Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Ngày N+… (kỳ 4)

Hồi ký của Hoàng Khởi Phong
Phần 2
Quy Nhơn - Phú Quốc
Ngày N + 10, 11 giờ đêm
Khi tôi lái xe về đồn Quân cảnh Tuy Hoà, dòng xe cộ vẫn không ngớt lao về phương Nam. Tất cả thành phố nhà nào cũng cửa đóng then cài, nhưng tôi biết chắc mọi nhà đều còn thức. Từ trên xe nhìn ra, hầu hết các nhà còn đèn sáng. Tôi nghĩ đến Pleiku, Kontum, Phú Bổn, Đà Nẵng, Huế, v.v. Tôi nghĩ xa hơn một chút về chiến tranh Nam Bắc Hàn hơn hai mươi năm trước, và không hi vọng một chút nào về sự tham chiến của Liên Hiệp Quốc vào Nam Việt Nam. Chắc chắn vậy, Nam Việt Nam sẽ phải tự lực và làm gì để có thể chặn đứng được Bắc quân. Tôi muốn nói tới chặn đứng lại cái đà vũ bão của Bắc quân chứ không hề nghĩ tới việc đổ bộ ra bên ngoài vĩ tuyến 17 như quân đội Liên Hiệp Quốc đã làm đối với chiến tranh Nam Bắc Hàn. Cả vùng I và quân đoàn 1 đã tan biến đi, bây giờ là vùng II đang rã thành những mảnh nhỏ.

Thật là kỳ lạ, chiến tranh gì mà giống hệt như một phản ứng hóa học, quân lực miền Nam càng lúc càng giống như nước bị bốc thành hơi, nó biến đi như bọt xà bông tan trong nước. Thế mà mai này tôi ngược ra phía Bắc, mai này tôi phải tới Quy Nhơn, nơi đó có cả một đơn vị đang chờ ở đó, không những thế vợ con tôi ở đó, một chỗ yên bình tạm thời chưa có giao tranh. Đó là chỗ tôi phải tới phải nhận lãnh trách nhiệm làm con chim đầu đàn. Cầu mong cho tôi đủ sáng suốt, đủ bình tĩnh, bởi lẽ mỗi một quyết định của tôi từ mai sẽ không còn ảnh hưởng tới cá nhân tôi, mà ảnh hưởng tới vận mạng của hơn một trăm binh sĩ dưới quyền cùng vợ con họ, và tất nhiên cũng ảnh hưởng tới số phận vợ và hai con đang nôn nả chờ tôi về, chờ tôi dẫn họ ra khỏi vùng trời đầy bất trắc đó.
*
Ngày N + 11, 7 giờ sáng
Trung tá Trần Đình Kha, Chỉ huy trưởng Quân cảnh vùng II Chiến thuật chờ tôi tại đồn Quân cảnh Tuy Hoà. Ông muốn đích thân trao cho tôi công điện từ Bộ Chỉ huy Quân cảnh. Tưởng cũng nên nhắc lại ông Kha có tham dự cuộc rút lui đường bộ từ Pleiku xuống Tuy Hoà, dẫu ông chỉ hiện diện có bốn ngày đầu, rồi sau đó leo lên trực thăng về Nha Trang trước để sửa soạn đón cả đơn vị. Ông Kha đã ra Tuy Hoà cả tuần lễ nay, phần để lo đón tiếp đơn vị, kiểm điểm một cách tạm thời những ai còn, những ai mất. Có lẽ ông Kha cũng muốn nhắn nhủ tôi đôi điều, khi muốn đích thân giao công tác này. Phần chính điện văn:
1. Đại úy Nguyễn Cao Thịnh thuộc Bộ Chỉ huy Quân cảnh Quân khu 2 được chỉ định thay thế thiếu tá Trương Văn Cao trong chức vụ Chỉ huy trưởng trại giam Pleiku.
2. Thiếu tá Trương Văn Cao thuyên chuyển về Ủy ban Liên lạc bốn bên.
3. Đại úy Nguyễn Vinh Hiển được chỉ định chức vụ Chỉ huy trưởng trại giam Quy Nhơn thay thế thiếu tá Đèo Ngọc Thanh. Đồng thời đại úy Nguyễn Vinh Hiển được chỉ định kiêm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Quân cảnh khu chiến miền Bắc...
Các nơi nhận khẩn thi hành.
Cái khôi hài của công điện này ở chỗ, nó đến tay đại úy Nguyễn Cao Thịnh thì đơn vị của ông ta đã tan biến mất trong đoàn người hỗn độn của liên tỉnh lộ 7. Còn đối với tôi, thì Bộ Chỉ huy Quân cảnh có lẽ trong lúc bối rối, lo lắng về các đơn vị nhỏ, rời rạc còn lại ở vùng II nên mới đẻ ra cái chức vụ Chỉ huy trưởng Quân cảnh khu chiến miền Bắc, lại quên không cho biết vùng Bắc là vùng nào, gồm những địa danh nào, giới hạn của nó tới đâu.
