Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Người tình khói sương

Tạp bút T.Vấn


clip_image002

Họa phẩm Marynka Smoking (1980) của họa sĩ người Mỹ Ronald Brooks Kitaj
1
Khúc dạo đầu của một cuộc chia tay
Sau gần ba mươi năm hút thuốc lá (kể cả gần mười năm hút thuốc lào trong trại cải tạo), với trung bình một ngày một gói, tôi đã bỏ hút. Lý do bỏ khá bất ngờ và đơn giản. Đứa con gái nhỏ năm tuổi thấy tôi vừa ra ngoài vườn hút thuốc xong, bước chân vào đến cửa là ho sặc sụa. Nó nói sao bố không bỏ hút thuốc đi. Bố sẽ chết sớm nếu bố cứ tiếp tục hút thuốc. Câu nói này nguyên văn là từ cửa miệng bà cụ thân sinh ra các con tôi. Và cũng chẳng phải là lần đầu tiên con tôi lặp lại lời nói của mẹ. Nhưng lần này thì khác. Nhìn con qua những dòng nước mắt (chảy vì ho) và nỗi khó chịu ở trong cổ, tôi chợt nảy ý định: Hay là mình thử bỏ thuốc? Và ý nghĩ cai thuốc lởn vởn mãi trong đầu tôi suốt cả một buổi sáng. Tôi vẫn còn mấy gói thuốc nguyên chưa hút hết. Bỏ cả thì uổng quá. Vả lại, nếu để đó thì khi cơn ghiền lên lại chịu thua vì thuốc vẫn còn sẵn trong tầm tay. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu đã không kềm chế được cơn ghiền thì dù thuốc không có sẵn ở trong nhà, tôi chỉ cần vài phút lái xe là có thể mua thuốc tại bất cứ trạm bán xăng nào trong thành phố.
Còn nhớ một lần, đang trên đường đi làm, giữa xa lộ nườm nượp xe cộ, sắp tới chỗ exit để đến sở làm, tôi bỗng sực nhớ là đã bỏ quên gói thuốc ở trên bàn ăn. Cái sực nhớ ấy đã làm tâm thần tôi bấn loạn. Chưa bao giờ tôi ra khỏi nhà mà không có gói thuốc trong người. Chỉ còn khoảng mười lăm phút nữa là tới giờ làm việc. Tôi không có đủ thì giờ để ghé lại một trạm xăng mua thuốc. Nếu không mua, làm sao tôi có thể chịu đựng hơn tám tiếng đồng hồ liên tục không có thuốc lá. Mãi hoảng hốt với ý nghĩ liệu có thể ghé đâu để mua thuốc mà vẫn kịp giờ vào làm, suýt chút nữa tôi đã gây tai nạn. Tôi thản nhiên sang lane để xuống exit mà không ngoái đầu nhìn lại để thấy có một chiếc Sport đang trờ tới với tốc độ khá nhanh. May mà tiếng kèn xe đã làm tôi tỉnh thức và kịp thời bẻ tay lái về bên trái. Tôi nhận được một ngón giữa đỏ chót với nét mặt hầm hầm của cô gái Mỹ trẻ đẹp lái chiếc Sport. Và tôi vẫn có thì giờ liếc thấy bàn tay phải của cô cầm điếu thuốc lá đang đỏ.
clip_image003
Cuối cùng tôi cũng đủ nhanh nhẹn để xoay sở mua được gói thuốc lá từ một tiệm Grocery gần đó và vào sở làm chỉ trễ có vài phút. Xem thế thì biết, khi đặt vấn đề cai thuốc, đầu tiên phải đặt câu hỏi: Mình có thắng mình được không? Lúc ấy, tôi không có câu trả lời quả quyết. Tôi chỉ nghĩ đến lúc mình thua cuộc trước mặt con mình. Nỗi xấu hổ với vợ tôi thì không nhiều lắm. Vì vợ tôi đã chứng kiến tôi thua cuộc nhiều lần. Kể cả những thua cuộc thầm kín. Còn nỗi xấu hổ với chính mình. Dường như, với tôi cũng không thành vấn đề cho lắm. Vì tôi đã quá quen thuộc với “cái tôi chẳng nên trò trống gì” rồi. Nhưng với đứa con gái năm tuổi thì khác. Nó coi tôi như thần tượng. Trong trí óc non nớt của con tôi, không có chỗ cho cái “không thể” của bố nó. Tôi mường tượng câu hỏi ngây thơ của con một khi tôi thử cai thuốc nhưng thất bại: Tại sao bố KHÔNG THỂ bỏ thuốc được hả bố? Tôi sẽ trả lời sao với con?
