Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Trong như tiếng hạc bay qua...

(Nhân đọc tập truyện ngắn “Quán thủy thần” chợt nhớ một câu Kiều)

Đặng Văn Sinh
quan-thuy-than
Hành trình của “Quán thủy thần” ngay từ đầu đã không suôn sẻ. Tác giả gõ cửa vô số nhà xuất bản cầu may. Có điều, hầu hết biên tập viên ngoài Bắc đều mắc hội chứng “mục hạ vô nhân”, không thèm đọc hoặc chỉ chiếu cố lướt qua rồi nhất loạt bút phê “rối rắm, khó hiểu”. Phải đến vùng đất Phương Nam, cách Kinh thành Thăng Long cả ngàn dặm đường, nhà xuất bản “Văn hóa - Văn nghệ” mới “có con mắt tinh đời” nhìn ra chất ngọc lấp lánh giữa những trang bản thảo.


Âu đó cũng là duyên may. Một cái may nữa là, trước khi đưa in, cuốn sách được PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái đọc thẩm định và viết lời giới thiệu “Lệ rưng rưng cõi truyện ngắn Nguyễn Hải Yến...” với tâm thức của một nhà phê bình văn học liên tài, đã gọi truyện ngắn là “cõi” thì tác giả được xếp vào “cảnh giới” cao rồi...
Quả là nhân bảo như thần bảo. Lời Nguyễn Thị Minh Thái thiêng thật. Nét chữ của bà chưa ráo mực thì ngay sau đó không lâu, “Quán thủy thần” được Giải thưởng Hội Nhà văn và tác giả của nó trở thành hội viên.
“Quán thủy thần” gồm mười truyện ngắn, dày chưa đến hai trăm trang, nhưng tôi dám chắc, cuốn sách này sẽ còn tốn không ít giấy mực của các nhà phê bình. Bởi lẽ, Nguyễn Hải Yến chỉ là một cô giáo giảng dạy bậc trung học cơ sở trường huyện, mãi đến năm 2016 mới chính thức cầm bút viết văn, vậy mà ngay tác phẩm đầu tay đã trở thành một hiện tượng. Đọc truyện của Hải Yến ngoài nhãn quan ra, ta còn phải sử dụng cả thính quan thẩm định âm thanh réo rắt của những con chữ như chàng Kim Trọng ngày xưa thưởng thức tiếng đàn của nàng Kiều.
Cần phải nói ngay, đọc “Quán thủy thần” ta không nên máy móc đi tìm cái gọi là “đề tài” vốn là một trong những nguyên lý bất di bất dịch của hệ thống lý thuyết “văn học hiện thực XHCN” định hướng cho cả người viết và người đọc thứ văn chương đồng phục. Cuốn sách này không có “đề tài” hay nói cách khác, “đề tài” là toàn bộ sự đa dạng, phong phú của cuộc sống, mà ở đó, tác giả ngẫu nhiên sử dụng một vài lát cắt mang tính điển hình ở một thời điểm lịch sử mà thôi.
Cảm nhận đầu tiên khi đọc “Quán thủy thần” là bút pháp của Nguyễn Hải Yến không đồng nhất. Dường như tác giả có hai phong cách khác nhau để viết nên hai loại văn bản khác nhau, mỗi văn bản đều độc lập, khu biệt cứ như thể tác giả có thuật phân thân vậy.
Phong cách thứ nhất, người đọc đễ nhận ra trước hết là yếu tố hài hước xuất hiện ở ngay những trường hợp hoàn toàn nghiêm túc. Tuy nhiên, với Hải Yến, cái hài thường gắn liền với cái bi trong những hoàn cảnh mà nội hàm của nó luôn đem đến cho người đọc những trăn trở, suy ngẫm về cuộc nhân sinh. Kết cấu truyện của “Quán thủy thần” với tư cách là những bi hài kịch, hầu hết được phát triển trên cơ sở hiện thực của đời sống thường nhật. Đó là những thứ vốn có, nhưng không phải ai cũng phát hiện ra. Chỉ những nghệ sĩ có đầu óc tư duy độc lập, luôn nhìn nhận các hiện tượng xã hội bằng con mắt phản biện và nhất là khả năng điển hình hóa cao độ kết hợp với ngòi bút trào lộng mới có thể tái hiện được chân dung muôn màu cuộc sống.