Tôi cũng chẳng buồn hỏi lại trung tá Kha. Nói cho cùng, trên liên tỉnh lộ 7, khi ông Kha leo lên trực thăng về trước với lý do chính đáng để lo doanh trại cho đơn vị ở Nha Trang, thiếu tá Nguyện Tiểu đoàn phó, kiêm Chỉ huy phó Quân cảnh Quân khu II tách ra khỏi đơn vị, ông ta đi lẫn với Liên đoàn Biệt động quân. Cũng không nên trách ông Nguyện, đó là tình trạng chung của đoàn di tản, không có chỉ huy, mạnh ai nấy lo. Ngay từ khi thượng sĩ Hạp thuộc trại giam Pleiku bị bắn chết, tôi để ý thấy các binh sĩ của binh chủng tôi ngụy trang tới mức tối đa, có thể họ lo Việt cộng tấn công thì ít, mà lo những thù oán cá nhân nhiều hơn. Nếu Việt cộng có tấn công thì đó là tình trạng chung, còn trả oán lại là chuyện riêng mà binh sĩ của binh chủng Quân cảnh đành phải chấp nhận. Tới bây giờ tôi xót xa nhận thấy vấn đề lãnh đạo, chỉ huy của quân lực miền Nam. Ngoại trừ các đơn vị trực tiếp chiến đấu, thực sự đổ máu nơi trận địa, nơi những người lính Nhảy dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân, hay các trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, v.v. Cấp chỉ huy ở những đơn vị này có một phong thái khác với phong thái của các đơn vị yểm trợ. Quân lực miền Nam sản xuất những trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng có thể nói là hàng đầu của thế giới, chính nhờ vậy mà miền Nam đã đứng vững suốt hai mươi năm. Nhưng đối với các đơn vị yểm trợ thì sao? Lấy ví dụ như quân đoàn II, có một ông đại tá trưởng phòng 4, coi tiếp liệu cho cả vùng II chiến thuật, xuất thân khóa 8 Thủ Đức, và chuyên cắp cặp, cũng như dẫn gái cho tướng Toàn từ lúc mới ra trường, trong mười bốn năm leo từ chuẩn úy tới đại tá không một ngày trận mạc.
Lấy một ví dụ khác, trong binh chủng của tôi, cái binh chủng lo về quân phong, quân kỷ cho quân lực miền Nam. Nhìn bề ngoài chúng tôi vẫn có kỷ luật, bởi lẽ kỷ luật là sức mạnh của quân đội, nhưng bên trong mầm mống bất phục nảy ra ở khắp mọi nơi. Không có một cái nhà nào dột ở dưới đất. Nó dột từ trên mái. Trong suốt mười hai năm phục vụ trong ngành, tôi đã đi đủ bốn vùng chiến thuật, hiện diện tại các đại đơn vị của binh chủng, và tôi đau lòng nhận thấy tôi không hề tâm phục, khẩu phục được bất cứ một cấp chỉ huy nào. Binh chủng tôi đã không có những người tài năng, với những người tương đối có đức độ, thì đời hành cho tã ra, công danh, sự nghiệp cứ thụt lùi mãi. Cầm cái công điện chỉ định chức vụ mới, tôi thoáng ngậm ngùi, bởi lẽ nếu không có cuộc “di tản chiến thuật”, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ được chỉ định giữ chức vụ này.
Năm, bảy năm trước nó là chỗ người ta đổ đồ Mỹ, nó là chỗ dành cho tay chân, đàn em của mấy sếp bự. Dẫu chút công danh cuối mùa có khó nuốt như một trái đắng, tôi cũng sẽ nhận. Nếu không tôi cũng phải tạm vắng mặt ít nhất 10 ngày, để vọt ra Quy Nhơn đưa vợ con tôi lánh nạn, có một chút phương tiện trong tay vẫn hơn là không có gì.
*
Ngày N + 11, 9 giờ sáng
Đích thân Thiếu úy Huy, Trưởng đồn Quân cảnh Tuy Hoà lái xe đưa tôi ra trạm kiểm soát, ở đó Huy đón một chiếc xe đò để gởi tôi ra Quy Nhơn. Huy phân trần với tôi là không thể cho tôi mượn một chiếc Jeep với tài xế lái đưa tôi ra đó, anh có vẻ ái ngại, chúng tôi trao đổi với nhau thật ít lời. Tôi tuyệt đối không có một chút buồn nào về việc ngồi xe đò ra Quy Nhơn. Xét ra trong hoàn cảnh này, mặc dân sự đi xe đò có khi an toàn hơn hai thầy trò cưỡi một chiếc Jeep. Tôi cẩn thận nhét vào bụng một khẩu Colt 9, thủ trong túi một trái lựu đạn Mini, những thứ này hiển nhiên không phải để đánh nhau với Việt cộng, nhưng đủ để ép chúng phải khai hỏa, trong trường hợp chính tôi không có đủ can đảm tự sát. Tôi không bao giờ muốn bị bắt sống vì hai lý do: Một là trong những năm làm việc ở trại giam Phú Quốc và trại giam Biên Hoà, những người anh em bên kia có ưu ái tặng cho tôi một bản án, khi bị bắt,
sớm hay muộn họ cũng truy nguyên được tôi là ai, và bản án chắc chắn sẽ được thi hành trong tăm tối. Hai là tôi vốn có một chút tự ái, sĩ diện hão, chắc chắn không chịu nổi những bạo hành về tinh thần trong lúc bị giam giữ. Những bạo hành về thể xác có thể chấp nhận được, vả lại đã tới đường cùng, trước sau cũng chỉ một lần.
