Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 225): Hồ Trường An (kỳ 5)

LỚP SÓNG PHẾ HƯNG
Lớp sóng phế hưng
Chương 5
Hai Cường từ Sóc Thổ về Hóc Hỏa thì trời vừa tối. Chàng không hiểu mình ra sao nữa khi nghe tin Cấm Dục đã đính hôn với A Coóng ở Vàm Xáng. Chàng đã yêu cô Xẩm kia rõ rệt, thầm lặng, và chàng cũng thừa đoán được cái ngày hôm nay. Nó phải tới và đã tới. Gái Tàu đời nào gã cho trai Việt, nhứt là một thứ trai quê như chàng.
Nhưng có điều lạ là Hai Cường cớ sao từ chiều tới giờ cảm thấy nhẹ nhàng. Điều mà chàng lo sợ đã thành sự thật. Như một cái ung nhọt đã chín, phải vỡ ra. Như một vết mụn được tẩy sạch cùi. Chàng không còn phập phồng lo sợ nữa. Niềm đau tới dần. Số phận đã an bài rồi. Chàng biết rằng chiều hôm nay chàng đang bị cơn buồn thấm thía bủa vây chàng dần khi bóng hoàng hôn vàng thẩm trải trên cánh đồng loáng nước.
Hai Cường muốn về tới nhà mau, khi chàng bơi xuồng theo dòng rạch nhỏ. Chàng cần không khí gia đình biết bao, nhất là trong giờ phút chàng cảm thấy thất vọng, cô đơn.
Khi tới nhà, Hai Cường nói trước với mẹ:
-Đi ngoài nắng cả ngày, giờ đây con muốn phát bịnh.
Bà Bếp Luông mắng:
-Tổ cha mầy, mau lấy guốc rửa chân rồi để tao cạo gió cho. Đồ ôn dịch! Thời tiết lúc nầy mưa nắng thất thường, nên khí trời độc địa lắm. Mầy liệu mà giữ lấy thân, nghe thằng Thiên Lôi!
Miệng của bà chửi rất giòn, nhưng vẻ mặt của bà lộ vẻ âu yếm lẫn lo ngại. Chửi con cũng là cách tỏ sự yêu thương, âu yếm của bà Bếp Luông. Hôm nào mà vắng tiếng chửi của bà là căn nhà vắng tanh, như thiếu sinh khí. Thường đó là những lúc bà ể mình.
Bà Bếp Luông trải chiếu trên vạt tre ở góc nhà, bày chiếc gối rơm và chiếc mền màu xám tro. Hai Cường rửa chân, lau mình, rồi mặc áo mới. Bà mẹ trao cho cậu con trưởng lọ dầu Nhị Thiên Đường rồi xuống bếp báo tin:
-Thằng Hai phát bịnh rồi đó. Năm, con nấu cho nó miếng cháo rồi bắt con cá lóc, kho tiêu cho nó ăn. Út, con hái ổi, lá sả, lá bưởi để hiệp với trầu lương và thuốc Ông Tề, nấu cho nó nồi nước xông. Còn hai con ngựa bà kia lo mà dọn cơm đi, trời đã tối mịt rồi.
Ba Kiểm và Tư Diễm đang sành soạn thạp gạo, thạp bột, hũ đường, hũ mắm nghe mẹ báo tin liền lo ngại nhìn nhau. Ba Kiểm lo lắng:
-Đau sao vậy, má?
Bà Bếp Luông nói:
-Chắc nó cảm nắng sơ sài thôi. Tuy vậy, mình cũng đừng dễ ngươi. Chút nữa, chút nữa tao đến quán Sáu Quyên mua cho nó gói Cảm Mạo Phát Tán cho nó uống.
Hai Cường ngả người trên vạt tre, nằm lim dim. Mình mềm yếu như vậy hả? Mới có thất tình mà muốn liệt giường liệt chiếu sao đây? Chàng biết rằng giờ đây nếu chàng ngủ thì ngày mai,chàng cảm thấy dễ chịu hơn. Chàng vốn dễ yêu, mau chán, dễ buồn, mau nguôi mà.
Ngọn đèn Hoa Kỳ thắp sáng. Út Biên đi kiếm lá xông cũng vừa về. Đêm ba mươi tối mịt. Chó sủa inh ỏi bên kia sông. Lũ chằng bè, lele, nhạn sen đang lao xao trên bãi phù sa loáng nước. Lũ vịt nước, chim trời kia, mỗi khi nước vừa ròng là tụm năm, tụm bảy trên bãi bùn, vui như mở hội.