Kịch tính loạt truyện hài hước của Hải Yến thường được xây dựng trên những mâu thuẫn phổ biến giữa các thế hệ trong cùng một gia đình hay một cộng đồng nhỏ đôi khi cách biệt hẳn với xã hội. Mâu thuẫn được đẩy lên cao thành nút truyện có nguyên nhân bởi sự nhận thức khác nhau về các giá trị sống, do trình độ học vấn, tầm vóc văn hóa và sự từng trải của mỗi cá thể quy định. Những xung đột về hệ ý thức càng được đẩy lên cao tại những thời điểm bước ngoặt của lịch sử nhất là vào thời điểm những thang giá trị thay đổi. Nhân vật bà Thao trong “Nhân gian một cõi”, lão Huy Nhớn trong “Giếng mắt rồng”, bác Gái trưởng trong “Hoa đại đỏ” là những nhân vật khá điển hình, đầy tính cách trong bức tranh về nông thôn qua những nét biếm họa sắc sảo mang bóng dáng của một Don Quijote phương đông. Nói là biếm họa bởi bà cụ Thao có khoa chửi cạnh khóe độc nhất vô nhị một ông đội cải cách suốt mười năm ròng mà nhân vật bị chửi không hề lên tiếng. Kỳ lạ hơn nữa, con gái người từng gây ra cái chết oan khuất của cụ Chánh sau hai mươi năm, lại về làm dâu bà Thao. Mọi oán thù đều cởi, và, bà lão “đanh đá cá cày” một thời, giờ còn quý dâu cả hơn nhiều so với cô bác sĩ dâu thứ mà bà vẫn độc mồm gọi là “con thành phố”. Chi tiết phản ánh những thói quen lạc hậu, không chịu chấp nhận cái mới của bà Thao được tác giả gài vào bao giờ cũng tạo ra một thứ tiếu lâm hiện đại khiến người đọc không thể không cười. Chẳng hạn như vụ con trai phát hiện bà mẹ giấu thuốc đầu giường chưa kịp phi tang vì sợ thuốc đắng, hay cũng chính “bệnh nhân” này vu vạ chửi “đứa nào” bôi chất thải vào tay bà. Chưa hết, phải đến cái đận “mất tiền” chân dung bà mẹ chồng “ngoa ngôn” này mới thực sự hoàn thiện khiến cho bất cứ ai đọc cũng phải “vừa tức vừa buồn cười”. “Giếng mắt rồng” cũng là một bi hài kịch khi mà những giá trị bền vững của văn hóa làng quê, những chuẩn mực đạo đức xuống cấp đến nỗi ông bố đẻ phải sợ chính con trai mình vì anh ta làm đến giám đốc sở. Bi kịch của Toản cũng chính là bi kịch của một lớp người vong thân, tôn thờ chủ nghĩa kim tiền chà đạp lên lên luân thường đạo lý.
Với “Nhân gian một cõi”, “Giếng mắt rồng”, hay là “Gió lên thả ngọn đèn trời”, người đọc còn nhận ra một điều, truyện của Nguyễn Hải Yến thường kết thúc có hậu và gắn với luật nhân quả. Bà cụ Thao, người đàn bà tháo vát, bao năm ròng lèo lái con thuyền gia đình qua cơn bĩ cực, nhưng vì khẩu nghiệp quá nặng nên, về cuối đời phải nằm liệt giường, liệu đó có phải là sự báo ứng? Vợ chồng Tuân ở hiền gặp lành, học hành không đến nơi đến chốn nhưng do biết cách làm ăn trên mảnh đất bố mẹ chuyển nhượng, họ mở trang trại chuyên cung cấp thực phẩm cho thành phố. Còn Toản, kẻ cơ hội, tham lam mất cả chì lẫn chài, ngôi biệt thự hắn mua cho bồ nhí chỉ là cái tổ hoang cho tu hú đẻ nhờ. Cũng tương tự như vậy, Thưởng, con trai lão Hớn Móm, một kẻ dốt nát nhưng háo danh “mua” được chức trưởng ban văn hóa xã rồi tha hóa, biến thành gã lưu manh, ngoại tình với cô thư ký ủy ban, định lừa vợ ký vào văn bản chuyển giao tài sản. Thế nhưng, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, cô Thanh ra chiêu độc khiến mọi toan tính của ông trưởng ban tan thành mây khói, tiền đã mất nhưng vẫn phải trả nợ đậy cho thằng con trai máu mê cờ bạc, nếu không sẽ hậu quả khôn lường.