Chọn một ghế sát với cửa lên xuống, tôi tuyệt không có một chút lo ngại nào. Tìm trong túi hành lý, lấy một quyển sách để đọc, lại đúng là quyển truyện của Remarque. Quyển sách này đúng là một ám ảnh lớn của tôi trong thời gian gần đây, cái không khí tôi đang thở cũng sặc mùi thuốc súng, cũng nhầy nhụa máu xương. Chỉ khác với cái khí hậu trong truyện là giá băng của mùa đông ở Âu châu, nên xác người còn tươi nguyên bởi những lớp tuyết phủ, còn chúng tôi đang ở vào mùa khô của vùng nhiệt đới, thây người trương lên, ruồi, nhặng, kiến bu đen kịt và mùi hôi thối xông lên nồng nặc.
*
Ngày N + 11, 12 giờ trưa
Xe bắt đầu leo dốc đèo Đại Lãnh. Người ta thường ca tụng phong cảnh đèo Hải Vân. Riêng tôi, thấy Đại Lãnh đẹp hơn Hải Vân. Nó hùng vĩ hơn, ngay cả cái tên. Tên Hải Vân có vẻ lãng mạn, thơ mộng, trong khi tên Đại Lãnh nghe có vẻ ngang tàng khí phách hơn, với một ngọn núi đứng riêng biệt ngay ngoài vịnh, ngọn núi thẳng như một tòa thành cổ, có một vách núi bích lập trông từ xa như một bức tường thành, ở trên đó cây cối xanh rì. Đại Lãnh dễ chừng không dài và không cao bằng Hải Vân, nhưng nếu có thấp cũng không thấp hơn mấy chút. Hàng triệu tảng đá xanh, tảng nào cũng dị dạng, có những tảng to bằng cả căn nhà nằm rải rác dọc theo chân đèo. Con đường len lỏi giữa những tảng đá trập trùng, càng lên cao càng ngoằn ngoèo, có chỗ như ruột dê. Lên tới đỉnh đèo, một ngôi chùa lớn mới dựng, ngói còn đỏ au, và tường vôi còn trắng ngát. Mới hơn một năm trước đây, chỗ của ngôi chùa chỉ là một cái am nhỏ, người ta thiết lập để cúng vái những người chết oan uổng dọc đường. Dựng một ngôi chùa ở đây quả là đúng, xa thị trấn ồn ào, phong cảnh có sơn có thủy. Chỉ phiền một điều, mấy nhà sư thật trẻ và trông thật bặm trợn, nơi đây cần một nhà sư càng già càng tốt, càng đạo hạnh càng tốt.
Những nhà sư trẻ tôi thấy hôm nay, có vẻ giống sư của chùa Thiếu Lâm, lúc chùa này mới khởi thủy, có nghĩa là bộ áo nhà tu chỉ là cái vỏ ngoài che đậy, bên trong họ là những hiệp sĩ cứu khốn phò nguy, chính những nhà sư của chùa Thiếu Lâm này đã giúp một phần không nhỏ cho Lý Thế Dân tạo lập nhà Đường. Rồi nhà Lý của nước ta, khởi đi từ hậu viện của một ngôi chùa. Cuối đời Trần đầu nhà Lê, sư nhiều đến nỗi nhà nước phải khảo hạch kinh điển, mười người có đến sáu bảy phải trả áo lại cho tăng viện. Kể từ sau vụ Phật giáo ở miền Trung, thật tình mà nói chùa chiền không còn lo Phật sự thuần túy, nhiều chính khách núp dưới bóng tăng bào, nhiều thanh niên đến tuổi đi lính, cũng vào ở đó, và sau cùng Việt cộng cũng có mặt. Gia đình tôi có thể nói là một gia đình sùng đạo. Mẹ tôi, vợ tôi ăn chay một tháng bốn ngày, các anh tôi một tháng hai ngày. Nhưng tôi, tôi vẫn không thể cảm nổi những nhà sư thật trẻ. Dẫu cho những nhà sư thật trẻ đó đi tu thật, đi tìm chân lý thật. Nhưng hễ cứ mười tám, mười chín tuổi mới đi tu, thì xin phép tôi ngờ.
Xe ngừng ở cổng chùa, một vài người khách trên xe bước xuống, tôi nhìn thoáng qua tia mắt họ và cảm nhận chắc chắn họ không phải là khách hành hương, chắc chắn họ viếng chùa với mục đích khác. Tôi e ngại mình sẽ phải đụng độ với họ trong vài ngày ngắn ngủi sắp tới. Với cái đà “di tản chiến thuật” này nhiều lắm là một tuần lễ nữa tôi có thể gặp lại họ. Cầu mong cho linh cảm của tôi sai.
*
Ngày N + 11, 2 giờ chiều
Chung cục tôi cũng tới nơi phải tới, xe đò ngừng ngay trước cổng trại. Đây có lẽ là lần đáo nhậm đơn vị kỳ cục nhất của tôi. Tôi đã chọn một bộ quần áo thảm thương nhất, và lết một đôi dép da lững thững tiến về cổng chính. Hạ sĩ quan đốc canh nhận ra tôi, anh ùa ra cùng vài người lính, họ chào tôi với nét hân hoan lộ rõ trên nét mặt. Cứ nhìn ánh mắt của những người lính trong đơn vị, tôi cảm nhận ngay lập tức đây chính là những chiếc huy chương của tôi.
