Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 13)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm
Dịch: Phạm Nguyên Trường
Tiểu sử Fidel V. Ramos, Tổng thống Philippines giai đoạn 1992–1998
Fidel Ramos là sĩ quan chuyên nghiệp, từng giữ những chức vụ cao trong quân đội và cảnh sát dưới chế độ độc tài kéo dài khá lâu của Ferdinand Marcos - một người họ hàng xa xôi của ông - đã cai trị đất nước bằng thiết quân luật từ năm 1972 tới năm 1986. Ông được đào tạo tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, ngoài ra, ông còn bảo vệ thành công bằng thạc sĩ về xây dựng dân dụng tại trường Đại học Illinois (University of Illinois). Ramos phục vụ trong quân đội Philippines và đã tham gia hoạt động quân sự ở Triều Tiên và Việt Nam. Vai trò của ông trong quá trình chuyển hóa ở Philippines bắt nguồn từ địa vị cá nhân của ông trong quân đội Philippines; từ sự ủng hội kịp thời của ông đối với bà Corazon ( “Cory”) Aquino và phong trào quyền lực của nhân dân, tức là phong trào xuất hiện trong các cuộc biểu tình năm 1986 nhằm chống lại chế độ Marcos đang ngày càng trở thành áp bức hơn và tham nhũng hơn; từ những mối quan hệ chặt chẽ của ông với Mỹ, đặc biệt với Lầu Năm Góc, nơi ông được người ta gọi là “Eddie kiên định” và uy tín của ông trong cộng đồng doanh nghiệp Philippines.
Giai đoạn đầu, là tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang và sau đó là bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Aquino, tướng Ramos hoạt động đằng sau hậu trường nhằm dập tắt một số vụ âm mưu đảo chính quân sự chống lại bà này. Ông được Aquino chỉ định là người kế vị và được bầu làm tổng thống năm 1992 chỉ với 24% số phiếu bầu trong cuộc tranh cử gồm 7 ứng viên, nhưng bằng các chương trình phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng, ví dụ, xây dựng nhà máy điện mới nhằm chấm dứt tình trạng cắt điện thường xuyên ở Manila, ông đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ của dân chúng. Ramos ân xá cho cả những người lãnh đạo các cuộc đảo chính quân sự, bãi bỏ luật chống lật đổ chính quyền ban hành năm 1981 và do đó, hợp pháp hóa đảng Cộng sản, và lôi kéo được cả Cộng sản lẫn quân nổi dậy Hồi giáo tham gia vào tiến trình chính trị. Ông cũng tự thích nghi với nền chính trị mang tính ô dù truyền thống ở Philippines, đồng thời tôn trọng tính chính danh về mặt văn hóa của các thiết chế dân chủ của đất nước. Philippines đã tổ chức các cuộc bầu cử cạnh tranh và nói chung là công bằng, với sự luân phiên các cơ quan cai trị, mặc dù chẳng có mấy thay đổi trong cơ cấu chính trị quả đầu làm nền tảng cho nó, các đảng và các thiết chế chính trị đều yếu, tham nhũng tràn lan. Một số người Philippines phê phán sự khoan dung của Ramos đối với tham nhũng và thái độ bất phục tùng của giới quân nhân, và cho gia đình Marcos và những nhóm đầu sỏ chính trị truyền thống khác quay lại chính trường. Nhưng hầu hết người Philippines tin tưởng Ramos vì ông đã làm giảm được nạn bạo lực chính trị ở trong nước, củng cố các tiến trình dân chủ đã được khôi phục dưới thời Cory Aquino, và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đã mạnh mẽ của đất nước.
Phỏng vấn tổng thống Fidel V. Ramos
Những nỗ lực nhằm xây dựng nền quản trị dân chủ ở các nước với quá khứ độc tài đang diễn ra trên khắp thế giới. Nhân dân ở những nước này có thể học được gì từ kinh nghiệm của Philippines?
Người dân ở Trung Đông và Bắc Phi có muốn nghe không? Họ có cách suy nghĩ của mình và nền văn hóa của mình. Nếu bạn nhìn vào Syria hiện nay và trước đó là Libya và Ai Cập, họ không thể học được “những bài học” của chúng tôi chỉ trong 24 giờ. Họ vẫn đang phải vật lộn với những vấn đề của mình.
Ở Philippines, chúng tôi đã làm cho chế độ thay đổi trong vòng bốn ngày, một cách hòa bình. Không ai bị giết. Chúng tôi cố gắng ghi lại điều này vì lợi ích của chính chúng tôi ở đây. Những người kế vị luôn luôn phải xây dựng từ những bài học mà họ học được và những thành công (và thậm chí là thất bại) của những người tiền nhiệm. Đó là điểm nhấn của những việc mà tôi đang cố gắng làm ở Quỹ Phát triển Fidel Ramos. Sản phẩm chính của chúng tôi là chương trình in sách. Sau khi thôi chức tổng thống, tôi tự nhận trách nhiệm là viết về kinh nghiệm của mình, càng nhiều càng tốt hoặc tìm sự giúp đỡ của bạn bè để ghi lại những kinh nghiệm đó vì lợi ích của thế hệ trẻ.
Lãnh đạo
Rất khó nén tất cả những điều này thành một viên thuốc con nhộng, nhưng nền quản trị tốt và ban lãnh đạo sáng suốt phải là hàng nội địa, bởi vì những thứ này không thể thuê người ngoài làm được. Tôi không thể nhập khẩu Mahathir [Thủ tướng giai đoạn 1981-2003] của Malaysia về điều hành chính phủ Philippines, ông ta cũng không thể nhập khẩu tôi. Tôi cũng không thể nhập khẩu Patricio Aylwin [tổng thống giai đoạn 1990-1994] từ Chile về được.
Nguyên tắc chung là nền quản trị tốt và ban lãnh đạo sáng suốt hay lãnh đạo có con mắt nhìn xa trông rộng, dẫn đường tiến phía trước với một tầm nhìn ít nhất là 25 năm. Chúng tôi không thể làm tất cả những việc cần làm trong nhiệm kì tổng thống Philippines kéo dài 6 năm hay hai nhiệm kì kéo dài 8 năm nếu tổng thống Mỹ tái đắc cử. Nhiệm kì như thế là quá ngắn, không thể làm được tất cả những việc cần phải làm. Phải hình dung, năng động và giàu trí tưởng tượng, và có kế hoạch cung cấp nước, cung cấp điện, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, v.v. Nhà lãnh đạo trong giai đoạn chuyển hóa là phải như thế - đấy là người có thể truyền cảm hứng cho nhân dân bằng tầm nhìn của mình để người ta tiến hành “công cuộc chuyển hóa, táo bạo”[1]. Họ có thể biến các cuộc khủng hoảng thành “bước ngoặt trong đời sống của dân tộc”[2].
Đấy là cách nghĩ của tôi vì tôi có chân trong chính phủ từ năm 1946. Tôi phục vụ chính phủ từ khi còn là thiếu sinh quân ở Học viện Quân sự Mỹ, là người đại diện của Philippines, lúc mới 18 tuổi. Đó là thời kì chiến tranh khốc liệt. Khu vực phía nam Manila bị tàn phá hoàn toàn, do quá trình giải phóng thành phố do quân Nhật chiếm đóng và tất nhiên là bị quân Đồng minh (đặc biệt Mỹ) và du kích người Philippines tấn công. Đấy là khởi đầu sự nghiệp phục vụ xã hội của tôi. Tôi ra khỏi quân đội khi vận động tranh cử chức tổng thống Philippines - sau khi làm bộ trưởng quốc phòng [giai đoạn 1988-1992].
Trên bình diện cá nhân, tôi sử dụng ngôn ngữ bình thường, rất đơn giản để thể hiện phương pháp tiếp cận của tôi theo ba cách – tặng, chia sẻ, và dám vì người khác. Giải quyết những nhu cầu của gia đình bạn trong khi còn quan tâm, chia sẻ, và dám hi sinh vì tha nhân và vì đất nước. Hi sinh có nghĩa là cho nhiều hơn nhận: Dám hi sinh vì lợi ích chung. Có bao nhiêu người dám làm điều đó? “Đối với nhiều người, quyền lợi của gia đình” vẫn được quan tâm hơn hạnh phúc của nhân dân và đất nước[3]. Người lãnh đạo phải dám đưa ra những quyết định khó khăn mà bộ máy quan liêu sẽ không làm và chỉ ra con đường tiến lên[4]. Người lãnh đạo phải dám đoàn kết để tạo ra sự khác biệt. Vì vậy, nhà lãnh đạo phải liên kết phe đối lập với mình sao cho cả dân tộc trở thành một đội. Nếu bạn nói về quyền lợi của đất nước và nếu chúng ta nhìn về tương lai tốt đẹp hơn ở Philippines, thì thậm chí phe đối lập cũng là một phần của đội; còn đối với một số thứ nhất định, chúng ta phải là một đội. Trong thể thao chúng ta có thể có một đội thống nhất, trong chính trị thì cũng thế. Khi liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của chúng ta, phải hoạt động như một đội. Tôi muốn nói đến sự thống nhất của mục tiêu, một dân tộc, một đội của một nước lớn và đoàn kết trong các giá trị: trung thực, làm việc chăm chỉ, yêu nước, yêu Chúa, yêu nhân dân, và yêu môi trường.
Làm việc nhiệt tình là nguyên tắc quan trọng đối với các nhà lãnh đạo. Làm việc 24 giờ, 7 ngày một tuần là chưa đủ; tôi muốn nói 25 giờ và 8 ngày. Tôi đã nghỉ hưu 13 năm rồi và chiều thứ 7 tôi vẫn làm việc. Làm sao bạn làm được hơn 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần? Bạn phải sắp xếp nhiều thứ cùng một lúc. Mindanao, Biển Đông, kinh tế, người lao động ở nước ngoài, một vụ thảm sát, một vụ cướp, Liên Hiệp Quốc, ASEAN. Vấn đề là một số các nhà lãnh đạo không làm đúng mức; họ không dành đủ thời gian để làm nhiệm vụ của mình, nhưng họ thực sự có thể tham gia vào tất cả những nhiệm vụ đó. Họ bật ra khỏi dòng sự kiện và toàn bộ đất nước sụp đổ. Đã xảy ra hai lần như thế ở đây.
Ông bắt đầu sự nghiệp khi còn là thiếu sinh quân, còn trẻ; trước khi trở thành tổng thống, ông có sự nghiệp chuyên môn trong quân đội và cảnh sát; và đã giữ nhiều vị trí có trách nhiệm cao như tham mưu trưởng và bộ trưởng quốc phòng trong lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, ông được đào tạo bài bản và được đưa lên vì có công trạng. Làm sao ông giữ được tính độc lập để mở ra và lãnh đạo đường đi mới?