Nhưng chất hài hước đậm đặc nhất trong số truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến phải kể đến “Lục bát về gõ cửa mùa xuân”. “Lục bát về gõ cửa mùa xuân” có thể xem như một tiểu phẩm hài toàn tập, được viết bằng lối tư duy trào lộng nhưng đầy trí tuệ nên hiệu quả thẩm mỹ của nó không chỉ giới hạn ở cái sự gây cười cho công chúng lúc trà dư tửu hậu. Thiên truyện đặt ra vấn đề hết sức nghiêm túc về hiện tượng “rác văn hóa” đang có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường khi mà hiện tượng “người người làm thơ, nhà nhà in thơ” như một thứ “dịch” huyễn hoặc không ít đầu óc bệnh hoạn, tạo ra sự ngộ nhận về giá trị ảo của một lớp người vô công rồi nghề nhưng lại háo danh thích trở thành nghệ sĩ tóc dài buộc túm, để râu, mũ phớt Ăng Lê và áo đũi khuy tàu. Thử hỏi, những sản phẩm như thế này có thể gọi là thơ: “Sáng nay gió thổi bay quần rộng/ Thấy thu về lồng lộng ở bên trong...”. Và đây nữa, một thứ vè dân gian được gia cố bằng kỹ năng ghép vần khá chuẩn: “Quê hương giờ đã đổi thay/ Chuồng gà, hòm thóc đóng ngày đóng đêm/ Một là thu nhập tăng lên/ Hai là danh tiếng càng thêm lẫy lừng”. Chưa hết, thơ của các thi sĩ thuộc câu lạc bộ họ Bành* còn được nâng lên hàng “công nghệ” đọc trong đám ma hay đi thăm người bị tai nạn giao thông: “Hôm nay chân bác bị đau/ Vì thằng xe máy bên cầu đâm sang”. Cái thứ danh hão làm tê liệt lý trí đến mức, ngay cả khi bị hai thằng phóng viên rởm lừa mất trắng chiếc xe đạp điện hay tập bản thảo dày cộp không cánh mà bay, đến nỗi ngã vật ra lên cơn tăng xông, vẫn chưa đủ cho lão Thiểm Sĩ thoát khỏi cơn mê sảng.
Cùng với bối cảnh được dàn dựng đầy kịch tính, Nguyễn Hải Yến sử dụng lớp ngôn từ dân dã nhưng luôn tiềm tàng khả năng gây cười làm phương tiện đặc tả khiến chân dung nhân vật hiển hiện rõ nét như một bức biếm họa kệch cỡm bởi phông “văn hóa lùn” mà lại hết sức tinh tướng. Chẳng cần bình luận, chỉ cần nghe cuộc đối thoại ngắn gọn giữa hai thầy trò ông chủ xe khách về gói bưu kiện bị trả lại là người đọc biết ngay thơ câu lạc bộ đã trở thành rác thải báo hại nhân quần như thế nào: “Sao rồi?”. “Không nhận bác ạ! Bảo là không có người nhận. Tặng lại nhà xe”. “Tặng cái con khỉ! Không nuốt được thì bày đặt tặng!”. “Cái gì thế bác nhỉ?”. “Thơ đấy!”. “Sao bác biết?”. “Lão dở người này năm nào chẳng in mấy tập thơ tặng Tết dọc đường. Năm ngoái năm kia người ta còn nhận. Năm nay chắc chán rồi. May thu tiền cước ngay từ đầu bến. Cho mày đấy! Bán đồng nát đủ bữa sáng”. “Thôi! Cháu mang về cho bố cháu đọc”. “Tôi lạy ông! Bố ông đọc rồi đua theo làm thơ thì ông chết!”. Còn đây là ngôn ngữ của bà vợ Thiểm Sĩ, đặc sệt lời ăn tiếng nói nhà quê nhưng vô cùng ấn tượng: “Bôi vôi vào mồm anh! Ngày xưa, có lần tôi nhỡ phiên chợ chiều, bố con anh ở nhà nuôi nhau, ăn uống sống xít thế nào mà vừa thổ vừa tả, đi như tháo cống. Có hai hôm mà đầu anh choắt lại bằng bát nước chấm, mặt như ngón tay chéo”... Màn hài kịch được đẩy lên đoạn cao trào khi bị mất bản thảo, khổ chủ lăn đùng ra, kế hoạch bốn bước của nhóm Trần phó đổ bể, tác giả vẫn sử dụng những câu văn lấp lửng từ miệng nhân vật vợ Thiểm Sĩ: “Anh về ngay đi! Có chuyện rồi!”. “Có chuyện gì hả mẹ?”. “Nhà mình mất trộm. Bố anh nguy lắm! Nhanh lên, không kịp bây giờ”. Và, cái cách tả nhà thơ “đóng chuồng gà” trong tình trạng “hấp hối” của Nguyễn Hải Yến thì đến “thượng đế cũng phải cười”: “khi phó Trần về đến nơi đã thấy lão Thiểm Sĩ nằm một dúm trên giường, chân thẳng tưng, tay úp bụng, người mềm oặt, thoi thóp tưởng đi đến nơi”...