Cả đời binh nghiệp của tôi mỗi lần thay đổi thường đánh dấu bằng những lệnh phạt, nhưng ở đơn vị nào cũng vậy, khi ra đi bao giờ đám binh sĩ cũng tiếc thương, nhung nhớ tận tình. Trong cuối mùa thảm kịch này, tôi đến đây không ít thì nhiều cũng mang lại tin tưởng cho cả đơn vị. Mấy người lính trẻ từ các phòng ốc ùa ra, họ gọi nhau ơi ới. Tôi nhận ra một số khuôn mặt quen thuộc: những người lính ở rải rác tại những đơn vị cũ, những học viên ở Vũng Tàu. Cả chục người xúm xít quanh tôi, có người bạo miệng nói:
– Tụi em tưởng Đại úy sẽ không ra.
Rồi như sợ lỡ lời anh ta chữa lại:
– Tụi em nghĩ ông thầy sẽ không ra sớm sủa như thế này. Công điện tới đây đã một tuần lễ, nhưng mọi người đều biết là Đại úy còn kẹt với Tiểu đoàn 2 Quân cảnh trên đường chạy loạn.
Một người lính tương đối lớn tuổi, giằng cái xắc tay của tôi:
– Em là tài xế cho Thiếu tá Thanh. Để em đưa đại úy về phòng nghỉ.
Tôi dặn anh ta:
– Mời tất cả các sĩ quan và trưởng ban quân xa họp tại phòng tôi trong vòng một tiếng nữa.
Đám lính dãn ra ngoài, tôi nghe những bàn cãi xôn xao:
– Tao biết chỉ (vợ tôi) ở đây, thế nào ảnh cũng ra mà, có ảnh là mình đỡ lo rồi.
Một giọng khác nghi ngờ:
– Mày nói ổng có vợ ngoài này thì ổng ra ổng lo cho vợ con ổng chứ.
– Dẫu sao có một người chỉ huy vẫn hơn. Mày đã làm việc với ổng bao giờ chưa?
– Chưa.
– Chưa mày mới nói vậy. Tao nghĩ rằng vài ngày nữa mày sẽ biết thế nào là anh Ba Râu.
Tôi bỏ vào phòng tắm.
*
Ngày N + 11, 2 giờ 30 chiều
Khoác bộ quân phục vào người bước ra sân trại, còn nửa tiếng nữa tôi sẽ chính thức đương đầu với tình hình của đơn vị, tôi muốn dạo một vòng. Năm bảy năm trước đây, với một người khéo xoay xở, thì đây là chỗ hái ra tiền. Dấu tích của một thời vương giả còn sót lại nơi bàn giấy của Chỉ huy trưởng, những dụng cụ văn phòng của quân đội Hoa Kỳ. Bàn ghế, tủ giường đẹp đẽ, ngăn nắp. Sân trại vắng hoe.
Mấy năm trước đây khi hai bên chưa trao đổi tù binh, trại này chứa tất cả tù binh phụ nữ của toàn quốc gom lại, đâu cũng cả ngàn nữ tù binh. Những nữ tù binh này ở trong một khu riêng biệt chiếm nửa diện tích, nửa còn lại tùy tình hình chiến sự có sức chứa năm, bảy trăm tù binh nam chờ ra hải đảo. Một dẫy Conex với hàng rào kẽm gai bao quanh nằm trong khu sân trại. Đây chắc là chỗ nhốt tù binh bị phạt biệt giam. Thiếu úy Cảm sĩ quan điều hành trại thấy tôi ở ngoài sân, anh chạy ra chào có ý chờ tôi hỏi về tình hình đơn vị. Thoạt nhìn anh tôi đã có một chút tin cậy. Tôi nói với Cảm:
– Tôi muốn coi hệ thống phòng thủ.
Cảm đi phía trái tôi, thụt lùi đằng sau một bước. Vòng đai phòng thủ dài hơn hai cây số, nhiều chỗ bị nước mưa xói mòn, chó chui qua một cách dễ dàng. Và dĩ nhiên người còn có thể dễ dàng hơn nữa. Cảm có vẻ ái ngại trình bày:
– Thưa Đại úy, từ ngày trại trao trả hết tù binh, vấn đề phòng thủ vòng đai có vẻ lơ là, nhưng tại Bộ chỉ huy, hệ thống phòng thủ rất kiên cố. Mình có hai pháo đài, mỗi pháo đài có cả đại liên 50.
– Anh cho tôi biết về tình trạng bãi mìn.
– Nó vẫn còn hữu dụng, Đại úy.
– Tình hình các đơn vị bạn thì sao?