Vâng, đó là cách phát triển nghề nghiệp của tôi, thật may cho tôi. Tôi có thể thú nhận thẳng thắn rằng khi tôi còn, có thể đang mang quân hàm đại tá, thì vị tổng thống mới lúc đó, ông Marcos, lại chính là anh em họ tôi. Nhưng trước đó tôi đã đi lên theo cách chuyên nghiệp nhất, theo cách nghĩ của tôi, tôi đã chỉ huy quân đội và phục vụ ở nước ngoài, thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm ở Triều Tiên và Việt Nam. Khi tôi được phong quân hàm cấp tướng, đấy là trong giai đoạn cầm quyền của ông Marcos, nhưng không phải vì ông ưu tiên tôi. Ông là tổng tư lệnh, nhưng tôi nổi loạn chống lại ông ta, vì một số người chúng tôi không thích những thứ ông ấy theo đuổi, đấy là thiết quân luật và vi phạm các quyền của nhân dân.
Vai trò của quân đội
Ông nói: “Tôi nổi loạn”, xuất hiện câu hỏi: Làm sao buộc quân đội chấp nhận nằm dưới quyền quản lí của chính phủ dân sự? Ở Philippines, dưới thời Corazon Aquino và Gloria Arroyo, đã có nhiều âm mưu đảo chính quân sự. Làm sao ông quản lí được quân đội? Ông đã tạo ra những thay đổi trong quan hệ dân sự-quân sự như thế nào?
Điều quan trọng đối với tôi khi tôi còn phục vụ trong quân đội là giữ được tính chuyên nghiệp và không cho chính trị can thiệp vào quá trình ra quyết định, mặc dù đã từng có áp lực. Khi tôi lên chức, áp lực của các chính trị gia cũng gia tăng, trong đó có cả những người làm trong văn phòng tổng thống. Nhưng, do đã được đào tạo một cách rất chuyên nghiệp, tôi vẫn giữ được bình tĩnh. Tôi đã chỉ huy toàn bộ một đơn vị lớn, đấy là Cảnh sát Quốc gia. Lúc đó, trong các lực lượng vũ trang có bốn ngành lớn – Lục quân, Hải quân, Không quân, và Cảnh sát Quốc gia. Nhưng khi tôi làm tổng thống, theo hiến pháp do Cory Aquino ban hành, chúng tôi phải chuyển cảnh sát quốc gia thành lực lượng khác, dưới quyền kiểm soát của chính quyền dân sự, nằm dưới quyền bộ trưởng nội vụ và chính quyền địa phương. Lực lượng này đã trở thành Cảnh sát Quốc gia Philippines, tách khỏi lực lượng vũ trang.
Thế là tôi chỉ huy cảnh sát quốc gia, trong khi tôi là người thứ hai trong bộ chỉ huy toàn bộ lực lượng vũ trang. Và chúng tôi thi hành những quyết định chính trị của người lãnh đạo được chúng tôi công nhận trong cuộc nổi dậy [1986], là bộ trưởng quốc phòng, Juan Ponce Enrile. Ông hiện là Chủ tịch Thượng viện.
Tôi nghĩ rằng cái ở Trung Đông và Bắc Phi còn thiếu là phong trào nổi loạn dân sự, các thanh niên, các tổ chức phi chính phủ (NGO), giới hàn lâm và giới lao động đã thất bại, không đưa được lực lượng vũ trang đứng về phía mình. Ở những nước này, người ta đã không lập sẵn kế hoạch như thế, nhưng nhiều đơn vị vũ trang nổi loạn, nhưng từng người, từng đơn vị, sau đó đã tham gia cùng với họ. Chuyện đó đã xảy ra ở Libya, đang xảy ra ở Syria. Nhưng, trong trường hợp của chúng tôi, ngay từ đầu, quân đội nổi loạn cộng tác với những người nổi loạn dân sự. Thực ra, nhân dân đã liên kết với các quân nhân nổi loạn, xin nói như thế. Quân đội bắt đầu những động thái đầu tiên nhằm làm giảm bớt sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Marcos ngay trong chiến dịch tranh cử của chúng tôi, lúc đó Cory Aquino là ứng cử viên đối lập chính. Trên thực tế, chúng tôi không thích bà bằng Marcos. Chúng tôi chỉ giảm sự ủng hộ ông Marcos mà thôi.
Chúng tôi đã may mắn theo nghĩa là chúng tôi có thể bị ông Marcos đè bẹp một cách dễ dàng. Chúng tôi yếu hơn hẳn lực lượng vũ trang của ông ta. Ông ta có xe tăng, có máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu, pháo binh, hải quân. Chúng tôi chỉ là một nhúm sĩ quan muốn đứng lên chống lại chế độ. Nhưng bộ trưởng Enrile và tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ chia nhau nhiệm vụ và chỉ đạo các hoạt động. Tôi đề nghị tướng Enrile quan tâm tới khía cạnh chính trị và dân sự trong việc làm giảm sự ủng hộ Marcos. Ông sẽ là người nói chuyện với giới truyền thông, với các nhà lãnh đạo chính trị và các đảng phái chính trị. Tôi sẽ quan tâm tới các hoạt động quân sự. Và nó đã xảy ra như thế. Trong quá trình này, chúng tôi lấn sân nhau trong nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng Enrile cũng làm việc với một số quân nhân vì ông có một số người ủng hộ riêng, trong đó có một số binh sĩ. Và, tất nhiên, là một viên tướng tại ngũ trong thời gian dài, tôi cũng có khá đông người ủng hộ. Nhưng nói chung, chúng tôi phân chia công việc theo cách đó.
Làm sao chúng tôi có được lòng trung thành của đại đa số cảnh sát quốc gia gồm 110.000 người và 120.000 người trong Lục quân, Hải quân và Không quân? Chúng tôi không phải là một lực lượng vũ trang rất lớn. Tôi đã học hỏi để trở thành những người bạn tốt của các vị chỉ huy ngay từ khi họ còn là những sĩ quan cấp thấp. Chúng tôi đã biết nhau bằng cách gọi nhau bằng tên, chơi tennis và golf, đi bơi lặn, đua xe, thi đấu thể thao. Và tất nhiên, chúng tôi đã cùng nhau làm rất nhiều dự án, vì chúng tôi cần tất cả các ngành cùng làm với nhau trong nhiều dự án. Vì vậy, chúng tôi xây dựng được tinh thần đồng đội và cái đó đã được giữ và tiếp tục cho đến khi tôi làm tổng thống; chúng tôi vẫn tiếp tục chơi golf và họp mặt, và chúng tôi vẫn tiếp tục nói về nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Trong trường hợp của chúng tôi, vào ngày thứ tư của cuộc nổi loạn (chúng tôi bắt đầu tối ngày ngày 22 tháng 2 năm 1986), buổi trưa, mọi sự kết thúc. Sau đó, Cory Aquino tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới của Philippines, buổi lễ diễn ra dưới sự chủ trì của một thẩm phán của Tòa án Tối cao. Ngày 25 tháng 2, bà bổ nhiệm ông Juan Ponce Enrile làm Bộ trưởng Quốc phòng quốc gia và tôi, trung tướng Fidel V. Ramos, vừa được gắn thêm một ngôi sao nữa trên cầu vai, làm tham mưu trưởng. Các lực lượng vũ trang bao giờ cũng nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền dân sự. Dưới thời tổng thống Aquino, tôi đã lãnh đạo những nỗ lực nhằm giáo dục các giá trị của “lực lượng vũ trang mới của Philippines”, nghĩa là các lực lượng vũ trang sẽ phi chính trị và phi đảng phái, và sẽ thực hiện vai trò thích hợp của mình trước đây nhằm giữ vững luật pháp và trật tự. Chúng tôi cố gắng điều hòa và thống nhất hàng ngũ sĩ quan, không hướng về quá khứ, mà hướng về tương lai, trung thành với hiến pháp. Chuẩn hóa quá trình thăng cấp, bổ nhiệm là công cuộc cải cách quan trọng được thực hiện trong thời gian này. Chúng tôi không phân biệt những người ủng hộ Marcos và người ủng hộ Aquino, bổ nhiệm được thực hiện trên cơ sở công trạng và trình độ[5].
Nghe đơn giản quá, nhưng chúng tôi hiểu rằng đã có nhiều cuộc đảo chính bất thành. Tại sao lại xảy ra những chuyện đó?
Từ năm 1986 đến năm 1990, người ta ghi nhận được 9 âm mưu đảo chính nhắm vào Cory Aquino. Có các nhóm quân sự khác nhau, chứ không chỉ có một nhóm đoàn kết một lòng. Một số là những người còn rất trẻ, cấp bậc đại úy, những người đã có nhiều năm ở chiến trường, trong điều kiện cực kì nguy hiểm, và những người có thể không được đánh giá đúng và không được trả lương tương xứng. Lại có cả những đại tá trẻ, như Gregorio Honasan, hiện nay là thượng nghị sĩ, những người rất muốn chứng tỏ mình, nhưng không thể, vì có một số tướng lĩnh như tôi đứng ở trên đỉnh rồi. Lúc đầu là tổng tham mưu và sau đó là bộ trưởng quốc phòng, tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi sẽ dẹp tan tất cả những âm mưu đó. Tất cả những âm mưu đó đều bị đánh bại, nhưng tôi còn nhiệm vụ là giữ vững “sự thống nhất của các lực lượng vũ trang”[6]. Chúng tôi đã thề công nhận Aquino là tổng thống được bầu của Philippines.
Tháng 3 năm 1986, Cory Aquino đưa ra Tuyên bố số 3, đấy là bản Hiến pháp Tự do lâm thời, văn bản thiết lập trật tự cho quá trình chuyển hóa. Từ tháng 2 năm 1986 đến tháng 2 năm 1987, chúng tôi hoạt động dưới quyền chính phủ cách mạng. Lúc đó chưa có hiến pháp có hiệu lực, bà cai trị bằng các nghị định. Lúc đó quốc hội đã bị giải tán. Nhưng dù sao, không có những phong trào và những cuộc nổi dậy lớn trong năm đó, trừ âm mưu bị thất bại, đấy là vụ những người trung thành với Marcos chiếm Khách sạn Manila.
