Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ CHÂN PHƯƠNG


Văn Việt nhận được tin nhà thơ Chân Phương, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, thành viên Hội đồng Giải Văn Việt lần thứ 3 (2017), ra đi tại nhà riêng ngày 6/5/2020 ở thành phố Hull, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Nhà thơ đã “ra đi nhẹ nhàng trong tỉnh thức với quyển sách trên tay”, như không hề trải qua mười năm lặng lẽ chiến đấu với bạo bệnh.
Văn Việt xin vĩnh biệt một nhà thơ tài hoa, người luôn chăm sóc vẻ đẹp của ngôn ngữ Thơ, luôn ý thức đưa Thơ Việt cập nhật với thơ đương đại thế giới.
Văn Việt xin gửi lời chia buồn tới gia đình nhà thơ Chân Phương.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết về thơ Chân Phương của nhà văn - nhà nghiên cứu phê bình Trần Doãn Nho.
Văn Việt
Chân Phương: những ngày câm nín
(Tưởng niệm nhà thơ Chân Phương)


Trần Doãn Nho
image


Từ trái: Hoàng Hưng, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Trần Doãn Nho
(Hình: Nguyễn Trọng Khôi, tại tư gia Chân Phương, Spinnaker, thị trấn Hull, Boston, mùa đông 2018)
Tập thơ bắt đầu bằng một “tin vắn” dựng lên chân dung về “tôi”, một cái “tôi” hết sức đặc thù sau ngày Cộng Sản chiếm trọn miền Nam.
Tôi là cơn điên
Còn sống sót giữa sự vật mồ côi
(….)
Là miếng giẻ nhét vào mồm
Là mảnh vải đen bịt mắt
Là vũng máu khô
Không còn nhớ những phát đạn bắn vào đầu
(tin vắn)
“Tôi” là một hiện hữu phi-hiện-hữu: câm và nín.
Tôi chính là sự câm nín hèn hạ của các người.
Rốt cuộc:
Tôi không còn tiếng nói