Với loạt truyện thế sự, bố cục của Nguyễn Hải Yến hết sức chặt chẽ, có lớp lang, tiền hô hậu ứng, không thừa không thiếu. Chính vì thế nó mới có sức mạnh truyền cảm hứng cho người đọc, làm người đọc nhận thức được những giá trị bền vững, nhân bản tiềm ẩn qua mỗi trang văn.
Một điều quan trọng nữa cần phải được làm rõ ở phần này là ngôn ngữ truyện. Cho dù mới gia nhập làng văn, nhưng Nguyễn Hải Yến đã rất có ý thức vận dụng các lớp từ vào bối cảnh cụ thể từng văn bản. Vì thế, bảo rằng tác giả có sở trường về “lời ăn tiếng nói nhà quê” là chưa chính xác. Nếu thế thì, “Phía trước nhà có giàn mơ dại”, “Cây mẫu đơn hoa trắng”, “Dành dành cánh kép”, Và nhất là “Quán thủy thần” được viết bằng phong cách ngôn ngữ nào? Nói cho thật chính xác, tác giả có hẳn một kho từ vựng phong phú lưu trong bộ nhớ, khi cần lập tức “gọi” ra để “văn bản hóa” cốt truyện trong mối tương quan “y phục xứng kỳ đức”.
Với những truyện có bối cảnh làng quê Đồng bằng Bắc Bộ, Nguyễn Hải Yến kết hợp một cách nhuần nhuyễn lớp từ phổ thông với phương ngữ, tục ngữ, thành ngữ tạo nên không gian đối thoại vô cùng sinh động. Ngôn ngữ “nhà quê” ở đây đã được điển hình hóa cao độ mà một trong những thủ pháp ấy là “biến thể” tục ngữ, thành ngữ tạo nên những cấu trúc đăng đối giống như thể loại biền ngẫu trong văn học cổ. Chẳng hạn, với lớp người cao tuổi như bà cụ Thao, lão Huy Nhớn, lão Hớn Móm hay mẹ Trần phó thì ngôn ngữ cửa miệng thường là: “Chị điêu toa vừa thôi! Tổ sư bố đứa nào bôi cứt vào tay bà”, “Cha vạn đời tổ mày... Mày ăn bát cơm hay bát cứt vào mồm mà mày ngu thế...”, “Ối giời ơi! Nó giết tôi rồi!” (Nhân gian một cõi). “Dở cái vả vào mồm anh”, “Tôi lo gở bệnh già”, “Bác cho nó đi ăn cơm thiên hạ hộ chúng em, may nhớn thêm một tí chứ ở nhà người cứ dẹt như cái đóm. Ăn bao nhiêu mọc hết lên tóc” (Lục bát về gõ cửa mùa xuân). “Gớm cái thằng nhà tôi học giỏi giỏi là. Nghỉ hè nó mang bao nhiêu sách về, trông tối sầm cả mắt”, “Ông thử tát tôi một cái xem có đau không? Hình như nãy giờ tôi mê ngủ? Trần đời mới có một thằng ngu như con mình ông ạ!” (Giếng mắt rồng). “Đây này, nhà bằng cái dạng đái mà em bác còn rước về hai con chim, chẳng biết cái giống gì, kêu choen choét, lồng treo giữa cửa, đi không tránh khéo, cứt chim ỉa đầy đầu”. Còn đây là ngôn ngữ đặc tả nhân vật: “Nhưng lạ nhất là hai cái mắt. Nó không mọc bên sống mũi như người ta mà đậu chệch sang bên hai mang tai, kéo cái mặt bành ra theo chiều ngang” (Giếng mắt rồng). “Chỉ vài câu đưa đẩy, hai bên đã quý hóa nhau ra mặt, còn cho nhau cả số điện thoại”, “Mỗi lần thấy bóng mụ Tẹo là mặt xám như gà toi, tránh như tránh tà, lủi nhanh hơn cuốc chui bờ dậu” (Hoa đại đỏ).