Sau cách mạng, quân đội bị chia rẽ, theo quyền lợi của những nhóm có thâm niên khác nhau trong quân đội. Những viên đại úy trẻ, rất năng động và các vị đại tá đầy tham vọng, rồi các viên tướng già, như tôi, muốn duy trì hiện trạng và tạo điều kiện cho chính phủ dân sự cơ hội hoạt động theo hiến pháp 1987. Khi đến lượt tôi muốn làm tổng thống, những người của tôi trong các lực lượng vũ trang và Bộ Quốc phòng nói rằng tôi không phải vận động bầu cử, mà chỉ việc giành chức tổng thống, họ sẽ ủng hộ tôi. Nhưng tôi nói không. Tôi có thể cướp chức tổng thống và giữ, có thể trong vòng ba năm, nhưng tôi sẽ không thể giữ lâu hơn thế, vì nhân dân Philippines sẽ không cho phép. Đấy là con đường đưa chúng tôi đến đây.
Tôi đã nhìn thấy ở Trung Đông và Bắc Phi sự kiện là các triều đại và những gia đình giàu có và các nhà độc tài có thể cai trị trong một thời gian nào, nhưng họ sẽ không thể kéo dài mãi vì người dân sẽ không cho phép. Họ có thể cai trị 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 40 năm, như trường hợp Gaddafi, nhưng cuối cùng thì nhân dân cũng sẽ không cho phép.
Tại sao những âm mưu như thế vẫn tiếp tục, sau chính phủ của ông, nhằm chống lại Tổng thống Gloria Arroyo? Tại sao không thể ngăn chặn được chúng?
Sau nhiệm kì tổng thống của tôi, cuộc nổi loạn quân sự tiếp tục xảy ra dưới chính quyền của Tổng thống Estrada. Ông chỉ cầm quyền trong hai năm rưỡi, vì các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia đã can thiệp. Ông bị bãi chức tháng 1 năm 2001 vì bị coi là lừa dối và tham nhũng. Ông ta chỉ giới hạn hoạt động của mình và gây ảnh hưởng với một nhóm những người được ông ta bảo trợ mà thôi. Chúng tôi không thích như thế và vì vậy mà người dân đứng lên phản đối. Giáo Hội, giới hàn lâm, công nhân, các tổ chức phi chính phủ, và giới quân nhân ủng hộ các cuộc biểu tình. Người dân là những người đầu tiên đứng lên, quân nhân và cảnh sát ủng hộ họ.
Rồi Gloria Arroyo trở thành tổng thống. Ba năm đầu tiên trong nhiệm kì tổng thống, bà được coi là nữ anh hùng, và chúng tôi đã hi vọng rất nhiều, nhưng bà đã thất hứa, hết lần này đến lần khác. Một lần nữa, các lực lượng vũ trang lại rất, rất không hài lòng, nhưng đã không xảy ra bất cứ cuộc cách mạng quân sự nào nhằm chống lại Arroyo. Nhiệm kì của bà kéo dài trong chín năm. Rất đáng tiếc, bởi vì trong thời gian đầu bà tỏ ra rất hiệu quả và làm việc chăm chỉ. Bà vẫn tiếp tục làm việc hết mình, nhưng khi được hưởng quá nhiều quyền lực thì bà đã chuyển mối quan tâm sang hướng khác, tôi nghĩ các nhà độc tài và bạo chúa ở đâu thì cũng thế. Ban đầu, tất cả bọn họ đều là những nhà cải cách, rồi, nếu họ nếm trải quyền lực trong một thời gian dài thì họ thích đến mức muốn bám vào nó và tìm trăm phương ngàn kế, không bao giờ chịu ra đi.
Khi còn là tổng thống, tôi muốn tu chính một phần hiến pháp, phần nói về kinh tế và hình thức của chính phủ. Tôi ủng hộ chính phủ đại nghị, trong đó không cần thuyết phục quân đội và cảnh sát đứng về phía nhà lãnh đạo chính trị khi xảy ra tình huống đảo chính. Trong hệ thống đại nghị, chỉ cần quá bán nghị sĩ quốc hội bất tín nhiệm là đủ để cách chức chính phủ đương nhiệm rồi. Đó là hệ thống mà chúng tôi muốn, bởi vì quân đội và cảnh sát là những người chuyên nghiệp và không được lôi cuốn vào cuộc đấu tranh chính trị. Đó là kinh nghiệm của tôi, khi nhìn lại giai đoạn từ năm 1987 đến năm 1990. Lúc đó tôi đã có chức vụ và tất nhiên, tôi không muốn bất cứ điều gì xảy làm phương hại tới sự toàn vẹn của lực lượng vũ trang và cảnh sát.
Ủy ban Davide [do Hilario Davide Jr. làm chủ tịch, ông này lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Bầu cử] do Tổng thống Cory Aquino thành lập năm 1989 theo dõi những âm mưu đảo chính trong giai đoạn bà cầm quyền. Sau đó là Ủy ban Feliciano [do phó chánh án Tòa án Tối cao đã hồi hưu, Florentino Feliciano làm chủ tịch] được thành lập năm 2003. Ủy ban này tiến hành điều tra các phong trào phản kháng trong giai đoạn Gloria Arroyo cầm quyền và phát hiện ra rằng các khiếu nại của quân đội là hợp pháp. Có sự thiên vị đối với các sĩ quan cấp cao, theo nghĩa thăng cấp và bổ nhiệm, còn cấp dưới và binh sĩ thì bị trả lương thấp, đặc biệt hạ sĩ quan và lính trơn. Và đã có sự can thiệp chính trị trong nhiều thủ tục của quân đội, trong đó có mua sắm. Vì vậy, đã xảy ra hiện tượng hối lộ và tham nhũng, ban đầu là các quan chức chính trị các cấp, và sau đó thì một số chỉ huy quân sự bị nhiễm căn bệnh này và cũng trở thành tham nhũng.
Đã xảy ra rối loạn vào tháng 10 năm 1990, đấy là vụ li khai của Mindanao, trong đó, những kẻ âm mưu tuyên bố rằng họ là người Kitô giáo, Hồi giáo và người dân bản địa ở Mindanao - chúng tôi gọi là Lumads - muốn li khai để thành lập nước Cộng hoà Liên bang Mindanao, tách khỏi Cộng hòa của Philippines. Nhưng chiến sự chỉ kéo dài có năm ngày. Có đổ máu, nhưng tất cả đã được giải quyết tương đối hòa bình và ngăn không để cho nó biến thành cuộc chiến tranh rộng lớn hơn vì có sự can thiệp của các thành viên chính phủ lúc đó.
Như tôi đã nói, có chín âm mưu đảo chính trong giai đoạn Aquino nắm quyền và tháng 1 năm 2001 đã có hành động phối hợp dân sự-quân sự, đẩy Estrada ra khỏi quyền lực. Rồi, dưới thời Arroyo, đã có ba âm mưu đảo chính. Đầu tiên là vụ Oakwood ở Makati [trong đường tàu điện ngầm ở Manila], năm 2003; sau đó, năm 2006, rất giống vụ trước, do các quân nhân cấp cao bất mãn gây ra, họ tìm cách chiếm khu vực thương mại sầm uất Makati, và do đó, buộc chính phủ phải đầu hàng, nhưng vụ này cũng thất bại, rồi đến vụ Bán đảo Manila, tháng 11 năm 2007. Lúc tôi làm tổng thống, giai đoạn 1992-1998, không có phong trào phản đối quân sự nào và tôi đã ra khỏi quân đội từ thời Estrada và Arroyo.
Cải cách hiến pháp
Ông có thể nói rằng hiến pháp, các thiết chế dân chủ, và cam kết trung thành với hiến pháp và các thiết chế đã được khẳng định một cách chắc chắn?
Hiện nay, vấn đề rắc rối là có một số nhóm đầy sức mạnh đã tiến hành ngăn chặn bất kì tu chính nào đối với hiến pháp năm 1987. Đây là những đệ tử của Hồng y Jaime Sin đã quá cố, những đệ tử và con cháu của Tổng thống Cory Aquino, và một số người tham gia soạn thảo bản hiến pháp năm 1987. Bản hiến pháp này không dựa trên quá trình lựa chọn, khác với các bản hiến pháp năm 1935 và 1972, lúc đó nhân dân bầu đại biểu Hội đồng Lập hiến. Năm 1986, Tổng thống Aquino chọn 50 người Philippines sáng giá nhất làm đại biểu. Đấy là nhóm tinh hoa, theo nghĩa nào đó, nhưng nhiều lĩnh vực khác nhau có đại diện, trong đó có lĩnh vực kinh doanh, điền chủ, lao động, phụ nữ, cộng đồng Hồi giáo và các nhóm cực tả, và các đại biểu đại diện cho những khu vực địa lí khác nhau của đất nước. 76% người tham gia cuộc trưng cầu dân ý đã đồng ý thông qua bản hiến pháp này. Hiến pháp mới quy định tổng thống chỉ được giữ một nhiệm kì kéo dài sáu năm[7].
Hậu duệ của tất cả những người đó ngăn chặn tất cả các nỗ lực tu chính bản hiến pháp đó, thậm chí cả những tu chính nhẹ nhàng nhất, như thể đấy là văn bản được khắc trên đá và không bao giờ có thể thay đổi. Chúng tôi nhắc tới bản hiến pháp của Mỹ. Đã tu chính bao nhiêu lần rồi? Đã có 27 tu chính trong vòng 200 năm qua. Nghĩa là trung bình cứ mười năm lại có một tu chính lớn. Trong trường hợp của chúng tôi, tôi đề nghị sửa đổi các điều khoản về kinh tế, trong đó có quy tắc 60/40 khi khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và quyền sở hữu trong các ngành dịch vụ công cộng [sở hữu nước ngoài ở các công ty này bị giới hạn là 40% giá trị công ty], ảnh hưởng rất tiêu cực đến các khoản đầu tư trực tiếp của nước ngoài và do đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế[8]. Những sửa đổi khác mà tôi đề nghị liên quan đến hệ thống đại nghị, nhưng tôi đã không đưa ra vì phải cần thời gian để mọi người chấp nhận việc họ sẽ không trực tiếp bầu tổng thống. Chúng tôi đã chỉ ra rằng, trong khi Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống, nhưng họ không đếm phiếu từng người một để quyết định ai sẽ thắng; mà cử tri đoàn làm việc đó. Bây giờ chúng tôi phải điều chỉnh lại các suy nghĩ của nhân dân và để họ chấp nhận hệ thống quản trị tạo ra quyền đại diện công bằng, thậm chí nếu không phải là bầu cử trực tiếp.