Mâm cơm lại dọn lên. Bên cạnh tô rau bợ nấu với tôm quết nhuyễn là đĩa cá vụn kho tương, tô mắm chưng thơm ngào ngạt. Mọi người vừa ngồi vào mâm thì có Sáu Quyên đến chơi. Vừa thấy Hai Cường nằm trùm mền, chị ta quở:
-Sao lại nằm chình ình một đống như vậy?
Bà Bếp Luông nói hớt:
-Nó cảm nắng, cô Sáu à.
Sáu Quyên mắng:
-Đáng kiếp. Ai biểu nó ghẹo phá "người ta" nên ông Trời trả báo. Cái thằng nầy ngang tàng lắm, không kiêng nể ai hết. Biết đâu nó làm điều gì thất thố nên ông bà khuất mày khuất mặt quở nó.
Bà Bếp Luông nói:
-Cô nói phải đó. Vậy để tui cùng vái mới được. Nhưng trước hết tui sẽ cho nó uống một gói Cảm Mạo Phát Tán.
-Thuốc ấy thì cháu còn nhiều. Chút nữa bác nhớ biểu mấy con lủng kia qua mà lấy. Cháu sẽ tặng luôn cho cái thằng ôn binh nầy một hộp Cửu Long Hoàn để tẩm bổ khi nó mạnh.
Ba Kiểm cười:
-Má em đẻ anh Hai là để nhờ cậy lúc già,chớ không không phải để chị nhiếc mắng đâu nghe.
Sáu Quyên xí một tiếng dài:
-Ừ,tao mắng nó,rồi mầy tính sao? Hồi hôm kia nó chọc tao,tao nhịn nó, có con Tư làm chứng đó.
Rồi chị phân bua với bà Bếp Luông:
-Cháu nghĩ kỹ rồi, bác. Nó có chọc cháu, cháu nhịn cho êm. Miệng cháu để dành tụng kinh, niệm Phật, để nói lời nhơn nghĩa, đạo lý, chớ đâu phải để dành chửi nó mà mắc khẩu nghiệp, hén bác?
Đang nằm lim dim Hai Cường cũng bắt tức cười. Sáu Quyên bảo mọi người ăn cơm, còn chị ngồi ăn trầu tiếp chuyện cũng được. Mọi người cầm đũa, ăn uống vui vẻ như thường. Sáu Quyên thỉnh thoảng quay về phía Hai Cường, nguýt một cái, xí một tiếng dài, nhưng môi chúm chím nụ cười tươi. Hai Cường buột miệng:
-Rầu cái chị nầy quá. Người ta ể mình, chị không có lời hỏi thăm thì thôi. Lý đâu chị nở trề nhún, ngúy háy người ta hoài.
Sau Quyên phân bua:
-Bác và mấy đứa bây nghe đó. Con Sáu Quyên nầy đâu có vô tình như nó gieo tiếng oán như vậy. Nghe nó đau, tui tính cho nó thuốc trị cảm, lẫn thuốc bổ, vậy mà nó chưa vừa lòng. Trời ơi, mầy bạc làm chi mà bạc dữ vậy, Hai?
Bà Bếp Luông nói:
-Tui đã nói hai đàng như nước với lửa mà.
Sáu Quyên nói:
-Lửa còn có thể nấu nước sôi pha trà, nấu canh, chớ thằng nầy với cháu khó mà nói câu ngon ngọt, êm thắm.
Tư Diễm nói:
-Ôi, mấy người ủng ẳng với nhau ở mặt ngoài, còn lòng kia ý nọ, ai mà dò, ai mà biết.
Sáu Quyên hét:
-Tư, mầy ăn môn ngứa miệng, hả Tư?
Ba Kiểm nói:
-Nó nói tầm... phải, chớ có nói tầm bậy đâu nà.
Sáu Quyên nói với bà Bếp Luông:
-Cháu nói thiệt với bác, xin bác chớ buồn. Nội mấy đứa con của bác, cháu chỉ chấm có con Năm, thằng Út. Hai đứa nầy ăn nói đứng đắn, cử chỉ đàng hoàng, chớ không có ăn nói ẩu tả, cười giỡn xô bồ, xô bộn như ai kia.
Bà Bếp Luông chỉ cười. Năm Nhan tuy ăn cơm nhưng thỉnh thoảng lên xuống từ nhà bếp đến nhà trên để coi chừng nồi cháo trắng và ơ cá kho. Mùi cá kho với tiêu, hành thơm lừng bay tới chỗ mọi người.