Và tất nhiên, tôi không muốn phá đổ thần tượng của con tôi. Tôi tự hỏi mình câu hỏi khó nhất trong đời: Liệu mình có bỏ thuốc được không?
Nhưng trước hết, tại sao lại phải bỏ hút thuốc? Tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi này và chưa bao giờ có được câu trả lời đầy đủ.
Trong tâm tư tôi khi ẩn khi hiện một mối tình… rất đẹp.
2
Ba mươi năm tình lận đận
Thuốc lá là người tình khói sương thân thiết của tôi đã ba mươi năm. Chúng tôi chưa hề rời xa nhau, phụ rẫy nhau dù một ngày. Kể cả những lúc tôi đói nghèo, quần áo một bộ, cơm ăn một bữa. Thuở ban đầu lưu luyến ấy, nàng mặc áo màu xanh – màu xanh Bastos – nằm chễm chệ bên ly cà phê phin đậm đặc, trong quán cà phê nhỏ chung cư Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn với cô gái thâu ngân có nét đẹp liêu trai của các nhân vật trong truyện Bồ Tùng Linh. Đôi mắt cô to, mái tóc bới cao. Trông cô giống hệt đào cải lương Mỹ Châu nổi tiếng lúc bấy giờ của Sài Gòn cuối thập niên sáu mươi. Hình như, đối với tôi (và những người bạn cùng trang lứa thuở ấy), gói thuốc lá Bastos xanh và ly cà phê phin đậm đặc làm cho tôi có nam tính hơn dưới mắt cô.
Ngày tháng và những mùa thi nối đuôi nhau đến rồi nối đuôi nhau đi. Hằng đêm, chúng tôi – tôi, gói thuốc Bastos xanh, ly cà phê đậm đặc và cô thâu ngân của quán cà phê chung cư – vẫn ngồi đó, nhìn nhau. Cho đến một hôm, cô gái không còn ngồi ở chỗ hằng đêm cô vẫn ngồi nữa, mà thay vào đó một cô gái khác, khá lớn tuổi hơn. Tôi cũng bỏ chỗ hằng đêm tôi vẫn ngồi để đến một chỗ khác. Vì những mùa thi đã chấm dứt với tôi, tôi không cần những ly cà phê phin đậm đặc nữa, thay vào đó là ly sữa ngọt nóng bỏ vào đó một chút cà phê đắng lạnh. Còn người tình khói sương mặc áo Bastos xanh? Vẫn là nàng an ủi tôi cho hết chuỗi ngày… phiền muộn vì thất tình cô gái thâu ngân quán cà phê không tên ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật.
Rồi chiến cuộc ngày một trở nên ác liệt. Cùng với những chàng trai cùng trang lứa, chúng tôi – tôi và người tình khói sương (làm sao mà thiếu vắng nàng cho được) – giã từ bút nghiên lên đường nhập ngũ. Lúc này, nàng hiện thân là những Pall Mall, Lucky Strikes, Winston, Salem… Có những câu thơ rất ngộ nghĩnh dựa trên tên của nàng được truyền tụng rộng rãi trong giới lính tráng chúng tôi. Chẳng hạn như: Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu (Pall Mall), Sao Anh Làm Em Mệt, Mà Em Làm Anh Sướng (Salem), hoặc Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng, Nặng Áo Thư Sinh Phụ Áo Chàng (Capstan). Dù nàng mang bất cứ tên gì, bao giờ nàng cũng ở bên cạnh tôi chứng kiến những nhọc nhằn hiểm nguy của đời lính. Cùng với người tình khói sương, tôi băng rừng vượt núi, vào sinh ra tử, hãnh diện làm nhiệm vụ của người trai thời ly loạn.