Tu chính khác mà tôi đã thực sự đấu tranh cho nó là chống lại các triều đại. Hiến pháp hiện nay đã có điều khoản: Triều đại chính trị bị cấm theo quy định của pháp luật. Nhưng pháp luật nào? Những người người hưởng lợi từ triều đại chính trị lại chính là những người trong quốc hội và từ năm 1987 đến nay đã không thông qua đạo luật mặc dù đã có một số nỗ lực. Vì vậy, tôi đề nghị, rất đơn giản, sửa đổi hiến pháp để điều khoản cấm nằm ngay trong hiến pháp và không phụ thuộc vào một đạo luật nào khác. Ở đâu có chuyện đó? Đó là trong những điều khoản khác của chính bản hiến pháp đó. Điều này nói rằng tổng thống của Philippines không thể bổ nhiệm bất kì quan chức nào trong nhánh hành pháp là họ hàng trong vòng bốn đời tính theo trực huyết hay kết hôn*. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng cách nói như thế để cấm bầu vào cơ quan công quyền những người có thể tạo ra các triều đại chính trị. Chỉ có thế thôi – rất đơn giản.
Các đảng chính trị
Khía cạnh khác của hiến pháp, vì chúng có liên quan với nhau, là chạy từ đảng này sang đảng kia. Vì nếu được chạy từ đảng này sang đảng kia một cách dễ dàng, thì đấy chính là hạt giống ươm mầm cho các triều đại chính trị. Tôi đã có thể tạo ra một triều đại. Cha tôi là một chính trị gia, nhưng ông chết trước khi tôi trở thành chính trị gia. Tôi chỉ vận động tranh cử có một lần và chỉ có thế thôi. Tôi không muốn thất bại như một chính trị gia. Em gái tôi là thượng nghị sĩ trước khi tôi tranh cử tổng thống. Cô ta là nhà giáo dục, nhà ngoại giao, nhưng cô ấy đã thực hiện tốt quyền của mình và sau đó cô nghỉ hưu [sau đó cô không vận động tranh cử nữa]. Cô ấy có một con trai, nhưng cháu tranh cử ở cấp tỉnh, do đó, đấy không phải là triều đại, theo ý nghĩa thực sự của từ này. Thượng viện Philippines chỉ có 24 thành viên và trong cuộc bầu cử năm 2013 chỉ có một nửa số ghế được đem ra bầu, vì nửa còn lại được bầu đến năm 2016. Vì vậy, cử tri có rất ít lựa chọn từ vì các ứng cử viên tiềm năng phần lớn là từ các triều đại chính trị. Vậy, dân chủ ở đâu? Hiện tượng triều đại phải được sửa chữa ngay trong ngôn từ của chính hiến pháp; luật sẽ không bao giờ được quốc hội thông qua vì làm thế là lấy đá ghè chân mình.
* Điều XII Mục 13 hiến pháp năm 1987 của Philippines nói rằng người phối ngẫu và họ hàng cùng huyết thống hay bên vợ bên chồng tính trong bốn đời của tổng thống - khi còn tại nhiệm – đều không được bổ nhiệm làm thành viên của Ủỷ ban Hiến pháp hoặc Văn phòng Thanh Tra, hay bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch, hay trưởng các văn phòng, các tổng công ty thuộc sở hữu nhà nước hay do nhà nước kiểm soát và các công ty của những công ty này.
Có chuyển động, lần này là do Chủ tịch Hạ viện, Feliciano Belmonte và Chủ tịch Thượng viện, Juan Ponce Enrile, đề xuất nhằm cải cách hiến pháp từng bước một, bắt đầu với điều khoản 60/40, rồi sau đó, trong quá trình làm họ có thể tung ra một số định nghĩa nữa. Tu chính lớn thực sự lớn là hình thức chính phủ. Hiện nay, hiến pháp năm 1987 xác định hệ thống tổng thống và hệ thống đa đảng. Hai tính chất này không hợp nhau. Ngay lúc này, chúng tôi có khoảng 272 đảng-nhóm chính trị đã đăng kí trong hệ thống tổng thống, vì vậy nhân dân cảm thấy bối rối.
Ở Philippines có quá nhiều đảng chính trị, và ông cũng thành lập đảng riêng của mỉnh, Đảng Lakas, khi ông tranh cử tổng thống. Ông có nghĩ rằng có quá nhiều đảng là vấn đề đối với chế độ dân chủ ở Philippines?
Chúng tôi khởi động Lakas (Liên minh toàn quốc dân chủ cơ đốc-Đảng dân chủ Hồi giáo thống nhất) với bảy thành viên vào tháng 12 năm 1991, và tháng 2 năm 1992 là thời hạn phải đăng kí ứng cử viên, chúng tôi đã có khoảng 1.000 đảng viên. Chúng tôi phát triển nhanh như thế thế chỉ trong một thời gian ngắn.
Có người hỏi làm sao tôi thắng. Tôi giải thích rằng tương tự như cái mà chúng ta gọi là lí thuyết giọt dầu. Một giọt dầu sẽ lan rộng trên mặt hồ, vài trăm giọt sẽ có ý nghĩa to lớn. Tôi có 10.000 tổ chức NGO trợ giúp. Đấy không phải là đảng phái chính trị, mà là các phong trào, các hiệp hội, các tổ chức. Tôi đã có những người cộng tác khắp mọi nơi vì tôi là bạn của nhiều người trong số những người này ngay từ những ngày đầu nhập ngũ, vì chúng tôi làm việc để phát triển cộng đồng.
Hiện nay, số lượng các đảng chính trị là vấn đề lớn, và tổng thống ở đây phải chú ý tới vấn đề này. Năm 2012, quốc hội nói rằng chúng ta phải có một vài tu chính, còn tổng thống nói chưa phải lúc, và họ vẫn đang cãi nhau trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các đảng chính trị không ổn định; họ dựa vào các cá nhân, vì vậy mà không có “tính liên tục trong chính sách công”[9]. Một biện pháp có thể giúp tạo ra các đảng ổn định là xây dựng hệ thống tài trợ của nhà nước[10]. Cải cách hiến pháp sang hệ thống đại nghị cũng sẽ củng cố các đảng phái và làm giảm vai trò của “các nhà lãnh đạo chính trị cá nhân”[11].
Xây dựng liên minh
Nếu trong thời gian ông làm tổng thống, nhiều đảng phải chính trị không phải là vấn đề, tại sao bây giờ nó lại là vấn đề?
Tôi không gặp vấn đề, vì theo cơ chế pháp lý gọi là LEDAC (Hội đồng Tư vấn Phát triển Hành pháp Lập pháp) bữa sáng thứ tư nào các nhà lãnh đạo chúng tôi cũng bàn những thách thức mà mình đang gặp, trong khi quốc hội đã họp, cho nên chúng tôi có sự hợp tác hiệu quả giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và khu vực tư nhân[12]. Có nghĩa là 35 ngày thứ tư trong suốt một năm, chúng tôi đều gặp nhau như một gia đình. Tổng thống, chủ tịch thượng viện và có lẽ năm thành viên nội các, phụ thuộc vào chương trình nghị sự, cùng họp với các nhà lãnh đạo phe đa số và phe thiểu số trong Thượng và Hạ viện, còn có các NGO, các nhà lãnh đạo ngành, phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, cựu chiến binh, giới hàn lâm, giới lao động, ngư dân, người lao động ở nước ngoài, và chúng tôi nói chuyện như một gia đình. Bằng cách này, chúng tôi tìm cách phát triển quá trình tham vấn lập pháp-hành pháp và sự đồng thuận.
Tôi còn tổ chức họp nội các ngay tại hiện trường. Ví dụ, nếu chủ đề chính là năng lượng ở Mindanao, tôi sẽ gửi năm đội đi trước, do một thứ trưởng dẫn đầu - công trình công cộng, năng lượng, chính quyền địa phương, có thể là quốc phòng và có thể là khoa học và công nghệ. Bạn là một đội. Bạn đi theo cách đó. Bạn đi theo đường bộ. Bạn đi phà tới Davao. Tôi mang theo đội gồm toàn các thứ trưởng - có thể giáo dục, vận tải - chúng tôi đi bằng máy bay qua các đảo. Bây giờ, trong khi bạn đang đi, đội phải kiểm tra các dự án và gặp gỡ người dân trong thị xã, hay tòa thị chính và đối thoại. Tôi có thể cho họ ba ngày để đi đến nơi mà chúng tôi sẽ tổ chức họp nội các. Tôi sẽ họp với họ vào buổi sáng. Tôi học hỏi họ, cùng với một số thành viên nội các, có thể có cả thư kí điều hành và có thể là cả phó tổng thống. Chúng tôi tìm hiểu những sự kiện xảy ra trong chuyến điền dã của các đội. Tôi nhận được năm báo cáo khác nhau, rồi sau bữa ăn trưa chúng tôi họp nội các. Thống đốc bang và thị trưởng thành phố tham gia. Họ sẽ tham gia thảo luận khi bàn tới vấn đề của họ trong chương trình nghị sự. Và sau đó, trước khi rời cơ sở, có lẽ vào lúc năm giờ chiều, tôi sẽ đưa ra quyết định, và những người ở đó phải tìm hiểu quyết định, theo nghĩa nó có tác động gì đối với tỉnh của họ, đối với khu vực của họ, đối với hòn đảo của họ. Và sau đó, chiều tối chúng tôi ra đi, đôi khi rất nguy hiểm vì nhiều nơi không có sân bay tốt, còn chúng tôi thì cất cánh vào ban đêm. Vì vậy, đây là cách chúng tôi điều hành chính phủ - “tại trận”.
Những cuộc họp thường xuyên giữa hành pháp, lập pháp và các nhà lãnh đạo ngành chỉ được tiến hành trong chính phủ của ông? Trong chính quyền Aquino việc quản lí được tổ chức như thế nào?
Vâng, nó chỉ diễn ra trong giai đoạn của tôi. Trong thời gian Tổng thống Cory Aquino cầm quyền, một đạo luật đã được thông qua, luật này thành lập Hội đồng Tư vấn Phát triển Hành pháp Lập pháp, nhưng bà phủ quyết, mà người ta cho là vì anh trai bà là phó chủ tịch Hạ viện, và bà giải quyết với Hạ viện, có 250 thành viên, thông qua mỗi người anh trai. Ở Thượng viện, bà có người em rể, Butz Aquino, và bà giải quyết với ông ta. Bà ấy không muốn chia sẻ quyền lực. Năm 1991, khi tôi nghe nói về chuyện này, tôi đã hoàn toàn không biết hoạt động bên trong. Tôi đề nghị phục hồi dự luật đã bị phủ quyết và đây là luật đầu tiên được thông qua dưới thời của tôi. Đây chính là luật đầu tiên mà tôi đã kí, tháng 12 năm 1992.