– Thưa Đại úy, chung quanh các đơn vị bạn phần lớn là các đơn vị tiếp liệu của quân nhu và quân cụ, họ cũng như chúng ta là lính chuyên môn, lính văn phòng. Dường như các đơn vị đó cũng triệt thoái khá nhiều về Nha Trang, quân số mỗi đơn vị còn lại nhiều lắm là một nửa. Chỉ có trại giam mình như rắn không có đầu, chúng tôi không biết làm gì hơn là chờ đợi. Thật tình mà nói khi nhận công điện thuyên chuyển của Đại úy về đây, cả đơn vị đều lên tinh thần. Thiếu tá Thanh đi phép rồi biệt tích ở Ban Mê Thuột cả tháng nay. Bây giờ không biết số phận ra sao? Tôi cho xe Jeep vào Tuy Hoà đón Đại úy đã hai ba ngày, ngay từ lúc nhận được công điện. Chờ lâu quá họ mới về vì vợ con họ cũng kẹt lại cả ở đây.
– Cảm có vợ chưa? Tôi hỏi bằng một giọng thân ái.
– Thưa Đại úy rồi, chúng tôi được một cháu ba tuổi.
Tôi leo lên một tháp canh của trại. Những tháp canh của trại giam cao ngạo nghễ này để lính gác có thể quan sát hoạt động của tù binh trong trại. Cảm leo theo tôi. Từ vị trí cao này, nhìn được khắp vùng, sau những doanh trại quân đội, sau nhà cửa của dân chúng là những cánh đồng phì nhiêu của tỉnh lỵ Bình Định. Một con sông nhỏ phía tay phải độ hai cây số, xa hơn nữa về phía tây, những ngọn núi nhô lên khỏi đồng bằng, đây là một trong rất nhiều nhánh nhỏ đâm ra biển của rặng Trường Sơn.
Chính nơi đây hai thế kỷ trước một vĩ nhân của dân tộc Việt ra đời. Chính nơi đây ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đã từ đất dấy lên, từ địa vị khiêm nhường một biện lại chuyên thu thuế, một nông dân thuần túy, cũng chỉ vì tình cờ thua bạc hết tiền thuế để nộp, Nguyễn Nhạc nổi lên, vô tình khơi động đúng cái lòng mong mỏi của dân chúng đôi bờ sông Gianh. Nguyễn Nhạc thật khá giống như Trần Thiệp trước thời Hán Sở tranh hùng. Không có Thiệp chưa chắc Hạng Võ và Lưu Bang xuất hiện. Không có Nguyễn Nhạc, chắc chắn Nguyễn Huệ sẽ chỉ là Nguyễn Huệ và sử Việt sẽ mất một chương về Quang Trung Hoàng đế. Phải có Nguyễn Nhạc là nguyên tố chính của phản ứng lịch sử dưới thời Trịnh Nguyễn. Giai đoạn lịch sử đó là đầu mối của nhiều triều đại thay đổi trong lịch sử sau này, mà ở đó Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã vào Nam, Nam tĩnh, ra Bắc, Bắc yên. Để đến khi lên ngôi Hoàng đế, ông đã dùng chiến thuật thần tốc trong mười ngày từ Phú Xuân tiến đánh Thăng Long. Quân số đã ít vừa đi vừa mộ thêm quân, dẫu cho quân đội bây giờ, phương tiện cơ giới đầy đủ, cũng không thể làm được.
Đám sử gia của triều Nguyễn, vì một chút đỉnh chung đã bôi lọ con người Nguyễn Nhạc, một giai đoạn lịch sử trong đó có bao nhiêu nhân vật kỳ lạ, như ông giáo Hiến kẻ khai mở trí tuệ cho ba anh em Tây Sơn, rồi mối thù giữa Trương Văn Hạnh và Trương Phúc Loan, mà ở đó thầy giáo Hiến vì muốn trả thù cho tri kỷ Trương Văn Hạnh, đã lặn lội sông hồ từ Nam ra Bắc, sau cùng bắt gặp được tại Phú Phong, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Cái ngẫu nhiên của lịch sử thật ra không phải tình cờ. Đó là sự sắp xếp của Trời, của Người và sau cùng nảy ra Quang Trung Hoàng đế. Tôi chợt nghĩ làm anh hùng thật ra cũng không khó, bởi lẽ thời thế tạo anh hùng. Theo tôi làm một người bình thường lương thiện và yêu nước mới thật là khó. Càng khó hơn nữa nếu muốn yêu nước, lương thiện trong lúc loạn lạc như giờ này còn khó hơn một bậc. Hôm nay là ngày 29-3-1975, tôi dừng cách địa danh lịch sử không đầy năm chục cây số. Bối cảnh đất nước cũng chia đôi như thời Trịnh Nguyễn, cũng hỗn loạn, cũng nhiễu nhương, quân đội hai miền Nam Bắc, hay khác đi hai nửa phần dân tộc đương bị đẩy vào một trận chiến còn khốc liệt hơn thời Trịnh Nguyễn. Bởi lẽ Trịnh Nguyễn có đánh nhau cũng chỉ là nội bộ dân Việt, bây giờ đằng sau Nam và Bắc là những thế lực quốc tế. Chúng ta có quá nhiều khó khăn, thế mà chúng ta thiếu ông giáo Hiến, thiếu Nguyễn Nhạc, thiếu Quang Trung Hoàng đế.
