Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Thuật ngữ chính trị (14)

Phạm Nguyên Trường
Chữ C
Political Dictionary – The Bridge
1. Cabinet - Nội các. Nội các là cơ quan gồm có các thành viên cấp cao của chính phủ, đại diện cho nhánh hành pháp. Tại một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia sử dụng Hệ thống Westminster (Hệ thống Westminster là hệ thống nhà nước dân chủ đại nghị theo mô hình chính trị của Vương quốc Anh), nội các quyết định chung các chính sách và hướng đi chiến thuật của chính phủ, đặc biệt là các vấn đề quan hệ đến luật lệ mà Nghị viện đã thông qua. Tại các quốc gia theo tổng thống chế như Hoa Kỳ, vai trò chính yếu của nội các là một hội đồng cố vấn chính thức của nguyên thủ quốc gia. Theo cách này, tổng thống nhận ý kiến và cố vấn cho các quyết định sắp tới. Vai trò thứ hai của các viên chức nội các là điều hành các cơ quan thuộc nhánh hành pháp hay các bộ.



Tại đa số quốc gia, trong đó có các quốc gia sử dụng hệ thống Westminster, các bộ trưởng nội các được bổ nhiệm từ trong số các thành viên đương nhiệm của nhánh lập pháp và họ vẫn là thành viên của nhánh lập pháp trong lúc phục vụ trong nội các. Tại các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia theo tổng thống chế thì ngược lại - các thành viên nội các không thể là các nhà lập pháp đương nhiệm, và nếu nhà lập pháp nào được bổ nhiệm vào nội các thì phải từ chức trước khi nhận nhiệm sở mới trong nội các.
Trong đa số chính phủ, thành viên nội các được gọi là bộ trưởng, và mỗi thành viên giữ chức vụ khác nhau của chính phủ. Vai trò hàng ngày của đa số thành viên nội các là phục vụ trong vai trò người đứng đầu một bộ phận của bộ máy quan liêu quốc gia mà tất cả các nhân viên khác trong bộ đó phải báo cáo cho mình. Quy mô của các nội các trên thế giới thì khác nhau tuy đa số có khoảng chừng từ 10 đến 20 bộ trưởng. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một mối quan hệ tỉ lệ nghịch giữa mức độ phát triển của một quốc gia và quy mô nội các: Trung bình, quốc gia càng phát triển hơn thì nội các càng nhỏ.
2. Cadre – Cán bộ. Cán bộ là một nhóm nhỏ những người đã được huấn luyện, là hạt nhân của tổ chức quân sự, chính trị hay kinh doanh.
3. Cadre Party – Đảng cán bộ. Đảng cán bộ là những đảng bao gồm chủ yếu là các nhóm tinh hoa của những người hoạt động chính trị - hình thành và phát triển ở châu Âu và Mỹ trong thế kỉ XIX.
4. Campaign for Nuclear Disarmament - Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân. Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân (CND) là tổ chức ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân đơn phương của Anh, giải trừ vũ khí hạt nhân trên trường quốc tế và quản lý vũ khí quốc tế chặt chẽ hơn bằng các hiệp định như Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, phản đối hành động quân sự có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân,vũ khí hóa học hoặc sinh học và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Anh.
5. Canvassing - Vận động/Tiếp xúc trực tiếp với cử tri. Vận động cử tri là sự khởi đầu một cách có hệ thống những liên hệ trực tiếp với từng người, thường được sử dụng trong các chiến dịch chính trị. Vận động có thể được thực hiện vì nhiều lý do: Vận động chính trị, gây quỹ ở cơ sở, thúc đẩy nhận thức của cộng đồng…v.v. Những người đi nhà vận động tới từng nhà tiếp xúc trục tiếp với người dân. Vận động được các đảng chính trị và các nhóm ủng hộ việc giải quyết một vấn đề nào đó thực hiện tìm những người ủng hộ, thuyết phục những người còn do dự và đưa thêm người vào danh sách thông qua việc đăng ký cử tri.
Canvassing cũng có thể là tiếp xúc với người dân trong khu dân cư do cơ quan thực thi pháp luật thực hiện trong quá trình điều tra. Đây là biện pháp tiếp cận có hệ thống để phỏng vấn cư dân, thương nhân và những người khác đang ở gần khu vực của tội phạm và có thể có thông tin hữu ích.