        chỉ còn hơi thở tôi và bát cơm nhỏ của con tôi
                                   (Tuyên ngôn của tôi)
“Tôi” ở đây là một thực thể bị thu gọn, bị bần cùng, bị tước đoạt cả trong lẫn ngoài. Tự bản thân, mỗi một “tôi” là một nạn nhân, thậm chí là một/những sự vật; hay nói cách khác, một hiện hữu bị biến thành sự vật, bị sự-vật-hóa. Không còn “tiếng nói”, chỉ có “hơi thở” và “bát cơm”. Đó là một xã hội trong đó cá nhân chẳng khác gì hơn là một chuỗi chuyển động:
…một thực quản xếp hàng đằng sau hằng hà thực quản
…hai bàn chân di động giữa mớ tiêu chuẩn thấp cao
…mười ngón tay quờ quạng tìm chút hy vọng khẩu phần 
(tôi có nói gì đâu)
Bằng cách sử dụng hoán dụ, bài thơ khắc họa rõ nét điển hình trong một cửa hàng mậu dịch, nhưng cũng là khắc họa đầy hình tượng một xã hội, trong đó mọi hoạt động tinh thần bị thanh tẩy toàn diện! Tất cả sinh hoạt gói gọn trong những chuyển động vô cùng “sinh vật”: một con thú tìm kiếm miếng ăn. Không hơn không kém.
Cái mà cá nhân sở hữu duy nhất (nếu còn có thể gọi là sở hữu) mà bạo lực “cách mạng” (!) không thể tước bỏ: không khí.
Ba trăm sáu lăm ngày
Là độc quyền của mặt trời chủ nghĩa
….
Phần còn lại của chúng ta
Là không khí và không khí
(tần trung ngâm 1982)
Mà ngay cái “sở hữu” đó cũng không yên, vì:
làm sao mô tả cái không gian nằm ngoài mọi không gian ấy
     có bàn tay khổng lồ cầm lưỡi dao vĩ đại
             xắn vào miếng thịt tí hon.
             (mặc niệm tôi)
Mỗi một “tôi”, mỗi một cá nhân bị hư vô hóa ngay khi hắn đang hiện hữu.
Những dòng thơ trên đẩy hình ảnh của một xã hội toàn trị đến chỗ tận cùng bản chất của nó.
*
image
Hình bìa: Chú thích cho những ngày câm nín (Ấn bản 1992)
Trong không khí của những ngày tháng Tư, đọc lại “Chú thích cho những ngày câm nín” của Phương Sinh, tôi tưởng chừng như sống lại cả cái thời kỳ lạ lùng đó qua một thứ ngôn ngữ đan kết giữa hiện thực và trí tuệ trong một cấu trúc thơ mới mẻ. Hiện thực được chắt lọc, được vắt hết râu ria, được tinh chế để lột trần ra cốt lõi của nó. Một thứ hiện thực trí tuệ hóa. Đó là thời mà từng cái “tôi” - những cái “tôi” trong “nhân dân” thuộc phe chiến bại - bị xem là kẻ thù. Cực kỳ đen tối và cực kỳ phi lý. Đến nỗi mỗi lần nhớ lại, tưởng như tất cả là một hư cấu lớn, chỉ nằm trí óc hoang tưởng của con người.
Phương Sinh là bút hiệu khác của một nhà thơ tại hải ngoại hiện nay, Chân Phương.[i] Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản, Trình Bầy, anh “là một nhà trí thức trẻ tuổi, thi sĩ, người viết truyện, viết tiểu luận và nhà biên khảo.” Trong thời gian còn ở trong nước, anh “đã sáng tác hàng trăm bài thơ được chuyền tay trong giới văn nghệ và bạn bè.” Chú thích cho những ngày câm nín là tác phẩm đầu tay của anh, gồm 56 bài, “tuyệt đại đa số chính là các thi phẩm nói trên được phục hồi từ ký ức của tác giả.” Đọc tập thơ như là đọc một bản tường trình về cuộc sống. Nhưng đặc biệt là “KHÔNG có lấy một giọt nước mắt! (…) Tất cả là căng thẳng, là trực diện, là nói xiên (…) là chữ nghĩa nho nhã, hiện thực, nóng hổi,... nhưng không một giọt nước mắt,” theo nhận xét của nhà thơ Diễm Châu. (Tiền Vệ)
Vâng, không xúc động. Nhưng chứa chan nỗi niềm. Chất ngất suy tư. Chú thích cho những ngày câm nín trước hết là cách vận dụng chữ nghĩa. Khô, trần trụi, một mặt. Mạnh, gân guốc, khỏe, một mặt khác. Như những nhát dao chém vào hiện thực. Những phát súng bắn vào đá sỏi. Không lý giải. Chữ nghĩa tự nó phơi bày cái xã hội dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm. Nhân vật vẫn cười, vẫn khóc, vẫn đi, vẫn đứng, vẫn chơi đùa, tắm, ngủ…nhưng chỉ là cái rộn ràng của một cỗ máy khô, chết. Động mà bất động. Cõi nhân sinh là một rừng sự vật khô, chết.
Dẫu vậy, ngôn ngữ thơ ở đây lại vẫn là ngôn ngữ thời sự, ngôn ngữ xã hội sống. Là những sự kiện nóng hổi diễn ra hàng ngày.
bọn giàu đem vàng đô la hột xoàn      giấu
lũ nghèo đem con cháu                       giấu
cán bộ thiếu ăn dốt nát                       giấu   
dân đói rách bệnh tật                          giấu
công an thích gái ham tiền                 giấu
nhà nước tham ô bất lực                    giấu
quốc hội tòng phạm đồng lõa            giấu
đảng có vô số sai lầm                        giấu
tôi nhà thơ
còn chút đau khổ với lương tri         giấu