*
Ngày N + 11, 3 giờ chiều
Toàn thể sĩ quan của trại hiện diện trong văn phòng, có cả một bác sĩ rất trẻ, Y sĩ Trung úy Huấn, Y sĩ trưởng bệnh xá của trại giam và hạ sĩ quan trưởng ban quân xa. Tôi vào đề ngay bằng cách tự giới thiệu ngắn và gọn:
– Tôi thành thực cảm ơn tất cả các anh đã hiện diện đầy đủ. Rút kinh nghiệm của cuộc di tản đường liên tỉnh lộ 7, tôi yêu cầu mọi người tin tưởng ở tôi, cũng như tôi tuyệt đối tin tưởng nơi các anh. Chúng ta sẽ phải tự lo liệu lấy. Tôi tiên đoán sẽ phải rút lui trong vài ngày sắp tới và chúng ta có một lúc hai kẻ địch: Việt cộng và thời gian. Có vài việc phải làm ngay:
+ Tất cả các ban thu dọn hồ sơ căn bản.
+ Tiếp liệu và quân xa báo cáo tình trạng xe, nhiên liệu, lương khô cũng như vũ khí đạn dược.
+ Điều hành báo cáo về tình trạng quân số, cũng như tình trạng tù binh.
+ Đại đội chuyên trách tù binh chia cho tôi thành sáu tiểu đội, chia đều các hạ sĩ quan và binh sĩ, mỗi tiểu đội có một, hai hạ sĩ quan kinh nghiệm làm trụ, khi di chuyển thì tiểu đội nào đi với tiểu đội ấy.
Như các anh biết tôi tới đây vừa được một tiếng đồng hồ, bây giờ tôi về nhà, trong hai giờ nữa tôi muốn thấy báo cáo chi tiết của mọi ban trên bàn giấy tôi. Và đúng 6 giờ chiều nay, tôi muốn hội toàn thể binh sĩ các cấp ở hội trường. Sau đó tôi muốn làm việc riêng với Điều hành, Tiếp liệu, Nhân viên và bác sĩ Huấn.”
Đây rõ ràng không phải là buổi hội. Mọi người lục tục ra về, tôi giữ người hạ sĩ quan trưởng ban quân xa lại và hỏi:
– Đơn vị có bao nhiêu xe GMC và xe Dodge còn sử dụng được?
Anh ta trả lời:
– Mình có năm xe GMC thì ba chiếc hư, một chiếc dùng để chở nước, còn xe Dodge có hai chiếc hiện đang sử dụng tốt.
Tôi hạ lệnh:
– Thượng sĩ cho tháo bỏ cái citern nước. Ba chiếc hư còn lại, tháo đồ của xe này ráp vào của xe khác. Ông làm sao cũng được, tôi muốn có ba chiếc GMC sử dụng được, chậm nhất là sáng ngày mốt phải thi hành xong.
– Thưa Đại úy nếu muốn mình có thể có bốn chiếc GMC nhưng Đại úy cho tôi bốn ngày, tới sáng ngày mốt thì mình chỉ có thể tháo được cái citern nước để sử dụng được hai chiếc.
– Tôi nhắc lại cho Thượng sĩ biết mình có hai kẻ địch, một là Việt cộng thì còn ở hơi xa, nhưng thời gian là kẻ địch ngay trước mắt. Ông cần bao nhiêu người để phụ tôi sẽ cung cấp. Ngay cả nếu cần phải mướn thợ chuyên môn ở ngoài, cứ gọi họ vào làm. Tôi sẽ có cách trả công cho họ. Ông có vợ con, nhà cửa ở đây không?
– Thưa Đại úy có. Tôi ở đây lâu rồi, sáu năm rồi, nhà tôi ở ngay Phú Tài này. Vợ tôi buôn bán lăng nhăng qua ngày.
– Xe phải xong sáng ngày mốt. Tôi sẽ cho di tản vợ con binh sĩ của toàn thể đơn vị vào Nha Trang trước, ông cũng nên thu xếp nhà cửa, đồ đạc, cái gì quý giá nhỏ thì mang theo, lớn thì chôn cất, giấu giếm. Chắc chắn chúng ta sẽ phải rút về phía nam. Ráng sửa xe đi, làm cả đêm nay và ngày mai, nếu cần cả đêm mai. Mình không còn chút thì giờ nào để phung phí đâu, Thượng sĩ.
*
Ngày N + 11, 3 giờ 30 chiều
Trung sĩ Phúc, người đã làm việc với tôi nhiều năm trước ở trại giam Biên Hoà, lái xe đưa tôi về nhà. Kể từ giờ phút này, Phúc tạm lái xe cho tôi, Phúc còn độc thân, không bận rộn vợ con như người tài xế cũ của Thiếu tá Thanh. Dạo ở Biên Hoà chưa có vợ, tôi nổi tiếng là một sĩ quan vô kỷ luật nhất của binh chủng, đối với các hạ sĩ quan trẻ như Phúc, quả tình tôi là một loại đàn anh đúng nghĩa. Phần lớn họ gọi tôi bằng anh xưng em. Cấp bậc chỉ để cho các hạ sĩ quan già, cũng như quân nhân các đơn vị khác gọi. Phúc nói với tôi:
– Bọn em định chuồn rồi, thấy Thiếu tá Thanh đi mãi không về mấy ông già trong đơn vị mạnh ai nấy lo thân, mấy sĩ quan thì lại quá trẻ. Anh mà không về thì cũng cả chục thằng dọt.