Trời bên ngoài muốn chuyển mưa. Út Biên nói với mẹ:
-Đêm nay nếu có mưa thì con đi soi ếch.
Vừa buông đủa xuống, bà Bếp Luông hối Năm Nhan:
-Con coi trà nước cho chị Sáu con đi. Má có mua một gói đậu phọng để trong thạp gạo cùng với nải chuối sứ. Con lấy hết ra đây mời chị Sáu con ăn cho đỡ buồn miệng.
Sáu Quyên cản:
-Thôi, cảm ơn bác. Bánh kẹo cháu có thiếu gì. Bác nên để dành cho thằng Út, phải không Út? Út thường nói với chị Sáu rằng Út hảo ngọt mà.
Chị lại ngúyt về phía Hai Cường:
-Còn thằng cũng hảo ngọt, nhưng hảo ngọt cách khác.
Hai Cường đã ngủ khò. Cơm xong, Ba Kiểm dọn mâm chén, còn Tư Diễm lo lau chùi bộ ván gõ. Năm Nhan lấy trái mãng cầu xiêm, xẻ ra làm mười miếng cỡ bụm tay, bày trên hai dĩa trẹt lớn. Sáu Quyên cười hễ hả nói với bà Bếp Luông:
-Đang thèm chua, lại gặp mãng cầu. Cháu khoái ăn chua, nên thiên hạ đồn cháu ốm nghén.
Rồi chị chợt buồn:
-Đã trải qua một mặt chồng, cháu cứ cầu Trời được thai nghén, sanh nở, vậy mà trời không thương nên cháu chịu cảnh canh cô mồ quả. Nghĩ cũng buồn.
Nước mắt chị rưng rưng. Bà Bếp cũng chạnh lòng. Không khí về đêm oi bức. Dưới sông vẵng tiếng xao xác của đoàn ghe thương hồ. Thỉnh thoảng cơn gío chuyển mình lướt qua đám dừa nước rào rào. Sáu Quyên chà lết chừng khoảng một tiếng đồng hồ sau mới chịu về. Bà Bếp Luông đóng cửa lại, thắp nhang lên bàn thờ ông bà, rồi đốt vỏ bưởi cho thơm. Bà dặn Năm Nhan:
-Anh con đã ngủ rồi. Chắc nó ngủ luôn một mạch tới sáng. Vậy con cất cháo và cá kho vào tủ đựng thức ăn đi. Sáng mai, con hâm mấy món đó lại cho nó ăn. Cháo càng nấu càng nhừ. Cá kho nhiều lượt càng thấm tháp, mặn mòi. Chẳng hại gì đâu, Năm.
Út mau mắn:
-Con đi qua chị Sáu lấy thuốc cho anh Hai đây.
Bà mẹ dịu dàng:
-Ừ, có đi thì về cho sớm nghe con.
Lúc nói chuyện với Năm Nhan và Út Biên, bà Bếp Luông thường kêu con ngọt ngào. Lúc nào bà cũng nghĩ rằng hai đứa nầy thiệt thà chơn chất, còn nhỏ tuổi mà mồ côi cha sớm. Lại nữa cả hai nghiêm chỉnh, ít nói, có tư cách hơn ba trự lớn của bà.
Út Biên vừa bước ra khỏi nhà thì cơn mưa kéo tới. Gió thổi vào đám chuối bên hè phần phật. Ba Kiểm và Tư Diễm xúm xít ngồi bên khai trầu của bà, lấy xác cau khô mà chà răng cho trắng. Ba Kiểm còn lấy cũ nghệ chấm vào nốt mụn vừa mới nặn để mặt khỏi bị vết thâm. Bà Bếp hỏi:
-Còn hai thị nầy hồi chiều gội đầu xong có uống thuốc ngừa cảm chưa?
Cả hai đều thưa chưa. Bà Bếp Luông lắc đầu, tỏ vẻ thất vọng:
-Tao đã dặn hoài mà bây không nghe. Tiết trời độc địa, phải đề phòng cảm mạo phong sương. Ngừa bịnh còn hơn trị bịnh nghe chưa hai con yêu cái.
Bà kêu Năm Nhan:
-Mau pha hai tô trà trộn với quế và gừng cho thiệt nóng để chị Ba, chị Tư con hiệp với thuốc uống ngừa cảm.