Tôi muốn có tư vấn và đồng thuận, và đó là những việc đã xảy ra trong sáu năm tôi làm tổng thống. Và chúng tôi đã thông qua 229 cuộc cải cách hay luật về cơ cấu trong 6 năm đó. Đó là chín ngày một bộ luật trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, lực lượng vũ trang, cảnh sát quốc gia, giáo dục, trao quyền, khu vực kinh tế, đầu tư, ngân hàng, mọi thứ. Bây giờ chúng tôi có luật về sức khỏe sinh sản, chưa được thông qua [kí thành luật tháng 12 năm 2012], nhưng vấn đề được gắn kết hữu cơ với môi trường và phát triển bền vững[13]. Dự luật về Tự do Thông tin đã được thảo luận trong 12 năm, và tổng thống vẫn chưa hành động. Trong thời gian tôi làm tổng thống, chúng tôi có thặng dư về tài chính trong bốn năm, vì chúng tôi đã mở cửa nền kinh tế. Điều này đưa chúng ta quay trở lại những điều tôi đã nói ban đầu: nền quản trị tốt và ban lãnh đạo đã khai minh không thể thuê từ bên ngoài; nó phải là cây nhà lá vườn.
Trao quyền cho xã hội
Ông nói rằng trong giai đoạn ông làm tổng thống, ông đã có những cuộc họp tham vấn với các nhà lập pháp và những người đại diện của xã hội dân sự. Xin cho biết vai trò của xã hội dân sự trong thời gian ông làm tổng thống?
Vâng, quan điểm của tôi luôn luôn là trao quyền cho cho nhân dân. Tôi đã không nhấn mạnh “quyền lực của nhân dân”. Tôi hoạt động nhằm tăng cường năng lực của từng người, chàng trai, cô gái, người già, người trẻ, em bé, người nhập tịch, hay thường trú nhân nước ngoài để họ có thể làm tốt hơn, sống lâu hơn, và có nhiều năng lượng hơn. Trao quyền cho nhân dân có nghĩa là như thế. Nhân dân là tài sản quan trọng nhất trên hành tinh này. Không phải là đất. Không phải là biển. Không phải là sức mạnh quân sự. Đó là nhân dân.
Các NGO bao gồm nhiều nhóm, trong đó có Giáo hội. Trong thời gian tôi làm tổng thống, bởi vì trong hiến pháp có ghi, tôi có thể bổ nhiệm đại diện sáu lĩnh vực vào Hạ viện, những người này trước đó đã được Ủy ban về bổ nhiệm xác nhận. Việc này sau đó đã bị hủy bỏ bởi vì nó chỉ là điều kiện tạm thời. Nhưng chúng tôi có đại diện của phụ nữ, thanh niên, người lao động ở nước ngoài, cựu chiến binh, giới khoa bảng, và từ khu vực kinh doanh. Họ được cộng đồng của mình lựa chọn, những cộng đồng này chính thức thông báo với tôi. Tôi cử họ trên cơ sở họ được lựa chọn từ khối cử tri của mình, và tôi đã gặp họ trong suốt sáu năm, qua hai nhiệm kì ở Hạ viện. Trong nhiệm kỳ thứ hai, tôi có những người đại diện hơi khác một chút, nhưng những người trẻ thì vẫn như cũ.
Các tổ chức của phụ nữ cũng tham gia tham vấn? Giáo hội Công giáo có phải là tác nhân chính trị quan trọng hay không?
Có, trong giai đoạn tôi làm tổng thống và cả trong giai đoạn của Aquino nữa. Bà đã tổ chức được nhiều Hội đồng. Tôi thường xuyên gặp phụ nữ và thanh niên. Chúng tôi có Hội đồng Quốc gia về vai trò của phụ nữ Philippines và Ủy ban Thanh niên Quốc gia, lãnh đạo của mỗi nhóm này đều mang hàm bộ trưởng. Chúng tôi gặp các nữ lãnh đạo hai tháng một lần, trên thực tế, đấy là cuộc họp đầy đủ ban bệ, mỗi người đều đã chuẩn bị sẵn với ban thư kí và biên bản.
Chúng tôi có tỉ lệ, tính bằng phần trăm, phụ nữ trong cơ quan lập pháp cao hơn bất kì nước nào khác ở khu vực Đông Nam Á. Phụ nữ ở đây rất tích cực, theo nghĩa phát biểu ý kiến. Tất cả các loại think tanks và tổ chức phi chính phủ đều do do phụ nữ lãnh đạo. Hiện tôi đang viết về một tổ chức như thế, gọi là Phong trào Tái thiết Nông thôn Philippines, hiện vẫn đang hoạt động và làm việc về giáo dục quần chúng và phát triển nông thôn, đặc biệt là cung cấp cho người nghèo nước uống tốt, sạch, ba bữa ăn một ngày, và chăm sóc y tế, và chủ yếu là do phụ nữ quản lí.
Ngay từ đầu, ngay cả trong thời thuộc địa Tây Ban Nha, chúng tôi đã có những người phụ nữ chiến đấu chống lại người Tây Ban Nha rồi. Chúng tôi đã có một số nữ tướng, là người đứng đầu của tổ chức làng xã, và tất nhiên là những phụ nữ cầm bút và những phụ nữ là các think tankers, những người lên tiếng dõng dạc trên những các tờ báo viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Còn khi người Mỹ tới, càng có nhiều phụ nữ được giải phóng hơn. Ở nước chúng tôi, từ năm 1936, phụ nữ đã có quyền phổ thông đầu phiếu và giữ địa vị lãnh đạo rồi. Tương tự như vậy, chúng tôi đã có Ủy ban Tôn giáo Quốc gia với đại diện là người Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, những người vô thần, Giáo Hội của Chúa Kitô (Iglesia ni Kristo), và các nhà thờ độc lập. Ban lãnh đạo hay chủ tịch đoàn luân phiên, mỗi năm một lần, trong vòng sáu năm. Chúng tôi duy trì đối thoại với họ. Hiện nay không còn nữa.
Những nguyên tắc cơ bản
Ông đã mô tả nhiều nguyên tắc và thực hành mà ông theo khi làm tổng thống, nhưng dường như các hoạt động chính trị thông thường của Philippines ít liên quan tới những nguyên tắc mà ông tin tưởng, và những nguyên tắc mà ông nói đã được đưa vào thực tiễn khi ông là tổng thống.
Vâng, tất nhiên, tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó. Nó là một trong những thất bại của tôi, bạn thấy đấy. Bởi vì chúng tôi đã cố gắng đưa vào thực tiễn những điều chúng tôi nghĩ là đúng, và chúng tôi đang ghi lại bằng giấy trắng mực đen và nói về nó.
Nhưng tại sao lại có khoảng cách như thế giữa các nguyên tắc và thực tiễn trong chính trị?
Người ta chỉ học được những điều họ muốn học, nhưng những cái họ không thể nuốt được hay thực hành thường xuyên, vì toa thuốc ghi không rõ ràng thì họ sẽ vứt đi. Và tôi đã nói rằng xây dựng đất nước không phải là vấn đề cộng thêm thành công và thất bại của một loạt vị tổng thống hay thủ tướng. Đó là quá trình đi lên liên tục, và không ai được thất bại. Người đang giữ chức vụ phải làm tốt hơn người tiền nhiệm của mình, vì vậy, người kế nhiệm buộc phải làm tốt hơn nữa. Vì vậy, tôi quay trở lại với tiến trình xây dựng đất nước. Hàng ngày bạn không chỉ buồn bã và chán nản, mặc dù dường như là thế. Bạn gặp đủ kiểu thất bại. Nhiều thứ xảy ra. Tôi nghĩ rằng ở Mỹ người ta cũng nói như thế, và nếu bạn nhìn lại 225 năm qua, họ đã thực sự đi lên, nhưng đôi khi họ cũng gặp cả thành công lẫn thất bại. Bây giờ, tôi nghĩ là cái đó cũng xảy ra với tất cả các nước đang vươn lên. Chúng ta có thể nói như thế ở đây, vì 20 năm trước, chúng tôi chưa có nhà cao tầng, chúng tôi chưa có tàu hỏa chạy bằng điện, chưa có những đại lộ và các trung tâm mua sắm lớn. Chúng tôi chưa có các đặc khu kinh tế ở Clark và Subic do giới quan chức dân sự quản lí; lúc đó, đấy là các căn cứ quân sự.
Ảnh hưởng quốc tế
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của chính phủ Mỹ, vốn đã hiện diện ở đây trong một thời gian dài, và các tác nhân quốc tế khác trong quá trình chuyển hóa dân chủ của Philippines?
Nói chung, tôi xin đánh bạo mà nói rằng kinh nghiệm với Hoa Kỳ là một trải nghiệm thuộc địa rất tốt đối với chúng tôi. Nhưng vẫn còn cảm giác không nói ra, và không phải chỉ ở những người già, đấy là, Mỹ đã cướp nền độc lập của chúng tôi. Khi chúng tôi đã tuyên bố độc lập, và chuẩn bị chiếm Manila, thì người Mỹ tới và giải quyết với người Tây Ban Nha. Bạn thấy đấy, đó là cách giải quyết để Manila không bị tàn phá; nếu không, có thể xảy ra chiến sự giữa Tây Ban Nha và những người khởi nghĩa. Trong Hiệp định Paris, năm 1898, Philippines bị Tây Ban Nha vứt bỏ và bán cho Mỹ với giá 20 triệu USD. Cuba cũng là một phần của thỏa thuận này. Thực tế là chúng tôi trở thành thuộc địa của Mỹ. Như vậy, hiện vẫn có mối nghi ngờ dai dẳng về chuyện này.
Chúng tôi cảm ơn về những bài học về chế độ dân chủ đại diện, các cuộc bầu cử, bắt đầu bằng những giai tầng được giáo dục tốt hơn, ví dụ, những người được bổ nhiệm và các ứng cử viên được ưu ái vào hai viện (Thượng viện và Hạ viện); chúng tôi có cùng một hệ thống, giống như Mỹ, cả trong ngành tư pháp cũng thế. Chúng tôi rất cám ơn vì món quà là môn tiếng Anh và phương pháp giảng dạy trong các trường công lập. Tôi là một trong những người được hưởng lợi, vì tôi lớn lên được giáo dục trong giai đoạn đó, tại một trường công lập, và hệ thống đó tốt hơn so với hệ thống mà chúng tôi đang có hiện nay. Nhưng vẫn còn những suy nghĩ dai dẳng, cho rằng trước đây Mỹ đã bóc lột Philippines và không cho nước này phát triển về mặt công nghiệp. Và chúng tôi lẽo đẽo theo sau một số thuộc địa cũ, ví dụ, Malaysia. Thái Lan chưa bao giờ là thuộc địa, nhưng họ đi trước chúng tôi khá xa về GDP bình quân trên đầu người.
Ông có tham khảo kinh nghiệm của quá trình chuyển hóa ở những nước khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay các nước Mỹ Latin khi các ông đang trải qua quá trình chuyển hóa ở Philippines?