Tuy nhiên, các lớp từ, ngữ thật ra mới chỉ là vật liệu thô, vấn đề quan trọng với người cầm bút lả biến nó thành sản phẩm tinh luyện. Với Nguyễn Hải Yến, tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ cho dù đã định hình trong dân gian, vẫn có khả năng chuyển hóa kết hợp với sự đăng đối làm người đọc sửng sốt bởi những cảnh ngộ bi hài: “chồng cao chồng thấp, sách mỏng sổ dày”, “lờ đờ như gà cúm”, “người nhà quê đồ lề thành phố”, “con vợ vén môi lên tận mũi”, “chạy đông chữa tây, thang nam thuốc bắc”, “tường phèn trơ lõi ba banh, xà ngang xà dọc, rui trên mè dưới mọt mẹ mọt con kẽo kẹt như đưa võng”, “Mả tổ táng hàm chó, gặp cơn gió cất vó về hàm rồng. Cả đời lông bông, về già còn bày đặt”, “nay xuôi mai ngược, trong nước ngoài biên”, “lơ ngơ như bò tơ đội nón”, “Cục nợ này nặng ngót bảy mươi ký”, “ấm ớ vớ huy chương”, “Vợ rau cỏ lúa má đằng vợ, con học hành đằng con”, “quần xắn áo túm, tóc rối đầu bù”, “đít ở dưới đất mồm cất lên giời”, “áo dính cứt gà, quần bôi phân lợn”...
Đặc trưng thứ hai ở truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến là phong cách huyền ảo được viết trên cơ sở chất liệu huyền thoại phảng phất yếu tố liêu trai. Nếu như chuỗi truyện ở phần đầu có bố cục mạch lạc, rõ ràng theo trình tự thời gian tuyến tính, đôi chỗ chen những đoạn hồi tưởng thì với “Phía trước nhà có giàn mơ dại”, “Cây mẫu đơn hoa trắng”, “Quán thủy thần” và “Dành dành cánh kép”, cấu trúc văn bản khá rối, đôi chỗ mơ hồ, khó có thể “kể lại” theo trình tự quy ước.
Huyền thoại của Nguyễn Hải Yến khá đa dạng, mỗi truyện có một kiểu cấu trúc văn bản khác nhau, nội dung khác nhau nhưng lại cùng chung ngôn ngữ diễn đạt. Một trong những điểm khác biệt ở phong cách “Quán thủy thần” là không gian truyện luôn nhập nhòa mờ ảo giữa hư và thực. Với Hải Yến, nó không còn là đại lượng vật lý mà đã biến thể thành không gian tâm lý, tuy vẫn hữu hình nhưng vô thủy vô chung. Ở “Phía trước nhà có giàn mơ dại”, cả không gian và thời gian hầu như đã không còn tồn tại như những khái niệm về định tính cũng như định lượng. Hai thế giới âm dương ngẫu nhiên giao cắt tạo nên cuộc gặp mặt giữa anh lái xe đầu kéo và hồn ma cô gái nghèo đã chết vì một tai nạn giao thông. Cô gái được mai táng ở chùa Hà từ một năm trước. Có lẽ bởi linh hồn chưa siêu thoát nên vẫn cứ lẩn khuất chốn dương gian vào những đêm trời âm u. Và cũng chính vì còn duyên nợ với cõi trần bụi bặm nên oan hồn lấp lửng khiến cho anh lái xe hoài niệm một cuộc tình: “trái tim đang bình an bỗng dưng lỡ nhịp khi bắt gặp ánh mắt trong thăm thẳm nhưng buồn hoang hoải như nước đầm Mực quê anh lúc vào thu”.