(xu hướng tất yếu)
Cốt lõi của bài thơ nằm trong một chữ: giấu. Con chữ đơn giản này, kỳ lạ thay, giúp soi rõ hiện tượng toàn trị Cộng Sản. Có thể nói, phương sách cai trị cộng sản là Giấu. Bằng mọi giá. Thắng lợi của họ trong thời kỳ chiến tranh, chính là kỹ thuật giấu. Giấu súng, giấu cán bộ dưới hầm. Giấu thất bại, giấu khuyết điểm. Giấu cán binh, bộ đội chết. Lúc hết chiến tranh, cũng tiếp tục giấu. Nhà nước giấu. Cán bộ giấu. Nhân dân giấu. Người người đua nhau giấu. Nhà nhà đưa nhau giấu. Hãy gọi chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa Giấu. Nếu hành trình của nhân loại đi từ bưng bít đến mở rộng, tự do, thì chủ nghĩa Cộng Sản kéo giật lùi: từ mở đến đóng. Đóng chặt mọi cánh cửa. Đóng chặt những sai trái, những bất công, đàn áp. Bằng cách đóng chặt tư duy của mỗi cá nhân.
Trong “tình khúc mới”, nhà thơ vẽ ra bi kịch của tình yêu dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chế độ bằng những mác-lênin toàn tập, quốc tế ca, phim liên xô, khẩu hiệu, công an khu vực, đại biểu công đoàn, lăng bác, nhật ký trong tù, vân vân và vân vân. Bi thảm nhất có lẽ là lời dặn dò:
chỉ xin em một điều duy nhất
từ đây đến ngày tóc bạc da mồi
rủi anh có say rượu hoặc nằm mơ ăn nói lỡ lời
em nhớ đừng đi báo cáo
Tình cũng giấu. Yêu cũng giấu. Đúng là tận cùng bằng số! Chỉ vì, nói như Lê Đạt, hàng chục năm trước đó:
đem bục công an đặt giữa trái tim người…
*
Đặc điểm của thơ Chân Phương là ẩn dụ nghịch - nghịch dụ. Một ví von ngược giữa ý niệm và hiện thực, giữa hiện thực và hiện thực cũng như giữa ý niệm và hiện thực. Với hình thức nghịch dụ, nhà thơ làm đậm nét thêm tính cách kỳ quái, lạ lùng của xã hội. Biến tất cả thành hiện tượng trào lộng.
Nét nổi bật nhất của tập thơ là tính trào lộng rất riêng của nó.
Lý tưởng của nhân loại mà người Cộng Sản kêu đòi biết bao nhiêu người hy sinh hết mấy thế hệ chỉ là:
bình đẳng – nàng út bị hãm hại
lẽ phải – vua già bị soán ngôi
tự do - thằng hề đang lải nhải
(kịch mới)
Một đối chiếu đầy cay đắng, giữa khẩu hiệu, chiêu bài và hiện thực. Chúng không chỉ so le mà nghịch đảo. Thậm chí, không cái gì dính dáng đến cái gì. Chữ theo đàng chữ, nghĩa theo đàng nghĩa, hiện thực theo đàng hiện thực. Bởi thế mà:
vứt mẹ nhân phẩm đi mà sống
tốc độ xung động thần kinh làm sao đuổi kịp lạm phát gia tăng
hãy vá víu hình hài bằng những cơn say
và đến cửa hàng quốc doanh mua chịu một lời hứa
(Thư cho bạn trong nước)
Khó khăn ư? Không sao. Tiêu cực ư? Không sao. Thời nào chả thế. Vả lại:
dù sao cũng khá hơn nhiều so với thời khuyết sử
hãy tự trang bị thật nhiều chủ nghĩa duy vật với tối đa kiên nhẫn
mày sẽ hiểu ra tính hợp lý của mấy ký gạo
khi đã được độn đầy những hứa hẹn nhân đạo
(Thư cho bạn nước ngoài)
Tốt hơn thời khuyết sử, một lời ca ngợi chế độ đầy hào phóng! Vì không ở đâu, bạn được hưởng nhiều lời hứa hơn trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Những lời hứa cộng với rất nhiều kỹ thuật trị dân khác đã biến “tôi” - chủ thể tư duy - trở thành một thực thể sẵn sàng cống hiến tất cả. Kể cả chính bản thân mình:
tôi ký tên ủng hộ việc xây dựng trại tập trung
tôi ký tên tán thành phòng giam có trang bị hơi ngạt
tôi ký tên quyên góp nhẫn cưới của vợ chồng tôi
tôi ký tên ưng thuận cho kỹ nghệ xà phòng sử dụng mỡ của tôi với con tôi
tôi ký tên bằng lòng cho công nghiệp mỹ phẩm khai thác hàm răng mái tóc vợ tôi
tôi ký tên phấn đấu cho ban điều hành trại được vui lòng
tôi ký tên sẵn sàng chịu đựng những thử thách khó khăn hơn
tôi ký tên và vận động mọi người cùng ký
(tôi ký tên)
Nghe đầy vẻ cuồng tín! Vâng. Nhưng là một thứ cuồng-tín-tiền-chế. Hay nói theo ngôn ngữ Chân Phương, thuần hóa. Y như phản ứng có điều kiện của con chó trong phòng thí nghiệm của Pavlov:
té ra
đã X
thì X nào cũng thế


