Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Chốn cũ

Truyện Hoàng Nga

Trước hiên nhà, mẹ đặt mấy chiếc ghế đá, dưới tàng cây sa kê. Mẹ nói có đôi chim sáo hay bay về ăn những hạt thóc mẹ rải trên sân. Nhà mẹ nuôi hai con ngỗng, mấy con gà gi, và con nhồng. Sáng sáng, con nhồng gọi “Nhồng ơi nhồng”, tối tối, lại than, “Tối rồi không có cào cào” như tiếng người nói chuyện.

Những ngày về ở đây, tôi đi ra đi vào nhìn hai con ngỗng, mấy con gà gi, nghe con nhồng líu lo nói và chờ đôi chim sáo bay về.

Mẹ nói đôi sáo màu nâu sẫm, điểm những đốm trắng như tuyết sa. Mẹ kể đôi sáo bay về hiên nhà mẹ bao giờ cũng đậu chung cành, khi đáp xuống ăn những hạt thóc thì lại có đôi. Cái hình ảnh gợi cảm quá con à. Mẹ nói vậy. Tôi đùa, bảo mẹ đừng đọc ca dao, người ta có vợ có chồng, em như con sáo trong lồng chờ ai. Mẹ cười.

Mẹ cười vì mẹ hay bảo tôi, lấy chồng làm gì cho cực. Và mẹ khuyên, cứ ở vậy, đó đây năm châu bốn bể như con đang làm là nhẹ thân.

Đó đây. Năm châu bốn bể. Tôi đó đây, năm châu bốn bể từ khi rời khỏi quê nhà. Từ ngôi nhà trên đồi nhìn xuống hai ngọn hải đăng với sóng biển nhấp nhô, từ căn chúng cư có cái hành lang dễ thương dõi về cánh rừng nhỏ, từ con suối chạy vòng quanh ngôi lâu đài cổ, từ những căn nhà phố thị nhìn xuống mặt đường...

Từ lục địa này sang lục địa kia. Những nơi không biết gọi là xa, là gần. Những nơi không biết gọi là quê là phố. Những nơi chưa thể là nơi níu bước chân tôi.

Cái góc vườn tôi ngồi mỗi sáng, khoảng hành lang tôi đứng ngó mặt trời lên, chờ mãi vẫn không thấy sáo, mà chỉ thấy bầy chim sẻ ríu rít bay xuống bay lên, rồi sà vào rổ cơm nguội. Thấy tôi trông, mẹ nói nhìn chim sẻ ríu rít cũng vui mắt, vui tai. Tôi dạ. Mẹ nói thêm, có đôi khi sáo lẻ bạn thì không quay về chốn cũ, không biết hai con sáo này có còn chung đôi hay đã lẻ bạn.

Tôi đứng im. Lúc nãy tôi vừa định nói với mẹ, thỉnh thoảng tiếng chim sẻ làm tôi xa xót nhớ tới một góc vườn lao xao hương bưởi hương cam, một góc vườn ở tận bên kia chân trời những từng có lần tưởng là nơi tôi dừng gót...

Hai mẹ con đứng im rất lâu. Cuối cùng tôi cười với mẹ. Tôi bảo người ta thường sợ con gái du mục, tha hương, còn mẹ thì lại xúi con đây đó. Mẹ nhìn ra ngoài ngõ, một lát sau mới đáp, mẹ là chốn con quay về thì sợ gì đây đó hả con.

Tôi vòng hai tay quanh vai, ngước mắt lên nhành cây sa kê. Nắng lao xao nhảy múa. Tôi cố tìm đôi con sáo. Và tôi nghĩ bụng. Mẹ là chốn quay về. Phải, muôn đời mẹ là chốn quay về. Con sáo lẻ bạn con sáo không quay về chốn cũ, còn tôi, tôi không lẻ bạn vì tôi hiện đang còn có mẹ, nhưng ơi, sao vẫn xa quá một chốn để quay về.

Mùa gầy hoa cúc

Có những ngày rất bình thường trong đời sống bình thường. Có những điều rất bình thường trong đời sống bình thường. Phải không mẹ. Như khi con mở internet, thấy mấy đứa nhỏ bên nhà online, con sẽ vào ghẹo chúng vài câu và cuối cùng thì hỏi “Nội sao rồi con?”. Và tụi nhỏ sẽ trả lời “Nội khỏe cô à”.

