Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Dòng sông trôi rất dịu dàng

Lê Học Lãnh Vân
Anh Vũ Đức Sao Biển đã xa rồi, sau những ngày dài vướng bạo bệnh…
Anh Vũ Đức Sao Biển có những bài nhạc được yêu mến, có những bài văn thú vị về truyện kiếm hiệp Kim Dung nên được gọi là nhà Kim Dung học…

Bài viết này không nhắc lại những điều nêu trên mà nhiều người đã biết.
1) Khoảng thời gian gần đây, anh có bộc lộ quan điểm chính trị ủng hộ việc thành lập đặc khu, không đồng tình với các hoạt động biểu tình chống Trung Cộng xâm lấn. Nhiều người không cùng quan điểm phản đối anh, tranh luận với anh. Trình bày ý kiến ngược chiều là một hoạt động lành mạnh trong xã hội, giúp vào phổ biến kiến thức chung, giúp tạo sự thông cảm, hợp tác nhau, giúp xây dựng xã hội bao dung, ôn hòa…
Tuy nhiên, có không ít bài miệt thị, thóa mạ. Tôi từng đọc những câu viết về anh như “dư luận viên cao cấp”, “già rồi mới lộ mặt bưng bô”… mà tự hỏi nếu cứ làm quan tòa phán xét nhau kiểu đó thì làm sao trình bày và góp ý kiến cho nhau, làm sao học hỏi nhau? Còn đâu là tinh thần hoài nghi trí thức, một tinh thần giúp người ta dễ tiệm cận chân lý? Nếu sự trao đổi không nhằm mục đích hiểu người hơn, để người hiểu mình hơn, để mình hiểu mình hơn, để cùng nhau tiến hơn một bước tiệm cận điều “có lý hơn”, “hữu hiệu hơn”… thì trao đổi để làm gì? Chẳng lẽ chỉ để trút bực dọc?
Khi anh Vũ Đức Sao Biển từ giã trần gian rồi, bên cạnh nhiều bài tiếc thương văn tài, tiếc thương một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, có những bài nhắc lại quan điểm chính trị của anh. Giọng văn đã nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn có tính phê bình theo kiểu phán xét.
Trong số các tiếng nói theo chiều hướng phán xét đó, có những người chỉ nhìn Vũ Đức Sao Biển như một người có quan điểm lệch lạc, và vì lệch lạc ông không thể có đạo đức hay tài năng trên các lãnh vực khác.
Tôi sực nhớ tới những bài báo đã đọc. Một người đã có thành tựu gì rồi thì báo chí thường ca tụng lúc nhỏ đã thông minh, chịu cực khổ giúp cha mẹ, được anh em chúng bạn, bà con làng xóm mến thương, lớn lên giác ngộ cách mạng sớm…
Lại nhớ những người bị lên án vì một việc gì đó, thì bị gọi tên này tên nọ, và cái gì cũng xấu cả. Xấu ghê tởm. Lừa thầy phản bạn. Ham tiền, chơi gái…
Tóm lại, với quan niệm này, trong xã hội chỉ có hai trạng thái cực đoan, đen là đen mực từ đầu tới chân, trắng là trắng tinh từ sau ra trước. Sao mà khổ vậy, sao không chấp nhận một người như chính bản thân người đó là, có phải dễ sống, vui sống hơn không? Giữa đen và trắng là cả một gam vô số màu nóng hay lạnh, u tịch hay tươi vui. Ấy là chưa nói tới đen hay trắng tùy người nhận xét, cảm nhận, hơn nữa, nhiều sự việc chưa chắc đen đã là xấu, trắng đã là hay!
Cũng có người nhìn Vũ Đức Sao Biển như người có tài trên một số lãnh vực, nhưng vì các lệch lạc kia nên tài năng này cũng không thể được tán dương! Thêm một lời phán: “Tài mà không có Tâm thì cái Tài cũng vứt đi!”.
2) Tôi với anh Vũ Đức Sao Biển từng tranh luận nhau. Nói năng nhỏ nhẹ, hai anh em chưa ai thuyết phục được ai, nhưng chắc người này hiểu ý người kia hơn, học hỏi thêm vài điều từ người kia. Điều tôi học được là số người có quan điểm như anh không ít. Và họ cũng không cần phải “bưng bô” cho ai, nhận định của họ dựa trên một cơ sở họ còn tin là vững chắc. Những buổi nói chuyện như vậy càng củng cố trong tôi quan điểm rằng thông cảm và thuyết phục nhau là một quá trình lâu dài, cần kiên nhẫn, cần tôn trọng và lắng nghe nhau; rằng để thuyết phục nhau cần đa nguyên, trước hết là đa nguyên trong tư tưởng của mình, không nên độc quyền chân lý.
Khi một người giành độc quyền chân lý, người đó sẽ không hướng về chân lý, mà chỉ ôm một vài hiểu biết riêng biệt, những hiểu biết đó qua vọng tưởng điên đảo hóa thành cái vỏ khô cứng giam hãm kiến thức, tình cảm. Làm sao có được niềm vui của sông hòa ra biển, của nắng tràn hoa cỏ, chim hót trời xanh?
3) Đứng bên ngoài thế giới nhị nguyên, đọc và nghe anh Vũ Đức Sao Biển, tôi hưởng những phút giây mơ màng trong tâm tình lai láng, khi nỗi buồn và niềm vui sóng bước, khi cay đắng và dịu êm trộn lẫn, ấy là lúc chung rượu nồng cay vừa đủ mức khiến tâm hồn lâng lâng cõi đáng sống… Cõi mùa thu hoàng hạc lộng lẫy chiều mơ, cõi tám mươi năm xưa một nhà thơ trẻ nghiêng đầu thiết tha “chờ anh dưới gốc sim già nhé, em hái đưa anh đóa mộng đầu”, cõi trăng nguyệt cầm long lanh tiếng sỏi…
Và cõi sông nước Phương Nam, lòng người tưởng tiếc
Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương.
Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng
Những giây phút thăng hoa của Vũ Đức Sao Biển để lại lòng bao người niềm ngơ ngẩn…
Cám ơn anh về buổi nói chuyện trong một tiệc cưới tình cờ chung bàn… Rồi chia tay nhau, mỗi người theo một “dòng sông trôi rất dịu dàng”…
Ngày 10 tháng 5 năm 2020