Năm Nhan hỏi:
-Nếu má uống nước rễ tranh với lá mã đề thì để con hâm lại?
Bà Bếp Luông mĩm cười:
-Ừ, má thích uống nước thứ đó trước khi đi ngủ. Con hâm nó lại cho má.
Tư Diễm bảo Ba Kiểm:
-Chị thấy không? Má cứ la rầy chửi bới anh Hai và hai chị em mình hoài. Chớ đối với con Năm, thằng Út, má một điều con, hai điều con, ngọt xớt còn hơn đường mía, còn hơn kẹo mạch nha nữa.
Bà Bếp Luông nhướn mắt:
-Chớ sao. Con Năm của tao là Năm vàng, Năm ngọc. Út của tao là Út châu, Út báu... còn tụi bây là...
Ba Kiểm cười:
-Còn tụi con là bùn đất, cỏ rác chớ gì.
-Nói bậy mà trúng mới kỳ.
Tư Diễm kêu lên:
-Trời ơi, ở đời có bà mẹ nào thiên vị như vậy không?
Bà Bếp Luông:
-Thì tao đã nói, tao như vậy đó, mầy có giỏi thì đi kiện tao đi, tao vác chiếu theo hầu.
Khi Năm Nhan đem nước trà quế gừng và nước rễ tranh mã đề lên, bà Bếp Luông mở hộc tủ thuốc ngừa cảm cho hai cô lớn. Bà còn lấy ra hai hũ cù là, dặn dò:
-Bỏ trong túi áo hai hũ cù là nầy để dành mà xức lúc ớn lạnh, sổ mũi, nghe chưa hai con đĩ thúi thây lầy lụa! Tụi bây lớn rồi, liệu mà lo lấy thân. Tao đâu có lột da sống đời để theo tụi bây nhắc nhở việc nầy, việc nọ.
Năm Nhan đi rửa ráy, thay đổi quần áo sạch sẽ cũng xáp lại bộ ván gõ, ngồi quanh khai trầu. Tư Diễm ngắm nghía cô em, rồi bảo cô chị:
-Lạ quá, con Năm lúc nầy coi tươi quá, mướt quá.
Ba Kiểm nói:
-Ừ, sáng hôm nay, tao mới nhận ra là lúc nầy con Năm trổ mã, coi được đến.
Cả hai uống thuốc. Bà Bếp Luông uốm lời:
-Nếu nó lấy chồng trước tụi bây thì tụi bây nghĩ sao?
Ba Kiểm nói:
-Duyên ai nấy gặp. Nếu được vậy thì con mừng cho nó chớ. Nó là em con chớ ai đó mà con ganh?
Tư Diễm tò mò:
-Ai đi hỏi con Năm vậy, má?
Bà Bếp Luông ấp úng:
-Có... ai đâu.
Ba Kiểm kéo Năm Nhan lại, bảo Tư Diễm:
-Lấy cái lược sừng trâu cho tao đi Tư. Tao muốn gỡ đầu cho con Năm đây. Tóc con nầy rậm và dài, xinh tốt ghê!
Tu Diễm vào buồng lấy cái lược đưa cho chị. Ba Kiểm bảo Năm Nhan xõa tóc, rồi chải cẩn thận, đoạn bới lên một cái bí bo tròn tròn. Tư Diễm đưa cho em chiếc gương tròn. Năm Nhan đỏ mặt, không chịu soi.
Mưa bên ngoài rơi ào ào. Út Biên vừa về tới, đầu đội nón lá, khoác áo tơi bằng lá chầm. Út rũ nước trên áo rồi máng gần bồ lúa. Năm Nhan rót trà cho em. Út Biên nói:
-Tạnh mưa là em đi soi ếch.
Đang lúc mẹ con ngơ ngẩn đợi giờ đi ngủ thì bổng có tiếng chó sủa ở ngoài hàng ba. Có tiếng đàn ông nói:
-Vện,tao đây chớ ai mà mầy sủa vậy?
Bà Bếp Luông ngừng nhai trầu, hỏi lớn:
-Ai đó vậy?
Tiếng người đàn ông nói:
-Tui là Bảy Ngạn đây, chị Bếp.
Ba đầu cô gái chụm lại. Họ thì thào:
-Chồng mụ Bảy Cá Trê đó.
Mặt có nào cô nấy xửng dửng làm như chú Bảy Cá Trê là ông kẹ, chằn tinh không bằng. Đã vậy, con Vện cứ sủa rối rít lẩn tiếng mưa rào rào trên mái lá. Bà Bếp Luông hỏi:
-Có việc gì vậy, chú Bảy?