Rồi cuộc chiến chấm dứt một cách tức tưởi. Và những năm tháng tù đày. Từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Bên cạnh tôi vẫn là người tình khói sương yêu dấu ấy, dẫu cho nàng có hiện thân dưới hình dạng xấu xí của thuốc rê, thuốc lào hay lá tàu bay phơi khô thái mỏng tẩm nước thuốc lào hay nửa phần khoai mì lát đổi lấy sáu con ruồi sơ sinh (từ này không có trong Từ điển Việt Nam trước năm 75, có nghĩa: thuốc lào được vê thành từng phần hút nhỏ bằng hạt đậu đen trông giống như con ruồi mới từ dòi lột xác) đều vẫn không làm phai nhạt nỗi đam mê sặc sụa của tôi với khói sương. Nhưng mãi đến những năm tháng này, tôi mới thực sự nhận chân và đánh giá đúng sức hấp dẫn và ảnh hưởng của khói sương đối với những kẻ say mê nàng. Có người đã bán rẻ phẩm cách cũng chỉ vì không cầm cự nổi nỗi nhớ nhung khói sương. Có người thân tàn ma dại vì đã đem cả phần ăn chết đói của mình hàng ngày đi đổi lấy chút khói nhớ nhung. Trong bất cứ lá đơn xin quà gởi về nhà từ trại cải tạo, trong phần liệt kê hàng hóa, tên của nàng bao giờ cũng được nhắc đến đầu tiên và gạch đít nhiều lần: một ký thuốc rê Gò Vấp, bốn bánh thuốc lào 888 loại 250g một bánh hoặc sang hơn nữa là thuốc lá thơm Samit…
Rồi đến những ngày lang thang vất vưởng ở Sài Gòn. Những ngày người tình khói sương bị đày đọa thành những Mai, những Đà Lạt, những gói thuốc quấn tay đủ loại bởi những thằng chết đói cũng như tôi. Tôi vẫn ngày ngày cùng nàng gắn bó bên những quán cóc vỉa hè bụi bặm, bên những ly cà phê bắp rang chát ngắt, bên những xị ruợu Cây Lý uống vào đái ra máu, bên những thân phận bạn bè cũng chẳng khá gì hơn, bên những câu chuyện về một nước Mỹ hào phóng, bên những câu chuyện về những chuyến vượt biên nhưng không bao giờ có đủ một chỉ vàng chung trước cho chủ tàu, v.v và v.v.
Và rồi, hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai. Một buổi trưa nóng chảy mỡ và nồng nặc hơi người của phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi áo lớn quần dài cà vạt chỉnh tề bước chân lên máy bay để hân hoan làm một kiếp lưu vong nơi đất khách quê người. Đồng thời cũng hân hoan vĩnh biệt những Mai, những Đà Lạt, những gói thuốc quấn tay vụng về – những dấu tích của một chuỗi ngày khốn khổ – để hân hoan chào mừng những ngày sắp tới no đủ những Ba số 5, những Pall Mall, những Lucky Strikes, những Malboros, những… Lúc này đây, thuốc lá được mua từng cây chứ không phải từng gói.
Những tưởng rằng thời oanh liệt của người tình khói sương là đây.
3
“Cái… hút ngày nay đã hỏng rồi”
Nhưng nỗi hân hoan kéo dài không bao lâu. Nước Mỹ có thể là đất của những cơ hội cho tất cả mọi thứ ngoại trừ thuốc lá. Mỉa mai thay, nước Mỹ lại là nơi tọa lạc của hãng thuốc lá lớn nhất thế giới, Phillips Morris. Người hút thuốc lá ở Mỹ bị làm khó đủ điều. Họ bị cấm không được hút thuốc ở những nơi công cộng, sở làm, trong quán ăn, quán cà phê, trên máy bay, trong xe bus. Về nhà, họ bị vợ (hoặc chồng) cấm (hoặc tự họ cấm) không cho hút thuốc ở trong nhà. Mỗi khi mối sầu tương tư sương khói trở giấc là họ phải ra ngoài vườn, trước cửa nhà hoặc nhà để xe, bất kể thời tiết nóng hay lạnh, tuyết hay mưa, hay bão táp. Nếu không thì chỉ có nước nhịn.
Ôi đau xót thay cho những mối tình khói sương nơi Mỹ quốc. Thế mới biết, cuộc đời chẳng cho ai được niềm vui trọn vẹn. Luôn luôn có một điều gì đó trắc trở. Và tôi cũng không là một ngoại lệ. Ngay chính vợ tôi cũng phải thú nhận rằng, khi xưa, lúc còn ở Việt Nam, nụ hôn tuyệt vời là nụ hôn có mùi thuốc lá, nhất là thuốc lá thơm mua lẻ từng điếu và hình ảnh nam tính nhất phải là hình ảnh điếu thuốc kẹp tay tì lên chiếc cằm cương nghị với khuôn mặt lẩn khuất sau màn khói thuốc trắng nhạt. Và sau mỗi lần chúng tôi yêu nhau, nàng lại gắn lên môi tôi điếu thuốc lá thơm – mà nàng đã mua sẵn và giấu ở đâu đó từ bao giờ. Để rồi, cả hai chúng tôi, kẻ hút người ngửi, lim dim tận hưởng những dư vị của loài dã thú khi yêu nhau. Vậy mà giờ đây, hết vợ đến con chê miệng bố hôi mùi thuốc quá. Đến sở làm tám tiếng, có được mười lăm phút nghỉ giữa giờ thì mất hết mười phút chạy từ chỗ làm ra ngoài chỗ quy định cho hút thuốc và chạy về lại. Chỉ còn năm phút vừa hút thuốc vừa ăn vội miếng snack cho đỡ đói lòng. Ngày xưa, gói thuốc hộp vuông bao giờ cũng có một vị trí trang trọng ngay trên ngực áo. Gói thuốc càng đắt tiền càng làm “tăng giá trị” của người hút nó. Ngày nay, gói thuốc phải được cất ở chỗ kín đáo. Ít người thấy, ít người biết.