Cấu trúc văn bản huyền thoại của Hải Yến không bao giờ liền mạch mà luôn đứt nối như là những mảnh ghép của hai thế giới âm dương. Truyện “Cây mẫu đơn hoa trắng”, thậm chí còn được được tác giả khai thác như một huyền thoại đậm chất ma quỷ mà phía sau nó là tội ác của những vị khách không mời vốn là kẻ thù truyền kiếp từ cả ngàn năm nay.
Ngay từ đầu, bối cảnh và không gian truyện cũng đã khiến cho những người yếu bóng vía lạnh sống lưng bởi cái nền nhà hoang và không gian toàn âm khí: “Giữa khung, qua khoảng xám bạc đất vườn, qua một khúc đường đồng ven mương um chuối dại là trọn vẹn khối sẫm im lìm, bốn mùa thẫm đen như bóng tối - bóng cây đa phủ xuống một cái gò lớn toàn mây nếp, gai chồng gai, cợp lên thành lũy - Gò Đống Móc”. Nếu như cô bé - người kể chuyện và bác Tùy, một nhân vật đầy cá tính, tuy nhiều tuổi nhưng vẫn thích trò chơi ô ăn quan thuộc về phần Người thì cây mẫu đơn hóa trắng, Gò Đống Móc và cô bé bị yểm trong ngôi mộ Tàu được xem là Ma. Thế nhưng, hai cô gái này cùng với cây mẫu đơn hình như vẫn chỉ là một trong chuỗi những sự kiện lạ mà điểm bắt đầu là cái gò đất bí hiểm mọc đầy dây mây. Giấc ngủ của cô bé dưới ánh trăng liệu có phải chỉ là ảo giác khi lại nhìn thấy chính mình trong hoàn cảnh bị bán làm con nuôi cùng với những toan tính chấp nhận giữ của cho gia đình mình chứ không phải vì vợ chồng người Tàu kia? Hình ảnh bác Tùy, khăn gói trên vai cùng với bài đồng dao “Hàng trầu hàng cau/ Là hàng con gái...” đi tìm người anh trai cho cô bé chơi ô ăn quan khép lại thiên truyện như một khúc vĩ thanh gieo vào tâm hồn người đọc những cảm xúc bùi ngùi, thương cảm cho một kiếp người.
Cũng với tinh thần huyền thoại phảng phất màu liêu trai nhưng không gian “Quán thủy thần” được hình thành ở một vùng sông nước gắn với những “cổ mẫu” như bến sông, cầu quán, con đò và vực sâu luôn tiềm ẩn nguy cơ đổi dòng. Cái lõi của câu chuyện là bi kịch tình yêu được tác giả khai triển trong mối quan hệ khá phức tạp giữa người con gái thủy thần, chàng ngư phủ, cô con gái của họ và vị thủy thần từ thượng nguồn về. Với những người này, cái chết đã được báo trước vì phạm luật trời. Rất khó có thể tìm được cái gọi là “hợp lý” theo kiểu logique tam đoạn luận trong những truyện như thế này. Khi đọc, ta phải tiếp nhận nó bằng cảm quan tâm lý, thậm chí phải chuyển đổi hệ thẩm mỹ qua khuynh hướng Hậu hiện đại. Nó có thể vô lý với trực giác nhưng lại hữu lý với linh giác. Truyện được phát triển trên nền tảng một không gian lãng đãng nửa thần tiên nửa ma quái bằng thứ ngôn ngữ huyền ảo với hàng loạt câu văn mở rộng thành phần, khiến người đọc ngỡ mình như đang trong giấc chiêm bao: “Cây gạo rùng mình, buông một tầng hoa phủ kín vạt đất mềm dưới gốc. Đêm mẹ tôi dừng ở bến, dòng đang tĩnh bỗng duềnh lên, cửa sông vốn rất hiền bỗng dựng lên thành vách mở ra một xoáy nước rộng và sâu hun hút, réo ồ ồ từ trong lòng thẳm như tiếng âm binh”. Văn của “Quán thủy thần” đẹp và buồn như tâm hồn người phụ nữ đa sầu vì lỡ một chuyến đò chiều: “Đôi khi tạnh nắng còn nằm nghe sông hát rồi ngủ quên dưới gốc gạo già. Lúc bừng mắt dậy chỉ thấy còn mình giữa nhập nhoạng mênh mông. Dòng trước mặt thẫm lại, đẩy bãi bờ ra tít tắp. Cánh đồng sau lưng dâng lên theo sương, im lặng đỡ mảnh mai một vệt khói chiều. Mẹ đã dọn hàng về, nổi lửa rơm nhóm bếp - nhóm một dải xanh lơ nối đất với trời”.
