương kim thứ trưởng còn cười rung cả rốn, chỉ mỗi chị Thiều Anh mặt lạnh tanh và mỗi bác Thiều Như đi ngang chẳng nói chẳng rằng vì nghễnh ngãng hay vì tự coi mình vô can có giời biết, ai không biết trước khó có thể hình dung đó là một cặp vợ chồng từng yêu nhau bão táp. Anh Phan vừa đi làm về, nghe thủng đoạn cuối câu chuyện của bố, tủm tỉm vào phòng. Chị Phương thì nguýt bác Khánh: “bố thì… đấy bố đã hiểu vì sao con học nha không học chuyên ngành phụ khoa của bố chưa?” rồi cũng cười phì phì. Nhìn hai bố con đều là bác sĩ đang nói cười, dễ tưởng gia đình họ mọi sự đều êm thấm và vui vẻ lắm.
Bây giờ, giữa gia đình đó là một bức tường có thật và một bầu không khí sục sôi đứng ngoài cũng thấy nhột nhạt. Đến lúc đó, bà nguyên thứ trưởng đã hưu từ đời tám hoánh nào lại còn nghễnh ngãng ra tay. Và lúc bác ra tay dẹp loạn thì phải công nhận người sang nói gang nói thép.

Bác Nắng về hưu. Trước khi về hưu bác xin cơ quan cho xây một cái nhà cấp 4 ngay bên trái cổng ra vào sát hàng rào ngăn với phố. Thằng cháu đích tôn lộc ngộc học dở dang cấp 3 xoay ra học nghề, hành nghề ngay ở cái nhà mới xây ấy. Mỗi ngày một chút, bác Nắng quây mảnh đất sát ngôi nhà mới của mình gieo mồng tơi, trồng cây ớt, ai đi ngang cũng tấm tắc bác chăm chỉ mát tay. Đến lúc rau cỏ ở cái mảnh vườn nhỏ nhỏ của bác lan tới bóng cây sấu già đổ xuống mỗi ban trưa thì cư dân trong số nhà bừng tỉnh. Ông bà vụ trưởng cùng tầng với nhà Béo con ra trường xin về công tác ở cơ quan bộ vừa mới gả chồng. Ông làm ngay cái đơn xin mảnh đất giãn diện tích. Thế là một ngôi nhà cấp bốn khang trang hơn ngôi nhà của bà cháu bác Nắng mọc lên giữa vườn rau và gốc sấu. Thật là tiện lợi cho gia đình ở trong góc số nhà ấy. Một buổi chiều tới nhà Béo tôi thấy bác Sa chủ nhà đứng lấp ló sau một cánh cửa sắt mới dựng, chẳng cần xin phép, chẳng cần xây tường bao, chịu phạt để được tiếp tục tồn tại, ngăn luôn nhà bác với sân chung. Cây sấu già giờ bị kẹp cứng phần gốc phần thân, có lừng lững chăng chỉ còn độc cái tán chìa sát cửa sổ phòng làm việc của bố Béo mời mọc những chùm sấu non chi chít.

Một sự dàn xếp giữa bà chủ cũng là bà thủ trưởng cũ với bà người ở, cần vụ ăn lương đã bắt đầu từ lúc nào không ai biết. Chỉ biết bác Nắng dọn hết giường tủ ra khỏi căn phòng cửa ra vào nằm dưới cầu thang ngôi biệt thự, ra lệnh cho thằng cháu nhổ tuốt rau cỏ và cấp tập cơi tiếp một gian nhà trên mảnh vườn vừa phá. Nhoàng cái, cổng ra vào nhà Béo giờ chỉ còn là một khoảng sân hẹp bằng đúng chiều ngang cái cửa sắt nếu mở hết, và bây giờ luôn luôn ướt vì mấy gia đình mới giãn ra đó kéo luôn đường nước sát nhà, rửa rau vo gạo giặt giũ tại chỗ, nước chảy tự do qua chiều ngang cổng xuống cái cống lộ thiên chạy quanh biệt thự. Quy mô bành trướng này không bằng quy mô bành trướng của các hộ trong khu tập thể của tôi, nhưng tốc độ thì cao hơn rất nhiều. Không hiểu sao, tôi không cảm thấy sự gần gũi lẽ ra phải có với nhiều hàng xóm láng giềng của Béo lúc mà đời sống của họ mất dần hào quang, trở thành dễ hiểu với tôi. Cứ thấy buồn buồn mỗi lúc dắt xe vào nhà bạn, nhón nhén từng bước qua mảnh sân hẹp ngày không mưa cũng chỗ ướt chỗ khô. Giờ đây, khi tiếng bác Nắng nói nhịu toàn những từ nghe phì cười xong thì đỏ mặt léo nhéo từ ngôi nhà sát cổng, khi cái sân thênh thang bóng sấu giờ luôn loảng xoảng tiếng xoong chậu va nhau, tôi không còn có thể nấn ná dưới gốc sấu trước khi bước vào nhà Béo để hóng một tiếng kèn. Của bác Khánh. Giờ đây, tiếng kèn thường đuổi theo tôi dọc phố. Bác Khánh về sau này hay chơi Trịnh Công Sơn và tôi trong vô thức hát cùng tiếng kèn, da diết và day dứt…Người ngồi đó trong mưa nguồn ôi yêu thương nghe đã buồn ngoài kia lá như vẫn xanh ngoài sông vắng nước dâng lên từ muôn trùng… Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao còn gì nữa đâu sương mù đã lâu… Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Ừ, không hững hờ nổi nên sao mà chán nản. Vẻ đẹp quy củ và sang cả còn sót lại ở Hà Nội quanh quanh những ngôi nhà này đã sứt mẻ mất rồi. Khi ấy tôi đâu biết rồi cái sự cơi nới kì quái này còn tiếp diễn ở một chiều kích khác và đến lúc đó thì tôi đã thành người lạ ở chính thành phố của mình… Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.

Bác Nắng ra khỏi căn phòng cơ quan phân cho khi làm cần vụ cho bác Thiều Như, không biết ôm theo được bao nhiêu tiền và những hứa hẹn gì. Cánh cửa thông giữa căn phòng nhỏ của bà cháu thằng Khương và phòng lớn nhà cái Thiều Hoa trấn lập tức được mở thông. Nhưng đoạn tường xây chắn trước cửa nhà nó thì không hiểu sao bố nó không cho đạp đổ nốt. Trong một ngôi nhà đẹp thế, đã phải đi cửa sau như 99 % các ngôi biệt thự thời đó ở Hà Nội, lại còn phải đập mặt vào cái sự thô thiển này lúc ra lúc vào thấy chướng không thể tả. Ngày trước, đi từ tầng hai nhà Béo xuống nhìn hành lang thông thống của nhà chị Phương là một cái thú của tôi. Ngoài kia phố. Ngoài kia gió lá. Còn giờ, bức tường dở dang đâm sầm vào mắt nhìn, thu hẹp tất cả, buộc tầm mắt trồi thụt theo nó, rất hãm.

L.M.H.

(Xem tiếp kỳ sau)