Hút thuốc, giờ đây trên đất Mỹ, như một tội tình.
Cái hút ngày nay đã hỏng rồi.
Mười người xưa hút, chín người thôi”
4
Lời tạ tình cho em
clip_image004
Chưa bao giờ, trong ba mươi năm sương khói, mối tình chung thủy của tôi với người đẹp khói sương, phải trải qua giai đoạn thử thách oan nghiệt như bây giờ. Bỏ nàng ư? Cuộc đời còn có niềm vui nào khác đâu mà từ với bỏ. Tiếp tục cuộc tình duyên ba mươi năm ư? Ái ân gì mà lúc nào cũng vụng vụng trộm trộm như đôi gian phu dâm phụ. Còn đâu cái dáng vẻ sảng khoái của một chiều xưa tóc bời lộng gió, điếu thuốc trên môi mắt đăm đăm nhìn về phương trời vô định, mơ ngày mai pháo rộn đường vui?
Cuối cùng, sau nhiều ngày đêm trăn trở, vật vã, tôi đã hoàn tất xong bức tuyệt mệnh thư gửi đến người tình 30 năm có lẻ:
Em yêu dấu,
Ngàn đời vĩnh biệt em, người tình khói sương của ba mươi năm ân ái mặn nồng. Xin em nhận những lời tạ lỗi chân thành nhất từ trái tim đã bao phen đau đớn, khó thở vì nỗi đam mê em ngự trị. Nhưng dẫu đau đớn tôi nào dám hờn giận gì em, hay đoái hoài gì đến cuộc đời bỏ đi của chúng ta. Tôi mang tiếng phụ tình cũng chỉ vì lòng thương con quá bao la. Em đã sống với tôi hơn ba mươi năm. Quá đủ cho một đời người ngắn ngủi. Xin hãy nhường phần đời còn lại của tôi cho con tôi, đứa con gái bé bỏng cần cha như cần hơi thở. Mai sau, nếu có (bao giờ) gặp lại nhau, xin hãy xem nhau như hai người xa lạ. Nếu tôi có yếu lòng, muốn được hôn đôi môi trong trắng thơm mùi thuốc lá của em, dù chỉ một lần, xin hãy vì con tôi mà thẳng tay từ chối. Hệ lụy cuộc đời nhiều lắm em ơi. Tôi không muốn mãi mãi lún sâu vào hệ lụy em thêm một lần nào nữa.
Ơi người tình khói sương một thời yêu dấu!
Vĩnh biệt!
Mỹ Quốc, một ngày ảm đạm.
(Viết 1996, hoàn chỉnh lần cuối cùng 2020, để kỷ niệm 24 năm chia tay người tình khói sương).


Lời thưa:
1. Kẻ hậu bối xin dập đầu tạ tội với tiền bối Trần Tế Xương vì tội dám “nhại” bài thơ lừng danh của tiền bối. Thiết tưởng, tiền bối hẳn cũng đã từng nặng nợ với “người tình thuốc lào” nên sẽ hào sảng khoát tay “Chuyện nhỏ: ta cũng đã từng bỏ thuốc cả trăm lần.”
Dưới đây là nguyên văn bài thơ Cái học nhà nho của cụ Trần Tế Xương:
Cái học nhà nho
Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi.
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa tư lương nhấp nh
m ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi.
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ?
Trình có quan tiên thứ chỉ tôi.
2. Những bức hình sử dụng để minh họa trong bài có nguồn gốc từ thế giới ảo mênh mông, nơi người ta hay bảo “muôn sự của chung”. Dù sao, cũng xin có nhời xin phép và đội ơn tác giả những bức hình đó.