Cùng được xếp vào nhóm truyện mang màu sắc huyền thoại pha lẫn âm hưởng liêu trai như “Phía trước nhà có giàn mơ dại” hay “Cây mẫu đơn hoa trắng” nhưng “Dành dành cánh kép” có bố cục phức tạp hơn nhiều, nếu không đọc kỹ khó có thể nhận diện được ý tưởng của tác giả.
Đành rằng, tư duy hình tượng khác với tư duy logique, nhưng ở “Dành dành cánh kép” Nguyễn Hải Yến đã đưa người đọc vào thế khó khi mà trong cùng một câu chuyện chị đã sử dụng đến vài ba văn bản chồng lấn nhau như một thủ pháp nghệ thuật của khuynh hướng sáng tác phi hiện thực. Ở truyện này, nếu như có một nhân vật trung tâm thì đấy chính là cô gái có thân phận liên quan đến cây dành dành cánh kép bên sông. Những nhân vật khác như vợ chồng người thư sinh nghèo kéo vó bè, bà cụ già cưu mang hai đứa trẻ và chàng viện trưởng bất chợt về thăm bến sông xưa đều lần lượt xuất hiện không cùng một mốc thời gian. Thời gian của truyện đã bị “huyền thoại hóa” không thể đo đếm được bằng đại lượng, cũng như không gian của truyện cũng là sự nhập nhòa giữa hai thế giới âm dương. “Cô gái dành dành” - người kể chuyện, cũng là đứa trẻ bị bỏ trong chiếc thuyền thúng nhỏ bên sông, có năng lực ngoại cảm và bà lão đã nuôi nấng mình thực ra đã thành người thiên cổ. Sự việc kỳ lạ xảy ra ở ga Sài Gòn về người con gái cùng “cái chấm xanh của một avatar hình bông hoa cánh kép” và câu nói “Có nhìn thấy em không?” đã trở thành một tín hiệu khó giải thích để người con trai, cũng là trẻ mồ côi hồi tưởng những ngày thơ ấu cùng nhau chơi chọi gà...
Từ hình ảnh cái vó bè trên bến vắng cùng với câu chuyện bi thảm về người vợ chàng thư sinh bị nước lũ cuốn trôi đến chàng viện trưởng, sau thi thành đạt quên mất bến sông xưa, quên cả người con gái đang mỏi mắt mong chờ, đều được tác giả diễn giải bằng bút pháp nửa hư nửa thực như là cố tình dẫn dụ người đọc vào ma trận sông mê bến lú. Và, cái chi tiết chàng trai không hề biết lối tắt ở con phố về nhà mình đó chẳng phải là dấu hiệu cho thấy, anh ta giống như một hồn ma?
Phải nói, văn của “Dành dành cánh kép” đẹp huyền ảo, lung linh như chính câu chuyện được người con gái bên sông ghi lại. Văn ấy, mỗi khi đọc lên, làm người ta thấy tâm trạng xốn xang, bởi nó diễn đạt được những cung bậc tình cảm con người lúc vui cũng như lúc buồn.
Có thể nói, “Quán thủy thần” là một tập truyện mới lạ được viết bằng hai phong cách khác nhau, nhưng phong cách nào tác giả cũng thể hiện được nét tài hoa và tính chuyên nghiệp của một nhà văn có trình độ học vấn cũng như tầm văn hóa đáng nể. Giải thưởng Hội Nhà văn đã là một sự ghi nhận cho sự thành công, nhưng điều đáng trân trọng hơn cả là những thiên truyện của chị đã và đang làm thổn thức tâm hồn người đọc.
Chí Linh, 02/02/2020
Đ.V.S.
Chú thích:
*Tức Bành Thông, từng là chủ tịch Câu lạc bộ thơ Việt Nam đình đám một thời