Chú Bảy Cá Trê nói:
-Xin chị mở cửa cho tôi vào. Tôi có việc nhờ chị.
Bà Bếp Luông hỏi Út Biên:
-Con mở cửa cho "người ta" vào. Dầu gì thì dầu, đừng để "người ta" đứng chờ ngoài nơi gió máy, không tốt đâu.
Cửa vừa mở, chú Bảy với aó tơi, nón lá đứng co ro ở cây cột trái ngoài hiên, tay cầm ngọn đèn với cái chụp bằng chai cắt ngắn, đầu bịt thiếc. Chú bước vào nhà, không đợi chủ nhà hỏi duyên cớ, nói:
-Chị Bếp à, vợ tui trúng gió, nằm mê man. Nghe nói chị cắt, giác, cạo gió giỏi, xin chị cứu vợ tui giùm.
Bà Bếp Luông chưng hửng:
-Ủa, hồi xế tui còn thấy thím Bảy đi xúc tép ở mé rạch Hóc Hoả mà.
-Nó mới trúng gió cách đây mấy tiếng đồng hồ. Xin chị chịu khó tới nhà tui coi có cách nào cứu nó giùm.
Bà Bếp Luông ngập ngừng. Kẻ cừu địch của bà đang lâm nguy! Cái mặt khinh khỉnh, cái môi mỏng lét, cái miệng rộng chuyên ăn nói hàm hồ kia như hiện rõ trước mặt bà. Cùng những lời xỏ xiên độc dữ hơn nọc độc của cóc tía, của rắn hổ. Nhưng mà đôi mắt người chồng thảng thốt đang nhìn bà như van lơn cầu khẩn. Khuôn mặt chú Bảy Cá Trê mới thiểu não làm sao! Không cần chần chờ gì nữa, bà nói:
-Mời chú ngồi chơi, để tui đi lấy đồ nghề rồi chú với tui đi liền, trễ nải không tốt.
Đồ nghề của bà Bếp Luông thường được đựng trong cái rương cây, cất kỹ trong tủ thờ. Đó là những ống giác bằng tre, những chai dầu phong xanh biếc, hũ cù là, gừng, quế đựng trong chiếc hộp thiếc đã cũ cùng cái miểng sành dùng để cắt, đồng xu dùng để cạo gió.
Bà Bếp Luông sau khi kiểm điểm đồ nghề, khoác aó tơi, đội nón lá, têm trầu nhai cho ấm rồi giục chú Bảy Cá Trê đi. Bà cũng không quên trước khi rời khỏi nhà, bước lại góc hè nhổ một nắm cỏ thuốc cứu thơm hăng hắc.
Khi bà đi khỏi, ba cô gái xúm lại bàn tán. Ba Kiểm nói:
-Đợi tới nước ngặt nghèo họ mới cần tới mình.
Tư Diễm vẫn còn giận chuyện cũ, đay nghiến:
-Cái thứ ác khẩu thường gặp nạn là vậy đó. Tụi mình ở đây, mai sau khó lấy chồng là tại cái lỗ miệng con mẻ.
Năm Nhan nói:
-Má làm việc phải đó chị Tư à. Thấy người hoạn nạn trước hết phải cứu hạ cái đã. Phải quấy gì sau nầy sẽ tính.
Út Biên nhìn cô chị kế của mình. Tự dưng, Út thấy Năm Nhan như một bà tiên hiện về, nhân từ, hiền dịu biết bao. Bà Bếp Luông cũng nhân từ độ lượng, nhưng miệng mồm bà hay chửi, hay la. Năm Nhan giống cha, giống mẹ ở chỗ hào hiệp, rộng lòng dung thứ lỗi lầm kẻ khác, và hơn cha mẹ ở chỗ điềm tỉnh, êm ái, dịu dàng. Lòng Út như mở cờ. Biết đâu nhờ cơ hội nầy hai đàng sẽ giao hảo nhau, quên mất chuyện xích mích cũ.
Út Biên sửa soạn đi soi ếch. Mưa dịu hơn, đổ êm đềm, rào rào như gợi lên một nỗi hân hoan đằm thắm trong lòng Út. Mưa thánh thót gieo lộp độp trên nón lá, trên aó tơi. Ngọn đèn tán chai cháy chập chờn và rung theo bước đi của Út.