Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Lan man về một câu nói nổi tiếng

Lê Học Lãnh Vân
Chính là câu nói của ông Võ Văn Kiệt về ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Nhận xét của ông, càng nghĩ càng thấm… Thật ra số người vui và buồn khi nhắc lại sự kiện biến thiên theo thời gian, nghĩa là tùy thời điểm.
Theo quan sát của tôi, ngày 30/1975 ấy, có rất rất nhiều người vui. Miền Bắc chắc chắn có số người vui áp đảo. Miền Nam thì số người lo lắng có nhiều, nhưng số người vui cũng không ít. Thống Nhất và Hòa Bình là ước vọng của rất nhiều người Việt lúc ấy, đem lại cho họ hy vọng bất tận về tương lai tổ quốc, mà vì nó họ sẵn sàng không tiếc cuộc sống tiện nghi, êm đẹp hôm qua. Không ít người sẵn điều kiện đi nước ngoài, nhưng chấp nhận ở lại với Việt Nam thống nhất để cùng nhau xây dựng Tổ Quốc chung.
Nhiều người trong số đó ngạc nhiên vì câu nói của Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy Ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định: “Chiến thắng này là chiến thắng của chủ nghĩa Mác – Lênin bách chiến bách thắng”. “Tao thấy chủ nghĩa Mác – Lênin có ăn thua gì trong chiến thắng này?”, ít nhất vài người trưởng thượng nói với tôi như vậy khi nghe tướng Trà đọc diễn văn. Tuy vậy, họ vẫn đặt tất cả niềm tin vào tình đồng bào và lòng yêu nước truyền thống của dân tộc, họ tin đó mới là giá trị cao hơn hết của những người chiến thắng!
Lứa tuổi chúng tôi ngày ấy trên dưới hai mươi sẵn sàng xăng tay áo đi bất cứ nơi đâu.
Ngày ấy, có rất nhiều người vui, ít người buồn.
Ngay sau đó, chỉ trong vòng đôi ba tháng, các chính sách liên tiếp tung ra.
Cấm tất cả sách xuất bản trước năm 1975.
Công chức cao cấp chế độ cũ và sĩ quan quân đội cũ đi học tập cải tạo. Không phải học trong mười ngày hay một tháng như lời dặn đem theo lương thực đủ dùng cho khoảng thời gian đó, mà lâu biền biệt hàng chục, thậm chí hàng trăm lần!
Chính sách cải tạo công thương nghiệp.
Tiếp theo là chính sách ngăn sông cấm chợ…
Những chính sách liên tiếp tung ra trước sự ngỡ ngàng của dân chúng,
Người ta có cảm tưởng các chính sách tung ra vội vã tới mức người dân không kịp thở, không kịp trở tay. Liên tiếp những chính sách ảnh hưởng quá lớn tới cuộc sống thường ngày, tới sức khỏe và tinh thần Miền Nam đang phơi phới đón mừng ngày Thống Nhất, chuẩn bị bước vào đại công trường xây dựng tổ quốc. Miền Nam, vựa lúa Đông Nam Á, lâm vào nghèo đói, thiếu ăn… Không chỉ nghèo đói thiếu ăn, con cái Miền Nam phải đứng ngoài cổng trường đại học vì chính sách ưu tiên điểm nghiệt ngã, mà trong đó con cháu Ngụy Quân Ngụy Quyền nằm ở dưới đáy trên bảng thứ tự ưu tiên.
Trước ngày thống nhất, nhiều người Việt Miền Nam sẵn điều kiện đi nước ngoài nhưng chấp nhận ở lại với Việt Nam thống nhất. Vài năm sau ngày thống nhất, làn sóng người vượt biên bùng lên dữ dội, rúng động thế giới. Người người tuôn ra biển, trên những chiếc xuồng bé nhỏ trước biển cả mênh mông hung dữ. Cha mẹ kéo con thơ đi, thanh niên bất kể sống chết vượt đại dương. Phải nói nhà nhà vượt biên, người không đủ phương tiện cũng mơ vượt biên.
Đó là thời gian khi nhớ lại sự kiện, số người buồn áp đảo. Buồn nhất là những người từng rất vui, rất hy vọng trong ngày 30/4/1975!
Năm 1986, Đại hội 6 của Đảng đưa ra chính sách đổi mới. Kết quả ngoạn mục, rất nhanh chóng, từ nước thiếu ăn Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo. Chính sách này, tuy vậy cũng đợi hơn mười năm sau mới phát huy tác dụng mạnh mẽ. Đầu tư nước ngoài đổ vào, các khu công nghiệp mọc lên, tốc độ tăng trưởng hàng năm 8% - 10 %. Một số Việt kiều trở về thăm quê hương, tính chuyện đầu tư. Đây là thời điểm của câu nói “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”, năm 2005.
Chính sách được gọi là đổi mới, theo tôi, chỉ là trở về với cách làm Việt Nam từng chối bỏ! Thực chất là chính sách sửa sai chuộc lỗi. Chuộc lỗi vì đã đánh mất mười lăm năm sinh lực của tổ quốc, đánh mất cả thế hệ tài năng và nhiệt thành yêu nước, đánh mất mười lăm năm cấu trúc dân số vàng, đánh mất mười lăm năm cơ hội cạnh tranh trên trường quốc tế…
Dân có thể rộng lòng bỏ qua cho chính quyền, nhưng lỗi có chuộc được không?
Từ năm 2005 tới nay, tốc độ tăng trưởng chậm hơn, độ lạc hậu của Việt Nam so với các quốc gia chung quanh càng lớn! Năng lực sản xuất của quốc gia không cao, công nghệ sản xuất của quốc gia thấp, tính cạnh tranh yếu.
Quốc gia ngày càng bị uy hiếp bởi Trung Quốc trong tình trạng tương quan lực lượng càng nghiêng về Trung Quốc. Biển, đảo của Việt Nam trong Biển Đông có nguy cơ bị lấn chiếm thêm nữa.
Quan trọng hơn là tri thức và đạo đức nền tảng bị mất dần.
Chưa bao giờ lòng yêu Tổ Quốc thấp như bây giờ. Chưa bao giờ lòng kiêu hãnh bảo vệ non sông bị uốn mềm như bây giờ. Chưa bao giờ dân Việt nghe tin biển dảo bị Trung Quốc chiếm, người Việt bị Trung Quốc tấn công lại thờ ơ như bây giờ!
Các giá trị cao quí nhất của Tổ Quốc như lòng Nhân Ái, tình Đồng Bào bị bào mòn. Tính Liêm Chính bị nhạo báng!
Và người dân lại tìm đường ra đi. Làn sóng ra đi lần này nhằm mục đích tìm nền giáo dục lành mạnh, hiệu quả cho con, tìm môi trường sống hợp tiêu chuẩn văn minh, nơi có tự do báo chí, tự do ứng và bầu cử, nơi có nền tư pháp độc lập…
Ngày 30/4/2020 này, nhìn về ngày 30/4 bốn mươi lăm năm trước, tỉ lệ người vui và người buồn là bao nhiêu?
Bài viết không trả lời câu hỏi đó, chỉ thấy Việt Nam vẫn chưa giữ chân được con số ngày càng nhiều người Việt đem tiền bạc, tri thức, đạo đức ra đi. Và vẫn phải mở cửa cho rất nhiều người công nghệ thấp từ Trung Quốc đổ qua lập nên những biệt khu người Việt rất khó bước chân vào!
Ngày 28 tháng 4 năm 2020)