Không, chúng tôi chỉ tư duy như người Philippines, và đó là tình thế “làm hay là chết”. Hoặc chúng tôi thành công trong cuộc đối đầu với Marcos hoặc là chúng tôi thua, và nếu chúng tôi thua, chúng tôi sẽ bị đi tù hay bị giết. Tất nhiên, ý tưởng về một cuộc đảo chính hay cuộc nổi dậy chống lại Marcos đã hình thành trong quân đội có thể là ba năm rồi. Phong trào Cải cách các Lực lượng vũ trang (RAM) bắt đầu làm việc đó. Sau này, một số người trong chúng tôi bị lôi kéo vào nó vì RAM đề nghị chúng tôi giúp đỡ. Tôi khuyên họ giảm tốc độ, họ chưa sẵn sàng. Nhưng chúng tôi giúp đỡ họ về mặt cải cách, vì chế độ của Marcos đã tồi tệ, về mặt nhân quyền và phát triển kinh tế. Chúng tôi có chế độ đầu sỏ; họ chỉ là những người kinh doanh, mà công việc này lại chỉ được phân phối trong số những người được họ bảo trợ mà thôi. Vợ của các quan chức rất ngông cuồng. Marcos là bạn thân của Shah ở Iran, của Gaddafi, và những người nắm quyền suốt đời khác.
Vấn đề này đã làm ông ta mệt mỏi, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo quá lớn. Khi chúng tôi bắt đầu nhận được sự ủng hộ, chúng tôi cũng bắt đầu nghĩ đến nền quản trị, và ngay từ đầu chúng tôi đã đồng ý rằng nếu chúng tôi thắng, phải trả quản trị về cho ban lãnh đạo dân sự và chính trị. Nhưng những đại tá trẻ không thực hiện cam kết của mình; họ muốn tự cai quản chính phủ. Nhưng một số người trong chúng tôi đã chiến đấu chống lại ý tưởng đó.
Có lẽ chúng tôi đã nhìn vào các cuộc nổi dậy khác ở châu Mỹ Latin, tương tự như cuộc nổi dậy của chúng tôi. Ví dụ, những phong trào giải phóng do các tu sĩ lãnh đạo. Các tu sĩ của chúng tôi ở đây cũng cũng chống lại chính phủ, nhưng họ liên minh với Cộng Sản. Có những phong trào giồng hệt như thế ở Trung Mỹ, với các sinh viên trẻ. Và ở Chile, bạn thấy tình hình rất khủng khiếp, vì quân đội chính là người cai trị. Trong trường hợp của chúng tôi, dân thường luôn luôn chịu trách nhiệm, quân đội giúp đỡ.
Quản lí kinh tế để phát triển
Ưu tiên kinh tế và phát triển của ông là gì?
Một trong những vấn đề cấp bách nhất lúc đó là năng lượng; thường xuyên mất điện, rất bất lợi cho nền kinh tế và chất lượng các mặt của cuộc sống. Vì vậy, tháng 12 năm 1992, Bộ Năng lượng đã lập kế hoạch và tiến hành quản lí việc cung cấp và sử dụng năng lượng. Các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn đã được soạn thảo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và việc thiếu hụt năng lượng đã được giải quyết sớm hơn kế hoạch đề ra. Khu vực tư nhân là đối tác quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng[14]. Tự do hóa ngành viễn thông và ngân hàng cũng là những lĩnh vực được ưu tiên nhằm gia tăng các khoản đầu tư và cạnh tranh[15].
Tham nhũng làm cho kinh tế kiệt quệ; tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách hạn chế vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thông qua việc nới lỏng quy định, do đó, mở cửa nền kinh tế của chúng tôi cho các khoản đầu tư nước ngoài và cạnh tranh[16]. Chúng tôi phải tạo điều kiện cho “khu vực tư nhân làm những việc mà nó có thể làm tốt hơn chính phủ”[17]. Cạnh tranh mạnh mẽ hơn ở trong nước sẽ tạo điều kiện cho Philippines có sức cạnh tranh trên toàn thế giới, và nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng để thúc đẩy cạnh tranh ở trong nước, chúng tôi phải giải quyết các công ty và tập đoàn độc quyền đang thống trị một số lĩnh vực nhất định trong nền kinh tế[18]. Việc làm gia tăng là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp này tạo ra nhiều việc làm hơn là những khoản đầu tư thâm dụng vốn[19].
Cơ sở hạ tầng yếu kém của chúng tôi đã làm giảm tốc độ tăng trưởng và phát triển và làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư cải tạo hạ tầng đã (và vẫn là) là vấn đề quan trọng, trong đó có năng lượng sạch[20]. Chúng tôi đã xây dựng được trên 6.000 km đường giao thông mới và nhiều cây cầu[21]. Đây là những khoản đầu tư dài hạn, đỏi hỏi kế hoạch dài hạn.
Có khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo ở Philippines. Chúng tôi đầu tư tỉ lệ quá lớn trong ngân sách giáo dục cho giáo dục đại học, mà người nghèo không được hưởng như các giai cấp trung lưu[22]. Nhưng giáo dục là công cụ giúp người dân thoát khỏi đói nghèo và gia tăng khả năng cạnh tranh của Philippines, vì vậy, phải tập trung thêm nữa nguồn lực cho giáo dục, cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là đối với những người có thu nhập thấp nhất[23]. Nó sẽ đóng góp cho “cách tiếp cận đồng thời từ dưới lên và từ trên xuống” nhằm thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư[24].
Quản lí tiến trình hòa bình phức tạp
Khi ông trở thành tổng thống các cuộc xung đột vũ trang vẫn tiếp tục, làm sao ông quản lí được chúng?
Hòa bình và hòa giải là ưu tiên ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của tôi[25]. Chúng tôi bắt đầu các cuộc đàm phán, thậm chí trước khi tôi làm tổng thống, với ba nhóm bất đồng chính kiến ​​có vũ trang: RAM, “các quân nhân nổi loạn; Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro Li khai ở miền nam Philippines; và Quân đội Nhân dân Mới, cánh vũ trang của Đảng Cộng sản Philippines[26]. Bằng tuyên bố tháng 7 năm 1992, tôi thành lập Ủy ban Thống nhất Dân Tộc (NUC) gồm 9 thành viên, được ủy quyền - thông qua quá trình tư vấn - soạn thảo và đề xuất chương trình ân xá và tiến trình hòa bình[27]. NUC tiến hành tham vấn tại 71 tỉnh với những người đang chiến đấu chống lại chính phủ, với gia đình của họ, và với các nhà lãnh đạo cộng đồng về một loạt vấn đề, trong đó có nguyên nhân của các cuộc xung đột vũ trang, các chính sách và chương trình cần phải thực hiện để có một nền hòa bình bền vững, và những việc mà các ngành và cộng đồng tự mình sẵn sàng đóng góp. Trên cơ sở các cuộc tham vấn đó, NUC soạn thảo các kiến nghị cho tiến trình hòa bình toàn diện[28].
Một trong những nguyên tắc của tiến trình hòa bình tổng quát là chúng tôi không theo đuổi việc “quy trách nhiệm hay đầu hàng, mà giữ phẩm giá cho tất cả các bên”. Đấy chưa phải là điều kiện đủ để chấm dứt, mà là những điều kiện cần để giải quyết xung đột[29]. “Hòa bình và phát triển phải luôn luôn song hành với nhau, phát triển bền vững trong khu vực bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột là ưu tiên[30]. Chúng tôi chỉ có thể phát triển bền vững như một quốc gia khi có “hòa bình và tiến bộ" trong tất cả các khu vực[31]. Năm 1993, tôi thành lập Văn phòng Cố vấn của Tổng thống về Tiến trình Hoà bình, với nhiệm vụ “giám sát việc thực hiện kế hoạch của NUC”. Năm 1994, tuyên bố đại xá cho các nhóm vũ trang đang chiến đấu chống lại chính phủ. Ủy ban Ân xá Quốc gia nhận được hơn 7.000 đơn xin ân xá, và nhiều người nổi dậy đang bị giam giữ đã được tha. Ba ủy ban hòa bình được thành lập để quản lí các tiến trình hòa bình với RAM, MNLF và Cộng sản[32].
Những cuộc đàm phán chính thức đầu tiên với Cộng sản được chính phủ Aquino tiến hành năm 1986, nhưng không thành công. Cuộc đàm phán được khởi động lại vào năm 1992, và Đảng Cộng sản được hợp pháp hóa vào năm 1993. Năm 1998, một loạt hiệp định đã được ký kết, nhưng sau năm 2001, không tiến triển thêm được nữa[33].
Sau chín âm mưu đảo chính chống lại chính phủ Aquino, đàm phán với RAM bắt đầu vào năm 1992 với một thỏa thuận sơ bộ là “chấm dứt hành động thù nghịch”[34]. Tháng 5 năm 1995, kí thỏa thuận với các lực lượng trung thành với Marcos, gọi là ALTAS[35]. Thỏa thuận Tổng quát về Hòa bình được kí vào tháng 5 năm 1995. Thỏa thuận hòa bình với MNLF được kí vào tháng 9 năm 1996, sau hàng chục năm đánh nhau và bạo loạn[36]. Sư ủng hộ của quốc tế đối với các cuộc đàm phán với các MNLF bắt đầu từ những năm 1970, trong đó Tổ chức Hội nghị Hồi giáo có vai trò quan trọng[37]. Hiệp định hoà bình năm 1996 lập ra Hội đồng Nam Philippines vì ​​Hòa bình và Phát triển, đứng đầu là nhà lãnh đạo MNLF, Nur Misuari, có trách nhiệm giám sát các dự án phát triển[38]. Hiệp định này công nhận quyền tự chủ của khu vực, tiến hành đại xá, và đưa các chiến binh được huấn luyện vào các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia[39].
Khi tôi làm tổng thống, có một sự cố đáng chú ý. Chúng tôi tiến hành cuộc vận động ở Mindanao để quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận hòa bình mà chúng tôi kí với MNLF. Thỏa thuận này phải được thông qua, và cuối cùng đã được thông qua. Nhưng trong giai đoạn chúng tôi đang vận động, thì một trong những quan chức hàng đầu của Mỹ, người đứng đầu USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ) đi cùng với tôi. Đại sứ Mỹ ở Philippines đi trong xe sau. Các Kitô hữu ở Mindanao rất giận tôi. Họ không muốn thỏa thuận này vì, theo họ, nó sẽ làm cho vai trò của họ yếu đi; nói thế là không đúng. Nhưng họ phản đối và vì vậy họ tổ chức một cuộc biểu tình lớn, dọc theo con đường từ sân bay đến thành phố Santos, có lẽ dài 5 km. Tôi thò đầu ra khỏi xe. Tôi không náu trong xe. Tôi nhìn ra đằng trước và họ tìm cách đánh tôi, vì vậy tôi tìm cách đánh lại họ. Rồi họ ném cà chua vào tôi. Được thôi. Ném cà chua, chứ đừng ném lựu đạn. Đó là một trong những tình huống khó khăn nhất trong nhiệm kì của tôi, thỏa thuận hòa bình ở Mindanao, nhưng chúng tôi đã thành công. “Bài học mà tôi học được là, trong bất kì cố gắng nhằm lập lại hòa bình nào thì người lãnh đạo cũng phải tập trung vào tầm nhìn xa. . . tầm nhìn chiến lược về hòa bình và phát triển. . . và không để cho những áp lực mang tính chiến thuật của kẻ thù của tiến trình hòa bình lôi kéo vào những hành động trái ngược nhau[40].