6. Capitalism – Chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản là hệ thống kinh tế dựa trên quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất và hoạt động vì lợi nhuận. Những đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa tư bản gồm có: Tài sản tư nhân, tích lũy tư bản, lao động được trả công, trao đổi tự nguyện, hệ thống giá và thị trường cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, từng chủ sở hữu của cải, tài sản hoặc khả năng sản xuất trên thị trường tài chính và thị trường vốn tự quyết định và đầu tư, trong khi giá, phân phối hàng hóa và dịch vụ chủ yếu được quyết định bởi cạnh tranh trên thị trường hàng hóa và dịch vụ.
Các nhà kinh tế học, các nhà kinh tế chính trị học, các nhà xã hội học và nhà sử học đã áp dụng những quan điểm khác nhau trong công trình phân tích về chủ nghĩa tư bản và đã công nhận những hình thức khác nhau của chủ nghĩa tư bản trên thực tế. Đấy là chủ nghĩa tư bản laissez-faire hay chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, chủ nghĩa tư bản phúc lợi và chủ nghĩa tư bản nhà nước. Những hình thức khác nhau của chủ nghĩa tư bản thể hiện những mức độ khác nhau của thị trường tự do, sở hữu công cộng, rào cản đối với cạnh tranh tự do và các chính sách xã hội mà nhà nước áp dụng. Hầu hết các nền kinh tế tư bản hiện nay là các nền kinh tế hỗn hợp, kết hợp các yếu tố của thị trường tự do với sự can thiệp của nhà nước và trong một số trường hợp, còn có cả kế hoạch hóa kinh tế nữa.
Các nền kinh tế thị trường đã tồn tại dưới nhiều hình thức chính phủ và ở nhiều thời điểm, địa điểm và nền văn hóa khác nhau. Xã hội tư bản hiện đại, được có đặc điểm chủ yếu là quan hệ xã hội dựa trên đồng tiền: Giai cấp công nhân đông đảo làm việc để nhận tiền công, cùng với giai cấp tư sản sở hữu các phương tiện sản xuất với mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Những người phê phán chủ nghĩa tư bản cho rằng nó đưa quyền lực vào tay giai cấp tư sản, chiếm thiểu số, giai cấp này sống nhờ vào việc bóc lột giai cấp công nhân, chiếm đa số; nó quan tâm trước hết tới lợi nhuận hơn là lợi ích xã hội, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; và là một động cơ của bất bình đẳng, tham nhũng và bất ổn kinh tế. Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản khẳng định rằng phương thức sản xuất này cung cấp các sản phẩm tốt hơn và luôn luôn đổi mới nhờ cạnh tranh, chuyển của cải tới tất cả những người sản xuất, thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên và phân cấp quyền lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng suất và thịnh vượng có lợi cho xã hội.
7. Carpet-bagger. Trong lịch sử Hoa Kỳ, carpet-bagger (kẻ gói thảm hoặc kẻ mang túi) là một từ có ý tiêu cực, nói tới những người miền Bắc hoạt động đầu cơ chính trị tại miền Nam trong giai đoạn Tái thiết sau khi miền Nam thua. Cụm từ này từ chữ tiếng Anh: Carpet bag là cái túi cho người đi du lịch làm từ chất liệu vải in tương tự thảm phổ biến tại Mỹ và châu Âu trong thế kỷ XIX hoặc những gói làm bằng thảm chứa đựng hành lý mà những người này đem theo khi họ di chuyển đến miền Nam. Nó có dụng ý rằng những người này chỉ là những kẻ lợi dụng thời cơ, không có ý định ở lại lâu dài, mà chỉ muốn bóc lột người bản xứ.
Sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ khi Liên minh miền Nam Hoa Kỳ thua, ở miền Nam có nhiều chức vụ lãnh đạo bị bỏ trống, nhiều người cơ hội trở thành thị trưởng hoặc nắm chức vụ cao hơn trong chính quyền, với sự đồng thuận của chính phủ trung ương. Cụm từ này cũng được dùng cho những nhà chính trị di chuyển đến tiểu bang khác để có cơ hội nâng cao địa vị.
Ngày nay, cụm từ này được các nhà sử học sử dụng một cách ít tiêu cực hơn, và cũng được áp dụng cho những người không liên quan đến thời kỳ này.