gõ một tiếng chuông
X sẽ đứng thẳng bằng hai chân sau


gõ hai tiếng chuông
X sẽ giơ hai chân trước lên khỏi đầu


gõ ba tiếng chuông
X sẽ bắt đầu nói



TRUNG TÂM THÍ NGHIỆM THUẦN HÓA CHÚNG TÔI
(lại nói về điều khó nói)
Chắc không có ý niệm nào hay hơn để diễn đạt con người trong xã hội toàn trị.
Trong một đất nước như thế, lòng người không thể tụ, mà tán. Người ta phải bỏ đất nước mà đi. Thảm cảnh vượt biên được diễn tả bằng một hình ảnh vô cùng ấn tượng và điển hình: chết chìm trên biển. Phút cuối cùng của một đời người diễn ra trong sự cô độc tuyệt đối:
hãy quên huế sài gòn hà nội
hãy quên hộ khẩu chủ tịch phường
hãy quên công an khu vực giấy phép đi đường
hãy quên chèo quan họ cải lương
hãy quên khát vọng tự do
hãy quên tờ khai lý lịch
hãy quên vùng kinh tế mới những đêm mất ngủ hè đường
hãy quên vĩnh phú hỏa lò chí hòa côn đảo
hãy quên nước mắm gỏi bún rau thơm
hãy quên vàng đô la kim cương
hãy quên tất cả
để từ từ
chìm
xuống
                        lần thứ nhất


rồi
thong thả nổi lên
kiểm tra lại
chẳng còn gì ràng buộc
với thế gian
đoạn
chìm
                        lần thứ hai


thanh thoát hoàn toàn
sau đó
nếu không tìm được chỗ nào
để tắp xác vào
thì đây
  

khoảng trống nhỏ hẹp
cuối bài thơ này
                            mày có thể
            lênh đênh                                               lênh đênh


                                   lênh đênh mãi mãi







                         (văn tế)


Theo tôi, văn tế là một diễn đạt cực kỳ tinh tế, và cực kỳ bi thảm của thảm nạn vượt biên vượt biển sau tháng 4/1975. Không khí bài thơ là không khí của một trạng thái bình tĩnh đến lặng người. Không mảy may dao động, cuống quýt. Hồn nhiên như chẳng thể hồn nhiên hơn. Đoạn đầu bài thơ là một mô tả sống động cái xã hội bỏ lại đàng sau. Đoạn cuối bài thơ là một kết hợp giữa ngôn ngữ và các khoảng cách, cho ta cảm giác của một trôi nổi bập bềnh, bập bềnh đến vô tận!
Cũng là trào lộng. Một trào lộng đau đớn!
imageHình bìa (Nguyễn Trọng Khôi vẽ):
Chú thích cho những ngày câm nín (Ấn bản 2, 2005)
Chú thích cho những ngày câm nín ra đời vì cảm hứng? Không. Vì xúc động? Cũng không.
Đây là những bài thơ đầy ý thức. Thoát thai từ những trải nghiệm chua chát. Của một nhân chứng. Của một phán xét. Hơn thế nữa, một cảnh giác.
Ghi nhận cuối cùng của người đọc :
Trong tập thơ đầy cả bức bối, trào lộng, có lúc, tôi tìm thấy một quãng lặng. Nhẹ nhàng. Hồn hậu. Ngôn ngữ đột nhiên nghe mềm, non, nhẹ. Trong nỗi bức xúc vì bị tước mất tất cả đó, cũng có lúc, nhà thơ dịu giọng. Đó là lúc – và chỉ lúc đó thôi, rất hiếm hoi – anh tìm thấy lại một điều tưởng chừng cũng đã bị guồng máy toàn trị nghiền nát: ước mơ.
những đêm tối trời
tôi đã âm thầm vùi chôn như thế nào
mớ trứng non vào cát lạnh
hy vọng một ngày rực nắng
chan hòa gió mặn trùng khơi
(tự họa)
Nhất định nắng sẽ rực.
Và đất nước sẽ chan hòa gió.
Mặn.
Trùng khơi!
Trần Doãn Nho
(4/2017, nhuận sắc 5/2020)
[i] Có thể xem tập thơ ở trang mạng Ăn Mày Văn Chương
http://amvc.fr/Damvc/ChanPhuong/ChuThichChoNhungNgayCamNin/ChuThichChoNhungNgayCamNinTab.htm#_Toc249690292
hoặc ở Tri Âm Club:
http://triamclub.blogspot.com/2014/11/tho-chan-phuong-9.html