Triết gia Trung Quốc, Tôn Tử, nói: “Không đánh mà thắng là tốt nhất”, tôi đồng ý với ông. Tôi hiểu đánh nhau nghĩa là gì, nhưng “đối đầu mang tính bạo lực phải là lựa chọn cuối cùng của một tổng thống dân chủ”. Trong chế độ dân chủ, chúng tôi phải tìm kết quả “cùng thắng” trong bất kì cuộc đàm phán nào. Kết quả “cùng thắng” có xu hướng “tự thi hành”, không bị phía cho là mình bị lừa tìm cách phá hoại[41].
Năm 1994, Philippines - cùng với Brunei, Indonesia, và Malaysia - thành lập Khu vực Phát triển Đông ASEAN (BIMP-EAGA) nhằm tăng tốc phát triển kinh tế ở những khu vực tiếp giáp của chúng tôi, ở Philippines có Mindanao. Hợp tác trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, đánh cá, du lịch, vận tải, và năng lượng với mục đích bổ sung và tăng trưởng là một phần của kế hoạch phát triển Mindanao, như vậy là, củng cố thêm tiến trình hòa bình bằng cách nâng và trao quyền cho khu vực. BIMP-EAGA là một phần của “cổ tức hòa bình” mà Mindanao được hưởng[42].
Quân đội có chấp nhận thỏa thuận hòa bình với những người nổi dậy?
Trên thực tế, quân đội hợp tác hoàn toàn. Họ thực hiện các chính sách của chính phủ.
Những mốc chính
Năm 1521: Nhà thám hiểm Tây Ban Nha, Ferdinand Magellan tới Philippines và bị giết trong trận chiến với Datu Lapu-Lapu ở Mactan.
Từ năm 1565 tới năm 1898: Thuộc địa của Tây Ban Nha. Nước này được gọi là Las Islas Filipinas theo tên vua Felipe II của Tây Ban Nha.
Tháng 8 năm 1896: Các cuộc nổi dậy chống chính quyền thực dân Tây Ban Nha bắt đầu.
Tháng 12 năm 1896: Tiểu thuyết gia nổi tiếng, học giả, bác sĩ và nhà hoạt động chính trị Jose Rizal bị Tây Ban Nha hành quyết.
Tháng 12 năm 1898: Tây Ban Nha nhường Philippines cho Hoa Kỳ sau khi diễn ra cuộc chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Những chiến sĩ chiến đấu cho nền độc lập của Philippines, do Tổng thống Emilio Aguinaldo lãnh đạo, tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang nhằm chống lại quân chiếm đóng Mỹ. Hơn hơn 4.000 lính Mỹ và hơn 12.000 binh sĩ Quân đội Cộng hòa Philippines bị giết, ít nhất 200.000 thường dân Philippines đã thiệt mạng.
Tháng 3 năm 1901: Aguinaldo bị bắt.
Tháng 7 năm 1901: William Howard Taft, sau này trở thành tổng thống Mỹ, là thống đốc dân sự đầu tiên sau khi Hoa Kỳ củng cố được quyền kiểm soát Philippines.
Tháng 9 năm 1935: Sau gần 30 năm tiến hành các cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp, những cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức theo luật lệ của Mỹ, tạo điều kiện duy trì hệ thống lưỡng đảng, mặc dù nạn tham nhũng thường xuyên khuấy đảo đất nước này.
Tháng 7 năm 1946: Philippines giành được độc lập từ tay Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ vẫn giữ được các ưu quyền trong lĩnh vực kinh doanh và một số căn cứ quân sự ở nước này.
Tháng 11 năm 1965: Ferdinand Marcos được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử khá tự do. Ông ta bổ nhiệm các thành viên gia đình và bạn bè vào các chức vụ trong quân đội và chính phủ, đưa các phe phái khác ra khỏi quyền lực, và gây ra những khoản nợ quốc gia lớn vì những dự án được ông ta bảo trợ.
Tháng 3 năm 1969: Đảng Cộng sản Philippines (CPP) thành lập cánh quân sự cánh tả với sự hỗ trợ bí mật của các nhóm đối lập khác. Cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Moro (MNLF) li khai, đây là lực lượng nổi loạn quan trọng.
Tháng 11 năm 1969: Marcos tái đắc cử trong cuộc bầu cử đầy gian lận, mua phiếu, dùng quân đội đe dọa phe đối lập.
Tháng 8 năm 1971: Marcos đình chỉ habeas corpus (quy định phải đem người bị bắt ra toà để xem nhà nước có quyền giam giữ người ấy hay không - ND) sau vụ nổ bom tại một một cuộc biểu tình của phe đối lập. Thượng nghị sĩ Benigno Aquino Jr, xuất thân từ một gia đình quan trọng ở Philippines, trở thành người thường xuyên phê phán Marcos.
Tháng 9 năm 1972: Marcos tuyên bố thiết quân luật và bắt giam Aquino và một số người khác. Ông ta áp lực, buộc các gia đình bán các công ty cho bạn bè của mình và thay đổi các quy định để làm lợi cho các đồng minh của ông ta. Ông bổ nhiệm các nhà kĩ trị và gia tăng quyền của các chủ đầu tư, được chính phủ Mỹ ca ngợi và cấp viện.
Tháng 11 năm 1972: nhờ hối lộ và tống tiền, Marcos thành lập được hội nghị lập hiến (triệu tập trước khi ban hành thiết quân luật) để thay thế quốc hội trong hệ thống đại nghị với nhiệm kì vô giới hạn. Quốc hội giải tán mà không tổ chức cuộc bầu cử mới.
Tháng 4 năm 1978: Bầu cử quốc hội, phe đối lập thua nặng vì quá nhiều gian lận và bạo lực; nhiều người tẩy chay, nhưng Aquino thành lập liên minh khu vực với CPP. Một ngày trước khi bỏ phiếu, phe đối lập tổ chức phản đối bằng “chướng ngại vật ồn ào”.
Tháng 10 năm 1980: Nhóm được Aquino hậu thuẫn đánh bom hội nghị du lịch của Mỹ ở Manila, thu hút sự chú ý của công luận. Marcos đồng ý đàm phán qua trung gian với Aquino và cam kết chấm dứt thiết quân luật và tổ chức bầu cử, phe đối lập tẩy chay vì thủ tục bỏ phiếu không công bằng. Các nhóm chiến binh bị bắt giữ vài tháng sau đó.
Tháng 1 năm 1981: Chính quyền mới của tổng thống Ronald Reagan bắt đầu quấy rối những người lưu vong đang sống ở Mỹ, ít chú ý tới những vụ lạm dụng nhân quyền, và chống lại áp lực đòi cắt giảm viện trợ cho chế độ của Marcos.
Tháng 8 năm 1981: Marcos bổ nhiệm một đồng minh là Fabian Ver làm người đứng đầu quân đội. Ver đụng độ với các tướng Juan Ponce Enrile và Fidel Ramos, những người được coi là chuyên nghiệp hơn và độc lập hơn.
Tháng 2 năm 1983: Hội nghị các vị Giám mục Công giáo, do Đức Hồng Y Jaime Sin lãnh đạo, kêu gọi chế độ dân chủ.
Tháng 8 năm 1983: Aquino về nước sau thời gian sống lưu vong. Khi đang bước ra khỏi máy bay, ông bị nhân viên an ninh của chính phủ ám sát. Những cuộc biểu tình bùng nổ, được các tầng lớp trung lưu, các doanh nghiệp và Giáo hội ủng hộ. Vợ góa của Aquino, bà Corazon "Cory" Cojuangco Aquino, trở thành người lãnh đạo các cuộc biểu tình. Ngân hàng Thế giới cắt các khoản vay dành cho chính phủ vì tình trạng bất ổn, buộc chính phủ phải hạn chế nhập khẩu và kinh doanh tiền tệ.
Tháng 5 năm 1984: Cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp được tổ chức. Phe đối lập không cộng sản tham gia và giành được nhiều ghế trong khu vực đô thị và trong những khu vực quê hương của các nhà lãnh đạo, mặc dù đã xảy ra gian lận và bạo lực.
Tháng 10 năm 1984: Cuộc điều tra của chính phủ về cái chết của ông Aquino cáo buộc Ver là người lãnh đạo vụ mưu sát.
Tháng 1 năm 1985: Được Bộ Ngoại giao và CIA khuyến cáo mạnh mẽ, cuối cùng, Reagan đã kêu gọi Marcos loại bỏ những biện pháp kiểm soát kinh tế, bổ nhiệm người kế vị, và trừng phạt Ver.
Tháng 3 năm 1985: Các sĩ quan liên minh với Enrile và các lực lượng an ninh, được Mỹ ngấm ngầm ủng hộ, thành lập Phong trào cải cách các Lực lượng Vũ trang (RAM) để chống lại Marcos và Ver.
Tháng 11 năm 1985: Trên truyền hình Mỹ, Marcos kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống, được xã hội dân sự và báo chí nước ngoài theo dõi. Phe đối lập ủng hộ Aquino làm tổng thống.
Tháng 2 năm 1986: Phong trào toàn dân theo dõi cuộc bầu cử tự do (NAMFREL) tuyên bố Cory Aquino đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng ủy ban bầu cử lại nói Marcos thắng; các nhà quan sát ở Mỹ, Giáo hội, và các nhân viên ủy ban bầu cử tuyên bố phủ nhận kết quả chính thức. Chính phủ phát hiện âm mưu đảo chính của RAM, Enrile và Ramos chạy trốn tới doanh trại quân đội trên phố Epifanio de los Santos Avenue (EDSA) và ủng hộ Cory Aquino. Cory cùng với Giáo hội và phương tiện truyền thông huy động các cuộc biểu tình gọi là “quyền lực của nhân dân”. Những người biểu tình bao vây các doanh trại để giúp đỡ, chiếm các vị trí chủ chốt, và thề coi Cory là tổng thống. Hoa Kỳ chấm dứt ủng hộ Marcos, ông này chạy trốn bằng máy bay Mỹ và được đưa đến Hawaii. Vừa làm ổng thống, Cory liền bổ nhiệm nội các, trong đó có Enrile và Ramos. Bà đưa các nhà lãnh đạo CPP ra khỏi nhà tù, và đưa một số người vào nội các, mặc cho phản đối của tình báo Mỹ, bà còn lập ủy ban về vi phạm nhân quyền và tài sản bất hợp pháp, giải tán quốc hội và xóa bỏ hiến pháp thời Marcos.