– Tình hình đơn vị ra sao, nói chung về tinh thần ?
– Thì anh thấy rồi đó, không một ai biết phải làm gì. Giờ này mà ông Trung úy ban Tiếp liệu còn lo đi xin đồ các đơn vị dọn đi bỏ lại. Người thì không lo, chỉ lo của. Mà nào có phải của quý giá gì cho cam.
Phúc cho xe chạy len lỏi giữa bến xe Lam đầu thị xã Quy Nhơn. Tôi nhìn thấy những cửa hiệu đóng im lìm, nhưng người thì qua lại vội vã tấp nập.
– Anh ở chỗ nào?
– Chú cho tôi về Tăng Bạt Hổ, chỗ gần chợ.
*
Ngày N + 11, 4 giờ chiều
Khi tôi bước chân vào nhà, cô em vợ trông thấy đầu tiên, kêu gọi om xòm:
– Anh Hiển về, má, chị Hải ơi! Bố về Quang ơi!
Má và vợ tôi từ trong nhà ùa ra như cơn lốc. Vợ tôi mừng không nói được câu nào, còn bà cụ thì vừa khóc vừa kể lể. Mọi người hỏi han tíu tít. Tôi bế đứa con gái nhỏ lên. Nó mới ăn thôi nôi được vài tháng. Ngày đầy tuổi nó, tôi không về được, khi nó ra đời tôi phải đi trao đổi tù binh, cái tên dài thậm thượt tới năm chữ của nó là do vợ tôi đặt trong lúc tôi vắng nhà. Con bé lâu ngày mới gặp bố, toét miệng ra cười, trong lúc mẹ, bà ngoại lại âm thầm khóc. Tôi nói với mẹ và vợ tôi:
– Con đổi về ngay đây rồi. Nhưng việc trước mắt là cả nhà phải chạy loạn trước. Con về để má và em con khỏi phải lo, bây giờ cả nhà thu dọn đồ đạc, chỉ mang quần áo, tiền bạc và những gì quý giá. Nhà thì dĩ nhiên còn đó, chỉ sợ mình không về được thôi. Còn bàn ghế, tủ giường, ti vi, tủ lạnh ở đâu cứ để nguyên đó. Má, nhà con và các em sẽ đi vào Nha Trang ngày mốt. Đoàn xe của con chỉ có thể tới đó. Nhưng nếu được, má và em ghé nhà bác Năm một ngày thôi, rồi vào Sài Gòn ngay. Con sẽ gởi thư mang tay cho mấy người bạn ở phi trường Nha Trang. Nhưng nhớ là nếu không đi phi cơ quân đội, thì dù là xe đò, ghe, cái gì cũng được, phải vào Sài Gòn. Đừng lo về phần con.
– Anh đi ngay à?
– Anh phải vào trại ngay bây giờ.
– Để em kêu người đi mua đồ ăn cho anh. Cơm chiều bây giờ mới sửa soạn.
– Anh không thấy đói, anh không thấy đói cả tháng nay rồi.
Thật vậy, cả tháng nay tôi không bao giờ thấy đói, cứ tới bữa thì có gì ăn nấy. Những ngày nằm trên đập Đồng Cam, có ngày chỉ ăn hai hộp trái cây loại lương khô của Mỹ, có lẽ sự lo sợ làm cho con người ta no. Ngôn ngữ Việt quả là kỳ diệu LO và NO khác nhau một trời một vực nhưng cả hai đều liên hệ tới cái bụng.
– Má và Mợ lo cho anh lắm. Mợ gửi thư ra ngoài này hỏi, nhưng em đâu có biết gì. Má thì lúc nào cũng nói em đừng lo. Má nói anh giỏi giang, nhanh nhẹn và lại tốt bụng nữa. Không mệnh hệ gì đâu. Em thì em thấy nhiều người chết quá. Lại chết toàn người tốt bụng không à. Nhưng em đâu có dám nói gì. Tối nào má với em cũng niệm Phật, cầu xin Phật Tổ từ bi gia hộ cho anh, tai qua nạn khỏi.
– Tối nay em với má qua nhà dì Năm, cậu Sáu hỏi xem có ai muốn đi về Nha Trang không. Nhớ chỉ là người không thôi. Hỏi vậy thôi, chứ anh biết dì Năm, với cậu Sáu chưa chắc đã đi đâu.
– Bao giờ anh đi? Bao giờ thì anh vào Nha Trang?
– Anh mong mỏi là anh không phải vào Nha Trang. Nhưng tình hình càng lúc càng bi đát. Anh mong có được một tuần lễ để sắp xếp đơn vị, nhưng chắc là không lâu được như vậy.
– Anh có tin gì của ba ở Pleiku không?
– Trước khi đơn vị di tản, anh đến đón ba. Nhưng ba nói chạy đi đâu cũng vậy thôi. Vả lại ba buôn bán, lại già rồi, ba không muốn đi.
– Anh chị Trình, anh chị Hai con bác Năm có đi không?
– Anh không biết. Anh chị Trình thì đã có chiếc xe Land Rover, dư sức chạy nếu họ muốn chạy. Còn anh chị Hai thiếu gì tiền mua vé máy bay chợ đen. Họ đã vào Sài Gòn rồi.