Hoặc có những câu hỏi không có gì đặc biệt. Những câu trả lời cũng không có gì đặc biệt. Như khi con gọi về, nghe tiếng mẹ bên kia đầu dây, con nói “Con đây”, và rồi con hỏi “Mẹ khỏe không?”. Mẹ sẽ trả lời “Mẹ khỏe”. Chỉ thỉnh thoảng, thỉnh thoảng thôi, mẹ mới nói “Mấy hôm nay trở trời, mẹ có hơi đau”. Nhưng cuối cùng thì bao giờ mẹ cũng thêm “Con yên tâm, mẹ không sao đâu”.

Những câu hỏi, mà hàng ngày ai cũng có thể hỏi, cũng có thể sử dụng. Phải không mẹ. Những câu hỏi mà con biết chắc chắn là chẳng có gì phức tạp, chẳng có gì rắc rối khiến người nghe không biết phải trả lời như thế nào. Và mẹ thì bao giờ cũng minh mẫn, nên mẹ sẽ trả lời con thật dễ dàng. Đúng không mẹ?

Những câu hỏi bình thường, những điều bình thường, những câu trả lời bình thường. Thật bình thường. Hết sức bình thường. Như người ta nói chuyện nắng mưa. Như mẹ nói chuyện thời tiết mùa màng, cỏ hoa, trăng sớm trăng tàn với con.

Ngày hôm qua khi đứng trong cửa sổ ngó ra hiên nhà, nơi những cánh cúc bắt đầu tàn tạ, trong trí con cứ hiện ra câu thơ Từ Trẫm Á mà mẹ thích. Gió thu hoa cúc gầy rồi. Và lòng con rộn lên cái ước ao được cùng ngồi với mẹ nơi góc vườn kia để ngắm nhìn những cánh hoa đang trở sang gầy trong gió thu, và tai thèm được nghe mẹ bình phẩm một ý thơ, một chữ dùng của ai đó. Rồi con lại thèm được nghe mẹ đọc một bài thơ mẹ vừa mới làm.

Con bỗng nhớ ra, giữa mẹ và con, ngoài những bình thường, có đôi khi còn có một vài riêng tư, một vài điều khác để nói với nhau. Như có khi con đã không hỏi mẹ, tại sao mẹ đẹp như vậy mà con lại chỉ giống mẹ ở đôi bàn tay gầy guộc, nhưng con hỏi tại sao trong sáu đứa con, mẹ lại không làm cho con bài thơ nào.

Có đôi khi và ngay bây giờ, con không nói với mẹ rằng con nhớ mẹ, mà con sẽ nói nơi con ở mùa này hoa cúc đã gầy lắm rồi mẹ ạ. Con cũng muốn nói thêm, không hiểu vì sao năm nay mùa thu lá không vàng úa và trời chỉ se se lạnh hai vai mà thôi.

Nhưng con đang chợt nhớ ra, là cho dẫu một câu hỏi bình thường, những câu hỏi bình thường, ai ai cũng sử dụng được, thì từ nay con sẽ chẳng còn bao giờ được hỏi nữa. Cũng như sẽ không còn bao giờ được viết xuống câu thăm nom sức khỏe, bịnh tình của mẹ.

Mẹ ơi. Con đã lặng người nhớ tới câu thơ mẹ làm, “Thôi con đường ấy về xa lạ” mà con hay thường trêu mẹ làm câu thơ này cho ai. Con không thể nào tin nổi sẽ chẳng bao giờ con còn được nghe tiếng mẹ “Ờ, mẹ đây” ở bên kia đầu dây mỗi lúc con gọi về. Con càng không tin nổi chẳng bao giờ còn có thể đùa trêu với mẹ, huống gì được vùi đầu vào ngực, vào vai mẹ để được mẹ vỗ về.

Thật mẹ ạ. Con không thể nào tin nổi con đang còn lại trên đời này mà không có mẹ. Con đang gọi mẹ ơi, mẹ ơi, vì con muốn nói với mẹ rằng, mùa này ở đây hoa cúc đã gầy rồi.

Mẹ ơi, chiều hôm nay mẹ lên đường phải không mẹ. Con đang muốn hỏi mẹ, tại sao hoa gầy như vậy mà vẫn ở lại với con, còn mẹ lại đi xa con đến muôn trùng...