Tháng 7 năm 1986: Các đồng minh của Marcos dự định đảo chính. RAM, tức giận vì chẳng có mấy ảnh hưởng và những cuộc đàm phán với CPP, ngấm ngầm hỗ trợ kế hoạch đảo chính. Các đồng minh của Marcos sau này còn tìm cách tiến hành ba cuộc đảo chính nữa.
Tháng 11 năm 1986: Sau khi Cory Aquino giao nhiệm vụ theo dõi chính sách quân sự, Ramos đã ngăn chặn được các kế hoạch của RAM, Enrile rời bỏ nội các. Sau đó RAM còn tìm cách tổ chức thêm hai cuộc đảo chính nữa.
Tháng 2 năm 1987: Cử tri thông qua bản hiến pháp được Cory Aquino ủng hộ. Bản hiến pháp này tạo ra hệ thống tổng thống nhất thể và quyền tự trị của các khu vực và hạn chế vai trò của quân đội trong những vấn đề an ninh nội bộ và chính trị.
Tháng 5 năm 1987: Các đồng minh của Aquino giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp. Các đảng được Marcos, Enrile, và CPP ủng hộ thu được ít phiếu bầu. Vẫn còn gian lận và bạo lực, nhưng mức độ thấp hơn hẳn.
Tháng 9 năm 1991: Thượng viện Philippines bỏ phiếu không cho Mỹ tiếp tục giữ các căn cứ quân sự ở Philippines.
Tháng 5 năm 1992: Fidel Ramos, người kế nhiệm được Cory Aquino chỉ định, thắng sít sao chức tổng thống, với 24% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử với bảy ứng viên.
Tháng 9 năm 1996: Ramos kí thỏa thuận hòa bình với MNLF. Những nhóm đã tách ra, trong đó có Mặt trận Giải phóng Hồi giáo-Moro (MILF), tiếp tục tồn tại.
Tháng 9 năm 1997: Ramos kêu gọi thành lập hệ thống chính phủ đại nghị. Những người phản đối phản bác đề nghị này vì nó hủy bỏ giới hạn nhiệm kì cầm quyền, đề nghị này bị coi là vi hiến và bị thu hồi.
Tháng 5 năm 1998: Phó tổng thống và diễn viên điện ảnh, Joseph Estrada, được bầu làm tổng thống với cách biệt khá lớn. Ramos và các nhóm tinh hóa khác coi Estrada là một người dân túy nguy hiểm và chống lại ông ta.
Tháng 1 năm 2001: Những cuộc biểu tình phản đối Estrada bắt đầu, các đồng minh của ông ta ở Thượng viện cản trở cuộc điều tra tham nhũng. Cory Aquino, Sin và Ramos kêu gọi Estrada từ chức và nhiều người trong lực lượng an ninh tham gia phong trào. Phó Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo nhậm chức tổng thống. Estrada từ chức, nhưng gọi vụ lật đổ ông ta là bất hợp pháp.
Tháng 5 năm 2004: Macapagal-Arroyo được bầu lại làm tổng thống, với nhiệm kì kéo dài đúng 6 năm. Xuất hiện các cáo buộc về việc mua phiếu, nhưng tất cả các nỗ lực nhằm luận tội bà ở quốc hội đều thất bại.
Tháng 10 năm 2008: Đàm phán hòa bình với MILP thất bại khi tòa án tối cao chặn đứng thỏa thuận về quyền tự chủ, khẳng định rằng cam kết sửa đổi hiến pháp của chính phủ là bất hợp pháp.
May 2010: Benigno “Noynoy” Aquino III, con trai của Benigno Jr. và Cory Aquino, được bầu làm tổng thống. Macapagal-Arroyo bổ nhiệm các quan tòa ở những giây phút cuối cùng, mà sau này bị coi là vi hiến pháp.
Tháng 11 năm 2011: Macapagal-Arroyo bị bắt giữ vì tội tham nhũng và gian lận trong bầu cử; quá trình luận tội bộ trưởng tư pháp do bà bổ nhiệm bắt đầu, kết quả là ông này bị cách chức.
Tháng 10 năm 2012: MILF và chính phủ Noynoy kí thỏa thuận hòa bình.
Sách tham khảo
Ramos, Fidel V. Empowering the People, vol. 2, Bulletin of FVR Sermons. Manila: Ramos
Peace and Development Foundation and the Manila Bulletin, 2008.
———. SONA, vol. 6, Bulletin of FVR Sermons. Manila: Manila Bulletin Publication, 2011.
———. Towards Our Better Future: Seize the Opportunities. Manila: Ramos Peace and Development Foundation, 2012.
Velasco, Melandrew T. 10 Years of RPDEV: Teamwork for Enduring Peace and Sustainable
Development. Manila: Ramos Peace and Development Foundation, 2010.
Velasco, Melandrew T., Rafael M. Alunan III, and Reynaldo V. Velasco. Silver Linings: 25 Years of the 1986 EDSA People Power Revolution. Manila: Ramos Peace and Development Foundation and Media Touchstone Ventures, 2012.
Đọc thêm
Abinales, Patricio N., and Donna J. Amoroso. “The Withering of Philippine Democracy.” Current History 105, no. 692 (2006): 290-95.
Anderson, Benedict. “Cacique Democracy and the Philippines: Origins and Dreams.” New Left Review 1, no. 169 (1988): 3-31.
Bonner, Raymond. Waltzing with a Dictator: The Marcoses and the Making of American Policy. New York: Vintage, 1988.
Clarke, Gerald. The Politics of NGOs in South-East Asia: Participation and Protest in the Philippines. London: Routledge, 1998.
Franco, Jennifer C. Elections and Democratization in the Philippines. New York: Routledge, 2001.
Hedman, Eva-Lotta E. “The Spectre of Populism in Philippine Politics and Society: Artista, Masa, Eraption!” South East Asia Research 9, no. 1 (2001): 5–44.
Hernandez, Carolina G., and Maria Cecilia T. Ubarra. Restoring and Strengthening Civilian Control: Best Practices in Civil-Military Relationships in the Philippines. Quezon City, Philippines: Institute for Strategic and Development Studies and National Democratic Institute, 1999.
Hutchcroft, Paul D. “Refl ections on a Reverse Image: South Korea under Park Jung Hee and the Philippines under Ferdinand Marcos.” In The Park Chung Hee Era: The Transformation of South Korea, edited by Byung-Kook Kim and Ezra F. Vogel. Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 2011.
Miranda, Felipe B., Temario C. Rivera, Malaya C. Ronas, and Ronald D. Holmes. Chasing the Wind: Assessing Philippine Democracy. Quezon City: Philippine Commission on Human Rights and United Nations Development Programme, 2011.
Paredes, Ruby R. Philippine Colonial Democracy. New Haven, Conn.: Yale University Southeast Asian Studies, 1989.
Putzel, James. “Survival of an Imperfect Democracy in the Philippines.” Democratization 6, no. 1 (1999): 198–223.
Quimpo, Nathan Gilbert. “Oligarchic Patrimonialism, Bossism, Electoral Clientelism, and Contested Democracy in the Philippines.” Comparative Politics 37, no. 2 (2005): 229–50.
Riedinger, Jeff rey M. Agrarian Reform in the Philippines: Democratic Transitions and Redistributive Reform. Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1995.
Rufo, Aries C. Altar of Secrets: Sex, Politics and Money in the Philippine Catholic Church. Manila: Journalism for Nation Building Foundation, 2013.
Sheridan, Greg. “‘Steady Eddie’ Ramos: People Power Mark II.” In Tigers: Leaders of the New Asia-Pacifi c, edited by Greg Sheridan. St. Leonard’s, N.S.W.: Allen & Unwin, 1997.
Staniland, Martin. “The Philippines: The Fall of Ferdinand C. Marcos, 1985–1986.” In Falling Friends: The United States and Regime Change Abroad, edited by Martin Staniland. Boulder, Colo.: Westview, 1991.
Teehankee, Julio C. “Electoral Politics in the Philippines.” In Electoral Politics in Southeast and East Asia, edited by Aurel Croissant, Gabriele Bruns, and Merei John, 149-202. Singapore: Friedrich Ebert Stiftung, 2002.
Thompson, Mark R. The Anti-Marcos Struggle: Personalistic Rule and Democratic Transition in the Philippines. New Haven, Conn.: Yale University Press, 1995.
Thompson, W. Scott, and Federico M. Macaranas. Democracy and Discipline: Fidel V. Ramos and His Philippine Presidency. Manila: University of Santo Tomas, 2007.
Youngblood, Robert L. Marcos against the Church: Economic Development and Political Repression in the Philippines. Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1990.

[1] Ramos (2012, 23).
[2] Thượng dẫn.
[3] Ramos (2011, 50).
[4]Ramos (2012, 59).
[5] Velasco (2012, 183–85).
[6] Ramos (2012, 25).
[7] Velasco (2012, 182).
[8] Ramos (2008, 114).
[9] Ramos (2012, 12).
[10] Thượng dẫn.
[11] Ramos (2008, 116).
[12] Ramos (2012, 46).
[13] Ramos (2011, 53).
[14] Velasco (2010, 103).
[15] Velasco (2012, 293).
[16] Ramos (2011, 112).
[17]Thượng dẫn, 115.
[18] Thượng dẫn, 54.
[19] Thượng dẫn,., 115.
[20] Thượng dẫn, 17.
[21] Velasco (2012, 291).
[22] Ramos (2011, 114).
[23] Thượng dẫn, 65.
[24] Thượng dẫn, 55.
[25] Velasco (2010, 76).
[26]Ramos (2012, 41).
[27] Velasco (2010, 76–77).
[28] Ramos (2008, 145–46).
[29] Velasco (2010, 76–77).
[30] Thượng dẫn, 91.
[31] Ramos (2011, 49).
[32] Velasco (2010, 76–78).
[33] Ramos (2008, 149).
[34] Thượng dẫn, 147.
[35] Thượng dẫn,
[36] Ramos (2012, 41).
[37] Ramos (2008, 142).
[38] Velasco (2012, 266).
[39] Thượng dẫn, 83.
[40] Velasco (2010, 84).
[41] Ramos (2012, 29).
[42]Velasco (2012, 283–84).