– Bây giờ anh đổi về Đồn Quân cảnh Quy Nhơn hả?
– Không, anh đổi về trại giam ở Phú Tài.
– Sao anh không xin đổi về trước đây vài tháng?
– Anh không xin đổi về. Ở trên chỉ thị anh về đây bởi vì bây giờ không có ai muốn ra đây. Dẫu sao thì anh cũng có mặt gần nhà vào giờ phút này là quý rồi. Em có bận không? Nếu không, anh muốn lái xe chở em với con đi một vòng thị xã.
Tôi cần một chút thì giờ suy nghĩ trước khi về lại trại, vợ tôi bế đứa con gái nhỏ ra xe, trong khi thằng lớn mới ba tuổi được dì dắt ra xe ngồi chễm chệ từ trước. Có vợ con ngồi bên cạnh, tôi cảm thấy an tâm hơn, tôi lái xe ra bờ biển, chỉ độ năm phút. Cả một bãi biển vắng như bãi tha ma. Những kiosque ở đây ngày xưa nhộn nhịp biết bao, bây giờ gió biển thổi hất những tấm vải của những chiếc ghế đập vào khung gỗ kêu loạt xoạt. Tôi nhìn ra khơi, vắng bóng cả ghe thuyền. Vẳng trong gió tiếng tiêu của người lính Biệt động quân tôi đã nghe được trong buổi trưa cách đây không lâu đột nhiên nghe rõ mồn một. Đã tới lúc bách điểu chia ly. Trăm hoa tàn tạ, gió lặng tuyết tan. Trận chiến rồi sẽ ngừng trong cảnh tịch mịch đó. Tôi nhìn lại vợ tôi, con tôi và hiểu rằng những người thân yêu đó rồi sẽ có một ngày rất xa.
*
Ngày N + 11, 6 giờ chiều
Hội trường tương đối rộng. Dễ chừng đã cả năm nay không có một lần nào đơn vị sử dụng, nhện giăng đầy, bụi phủ khắp nơi. Có một chút cảm động khi tôi nhìn thấy tấm bảng đề tên, cấp bậc và chức vụ của tôi, nước sơn còn mới có lẽ chưa khô, được gắn vào cái bục thuyết trình. Đó là những huân chương đúng nghĩa của nó. Chờ cho tiếng hô chào kính dứt, Thiếu úy Cảm đón tôi đưa lên bục thuyết trình. Tôi nhìn thấy hai nhóm rõ rệt. Phía Đại đội chuyên trách tù binh, Trung úy Đại đội trưởng đứng đầu, kế đó có một Thiếu úy, sau lưng hai vị này sáu tiểu đội đứng ngay hàng thẳng lối, với những hạ sĩ quan đứng trước. Phía Bộ chỉ huy Trại y sĩ Trung úy Huấn đứng đầu, kế đó là các sĩ quan phụ trách các ban, cùng tất cả nhân viên của Ban chỉ huy, dễ chừng cũng đến ba mươi người phần lớn là hạ sĩ quan. Khoát tay cho mọi người ngồi xuống. Mất chừng ba phút tôi mới mở được lời, những câu nói khó khăn ban đầu qua đi, tôi nói với họ về liên tỉnh lộ 7, tôi nói tới cuộc rút lui của quân dân ba tỉnh Pleiku, Kontum, Phú Bổn. Tôi nói tới việc chỉ huy của Tiểu đoàn 2 Quân cảnh. Tôi nói về cái chết của Thượng sĩ Hạp thuộc Trại giam Pleiku, tôi nói tới vợ Thượng sĩ Mạnh thuộc Đại đội 24 Quân cảnh Tư pháp đẻ giữa đồng trống, tôi nói về ba em nhỏ hướng đạo sinh, tôi nói về trường Thiếu sinh quân. Âm thanh của chiếc loa phóng thanh dội lại bốn góc tường, tôi nghe được giọng tôi giống hệt gã xướng ngôn viên của đài BBC, đài Đông Kinh, nó giống như tiếng vọng của địa ngục.
Đổi sang một giọng khác, tôi kêu gọi mọi người hãy tin vào tôi, tôi không hứa hẹn được một điều gì, nhưng tôi cam kết với họ là tôi “CÓ MẶT”. Tôi kêu gọi mọi người cùng “CÓ ẶT” với tôi cho tới phút chót của đơn vị. Chúng tôi là những binh sĩ chuyên môn, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không biết chiến đấu. Chúng tôi đã được dạy bò, dạy bắn, tấn công, phục kích, canh gác, v.v. Chúng tôi được huấn luyện thành một người lính, giờ phút này đây, hãy đứng thẳng như một “NGƯỜI LÍNH”.
Để có thể đứng thẳng như một “NGƯỜI LÍNH” tôi quyết định đưa vợ con binh sĩ vào Nha Trang trước. Tôi muốn biết ý kiến của toàn thể đơn vị. Đừng quên là vợ con tôi cũng sẽ đi với tất cả vợ con của các anh. Tôi cũng thông báo trước. Khi đơn vị triệt thoái, tôi không muốn có một người không phải là LÍNH trong đoàn xe.
(Xem tiếp kỳ sau)