8. Caste- Đẳng cấp. Đẳng cấp hình thức phân tầng xã hội với đặc điểm chỉ kết hôn trong nội bộ đẳng cấp, truyền lại cho đời sau lối sống, trong đó có nghề nghiệp, địa vị xã hội trong hệ thống phân cấp, và tương tác xã hội đã trở thành truyền thống. Đấy là sự phân chia xã hội Ấn Độ giáo thành các nhóm xã hội rất khắt khe, bắt nguồn từ lịch sử cổ đại của Ấn Độ và tồn tại cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, ý nghĩa kinh tế của hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ đã bị suy giảm do kết quả của quá trình đô thị hóa và các chính sách nâng đỡ các đẳng cấp thấp kém.
9. Catroism – Chủ nghĩa Castro. Chủ nghĩa Castro được xây dựng trên các tư tưởng và lý thuyết Marxist do Che Guevara và Raúl Castro và Fidel Castro, những người lãnh đạo cuộc Cách mạng Cuba, thúc đẩy. Tương tự như tất cả những người theo chủ nghĩa Lenin, những người Castroist tin rằng nhà nước tư bản chủ nghĩa phải bị lật đổ để xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhưng thay vì lãnh đạo quần chúng thông qua đảng tiên phong (quan điểm của Lenin), họ tin vào lý thuyết dựa trên chủ nghĩa dân túy, với cuộc chiến tranh du kích, khủng bố có giới hạn và hành động anh hùng của một nhóm nhỏ các chiến sĩ chống lại giới quyền uy sẽ truyền cảm hứng cho quần chúng tham gia cùng họ.
Quốc hữu hóa tất cả các doanh nghiệp nước ngoài và chia lại ruộng đai là một trong những nguyên lý của Castroism là bằng chứng khi các nhà cách mạng Cuba đuổi các doanh nghiệp Hoa Kỳ ra khỏi nước này. Trước khi Fidel giành được quyền lực, 70% đất đai Cuba nằm trong tay người nước ngoài. Castro tiến hành cải cách nông nghiệp, chia lại ruộng đất. Các công ty dầu mỏ của Mỹ sau đó bị quốc hữu hóa. Hoa Kỳ đáp trả bằng cách cắt giảm phần lớn hạn ngạch nhập khẩu đường từ Cuba. Đáp lại tất cả các doanh nghiệp Hoa Kỳ và cuối cùng tất cả các doanh nghiệp đã bị quốc hữu hóa.
Dưới sự lãnh đạo của Fidel, tỷ lệ người biết đọc biết viết của Cuba đạt xấp xỉ 100%, trong khi trước cách mạng chỉ là khoảng 40%. Cuba có tỷ lệ bác sĩ/bệnh nhân cao nhất thế giới. Bình đẳng về giới và sắc tộc là nguyên lý quan trọng của Castroism.
10. Catastrophe Theory – Lý thuyết thảm họa. Lý thuyết thảm họa cung cấp cho chúng ta phân loại mang tính hệ thống về những thay đổi đột ngột từ trạng thái ổn định này sang trạng thái ổn định kia, áp dụng cho những hiện tượng khác hẳn nhau, ví dụ, nước đóng thành bang, sự sụp đổ của một đế chế, kim loại cong vênh hay bạo loạn trong nhà tù. Lý thuyết này được phát triển vào năm 1965, và được Christopher Zeeman và những người khác áp dụng vào các môn khoa học xã hội trong thập kỉ sau đó, nhưng sau năm 1974 đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi. Lý thuyết này hấp dẫn những người không phải là các nhà toán họa chuyên nghiệp vì hai lý do. Thứ nhất, nó là một phần cùa môn toán học vế các bề mặt, topology, mà những người không phải là nhà toán học chuyên nghiệp có thể hiểu được nhờ trực giác. Thứ hai, lý thuyết thảm họa cung cấp cho chúng ta lời giải thích về những thay đổi gián đoạn và sự phân ly triệt để từ những điều kiện ban đầu gần như giống hệt nhau, dường như khó giải thích nếu chỉ tuân theo truyền thống Newton, và người ta cho rằng đây là những hiện tượng đặc thù trong lĩnh vực xã hội và chính trị.